Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 9 năm, 10 tháng #14740
|
CÂY MÙ U Ong bầu vờn đọt mù u Lấy chồng chi sớm, tiếng ru càng buồn.. Tôi đã từng ngồi dưới bóng cây mù u ở cái xứ khỉ ho cò gáy nầy, nên rất thấm thía cái hay cái đẹp của câu hát dân-gian do một thi-nhân đồng quê nào đó ở Việt Nam. Trong kho tàng của làng mạc Việt Nam, chúng ta mỗi người mỗi hoàn cảnh kinh-tế địa lý đều có kỷ niệm một cây nào đó, dưới rặng trâm bầu, cây đa đầu làng, ngã 3 cây gáo, quán cây trâm, cây phượng bên sông, dưới nhánh cây bần, trên đồi sao, hoa tím bằng lăng, café cây bàng, lộ hoàng-hoa,...Riêng tôi cây mù u đã nhiều lần đưa tôi vào một vùng trời kỷ niệm thời thơ ấu. Các bạn chắc còn nhớ hồi khoảng 45-55, chúng ta còn đi học. Xuân đi học coi người hớn hở. Gặp cậu Thu đi ở giữa đàng. Hỏi rằng sao quá vội vàng. Trống kia chưa đánh đến trường làm chi ?Thế là chúng ta ngồi xề gần chị mua gánh bán bưng, kêu một dĩa bánh bèo bì mở hành đậu xanh..Chị bán hàng múc cho ta vài cống nước mắm làm sẵn, chan lên đĩa bánh ngon lành. Cái cống nước mắm đó làm bằng trái mù u cắt ngang 1/3 và xuyên qua bằng 1 cọng tre để ta cầm, khi nào lạt, ta tự động lấy cái cống mù u múc thêm nước mắn..Những buổi trưa hè, nghe bà bán dầu mù u, tay quảy tay xách rao ai mua dầu mù u hôn ? Mẹ tôi thường mua dầu mù u để dành xứt ghẻ cho tôi! Nhớ khi còn bé bà ngoại tôi còn sống, làm bà thầy thuốc nam, thường kêu tôi đi lượm trái mù u về làm thuốc. Bà tôi nói: mầy đi lội ao lội sình, chùm bao ghẻ hờm, để ngoại đốt nguyên trái mù u, tán xức cho con. Vậy mà ghẻ gì cũng hết. Thời Nhật đảo-chánh tây, Annam ta làm gì có thuốc men gì..Thật là. quê hương anh nghèo lắm em ơi ! Cây mù u tên khoa-học là Balsamia Inophyllum Loureillo, còn gọi là cây Hồ đồng.Theo tài liệu Cây cỏ rừng ngập mặn của chuyên gia lâm-học xứ Camau. Cây mù u có thân gổ lớn, có thể cao đến 20m, và đường kính 80cm, dáng đẹp và tàng xanh lục, có mủ (oleoresin) xanh dợt. VN có 2 loại mù u tía và mù u trắng. Lá đơn, mọc đối, phiến nguyên, hình trứng, láng và dầy. Hoa trắng pha vàng cam, thơm, tạo thành chùm 6-10 hoa, ở nách lá, đầu cành.Trái có nhân cứng, tròn, đường kính 2,5cm,1 hột, có mầm lớn, chứa nhiều dầu, không phôi nhủ. Ở VN,cây mọc những vùng ven biển từ Kiến-An, Quảng-Ninh, đến Quảng-Bình, Huế, Đồng-Nai, Miền tây,.Tại U-Minh, cây trồng 55 năm , đường kính thân đến 55cm. Trên thế giới, cây mù u phân bố ở những vùng đất hoang gần biển trải dài từ Phi-Châu, Ấn-Độ, Sri Lanka, Thái-Lan, Việt Miên Lào, nam Trung-Quốc, Hải-Nam, Đài Loan, Phi Luật-Tân, Indonesia, Úc và những Quần Đảo nam Thái-Bình-Dương, Nam Mỹ. Ở Hawaii, có những con đường trồng toàn cây mù u, hoa trái rụng dầy đường. Dân Hawaii, nhặt hột già về, đánh bóng nhuộm đen, nâu, xỏ xâu thành chuổi bán cho du-khách. Hạt mù u có tỹ lệ dầu khá cao: 50-60%, gồm 2 chất: Hypericin, Pseudohypericin..có thể dùng trong kỹ nghệ và y-tế. Tôi còn nhớ hồi 1945, tôi đã từng đốt đèn học bằng dầu cá, và dầu mù u Những kỷ niệm trong dân gian về cây mù u cũng được nhắc nhiều trong tiếng hò, tiếng ru, hay câu đùa dí dỏm Cây mù u lá mù u Vợ chồng cắng đắng thằng cu làm hòa. Dưới thời vua Tự Ðức để lại chiến công hiển hách, quân Pháp từ Thuận An tiến về Kinh thành Huế, bị quân triều đình mai phục bất thình lình đổ trái mù u ra mặt đường, giặc Pháp bị bất ngờ đạp trên trái mù u té, phục quân đổ ra đánh chém, giặc Pháp thua chạy dài, các hàng cây mù u xanh tươi của Xã Tắc còn đó, gợi lại niềm tự hào dân tộc đã chiến thắng quân xâm lược. Văn Thánh trồng thông Võ Thánh trồng bàng Ngó vô Xã Tắc hai hàng mù u. Riêng tôi, cây mù u đã để lại vết tích trên da thịt tôi, nó đã giúp ngoại tôi hàn gắn được những vết nức nẻ để ngày hôm nay tôi được thành nhân. Nhưng trong tôi vẫn còn một nổi buồn man mác. những vết thương trên quê hương xứ sở không biết bao giờ mới được lành lặn.../. Nguyễn Quý Định Tre Xanh CA 31-1-2015 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 9 năm, 10 tháng #14862
|
Giai thoại về Công tử Bạc Liêu xưa và nay Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy (1900-1973, còn có tên khác là Ba Huy) là một tay chơi nổi tiếng ở Sài Gòn và miền Nam những năm 1930, 1940. Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thành ngữ để chỉ những kẻ ăn chơi. Vốn thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thời đó dân gian đã có câu "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch" để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ. Theo phong trào khi ấy, các đại điền chủ, hào phú quyền quý khắp Nam Kỳ thường cho con lên Sài Gòn học ở các trường Pháp, thậm chí du học bên Pháp. Tuy nhiên, hầu hết các vị công tử giàu có này, ảnh hưởng bởi sự phồn hoa đô hội, sẵn tiền, nên thường đi vào con đường tay chơi để thể hiện mình. Trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này. Từ đó "Công tử Bạc Liêu" trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp. Công tử Bạc Liêu Trần Trinh Huy. Xuất thân Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy sinh ngày 22 tháng 6 năm 1900, nhưng do cho rằng cái tên "Quy" không sang trọng nên ông đổi lại thành "Huy". Ngoài tên Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba (cách gọi của tá điền, sự thật thì Ba Huy không là thành viên trong hội đồng nào), Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử). Trần Trinh Huy là con trai ông Trần Trinh Trạch, tức Hội Đồng Trạch[1], một người xuất thân là thư ký làng, nhờ cưới được cô Tư, con gái của ông bá hộ Phan Văn Bì, người có đất ruông nhiều nhất trong tỉnh Bạc Liêu, người ta tặng cho ông Bá hộ là "Vua lúa gạo Nam Kỳ". Ông Bá hộ chọn rể cho cô con gái thứ Tư trong trường hợp đặc biệt. Hằng năm ông tới Tòa Bố (tòa Hành chánh) tỉnh đóng thuế điền địa. Trong nhiều năm ông chấm viên thư ký điền địa tên Trần Trinh Trạch là người đứng đắn đàng hoàng. Ông hỏi thăm gia thế thì biết thầy ký Trạch chưa vợ. Ông mời về nhà chơi, tạo thuận lợi cho thầy ký Trạch trông thấy cô con gái thứ tư của ông. Nhiều lần tới lui, hai bên "mến tay mến chân". Ông Bá hộ thấy hai đứa nhỏ "tình trong như đã mặt ngoài còn e" liền làm lễ cưới. Ông cho con gái và rễ một sở đất để ra riêng. Thầy ký Trạch xin nghỉ làm công chức điền địa để làm chủ điền. Với trình độ văn hóa tương đối khá, lại có ông già vợ cho đất, giúp vốn nên không bao lâu thầy kỳ Trạch phất lên. Với huê lợi hàng năm, ông sắm thêm đất điền. Có điều ông Bá hộ không thích là đất ông tách bộ cho các con của ông lần lượt chạy về tay chàng rể thứ tư. Nguyên do là các con ông mê cờ bạc nên đem đất điền cầm cố nơi anh rể. Cầm cố lâu năm không chuộc kể như mất luôn. Ông Bá hộ chỉ tự an ủi là "lọt sàng xuống nia", các sở đất đó không rơi vào người ngoài, thương con gái thì phải thương rể. Nhờ vậy, Hội Đồng Trạch càng ngày càng giàu có, đồn điền ruộng lúa có thể được xếp vào hàng bậc nhất miền Nam lúc bấy giờ. Có người viết: Nghèo đến thằng mình còn chạy quýnh Giàu như ông Trạch cũng buồn thiu Trần Trinh Trạch là chủ sở hữu của 74 sở điền, với 110.000 ha đất trồng lúa, gần 100.000 ha ruộng muối. Theo lời cháu chắt ông kể lại, toàn tỉnh Bạc Liêu lúc bấy giờ (gồm 4 quận Vĩnh Lợi, Cà Mau, Vĩnh Châu, Giá Rai) có 13 lô ruộng muối thì 11 lô là của ông Hội Đồng Trạch, một lô còn lại của cha sở và một lô của dân thường. Ông Trạch có 7 người con, 4 gái, 3 trai. Trong 3 người con trai của ông Trạch (Trần Trinh Đinh, Trần Trinh Huy và Trần Trinh Khương) thì Ba Huy là ăn chơi hơn cả. Những vật dụng mà gia đình ông Trần Trinh Huy đã sử dụng vẫn được lưu giữ đến nay. Con người Trần Trinh Huy từng đi du học ở Pháp, sau ba năm về nước không một mảnh bằng, để lại một người vợ Pháp và một đứa con ở lại Paris. Khi Ba Huy về nước ông Trạch kéo gia đình lên Sài Gòn đón quí tử. Chiếc xe Ford đang dùng tốt nhưng ông nói nhân sự kiện đặc biệt này phải sắm thêm một chiếc xe mới, cho xứng với học hàm, học vị của cậu Ba, cho rạng mặt Trần gia. Trần Trinh Huy là người cao lớn, khoảng 1,70 m, lực lưỡng nhưng không cục mịch, trái lại dáng người rất thanh thoát, sang trọng, da đen, mày rậm... người đầy sinh lực. Tính tình Huy rất dễ dãi và hào phóng. Người trong nhà lầm lỗi, Huy cũng ít rầy la. Bà con ở xa lên thăm, Huy đều cho tiền. Tá điền không thấy Huy đòi nợ ai bao giờ, ai nghèo quá, năn nỉ Huy còn bớt lúa ruộng. Cho nên tá điền Bàu Sàng ít ai oán ghét Ba Huy. Trong các mối quan hệ, Ba Huy là người khoáng đạt, không dè dặt và mưu toan gì. Thời đó, các cậu công tử lẫn điền chủ điều chơi với người Pháp thì rất khúm núm, nịnh nọt, gọi là "chơi thế". Riêng Ba Huy thì cứ "toa toa" "moa moa" sòng phẳng, ngang hàng. Nếu như trong mắt giới giang hồ tứ chiếng, Ba Huy là một người ngon nhất Nam bộ, thì trong mắt người Pháp, Huy được nể trọng vì có vợ đầm và mướn người Pháp làm công cho mình. Tánh của Ba Huy vị tha và coi tiền như rơm rác. Bút tích của Huy cho thấy tuy nét chữ bay bướm nhưng lại rất xấu, chứng tỏ đó là một con người thông minh, từng trải nhưng đường học vấn không đến nơi đến chốn. Ba Huy cũng là người rất cởi mở, không cổ hủ, cực đoan như nhiều điền chủ khác. Ông từng ủng hộ Việt Minh một lúc 13.000 giạ lúa. Công tử Bạc Liêu còn tỏ ra là một con người tự trọng, đã hứa với Chính phủ những gì thì ông sẽ làm thế ấy. Ông đã hứa với người lãnh đạo cao nhất của Tỉnh ủy Bạc Liêu là giảm tô, không hợp tác với Pháp, gửi vải vóc thuốc men cho kháng chiến và thực hiện đúng như vậy. Thích hội hè, Ba Huy có lẽ là người tổ chức hội chợ và hội thi "Hoa hậu miệt đồng" đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long. Ba Huy có bốn người vợ và rất nhiều nhân tình. Người vợ đầu là người Pháp, trong thời gian Ba Huy đi học ở Paris. Về nước ông cưới một người vợ ở Bạc Liêu là Ngô Thị Đen. Bà này ở với Ba Huy sinh được người con gái là cô Hai Lưỡng. Sau cô Hai Lưỡng qua Pháp sống. Từ năm 1945, Ba Huy lên Sài Gòn ở hẳn. Ông lấy thêm một bà nữa (bà Nguyễn Thị Hai) và sinh được ba người con: Thảo, Nhơn, và Đức. Bà cuối cùng, khoảng năm 1968, Ba Huy dọn về căn nhà phố đường Nguyễn Du, Sài Gòn. Mỗi sáng đứng trên lầu nhìn xuống, ông thấy một cô gái gánh nước đi qua đẹp quá. Hỏi thăm thì đựơc biết cô gái đó là con ông già làm nghề sửa xe đạp. Ba Huy đến nhà ông già xin "đổi" căn nhà đó lấy cô gái. Ông già và cô gái sau khi bàn bạc đồng ý. Và đó là người vợ cuối cùng của Ba Huy, kém ông đến 50 tuổi. Bà sống chung thủy với ông đến ngày ông qua đời. Họ có ba con trai và một con gái tên Hoàn, Toàn, Trinh và Nữ. Ba Huy còn rất nhiều con với các nhân tình. Tuy những người đó không phải vợ chính thức nhưng con cái của họ đều được Trần gia thừa nhận. Ông mất năm 1973 ở Sài Gòn và được đưa về an táng trong phần mộ gia đình tại ấp Cái Dầy, xã Châu Hưng, huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu. Những giai thoại Ông Trạch giao cho Ba Huy việc trông coi điền sản. Huy đi vào các sở điền bằng xe hơi hoặc ca nô. Việc này là một sự kiện đặc biệt, Ba Huy đi đến đâu tá điền ùn ùn kéo đến xem, vì cả đời họ chưa được nhìn thấy xe hơi, ca nô bao giờ. Đi đòi nợ các tỉnh, Ba Huy dùng chiếc Ford Vedette, còn đi chơi ông có chiếc Peugeot thể thao, sản xuất năm 1922. Loại xe đó cả miền Nam khi ấy chỉ có hai chiếc, chiếc kia là của vua Bảo Đại. Ba Huy còn thuê một người Pháp làm công cho mình. Đó là ông Henri, chồng bà Tư Nhớt, một người trong gia tộc Trần Trinh. Ông này làm quản lý, điều hành gia sản cho ông Hội Đồng Trạch, dưới quyền ba Huy. Theo hợp đồng, quản lý được hưỏng 10% trên tổng số lợi tức thu được hàng năm. Chính vì vậy ông Henri mới bỏ "mẫu quốc" qua làm mướn cho bên vợ, mãi đến tháng 4 năm 1975 mới về nước. Công tử Bạc Liêu rất mê nghề võ. Vào nữa đầu thế kỷ 20, học võ là một cái mốt với nhận thức: Học võ để nâng cao cái khí phách thượng võ của kẻ anh hào. Ba Huy không học võ Tây hay võ Ta mà học võ Xiêm. Ông ta đã cất công qua Xiêm mướn một ông thầy thượng hạng về dạy cho mình và Tám Bò, là em út của ông ta. Một sự kiện chấn động cả nước khi đó là Ba Huy đi thăm ruộng bằng máy bay. Và lúc ấy cả Việt Nam cũng chỉ có 2 chiếc là của Công tử Bạc Liêu và của vua Bảo Đại. Một lần bay qua thăm điền Rạch Giá, Công tử Bạc Liêu hứng chí bay ra biển Hà Tiên chơi, cứ bay mải miết cho đến khi kim báo xăng không còn nhiên liệu, buộc lòng Ba Huy phải đáp khẩn cấp. Xuống đất, Ba Huy hoảng hốt biết mình đã bay lọt sang tận nước Xiêm. Trần Trinh Huy bị Nhà nước Xiêm bắt giữ và phạt 200 ngàn giạ lúa. Ông Hội đồng Trạch phải chở một đoàn ghe chở lúa thật dài qua tận Xiêm để chuộc quí tử về. Ông là người Việt Nam đầu tiên sở hữu máy bay tư nhân và sân bay tư nhân.[4] Ba Huy sinh hoạt cực kỳ sang trọng và xa hoa. Ra đường là đóng bộ veston, thứ hàng đắt tiền nhất thời đó. Thói quen của Ba Huy là ăn sáng kiểu Tây, trưa ăn cơm Tàu, chiều ăn cơm Tây. Mỗi lần từ Bạc Liêu đi Sài Gòn là ông ta ngồi trên chiếc xe cáu cạnh, có tài xế lái. Khi lên Sài Gòn ít khi Công tử Bạc Liêu ở ngôi biệt thự của Trần gia mà vào một trong những khách sạn nổi tiếng sang trọng ở Sài Gòn. Có khi hứng chí đi dạo mát Ba Huy thuê cả chục chiếc xe kéo, ông ta ngồi một chiếc, những chiếc còn lại chở những món đồ như mũ, cây "can"... Công tử Bạc Liêu là một người luôn xê dịch và rất ham vui, những cuộc ăn chơi nổ trời diễn ra, Trần Trinh Huy lặn ngụp trong những bàn tiệc với rượu sâm banh. Mỗi chủ nhật ông đều đi nghỉ cuối tuần ở Vũng Tàu, Đà Lạt hoặc về Cần Thơ. Ba Huy cũng là một kẻ mê cờ bạc, có những khi ông đánh một cây bài 30.000 đồng, trong khi lúa chỉ 1,7 đồng một giạ[5], lương của Thống đốc Nam Kỳ chưa tới 3.000 đồng một tháng. Hắc công tử và Bạch công tử Bạch công tử Bạch công tử là Lê Công Phước hay còn gọi là George Phước, con trai của Đốc phủ Lê Công Sủng, người ở làng Điều Hòa, tỉnh Mỹ Tho. Phước cũng là một tay chơi nổi tiếng khi đó, da trắng nên được gọi Bạch công tử để phân biệt với Ba Huy. George Phước say mê cải lương, từng qua Pháp học về sân khấu. Về nước Phước cùng một người khác bỏ tiền lập hai gánh hát Phước Chương và Huỳnh Kỳ nổi tiếng với cô đào chánh đệ nhất tài sắc đương thời là cô Bảy Phùng Há và một cô đào tài sắc khác là Năm Phỉ. Cùng nổi tiếng ăn chơi, Bạch công tử và Hắc công tử trở thành kỳ phùng địch thủ. Hắc công tử và Bạch công tử "Đang lúc cô Ba Trà, một người con gái có sắc đẹp làm xao xuyến tâm hồn Bạch công tử, thua bài sạch túi, ông trưởng giả lớn tuổi chưa kịp cung phụng tiền bạc tiếp để vừa lòng mỹ nhân, Bạch Công tử lù lù lái xe lại nhà cô Ba Trà, rủ xuống Cần Thơ ăn cá cháy và đánh bài gỡ bạc. Hai người vừa xuống đến quán Bungalows ở Cần Thơ, máy xe chưa nguội thì chiếc Sport tám máy của Hắc Công Tử cũng vừa tới, thắng cái két. Cả hai lâm vào cảnh khó xử, việc chiếm được mỹ nhân chỉ còn cậy vào tài chinh phục của bản thân mình. Cả ba cùng đưa nhau vào khách sạn. Bạch Công tử lột chiếc cà rá hột xoàn trị giá 3.000 đồng vào thời đó để trên bàn trước khi vào phòng tắm. Lúc trở ra, thấy cô Ba Trà đeo thử nó trên tay, Bạch Công tử liền lên tiếng tặng luôn. Sau đó Hắc Công tử đã mua tặng cô Ba Trà một chiếc nhẫn trị giá gấp đôi..." Một lần, đoàn Huỳnh Kỳ cùng cô Bảy Phùng Há về Bạc Liêu biểu diễn, Bạch công tử mời Hắc công tử đến xem. Đang xem, Bạch công tử móc thuốc hút, vô ý làm rớt tờ giấy con công , Bạch công tử cuối xuống tìm kiếm. Hắc công tử thấy vậy hỏi: - Chú kiếm gì vậy? - Tôi kiếm tờ con công. Hắc công tử mỉm cười nói: - Để tôi đốt đuốc cho chú kiếm. Nói rồi Hắc công tử móc tờ giấy bạc bộ lư châm lửa soi cho Bạch công tử kiếm. Bị một vố quá nặng, vãn tuồng, Bạch công tử mới nói: - Toa chơi moa một cú đau quá. Bây giờ nếu toa ngon, toa với moa cân mỗi người ký đậu xanh, rồi lấy tiền nấu, ai sôi trước người ấy thắng? - Hắc Công Tử đáp "Chú cũng vậy nữa kìa! Ấy dà, Chú muốn chơi hả? Được,vậy để tôi chơi cho chú chết luôn!" Tối hôm sau, Hắc công tử cho trải thảm đỏ từ ngoài cổng vào tận thềm nhà cứ mỗi thước cho một gia nhân cầm đuốc soi đường, nghinh đón phái đoàn của Bạch công tử. Cuộc thi được tổ chức ở đại sảnh nhà lớn của Trần gia. Lửa của tiền giấy thì rất kém nhiệt, chỉ cháy nhỏ, vì thế họ nấu chè rất lâu trong sự căng thẳng của rất nhiều người chứng kiến. Trán ai cũng rịn mồ hôi hột, nhất là những người trong gia đình họ Trần. Cuối cùng, nồi chè Bạch công tử sôi trước, Hắc công tử đành thua cuộc. Nhưng Ba Huy tuyên bố rằng ông ta thua trong danh dự. "Công tử Bạc Liêu" ngày nay Khách sạn Công Tử Bạc Liêu.Ngày nay, Công tử Bạc Liêu trở thành một thương hiệu du lịch hấp dẫn của tỉnh Bạc Liêu. Tòa biệt thự của Ba Huy khi xưa nay trở thành Khánh sạn Công tử Bạc Liêu. Ngôi biệt thự của công tử Bạc Liêu được xây dựng từ năm 1919, do kỹ sư người Pháp thiết kế. Để đảm bảo độ bền và diện mạo kiến trúc, chủ nhân đã đặt hàng và cho chuyên chở toàn bộ vật liệu xây dựng như thép đúc, cửa, cẩm thạch lát nền, gạch, khung sắt trang trí từ Pháp qua. Các bù loong, ốc vít cho các chi tiết xây dựng đều được đóng dấu chìm mẫu tự P rất hoa mỹ, chứng thực sản xuất tại thủ đô Paris. Người dân Bạc Liêu gọi đây là "Nhà Lớn". Không chỉ đẹp về kiến trúc, nội thất mà nhà Hội đồng Trạch cũng qui tụ vô số đồ gỗ, sứ, đồng... quý giá. Những bảo vật đó đến nay không còn do con cháu không giữ được, do mất mát vì chiến tranh hoặc những nguyên nhân khác. Có hai món đồ quí hiện được giữ nguyên vẹn ở chùa Chén Kiểu, Sóc Trăng là chiếc giường ngủ chạm khắc tuyệt mỹ và bộ bàn ghế cũng chạm trổ công phu. Đây là hai món quà do Ba Huy hào phóng tặng nhà chùa. Hiện nay, ngôi biệt thự đó trở thành khách sạn Công Tử Bạc Liêu (trực thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Bạc Liêu) với 6 phòng ngủ. Trong đó 5 phòng bình thường và căn phòng Ba Huy từng ở trước đây có giá gấp đôi. "Phòng công tử" có một giường đôi, ti vi, máy lạnh, một bàn viết, một tủ áo và toilet khá rộng kế bên. Điểm độc đáo nhất của căn phòng này là chiếc máy điện thoại có từ đời Pháp thuộc đến giờ vẫn sử dụng tốt. Căn "phòng công tử" luôn đắt khách, nhất là người nước ngoài. Du khách muốn nghỉ đêm tại đây buộc phải đặt phòng trước cả tháng. Cách khách sạn Công Tử Bạc Liêu không xa, còn có một cụm khách sạn, nhà hàng khác cũng mang tên Công Tử. Nhà Công tử Bạc Liêu hiện nay được bày biện, phục tráng gần như nguyên trạng. Tuy nhiên do qua nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau vật dụng trong gia đình đã thất lạc rất nhiều. Sau sự kiện 30 tháng 4, 1975, Ba Huy mất đã 2 năm, gia đình còn lại của Ba Huy lâm vào cảnh khốn khó, anh em, con cháu trong gia đình bỏ đi tứ xứ. Một người con của Công tử bạc Liêu là ông Trần Trinh Đức phải trôi dạt lên Sài Gòn và sau khi cô con gái lớn của ông bị lừa tình và mắc nợ, bị bệnh tâm thần phân liệt, phải bán nhà trả nợ, gia đình ông làm đủ thứ nghể để mưu sinh như bán giầy cũ, chạy xe ôm.... Năm 2009, gia đình ông được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân đã trở về Bạc Liêu sinh sống . Sưu tầm Tre Xanh CA 7-2-2015 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 9 năm, 10 tháng #14939
|
Đờn ca tài tử Hơn trăm năm trước, từ cội nguồn nhạc lễ, nhạc cung đình Huế và văn học dân gian đã sinh ra nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ. Gia sản dòng nhạc tài tử Nam bộ ngày càng đồ sộ, phong phú biểu đạt được tâm lý, tình cảm và đời sống của dân cư đồng bằng sông Cửu Long. ở Nam Bộ, kể cả dân gốc gác tại chỗ hoặc những người từ xứ xa "tới đây thì ở lại đây" đều nằm lòng câu tán dương khi nghe đờn ca tài tử vọng cổ sáu câu: Ca xuống xề nghe "ngọt" quá! Đờn nghe "muồi" quá! Hai tính từ biểu cảm mang đặc thù Nam Bộ này được chuyển hóa từ trạng thái vị giác sang trạng thái thính giác ở cấp độ cao, nói lên sự khoái cảm đến say mê, cái "đã" của người thưởng thức, cái tài nghệ của nghệ sĩ và chỉ xuất hiện khoảng 80 năm nay, tức sau khi bài Dạ Cổ Hoài Lang (nay là Vọng cổ) - bài nòng cốt trong 20 bàiTổ của đờn ca tài tử ca nhạc Cải lương: Nhạc sĩ tài hòa Cao Văn Lầu sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang tại quê hương Bạc Liêu (1919) - lan nhanh ra ở Nam Bộ, nay phổ biến cả nước. Nghệ sĩ nhân dân út Trà Ôn được tôn vinh là "Đệ nhất danh ca miền Nam", "Vua vọng cổ" nổi danh từ nửa thế kỷ nay từ bài Vọng cổ. Tại sao người ta mê Vọng cổ, Cải lương? Về lịch sử, vào khoảng năm 1885, khi Vua Hàm Nghi xuất bôn, một nhạc quan của triều đình Huế là Nguyễn Quang Đại (Nam Bộ gọi là Ba Đợi) vào Nam Kỳ ở vùng Đa Kao, Sài Gòn, rồi xuống miệt Cần Đước, Cần Giuộc (tỉnh Chợ Lớn) rồi lại trở lên sống và qua đời tại Hộ 16 (quận 8, TP.HCM) ngày nay. Ôn dạy, phổ biến nhạc lễ, nhạc tài tử, có cải biên. Các thế hệ học trò của ông rất đông ở nhiều nơi, nhiều người nổi danh như: Sáu Thới (thầy giáo của Giáo Thinh), Năm Xem (ông ngoại nhạc sĩ Hai Biểu), Ba Đồng (Chợ Lớn), út Lăng (Bình Dương), lớp sau đó: Tư Huyện, Bảy Hàm, Tự Tụi, Văn Vĩ, Sáu Thoàn... Cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, ở Nam Bộ đã hình thành 2 nhóm ca nhạc tài tử và tranh đua với nhau về nghệ thuật, ra sức cải tiến, nâng cao sáng tác thêm nhiều bài bản mới bổ sung vào. Trưởng nhóm miền Tây là ông Trần Quan Quờn (Ký Quờn), trưởng nhóm miền Đông là ông Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại). Ông Ba Đợi có công lớn, đã cùng các văn nhân và học trò giỏi ra sức nghiên cứu, cải biên các bài bản gốc của ca nhạc Cung đình huế, bằng cách giản dị hóa lối ấn nhịp (nhịp hội, nhịp ngoại, nhịp lơi) song vẫn tôn trọng lòng bản, để tạo một nhịp điệu hòa hợp với ngôn ngữ, phong cách của dân Nam Bộ, dễ thâm nhập vào quần chúng. Ông Ba Đợi thường nhắc nhở học trò:"Lễ phải có Nghi. Nhạc phải có Hòa. Tiếng đàn phải đủ trầm, bổng, nhặt, khoan". Nếu nhạc lễ Cung đình biểu trưng cho nền văn minh, văn hóa Phú Xuân, thi ca nhạc tài tử, cải lương biểu hiện cho văn minh, văn hóa Nam Bộ. Các nhà nghiên cứu: Sơn Nam, Giáo sư Huỳnh Minh Đức, nhạc sĩ Vũy Chỗ, luật sư nhạc sĩ Tấn Nhì... đều cho rằng nhạc tài tử Nam Bộ dựa theo học thuyến m - Dương ngũ hành với ngũ cung: Giốc: Hò (Mộc), Chủy: Xự (Hỏa), Cung: Xang (Thổ), dựa trên nền tảng lễ nghĩa, đạo đức phương Đông mang trong mình cái gốc luân lý, mục tiêu đào tạo cung cách làm người. Nó vừa mang nét trang trọng cung kính của nhạc lễ vừa dịu êm ngọt ngào dễ hòa vào tâm hồn những con người vừa định cư ở vùng đất mới mà lòng không nguôi thương nhớ quê cũ làng xưa. Nó phù hợp vì rất đa dạng đáp ứng được mọi khía cạnh tình cảm con người, hoàn cảnh cuộc đời. Có đủ 4 điệu: Bắc, Hạ, Nam, Oán, 4 hơi: Xuân, Ai, Đào, Ngự, chia ra 3 Nam, 6 Bắc, 4 Oán, 7 Bài (Ngự)... Vẫn bản nhạc đó, người ta chỉ cần thay lời mới là sát hợp trong mọi hoàn cảnh: quan, hôn, tang, tế, biệt ly, thất tình, thất sủng... nên rất đắc dụng, nên tồn tại và phát triển hàng thế kỷ nay và sẽ lưu truyền mãi mãi. Vì nó là tiếng lòng. Mục đích của các bạn đờn ca tài tử là phục vụ vô tư cho các lễ hội, đình ám, đám cưới, đám giỗ, buổi tiễn đưa tân binh, đơn vị bộ đội lên đường đánh giặc... không vụ lợi, không cần thù lao, gọi là "giúp vui", mang tính cộng đồng sâu sắc, bình đẳng giữa mọi người. Ai biết đờn thì đờn, biết ca thì ca, một bài cũng được, thậm chí đờn ca có lỡ "rớt" nhịp cũng chẳng ai chê cười mà còn động viên cố gắng. Những người không biết đờn ca, đủ cả trẻ già trai gái, cả người đi đường thích thì tham gia, cũng tự nhiên đến ngồi nghe với thái độ chăm chú thưởng thức càng động viên các tài tử ca đời càng hay hơn, nếu lâu lâu có bánh trái, trà lá bồi dưỡng cho ban tài tử càng tốt. Ban tài tử nào, ở ấp, xã nào cũng có đông đảo khán, thính giả trung thành. Cuộc chơi không hạn định giờ giấc. Đến khuya, khi mọi người cảm thẩy thỏa mãn thì chia tay ra về, hẹn lại vào buổi tối hôm sau. Cứ như vậy thành lệ. Không ai bảo ai, hàng ngày làm lụng vất vả trên đồng ruộng, hoặc có chuyện đi xa, đến chiều phải tranh thủ về để kịp có mặt tham gia hoặc thưởng thức buổi đờn ca tài tử. Năm này tháng nọ cũng lặp lại những bài bản củ - lâu lâu mới có lời ca mới - nhưng người đờn lẫn người nghe vẫn không ai thấy chán, mà trái lại họ như bị ghiền (nghiện) không có không được. Thỉnh thoảng, để "thay đổi không khí" vài người giỏi chữ nghĩa, nắm vững bài bản vừa sáng tác vừa ca, gọi là "Văn sống" rất được hoan nghênh. Nhiều nam, nữ thanh niên sáng dạ nghe riết thuộc lời, thuộc giọng, được vào ca, được truyền nghề. Ông Trượng - Tiên Bửu, Bùi Kiệm - Nguyệt Nga, Lan - Điệp, Tôn Tẫn giả điên... là những bài vỡ lòng. Mỗi người tự giác rèn luyện tiếng đờn, lời ca cho thêm trau chuốt ngọt ngào. ở Cần Giuộc, xóm ấp nào cũng có ban đờn ca tài tử, nòng cốt từ những người giỏi đờn ca tập hợp lớp trẻ làm thầy truyền nghề trực tiếp. Khi có lực lượng đờn ca khá, ai cũng muốn thi thố tài năng bằng cách mở rộn giao lưu với ban nhạc các ấp, xã khác. Bí quyết chắc thắng là phải vững nhịp mới tránh được "nhịp lọt" khỏi bị rớt khi gặp đối thủ có bản lĩnh đờn nhử, đờn phá. ở Cần Đước có Sáu Nữa nổi tiếng đờn nhịp lọt. Thú chơi đờn ca tài tử còn vì phong cảnh hữu tình, gợi cảm, gần với thiên nhiên. Ngoài số cuộc chơi ở các lễ hội đình đám ngồi bộ ván trải chiều bông nghiêm trang, phần nhiều các ban ca nhạc tài tử thích chơi giữa cảnh trời trăng mây nước. Có thể dưới bóng mát gốc me, gốc xoài, gió lộng, trên gò đất cao cạnh ao làng được bao bọc bốn bề là đồng lúa xanh tươi, vàng rực. Hay trên chiếc thuyền trôi xuôi êm ả theo dòng nước lồng lộng trăng rằm, nên thơ tĩnh mịch, tiếng lá dừa nước hai bên bờ rì rào dịu êm như nền nhạc đệm làm tăng vẻ hữu tình cho buổi đờn ca tài tử trên sông. Hò ơi!... Gió đưa con buồn ngủ lên bờ, Mùng ai có trống (xin) cho ngủ nhờ một đêm! Câu hò huê tình nhẹ nhàng có ý trêu chọc bâng quơ của chàng thanh niên nào đó thường cũng là câu mở đầu đánh giá cho bài ca Văn Thiên Đường, Trường Tương Tư, hay vọng cổ Tình anh bán chiếu... Tiếng đời, lời ca ngân nga hòa quyện vào làn gió lan tỏa mãi trên mặt sông đầy. ở nông thôn Nam Bộ, việc biết đờn ca tài tử như là lẽ đương nhiên. Trên đường đi càu, đi cấy gặt lúa, nhất là khi chèo xuồng một mình trên sông rộng, hay chống cuồng ba lá thanh thoát giữa rừng rậm U Minh hoặc trong mênh mông đồng nước Tháp Mười, không ai giấu nổi tình cảm trắc ẩn riêng tư. Những bài ca vọng cổ nằm lòng, bài ruột sẽ được trào dâng, thậm chí có bài nội dung không dính dáng gì với hoàn cảnh thực tại vẫn ca "chay" (không có đệm đờn) vẫn phóng khoáng lời ca có sức truyền cảm lạ lùng. Không có ai nghe thì ca cho "mình ên" nghe cho đã. Vì "nghệ sĩ" trước tiên là người thưởng thức sản phẩm của chính mình Bởi vậy, không chỉ giới công, nông, binh mà cả giới trí thức gần thế kỷ nay ở Nam Bộ rất yêu thích và tham gia học đời ca tài tử, cải lương. Những học trò nổi danh của thầy Ba Đợi, thầy Sáu Lầu có nhiều thầy thông, thầy ký, đốc học, hương chức hội tề. Vì đờn ca tài tử vừa bình dân, vừa cao cấp, vừa gần gũi, vừa thâm sâu, lời ca nguyện chặt tiếng đờn, tiếng nâng bổ lời ca mang theo cả tâm hồn nghệ sĩ, người thưởng thức. Tôi đã được nghe các ban, các CLB đờn ca tài tử của các huyện, thị ở Long An, CLB đờn ca tài tử thị xã Cà Mau, CLB đờn ca tài tử Cao Văn Lầu - thị xã Bạc Liêu... cây đờn ghi ta điện phím lõm có xôm tụ, nhưng không thay được các cây đờn: Cò, Kìm, Tranh, Sến cổ truyền vẫn luôn là chủ đạo. Giáo sư Trần Văn Khê đã có nhận xét rất chính xác: "... chân phương hoa lá trong bài vọng cổ đã được áp dụng một cách thần tình. Hoa chẳng những đẹp mà còn thơm. Lá chẳng những xanh mà còn tươi. Thành ra bản Vọng cổ có cái tươi máy, cái đẹp đẽ, có cái phong phú, cái dồn dào mà sức sống, sức đóng góp của tất cả những người nghệ sĩ, từ đứa con của bác Sáu Lầu sáng tạo, nuôi dưỡng cho nó lớn lên mạnh mẽ, nó đẹp đẽ..." Đó chính là ma lực, sức hấp dẫn, làm say mê lòng người, ai biết qua rồi khó lòng bỏ được. Vì nó là bản sắc văn hóa Nam Bộ, văn hóa Việt Nam. Đờn ca tài tử: Ai giữ cuộc chơi sắp tàn? "Tài tử" nhưng không nghiệp dư Theo nhiều nghiên cứu thì nghệ nhân Nguyễn Quang Đại (tục gọi Ba Đợi) - một nhạc quan của triều Nguyễn chạy vào Nam sau khi hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi - là người có công đầu trong việc kết hợp giữa nhã nhạc cung đình Huế với các làn điệu dân ca Nam bộ, tạo nên nhạc lễ Nam bộ và những bài bản tài tử. Cũng có người cho rằng ĐCTT còn bắt nguồn từ xa hơn. Hơn 200 năm trước, khi Đức Tả quân Lê Văn Duyệt vào Nam, Đức Tả quân cho rằng âm nhạc là để phục vụ nhân dân chứ không chỉ dành riêng cho giới quý tộc và nhạc cung đình cũng là từ dân gian đưa vô phục vụ vua quan. Tả quân đã “trả” nhạc lại cho dân chúng và đây là xuất phát của nhạc tài tử? Vẫn còn nhiều tranh cãi nhưng chắc chắn là từ khi ra đời đến nay thì ĐCTT đã là “cái hồn” của vùng sông nước Nam bộ. Đúng với tên gọi của mình, ĐCTT rất “tài tử”. Người ta không gọi “biểu diễn” ĐCTT mà là “chơi” ĐCTT. Đơn giản vì ĐCTT là một cuộc chơi, một cuộc chơi ngẫu hứng của những tâm hồn phong lưu tìm bạn tri âm qua lời ca tiếng nhạc. Người ta có thể chơi ĐCTT mọi lúc mọi nơi: trong đám hội, lúc nông nhàn, khi rảnh rỗi, trong sân đình, trước sân nhà, ngoài bờ đê, cạnh bờ sông hay lý tưởng hơn là thả thuyền trên sông. Không ai quy định một cuộc chơi tài tử phải có bao nhiêu người. Bất cứ ai biết đàn, biết ca là có thể tham gia. Đôi khi một người một đàn cũng làm được một cuộc chơi, nhưng lý tưởng thì ngoài người ca ra cần đủ tranh - cò - kìm - sáo (sau này có thêm sến, độc huyền cầm, guitar phím lõm) cùng hòa điệu. Một cuộc chơi tài tử ít nhất cũng vài tiếng đồng hồ, có khi kéo tới... 2, 3 ngày. Ai đàn mệt, ca mệt thì ra nghỉ, có người vào thế, xong thì lại vào chơi tiếp, chơi tới hết người thì thôi. Vì tính tài tử đó mà ĐCTT dễ bị hiểu lầm là bình dân, không chuyên nghiệp. Thực tế ĐCTT vừa là âm nhạc dân gian nhưng cũng là âm nhạc bác học. Tính dân gian thể hiện rõ qua sức lan tỏa sâu rộng trong đời sống người dân. Còn tính bác học là ở sự khuôn thước của các bài bản lớn. Hệ thống bài bản của ĐCTT rất phong phú. Trong đó, quan trọng nhất là 20 bài tổ gồm: 6 Bắc (Lưu thủy, Phú lục, Tây Thi, Cổ bản, Bình bán, Xuân tình), 3 nam (Nam xuân, Nam ai, Nam đảo), 4 oán (Tứ đại, Giang Nam, Phụng hoàng, Phụng cầu), 7 bài nhạc lễ (Xàng xê, Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long ngâm, Vạn giá, Tiểu khúc), thường là những bài lớn rất dài và phức tạp (có khi hơn 10 phút mới chơi hết một bài) và đạt trình độ “cổ điển” về nhạc lý. Ngoài ra còn có các bài lý, ngâm, 8 bài ngự... Cuộc chơi tuy tài tử nhưng người chơi không thể là tay ngang. Mà để “chơi” cho bằng anh bằng em thật không đơn giản chút nào khi để thuộc hết 20 bài tổ là đã có thể “bạc đầu”, lại còn phải tạo phong cách với các “ngón đàn” riêng, cách “luyến” riêng. Những “thầy đờn” có ngón đàn độc chiêu rất được coi trọng thường được những gia đình giàu có rước về nhà “thọ giáo”. Sau giai đoạn phát triển cực thịnh vào nửa đầu thế kỷ trước, ĐCTT dần dần nhường bước trước cải lương và sau này gần như “chết lâm sàng” theo sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Tụi nó ca cải lương chứ có phải ca tài tử đâu! “Cải lương là cải lương, tài tử là tài tử, đâu có lẫn lộn được. Nhưng bây giờ hình như không ai thèm phân biệt cái này hết. Mấy câu lạc bộ ĐCTT ở nhà văn hóa cũng vậy. Mang danh là ĐCTT nhưng tụi nó chủ yếu ca vọng cổ, hát cải lương chứ có hát bài bản tài tử đâu. Tụi nhỏ sau này nghe cứ tưởng như vậy là tài tử lại càng chết nữa”, nghệ nhân Hai Sáng bức xúc. Là con nhà nòi (cha là nhạc sư Tư Nghi), ông Hai Sáng (sinh năm 1940) theo ĐCTT từ năm 15 tuổi. Từ sự “đúc kết” của người cha về những người vương mang “nhạc nghiệp”: “Nhỏ tới lớn chỉ đi chơi, bị cha mẹ chửi, có vợ rồi cũng đi chơi để vợ chửi, tới chết thì không ai... cúng”, ông đã bỏ tiền túi xây dựng “nhà thờ tổ” thờ tất cả những ai có đóng góp cho âm nhạc dân tộc mà ông gọi là “hiền nhân hậu tổ”. Khánh thành năm 2002, đến nay đã có hơn trăm cái tên được đưa vào “nhà thờ tổ”. Cũng từ thời gian này, ông Hai Sáng gây dựng lại những cuộc chơi ĐCTT tại nhà. Chiều Chủ nhật nào nhà ông Hai Sáng cũng rộn rã tiếng đàn ca, nhiều người từ các tỉnh (Long An, Bình Dương, Đồng Nai...) cũng lặn lội lên tham dự. “Mỗi lần chỗ này chơi là thiên hạ “ngán” lắm. Toàn hát bài bản không hà. Bài bản ở đây cũng là bài bản “thứ thiệt” vừa dài vừa khó đàn khó hát lắm chứ không sợ dài sợ khó mà rút ngắn bớt như bây giờ đâu. Mà thời buổi này nghe nổi bài bản chắc chỉ có lứa tụi tui thôi”, ông Sáng hóm hỉnh. Nghệ nhân Bạch Huệ theo chiếu ĐCTT từ năm 14 tuổi, đến nay đã 61 năm vẫn phải thường xuyên đến các tụ điểm chơi ĐCTT để nghe mà học hỏi thêm và rèn hơi ca. Cô bảo: “ĐCTT hiện nay thật sự đã đi quá xa so với cái gốc của nó. Bị cải lương hóa đã đành, bài bản cũng bị rút ngắn, rơi rụng. Mấy đứa nhỏ bây giờ mà thuộc được 5/20 bài tổ là đã siêu lắm rồi. Nói thiệt, lứa tụi tui mà “đi” rồi thì chắc chắn các bài bản sẽ mất theo. Nói đâu xa, chỉ vài năm nữa thôi, người ca thì có thể còn sót lại chứ người đàn điêu luyện nhấn nhá bài bản cho đúng, cho hay chắc không còn...”. Bảo tồn ĐCTT: nan giải! Do để “chơi” nên ĐCTT mang đậm sự ngẫu hứng, người đàn thường có “ngón đàn” riêng nên dù cùng một lòng bản, mỗi người đàn mỗi khác, mỗi nơi đàn mỗi khác. Khác với tính hệ thống chặt chẽ của âm nhạc phương Tây, nhạc tài tử không có sách vở hay bản ký âm chính xác nào truyền lại. Điều này làm nên cái hay đặc biệt cho ĐCTT, nhưng sự thiếu thống nhất cũng dẫn đến tình trạng nhiều “dị bản” và các bản nhạc bị tự ý sửa đổi, thêm bớt ngày càng xa với bài bản gốc.“Để tránh tình trạng mỗi nơi chơi mỗi kiểu thì cần phải sưu tầm, tập hợp lại rồi hiệu đính, hệ thống lại các bài bản sao cho thống nhất. Cái cốt lõi của ĐCTT là tính sáng tạo nhưng phải sáng tạo trên cùng một khung, một nền tảng cơ bản chứ không thể thích gì làm nấy. Cái này chỉ có nhà nước mới làm nổi thôi”, ông Hai Sáng nói. Về đào tạo lớp kế thừa cho các nghệ nhân ĐCTT ngày càng đứng bóng, lại càng khó. “Môn này đòi hỏi rất nhiều ở năng khiếu của người học mà còn phải có sự kiên nhẫn nữa. Quy tắc truyền dạy cơ bản của ĐCTT là bắt đầu từ những bài bản nhỏ (Lưu thủy đoản, Kim tiền, bình bán vắn...) để người học biết nhịp, biết cách lấy hơi rồi mới dần học đến những bài bản khác cao hơn. Bây giờ tụi nhỏ chỉ thích học ca vọng cổ thôi, các bài bản khác không quan tâm”, ông Hai Sáng nhận xét. Cô Bạch Huệ cho hay nhiều học viên “than trời” vì học “tài tử chính thống” sao khó quá và chỉ mới sau vài bài bản nhỏ đã xin cô dạy hát vọng cổ. ĐCTT đúng nghĩa là chỉ để giải trí tinh thần chứ không hề mang tính thương mại như hiện nay. Tâm lý khán thính giả hiện đại lại không thích nghe bài bản tài tử mà chuộng vọng cổ, cải lương nên người học chỉ cần đủ vốn liếng hát kiếm tiền rồi thôi, thành thử càng xa rời cái gốc ĐCTT. Mỗi năm, khoa Kịch hát dân tộc, trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM cho ra trường cả trăm học viên đều có thể ca và đàn tài tử, tuy nhiên vì mưu sinh, họ dần bỏ quên tài tử. “Không phải là không còn người say mê ĐCTT. Có điều thời buổi này kinh tế thị trường quá mà ĐCTT chính thống thì không thể kiếm được tiền. Thành thử chỉ có mấy ông già, bà già về hưu, hết danh lợi, không bon chen mới tìm đến ĐCTT mà thôi”, anh Phạm Thành Tiến, người con trai duy nhất trong 8 người con của nghệ nhân Hai Sáng theo nghề “ham chơi” của cha bùi ngùi chia sẻ. Sưu tầm Tre Xanh CA 13-02-2015 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 9 năm, 9 tháng #15070
|
DẠ CỔ HOÀI LANG Cao Văn Lầu - Hoàng đế của nhạc tài tử cải lương Từ trong quá khứ đến hiện tại ,bản vọng cổ luôn được xem là bản chủ lực của nhạc tài tử cải lương .Cho đến nay nó như một vị hoàng đế trong các cuộc chơi đờn ca tài tử và cả trên sân khấu cải lương . Ai cũng biết bản vọng cổ do nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác tại thị xã Bạc Liêu .Ban đầu có tên Dạ Cổ ,kế đó là Dạ cổ hoài lang và nay là bài vọng cổ ,với từng giai đoạn được nới rộng tiết tấu. Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1892 ,tại làng Thuận Lễ ,tổng Cửu Cư hạ ,nay là xã Thuận Mỹ -Châu Thành –Long An . Ông mất ngày 13/08/1976 (âm lịch) tại thị xã Bạc Liêu mà ông chọn làm quê hương thứ hai ,nơi đã khai sinh ra bản vọng cổ .Thân phụ của ông cũng là nghệ nhân –Hương nhạc chỉ huy ban nhạc lễ trong làng ,tên là Cao Văn Giỏi (Chín Giỏi) . Ở vào cái thời mà thực dân và phong kiến đàn áp dân nghèo ,người mang nặng kiếp tằm nghiệp dĩ đều phải chịu cảnh đói khổ ,lúc đó ,gia đình ông phải rời nơi chôn nhau cắt rốn(Long An ) dạt về phía Nam ,ghé nhiều nơi ở Nam kỳ lục tỉnh và cuối cùng dừng lại ở Bạc liêu. Tại đây ,Cao Văn Lầu(6 Lầu); thọ giáo thầy đờn Nhạc Khị ,một thầy đờn giỏi nổi tíêng khắp Nam Kỳ lục tỉnh , đứng đầu nhóm tài tử Bạc Liêu ,người đời tôn ông là hậu tổ tài tử cải lương .Sau một thời gian học đờn tranh và kìm , ông Sáu Lầu trở thành học trò xuất sắc nhất trong nhóm các môn đệ của thầy Nhạc Khị .Sáu Lầu thầm yêu cô Hai Thân(con gái thầy Nhạc Khị) ,nhưng vì nhà nghèo không tiền cưới nên cô Hai Thân; phải đi lấy chồng . Câu chuyện tình yêu của Sáu Lầu và Hai Thân theo thời gian chỉ còn là kỷ niệm .Gia đình cưới một người con gái cùng quê cho Sáu Lầu nhưng trớ trêu thay , đã ba năm mà nàng không sinh nở ,trong khi cha mẹ Sáu Lầu luôn mong có đứa cháu nội .Hồi đó quan niệm “ Tam niên vô tử bất thành thê” rất khắc nghiệt .Cha mẹ Sáu Lầu buộc ông thôi vợ để cưới người khác và cho vợ ông được trở về nhà cha mẹ đẻ. Sáu Lầu vẫn chung thuỷ với vợ . Đêm đêm một mình chăn đơn gối chiếc ông nằm nghe tiếng trống chùa Vĩnh Phước vọng lại đến não lòng. Ông liên tưởng đến tình cảm của vợ chồng ông chẳng khác gì thiếu phụ trông chồng như Hòn Vọng Phu ,cùng lúc cảnh đất nước đang bị thực dân phong kiến thống trị . Đêm khuya thanh vắng ôm đờn mà giải bày tâm sự , ông nhớ đến điệu nam ai với bài Tô Huệ Chức cẩm hồi văn và dựa tứ đó sáng tác bản Dạ Cổ .Từ câu chuyện tình yêu và nổi khổ của mình ,nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nâng lên thành tâm trạng chung,tư tưởng nghệ thuật chung của dân tộc lúc bấy giờ để môi người cùng chia sẻ. ..Từ là từ phu tướng Bảo kiếm sắc phong lên đàng ..Trở lại giang đàng Cho én nhạn hiệp đôi ớ.. ơ Đó là buổi bình minh của bạn vọng cổ .Nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác giai điệu này khoảng cuối năm 1918 , đến năm 1919 thì được phổ biến trong giới tài tử Bạc Liêu .Cũng năm ấy ông lén đến thăm vợ và mấy tháng sau được vợ báo tin bà đã có thai .Cha mẹ ông vui mưừg và rước vợ ông về đoàn tụ .Kết quả bào thai ấy là cậu bé Cao Kiến Thiết ra đời (hiện nay là cán bộ về hưu) Từ sau năm 1920 thì bản dạ cổ hay dạ cổ hoài lang được phổ biến càng ngày càng rộng khắp miền Tây Nam Bộ ,với từng thời gian và tiết tấu được tăng thêm :nhịp đôi,nhịp tư,nhịp tám ,nhịp 16,và đến nay là bản vọng cổ nhịp 32. Các cuộc đờn ca tài tử nào cũng không thể thiếu vắng bản vọng cổ ,với hơi điệu nam ai oán ,vừa trữ tìinh lãng mạn,có chút buồn man mác … Ngay khi SKCL ra đời không lâu thì các tác giả tiền bối đã đưa bản vọng cổ vào cải lương và thịnh hành từ sau năm 1930 .càng về sau bản vọng cổ được đưa vào cải lương với số lượng mhiểu hơn, được tách rời từng câu cho phù hợp với tình huống ,hoàn cảnh kịch như có lớp chỉ câu 1+2,có lớp 15+16 ,có màu 3+4m hoặc 1+6… Các tác giả còn viết trọn bài theo các loại nhịp ,gọi là bản lẻ và thường xuất hiện trên các hãng băng đĩa , đài phát thanh và các cuộc đờn ca tài tử .Từ cuối thập niên 50 đến nay ,nhiều tác giả còn ghép bản vọng cổ với ca khúc ,gọi là tân cổ giao duyên rất ăn ý và nhiều tác phẩm đã làm say mê lòng người không ít. Bản vọng cổ đã có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng ,nó chiếm lĩnh tình cảm tất cả các tầng lớp từ trí thức , đến những người bình dân nhất. Nhiều vị tướng lĩnh ,tiến sĩ,giáo sư,bác sĩ ca vọng cổ rất hay và hầu hết dân chúng ở miền ĐBSCL ca rành bản vọng cổ.GSTS Trần Văn Khê ,có lần thuyết trình về cái đẹp của âm nhạc Việt Nam tại TPHCM đã nói “bản vọng cổ rất đa dạng về phong cách và phong phú về tư tưởng nội dung . Chỉ có câu chữ nhạc trong khuôn khổ nhất định mà mỗi người đờn nghe khác nhau về âm sắc ,người ca nhiều hơi,kỹ thuật giọng điệu cũng khác nhau ,người viết lời khác nhau tạo hương sắc bản vọng cổ muôn màu muôn sắc tuyệt vời.”Nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đến Việt Nam nghe bản vọng cổ rồi bảo Vọng cổ chỉ từng ấy câu ,mà quá nhiều lời ăn ,nội dung cỡ nào cũng dung nạp được và nghe hoài không thấy chán. Và,một nghệ sĩ miền Bắc đã tâm đắc :Nam Bộ có bản vọng cổ vượt thời gian và không gian ,thể loại hay mà người ca cũng hay ,nhất là miền Tây Nam Bộ sờ đâu cũng đụng ca vọng cổ hay ! Phải chăng sự thăng hoa ấy của bản vọng cổ đã đạt đến đỉnh điểm của nó trong lòng mọi tầng lớp công chúng và nó cũng đã vượt đại dương đến nhiều nước trên thế giới. Cũng chính bản vọng cổ đã khẳng định sức sống và vị trí của mình bởi tính chất đa dạng :hỉ ,nộ, ái , ố .. Đặc điểm này đã nhanh chóng chắp cánh cho nhiều lớp nghệ sĩ nổi danh .Cô Ba Đắc ,Năm Nghĩa,Tư Sạng,cô Ba cần Thơ,Năm Trà Vinh,.. Đệ nhất danh ca Út Trà Ôn ,tiếp nối những sầu nữ Út bạch lan ,Thanh Nga,Bạch Tuyết,Phượng Liên,Lệ Thuỷ,Mỹ Châu,Thanh Kim Huệ ,Tấn Tài ,Minh Cảnh,Minh Phụng,Minh Vương ,Thanh Sang ,Phương Quang,Thanh Tuấn,Vũ Linh… Nhờ những câu vọng cổ cải lương hay trên SKCL sàn diễn mà nhiều nghệ sĩ được khán giả coi như thần tượng ,họ luôn mong chờ cho nghệ sĩ xuống hò vọng cổ để vỗ tay tán thưởng …Vọng cổ đã làm cho xiêu lòng chị cho dày duyên em là thế .Có thể nói không một vở cải lương nào mà không có ít nhất vài câu vọng cổ ,vì nó như là máu thịt. Cứ đến mùa Trung Thu hàng năm ở Bạc Liêu lại tổ chức kỷ niệm ngày mất của nhạc sĩ Cao văn Lầu ,người đã để lại cho nghệ thuật dân tộc một di sản độc đáo ,một bản sắc văn hoá của cả nước nói chung và phía Nam nói riêng. Theo sân khấu Việt Nam Tre Xanh CA 20-2-2015 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 9 năm, 9 tháng #15171
|
Đặc sản Nam Bộ qua ca dao, tục ngữ Đất Nam Bộ là vựa lúa chính của nước ta, đồng thời là vựa trái cây nổi tiếng với đủ các chủng loại hoa quả miền nhiệt đới. Mùa nào thức ấy. Từ chôm chôm, vú sữa, măng cụt, sầu riêng cho đến mít, chuối, xoài, ổi, nhãn, cam quýt... Mỗi địa phương có sản vật riêng món ngon riêng, vừa đa dạng vừa phong phú. Với ưu thế sông ngòi, kênh rạch chằng chịt, bưng biền ngập nước mênh mông là nơi sanh sống lý tưởng của rắn rết, cá sấu, rùa , ba ba, tôm, cá, cua, còng... và cả các loại chim chóc nữa. Có thể nói đất Nam Bộ tập trung nhiều món ăn ngon, nhiều sản vật lạ từ lâu đã đi vào kho tàng văn học dân gian và luôn luôn là đề tài hấp dẫn, thu hút khách phương xa... Đất Long An từ lâu được xem như vựa lúa chính ở Nam Bộ, được truyền tụng qua câu ca: Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai, Hết củi đã có Tân Sài chở vô! Từ Tân An đi tiếp về miền tây là đất Tiền Giang, xưa là tỉnh Định Tường và Gò Cộng ở đây có món bánh giá chợ Giồng (gò Công) được khách sành ăn ca ngợi. Và cũng không biết tự bao giờ, món bánh giá chợ Giồng đã trở thành câu hát huê tình của các chàng trai miệt vườn: Từ khi em gái lấy chồng, Anh ăn bánh giá chợ Giồng với ải Bên kia sông Tiền, đối diện với Tiền Giang là "Dáng đứng Bến Tre" với rừng dừa thơ mộng, là đất địa linh nhân kiệt: Bến Tre nước ngọt lắm dừa, Ruộng vườn màu mỡ biển thừa cá tôm Sầu Riêng, măng cụt Cái Mơn Nghêu sò Cồn Lọi, thuốc ngon Mỏ Cày. Và: Bến Tre giầu mía Mỏ Cày Giầu nghêu Thanh Phú, giầu xoài Cái Mơn Bến Tre biển cá sông tôm Ba Tri muối mặn, Giồng Trôm lúa vàng Bến Tre còn nổi tiếng với món bánh phồng, bánh tráng: Bánh tráng Mỹ Lồng Bánh phồng Sơn Đốc Với kẹo dừa hấp dẫn: Kẹo Mỏ Cày vừa thanh vừa béo, Gái Mỏ Cày vừa khéo, vừa ngoan... Từ đây, ngược dòng Tiền Giang đi vào Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh, đồng ruộng bao la và là kho cá tôm vô tận: Đến mùa nước nổi thì có món đặc sản mùa lũ với các món ngon lạ miệng sẽ được chế biến trên sông nước: Muốn ăn bông súng mắm kho, Thì vô Đồng Tháp ăn cho đỡ thèm! Món ăn ở vùng nước mặn đồng chua tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng hương vị đậm đà khó tả: Điên điển mà đem muối chua, Ăn cặp cá nướng đến vua cũng thèm! Hoặc: Muốn ăn bông súng mắm kho Lén cha, lén mẹ xuống đò thăm anh Đến mùa nước rút, cánh đồng Tháp Mười trở thành nơi sanh sản của rắn và chuột đồng. Rắn và chuột bắt đem chế biến thành những món nhấm "quá đã" giữa chốn bưng biền. Cần chi cá lóc, cá trê, Thịt chuột, thịt rắn nhậu mê hơn nhiều! Đồng Tháp thật là cả một kho thực phẩm trời cho: Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng Về bưng ăn cá về đồng ăn cua Bắt cua làm mắm cho chua Gửi về quê nội khỏi mua tốn tiền! Từ giã Đồng Tháp về Cao Lãnh bên bờ sông Tiền, khách sẽ được thưởng thức món xoài ngon nổi tiếng xưa nay: Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh Vú sữa nào ngon bằng vú sữa Cần Thơ Từ đây sang Cù lao Ông Chưởng không xa, cũng là nơi có nhiều tôm cá: Bao phen quạ nói với diều, Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm Vượt Vàm Nao, sông Hậu, đến Châu Đốc, nơi nổi tiếng làm nghề mắm thái và bánh phồng được nhiều người ưa thích: Mắm Châu Đốc Dốc Nam Vang Hay: Bánh Tráng Mỹ Lồng Bánh phồng Châu Đốc Xuôi dòng Hậu Giang về miệt Cần Thơ, Ba Thắc (Sóc Trăng), khách còn được dịp thưởng thức thêm các món ngon ở đời: Ai về thẳng tới Năm Căn Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu Mắm nêm, chuối chát, khế, rau Tôm càng Đại Ngãi cặp vào khó quên! Khách đi lần xuống Bạc Liêu: Bạc Liêu nước chảy lờ đờ Dưới sông cá chốt, trên bờ Triều chậu Và, cuối cùng là đất mũi Cà Mau, kết thúc bằng món ăn: Rau đắng nấu với cá trê Ai về đất Mũi thì "mê" không về! Sưu tầm Tre Xanh CA 3-1-2015 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 9 năm, 9 tháng #15316
|
Cải lương, cá tính của miền Nam Miệt vườn cây trái tốt tươi, món hậu đãi giữa vùng sông rạch như mê cung, một thoắt ngoắt ngang, ngẩng mặt là tràng giang nước trắng hiện ra . Ai biết thuở đầu mới chỉ có những giồng những bãi chơ vơ giữa cuồn cuộn chín cửa sông, phi thường mà vật lộn chống trả với ngàn cơn lũ để được là giồng là bãi. Người khai khẩn hai năm một vụ rạch mương, vật đất phù sa bồi lên để giồng bãi trở thành liếp cây ăn trái xanh tươi chông chênh giữa bốn bề nước xối, phát hoang những trảng cỏ sình mênh mông gieo hạt thóc; đổ mồ hôi nước mắt và cả máu, cho một đời sống, cá tính và nhân cách riêng. Theo gươm mở cõi trời Nam Vở cải lương đầu tiên được công diễn tại đất Sài Gòn Gia Định vào năm 1916. Năm 1922, cải lương Kim Vân Kiều gặt hái thành công sâu đậm trong lòng công chúng, kể như nghệ thuật cải lương đã là cơn gió lành thấu suốt đời sống lục tỉnh. Những cái tên đình đám đến mức huyền thoại trên cửa miệng người dân nghiền vọng cổ, mà dân Nam thời ấy hầu hết là “dân nghiền”, để rồi sau này trở thành nghệ danh của nhiều thế hệ tài tử : Bảy Nam, Bảy Hiền, Minh Phụng, Kim Tử Long, út Trà Ôn... bắt đầu khởi nghiệp từ đây. Những người làm văn hoá đã dốc lòng cho nghệ thuật cải lương chào đời và sinh sôi như Lương Khắc Ninh, Trần Hữu Trang, Hồ Biểu Chánh, đến nay vẫn được nhắc tới như những quý nhân trong lòng công chúng, có lẽ vì họ, đã góp phần nhờ nghệ thuật tìm cho tâm hồn người dân thêm một lẽ sống tồn. Quân viễn chinh Pháp chiếm Nam kỳ, coi như đã ở thế đặt được chân tươi chân chân héo trên mảnh đất khai khẩn cũng nửa héo nửa tươi. Thiên nhiên khắc nghiệt lộng hành cuốn trôi bao công sức, đẩy hầu hết người dân miền Nam, chỉ trừ số nhỏ có bạc nén giắt lưng, thành những kẻ tay trắng, đầu đội trời chân đạp đất theo đúng nghĩa đen, đổ mồ hôi đổi lấy sự sống. Tâm hồn họ thô tháp quật khởi nhưng cũng yếu mềm nhạy cảm như đường tơ run với từng hồi gió nhẹ. Theo đức Phật Thầy Tây An, đức Bổn sư ... lập làng thờ đạo, đánh Pháp. Nao nức với Thiên địa hội, vị nghĩa tương ái tương thân không sợ đô hộ cường quyền; đây là phong trào ngầm lan sâu rộng thách thức chính quyền thuộc địa, cơn gió của tinh thần và nghĩa khí miền Nam. Tinh thần ấy cùng thấm đậm trong những làn điệu đờn ca tài tử, mà nhờ chữ Mới( quốc ngữ), nhờ cây cầu nối là những “phú ông” nhỏ gần dân, đã từ thú tiêu dao quý tộc trở thành điệu hát của xóm làng. Lớp trí thức Tây học Nam kỳ đầu tiên cũng là lớp người đã sốt sắng đưa đờn ca Vọng cổ lên sân khấu chuyên nghiệp, như một tất yếu. Giản dị, phóng khoáng, đa cảm, Cải lương là phần sâu kín trong tâm hồn Nam bộ hảo hớn, mạnh mẽ, dễ xúc động thương tâm. Đêm thâu mùa nước nổi, nghe một khúc Dạ cổ hoài lang ( tiếng trống thành nhớ chinh phu) hay lớp thán của Thuý Kiều dưới trướng rượu Hồ Tôn Hiến, lại thấy vang vọng về những nẻo xa lắm của nghìn năm trầm tích sông Hồng. Nghệ thuật của đời thường Gió theo sóng triều lên lướt ràn rạt trên những vạt rừng tràm mới hồi sinh non mảnh bỡ ngỡ, vẫy vùng trên thăm thẳm bời bời những sải tay cổ thụ tràm đước dan rộng mênh mông làm thành những tiếng thâm u không dứt như tiếng biển. Ông già Mười Đởm gác rừng U Minh Hạ néo chiếc thuyền tôn vào cây cọc nhà sàn, chậm rãi bước lên bờ. Chỉ lát sau, ông đã đầu tóc nguyên nếp ướt, áo quần tề chỉnh, bê theo một mâm rượu nhỏ bày ngay trảng cỏ bờ kinh. Một cái be nhỏ, bộ chén hạt mít, đĩa muối tiêu, đậu phộng, thơm gừng tỉa mỏng. Ông nhắc cây đờn kìm trên vách nhà, trịnh trọng trao nó cho một thanh niên trẻ, tóc ướt mượt trong nhóm đờn ca. ánh hoàng hôn xuống rực trong cặp mắt mở lớn của ông như còn phản chiếu ngọn lửa cháy đỏ hôm nào... Nghệ thuật cải lương khi đã trở thành trình thức sân khấu vững chắc, vẫn có một con đường ngược lại, nhập vào dòng chảy đời thường, đến tận từng ngõ ngách của cuộc sống. Nó kế thừa được cái duyên của cả Chèo lẫn Tuồng, nhưng lời ca không hẳn gánh trách nhiệm định vị không gian thời gian, cố định diễn tiến, khắc hoạ nhân vật mà thiên về bộc lộ giãi bày cảm xúc nội tâm được phép rất cụ thể, tả thực, phóng khoáng và biến đổi. Lời ca trong cải lương gần nhất với tiếng nói sáu thanh của đời thường so với các sân khấu truyền thống khác, lại thêm một cơ duyên nữa để nghệ thuật này tiến sát hơn những gay cấn, phức tạp cụ thể của đời sống. Kể như đã xứng là bậc tài tử đặng phổ vào đàn ấy những vui buồn rày mai, những điều mắt thấy của sinh cuộc. Nhưng cốt lõi của cải lương hay vọng cổ vẫn không phải những mâu thuẫn bề nổi của xã hội, những vấn đề thế cuộc trực tiếp hay những xen cố tình xoáy vào cái sến hòng lấy nước mắt người xem một cách dễ dãi. Cải lương thực sự, có thể, cần phải là một cách phát hiện nét tâm lý sâu sắc và điển hình của thời cuộc, nét tâm lý phần nào mang tính triết học về cuộc sống mới, hoàn cảnh hiện tại. Chính vì thế, những gì là động tâm, nước mắt, éo le... được giãi bày rất thoải mái thoả sức mới được đồng cảm và trở nên thấm thía. ... Tiếng ca của những nghệ sĩ vùng sình đước, già có trẻ có vẫn bừng lên quanh ngọn lửa lúc rụi lúc cao, cái lạnh khuya bắt đầu lẩn khuất. Tiếng đàn xoáy cuộn da diết, giọng ca bảng lảng như có như không, như nhập vào cái thực nhỏ nhoi trong cái huyễn vô cùng của rừng thiêng, mà nhói vào tâm trí người nghe “Máu đào vẫn chảy trong tim/ cũng là nước mắt u minh cho rừng..... Đêm qua chớp bể mưa nguồn/ nửa đau thế sự nửa buồn thế nhân...” Khánh Phương Tre Xanh CA 8-3-2015 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.31 giây