Thông tin tiện ích  

   

Tin Nhắn

sondung: Xin lỗi Thầy Cô em đi hoang lâu giờ mới trở về thăm lại trường xưa. Em hứa từ nay sẽ không đi xa nữa.
sondung: Chào Thầy Cô! Em mới gởi bài viết: TRÙNG DƯƠNG HỘI NGỘ vào trang văn, nhờ Thầy Cô giúp em gởi Video và hình ảnh vào trang của bài, em không biết cách gởi hình vào ạ! Cám ơn Thầy Cô!
sondung: Chào Thầy Cô
Thanha: Thầy cô chúc Gia đình Thắng Nhung năm mới nhiều sức khỏe , vui vẻ, hạnh phúc
Thanha: Thầy cô cám ơn quá Giáng Sinh và Năm Mới của gia đình Thắng Nhung gửi vừa kịp lúc cả nhà đông đủ.Vui lắm Nhung ơi!Bánh Tét tuyệt vời! ...ngon quá đi ăn bánh nhớ má
Thanha: Thành thật chia buồn cùng gia đình và tang quyến về sự mất mát này Cụ bà thọ 93 tuổi.Cám ơn em về bài hát "Mợ tôi"
dpham66: Mẹ Minh Đức mới vừa qua đời. Bà thọ 93 tuổi. MĐ mới đăng bài hát về mẹ "Mợ Tôi". Xin mời thầy cô và các bạn vào xem... Tears!
Thanha: Chào Thanh Cẩm, thầy cô rất vui mừng gặp lại em.Chúc em nhiều sức khỏe và niềm vui khi trở về maitruongxuath.org
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em! Lâu nay em biệt tích, thật là có lỗi với mọi người! Giờ viết tin nhắn tính bấm “nhập” để xuống dòng, rồi chữ biến mất nên viết lại, thành ra chào hai ba lần!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô!
Thanha: TC chao dang cao, em và gia dinh khỏe ? lâu quá mới thấy em ghé thăm trường xưa. Hân hạnh đón tiếp.
dang cao: Chào TC
TÚ VĨNH: Kính chào thầy cô và các bạn. Chúc MTX một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Thanha: Thầy cô cám ơn hai em Thắng Nhung về những chiếc bánh chưng và bánh tét tình nghĩa đã gởi đến thầy cô nhân mùa Giáng Sinh-Năm Mới. Chúc gia đình hai em một mùa Giáng Sinh An bình và năm mới thành đạt.
Thanha: Cầu xin cho tất cả mọi người bình an qua mùa Covid. Năm nay buồn quá hả Thảo?. TC ở nhà suốt không dám đi đâu trừ lúc đi chợ và chạy xe đạp vô rừng.
Thanh Thảo: Em cám ơn TC nhiều ạ . Em cũng đang nghĩ cho cách này . Em sẽ cố gắng . Năm nay 2020 trọn năm bị Covid nên tháng 12 này ko bận làm bánh cho nhà Thờ và hãng TC ơi .
Thanha: TC đã đưa hình lên rồi. Em đừng ngại trong việc đưa hình, cứ viết bài TC sẽ đưa hình giúp. Cám ơn em.
Thanha: Vậy khi nào rảnh em viết bài và lên hình nhé.Thầy cô chúc em thành công.
Thanh Thảo: Nhưng chưa biết cách đưa hình vào như thế nào ? Bắt đầu tùn tới này em bận cho đến cuối tháng 12 về làm bánh . Em cám ơn TC đã sưu tầm được trang up hình này .
Thanh Thảo: Em đã sign in vào Imgur rồi TC ơi !
Thanha: Thầy Cô chỉ các em muốn post hình ảnh cá nhân vào MTX, các em hãy up vào Imgur rồi copy qua như trước đây đối với Flickr hoặc Photobucket. Bởi vì Imgur tiện lợi hơn, không cần có tài khoản và không giới hạn dung lượng.
Thanha: Kinh Thần Nông còn có bài "Trung uy nuôi tôm" tác giả Phương Toàn.
Thanha: Mời các em nghe đọc truyện người thật việc thật, người viết ở kinh Thần nông (kinh 5) .
Thanha: Đã có video buổi họp mặt ngày 8/6 tại trường mới C3 Tân Hiệp, do đài phát thanh truyển hình địa phương Tân Hiệp quay.
Thanha: Cám ơn Minh Châu đã báo cáo quĩ tới ngày 20/3/2019. Còn 3 tuần nữa chúng ta có kỳ họp vào ngày 8/6. Minh Châu kiểm tra tài khoản thường xuyên và báo cáo kịp thời lên quĩ những mạnh thường quân ủng hộ cho kỳ họp mặt này. Cám ơn em.
Thanh Thảo: Dạ Thầy Cô . Sau chuyến du lịch VN lần này , Nancy nói với mẹ : < VN đẹp quá ! Mai mốt đi làm có tiền , con sẽ về một mình ! > . Vậy là vui rồi TC ơi . Một đứa trẻ sanh ra ở Mỹ . Khi theo Mẹ về thăm quê hương mà khen được VN rất đẹp là quá tốt rồi . Chỉ sợ dẫn chúng về , nó chê ko bao giờ trở lại nữa thì nguy .
Thanha: Nancy thích lắm đây, TC không muốn vào bài comment để bài Thanh Thảo cuối cùng các bạn vào xem cho dễ.
Thanha: Chào Thanh Thảo,đọc bài du lịch miền Trung thích lắm, hy vọng tháng 6 nầy về họp mặt sẽ có dịp ra nơi ây.
Trieu Nguyen: Em kính chào thầy cô! Em cảm ơn thầy cô đã luôn chú ý và động viên em.
Thanha: Chào em Trieu Nguyen sau, thời gian vắng bóng trở lại trường xưa với ngòi bút điêu luyện hơn, văn hay chữ tốt hơn đem lại sinh khí mới với luồng gió cũ kỷ đong đầy kỷ niệm một thời khốn khó miền Cái Sắn. Cám ơn sự trở lại của em, trường xưa cảm thấy ấm áp hơn.
caonguyen: Chúc Út Sao và gia đình giáng sinh vui
vẻ
sondung: Dạ! Thưa Thầy Cô . Hôm giờ mấy cháu Vy Ngọc bận việc quá nên chưa làm clip video được , em thì mò hoài mà chưa vô phim được ,em có nhắn tin nhờ Thầy lúc nào rảnh đưa vô dùm vì những đoạn phim đó em giở qua phone của Thầy đó . Kính
Thanha: Chào Sondung, Phim em quay cho TC nhờ bé Vy đưa vào Youtube, sau đó chuyển link vào nội dung MTX như một bài viết,, để minh họa cho hai bài thơ trên. Thơ hay lắm sondung ạ. Cám ơn hai em.
sondung: Dạ chúng em cám ơn Thầy Cô đã tìm giúp , chúng em sẽ xin hoàn thành công việc ạ !

Để gửi tin nhắn xin hãy đăng nhập.
   
   

Trang web hiện có:
150 khách & 0 thành viên trực tuyến

   
Chào Khách quý
Tên đăng nhập: Mật mã: Tự động đăng nhập

Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...

NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 1 tháng #13049




Chợ nổi - nét văn hóa của người Nam Bộ


1. Đặc điểm chợ nổi miền tây Nam Bộ

Chợ nổi là một loại hình chợ thường xuất hiện tại vùng sông nước nơi hợp lưu các tuyến chính trong giao thông thủy bộ. Ở nơi đó cả người bán và người mua đều dùng ghe làm phương tiện vận tải và di chuyển. Miền tây Nam Bộ với khí hậu nhiệt đới gió mùa và dòng sông Cửu Long chở nặng phù sa đã bồi đắp nên một vùng cây trái trĩu cành cùng những dòng sông nhiều cá tôm. Vì vậy, mà ở chợ nổi miền tây, mặt hàng phổ biến nhất vẫn là hoa quả và thủy sản. Qua bao đời nay, các chợ nổi miền tây vẫn giữ nguyên nét sinh hoạt đặc trưng này. Từ đây, cây trái và tôm cá sẽ theo các thương lái xuôi dòng tỏa đi khắp cả nước...

Địa điểm có chợ nổi thường tại các khúc sông không rộng quá mà cũng không hẹp quá: nếu rộng quá thì nơi đây thường xuất hiện các phương tiện chạy với tốc độ cao, tạo ra những lượn sóng lớn một cách dễ dàng và rất nguy hiểm, nếu hẹp quá sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển trao đổi mua bán trên sông và rất dễ va quẹt với nhau. Hơn nữa những vị trí này cũng không được sâu quá mà cũng không cạn quá. Nếu sông sâu quá thì khó cho việc ghe thuyền neo đậu và cạn quá thì việc di dời ghe thuyền từ bến này sang bến khác luôn gặp trở ngại và khó khăn.

Người buôn bán nhóm họp bằng xuồng. Người đi mua cũng bằng... xuồng. Những chiếc xuồng con len lỏi khéo léo giữa cơ man nào là ghe thuyền, mặc dù vậy vẫn rất hiếm khi có một vụ va quẹt nào xảy ra. Người miền Nam chân chất, thì người dân thương hồ miền Tây còn chân chất và đáng yêu hơn. Họ sống với nhau bằng cái tình sông nước, mênh mông và rộng rãi như mặt nước sông hồ.

Chợ nổi theo đúng nghĩa đen của nó là loại hình chợ họp trên sông, là nét văn hóa... giữa vùng sông nước liên hoàn, hàng trăm ghe thuyền tập trung về đây để sinh hoạt mua bán trao đổi. Chợ nổi thường hoạt động từ sáng sớm đến chiều tối nhưng tập trung và nhộn nhịp nhất là vào các buổi sáng. Sản phẩm mua bán chủ yếu của chợ nổi là trái cây và các loại rau màu, củ quả mà dân gian thường gọi là hàng bông. Bên cạnh các mặt hàng này là các dạng thực phẩm tươi sống (thịt cá) cho đến các loại thức ăn, nước uống rất đa dạng.
Một trong những nét độc đáo của sinh hoạt buôn bán ở chợ nổi là những ký hiệu thường xuất hiện trên mui ghe mà dân gian thường gọi là bẹo để thông báo cho mọi người biết ghe mình bán hàng gì.
Bẹo là thuật ngữ dân gian mà nghĩa ban đầu là bẹo hình... Trong khi đó bẹo ở các ghe mua bán là sự đưa ra sản phẩm mình muốn bán, treo nó lên. Chẳng hạn như cam, xoài, mận, dừa, chuối, mía... Với cách tiếp thị độc đáo này, những người mua tới chợ từ xa đã quan sát thấy. Các ghe bán hàng ăn uống thì lại không treo gì, ghe nào treo lá dừa trên một cây sào thì hiểu ngay là họ muốn bán chính chiếc ghe ấy.

Chợ nổi là nơi tụ họp của rất nhiều cư dân đến từ khắp các tỉnh miền Tây. Người ta phân biệt ghe thuyền ở các địa phương thông qua số hiệu ghi trên mạn thuyền như TG (Tiền Giang), BT (Bến Tre), HG (Hậu Giang)... Có thể nói chợ nổi miền Tây là nơi mua bán các sản phẩm miệt vườn hay người dân tự làm ra. Các chợ nổi này hoạt động tự phát từ xưa đến nay, không có sự quản lý hành chính, thu thuế của chính quyền địa phương. Họ là những người buôn bán trên sông đã lâu, cùng với những người nông dân làm vườn và một số người buôn bán nhỏ lẻ ở địa phương. Những người buôn bán trên sông rất tin vào vận may, hên xui may rủi. Họ cho rằng buôn bán trên sông là nghề “bà cậu”, đầu xuôi thì đuôi lọt, mua nhanh bán nhanh, mua mai bán đắt. Vì vậy vào buổi sáng họ cầu mong gặp được một người mở hàng có duyên cho một ngày bán đắt. Đây là một dạng thức đặc thù của giới mua bán nói chung: tín ngưỡng về việc mở hàng, tín ngưỡng về vía lành vía dữ.

Nói đến miền tây Nam Bộ là nói đến hệ thống sông ngòi kênh rạch chằng chịt. Để thích nghi với điều kiện tự nhiên này, giao thông thủy bộ từ xưa đã quyết định đến sự phát triển đời sống kinh tế xã hội mang tính khu vực. Môi trường sông nước buộc con người phải có thái độ thích nghi để tồn tại và phát triển. Chợ nổi chính là sản phẩm của quá trình ứng xử của cư dân Nam Bộ với môi trường sông nước kênh rạch.

Khi đã thích nghi được với môi trường tự nhiên thì những thế ứng xử ấy đã trở thành đời sống kể cả tâm tư, tình cảm của con người với môi trường sông nước. Sinh hoạt của những người dân trên các chiếc ghe thương hồ đã mang những nét vừa đơn sơ chân chất vừa năng động nhạy bén, vừa góp phần chung cho sự phát triển xã hội, vừa mang nặng những nổi niềm riêng của cuộc sống thương hồ phiêu bạt, chắc hẳn rằng trong tâm tư tình cảm của họ, thì mái ấm gia đình, bàn thờ tổ tiên trong ngày 30 tết vẫn là những hoài vọng khôn nguôi. Để bù đắp phần nào sự hụt hẫng này, vào những ngày tết có nhiều ghe xa quê không về thăm được người thân, ngày 30 tết họ làm mâm cơm, đặt trước mũi ghe, khấn vái rước ông bà cùng về ăn tết với họ. Những ghe neo cạnh nhau, cùng tổ chức một cái tết trên sông thật đầm ấm. Kẻ có gà, người có vịt, cùng nhau chuẩn bị những món ăn ngon và cùng cảm thụ một mùa xuân xa xứ.

2. Một số chợ nổi tiêu biểu

Chợ nổi Cái Răng

Chợ nổi Cái Răng nằm trên sông Cái Răng, gần cầu Cái Răng, cách trung tâm thành phố khoảng 6 km theo hướng quốc lộ về tỉnh Sóc Trăng. Chợ họp khá sớm, thường từ lúc mờ sáng và đến khoảng 8, 9 giờ thì vãn. Vào khoảng 7-8 giờ là lúc náo nhiệt nhất. Chợ chỉ ngưng hoạt động vào các mồng 1 và mồng 2 tết âm lịch, tết Đoan Ngọ.
Chợ nổi chuyên trao đổi, mua bán nông sản, các loại trái cây, hàng hóa, thực phẩm và ăn uống. Nét độc đáo và đặc điểm chính của chợ nổi Cái Răng là chuyên buôn bán các loại trái cây, đặc sản của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi đây cũng là đầu mối chuyên mua bán sỉ các loại trái cây, nông sản. Hàng hóa tập trung ở đây với số lượng lớn. Mỗi mặt hàng đã được phân loại cho đồng đều về chất lượng, kích cỡ. Nếu như dân địa phương và các vùng lân cận thường sử dụng các ghe, xuồng trung bình chở các mặt hàng nông sản đến đây tiêu thụ thì những ghe bầu lớn là của các thương lái thu mua trái cây tỏa đi khắp nơi, sang tận Campuchia, Trung Quốc và các quốc gia trong khu vực. Tương lai chợ nổi Cái Răng sẽ trở thành chợ trung tâm tự sản tự tiêu lớn nhất vùng và nơi đây chính là điểm tham quan đặc sắc của quận Cái Răng, TP Cần Thơ.

Chợ nổi Cái Bè

Chợ nổi Cái Bè thuộc thị trấn Cái Bè, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, nằm dọc theo cù lao Tân Long ở đoạn sông Tiền Giang giáp ranh giữa ba tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long và Bến Tre, kéo dài cả cây số. Chợ buôn bán rất đa dạng từ hàng vải, đồ gia dụng cho đến hàng gia cầm, thủy hải sản..., cả đồ ăn, thức uống cũng không thiếu. Chợ nổi Cái Bè nối tiếng là nơi trao đổi và là vựa trái cây lớn của tỉnh Tiền Giang, với các loại trái cây chuyên canh như bưởi da xanh, khóm Tân Lập, cam, bưởi, quýt Cái Bè.

Chợ còn là nơi trao đổi mua bán hàng hóa và là điểm tham quan du lịch, thu hút rất nhiều du khách, đặc biệt là khách nước ngoài. Hiện nay, chương trình tham quan chợ nổi Cái Bè thuộc chương trình 3, 4, 5 của Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang.

Chợ nổi Phong Điền

Chợ nổi Phong Điền nằm ngay ngã ba sông (một nhánh nằm ở Cần Thơ vào, một nhánh rẽ đi Cầu Nhiếm, và một nhánh xuôi về Trường Long, thuộc xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, cách trung tâm TP Cần Thơ 17 km về phía đông nam. Chợ thường nhóm vào khoảng 4-5 giờ sáng và kéo dài cho đến 8-9 giờ sáng.

Các mặt hàng ở đây rất phong phú và đa dạng. Các ghe hàng bán những vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động sản xuất như: xuồng, ghe, lá lợp nhà, dao, cuốc, rựa; ngư cụ như: chài, lưới, lờ, lọp...; các sản phẩm của nghề đan đát như: thúng, rổ, nong, nia, sàng, sịa, cần xé... và các loại hàng bách hóa tổng hợp trong và ngoài nước. Ngoài ra, chợ còn bán cả thức ăn: hột vịt lộn, bún nước lèo, bún thịt nướng, cháo lòng, gỏi vịt, hủ tiếu, cà phê... Ngày nay, chợ Phong Điền còn có các dịch vụ mới như: trạm xăng dầu nổi có sức chứa vài ngàn lít bán cho tàu ghe qua lại, tiệm sửa cân, sửa máy, tiệm may. Nói chung, mặt hàng nào ở phố chợ có thì cũng đều có mặt ở chợ nổi, sẵn sàng phục vụ người mua.

Chợ nổi Phụng Hiệp

Chợ nổi Phụng Hiệp nằm nơi hợp lưu của 7 con sông, đúng như tên gọi của nó, thuộc thị xã Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Chợ bán cả ngày và cho đến tận 10 giờ đêm.

Hàng hóa rất đa dạng phong phú. Từ các ngả, ghe xuồng tấp nập tụ tập về đây buôn bán. Chợ ở trên mặt đất có những thứ gì, thì chợ nổi Phụng Hiệp cũng có thứ đó, từ những mặt hàng thiết yếu, cái kim sợi chỉ cho đến quần áo, thức ăn, rượu thịt... còn các loại trái cây thì nhiều vô kể. Từ chợ nổi, du khách sẽ được cập bến để lên “chợ rắn”. Cái tên chợ rắn Phụng Hiệp cũng đã rất quen thuộc với khách du lịch quốc tế. Đến tham quan chợ rắn, du khách sẽ được mời uống rượu rắn và được xem những màn biểu diễn múa rắn rất mạo hiểm. Chợ Phụng Hiệp quanh năm có rắn, rùa, chim, sóc, kỳ đà... phục vụ cho các “thượng đế”.

Chợ nổi Cà Mau

Chợ nổi Cà Mau là nét văn hóa độc đáo của cư dân vùng sông nước này - chợ nổi ở cuối trời của đất nước. Theo lời kể của ông Lý Hồ ở đường Phan Văn Ký, khóm 4, chợ phường 2, vào năm 1961 đã có 4-5 chiếc ghe hàng bông tập trung buôn bán sĩ và lẻ cho các bạn hàng chợ phường 2. Mặt hàng chủ yếu là rau, củ, quả ở vùng Cần Thơ, Hậu Giang chở xuống.

Thời đó ở xứ Cà Mau, U Minh, rắn, rùa, cá đồng rất nhiều, các thương lái tận dụng giá rẻ cân về vùng trên bán lại rất lời. Từ việc buôn bán trao đổi hàng hóa hai chiều mà các chủ ghe hàng bông duy trì lâu dài trên sông rạch Cà Mau. Ngày nay chợ nổi Cà Mau thuộc khóm 8, phường 7, cách trung tâm TP Cà Mau 3km đi bằng đường bộ, còn đường sông thì ngắn hơn đôi chút. Là một trong những chợ nằm trong khu quy hoạch của tỉnh, chợ nổi Cà Mau đang được tiến hành xây dựng bờ kè neo đậu hẳn hoi, giúp cho việc buôn bán thuận tiện cả đường sông lẫn đường bộ.

Điều thú vị ở đây là sự có mặt của mặt hàng chiếu khá nổi tiếng trong khu vực. Thỉnh thoảng có một vài chiếc ghe bán chiếu rong. Những chiếc chiếu Tân Thành nhiều màu sắc ấy là loại chiếu đẹp, bền, nổi tiếng như bài vọng cổ làm nên “danh phận” của nó, Tình anh bán chiếu, của soạn giả Viễn Châu với giọng ca điêu luyện của nghệ sĩ Út Trà Ôn, người con của xứ Vĩnh Long.

Điểm qua một số khu chợ nổi trên sông, ta thấy rằng yếu tố tự nhiên quyết định đến mọi sinh hoạt của con người. Sông ngòi kênh rạch chằng chịt ở Nam Bộ buộc con người phải thích nghi để tồn tại và phát triển. Từ việc đi lại, cư trú, ăn uống..., tất cả điều do môi trường sông nước quyết định. Chợ nổi trên sông ở Nam Bộ chính là kết quả của mối quan hệ thích ghi của con người với môi trường tự nhiên.

Nhìn chung chợ nổi là một nghề buôn bán trên sông thật chênh vênh và lắm thăng trầm, cuộc sống của cư dân thương hồ càng khó khăn hơn khi ngày nay, siêu thị mọc lên ở khắp nơi, nhưng chợ nổi vẫn song hành tồn tại bởi nó vẫn đáp ứng được sinh hoạt trong điều kiện sông nước của cư dân Nam Bộ từ xưa đến nay.

Nguồn: VHNT



Tre Xanh CA 14-10-2014

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 1 tháng #13246




Ẩm thực Nam bộ - đau đáu hương vị cội nguồn


“Món ăn, xét bề ngoài, chỉ là cái đích của sự thỏa mãn vật dục. Nhưng đi sâu, ta vô cùng ngạc nhiên thấy nó biểu hiện trình độ văn hóa vật chất thì rất ít, nhưng biểu hiện trình độ văn hóa tinh thần của dân tộc thì rất nhiều” (Đại văn hào Balzac).
Món ăn của người Việt đặc sắc, nổi tiếng đến nỗi ông Philips Kosler, cha đẻ của Marketing hiện đại khuyên là nên lấy “ẩm thực” làm đột phá khẩu trong chiến dịch truyền bá thương hiệu Việt trên toàn thế giới .

Ẩm thực dân gian, cách thức ăn uống của từng vùng, từng làng xóm được bắt rễ sâu xa từ truyền thống lịch sử, truyền thống văn hóa dân tộc của địa phương. Và là một nội dung quan trọng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa, phong vị dân tộc, phong vị quê hương, tác động rất lớn vào tâm tư tình cảm, vào cách ứng xử của mỗi con người.

Món ăn Nam Bộ đặc sắc ở chỗ nó được tạo ra, mang sắc thái riêng, hương vị ngọt ngào riêng bởi hơi đất miệt vườn mênh mông, vị ngọt sông rạch ào ạt dâng tràn mùa lũ, khí trời lồng lộng gió biển Tây Nam, cái uy nghi thâm u của lớp lớp rừng già đồi núi nơi đây. Đó chính là “nguyên liệu” đầu tiên, chỉ có cho ẩm thực vùng châu thổ này, nơi đã trở thành “đất lành chim đậu”, mưa thuận gió hòa, ngày càng trù phú, phồn thịnh: “Ruộng đồng mặc sức chim bay/ Biển hồ lai láng mặc bầy cá đua”. Và vì vậy không thể có “gạo Chợ Đào” thứ hai, món lẩu mắm giữa “Hà Thành” do chính tay người An Giang nấu cũng không dễ qua được “hàng chính gốc”…

Mê Kông lại là con sông giàu cá tôm đứng hàng thứ 2 trên thế giới, chỉ sau sông Amazon của Nam Mỹ. Vùng hạ lưu sông Mê Kông thuộc Việt Nam có hơn 1.200 loài thuỷ sản, trong đó hơn 60 loài có giá trị kinh tế, tập trung ở hai họ cá Chép (Cyprinidae) và cá Tra (Pangaciidae), sản lượng ước tính có đến 2 triệu tấn/năm. “Xóm trên giăng lưới /xóm dưới bủa câu”. Trong thực tế, khu vực này đóng góp đến 85% tổng sản lượng thuỷ sản nội địa khai thác được của cả nước. Cho đến hiện nay, dù có phần thua sút so với trước đây, năng lực cung ứng cá nước ngọt của vùng châu thổ vẫn là “số zách”, khó nơi nào bì kịp .

Có người nhận xét rằng, ẩm thực Nam bộ như một cô gái thôn quê, không cần trang điểm vẫn đẹp. Anh Bảy, một nhà báo lâu năm kể khi về Sóc Trăng, nhà văn hóa Sơn Nam đã nói về món cá rô kho tiêu, “món ruột” của đồng bằng Nam bộ như thế này: cá rô là chúa của cá đồng, nước mắm là tinh túy của đại dương, rắc chút tiêu là lấy hương của đồi núi… Chỉ một món ăn dân dã mà gom cả hương hoa đất trời, thể hiện văn hóa của một xứ sở. Trên mảnh đất tận cùng phương Nam này, con người đã tận dụng tự nhiên, thỏa chí sáng tạo ra những món ăn độc đáo thể hiện cái cốt cách, dấu ấn của những người một thời đi mở cõi - đó là bản sắc của khẩn hoang, phóng khoáng, không cầu kỳ câu nệ .

Ẩm thực Nam bộ (và Việt Nam) ẩn chứa sức mạnh văn hóa nặng lắm. Nó không chỉ liên kết không gian, thời gian; truyền thống, hiện đại mà cả tâm linh, tư tưởng con người nữa. Trong khuôn khổ chương trình “Mê Kông – Dòng sông kết nối các nền văn hóa” tổ chức tại Washington vừa qua, nghệ nhân Nguyễn Thị Xiềm, 67 tuổi (Trà Nóc - Bình Thủy) đã biểu diễn đổ bánh xèo, gói bánh tét, bánh ít trần... được công chúng, nhất là Việt kiều xuýt xoa tán thưởng… Cái ngon chưa nói nhưng việc bà tự tay chọn gạo xay bột, kiếm dây cột bánh đã đánh thức cả miền ký ức xa xăm của người Việt xa xứ, làm sống dậy tình dân tộc, nghĩa đồng bào. Chả nói đâu xa, mới gần đây, ngồi trong quán cà phê giữa đất Cần Thơ, trời mưa lất phất, một đồng nghiệp đã bần thần “ăn bánh tét bà Mười tự nhiên thấy nhớ ngoại quá. Ngày xưa ngoại em hay nấu như vậy”. Chiếc bánh bình thường nhẹ hều mà sao có lúc oằn nặng suy tư, tình cảm đến vậy !

Thưởng thức miếng bánh mà vụt òa trong tâm thức họ là hình ảnh dòng sông bến nước thủa ấu thơ, là mẹ già lam lũ cặm cụi bên nồi bánh tét khi xưa, là khói rơm đốt đồng thơm thơm bay tỏa chiều tà, là hương vị quê hương có cây cầu khỉ có buổi tát đìa, như chùm khế ngọt, như cánh cò bay… “Tình yêu đất nước là sự thương nhớ, thèm thuồng món ăn mà cha mẹ cho ăn lúc mình nhỏ tuổi". Theo thời gian những món ăn mộc mạc, đơn sơ đó; những hương vị đậm đà đó vẫn in chặt, quyện vào tâm thức dù họ có rời xa đến đâu. Và thật lạ, càng xa lại càng đau đáu đến rã rời nỗi nhớ quê. Ra vậy, dưới lớp áo sặc sỡ của văn hóa ẩm thực là cái cốt lõi đạo lý tình người của dân tộc Việt chúng ta.

Nhà văn Vũ Bằng đã dẫn trong lời nói đầu tập sách Miếng ngon Hà Nội như vầy “Tại kinh đô Trương Hàn thấy lá ngô rụng giếng thu thì sực nhớ đến rau thuần, cá lư và muốn treo ấn trở về quê cũ”. Bản thân ông cũng cồn cào da diết, quay quắt trong nỗi nhớ Hà Nội hàng mấy chục năm trời mà mượn văn chương gởi tình cho nơi xa, mà tạo nên thiên tùy bút tuyệt phẩm dài hơn hai trăm trang. Câu chuyện ăn uống được thăng hoa thành văn hóa ẩm thực cả một vùng miền.

Chị bạn lại nói ăn giống như thở, khi thiếu mới thấy không chịu đựng nổi. Chị đã mua một trái chuối nướng ở Bangkok giá 8000 đồng Việt Nam vì quá nhớ thức ăn Việt. Chuối nướng là món ăn của trẻ con đã thành một niềm thương nỗi nhớ giằng xé tâm can khi đi xa nhà vậy đó! Lại nhớ, mấy năm trước có kẻ hoài hương bồn chồn lang thang lê gót đi tìm tiếng lanh canh của chiếc cóng tre múc nước chấm bên mẹt bún chả đầu Ô Quan Chưởng, mùi thơm gánh xôi xéo đậu xanh rưới mỡ hành phi vàng ươm đầu phố Nguyễn Du khi hương hoa sữa còn đậm đặc quanh hồ Thiền Quang…

Mỗi món ăn là một hương vị, một niềm vui, một gợi nhớ và tất cả những thứ đó hội lại thành một quá khứ thân thương. Món ăn làm khổ người đi xa nhiều hơn bạn từng nghĩ. “Phong sương mấy độ qua đường phố/ Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê” (Vô đề-Sơn Nam). Cái thời chúng ta ăn để no đã qua rồi và thế giới càng hiện đại người ta lại càng muốn gần với thiên nhiên hơn và coi đó chính là chất lượng của cuộc sống hôm nay.

Chương trình "Ẩm thực khẩn hoang Nam bộ" tạo ra cả một trào lưu ẩm thực hướng về cội nguồn chốn quê, thủa xa xưa khẩn hoang giữa thời hội nhập. Những món ăn mộc mạc, “hương đồng cỏ nội” như cá lóc nướng trui, rắn nướng lèo, mắm kho, mắm sống, chuột đồng rô ti, lươn hấp trái bầu, ếch xào lăn, cá rô kho tộ, cá bống dừa kho tiêu, canh chua cá lóc, hủ tiếu Mỹ Tho, tôm lụi Bạc Liêu, nấm tràm Phú Quốc... vẫn lên ngôi, trở thành đặc sản; vẫn khuấy động thực khách ngay chốn phồn hoa đô hội. Và họ còn chọn cách thưởng thức nó theo kiểu dân dã nhất mà mọi người có thể. Kể sơ cách nướng (chưa động gì tới chất liệu nghe) cũng muốn kêu… “ba xị” rồi (nướng than hồng, nướng trui, nướng mọi, nướng lu, nướng rơm, nướng đất sét, nướng ống tre…).

Món lẩu mắm Châu Đốc, “kỳ thú phương Nam” sành điệu phải đủ hai mươi mấy thứ rau đồng nội như cù nèo, tai tượng, càng cua, bông so đũa, bông điên điển...

Món “Cá cơm đệ nhất nem” mà nghe nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang) kể lại dứt khoát thực khách phải “đùng đùng nổi giận” đi lùng bằng được: cá cơm rửa sạch vảy ngâm nước muối cho đến khi thịt cá tét làm hai thì vớt ra, gỡ bỏ xương, ngâm trong nước dừa tươi. Lại vớt ra cho ráo, đổ thịt cá lược qua vải xô, vắt khô, quết nhuyễn với tỏi nướng, ướp đủ gia vị (muối, đường, mỡ, tiêu, nước củ riềng, thính…). Nắn thành viên, gói vòng trong bằng lá chùm ruột non, rồi lá vông nem, ngoài cùng mới quấn lá chuối, cột lại theo hình chữ thập… Khi cần cầu kỳ, “ăn cho đáng mới ăn” thì ẩm thực Nam bộ cũng đâu thiếu món khiến thực khách nghe qua đã “lên ruột”, bắt thèm. Như tự nhiên vậy, như tri ân người mở cõi, ẩm thực Nam bộ vẫn luôn chứa đựng cả một thế giới sản vật chan hòa chất liệu, màu sắc, vẫn mang trong mình hơi thở của vườn rộng sông dài.

“Thú quê thuần hức bén mùi” (Truyện Kiều), cụ Nguyễn Du đã chỉ ra cái giá trị nguồn cội của ẩm thực. Nó thấm vào máu thịt ta từ lúc nào không hay, khi xa mới cồn cào lan tỏa, mới dằng dặc nỗi nhớ; bàng bạc phiêu diêu trong tâm tưởng, khó mà phân chia, cắt lìa được lắm. Và các mẹ, các chị nhiều khi vô tình không nhận ra hôm nay đang lụi cụi bên bếp chính là lúc họ đang dệt nỗi nhớ khôn nguôi về gia đình, về cội nguồn cho người thân họ ngày mai.


(theo Metinfo)


Tre xanh CA 23-10-2014

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 1 tháng #13399




Giai Thoại Đất Phương Nam


Khi chúa Nguyễn ánh còn bôn ba gian nan ở miền Nam lẩn tránh quân Tây Sơn, có thể nói địa phương nào có dấu chân ông đi qua, kể cả đường sông, đường biển, hầu như nơi đó đều có để lại những dấu ấn tình cảm vô cùng sâu đậm. Từ phường ăn mày, người bần nông cùng khổ, đến thày tu hoặc những tay cự phú gạo tiền nứt đố đổ vách… ai ai cũng thể hiện tinh thần hào hiệp với chúa. Cũng có không ít anh hùng hào kiệt sẵn trong tay hàng trăm, hàng ngàn quân gia, đầy quyền thế khi nghe biết chúa sa cơ, khổ sở đều dẫn quân theo về, kể cả lãnh tụ “người dân tộc” cũng tự nguyện đến xin phò tá, rất mực trung thành. Chung nhất, đó chính là sự cảm thông, là tấm lòng, là thói nết “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả” của người lưu dân trên vùng đất phương Nam.


Nhờ vào ý chí, sức chịu đựng, sự kiên trì cộng cùng các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” nên cuối cùng chúa Nguyễn ánh – Gia Long đã khôi phục ngai vàng, giang san thu về một mối.

Dưới đây xin ghi lại một số dấu ấn trên vùng đất phương Nam dưới thời nhà Nguyễn, mà chủ yếu là thời Nguyễn ánh tránh Tây Sơn.


1. Với loài vật.

Cá sấu, rắn biển cản thuyền ngự chúa.

Quốc triều chánh biên toát yếu chép, mùa đông năm Bính Thân (1764), “Ngài [Nguyễn ánh] muốn nhơn ban đêm qua biển để tránh giặc, có cá sấu đón ngang trước thuyền ba lần, rồi Ngài không đi; sáng ngày dò biết đêm ấy có thuyền giặc đón đàng trước”.

Cũng như thế đó, “Tháng 4 năm Tân Sửu (1781), Ngài ngự vào Hà Tiên, đi thuyền nhỏ ra biển, đêm tối quá, không biết đường đi, tựa hồ có vật chi đội dưới đáy thuyền, mờ sáng mới biết là một bầy rắn. Các người tùng thần ai cũng sợ hãi. Ngài giục đi cho mau, một chặp bầy rắn đi hết, rồi thuyền ngự đi ra cù lao Phú Quốc”.

Cá ông cứu Nguyễn ánh, Nguyễn ánh nhớ ơn cứu tử, phong chức. Trong một cuộc giao chiến với Tây Sơn tại Bình Thuận (Phan Thiết), Nguyễn ánh thua phải thu góp tàn quân xuống thuyền mở đường máu chạy về phía Nam. Trong lúc quân Tây Sơn truy đuổi rất rát ở phía sau thì trước mặt mây trời đen nghịt, đến sông Soi Rạp (Gò Công) thì giông bão nổi lên dữ dội. Tình thế thập phần nguy kịch, Nguyễn ánh ngửa mặt lên trời mà khấn: “Nếu lòng trời còn tựa nhà Nguyễn, xin phò hộ Nguyễn ánh này thoát qua cơn thập tử nhứt sinh!”. Cơn sóng lại nổi lên dữ dội thêm, các thuyền Tây Sơn rượt theo gần kịp thì bị gió thổi gãy cột buồm, văng bánh lái, thuyền xoay vòng rồi lật úp. Quân Tây Sơn đang thắng hóa bại, Nguyễn ánh sắp lâm nguy thì được vững an, từ dưới nước nổi lên một cặp cá ong kẹp hai bên mạn thuyền đưa vào bờ, nhằm địa phận Vàm Làng, tổng Kiểng Phước, Gò Công.

Sau khi lên ngôi, Gia Long không quên công cứu giá, bèn phong cho cá ong tước Nam Hải đại tướng quân, đồng thời gửi cho mỗi làng duyên hải gần nơi chiến thuyền ông đã cập bến ngày trước một bằng sắc phong thần, với lệnh xây cất một đình thần để thờ phụng cá ong, mỗi năm đến mùa lo cúng tế.

Một loài cá nhỏ cứu chúa Nguyễn ánh thoát nạn: Cá Linh

Ông Vương Hồng Sển tìm thấy trong một tư liệu bằng tiếng Pháp Excursious et Reconnaissances, q. X, tháng 6/1885, tr. 178: Nguyễn ánh từ Vàm Nao [con sông nối Tiền Giang với Hậu Giang ở An Giang] định ra biển nhưng vì thấy có nhiều cá nhỏ tự nhiên nhảy vào thuyền, người sanh nghi nên không đi, sau rõ lại nếu đi thì khốn vì có binh phục của Tây Sơn tại Thủ Chiến Sai [Chợ Thủ, ngang đầu Cù lao Giêng, nay thuộc huyện Chợ Mới], vì vậy người [Nguyễn ánh] đặt tên (cá ấy) là cá linh để tri ân.

Chim báo điềm, thầy tu đoán chuyện kiết/hung rồi cho lời khuyên, Nguyễn ánh nghe theo nên thoát chết

Theo Huỳnh Minh Định Tường xưa, khoảng năm ất Tỵ (1775), chúa Nguyễn ánh tránh mặt Tây Sơn chạy vào Nam, xuống tới Định Tường. Náu mình trong bộ y phục dân dã, Ngài cùng với năm sáu vị quan theo hầu đến xin tá túc nơi chùa Long Tuyền. Mặc dầu không rõ Ngài là ai, nhưng Hòa thượng trụ trì cũng sẵn lòng thương cảm bao dung, vì cửa chùa vốn chẳng hẹp ai, gặp khi chúa Nguyễn đau yếu, Hòa thượng cũng tự tay chẩn mạch hốt thuốc điều trị rất tận tình.
Một đêm có chim linh bay vần vũ quanh chùa, kêu la inh ỏi mãi dường báo điềm gì. Thấy lạ, Hòa thượng đánh tay xem điều hung kiết thế nào. Đoán biết sẽ có sự chẳng lành cho khách lạ phương xa, Hòa thượng ngậm ngùi bảo chúa Nguyễn:

- Quý khách nên xa lánh chốn này, ở lâu ắt có chuyện chẳng lành xảy ra.

Vua nghe theo. Thế là thoát được sự truy lùng của quân Tây Sơn.
Sau khi lên ngôi Hoàng đế Gia Long, nhớ công ơn Hòa thượng chùa Long Tuyền, năm Gia Long thứ 10 (Tân Tỵ, 1811), nhà vua ngự tứ tên chùa là Long Nguyên (bãi đất rồng), thay cho tên cũ chùa là Long Tuyền (suối rồng), đồng thời cấp một số ruộng đất mấy mươi mẫu để chùa làm hương hỏa, và cho quân lính gìn giữ ngôi chùa, kể như “chùa vua”, (Sau, đến đời Thiệu Trị đổi tên chùa là Linh Thứu).

Đại Nam nhất thống chí chép về ngôi chùa Linh Thứu: “ở thôn Thịnh Phú, huyện Kiến Hưng, chùa rất cổ, cũng là nơi danh thắng, năm Gia Long thứ 10 ban biển ngạch đề “Long Tuyền tự”, năm thứ 11 sư chùa mộ 10 người dân ngoại tịch đặt làm phu chùa, được miễn binh dao, năm Thiệu Trị thứ 1, đổi tên hiện nay”.


2. Với cây cỏ

Hai loài cây miền Nam được Nguyễn ánh ban mỹ danh, trong đó có một loại cây triều đình xem như “Quốc dụng”

Cây bần


Chuyện kể rằng có lần Nguyễn ánh chạy nạn theo đường biển (ngã Ba Tri) vào Hàm Long (sau do kỵ húy Gia Long, nên đổi gọi Hàm Luông). Nửa đêm đi lạc vào rạch Ba Lai (Cái Mít), dừng chân ở đồng Tam Quản (xã Hiệp Hưng, Giồng Trôm), chúa được một cụ già tên là Trương Tấn Khương giúp đỡ đưa ra Cù lao Đất đến nơi an toàn, kín đáo. Tại nơi ẩn trốn, vì đang đêm lại nhà nghèo nên gia đình ông Trần Văn Hạc (làm chức Cai nên cũng gọi Cai Hạc) dâng lên bữa ăn đạm bạc đỡ đói: cơm nguội ăn với mắm sống cá chốt cặp trái bần. Có lẽ do đói lại lần đầu tiên được dùng món lạ miệng nên chúa khen ngon, và hỏi tên trái. Ông Cai Hạc bẩm: “Trái ấy tên không đẹp, hạ dân không dám tâu lên”. Chúa cho phép nói. Cai Hạc chỉ vào rặng cây cặp mé nước được chiếu sáng bởi không biết cơ man nào là con đom đóm, và thưa là trái bần, nhân đó nói thêm vài đặc điểm của nó như, cho dù có bị ngập mặn cây bần vẫn không héo lá, vẫn kiên cường giữ đất (chống xói lở)… Thấy dáng cây giống như cây liễu trong thi phú đời Đường, đời Tống, sống trên đất thấp, bãi bùn nên chúa ban cho cây bần mỹ danh là thủy liễu – loại liễu mọc dưới nước.


Cây mù u

Cũng nh ư thế đó, Nguyễn ánh đã ban cho cây mù u là nam mai (cây mai phương nam – chép trong sự tích Gia Long tẩu quốc). Năm Kỷ Tỵ, Bộ Hộ tâu: “Kế hoạch 10 năm không gì bằng trồng cây, vì vậy xin sức đều khắp trong các hạt phải tận dụng đất mà trồng thật nhiều những loại cây có kinh tế cao. Sau 5 năm, 10 năm, đi kiểm tra, địa phương nào trồng được nhiều thì nghị thưởng xứng đáng” (Đại Nam thực lục), đồng thời cho chọn một trong những cây kinh tế cao ấy là cây mù u, để trước hết như một cách nhắc nhớ kỷ niệm tiên vương (Gia Long) thời còn bôn ba lận đận ở miền Nam, Ngài đã ban cho mù u mỹ danh là nam mai, đồng thời khuyến dụ rằng, trồng nam mai để có cây cao bóng mát cũng đem lại nhiều lợi ích nhất định, do đó nhà vua cho trồng ngay hai bên đường vào miếu thờ xã tắc để phát động, làm gương.


3. Về cơm ăn, nước uống

Nguyễn ánh và những người hộ giá lênh đênh giữa biển, nhịn khát 7 ngày đêm, trời động lòng liền cho nước ngọt.

Tháng 7 năm Quý Mão (1783), “Ngài ra cửa biển Ma Ly thám tình thế giặc, gặp thuyền giặc hơn 20 chiếc vụt tới vây sát thuyền ngự, thuyền ngự kéo buồm chạy về phía đông, lênh đênh ngoài biển 7 ngày đêm, trong thuyền hết nước, quân lính đều khát, Ngài lấy làm lo, ngữa mặt lên trời khấn rằng: Như tôi có mạng làm vua, xin cho thuyền ghé vào trong bờ để cứu tánh mạng mấy người trong thuyền! Nếu không, thời thuyền chìm xuống biển, tôi cũng cam tâm”. Rồi thời gió lặng sóng im, đứng trước thuyền ngó thấy mặt nước tự nhiên chia ra dòng trắng dòng đen, thấy có một vùng nước trong, trong thuyền có một người múc uống, nếm thấy ngọt, liền la to lên rằng: “Nước ngọt! Nước ngọt!”. Lúc bấy giờ ai cũng giành nhau múc uống. Ngài mừng, khiến múc 4, 5 chum, rồi nước mặn lại y như trước. Khi giặc đã lui rồi, thuyền ngự lại trở về Phú Quốc. Bà Quốc mẫu nghe Ngài về, mừng quá. Ngài thuật lại những tình trạng khổ sở khi ở biển, Bà Quốc mẫu than rằng: “Con đi khắp chân trời mặt biển, nhiều lúc gian nan; nhưng ở núi thời gặp gió lớn, ở biển thời gặp nước ngọt, coi đó cũng đủ biết ý trời, con đừng lấy gian hiểm mà ngã lòng!”. Ngài lạy tạ rằng: “Xin vâng lời mẹ dạy”. Ngài tuy còn dưỡng hối (chịu ở một nơi mà đợi thời vận) mà gió núi nước ngọt, ứng nhiều điềm tốt, thức giả ai cũng biết là có mạng làm vua.


Nam kỳ dâng thổ sản lên vua Tự Đức

Quốc triều chánh biên toát yếu chép, tháng 7 năm Tân Mùi (1871) Chánh tổng Trần Văn Y ở tỉnh Hà Tiên khiến người đem đồ sản vật (chiếu bông, mật ong, sáp, nước mắm, cá khô, lông chim v.v.) nhờ đạo Phú Yên dâng lên. Ngài dạy rằng: “Lòng dân như thế, thiệt bởi đức trạch triều đình đã sâu”. Ngài nhân làm bài phú Nam kỳ thổ sản.


4. Nhân dân che chở, giúp đỡ


Nguyễn ánh thoát nạn nhờ bọn ăn mày, bèn nhớ ơn.

Theo Vương Hồng Sển kể trong Sài Gòn năm xưa, vùng đất từ làng Nhơn Giang (trước 1855 tên Nhơn Ngãi, vùng Chợ Quán) đến giáp đường Cầu Kho, xưa kia nhà phố đông đúc lắm, mỗi nhà chung quanh đều có vườn tược, cây trái sum sê. Gần đây có một xóm nguyên là của những người ăn xin ăn mày khi trước. Thuở Nguyễn ánh tỵ nạn trong Nam, bọn này có công cứu giá. Theo khẩu truyền, bữa đó binh Tây Sơn truy nã ngặt lắm. Tưởng vua khó thoát chết. May sao chạy đến đây, bọn ăn mày ra tay ủng hộ. Một mặt họ chỉ đường cho vua ẩn núp. Một mặt họ xúm lại kẻ đánh trống, đứa đập thùng… làm phở lở thế nào, binh tướng Tây Sơn ngộ tưởng binh mã chúa Nguyễn tụ tập nơi đây đông lắm, e quả bất địch chúng, nên họ rút lui. Nguyễn ánh thoát nạn. Về sau nhớ ơn xưa, Gia Long cho phép lập xóm này, ban cho ba chữ: “Tân Lộc phường” (phường là xóm).


5. Với người Khơme

Người Khơme tòng quân theo về và tuyệt đối trung thành chúa Nguyễn. Đó là Tồn A La, Thống quản đồn Uy/Oai viễn (ở bờ phía đông sông Trà Ôn, thuộc huyện Tuân Nghĩa, đặt từ năm Kỷ Hợi đầu đời trung hưng, sau đổi làm lỵ sở phủ Lạc Hóa – Trà Vinh nay), “vốn người Cao Mên, đầu đời trung hưng thường theo đi đánh dẹp, có công theo đi Vọng Các, quản đồn binh Xiêm La, kiêm quản hai phủ Trà Vinh, Mân Thít”, do lập được nhiều công to, được chúa Nguyễn ánh tin yêu nên ban cho tên Việt là Nguyễn Văn Tồn, lãnh coi khoảng 5.000 quân hầu hết là người Khơ me (đều được ban cho y phục như người Việt). Ông mất tháng giêng năm Canh Thìn (1820). Khi ấy, vua Minh Mạng truyền dụ Bộ Lễ rằng: “Nguyễn Văn Tồn tuy là người khác, nhưng hết sức làm tôi, thờ Đức tiên đế đã lâu, một lòng trung nghĩa, thiệt nên thương tiếc!”. Truyền quan tuyên lời dụ, Ngài cho ân tế một lần và cho 2 cây gấm Tàu, 20 cây vải, 200 quan tiền. (Sau đến năm Minh Mạng thứ 9 Tồn được tặng hàm Thống chế). Đức Thánh tổ bảo Bộ Lễ rằng: “Người Tồn vốn trung dõng, như ngươi Kim Mật Đê nhà Hán bên Tàu, khi trận đánh ở tỉnh Bình Định bị Tây Sơn bắt, thế mà đem quân về hết, thiệt là mạnh và khôn”.


Vẫn theo Quốc triều chánh biên toát yếu, vào tháng 4 năm Tân dậu (1801), chúa Nguyễn ánh đòi các vệ hậu quân về Kinh, lưu Nguyễn Văn Tồn ở quân thứ đánh giặc. Lúc trước, thành Bình Định bị hãm, Tồn bị giặc bắt, Tồn giả đò hết sức giúp giặc đánh mình, quân mình kêu mà Tồn không ngó lại, giặc lấy làm tin, đến bây giờ lén trốn về. Có người hỏi Tồn rằng: “Khi đi theo giặc sao mà đánh dữ thế?”. Tồn nói: “Như không làm cho quân ta bị thương, thời giặc không tin, nó đã không tin làm sao đem hết quân lính mà về được?”. Ai cũng phục là có trí.

Nhớ ơn che chở và cảm thông cuộc sống cơ cực của đồng bào, Nguyễn ánh truyền dụ: Cho người Khơme được tự do khai thác thuỷ lợi, không thâu thuế


Theo Quốc triều chánh biên toát yếu, tháng giêng năm Đinh sửu (1817), vua Gia Long ban dụ: “Cấm dân ta không được lãnh mua các chỗ thủy lợi của Chân Lạp”. Do tuân thủ lời dụ đặc ân này mà Tri huyện Trà Vinh Thủ Khoa Nghĩa phải chịu oan án Láng Thé. Chúng ta còn nhớ, lúc bấy giờ ở Láng Thé (Trà Vinh) có một bọn người hối lộ với quan trên giành độc quyền khai thác tôm cá dưới rạch. Người Khơme không chài lưới được nên ức lòng đệ đơn khiếu nại lên huyện, nhờ can thiệp. Tri huyện Bùi Hữu Nghĩa điều tra, nắm chắc vấn đề, bèn nói: “Việc tha thủy lợi là ân nghĩa cuả vua Thế Tổ. Nay ai nhỏ hơn Ngài mà đứng bán Láng Thé thì có chém đầu cũng không sao”. Rồi cho phép nông dân Khơme được tiếp tục chài lưới tự do như trước, mà không phải đóng thuế thủy lợi cho bất kỳ ai. Bọn người kia ỷ quyền thế đánh đập họ. Hai bên xô xát gây đổ máu. Sẵn ghét tính kiêu hãnh cương trực của Bùi, quan tỉnh cho lính đến bắt ông về tỉnh đường xét xử. Bùi bị khép tội chủ mưu để dân làm loạn, bèn thượng sớ xin cách chức ông rồi kết án trảm giam hậu. Theo lệ định, tội này không chém liền, phải ngồi tù, đợi lịnh vua phê chuẩn vào mỗi mùa thu hàng năm (gọi thu thẩm). Do đó, để tranh thủ đòi lại mạng sống cho chồng, theo lời truyên, vợ ông là bà Nguyễn Thị Tồn đến tỉnh van xin, không được, nên tức tốc lặn lội tận kinh sư “gióng trống tam tòa” thượng sớ kêu oan. Nhờ đó ông thoát chết, nhưng phải theo quân tiền hiệu lực, đái công chuộc tội ở vùng biên giới tỉnh An Giang.
Nhà vua cho lập đàn tế chiến sĩ tử trận, đặc biệt ưu ái tử sĩ miền Nam

Quốc triều chánh biên toát yếu ghi: “Tháng 7 năm Tân Tỵ (1821), vua Minh Mạng cho lập hai đàn tế chiến sĩ Nam, Bắc, tử trận (nhưng tế Nam chiến sĩ thời lễ phẩm trọng hơn)”.


6. Một số sơn danh, địa danh, thuỷ danh lịch sử

Nhân dân đặt gọi một số sơn danh, địa danh, thuỷ danh… để ghi nhớ kỷ niệm nơi Nguyễn ánh từng dặt chân đến trong thời gian còn lẩn tránh quân Tây Sơn Núi Cấm:

Là ngọn núi tiêu biểu vùng Thất Sơn (An Giang – cao nhất, và có nhiều huyền thoại nhất). Ngay tên gọi của nó cũng được xây dựng thành một truyền thuyết, rằng ngày trước Nguyễn ánh có đến lẩn trốn trên núi này, do vậy có tên là núi Cấm (đoàn hộ giá cấm bất kỳ ai léo hánh khu vực này, và canh phòng rất nghiêm ngặt, sợ bị đối phương phát hiện).


Địa danh Giá Ngự:


ấ p Giá Ngự thuộc xã Tân Hưng Đông (Cà Mau). Xưa, Nguyễn ánh từ rạch Cái Rắn ra biển phải qua rạch Rau Giừa, tới rạch Cái Nước, rồi đổ ra sông Bãi Háp mới ra Vịnh Xiêm La (đi ngả này thì không phải qua sông Ông Đốc). Trên đường, Nguyễn ánh có dừng lại tại một nơi thuộc hữu ngạn sông Bãi Háp, ở chỗ vàm rạch Cái Nước đổ ra để cụ bị thêm lương thực, nhưng do nhằm lúc mưa bão, cuộc hành trình đành phải dừng lại khoảng nửa tháng. Khi Nguyễn ánh đi rồi, người trong vùng gọi nơi đây là xóm Giá Ngự, sau nâng lên thành ấp, vẫn dùng tên ấy. (Theo Nguyễn Hữu Hiếu, Tìm hiểu nguồn gốc địa danh Nam Bộ).


Địa danh Long Hưng và Cây Da Bến Ngự:

Năm Đinh Mùi đầu đời trung h ưng khi Nguyễn ánh từ Xiêm La trở về đóng quân ở Nước Xoáy (gọi đồn Hồi Oa xây đắp năm Đinh Tỵ 1787, thuộc thôn Tân Long, huyện Vĩnh An, nay thuộc xã Long Hưng, huyện Lấp Vò, Đồng Tháp). Trong thời gian trú ngụ ở đây, ông thường ra ngồi câu cá, hoặc suy nghĩ lo toan việc xây dựng lại cơ đồ tại gốc da sát mé rạch. Sau khi lên ngôi, Gia Long cho đổi tên thôn Tân Long thành thôn Long Hưng và từ đó cây da bên nước chỗ ông ngồi trước đây được dân gian gọi là Cây Da Bến Ngự. Đại Nam nhất thống chí ghi: Năm Tự Đức thứ 2 Tổng đốc Doãn Uẩn tra hỏi sự tích cũ, chuẩn cho lập bia ở nền đồn cũ để ghi thắng tích.


Rạch Long ẩn và Ao Ngự:


Tên tr ước rạch Long ẩn là Rạch Rắn, một nhánh của sông Bảy Háp, dài chừng 7 cây số, rộng 30 thước, ngọn ăn thông tới xóm Ông Tự, thuộc xã Phong Lạc (Cà Mau) bằng một con kinh đào.
Tương truyền, lúc Nguyễn ánh bị Tây Sơn truy đuổi, có một thời ông lẩn trốn ở đây, nên sau này dân địa phương gọi nơi đây là rạch Long ẩn.

Khi bị bao vây, nhờ có đô đốc Nguyễn Văn Vàng “liều mình cứu chúa” nên Nguyễn ánh mới trốn thoát được. Trong thời gian ở đây, Nguyễn ánh đã cho binh sĩ đào đất đắp một cái nền cao để dựng trại (kế bên Xóm Rắn hiện nay), và đào một cái ao đường kính khoảng 15 thước để lấy nước sinh hoạt. Ngày nay, nền trại đã bị dân ban ra làm ruộng, song cái ao vẫn còn, nước ngọt quanh năm, được gọi là Ao Ngự. Nhà vua/nhà nước đặt gọi sơn danh, thuỷ danh, địa danh.


Kinh Thoại Hà


Sách Đại Nam nhất thống chí ghi kinh này ở bờ phía tây sông Hậu Giang, cách huyện Tây Xuyên 63 dặm về phía đông nam, trước gọi là sông Ba Rạch, từ Hậu Giang chia ra chảy về phía tây nam 4 dặm rưỡi đến ngã ba hợp với sông Cần Đăng, lại chảy về phía tây nam 59 dặm đến cửa sông Lạc Dục, từ đây chảy về phía nam 57 dặm rưỡi đến sông Song Khê, gần đất Chân Lạp, cây cỏ um tùm, đường sông lầy lội, thuyền ghe không đi được. Năm Gia Long thứ 17 sai Trấn thủ Vĩnh Thanh Nguyễn Văn Thoại sửa sang đường thủy, bắt người kinh, người thổ 1.500 người, nhân đường cũ mà đào vét cho sâu rộng, hơn một tháng thì xong, từ đấy mới có đường thông với Kiên Giang, rất là tiện lợi. Cho gọi tên sông là “Thoại Hà” để biểu dương công lao của Nguyễn Văn Thoại.


Núi Thoại Sơn – huyện Thoại Sơn

Theo Đại Nam nhất thống chí, núi ở cách huyện Tây Xuyên 71 dặm về phía nam, cao 20 trượng, chu vi 11 dăm rưỡi, tục gọi núi Lấp. Năm Gia Long thứ 17, Trấn thủ Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại sửa sang sông Thoại Hà, công việc xong, vẽ đồ bản dâng lên, nhà vua thấy bờ đông bắc sông có núi Lấp (tức núi Sập), cho đổi tên gọi là Thoại Sơn để nêu công lao của Nguyễn Văn Thoại; ông dựng đền thờ thần ở chân núi và lập bia, khắc hai chữ lớn “Thoại Sơn”. Từ sơn danh ấy, nay trở thành địa danh: huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang.
Trở lên tuy chỉ là “một vài” trong vô số sự kiện/truyền thuyết có liên quan, nhưng thiết tưởng bấy nhiêu đó cũng quá đủ để minh chứng cái tình, cái nghĩa của người miền Nam đối với chúa Nguyễn...

Nguyễn Hữu Hiệp
( Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam.)


Tre Xanh CA 30-10-2014

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm #13617



MÙA CÁ LINH


Cá linh chưa bao giờ được xem là loài cá quý, dù mỗi năm nó chỉ xuất hiện có ba tháng mùa nước nổi. Quả là bất công khi dân xứ này có lối so sánh rất ư là phân biệt… chủng tộc: “mắc như tôm bạc thẻ, rẻ như cá linh sình”. Nhưng thiệt tình thì nó đúng y chang vậy đó. Từ đây mà đổ đường ra biển, tìm con tôm nước lợ thì còn xa miệt hù.

Còn cá linh dù chỉ có ba tháng thôi, nhưng là sự xuất hiện hào phóng đến độ chỉ có nhà giàu mới đủ lu khạp mà làm mắm để dùng quanh năm. Dù có xa xứ đến 101 năm, nhất định không thể nào lẫn lộn cái mùi đặc trưng của nước mắm cá linh. Mà phải là con cá linh non của mùa nước son tháng bảy. Nói chuyện ngặt mình, thiên hạ không cự mới lạ. Ai đời, cá linh làm nước mắm phải độ tháng tám, tháng chín đổ lên nó mới có đạm. Nhưng tại nhà nghèo quen ăn nước mắm cá linh non cho nó…thanh đạm. Quen rồi. Quen tới chết luôn.

Hàng năm, cứ vào tháng bảy âm lịch, là dân tình nôn nao chăm chăm nhìn xuống dòng sông. Ai không biết, thấy lạ đời lắm, ngó chi xuống sông hoài ngộ đời vậy ta? Nhưng xứ này, thì con nít cũng biết. Mọi người đang chờ con nước son đó. Khi nước chuyển màu đỏ gạch, thì y như rằng theo đó là dòng sông cứ binh bông, bình bồng đầy những bọt nước trắng đục. Ô, mùa cá linh lại về!. Những bầy cá linh non cũng binh bông bình bồng theo những bọt nước để nhắm nháp những vật thể phù sinh, mà lớn nhanh như thổi. Cho nên ăn con cá linh non có cái thú, là cứ lạ miệng từng ngày. Tụi nhỏ giành nhau xách rổ đi mua cá linh. Đầu mùa mỗi lần cất vó khi trúng thì một giạ cá như chơi. Mấy bà ở nhà, xúm nhau lên lộ ngồi chờ. Cá linh vừa vớt lên, vẩy bạc ướt lấp lánh còn nhảy xoi xói. Cả dòng sông, cả làng xóm thơm nứt mùi cá linh non. Mà chừng nào thì con cá linh không còn non nữa? Không cần cân đong đo đếm chi hết. Hễ bao giờ còn làm con cá bằng cách nặn ruột bằng hai ngón tay là nó còn non. Qua lứa đó, xương cá trở cứng thì không còn ngon nữa rồi. Phải đợi đến cuối mùa nước, khi cá linh chạy đồng có bầy. Lúc này, nó đâm trắng lưới bốn phân, người ta phải cuốn những tay lưới về nhà treo lên sào, rồi vợ chồng con cái xúm nhau mà gỡ cá.

Cũng phải cảm ơn cá linh non nhiều lắm. Vì nó đã góp phần làm nên nét văn hoá ngộ nghĩnh của xứ này, gọi là văn hoá…lộ cũng được. Người ta có văn minh miệt vườn, văn minh sông nước nghe nó tây tây, sang sang lắm. Còn văn hoá…lộ, thiệt ra nó cải lương nửa mùa làm sao ấy, nhưng mình vẫn thích gọi thế, nó mới gần gũi với dân tình xứ…ruộng. Đổ thừa cho cá linh non thì cũng tội nghiệp nó lắm, chớ thật ra thì đến mùa nước nổi, là mọi sinh hoạt của cộng đồng, hàng xóm đều diễn ra trên những con lộ đất thân thương. Phía trước là dòng sông, sau lưng là cánh đồng tứ bề trắng dã mênh mông nước, nhà sàn thì lé đé, không lên lộ thì còn đi đâu?. Xứ này ngộ đời cái, rất nhiều nhà không có cửa, nên cũng chẳng cần phải “đóng cửa dạy nhau”. Mấy bà nội trợ vừa làm cá, lặt rau, nấu cơm, giặt đồ…vừa ca cẩm các đức ông chồng hôm qua nhậu đến nỗi quắt nhịu cần câu, mấy thằng con cứ thích đâm đầu vô ruộng hơn là đi học. Bao nhiêu thứ trên trời dưới đất, đều xảy ra ở đây hết, nó là bản tin toàn cảnh buổi sáng. Xóm trên hôm qua lại có trộm gà, ngoài vàm tụi trộm lấy 3 chiếc xuồng còn biên lại mấy chữ tổ bố: “Con nghèo quá mới làm chuyện bất nhơn này mấy cha ơi!”. Trời, ăn trộm mà cũng biết chữ, biết nghĩa, tụi này quá tay. Nghe toàn tin hổng vui trong bụng, nhưng mặt mày ai cũng hớn hở, vì đây là lúc khoẻ nhất trong năm. Ruộng đã làm xong, giờ chỉ có nghỉ ngơi. Siêng thì thả bậy mấy tay lưới chơi kiếm mồi nhậu. Hổng có gì làm thì đưa võng đọc thơ Vân Tiên, hay nằm tréo ngoảy ca vọng cổ dậy làng, dậy xóm.

Cá linh non kho lạt thơm bát ngát xóm làng. Rổ điên điển búp đầu mùa còn ngặm sương. Trong vị béo ngậy của thịt và xương cá, hoà lẫn vị nhẫn đắng giòn rụm của nhụy, ta chậm rãi nuốt vào cả cái sắc màu miên man vàng rực của bông. Đơn giản của nhà quê, mà đậm ngất hương vị tinh tuý của đất trời, thiên nhiên ban tặng.

Khi không, mới đầu tháng năm vừa mới ăn xong cái tết Đoan ngọ lại đi nói chuyện con cá linh non. Dân gian gọi là nói chuyện…trớt quớt lên trời. Nhưng ngày xưa, vì có mùa cá linh non để ta chỉ nhớ con nước son vào tháng bảy. Giờ làm gì còn mùa nước nổi, mùa nước nổi chết khô giữa những cánh đồng ba vụ, đồng nào cũng bao đê, lúa ba, bốn vụ, thuốc sâu sặc đồng, cá linh hình như đã lội về trời đúng như tên gọi của nó. Nên người dân quê tôi cứ ngồi nhớ cá quanh năm. Vài ba năm nữa thôi, đừng ai hỏi tụi nhỏ: “Con cá linh nó tròn méo ra làm sao vậy cháu?”. Tội nghiệp, làm sao cháu biết!

HÀ NGỌC TRẢNG



Tre Xanh CA 08-11-2014

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm #13785



Cây Bần Trong Văn Hoá Dân Gian Tây Nam Bộ

1. Hình dáng cây bần và giai thoại, cổ tích, ngụ ngôn, ca dao, liên quan đến cây thuỷ liễu Theo Cơ sở văn hoá Việt Nam của Trần Quốc Vượng (chủ biên), phần được coi là Tây Nam Bộ có diện tích khoảng 4.000 km

2. chủ yếu là vùng đồng bằng sông Cửu Long, một số đảo (lớn nhất là đảo Phú Quốc) cùng một vài dãy núi thấp ở phía Tây An Giang, Kiên Giang.

Sông Mê Kông chảy vào vùng đất phương Nam chia ra làm hai nhánh Tiền Giang và Hậu Giang rồi hoá chín rồng tuôn ra biển. Nằm giữa hai nhánh sông lớn có đến 4.000 kênh rạch với chiều dài tổng cộng khoảng 5.700 km. Câu nói, ở xứ này bước ra cửa là gặp sông nước mênh mông, phản ánh đúng thực trạng ấy.

Vùng Tây Nam Bộ có độ cao trung bình gần 2m, là vùng đất phù sa mới. Dọc theo các kênh rạch vừa đề cập cũng như ở các cửa sông, cửa biển phù sa đặc quánh ngày đêm bồi đắp cho vùng đất trũng, những cánh đồng ngập sâu dần dần hoá thành những bãi bồi, cây cối mọc xum xuê. Đi tiên phong trong quá trình “lấn biển” ấy là đước vẹt. Còn ở ven sông, rạch thì bần, mắm, dừa nước, ô rô, cóc kèn, choại, ráng, … đua nhau chen chút tạo thành một mảng sinh thái đặc trưng.

Trong khuôn khổ bài viết viết này, chúng tôi xin khảo sát hình ảnh cây bần trong đời sống thường nhật của bà con nông dân miệt đất Chín Rồng.

Theo Việt Nam tự điển của Lê Văn Đức và Lê Ngọc Trụ, cây bần:Cũng gọi là thủy liễu, loại cây to mọc dựa bờ nước, lá nhiều, nhành yếu, bông trắng, trái tròn dẹp, có đài dầy, nhọn ở gần cuống, ăn chua và chát (Sonneratia).Xuất phát từ cái tên bần đồng âm với sự nghèo túng, bần cùng, mà người Nam bộ đã đặt câu đố về nó:

Giống chi toàn là giống đực
Thiếu tứ bề cam cực chung thân ?

Giống đực là bởi ở loài cây này, luôn có một phần của rễ mọc ngoi lên mặt đất để hút dưỡng khí, dân gian gọi là “cặc bần”. Từ đó, người ta cho rằng bần không có giống … cái!

Bần ơi, ơi hỡi cây bần
Lá xanh bông trắng lại gần không thơm

Hình dáng của cây bần đã thể hiện khá rõ nét qua câu ca dân dã ấy!
Cây bần gắn liền với cái tên thuỷ liễu đầy thơ mộng bởi một giai thoại liên quan đến vua Gia Long trong những ngày gian khó. Dân gian miệt cù lao Bến Tre kể: Khi chạy lánh Tây Sơn, có lần thuyền chúa Nguyễn lạc vào rạch Ụ, Cái Mít (thuộc Hàm Luông ngày nay), phải nhờ gia đình ông Trần Văn Hạc, là cai việc trong làng “bữa cơm”. Tình thế bất ngờ, lại phải “bảo mật”, chúa Nguyễn nói với gia chủ:

- Tôi chỉ muốn xin bữa cơm đạm bạc, có gì ăn nấy vì tôi phải đi thật gấp! Ông cai Hạc suy nghĩ: nếu làm thịt gà, thịt vịt thì tốn thời giờ. Giết heo lại càng lâu lắt và lộ bí mật. Đích thân ông Cai vào bếp, giở hũ mắm sống rồi ra ngoài bãi hái mấy trái bần mới vừa chín cây. Có lẽ, đó là lần đầu tiên và cũng là duy nhất
Nguyễn Ánh được thưởng thức món ăn như vậy. Mùa vị vừa chua, vừa chát của bần, mùi vị đặc trưng của mắm và có lẽ quan trọng nhất là bụng đói cồn cào sau bao ngày chạy loạn, khiến vị vua cảm thấy thích thú:

- Trái chi mà ngon vậy?

Cai Hạc kính cẩn thưa:

- Muôn tâu, tên trái ấy nghe dân dã quá, kẻ bề tôi chưa tiện thưa qua ạ!

- Cứ nói, đừng sợ chi cả!

- Thưa, trái bần ạ!

Nghe xong, Nguyễn Ánh cười, bảo:

- Trong lúc gian truân này ta mới hiểu trái bần
thật ngon lành, nó chẳng kém gì cam quýt, nhãn, hồng Vừa nói, vị vua thuở hàn vi liếc mắt nhìn rặng cây bần mọc hoang trung trùng điệp điệp trước nhà, lá bần xanh mượt gờn gợn thật thơ mộng. Hơn thế, từng chùm bông bần đung đưa, khoe nhuỵ trắng hồng vương bay theo gió.

Vua bèn phán:

- Cây này giống như cây liễu, trong Đường thi, Tống phú. Cây liễu ở Trung Hoa mọc trên đất cao, cây liễu xứ ta mọc trên bãi bùn, dầm chân trong nước mặn mà lá vẫn tươi xanh. Từ nay, ta gọi nó là thuỷ liễu, tức cây liễu mọc dưới nước nhé!

Vậy là, từ đó bần có một loài tên không kém phần vương giả!

Đóm đeo thủy liễu đôi chùm
Biết ai nhơn đạo chỉ giùm làm ơn.

Ở hạ lưu sông Vàm Cỏ Tây (huyện Vàm Cỏ, Long An) có miếu thờ ông Mai Công Hương, dân gian quen gọi là “miếu Ông Bần quỳ”. Theo Huỳnh Ngọc Trảng trong Ngàn năm bia miệng, (Sở Văn hoá và Thông tin Long An, in năm 1984), thì từ khi Mai Công Hương (người sau đó được triều đình nhà Nguyễn phong làm “vị quốc tử nghĩa thần”) tử tiết (khi đánh với quân Nặc Thâm, năm 1705) thì tất cả “bần” mọc hai bên bờ sông đều “quỳ” xuống như muốn tỏ phục hành động nghĩa báo của ông. Có dị bản khác thì cho rằng sau khi Phan Thanh Giản tuẫn tiết năm 1867, bần ở vùng ngã ba sông Vàm Cỏ và sông Tra hàng loạt bần quỳ xuống … chịu tang người trung liệt. Từ đó, dân gian gọi ngả ba này là Ngã ba Bần Quỳ. Cũng theo Huỳnh Ngọc Trảng giải thích thì “hiện tượng bần quỳ là do nước sông xói mòn làm cây cối ở mé sông ngả nghiêng, …

Tiếp lời của nhà nghiên cứu , chúng tôi nói thêm một ý: khi nước ngập một phần lớn của rễbần, nếu nước chảy mạnh, rễ bần thường ngã qua xuyên lại. Do đó, dân gian miền quê Cửu Long có một câu đối khá độc đáo về rễ bần như sau:

Nước chảy cặc bần run bây bẩy
Gió đưa dái mít giãy tê tê

Trong lần đi điền dã, chúng tôi may mắn được người dân vùng U Minh, Rạch Gốc, kể cho nghe Sự tích cây bần, truyện đại khái như sau:

Xưa kia có một gia đình nông dân rất nghèo khó, áo chẳng được lành, cơm chẳng đủ no. Chẳng ai biết vợ chồng anh ta tên gì, chỉ dựa vào gia cảnh mà gọi anh là Bần. Hết cày thuê đến cuốc mướn mà nhà Bần vẫn vẫn không sao có đủ gạo ăn. Người vợ ngày ngày phải lặn lội tìm thêm trái rừng, lá cây mọc hoang hái về ăn đỡ dạ. Năm ấy, trời lụt, nước dâng cao ghê lắm. Cảnh nghèo như Bần càng thêm khốn khổ. Vợ chồng Bần biết vậy nên bồng bế nhau đi khỏi xóm, đến vùng đất ở cửa sông để cắm câu, xúc tép, mong sanh tồn qua cơn thắt ngặt. Nhưng sức mỏn hơi mòn, Bần đã gục ngã bên bãi đất bồi ven sông. Chồng chết, vợ Bần than khóc thảm thiết rồi cũng qua đời sau đó không lâu.

Thời gian trôi qua, trời hết lụt, cuộc sống trở lại bình thường, mọi người nhớ đến Bần ra cửa sông tìm thì chẳng còn ai thấy bóng dáng của hai vợ chồng nghèo khổ ấy nữa. Tìm mãi, họ phát hiện hai cây lạ mà trước nay vùng đất này chưa từng có. Một loại cây mọc ven sông, to tàn rậm lá, hoa nở tim tím, trái hình tròn dẹp, ăn vừa chua vừa chát. Họ gọi đó là cây bần. Một loại cây khác mọc gần đấy cũng cho trái hai màu tím và trắng như bông cây bần nhưng ăn có vị mặn. Người gọi đó là cây Mắm. Họ tin rằng đấy là hai loại cây do vợ chồng Bần hoá thành, hai thứ cây này thường mọc gần nhau, chúng có đời sống rất đơn giản mọc trên vùng đất cằn cỗi hay bùn hoang, giống như tình cảnh của hai vợ chồng chàng trai nghèo khó ngày trước, …

Trong những câu chuyện ngụ ngôn ở đồng bằng sông Cửu Long chúng tôi còn gặp hình ảnh cây bần qua câu chuyện Bần và Đom Đóm. Dân gian kể rằng:Đom Đóm tự hào với chút ánh sáng trong bụng, thấy Bần đứng cạnh bờ sông , Đom Đóm hỏi :

-Thân ông đen đủi suốt đời chôn chân nơi bãi sình lầy chắc ông buồn lắm ?

Bần vừa đáp, vừa hỏi lại:

Tôi thay người đứng giữ bải bờ cho sông. Còn chú ?

Đom Đóm trả lời một cách tự đắc:

-Thấy ông đứng nơi tăm tối, tôi mang ánh sáng đến cho ông .
Bần nghi ngờ :

-Thứ ánh sáng của chú có chịu nổi mưa dầm bão táp nơi bải bờ nầy
chăng ?

Đom đóm lớn giọng hơn :

- Ánh sáng tôi cỏ thể đốt cháy ông.

Vừa dứt lời con mưa ập đến. Đom Đóm vội nép vào Bần lẫn trốn. Bần độ lượng che cho nó suốt cơn mưa. Sau đó, Đom Đóm đã hiểu ra mọi chuyện. Một bài học về sự khiêm tốn được tác giả dân gian gửi đến cho nó. Cũng từ ngày ấy, cứ đêm đêm Đom Đóm lại vây quanh rặng Bần trò chuyện thân thiết.

Bần già đốm đậu sáng ngời
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên

Bần có mặt nơi này khá sớm, bần cũng đã để lại dấu ấn bằng những câu chuyện, những giai thoại không kém phần thú vị! Để chứng minh thêm sự phong phú của cây bần trong đời sống tâm hồn của người bình dân, chúng tôi điểm qua vài nét chính trong những câu ca dao có hình tượng cây bần.

Xin được mở đầu bằng một ca câu lịch sử:

Bần gie đóm đậu sáng ngời
Rạch Gầm Xoài mút muôn đời oai linh

Câu ca gắn liền với sự kiện Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ phá tan quân Xiêm xâm lược nước ta năm 1785. Bần cũng xuất hiện trong cung bậc hài hước với chức năng mua vui, để khuây khoả, cười cợt là chính. Dân gian gắn chuyện coi tướng, coi tuổi người cầm tinh con khỉ rằng:

Tuổi thân con khỉ ăn bần Chuyền cây hái trái lọt ùm xuống sông. cảnh tượng từng hoang mọc trùng điệp, vượn, khỉ, chuồn chuột, … nhởn nhơ vì “dân số” của chúng đông hơn cư dân lúc bấy giờ:

Cây bần gie cây bần ngả cây bần quỳ
Cảm thương con khỉ đột lấy gì mà ăn.

Cây bần cũng có mặt trong bài hát tếu táo mà người bình dân chỉ nhằm hát cho có hát chứ không quan tâm đến nội dung. Hình ảnh ông táo, ông địa, hững nhân vật thần linh mà theo dân gian cũng rất hay rắn mắt, chọc cười cho đời thêm vui:

Ngó lên chót vót cây bần,
Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm
Ông kia xách dĩa lại đơm
Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần
Mới vần mặc kệ mới vần
Bây giờ đói bụng xúc lần ra ăn.

Trong ca dao về tình yêu, bắt đầu từ cách thức thăm dò tìm kiếm ý trung nhân, hình ảnh một chàng trai lém lĩnh không lo việc mình mà lợi dụng bụi bần rậm rạp để “dòm lén” các cô gái quê đi ngang qua, song hành động đó đã được một ai đó kịp thời “chộp” được:

Anh kia trốn bụi bần non
Không lo chài lưới, lo dòm các cô

Nhưng không phải lúc nào cũng được như ý đâu:

Chiều chiều xuống bến ba lần
Bóng em không thấy thấy bần xơ rơ

Nhiều cô gái mượn hình ảnh trái bần trôi nổi để ví thân phận của mình:

Thân em như trái bần trôi
Sóng dập gió dồi biết tắp vào đâu?

Motip “thân em” quen thuộc chúng ta đã gặp khá nhiều trong kho tàng ca dao dân ca Việt Nam. Nét riêng độc đáo ở đây chính là cách liên tưởng về sự bấp bênh của một hiện tượng có thật, quen thuộc khắp vùng sông rạch miền Tây, bần chín, bần rụng, và theo từng cơn sóng nó nổi trôi bồng bềnh theo nước. Thời gian sau, trái bần rả ra, hột nảy mầm, mọc cây con xanh khắp các bãi đất bùn lầy. Phận gái ngày xưa, duyên tình cũng éo le, cũng liều nhắm mắt đưa chân mặc tình cho sóng gió cuộc đời nổi trôi như trái bần chín rụng, vậy thôi! Ở cung bậc ngõ lời, ta gặp cảnh tỏ tình thật cảm động:

Cây bần soi bóng ghe nghèo
Qua sông gặp gió, em chèo giùm anh

Có chàng trai đã khéo léo dùng cách nói văn chương để tỏ bày nỗi lòng với người trong mộng:

Làm thơ anh dán đọt bần
Dán cho hai họ Nguyễn Trần gặp nhau

Hai họ Nguyễn Trần ở câu ca này không phải là điển tích Châu – Trần và nó cũng chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không hoàn toàn chính xác như sự thật ngoài đời sống. Nghe lời thì tạm tin vậy, chứ sự đời chưa biết sẽ về đâu:

Neo ghe vô dựa gốc bần
Anh thương em, anh nói vậy chớ biết mình gần đặng không ?

Một câu hỏi tu từ dành cho cả người trong cuộc hay nhiều người khác nữa, xem ra thật hàm súc và cũng rất khó tìm ra lời giải cho thoả đáng.Bần cũng có mặt trong nỗi nhớ thương chờ đợi của hai người đã trao trọn tình ý cho nhau:

Bần gie đom đóm bu quanh
Lập lòe sáng tối, lòng anh nhớ nàng

Xem ra ở câu ca này, tác giả dân gian đã sử dụng hình ảnh chơi chữ, vừa miêu tả cảnh lập loè của đóm đóm lại vừa gợi cho người nghe nhiều cảm xúc của người trong cuộc. Trí tuệ bình dân sáng hơn cả đom đóm đậu đọt bần gie! Yêu nhau ai chẳng muốn gần nhau, mãi mãi bên nhau mới có hạnh phúc viên mãn:

Bần gie bần ngả bần quỳ
Sống mà chịu cảnh chia ly thêm buồn

Dù bất kỳ hoàn cảnh nào cũng quyết không xa nhau:

Phụ mẫu đánh anh quặt quà quặt quại,
Đem anh treo tại nhánh bần
Rủi đứt dây mà rớt xuống,
Anh cũng lần mò kiếm em.

Nghe qua ai mà chẳng động lòng với chàng trai chung tình mà cũng không kém phần bạo gan đó. Họ thề nguyền bên nhau son sắt đến răng long đầu bạc.

Lẻ đôi em chịu lẻ đôi
Hoa tàn em cũng đợi, bần trôi em cũng chờ

Khảo sát những câu ca dao có chứa hình ảnh cây bần chúng tôi gặp được lời ca hết sức độc đáo, khá hiếm thấy, câu ca thể hiệnsự “ghen tuông” trong tình yêu, dân gian gọi là giành gái hay tranh mèo. Hơn nữa, cách dùng khẩu ngữ cũng rất đáng chú ý:

Chiều mai chiều mốt anh cốt cây bần
Chẳng cho ghe cá đậu gần ghe tôm

Anh chàng chủ nhân của câu ca xem ra không muốn cho người khác đến gần người con gái mà anh ta đã để ý. Sắc sảo hơn ở cụm từ “cốt cây bần”. Chữ “cốt” có nghĩa là đốn cây, chặt cây vốn rất phổ biến trong lời ăn tiếng nói của người dân quê Cửu Long sông nước. Cây bần như đã nói trên chỉ toàn … giống đực! Cốt cây bần quả là một lời cảnh báo dư sức nặng dành cho những ai ham trổ mòi với “ghe” đã có chủ!

Con trai mà bị “cốt cây bần” rồi thì cầm bằng có cũng như … không! Ngụ cảnh để nói người quả là thâm thúy và tài tình quá sức vậy! Cuối cùng, mọi chuyện cũng sẽ an bài, sự tan vỡ trong tình yêu là điều không ai muốn nhưng lại khó tránh khỏi. Họ bàng hoàng, đau đớn trong tuyệt vọng:

Bướm bay dưới dạ cây bần,
Làm sao kết nghĩa Châu Trần với nhau

Nhiều khi, cô gái thẳng thắn chối từ, dù muối xát gan bàu Bần gie, bần liệt, diệc đau chờ mồi

Anh với em duyên nợ hết rồi
Đi tìm chỗ khác đừng ngồi kế em

Nói mà như tát vào mặt kẻ đáng tội:

Hổng thương em hổng có cần
Trầm hương khó kiếm chớ đước, bần thiếu chi

Sự phỉnh phờ lừa gạt trong tình yêu cũng bị vạch mặt chỉ tên

Bần gie con hạc đậu cánh xòe
Tưởng anh vô gá nghĩa, ai dè gạt em

Kẻ phản bội hãy nhớ lấy lời nguyền sau đây:

Trèo lên chót vót cây bần
Vái anh đi cưới vợ, cho sóng thần nhận ghe

Đúng là lời trực ngôn, ăn ngay nói thẳng của người Nam Bộ, không thể lẫn vào đâu được. Khi tan vỡ duyên tình, người trong cuộc thường tự trách mình, trách người mình yêu, hay tìm cách lý giải ở một nguyên nhân khác, do môn đăng hộ đối chẳng hạn, như ngay từ đầu bài viết chúng tôi đã nói dân gian quan niệm “bần” không phải là hạng giàu sang:

Cảm thương ô dước, bời lời
Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần

Họ bào chữa, hay tự an ủi về chuyện duyên kiếp lỡ làng, bình tĩnh hơn, nghĩ kỹ lại thì ra do chính con người gây ra chứ không phải tại trời cao đất dày nào cả:

Bần già đốm đậu sáng ngời
Lỡ duyên tại bậu trách trời sao nên

Cũng có trường hợp do cha mẹ không thương nên tơ hường đứt đoạn:

Ba bốn nơi sang cả, phụ mẫu em muốn gả
Em chấp tay: khoan đã, chưa tới duyên phần
Phụ mẫu nói em bất tôn giáo hóa
Em trèo lên cây bần cho kiến nó bu

2. Bần trong đời sống thường nhật

2.1. Từ địa danh đến các vật dụng từ bần Bần đã đi vào địa danh như Rạch Bần (Cần Thơ), Cây Bần (Bạc Liêu, Sóc Trăng), Ngã Ba Bần Quỳ (Long An), …

Bần là loài cây tạp ít giá trị kinh tế nhưng chức năng giữ đất trước sự xâm lấn của sóng biển thì thật đáng nể. Bần mọc đến đâu đất dai bền vững đến đó. Có được điều này vì bộ rễ của nó phát triển khá vững chắc và chiếm một không gian rộng lớn, …

Câu thành ngữ “Cặc bần nhét nút chai” quá quen thuộc đối với người dân miền Tây sông nước. Nội dung của nó liên quan trực tiếp đến rễ của cây bần. Rễ bần có hai phần phần ẩn dưới đất, phần mọc từ dưới bùn chĩa lên trời để hút dưỡng khí, lớn hơn ngón tay cái, dân miền Tây Nam Bộ cũng cho nó một tên cũng rất đặc biệt cặc bần! Theo Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức – Lê Ngọc Trục, Khai Trí, Sài Gòn in năm 1970) giải thích, Cặc bần (danh từ, thực vật): Rễ cây bần, rễ cứng đuôi nhọn đâm ngược và ngay lên chôm chổm khỏi mặt đất từ 20 đến 40 cm .

Theo dân gian, cặc bần còn được chặt nhỏ phơi khô nấu nước uống để chữa một số bệnh của phụ nữ. Thân cây bần to có thể cưa ván, nhưng đây chỉ là ván tạp, không chắc, xài chỉ được đôi ba năm. Người nghèo dùng ván bần để làm ngựa (một loại phản, kê để ngồi) xài trong nhà. Người nghèo chết thì chôn hòm bằng ván bần, … Các loại nhánh, thân, … còn dùng làm củi nấu ăn, …

2.2. Và các món ăn từ bần

Đơn giản nhất là hái trái bần… ăn chơi. Bần chín rụng xuống người ta lượm về hoặc hái trái chua còn trên cây ăn chơi lúc rãnh rang, vị vừa chua chúa, chát, lại mằn mặn của muối, …Như ở phần giai thoại lý giải tên thuỷ liễu chúng tôi đã nói đến món mắm sống với bần được mang đãi cả vua. Ca dao có câu:

Muốn ăn mắm sặc bần chua
Chờ mùa nước nổi ăn cho đã thèm

Mắm sống (mắm cá sặc, cá rô, cá chốt, cá trê vàng, …), giở ra, xắt chuối chát, kèm ít rau rừng như lá cách, cơm nguội, đọt sộp, lá lụa, vài trái ớt hiểm xanh, … thêm trái bần chua nữa, ăn cớm với cơm nóng thì quả thật sướng đến… đã đời. Cơm hết nồi cũng chưa thấy no, chưa muốn nghỉ! Khi ăn cơm, người ta có thể dầm bần chín với cá kho, mắm kho, để chấm rau sống, hoặc chấm ngay bằng gỏi bông bần. Bông bần được hái về bóp với dấm chua, làm gỏi, …

Trong số các món ăn mà bần góp mặt, cầu kỳ nhất có lẽ là canh chua bần và đọt bần xào chuột. Canh chua bần thì ngon nhất là nấu với cá bống sao. Đồ bổi (rau) để nấu canh chua bần cá bống sao thì không thể thiếu cọng môn (có thể là thân loại môn trồng lấy củ, hoặc thân môn ngọt, chỉ để ăn cọng) và ngò gai. Cọng môn cắt về, tước sạch vỏ bọc bên ngoài, xắt thành hình thoi. Ngò gai xắt sợi, cá bống sao làm sạch để ráo nước. Bắc nước sôi cho trái bần chín vào nấu rã, dùng rổ lược vớt bỏ hột. Nêm nếm vừa chua, đổ bổi vào nấu. Sau đó, cho cá bống vào để vài phút rắc ngò gai và ít cọng bông bần lên trên tô canh, ăn ngay khi canh nóng, … nếu để lâu thịt cá sẽ nát và mất ngon. Nước chầm là muối, ớt chín dầm nát và bọt ngọt, đường cát, … Mùi chua của bần, mùi ngọt của cá, cọng màu xanh của môn, ngò , sắc tím lẫn trắng của bông bần gợi nên tình quê đậm đà sâu nặng, …

Ở món chuột đồng xào đọt bần, thì chuột cơm ngoài đồng ruộng béo tròn (ngon nhất là chuột no lúa mùa từ tháng mười đến tháng chạp hàng năm), đào hang bắt chúng về làm sạch, để ráo nước, rồi đem bằm thật nhuyễn. Hái đọt bần non rửa sạch, để ráo nước xắt sơ qua. Bắc chảo lên bếp cho nóng, phi tỏi mỡ cho thịt chuột đã băm nhuyễn vào xào cho thịt chín đều thịt có màu trắng đục, rồi tiếp tục cho đọt bần vào. Khi đọt bần đã chín, cho chút gia vị bột ngọt, đường, nước mắm, ớt bằm nhỏ, trộn đều cho thấm. Nhắc xuống ăn nóng, chấm với nước mắm tỏi, ớt, …Vị chua chua, chan chát của đọt bần, trộn lẫn cùng vị béo ngọt của thịt chuột làm thành món ăn độc đáo miền quê.

Để kết thúc phần khảo sát về hình ảnh cây bần trong đời sống người Tây Nam Bộ, chúng tôi tìm hiểu được thông tin rằng: cuối thập niên đầu của thế kỷ XX, có bà Tư Cúc ở Trà Vinh đã chế biến được mứt bần, kẹo bần. Bần chín được tán nhuyễn thành bột, dùng lửa nhỏ để sên, thêm muối, ớt, bột ngọt và cho vào keo để dự trữ những tháng trái mùa, dùng mứt bần để uống với nước trà tráng miệng sau bữa cơm, … Cơ sở sản xuất này đã xuất khẩu hàng nghìn hủ sản phẩm mứt bần, bột bần, sang Đức và các nước Châu u, … thu về bộn bàng ngoại tệ, …

3. Kết luận

Bần là loài cây mọc hoang. Song so với nhiều loài cây tạp khác, bần lại ảnh hưởng khá sâu rộng trong đời sông người bình dân. Từ tên gọi của nó, người dân đã chơi chữ chỉ cảnh nghèo khó của cư dân ngày đầu mở cõi:

Khoanh tay lo nghèo
Là trái bần ổi!

Lời bài vè về cây trái ấy như còn vang vọng đâu đây! Hơn thế, bần lại có mặt trong các địa danh, các giai thoại liên quan đến vùng đất và con người vùng này. Bần cũng trở thành đề tài cho những lời ca điệu hát dân gian. Người bình dân khéo léo gửi gắm tâm sự, nỗi niềm, thậm chí là khát vọng chinh phục thiên nhiên qua những câu chuyện đầy tính nhân văn mà chúng tôi đã điểm qua trong bài viết. Vùng đất phương Nam này thêm vững chải, ngày càng tiến ra khơi xa, đời sống văn hoá người bình dân Cửu Long thêm phong phú, đa dạng có phần đóng góp từ hình ảnh cây Bần quen thuộc./.

Trần Minh Thương

Tre Xanh CA 16-11-2014

└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm #13846

  • Thanha
  • không trực tuyến
Chào Tre Xanh,

"Ngó lên chót vót cây bần,
Thấy ba ông Địa ở trần nấu cơm
Ông kia xách dĩa lại đơm
Ông nọ ứ hự nồi cơm mới vần
Mới vần mặc kệ mới vần
Bây giờ đói bụng xúc lần ra ăn".



Ca dao tục ngữ hay quá! học hoài không hết. Dân gian để lại, tích lũy dần thành một kho tàng quí giá vô biên. Cám ơn em đã cho MTX có một chút thanh thản bình yên nơi miền tây sông nước.


TC 20/11/14
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.17 giây
   
© maitruongxuath.org