Thông tin tiện ích  

   

Tin Nhắn

sondung: Xin lỗi Thầy Cô em đi hoang lâu giờ mới trở về thăm lại trường xưa. Em hứa từ nay sẽ không đi xa nữa.
sondung: Chào Thầy Cô! Em mới gởi bài viết: TRÙNG DƯƠNG HỘI NGỘ vào trang văn, nhờ Thầy Cô giúp em gởi Video và hình ảnh vào trang của bài, em không biết cách gởi hình vào ạ! Cám ơn Thầy Cô!
sondung: Chào Thầy Cô
Thanha: Thầy cô chúc Gia đình Thắng Nhung năm mới nhiều sức khỏe , vui vẻ, hạnh phúc
Thanha: Thầy cô cám ơn quá Giáng Sinh và Năm Mới của gia đình Thắng Nhung gửi vừa kịp lúc cả nhà đông đủ.Vui lắm Nhung ơi!Bánh Tét tuyệt vời! ...ngon quá đi ăn bánh nhớ má
Thanha: Thành thật chia buồn cùng gia đình và tang quyến về sự mất mát này Cụ bà thọ 93 tuổi.Cám ơn em về bài hát "Mợ tôi"
dpham66: Mẹ Minh Đức mới vừa qua đời. Bà thọ 93 tuổi. MĐ mới đăng bài hát về mẹ "Mợ Tôi". Xin mời thầy cô và các bạn vào xem... Tears!
Thanha: Chào Thanh Cẩm, thầy cô rất vui mừng gặp lại em.Chúc em nhiều sức khỏe và niềm vui khi trở về maitruongxuath.org
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em! Lâu nay em biệt tích, thật là có lỗi với mọi người! Giờ viết tin nhắn tính bấm “nhập” để xuống dòng, rồi chữ biến mất nên viết lại, thành ra chào hai ba lần!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô!
Thanha: TC chao dang cao, em và gia dinh khỏe ? lâu quá mới thấy em ghé thăm trường xưa. Hân hạnh đón tiếp.
dang cao: Chào TC
TÚ VĨNH: Kính chào thầy cô và các bạn. Chúc MTX một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Thanha: Thầy cô cám ơn hai em Thắng Nhung về những chiếc bánh chưng và bánh tét tình nghĩa đã gởi đến thầy cô nhân mùa Giáng Sinh-Năm Mới. Chúc gia đình hai em một mùa Giáng Sinh An bình và năm mới thành đạt.
Thanha: Cầu xin cho tất cả mọi người bình an qua mùa Covid. Năm nay buồn quá hả Thảo?. TC ở nhà suốt không dám đi đâu trừ lúc đi chợ và chạy xe đạp vô rừng.
Thanh Thảo: Em cám ơn TC nhiều ạ . Em cũng đang nghĩ cho cách này . Em sẽ cố gắng . Năm nay 2020 trọn năm bị Covid nên tháng 12 này ko bận làm bánh cho nhà Thờ và hãng TC ơi .
Thanha: TC đã đưa hình lên rồi. Em đừng ngại trong việc đưa hình, cứ viết bài TC sẽ đưa hình giúp. Cám ơn em.
Thanha: Vậy khi nào rảnh em viết bài và lên hình nhé.Thầy cô chúc em thành công.
Thanh Thảo: Nhưng chưa biết cách đưa hình vào như thế nào ? Bắt đầu tùn tới này em bận cho đến cuối tháng 12 về làm bánh . Em cám ơn TC đã sưu tầm được trang up hình này .
Thanh Thảo: Em đã sign in vào Imgur rồi TC ơi !
Thanha: Thầy Cô chỉ các em muốn post hình ảnh cá nhân vào MTX, các em hãy up vào Imgur rồi copy qua như trước đây đối với Flickr hoặc Photobucket. Bởi vì Imgur tiện lợi hơn, không cần có tài khoản và không giới hạn dung lượng.
Thanha: Kinh Thần Nông còn có bài "Trung uy nuôi tôm" tác giả Phương Toàn.
Thanha: Mời các em nghe đọc truyện người thật việc thật, người viết ở kinh Thần nông (kinh 5) .
Thanha: Đã có video buổi họp mặt ngày 8/6 tại trường mới C3 Tân Hiệp, do đài phát thanh truyển hình địa phương Tân Hiệp quay.
Thanha: Cám ơn Minh Châu đã báo cáo quĩ tới ngày 20/3/2019. Còn 3 tuần nữa chúng ta có kỳ họp vào ngày 8/6. Minh Châu kiểm tra tài khoản thường xuyên và báo cáo kịp thời lên quĩ những mạnh thường quân ủng hộ cho kỳ họp mặt này. Cám ơn em.
Thanh Thảo: Dạ Thầy Cô . Sau chuyến du lịch VN lần này , Nancy nói với mẹ : < VN đẹp quá ! Mai mốt đi làm có tiền , con sẽ về một mình ! > . Vậy là vui rồi TC ơi . Một đứa trẻ sanh ra ở Mỹ . Khi theo Mẹ về thăm quê hương mà khen được VN rất đẹp là quá tốt rồi . Chỉ sợ dẫn chúng về , nó chê ko bao giờ trở lại nữa thì nguy .
Thanha: Nancy thích lắm đây, TC không muốn vào bài comment để bài Thanh Thảo cuối cùng các bạn vào xem cho dễ.
Thanha: Chào Thanh Thảo,đọc bài du lịch miền Trung thích lắm, hy vọng tháng 6 nầy về họp mặt sẽ có dịp ra nơi ây.
Trieu Nguyen: Em kính chào thầy cô! Em cảm ơn thầy cô đã luôn chú ý và động viên em.
Thanha: Chào em Trieu Nguyen sau, thời gian vắng bóng trở lại trường xưa với ngòi bút điêu luyện hơn, văn hay chữ tốt hơn đem lại sinh khí mới với luồng gió cũ kỷ đong đầy kỷ niệm một thời khốn khó miền Cái Sắn. Cám ơn sự trở lại của em, trường xưa cảm thấy ấm áp hơn.
caonguyen: Chúc Út Sao và gia đình giáng sinh vui
vẻ
sondung: Dạ! Thưa Thầy Cô . Hôm giờ mấy cháu Vy Ngọc bận việc quá nên chưa làm clip video được , em thì mò hoài mà chưa vô phim được ,em có nhắn tin nhờ Thầy lúc nào rảnh đưa vô dùm vì những đoạn phim đó em giở qua phone của Thầy đó . Kính
Thanha: Chào Sondung, Phim em quay cho TC nhờ bé Vy đưa vào Youtube, sau đó chuyển link vào nội dung MTX như một bài viết,, để minh họa cho hai bài thơ trên. Thơ hay lắm sondung ạ. Cám ơn hai em.
sondung: Dạ chúng em cám ơn Thầy Cô đã tìm giúp , chúng em sẽ xin hoàn thành công việc ạ !

Để gửi tin nhắn xin hãy đăng nhập.
   
   

Trang web hiện có:
61 khách & 0 thành viên trực tuyến

   
Chào Khách quý
Tên đăng nhập: Mật mã: Tự động đăng nhập

Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...

NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 6 năm, 9 tháng #21154










Bánh tét Trà Cuôn – Món ăn Tết Việt


Bánh tét Trà Cuôn – Món đặc sản đã níu chân nhiều du khách khi đến nơi đây chính là bánh tét Trà Cuôn với hương vị đậm chất miền Tây Nam Bộ. Bánh tét Trà Cuôn là sự kết hợp của màu xanh đặc trưng của lá ngót, nếp dẻo thơm lừng.

Nếu đặc trưng của Tết miền Bắc là bánh Chưng thì ở miền Nam món ăn tinh thần được khách phương xa biết đến là bánh Tét. Về Trà Vinh, vùng đất nơi giao thoa của ba nét văn hoá Kinh – Hoa – Khmer, bạn sẽ được thưởng thức món bánh Tét có hương vị riêng biệt không lẫn với các bánh tét khác, bánh tét Trà Cuôn.

Món đặc sản đã níu chân nhiều du khách khi đến nơi đây chính là bánh tét Trà Cuôn với hương vị đậm chất miền Tây Nam Bộ. Bánh tét Trà Cuôn là sự kết hợp của màu xanh đặc trưng của lá ngót, nếp dẻo thơm lừng – nguyên liệu là tinh túy của miền đồng bằng phù sa màu mỡ, vị béo và vị thơm của nhân đậu xanh .

Để có được đòn bánh tét Trà Cuôn vừa ngon vừa dẻo và thơm, người làm bánh đã chú trọng từng khâu tỉ mỉ. Từ việc chọn lá, lá gói là những tàu lá chuối, tươi xanh, khổ rộng vừa phải, đem đi phơi nắng cho hơi rám màu, được lau sạch và xếp gọn gàng lại. Muốn có đòn bánh tét ngon, dẻo thì khâu quan trọng nhất là chọn được nếp sáp ngon, đây loại nếp đặc trưng của vùng đất này, có độ sánh kết phù hợp không lẫn gạo hay nếp tạp khác.


Nếp vo sạch để ráo và trộn đều với nước cốt lá ngót. Chính nhờ vào màu tự nhiên này mà bánh có màu xanh và mùi thơm đặc trưng. Đậu xanh sử dụng làm nhân bánh cũng phải là những hạt đậu to, tròn, được đem đi nấu chín. Thịt mỡ được xắt thành những thỏi dài và vuông, rửa sạch và đem ướp gia vị rồi mới đem đi gói cẩn thận. Nhiều nơi còn cho thêm một ít trừng muối vào giữa phần nhân để tạo thêm phần hấp dẫn.

Mỗi đòn bánh tét Trà Cuôn có đủ 5 màu của 5 thành phần bánh: nếp, đậu xanh, lồng đỏ trứng, thịt và mỡ. Đặc biệt, muốn bánh tét Trà Cuôn để được 5 – 7 ngày vẫn không bị hỏng mà lại càng ngon và đậm đà hơn thì người thợ bánh phải hết sưc cẩn thận cột dây vừa đủ độ chặt để khi luộc bánh nước không thấm vào khi luộc bánh.

Thay vì cắt bánh bằng dao, cắt bánh bằng dây sẽ làm bánh đẹp hơnThay vì cắt bánh bằng dao, cắt bánh bằng dây sẽ làm bánh đẹp hơn
Khi ăn bánh sẽ cắt ra thành từng khoanh nhỏ, nếu thấy chưa vừa miệng bạn có thể ăn kèm bánh tét với nước tương, củ kiệu, tôm khô hoặc dưa món. Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được độ mềm, dẻo và thơm của nếp. Phần nhân thịt mỡ cũng không gây ngán, ngược lại tan chảy trong miệng khiến nhiều thực khách yêu thích và muốn ăn thêm.

Giá một đòn bánh tét được bán ở Trà Vinh cũng vừa túi tiền người mua, giao động từ 30.000 đến 50.000 đồng tuỳ loại lớn nhỏ. Khi nào có dịp về Trà Vinh đừng quên mua một vài đòn bánh đem về làm quà cũng như để gia đình thường thức loại bánh tét nổi tiếng nơi đây.

Không giống những loại bánh tét khác, được nhiều ưa dùng và biết đến bánh tét Trà Cuôn được những người thợ làm bánh chế biến quanh năm để phục vụ cho thị trường tiêu dùng hằng ngày.

Theo những chuyến xe, chuyến đò bánh tét Trà Cuôn đã vươn ra khỏi địa phương, trở thành đặc sản đất Trà Vinh, bánh theo chân khách du lịch và người dân Trà Vinh đi khắp các tỉnh ĐBSCL đến Tp làm nên một thương hiệu nổi tiếng. Đặc biệt, nhờ thời gian bảo quản được lâu, một số du khách nước ngoài còn mang đòn bánh tét Trà Cuôn về làm quà cho những người con xa xứ. Từ đó đặc sản nổi tiếng Trà Vinh đi vào mỗi tâm hồn của nhiều người con Nam Bộ hay những người yêu thích món ngon xứ Việt.


St.
Tre Xanh
CA 15-02-18

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 6 năm, 8 tháng #21264





Mùa ô môi chín

Rong ruổi về miền Tây Nam bộ, ghé thăm một vùng quê An Giang, thấy đứa bé ăn gì đó mà miệng lấm lem, đen xì. Hỏi thì bé trả lời: “Dạ ô môi”. Mới sực nhớ, tháng này là mùa ô môi chín.

Dù không ai trồng nhưng cây ô môi lại có mặt khắp nơi ở miền Tây Nam bộ. Chẳng ai để ý đến, cũng không dễ nhận ra chúng nếu không phải mùa cây nở hoa và mùa trái chín. Có lẽ bởi ô môi là loài cây có hoa đẹp và trái có hình dáng là lạ.

Dù chỉ là loại trái dại nhưng với nhiều người dân miền Tây, ô môi là trái của kỷ niệm. Tuổi thơ nơi ấy, ai mà không từng ăn trái ô môi thơm nồng mùi quê dung dị, ngọt vị đồng bằng, bến nước phù sa.

Xuân đến, cây ô môi bắt đầu rụng lá, cũng là lúc mùa hoa ô môi về. Hoa nở thành từng chùm màu hồng tuyệt đẹp dày đặc trên khắp các cành.

Lúc này, những trái ô môi già từ màu xanh cũng bắt đầu chuyển qua màu đen, báo hiệu mùa trái chín đang về. Song song đó cũng là mùa ô môi sinh lá và kết trái non mới.

Cuối mùa hoa ô môi, vào khoảng tháng tư, khi cành sinh lá và trái mới là lúc trái ô môi của mùa trước bắt đầu chín rộ. Khi trái ô môi chín, toàn bộ từ vỏ trái cho tới thịt (cơm) bên trong đều có màu đen.

Trái ô môi trung bình dài khoảng 60cm, vì vậy khi ăn phải chặt ra từng khúc. Sau đó lấy dao róc bỏ phần vỏ hai bên, rồi dùng ngón tay cầm hai sống còn lại của trái ô môi đẩy tới đẩy lui vài lần là có thể dễ dàng lấy phần thịt của trái.

Phần thịt trái ô môi xếp thành từng múi tròn mỏng đều nhau và được phủ bởi lớp mật màu đen, có vị ngọt, hơi nồng cay, mùi thơm đặt trưng rất dễ chịu. Mỗi múi có chứa một hạt màu vàng ở một bên mặt.

Hạt ô môi có hình trái tim, có thể ăn được, sau khi ngâm nước nóng để tách bỏ phần vỏ hạt. Theo đông y, trái ô môi cũng rất nên thuốc, có tác dụng nhuận tràng, kích thích tiêu hóa tốt. Trái ô môi ngâm rượu có công dụng dễ tiêu hóa, chữa đau lưng, nhức mỏi xương khớp…

Về miền Tây mùa ô môi chín này, gặp cây ô môi lúc lỉu đầy trái chín bên đường, tôi hỏi mua nhưng người chủ đất cười xòa:
- “Ôi, có bán buôn gì đâu con ơi. Trái nhóc luôn, vô nhà lấy cây mặc sức mà thọc. Đừng có trèo, cây cao nguy hiểm lắm”…

Và tôi cũng bắt gặp ở một góc chợ quê bày bán món quà quê này với giá chỉ vài ngàn đồng/trái…


St
Tre Xanh
CA 25-03-18

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 6 năm, 8 tháng #21303




Mồ hôi mặn chát ở làng nghề làm muối Bạc Liêu


Làng nghề làm muối Bạc Liêu, Bạc Liêu – một vùng đất miền Tây phù sa phì nhiêu màu mỡ, có chàng công tử “đốt tiền như giấy”, có lễ hội Nghinh Ông lớn nhất miền Tây. Và có Làng nghề làm muối Bạc Liêu…

Mồ hôi rơi mặn chát trên cánh đồng làng nghề làm muối Bạc LiêuMồ hôi rơi mặn chát trên cánh đồng làng nghề làm muối Bạc Liêu
Làng nghề làm muối Bạc Liêu, cái nghề tưởng chừng chỉ tồn tại ở vùng ven biển miền Trung khô nóng, ấy thế mà bà con Bạc Liêu đã gắn bó gần một đời với nghề truyền thống này, và nay vẫn còn nhiều vất vả.

Dạo chơi Bạc Liêu, bạn hãy thử một ngày dành từ sáng đến tối để đến thăm những làm nghề làm muối nơi đây, chứng kiến quy trình làm nên hạt muối tưởng chừng đơn giản, nhưng lại chứa không chỉ vị mặn của biển, mà còn vị mặn của những giọt mồ hôi dãi dầu bên cánh đồng muối.

Khi người ta nhắc tới cá Linh sông MeKong là nghĩ đến muối Bạc Liêu, cái thứ muối ướp vào làm nên vị mắm không gì so sánh được. Muối nơi này được ca ngợi vì độ trắng tinh, hàm lượng các vi tố trong muối nhiều.

Theo truyền miệng, làng nghề làm muối Bạc Liêu ở đây đã xuất hiện từ lâu, theo chân những người Hoa Kiều khi khai sinh lập địa. Bạc Liêu có 2 huyện làm muối là Đông Hải và Hòa Bình. Trước đó, người ta gọi là muối Ba Thắc (từ cổ chỉ vùng đất sông Hậu), rồi muối Long Điền (vì có diện tích canh tác lớn nhất). Muối Bạc Liêu nhiều và nổi tiếng đến nỗi cung cấp cho cả lục tỉnh Nam Kì và 3 nước Đông Dương.


Quy trình sản xuất của nghề Bạc Liêu không khác gì so với kỹ thuật sản xuất muối của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh. Tuy nhiên, các ô phân cấp phơi nước trong quy trình sản xuất ở mỗi tỉnh sẽ có tên gọi khác nhau. Cách phơi nước biển theo các cấp “xa kề, nhì kề, xếp chuối” (tiếng phổ thông của người Hoa kiều) là một kỹ thuật sản xuất truyền thống và rất riêng của Bạc Liêu. Trong sản xuất muối, phơi nước là yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng muối. Các tạp chất có trong nước biển qua các giai đoạn phơi nước sẽ lắng tụ dần tại các ô bốc hơi và sẽ tạo ra sản phẩm muối trắng, sạch hơn do không lẫn nhiều tạp chất.

Ngày nay, người dân Bạc Liêu vẫn duy trì phương pháp vừa truyền thống vừa khoa học này, nhưng dần thay sức người bằng các máy móc thiết bị hiện đại hơn. Song, làng nghề làm muối ở Bạc Liêu, như bao làng nghề muối khác, luôn phải “trông trời, trông đất, trông mây”. Nên cái nghề “nước giã nên hồ” này lắm bấp bênh và muôn phần cơ cực, mồ hôi rơi mặn tựa muối nơi này.

Giọng chân chất, đặc sệt phong vị miền Tây, một người dân bày tỏ: “Làm muối mà không có ai mua thì chết”. Ngẫm lại, số người diêm dân sao thoát khỏi sự phụ thuộc. Cứ đến mùa là cầu mong trời nắng, thời tiết thuận lợi để hạt muối kết tinh. Bỏ công cả một ngày dài cào, xới, vậy mà biết đâu một trận mưa cuối chiều là coi như trắng tay. Mùa nước lên, người dân ở đây cũng nơm nớp lo sợ nước tràn, nước lũ kéo lên ảnh hưởng chất lượng muối, vì vậy, họ luôn phải tìm công việc phụ để trang trải cuộc sống thay vì bám trụ hoàn toàn vào những làng nghề làm muối Bạc Liêu.

“Sém cháy thịt da, mới ra hạt muối”

Vậy đó, mà muối làm ra, không có thương lái tới mua thì cũng coi như công cốc. Xong vụ mùa muối chất đầy kho, tưởng đâu sẽ được bội thu, ai ngờ bị ép giá, khiến người diêm dân chao đảo. Biết bao gánh nặng đè lên cái nghề truyền thống và đáng tự hào của vùng đất miền Tây này.

Khó khăn muôn phần là thế, dù nhiều diện tích ruộng muối đã chuyển đổi sang nuôi trồng tôm, nhưng những làng nghề làm muối Bạc Liêu vẫn bền bỉ tồn tại và phát triển, vì mưu sinh nhưng cũng vì lòng tự hào xứ sở.

Hiện nay, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn đến bà con, từ máy móc thiết bị đến kĩ thuật và cả chính sách rõ ràng phát triển thương hiệu. Những cơ sở chế biến đã cùng diêm dân kinh doanh, mang nhiều hương vị muối đặc trưng đến với khách hàng. Mô hình tập thể cũng là điểm sáng trong cuộc cách mạng nghề muối ở Bạc Liêu với hi vọng một tương lai tươi sáng.

Trải qua nhiều thăng trầm, năm 2010 làng nghề làm muối Bạc Liêu được chính thức công nhận. Những giọt mồ hôi mặn vẫn rơi đều xuống những diêm điền, như là minh chứng cho sự gắn bó và trường tồn của làng nghề làm muối Bạc Liêu, nhưng câu hát câu hò cất lên sẽ ngọt ngào và đằm thắm hơn, chan chứa cái tình của người làm muối đất miền Tây.

“Nghề làm muối một sương hai nắng

Từ sáng mờ đêm vắng canh thâu

Còm lưng, bại gối, mỏi đầu

Làm ra hạt muối trắng màu tinh khôi”

– Thơ: Muối Mặn Một Đời – Đặng Minh Mai


St
Tre Xanh
CA 8 tháng 4

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 6 năm, 6 tháng #21424




Ơ KHO QUẸT GỢI NHỚ TUỔI THƠ


Có những món ăn dân dã tưởng chừng chỉ có ở thôn quê, ruộng đồng ngày nay đã xuất hiện trên các bàn tiệc của nhà hàng và trở thành các món ăn hấp dẫn lôi cuốn nhiều người thưởng thức. Rau luộc kho quẹt là một trong những món ăn như vậy.

Đơn giản chỉ là dĩa rau luộc, ơ kho quẹt cay cay, nồng nồng mà sao thu hút biết bao người, người thôn quê, người thành thị và cả những thực khách phương Tây.

Món rau luộc kho quẹt có hương vị thơm ngon đặc trưng và vô cùng lạ miệng, món ăn gợi nhớ nhiều kỷ niệm một thời nghèo khó, mộc mạc. Từ ngày xuất hiện món ăn này đã gắn liền với chữ “nghèo” vì người dân quê thường ăn vào những lúc nhà không có miếng thịt, con cá, kho nồi kho quẹt ăn cho qua bữa.

Ngày nay khi đời sống ngày một nâng cao, nhiều người cảm thấy thừa thãi với thịt cá, lại tìm đến những món ăn dân dã cho thanh đạm. Từ đó món rau luộc kho quẹt đàng hoàng nằm trong thực đơn nhà hàng sang trọng với nhiều tên gọi khác nhau như : rau luộc chấm kho quẹt, rau luộc kho quẹt hay rau tạp tàng chấm kho quẹt.

Nhiều quán ăn đã dùng chiếc dĩa nhỏ thay cho chiếc nồi đất để trông đẹp mắt hơnNhiều quán ăn đã dùng chiếc dĩa nhỏ thay cho chiếc nồi đất để trông đẹp mắt hơn

Kho quẹt rau luộc truyền thống rất dễ làm, vì nguyên liệu đơn giản có sẵn, chỉ cần cái nồi đất, ít nước mắm, ít bột ngọt, đường, tỏi ớt… hay ít tép mỡ là chế biến ngay, kèm với dĩa rau luộc đủ loại có sẵn trong vườn.

Để món ăn thêm ngon, nồi kho quẹt ngày nay có thêm thịt ba chỉ và tôm khô, nhưng vẫn với cách kho cổ truyền là sử dụng nồi đất. Gắp miếng rau luộc xanh rờn chấm kho quẹt sền sệt còn nghi ngút khói, mùi vị đặt trưng này không thể lẫn vào đâu được, vị mặn của nước mắm, vị béo của tóp mỡ, thịt ba chỉ, vị cay nồng của ớt, tiêu… ăn cùng cơm nóng thì không còn gì phải bàn nữa.

Dĩa rau luộc cũng có phần cải tiến hơn, thay vì ăn cùng rau tạp tàng có trong vườn như rau lang, cải trời, rau chai, đọt bí, rau choại, rau tai tượng… thì dĩa rau luộc trong nhà hàng, quán ăn có rau lang, khổ qua, bông cải, bầu non, đậu bắp hay cà rốt… Thiệt ra, nói đúng hơn là các loại rau tạp tàng kể trên thường không có sẵn trong nhà hàng, mà cũng khó tìm, tùy nhà bếp có rau củ gì người ta sẽ luộc cái đó.

Chúng ta phải thừa nhận rằng món kho quẹt rau luộc ngày nào đã thay đổi ít nhiều để phù hợp với thời điểm, chút “ sa hoa” hơn và ít “nghèo nàn” hơn.

Ai đã từng có một tuổi thơ sống ở miền quê sông nước, chắc sẽ không quên được món ăn “đượm” tình quê này. Một buổi chiều nhá nhem tối, cả nhà quây quần bên mâm cơm chỉ có chiếc ơ kho quẹt đen xì lọ nghẹ, một dĩa rau xanh.

Ánh sáng từ ngọn đèn dầu khi tỏ khi mờ

Tiếng muỗi vo ve.

Âm thanh “quẹt quẹt” vui tai của chiếc đũa tre cọ vào đáy nồi đất.

Miệng hít hà vì bị cay bỡi ớt.

Thỉnh thoảng gần cuối bữa, anh em tranh nhau để được trộn cơm vào nồi đất, và ăn cơm luôn trong cái nồi.

Tuổi thơ là thế… đúng là đầy “dữ dội” nhưng cũng vô cùng thú vị!

Tự hào sao khi thấy món ăn bình dân, rẻ tiền ngày nào đã được đưa vào thực đơn quán ăn, nhà hàng máy lạnh, được nhiều khách phương Tây khen ngợi và xem như một món ăn đặt trưng của Việt Nam.

Nhiều người lên Sài Gòn lập nghiệp, lo chuyện cơm áo gạo tiền tất bật, bất chợt gặp lại món ăn thuở thơ ấu trong một ngày tiệc tùng, chắc sẽ không khỏi những giây phút hoài niệm xen lẫn thích thú…


St

Tre Xanh
CA 5 tháng 6, 2018

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 5 năm, 10 tháng #21781




THƠM NỒNG HƯƠNG KIỆU

Nhớ cái nắng ấm áp của mùa xuân mà mớ kiệu tươi thêm nồng đượm hơn. Cái mùi hương kiệu thoang thoảng hòa cùng mùi nắng xuân ấm áp không lẫn vào đâu được.

Mùa xuân mới lại về trên quê hương tôi. Một mùa xuân an lành, nồng ấm tình thân. Nhắc đến Tết, người ta thường nghĩ đến chợ hoa rộn ràng, những phong bao lì xì mừng tuổi mới, đòn bánh tét nóng hổi đêm giao thừa hay cành mai khoe sắc trước hiên nhà. Riêng tôi, mỗi khi mùa xuân đến thật gần tôi lại thấy nhớ một món ăn dân dã bình dị cùng mùi hương nồng nàn trong kí ức đó là món dưa kiệu.

Xuân mang đến sự xanh tươi của các loại rau, mùi thơm lừng của các loại bánh trái, sự dịu dàng của khí trời, nụ cười tươi của con trẻ, mùi kiệu nồng nàn trong gió. Ở không gian nhộn nhịp của phiên chợ Tết có một góc bán kiệu, phảng phất mùi nồng cay riêng biệt không lẫn vào đâu được. Kiệu được chế biến thành nhiều món ăn ngon trong ngày Tết, nhưng phổ biến nhất là làm dưa.

Những ngày giáp Tết dù bận rộn thế nào các bà nội trợ lại tất bật với công việc mua kiệu tươi về làm mấy hủ dưa ăn dần đỡ ngán thịt. Việc làm dưa kiệu không cầu kì mất nhiều công sức như nấu bánh tét, làm mứt, đỗ bánh. Cũng như bao người dân ở các vùng quê khác, người dân quê tôi cũng thích ăn món dưa kiệu trong dịp tết xuân về gia đình đoàn viên.

Trong các công đoạn làm kiệu có lẽ công việc lặt kiệu là đông vui, nhộn nhịp nhất. Người lớn cùng trẻ con quây quần vừa lặt kiệu vừa trò chuyện rôm rả, thi vị trong những ngày cuối năm. Má tôi vừa lặt vừa chỉ dẫn chị em cách lặt cho đúng. Bà móm mếm nhai trầu vừa kể chuyện cho chúng tôi nghe. Đó là sự tích cây kiệu.

Ngày xưa có một nàng công chúa yêu thích việc trồng trọt. Nàng tên là Kiệu. Một ngày kia trong lúc thăm ruộng nàng phát hiện ra một loài cây lạ nên đêm về trồng. Khi cây có củ, nàng đem củ ngâm với dấm cùng với nước ngọt của cây trái. Vài ngày sau, củ không còn mùi ngái khó chịu mà phảng phất mùi thơm nồng. Nàng Kiệu đã dâng lên vua cha món kiệu ăn kèm với bánh chưng xanh. Vua cha nếm thử và rất thích, củ có độ giòn, trắng ngọt không có vị hăng nên đã ra lệnh trồng phổ biến loại cây này tên là kiệu theo tên của nàng công chúa.

Má bảo muốn làm món dưa kiệu ngon thì khâu chọn lựa kiệu rất quan trọng. Củ kiệu có kích thước không quá to quá nhỏ mới cho được những củ kiệu ngon. Kiệu rửa qua hai nước cho bớt cay nồng, ngâm qua nước muối hoặc phèn chua, rửa sạch để ráo nước rồi mới sang phần ướp gia vị. Đường và một chút muối cho vào thau kiệu, trộn đều tay. Má không cho dấm vào kiệu vì nước kiệu sẽ bị đục, kiệu mất đi độ ngon, giòn cần thiết. Cách tẩm ướt cầu kì như vậy phải chờ từ 1 đến 2 tuần mới thưởng thức và để lâu hơn. Kiệu càng để lâu càng chua và thấm vị. Kiệu sau khi ngấm gia vị thì mang ra phơi nắng 2 ngày. Nhớ cái nắng ấm áp của mùa xuân mà mớ kiệu tươi thêm nồng đượm hơn. Cái mùi hương kiệu thoang thoảng hòa cùng mùi nắng xuân ấm áp không lẫn vào đâu được. Phải phơi đủ nắng thì kiệu thành phẩm mới ngon, giòn. Kiệu phơi xong má khéo léo vào hủ, ăn kiệu không chỉ cần ngon, giòn thấm vị mà cần kĩ lưỡng trong công đoạn xếp từng củ kiệu tươi vào trong hủ.

Qua bàn tay khéo léo của con người, kiệu đã trở thành món ăn truyền thống đặc trưng trong dịp tết, góp phần làm phong phú thêm ẩm thực Tết. Món ăn đơn giản này đã gói trọn cả hồn dân tộc vì từ Bắc chí Nam hầu như nhà nào cũng làm kiệu để dành ăn dần trong Tết. Chén kiệu ngon như tấm lòng thơm thảo của con người và sự nồng nàn của tình thân trong ngày Tết.

Trong bữa cơm ngày xuân luôn có sự hiện diện của chén kiệu được bày biện trang trí đẹp mắt. Khi ăn nhiều thịt cá, bánh mứt thì những món muối chua như kiệu lại rất được ưa thích, chút dưa kiệu làm cho món ăn ngon hơn và phần nào đỡ ngán. Cách ăn kiệu mỗi miền cũng khác nhau: miền Bắc ăn kèm với bánh chưng, thịt nấu đông; miền Trung và Nam thì ăn kèm với tôm khô, bánh tét, thịt muối, canh khổ qua.

Từ từ nhấm nháp hương vị kiệu chua chua ngọt ngọt, thưởng thức bữa cơm đoàn viên đầu năm với những món ăn truyền thống mà lòng ấm áp, hạnh phúc vô biên. Rồi những ngày tết qua đi, các con lại sửa soạn lên đường làm ăn thì má không quên bỏ vào hành lí các con hủ dưa kiệu thơm ngon. Dường như ai cũng mang theo cái Tết đã qua thật ngọt ngào gói ghém tình thương yêu của gia đình trong hương kiệu nồng nàn. Lời hẹn tết sau con sẽ về để thưởng thức những món ăn quê hương.


St
Tre Xanh
CA 02-02-19
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.24 giây
   
© maitruongxuath.org