Thông tin tiện ích  

   

Tin Nhắn

sondung: Xin lỗi Thầy Cô em đi hoang lâu giờ mới trở về thăm lại trường xưa. Em hứa từ nay sẽ không đi xa nữa.
sondung: Chào Thầy Cô! Em mới gởi bài viết: TRÙNG DƯƠNG HỘI NGỘ vào trang văn, nhờ Thầy Cô giúp em gởi Video và hình ảnh vào trang của bài, em không biết cách gởi hình vào ạ! Cám ơn Thầy Cô!
sondung: Chào Thầy Cô
Thanha: Thầy cô chúc Gia đình Thắng Nhung năm mới nhiều sức khỏe , vui vẻ, hạnh phúc
Thanha: Thầy cô cám ơn quá Giáng Sinh và Năm Mới của gia đình Thắng Nhung gửi vừa kịp lúc cả nhà đông đủ.Vui lắm Nhung ơi!Bánh Tét tuyệt vời! ...ngon quá đi ăn bánh nhớ má
Thanha: Thành thật chia buồn cùng gia đình và tang quyến về sự mất mát này Cụ bà thọ 93 tuổi.Cám ơn em về bài hát "Mợ tôi"
dpham66: Mẹ Minh Đức mới vừa qua đời. Bà thọ 93 tuổi. MĐ mới đăng bài hát về mẹ "Mợ Tôi". Xin mời thầy cô và các bạn vào xem... Tears!
Thanha: Chào Thanh Cẩm, thầy cô rất vui mừng gặp lại em.Chúc em nhiều sức khỏe và niềm vui khi trở về maitruongxuath.org
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em! Lâu nay em biệt tích, thật là có lỗi với mọi người! Giờ viết tin nhắn tính bấm “nhập” để xuống dòng, rồi chữ biến mất nên viết lại, thành ra chào hai ba lần!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô!
Thanha: TC chao dang cao, em và gia dinh khỏe ? lâu quá mới thấy em ghé thăm trường xưa. Hân hạnh đón tiếp.
dang cao: Chào TC
TÚ VĨNH: Kính chào thầy cô và các bạn. Chúc MTX một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Thanha: Thầy cô cám ơn hai em Thắng Nhung về những chiếc bánh chưng và bánh tét tình nghĩa đã gởi đến thầy cô nhân mùa Giáng Sinh-Năm Mới. Chúc gia đình hai em một mùa Giáng Sinh An bình và năm mới thành đạt.
Thanha: Cầu xin cho tất cả mọi người bình an qua mùa Covid. Năm nay buồn quá hả Thảo?. TC ở nhà suốt không dám đi đâu trừ lúc đi chợ và chạy xe đạp vô rừng.
Thanh Thảo: Em cám ơn TC nhiều ạ . Em cũng đang nghĩ cho cách này . Em sẽ cố gắng . Năm nay 2020 trọn năm bị Covid nên tháng 12 này ko bận làm bánh cho nhà Thờ và hãng TC ơi .
Thanha: TC đã đưa hình lên rồi. Em đừng ngại trong việc đưa hình, cứ viết bài TC sẽ đưa hình giúp. Cám ơn em.
Thanha: Vậy khi nào rảnh em viết bài và lên hình nhé.Thầy cô chúc em thành công.
Thanh Thảo: Nhưng chưa biết cách đưa hình vào như thế nào ? Bắt đầu tùn tới này em bận cho đến cuối tháng 12 về làm bánh . Em cám ơn TC đã sưu tầm được trang up hình này .
Thanh Thảo: Em đã sign in vào Imgur rồi TC ơi !
Thanha: Thầy Cô chỉ các em muốn post hình ảnh cá nhân vào MTX, các em hãy up vào Imgur rồi copy qua như trước đây đối với Flickr hoặc Photobucket. Bởi vì Imgur tiện lợi hơn, không cần có tài khoản và không giới hạn dung lượng.
Thanha: Kinh Thần Nông còn có bài "Trung uy nuôi tôm" tác giả Phương Toàn.
Thanha: Mời các em nghe đọc truyện người thật việc thật, người viết ở kinh Thần nông (kinh 5) .
Thanha: Đã có video buổi họp mặt ngày 8/6 tại trường mới C3 Tân Hiệp, do đài phát thanh truyển hình địa phương Tân Hiệp quay.
Thanha: Cám ơn Minh Châu đã báo cáo quĩ tới ngày 20/3/2019. Còn 3 tuần nữa chúng ta có kỳ họp vào ngày 8/6. Minh Châu kiểm tra tài khoản thường xuyên và báo cáo kịp thời lên quĩ những mạnh thường quân ủng hộ cho kỳ họp mặt này. Cám ơn em.
Thanh Thảo: Dạ Thầy Cô . Sau chuyến du lịch VN lần này , Nancy nói với mẹ : < VN đẹp quá ! Mai mốt đi làm có tiền , con sẽ về một mình ! > . Vậy là vui rồi TC ơi . Một đứa trẻ sanh ra ở Mỹ . Khi theo Mẹ về thăm quê hương mà khen được VN rất đẹp là quá tốt rồi . Chỉ sợ dẫn chúng về , nó chê ko bao giờ trở lại nữa thì nguy .
Thanha: Nancy thích lắm đây, TC không muốn vào bài comment để bài Thanh Thảo cuối cùng các bạn vào xem cho dễ.
Thanha: Chào Thanh Thảo,đọc bài du lịch miền Trung thích lắm, hy vọng tháng 6 nầy về họp mặt sẽ có dịp ra nơi ây.
Trieu Nguyen: Em kính chào thầy cô! Em cảm ơn thầy cô đã luôn chú ý và động viên em.
Thanha: Chào em Trieu Nguyen sau, thời gian vắng bóng trở lại trường xưa với ngòi bút điêu luyện hơn, văn hay chữ tốt hơn đem lại sinh khí mới với luồng gió cũ kỷ đong đầy kỷ niệm một thời khốn khó miền Cái Sắn. Cám ơn sự trở lại của em, trường xưa cảm thấy ấm áp hơn.
caonguyen: Chúc Út Sao và gia đình giáng sinh vui
vẻ
sondung: Dạ! Thưa Thầy Cô . Hôm giờ mấy cháu Vy Ngọc bận việc quá nên chưa làm clip video được , em thì mò hoài mà chưa vô phim được ,em có nhắn tin nhờ Thầy lúc nào rảnh đưa vô dùm vì những đoạn phim đó em giở qua phone của Thầy đó . Kính
Thanha: Chào Sondung, Phim em quay cho TC nhờ bé Vy đưa vào Youtube, sau đó chuyển link vào nội dung MTX như một bài viết,, để minh họa cho hai bài thơ trên. Thơ hay lắm sondung ạ. Cám ơn hai em.
sondung: Dạ chúng em cám ơn Thầy Cô đã tìm giúp , chúng em sẽ xin hoàn thành công việc ạ !

Để gửi tin nhắn xin hãy đăng nhập.
   
   

Trang web hiện có:
12 khách & 1 thành viên trực tuyến

   
Chào Khách quý
Tên đăng nhập: Mật mã: Tự động đăng nhập

Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
  • Trang:
  • 1
  • 2

NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:

└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 11 năm, 10 tháng #2330

Gởi anh Phương!!..
Làm sao có thể biết được trong đầu mỗi người đang nghĩ gì ??
Đúng không anh,
khi đọc chuyện ma anh kể em hình dung được bối cảnh đó, vì em cũng đã từng ở trong kinh mà .. đêm xuống ghê lắm.. và nhất là gặp ma ..ý ẹ..
Nhưng khi em đọc đến đoạn Má anh cuống cuồn khi tìm anh, những cử chỉ yêu thương dành cho anh, em cảm nhận được...Đọc tới đó ma cỏ bổng tan biến mất mà chỉ còn trong em hình ảnh của Má anh yêu thương con trai mình... em hiễu điều đó, vì em bây giờ cũng là mẹ có hai con trai em thương chúng nó nhiều lắm không gì so được anh àh,
Em trân trọng và quý Má anh đó, về thăm Bác thường nha anh.
Em cầu chúc Má anh sức khõe và bình an
Bây giờ, chắc anh đã hiễu.... phần thưởng không thuộc về anh
Nhưng cám ơn anh cho em và mọi người câu chuyện hồi hộp nhưng có nhiều cảm xúc.


MC
SG.10.7.12

└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 11 năm, 10 tháng #2333

Đọc chuyện ma của NP thấy thích vô cùng, vừa thấy được ma, lại vừa hiểu thêm được cách sinh hoạt , lao động của nông đân vùng sông nước ( dẫu tôi cũng từng biết qua, nhưng vẫn thích như thường, vì nó gợi nhớ!)
Ngày xưa tôi rất mê Nhà Văn Sơn Nam , ông là người hiểu và viết rất hay về miền Tây Nam Bộ...NP làm tôi nhớ đến ông ấy( ông từ Trần năm 2008)!

BS.10.7.12

└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 11 năm, 10 tháng #2334

Cảm ơn Minh Châu và Băng Sơn đã đọc truyện của mình!
Minh Châu ơi, má anh đã mất hơn ba năm nay rồi! Bà cụ thọ 84 tuổi.Ba anh mất sớm, cả tuổi thơ của anh chỉ gắn bó bên người mẹ đầy đức hy sinh này.

└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 11 năm, 10 tháng #2336

CÂY Ô MÔI RÙNG RỢN
NGUYỄN PHƯƠNG

Người ta nói ma quỷ thường trú ngụ ở những gốc cây cổ thụ. Không biết có đúng không, chứ câu chuyện rùng rợn mà tôi sắp kể ra đây cũng lại là một câu chuyện xảy ra ở dưới một gốc cây to.
Kinh Đông Bình, nơi mà tôi ở từ ngày còn thơ ấu, không giống bất kỳ kinh nào khác ở Tân Hiệp là đường đi không ra thẳng ngoài quốc lộ mà khi ra gần đầu kinh lại quẹo trái chín mươi độ đi một đoạn ngắn đến Cầu Đình thì lại quẹo phải chín mươi độ qua con sông nhỏ rồi vào chợ Thị Trấn Tân Hiệp mới ra quốc lộ được. Kinh này được xem là kinh Phật giáo, hồi đó đường đi cũng không được khang trang như các kinh khác. Hầu hết các kinh ở Tân Hiệp, người dân đều theo đạo Thiên Chúa, dưới sự tổ chức chặt chẽ của các Cha nên dân họ đồng lòng và tự giác đứng ra làm đường. Vì vậy mà việc đi lại của các kinh khác ở Tân Hiệp cũng thuận tiện hơn kinh Đông Bình.
Ở trong kinh Đông Bình, hồi đó có cây ô môi rất to, rất nhiều trái ở trước nhà bà cụ Lý Hát, gần đầu kinh. Các bạn biết cây ô môi không? Đây là một cây dạng cổ thụ có tán rộng. Trái hình ống tròn, dài khoảng từ ba đến bốn tấc, có trái dài hơn năm tấc, khi chín vỏ rất cứng có màu đen. Hồi còn bé, tôi nhớ người ta có bán trái cây này cho trẻ con ăn. Người ta róc vỏ cứng hai bên, để lộ ra những lát mỏng tròn xoe cách đều nhau trong cái trái hình ống đó, chỉ để lại phần vỏ cứng một ít đủ để giữ cho các lát mỏng đó không bị rớt ra khỏi vỏ. Khi ăn, ta gỡ nhẹ các lát mỏng đó ra, rồi mút lấy phần chất sền sệt màu đen như nhựa đường dính ở bên ngoài các lát đó. Vị của nó ngòn ngọt, chan chát, có mùi là lạ, trẻ con rất thích. Ăn vào môi miệng tèm lem, đen thùi lùi. Có lẽ chính vì vậy mà người ta đặt tên là cây Ô MÔI (ăn vào thì đen môi).
Nhà cụ Lý Hát gần chiếc cầu gỗ cuối cùng qua sông. Tôi nói cuối cùng là vì nếu không qua sông bằng cây cầu này thì không còn cây cầu nào khác để ra chợ nữa. Bên phía nhà tôi không có đường thẳng ra quốc lộ cho nên bắt buộc phải qua sông bằng cây cầu này. Nhà cụ Lý chỉ có ông bà cụ già ở nhà. Vắng hoe, không thấy có thêm người nào nữa, kể cả trẻ con cũng không thấy. Tôi chỉ thấy ông bà cụ thui thủi một mình.
Có lần, tôi và ba thằng bạn trong xóm đi học về sớm ngang qua đây, thấy nhà vắng hoe, nhìn lên cây thấy nhiều trái quá, chúng tôi dừng lại bảo một thằng trèo lên hái quăng xuống cho chúng tôi ở dưới chụp. Vừa chụp được vài trái, bất ngờ ông cụ từ trong nhà đi ra phát hiện ba đứa chúng tôi đang ôm những trái ô môi mới chụp được, còn thằng kia núp trên cây luôn không dám trèo xuống nữa. Mặt lạnh như tiền nhưng trông có vẻ không giận dữ, ông ôn tồn nói:
- Các cháu mới bẻ ô môi của ông phải không? Đem hết vào trong nhà cho ông.
- Dạ, còn một đứa ở trên cây nữa ạ. – Một thằng nhanh nhảu khai ra.
Thế là ông cụ dẫn cả bốn đứa chúng tôi vào trong nhà. Mặt đứa nào đứa nấy xanh xám lo sợ. Nhưng ông cụ không rầy gì cả, ông dẫn bốn đứa chúng tôi ra phía sau nhà. Ở đấy, tôi thấy có vài đứa cũng trạc tuổi tôi đang làm một công việc rất lạ, tôi chưa thấy bao giờ. Chúng nó mỗi đứa cầm một cái sừng nai bỏ vào trong cái thau nước rồi dùng một cái bàn chải sắt, nói cho đúng thì không phải là cái bàn chải mà là một sợi dây cáp được cắt ra từng đoạn, một đầu đập bung ra tua tủa những sợi thép nhỏ có tác dụng như cái bàn chải cọ vào cái sừng nai đang đặt trong thau nước. Chúng tôi còn đang thắc mắc không biết ông cụ đưa chúng tôi đến đây để làm gì, thì ông cụ lên tiếng:
- Các cháu có muốn ăn ô môi không?
Chúng tôi ngơ ngác không biết ông cụ sẽ xử lý chúng tôi như thế nào nên không có thằng nào dám trả lời, ông cụ vào thẳng vấn đề luôn:
- Nếu muốn ăn thì các cháu cứ chà xát những cái sừng nai này cho đến khi nó trắng ra thì các cháu không những được ăn ô môi mà còn được tiền xài nữa.
Chúng tôi thở phào nhẹ nhõm. Vậy là ông cụ ông phạt mình, không chửi mình và nhất là sẽ không méc với má mình nữa. Thế thì yên tâm rồi. Nghe nói có tiền mà lại được ăn ô môi, chúng tôi đứa nào cũng thích. Nhìn mấy đứa kia làm cũng đơn giản, chúng tôi nghĩ phen này ngon ăn rồi. Tất cả đều gật đầu đồng ý. Ông cụ dẫn chúng tôi đến một cái nhà kho. Nơi đó chứa biết bao nhiêu là sừng nai. Ông cụ bảo chúng tôi lấy vài cái đem ra ngoài, rồi đưa cho chúng tôi mỗi đứa một cái sừng nai và một sợi cáp làm bàn chải, hướng dẫn chúng tôi cách làm, rồi ông cụ bảo:
- Nếu các cháu làm trắng như thế này – ông cụ lấy một cái đã làm xong giơ lên làm mẫu – thì mỗi cái ông sẽ cho các cháu năm đồng. Còn ăn ô môi thì muốn bao nhiêu cũng được, miễn là không được đem về.
Lúc đầu chúng tôi tưởng công việc đơn giản thôi, ai ngờ đâu vất vả quá. Chúng tôi chà xát đỏ cả tay lên mà cả tiếng đồng hồ vẫn chưa thấy trắng tí nào. Ông cụ đòi hỏi phải trắng như cái ngà voi ông mới chịu. Lỡ nhận lời rồi thì phải làm chứ biết làm sao. Nhưng dần dần chúng tôi cũng rút được kinh nghiệm làm mau hơn. Tuy nhiên, mỗi đứa mới làm trắng được có một cái thì đã mỏi nhừ cả tay, hai bàn tay phồng dộp cả lên. Ông cụ bảo:
- Thôi, muộn rồi, các cháu về đi. Ngày mai, cháu nào muốn làm thì cứ đến nhà ông. Đây, mỗi đứa năm đồng đây.
Ông cụ phát cho chúng tôi mỗi đứa năm đồng bạc cắc, nó không tròn xoe như các đồng khác mà nó quăn quăn, dợn sóng xung quanh đồng tiền. Chỉ có mệnh giá năm đồng mới có hình dạng như thế này thôi. Lần đầu tiên trong cuộc đời tôi nhận được đồng tiền do chính mình làm ra, tôi có cảm giác sung sướng vô cùng.
Trưa hôm đó, tôi về nhà kể cho má tôi nghe chuyện tôi đi chà sừng nai cho nhà bà cụ Lý Hát lãnh được tiền. Nhưng tôi giấu biệt chuyện bẻ ô môi trộm nhà cụ. Má tôi khen tôi:
- Còn biết chà sừng nai nữa cơ à? Thật không đó.
- Thật mà. Cụ ấy dạy cho tụi con làm. À, mà cụ ấy chà sừng nai để làm gì vậy má? Con thấy ở trong nhà cụ ấy có nhiều sừng nai lắm má ơi.
- Cụ ấy mua sừng nai về nhà rồi đem chà rửa thật sạch cho tróc hết những vỏ sừng ở bên ngoài, trắng như ngà voi, rồi đem nấu thành cao bán kiếm lời. Nhà cụ không có ai nên mướn trẻ con vào giúp việc đó mà.
Sau này tôi mới biết loại cao sừng nai rất quý và đắt tiền. Nó là loại thuốc bồi bổ gân cốt cho người già rất tốt.
Hôm sau, mấy thằng bạn ở xóm lại rủ tôi đến nhà cụ Lý Hát chà sừng nai nữa. Lần này, chúng tôi đi học tới năm giờ chiều mới tan, nên ghé chợ Tân Hiệp mua bánh mì ăn rồi về nhà cụ Lý chà sừng nai luôn, tối mới về nhà. Tôi cũng đã nói trước với má tôi cho bà khỏi chờ cơm rồi.
Chiều hôm đó, chúng tôi đến nhà cụ xin chà sừng nai nữa thì vẫn thấy có mấy đứa đang làm có vẻ chuyên nghiệp lắm. Ông cụ nhìn chúng tôi cười:
- Sao? Thích làm rồi hả? Liệu từ giờ đến tám giờ tối làm được một cái không? Ông chỉ cho làm tới tám giờ thôi, nếu không xong thì ngày mai làm tiếp.
Chúng tôi nhận lời rồi mỗi đứa nhận một cái sừng nai và một sợi cáp để chà cho nó sạch. Đứa nào đứa nấy mải miết dùng đoạn cáp có tua tủa những sợi thép cứng chà xát vào cái sừng nai sần sùi đầy góc cạnh làm sao cho bung ra hết phần vỏ đen bao phủ bên ngoài cái sừng cứng như khúc xương trâu có những chia nhọn hoắc. Tôi làm được một lúc thì đau tay quá. Những vết thương trên đôi bàn tay hôm qua do phải dùng sức để chà xát mạnh đã dộp lên những mụn nước nay lại vỡ ra gây cảm giác đau rát vô cùng. Thỉnh thoảng, tôi lại nhúng bàn tay vào nước lạnh cho bớt đau rát rồi mới làm tiếp. Đến lúc trời nhá nhem tối, ông cụ lấy ra cái đèn măng- xông, một loại đèn sáng như đèn điện mà chỉ xài bằng dầu lửa. Ông cụ sử dụng đèn này mới kiểm tra được mức độ sạch của sừng nai, chúng tôi không thể làm ẩu được. Một lúc sau thì mấy đứa làm cỏ vẻ chuyện nghiệp kia nhận tiền rồi đi về hết, nghe nói tụi nó làm suốt buổi chiều, mỗi đứa được tới năm cái sừng nai. Tôi nhìn cái sừng nai còn nham nhở của tôi mà ngao ngán. Ba thằng bạn của tôi, nó cũng làm hăng hơn tôi. Tôi vụng về quá, chắc tối nay làm không xong rồi. Nếu không xong, tôi cũng về, ngày mai làm tiếp chứ không ở lại một mình. Nhà ông bà cụ vắng quá. Bây giờ nhìn quanh chỉ có bốn đứa chúng tôi. Ông cụ chắc lên nhà trên hút thuốc lào rồi, bà cụ thì đã đi ngủ sớm. Chiếc đèn măng-xông vô tri giác treo trên trần nhà tỏa ánh sáng chói lòa xuống bốn đứa chúng tôi, lâu lâu lại đung đưa trước gió làm bóng của chúng tôi cứ nghiêng qua nghiêng lại như đang nhẩy múa. Không có một âm thanh nào ngoài tiếng chó sủa vu vơ và tiếng xoèn xoẹt, xoèn xoẹt của sợi cáp chà mạnh lên cái sừng nai. Chúng tôi vẫn mải miết làm.
- Các cháu làm xong chưa?
Ông cụ xuất hiện đột ngột làm chúng tôi giật mình, đồng loạt ngẩng lên.
- Gần tám giờ rưỡi rồi đấy các cháu. Nếu không xong thì để đó, mai làm.
- Cháu làm gần xong rồi, ông đợi cháu một chút – Một đứa năn nỉ ông cụ.
- Thôi được. Các cháu cứ làm cho xong hẳn một cái đi rồi hãy về.
Tôi thấy ba thằng bạn tôi mải miết làm rất hăng, còn tôi thì tay đau quá chỉ làm cầm chừng thôi. Đến gần chín giờ thì ba tụi nó làm xong, thấy cái sừng nai của tôi còn nham nhở, tụi nó xúm lại chà giúp một lúc thì xong luôn. Chúng tôi mỗi đứa cũng nhận được năm đồng, rồi ra về.
Từ nhà ông cụ ra ngoài ngõ cũng đi một đoạn khá xa. Chúng tôi vừa mới trong nhà đèn sáng trưng bước ra ngoài sân mắt chưa quen với bóng tối, cứ lò mò nối đuôi nhau mãi một lúc mới ra tới ngoài ngõ. Lúc ra tới hẳn ngoài đường thì cũng đã quen với bóng đêm nên cũng nhìn thấy đường đi. Vừa tới gốc cây ô môi, một đứa đề nghị:
- Chắc giờ này ông bà cụ đi ngủ rồi, không ra đây đâu. Mình trèo lên bẻ mấy trái ô môi mang về ăn.
Nói rồi, nó phân công cho tôi canh ông bà cụ, nếu thấy cụ bước ra thì báo động, còn hai thằng kia thì đứng ở dưới chụp, nó ở trên quăng xuống. Tất cả chúng tôi đều đồng ý với đề nghị của nó. Thế là chỉ một loáng, nó đã trèo lên tuốt trên cành cây cao. Bỗng một cơn gió lạnh buốt thấu xương thổi qua, tiếng lá cây xào xạc trên cành, tôi chợt thấy ớn lạnh, hết nhìn lên cành cây lại nhìn vào nhà xem ông cụ có bước ra hay không. Đường vẫn vắng tanh, không một bóng người, tôi sốt ruột sao không thấy nó quăng ô môi xuống. Một thằng ở dưới nói thì thào trong gió sợ ở trong nhà ông cụ đi ra:
- Mày đâu rồi? Bẻ được trái nào chưa?
Vẫn không có tiếng trả lời. Nhìn lên thấy những cành cây mờ mờ đung đưa mà chẳng biết nó ở cành cây nào cả. Tôi không nhìn vào trong nhà nữa mà chạy lại chỗ hai thằng kia cùng quan sát xem nó đang ở đâu trên cây ô môi này. Rồi gọi thật khẽ:
- Mày đang ở chỗ nào? Nếu bẻ không được thì xuống đi!
Trả lời tôi vẫn là tiếng xào xạc của cành cây đung đưa trong gió thôi. Tôi lại chạy về phía cổng để canh xem có ai ra không. Bỗng. Tùm. Một cái bóng từ trên cành cây rớt xuống sông:
- Cứu tao với tụi mày ơi! Ma xô tao xuống sông rồi!
Tôi hoảng hốt nhìn hai thằng ở dưới gốc cây xem nó có phản ứng gì không thì bỗng “Tùm, Tùm” nữa. Thì ra hai thằng kia cũng bị té xuống sông luôn. Lúc này thì phải cầu cứu người lớn thôi. Nghĩ vậy, tôi chạy vào nhà cụ Lý la lớn:
- Ông ơi! Mấy đứa bạn cháu té xuống sông rồi!
Ông cụ vội vàng mở cửa, xách đèn chạy ra:
- Chúng nó có biết bơi không?
- Dạ có. Đứa nào cũng biết bơi hết ạ.
Vừa chạy ra đường, cụ vừa nói:
- Vậy thì không sao rồi. Mà làm sao mà nó té xuống sông vậy?
Tôi không dám khai thật:
- Tụi nó xuống cầu ao rửa mặt, rồi chợt chân té xuống ạ.
Lúc ra tới ngoài đường thì tôi thấy ba đứa chúng nó đã lên bờ nhưng mặt tái nhợt, người ướt sủng, đứng co ro không nói được lời nào. Ông cụ bảo chúng nó về thay đồ nhanh cho khỏi bị cảm lạnh. Chẳng biết ông cụ có nghi ngờ gì không.
Hôm sau, cả ba đứa đều quả quyết rằng có một bàn tay vô hình nào đó xô tụi nó xuống sông. Thằng leo trên cây còn nói thêm khi nó lên tới trên cành cây cao thì tự nhiên không còn thấy một trái ô môi nào nữa mà chỉ thấy gió lạnh buốt quanh người, cành lá cứ quất vào mặt. Tôi hỏi nó có nghe chúng tôi gọi không thì nó nói không nghe thấy gì cả. Nó nói như có người nào cứ xô nó xuống sông, nó cố bám chắc cành cây cho khỏi tuột, nhưng mỏi quá, đành buông ra thì rớt xuống sông. Còn hai thằng ở dưới gốc cây thì bảo khi nghe tiếng thằng kia kêu cứu, nó cùng chạy xuống cầu ao để kéo thằng kia lên thì tụi nó cũng bị xô mạnh từ phía sau lưng rớt xuông sông luôn.
Tôi kể chuyện này với má tôi thì bà cũng nói có lần cũng nhìn thấy ma ở đó. Tôi hỏi má tôi thấy như thế nào thì bà kể rằng.
Một hôm, cũng như mọi lần, cứ bốn giờ sáng là má tôi ra chợ lấy hàng để bán. Hôm đó trời mưa to, má tôi một tay cầm cái đèn bão, một tay chống cây gậy đi đường cho khỏi ngã. Đi đến gốc cây ô môi, má tôi trông thấy một người cúi xuống như đang nhặt đồ bị rơi xuống đất. Má tôi hỏi ai vậy thì người đó không trả lời mà đứng lên đi phía trước. Má tôi nghĩ ai mà mất lịch sự quá vậy, liền đi thật nhanh lên xem ai. Nhưng thật lạ, cái bóng đen đó lúc nào cũng giữ đúng khoảng cách như ban đầu, mãi khi đến chiếc cầu cuối cùng qua sông để ra chợ thì biến mất.
Nghe câu chuyện của má tôi kể cùng với chuyện ba thằng bạn tôi đột ngột té xuống sông mà tôi rởn da gà.
(Còn nữa)

RG,10.7.2012
Nguyễn Phương

└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 11 năm, 10 tháng #2339

Anh Phương ơi!!..
Em sorry..sorry!! vì không biết Má anh đã mất..
Vậy là anh em mình cùng cảnh rồi..
Giờ lại đọc truyện anh kể tiếp hay quá đi,
vừa đọc truyện ma, vừa được nhìn lại tuổi thơ
của anh nữa.... Cám ơn anh trai của bạn em...

MC
SG.117.12

└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 11 năm, 10 tháng #2406

KỶ LỤC CHẾT NGƯỜI Ở MỘT NGÔI TRƯỜNG XÂY TRÊN NGHĨA ĐỊA
NGUYỄN PHƯƠNG

Câu chuyện cuối cùng trong loạt truyện kinh dị mà tôi xin kể hầu các bạn là một câu chuyện không xảy ra ở trong kinh Đông Bình nữa mà đó là câu chuyện xảy ra ngay ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Kiên Giang.
Trung tâm này tọa lạc trên một khu đất rộng ở số 31 đường Chi Lăng, phường Vĩnh Bảo, Thành Phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nơi đây, trước kia nghe nói là một khu nghĩa địa hoang tàn, cây cối mọc um tùm. Sau khi thành lập Trung tâm không bao lâu thì tôi được mời tới đây dạy bổ túc văn hóa. Tôi đã có thời gian dạy hợp đồng ở Trung tâm này hơn mười năm nên mọi chuyện xảy ra ở đây, tôi đều biết hết.
Mặc dù chỉ Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thành Phố Hồ Chí Minh hệ tại chức nhưng tôi lại có một cơ may trong nghề nghiệp. Vừa chân ướt, chân ráo từ ngoài đảo vào, tôi đã được dạy ngay một trường có uy tín nhất tỉnh. Sau đó, tôi lại được nhiều nơi mời dạy bổ túc văn hóa. Các sếp ở những chỗ tôi dạy hợp đồng như thầy Vũ Đức Nhâm, Hiệu trưởng Trường Bổ túc Trung học tỉnh Kiên Giang; thầy Chiêm Minh Kỳ, Hiệu trưởng Trường Bổ túc văn hóa Thành phố Rạch Giá; thầy Nguyễn Văn Lâu, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề tỉnh Kiên Giang đều rất thích tôi nên sắp xếp cho tôi dạy rất nhiều giờ. Thu nhập từ tiền dạy thêm giờ của tôi còn nhiều hơn cả lương tháng nên tôi tích cực lắm. Các bạn tin không? Hồi đó có lúc cao điểm tôi dạy tới năm mươi tám tiết một tuần mà vẫn khỏe re, chẳng hề thấy mệt mỏi gì cả.
Khi tôi mới về đây, Trung tâm chỉ có hai dãy. Một dãy là các phòng học để dạy văn hóa, còn một dãy là nhà xưởng, có thiết kế các phòng để dạy nghề phổ thông. Ngoài ra còn có một căn tách rời phía bên dãy phòng học làm Văn phòng cho Ban Giám đốc làm việc, cũng là nơi nghỉ giải lao của giáo viên luôn. Sau này, mới xây thêm một dãy cao hai tầng nằm ngang, ở phía ngoài hai dãy kia, ngay sau cổng Trung tâm, có cả Hội trường, phòng họp rất khang trang. Ở đây, ngoài việc dạy nghề cho học sinh phổ thông, dạy bổ túc trung học, còn mở thêm các lớp buổi tối dạy Anh văn và Tin học nữa.
Trong suốt khoảng thời gian tôi dạy ở đây, Ban Giám đốc và các giáo viên đều quý tôi, có buổi lễ kỷ niệm nào cũng mời tôi đến dự, có cuộc liên hoan, tiệc tùng nào mà vắng mặt mặt tôi đâu. Có lúc còn mời tôi làm giám khảo cho các cuộc thi Văn nghệ của Trung tâm nữa. Anh em công tác ở đây hòa đồng, dạy tích cực, chơi sôi nổi, có hôm dạy xong còn rủ nhau đi nhậu ở các quán bình dân rồi mới về. Những ngày có giờ dạy ở đây, lúc nghỉ giải lao, tôi hay đến văn phòng ngồi uống nước trà tán gẫu với giáo viên, có khi ngồi nghe chú Trình, người bảo vệ của Trung tâm, kể chuyện. Chú ấy khoảng ngoài sáu mươi tuổi, người nhỏ con, gương mặt có vẻ khắc khổ nhưng trông còn lanh lợi, khỏe mạnh lắm. Chú ấy nói rằng mảnh đất của Trung tâm này có rất nhiều mồ mả chưa được bốc đi. Khi tiến hành xây, những người thợ họ đào đất thấy xương người vung vãi khắp nơi. Chú còn chỉ ngay dưới chân tôi, nói:
- Ngay ở dưới chân thầy kia kìa, họ đào thấy nguyên một bộ xương của một đứa con nít, rồi lấp lại, đổ bê tông lên luôn. Còn ở dưới các phòng học thì cơ man nào là xương người, khi thì thấy khúc xương cánh tay, khi thì thấy khúc xương chân, đôi khi có cả cái sọ nữa; có ai đem đi chôn cất tử tế đâu, cứ thế, họ lấp lại rồi đổ bê tông lên xây các phòng học. Tội nghiệp cho người ta quá!
Tôi nghe chú ấy nói mà rợn cả người.
Ở đây còn có một người phụ trách bảo vệ vào ban đêm nữa. Đó là anh Đông, người cũng nhỏ con như chú Trình nhưng rất vui tính. Anh này lăng xăng, lăng xăng, tháo vát, mỗi lần gặp tôi thì hay huyên thuyên kể chuyện này, chuyện nọ.
Một hôm, tôi đưa cháu đến đây học thêm Anh văn vào buổi tối. Trong lúc cháu vào học, tôi mời Đông vào căn tin uống nước. Đang nói chuyện vui vẻ, đột nhiên Đông hạ giọng, nói có vẻ bí mật:
- Thầy biết không, ở đây có nhiều ma lắm! Tối nào nó cũng quậy làm em không ngủ được.
Tôi đùa:
- Chắc là mấy con ma sống ở ngoài đường vào đây “tò tí” chứ gì. Bảo vệ mà ngủ thì nó vào lấy trộm hết còn gì. Thức là phải rồi!
- Em nói thiệt đó. Ma ghê lắm thầy ơi!
Tôi mỉm cười khi thấy mặt anh ta rất nghiêm trọng:
- Em thấy cái gì? Nói tôi nghe thử coi.
- Ghê lắm thầy ơi! Đêm hôm khuya khoắt mà tất cả âm thanh diễn ra náo động như ban ngày. Nào là tiếng gõ cửa, tiếng bước chân người đi rầm rập, tiếng người khuân đồ nặng kéo lê trên mặt đất; nào là tiếng thở dài, đôi khi có cả tiếng khóc của con nít nữa.
Tôi hỏi thêm:
- Chỉ nghe thôi chứ có nhìn thấy gì không?
- Lúc đầu em cũng gan lắm, xách đèn pin đi vào trong nhà xưởng, bật đèn sáng trưng đi sâu vào tuốt phía trong xem có mất trộm không, vì em thấy có tiếng như người khuân đồ, sợ mai lỡ có mất mát gì thì nguy to. Nhưng khi đi hết dãy nhà xưởng vẫn không thấy gì cả, tất cả mọi tiếng động đều im bặt, máy móc vẫn còn nguyên, em tắt đèn bước ra ngoài nhà xưởng thì các tiếng động đó lại nổi lên. Nhìn lên nóc nhà xưởng, em thấy nhiều bóng đen bay qua, bay lại, em sợ quá chạy về phòng trực đóng cửa lại, thao thức suốt đêm vì những âm thanh ghê rợn ấy.
Lúc này, tôi mới để ý kỹ gương mặt của Đông thì thấy quả thật anh ta hốc hác vì mất ngủ. Tôi hỏi tiếp:
- Ngày nào cũng vậy, hay là có hôm có, có hôm không?
- Hầu hết là ngày nào cũng vậy. Tối đến, khi các lớp Anh văn và Tin học cuối cùng ra về thì em khóa cửa lại hết, rồi vào phòng trực luôn, không bước ra ngoài nữa. Hôm nào có chuyện đột xuất, em mới ra mở cổng, còn hầu hết chỉ liên hệ qua điện thoại thôi. Nhưng mà vẫn có hôm điện thoại bỗng nhiên reo lúc nửa đêm, nhấc lên nghe thì không có ai trả lời cả, nó làm nhiều lần như vậy trong đêm khiến em không sao ngủ được. Tắt điện thoại thì lỡ có chuyện gì đột xuất, mình không hoàn thành nhiệm vụ, còn nếu để thì nó cứ khủng bố em hoài làm sao em ngủ được. Thầy ơi, thầy quen với thầy Lâu, nói dùm với thầy ấy cho em trực ban ngày để chú Trình trực ban đêm được không, chứ kiểu này kéo dài hoài chắc em xin nghỉ luôn.
- Có gì thì em cứ nói thẳng với thầy Lâu, chắc được thôi mà. Theo tôi biết thì Ban giám đốc phân công chú Trình trực ban ngày là vì chú ấy lớn tuổi sợ thức khuya không đảm bảo cho sức khỏe, nếu em nói với chú ấy mà chú ấy đồng ý thì chắc ban giám đốc cũng đồng ý thôi.
Quả thật, ngày hôm sau, Đông mừng rỡ báo với tôi là đã đổi được cho chú Trình trực ban đêm rồi. Chú ấy vui vẻ nhận lời và còn nói rằng chẳng tin có ma cỏ gì cả.
Riêng tôi cũng cảm thấy là ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề này như có chứa nhiều âm khí. Nhất là ở trong nhà xưởng, đi sâu hun hút tới nhà vệ sinh, ngay ban ngày, buổi trưa thanh vắng, tôi đi vệ sinh cũng thấy sờ sợ bởi những âm thanh cành cạch trên mái nhà. Có lẽ, sau khi nghe Đông kể, khiếp quá mà tôi tưởng tượng ra chăng?
Hồi con trai tôi học Anh văn ở đây, nó mới sáu tuổi. Có lần, tôi đến đón cháu, vừa đưa về tới nhà, cháu sực nhớ đã để quên chiếc thuyền – một đồ chơi rất đẹp mà tôi mới mua cho nó - ở trong hộc bàn. Thấy cháu buồn, lại sợ để đến ngày mai có đứa nào vào sớm lấy mất, tôi liền chở cháu quay trở lại Trung tâm để tìm lại món đồ chơi đó. Khi đến nơi, Đông mở cửa cho hai cha con tôi vào tìm. Đến ngay chỗ cháu ngồi, tìm thật kỹ trong hộc bàn nhưng chẳng thấy món đồ chơi đó ở đâu. Tôi thấy không khí trong phòng lạnh quá nên bảo cháu ra về, ngày mai mua cái khác. Nhưng nó còn tiếc lắm cứ loay hoay tìm mãi. Tôi lại cứ nghe tiếng sột soạt, sột soạt ở cuối phòng học nên vội dẫn cháu ra về.
Hôm sau, tôi gặp chú Trình, hỏi chú ấy trực đêm có thấy gì không thì chú ấy cười hề hề:
- Cái thằng Đông này sợ ma tưởng tượng tùm lum, chứ có ma cỏ gì đâu. Nó nói nào là tiếng gõ cửa, tiếng người khuân đồ đạc trong nhà kho, tiếng bước chân đi rầm rập, tiếng đập cành cạch trên mái nhà. Tôi xuống ngay trong xưởng, ngủ luôn trong nhà kho để lắng nghe xem sao. Quả thật, về khuya những âm thanh đó nổi lên nghe rõ mồn một, tôi cũng thấy lạ, cầm đèn pin đi ra soi thì lại im bặt, không hề nghe động tĩnh gì, cũng chẳng thấy gì cả. Nhưng khi về giường nằm một lát thì những tiếng động ấy lại nổi lên, có lúc lại có tiếng kéo lê đồ đạc ngay sát chỗ tôi ngủ. Tôi tức quá, chuẩn bị đèn pin trong tay chờ sẵn, khi âm thanh lặp lại, tôi soi liền. Lần này thì đã có câu trả lời: một lũ chuột cống to tướng, con nào con nấy lớn bằng bắp chân, tha những khúc xương kêu lọc cọc dưới nền nhà. Có con còn kéo cả thùng bia đã uống hết vào trong gầm giường nghe như là có đông người đang dọn đồ đạc trong nhà vậy.
- Còn bóng đen bay qua, bay lại trên nóc nhà như Đông đã thấy thì sao hả chú?
- Trời ơi! Đó là mấy bụi tre gai bên hông nhà xưởng, đêm nào có gió thì nó cứ đập cành cạch trên mái nhà. Những cành lá xum xuê ban đêm tha hồ mà tưởng tượng ra đủ mọi hình dạng cứ quơ qua, quơ lại như có người đang bay trên nóc nhà. Ai mà yếu bóng vía thì tưởng ma thật.
- Nhưng còn tiếng khóc của con nít thì sao?
- Đó là tiếng mèo kêu. Tiếng mèo kêu ban đêm thanh vắng thì cũng kinh thật, nghe như là tiếng con nít khóc vậy đó.
- Cháu còn nghe Đông nói có ma gọi điện thoại nhưng không trả lời gì hết.
- Ma nào gọi. Chắc mấy thằng học trò quậy trong trường, cúp cua đòi đi ra ngoài, nó đóng cổng không cho ra nên chúng nó ghét, đợi đến đêm gọi điện thoại chọc phá đó mà.
Tất cả những lời giải thích của chú Trình đều hợp lý. Vậy là chẳng có ma cỏ nào hết. Món đồ chơi của con trai tôi mất bữa hôm trước chắc cũng là do chuột tha đi thôi. Nhưng có chuyện này làm nhiều người phải suy nghĩ: Một ngôi trường xây trên khu nghĩa địa không bao lâu mà đã có tới năm cán bộ - giáo viên chết!
Đầu tiên là anh Song, một cán bộ rất năng nổ, làm văn thư, phụ trách luôn công việc tiếp tân đang khỏe mạnh, đột nhiên qua đời khi đang dẫn khách đi du lịch ở Hà Tiên cách đây cũng gần mười năm.
Kế tiếp là anh Đông bảo vệ, người hay tâm sự với tôi, không biết vì lý do gì mà tự thắt cổ chết bỏ lại người vợ mà một đứa con gái năm đó mới đang học lớp sáu. Đáng chú ý nhất là ba cái chết liền nhau gần đây làm mọi người phải kinh ngạc. Đó là cái chết của cô Dung, dạy cơ khí. Cô này có một đứa con gái tên là Hạnh, học trò của tôi học rất giỏi. Hồi cô mới sanh cháu, chồng đã bỏ đi biền biệt, chị thui thủi một mình, có đứa con làm niềm vui để sống, để cố quên đi anh chồng phụ bạc. Thế mà trời xui đất khiến thế nào, cô bị ung thư đại tràng, rồi qua đời. Tôi nghiệp đứa con gái đang học lớp mười một phải chịu cảnh mồ côi. Không cha, không mẹ, Hạnh phải ở với người cậu nay cũng làm bảo vệ ở Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề này. Đó là cái chết của Hữu, bạn đồng nghiệp của tôi, dạy Tin học, phụ trách phòng Giáo vụ. Những năm tôi còn dạy ở đây, Hữu được phân công chấm công cho giáo viên hợp đồng. Anh này còn trẻ, chết đột ngột quá, tôi không hay biết gì. Mãi đến khi chôn cất xong xuôi, tôi mới nghe nói Hữu bị ung thư gan mà qua đời. Và mới đây thôi là cái chết của Phó giám đốc Hà, anh này hiền khô, không biết nhậu nhẹt gì cũng bị chết vì ung thư gan.
Hiện nay Trung tâm Hướng nghiệp dạy nghề được nâng cấp và đổi tên là Trường trung cấp kỹ thuật – nghiệp vụ, vẫn tọa lạc ở ngay địa chỉ trên, thầy Nguyễn Văn Lâu được bổ nhiệm làm Hiệu Trưởng, bạn nào có dịp ghé qua hỏi thì sẽ thấy những chuyện của tôi kể là hoàn toàn có thật. Bây giờ, thầy Lâu vẫn thỉnh thoảng gặp tôi mời đi “lai rai” ở các quán bình dân.
NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ của tôi đến đây là hết, xin cảm ơn các bạn đã cố gắng, không sợ mệt mỏi mà đón đọc.
Kính chào các bạn. Chúc các bạn vẫn còn khỏe mạnh khi đã đọc xong loạt truyện này.

RG,15.7.2012
Nguyễn Phương.
  • Trang:
  • 1
  • 2
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.14 giây
   
© maitruongxuath.org