Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
NHỚ ƠN THẦY CÔ GIÁO NHÂN NGÀY 20/11 cách đây 10 năm #13858
|
CÂU CHUYỆN VỀ MỘT NGƯỜI MANG HAI DÒNG MÁU
Hôm nay, ngày Nhà Giáo VN 20-11, tự nhiên ký ức trong tôi bỗng hiện về hình ảnh những ngôi trường đã đi qua trong suốt cuộc đời tôi, xin ghi nhanh lại những dòng lưu bút này, để nhớ về một thời áo trắng, những kỷ niệm vui buồn của một thời học sinh. Tôi sinh ra ở một vùng quê hiền lành thuộc miền tây nam bộ với ruộng lúa phì nhiêu cò bay thẳng cánh, nhờ thiên nhiên ưu đãi nên khí hậu tươi mát quanh năm, cây trái xum xuê 4 mùa và cá tôm thì nhiều vô kể. Tôi đã lớn lên từ vòng tay ấm áp của gia đình, anh em và xóm giềng thân thuộc. Từ khi bập bẹ tiếng khóc chào đời mẹ đã ru tôi ngủ, tiếng võng ầu ơ kẽo kẹt buổi trưa hè, nhớ...nhớ lắm, bà mẹ quê suốt đời vất vả vì con. Khi lên 7 tuổi, mẹ tôi bắt đầu dẫn tôi đi học, những bỡ ngỡ, e dè, sợ sệt của 1 cậu bé lần đầu tiên xa vòng tay mẹ để tới trường hòa mình vào cuộc sống mới với những người chưa quen đó là Thầy Cô và các bạn cùng lớp. Ngôi trường làng đơn sơ nhỏ bé mà sao đối với tôi nó thật lớn lúc bấy giờ vì tôi có được mẹ dắt đi chơi nhiều chỗ đâu, muốn đi học phải đi qua 1 con đò, mẹ sợ chìm đò tôi chết đuối nên mỗi sáng đưa con xuống đò xong mẹ tôi ngồi chờ cho con đò sang đến bờ bên kia thì mới quay về nhà. Thời gian thắm thoát qua nhanh, thế là tôi cũng học xong tiểu học, đầu mùa tựu trường năm tới là tôi phải chuyển ra học lớp 6 ở thị trấn rồi, xa trường cũ cũng bùi ngùi lưu luyến. Mới đó mà 3 tháng hè đã xong, gió mùa thu bắt đầu thổi nhẹ, lá vàng lác đác rơi, những áng mây bàng bạc bay trên bầu trời, báo hiệu mùa tựu trượng đã tới, tôi cắp sách tung tăng đến trường, kỳ này thì tự tin hơn, lớn rồi không cần mẹ dắt tới trường nữa đâu. Ối cha ! Không thể tin được vào mắt của mình, trường gì mà lớn dữ vậy ? Cả 4 dãy phòng, dãy nào cũng dài hết, học sinh thì quá trời đông luôn, không giống như trường cũ trong quê của mình chỉ có 1 dãy 3 phòng thôi, niềm vui không thể dấu được trong tôi, có 1 chút gì đó sung sướng và tự hào vì từ nay mình sẽ được học trong ngôi trường này rồi, vào trường mới phải tuân theo kỷ luật mới, quần tây xanh, áo trắng ngắn tay bỏ vô quần, tóc tai phải cắt ngắn gọn gàng, và phải có phù hiệu mang tên trường nữa mới quách chớ ! Học xong năm lớp 6 với thành tích cũng khá cao, niềm vui chưa được bao lâu thì đến ngày 30/4, lại phải chuyển sang trường khác, phải chia tay bạn bè mới quen được 1 năm. Năm lớp 7 và 8 chuyển về học ở trường cấp 2B (trường cha Uyển trước kia ở gần đầu kinh 6) trường này cũng đẹp và khang trang lắm, ở giữa sân trường có 1 cây còng (me tây) lớn lắm, tàng cây rộng lắm có thể che bóng mát cho cả sân trường xung quanh hàng rào có hàng dừa lúc nào cũng xanh tốt, trái xum xuê. Trong thời buổi chuyển giao giữa 2 chế độ, chương trình giáo dục cũng khác đi nhiều, nền kinh tế bắt đầu bao cấp, thiếu thốn đủ thứ, ai cũng vậy không chỉ riêng nhà mình, đi học xa nhà 3 km mà phải lội bộ, quần áo thì chỉ có 1 bộ quần xanh áo trắng, đi học về phải móc lên đem ra nắng phơi, hôm sau mặc tiếp, tuổi nhỏ nên lớn nhanh, cái quần mẹ mới may cho, mới đó mà cao lên tới mắt cá rồi, mẹ lại phải xả lai xuống cho con mặc đỡ, tiền đâu mà mua quầnmới,thương cha mẹ nghèo nên tôi cũng không than phiền chi hết, cố gắng lo học hành cho cha mẹ vui, sau khi đi học về là phải ra đồng phụ tiếp công việc đồng áng để kiếm miếng ăn, dù là khổ cực như vậy nhưng mẹ và anh tôi khuyên tôi phải cố gắng học để kiếm cái chữ cho đời tôi sau này đỡ khổ hơn. Lên cấp 3, lần đầu tiên được học trên nhà lầu, ngôi trường lớn khang trang thật sướng ghê. Hai anh em tôi đèo nhau trên 1 chiếc xe đạp cà tàng, anh tôi học trên tôi 1 lớp, chiếc xe đạp cũ quá nên hay dở chứng cứ xúc dây sên hoài làm tay anh em tôi luôn lấm lem dầu nhớt, 2 cái vỏ xe mòn lẳng, đứt dây ta-long mà không có tiền thay vỏ khác nên phải lấy dây gân may lại xài tiếp tục, mấy đứa bạn tôi cũng vậy, lấy 2 cái vỏ xe cũ chồng vô rồi chạy tạm, nặng quá đạp không muốn nổi. Cuộc sống vốn đã khổ cực vậy mà trời còn không thương, năm 1978 đã giáng xuống 1 trận lụt kinh hoàng chưa từng có, cả cánh đồng lúa mới vừa đỏ đuôi ngập sâu trong biển nước mênh mông, mọi người đổ xô ra đồng ngụp lặng dưới nước thu hoạch lúa, được bao nhiêu thì được, ăn nữa bỏ nữa. Nhà nước huy động toàn bộ lực lượng đi đắp đê chống lũ, trường tôi cũng không ngoại lệ huy động toàn bộ thầy cô giáo và các em học sinh đắp đê dọc theo tuyến lộ 80, nhưng cũng chỉ hạn chế chứ không ngăn được dòng nước lũ đang cuồn cuộn chảy, năm đó quê tôi nghèo lắm, nhiều gia đình thiếu ăn. Hình như ông trời lấy đi của mình cái này thì bù lại cho mình cái khác, năm đó ruộng lúa, vườn tược bị mất trắng, nhưng bù lại thì cá tôm nhiều vô kể, không cần đi đâu xa, chỉ cần ngồi trên nhà sàn, vừa bắt nồi cơm lên vừa câu cá, khi nồi cơm chín là đã được 1 số cá kha khá đủ để nấu 1 nồi canh chua và 1 ơ cá kho tiêu rồi, bông súng thì mọc trắng đồng, mỗi cọng dài 2m, vì nước tới đâu nó ngoi lên tới đó. Ban đêm trời sáng trăng, 2 anh em tôi giăng lưới cá mè vinh, giữa đồng nước mênh mông, gió đêm thổi lành lạnh, nằm trên xuồng cắm sào giữa đồng nước, nhà ai hát vọng cổ nghe sao buồn não nuột, âm thanh trượt trên mặt nước nên nghe rất xa:"Má ơi đừng gả con xa, chim kêu vượn hú biết nhà má đâu..."Tiếng đàn kiềm lúc khoan lúc nhặt, chờ cho đến sáng thăm lưới, cá mè vinh con lớn bằng bàn tay xòe, chừng 40-50 con đó là thành quả sau 1 đêm thức trắng, tuy cực mà vui, trên đường chống xuồng về nhà anh em tôi không quên ghé ngang qua đám bông điên điển, lũi xuồng vô nghe 1 cái xột là tha hồ mà hái, cả 1 rừng bông màu vàng chanh, loại bông mà người nhà quê rất thích ăn vì chế biến được nhiều thứ: có thể nấu canh chua, xào mỡ, làm dưa chua, làm nhân bánh xèo... Năm 1979, theo dòng người đổ xô nhau chạy ra nước ngoài, gia đình tôi cũng chắt mót tiền bạc cho anh tôi đi vượt biên, thật ra lúc đó nói đi là đi chứ không biết đi đâu chẳng qua đi là muốn chạy trốn cảnh sống quá khó khăn cùng cực, chứ không có bất cứ khái niệm gì về cuộc sống ở Mỹ cả. Sau khi anh tôi đi được tới đảo an toàn,nhận được thư gia đình tôi mừng lắm, năm sau thì tới lượt tôi đi, lúc đó tôi đang học lớp 10, nằm chờ cả tháng trời ở cầu số 2 Rạch giá, rốt cuộc thì tổ chức bị lộ không đi được, âu cũng là cái số, trở về trường thì đã dở dang việc học vì nghỉ 1 tháng mà không xin phép. Chuyện này tôi luôn giữ kín không cho ai biết hết vì hồi đó nếu đi vượt biên là mắc tội phản quốc, năm sau tôi đành phải học lại lớp 10 với lý do là hoàn cảnh gia đình khó khăn. Cho nên bây giờ có nhiều bạn thắc mắc: "nhớ hồi đó bạn học niên khóa 78-81 mà chứ đâu phải 79-82 " cô giáo thì nói đùa tại sao em là người mang 2 dòng máu, chuyện là như vậy đấy các bạn ạ.(còn tiếp) DC 20/11/14 |
|
└(≣) NHỚ ƠN THẦY CÔ GIÁO NHÂN NGÀY 20/11 cách đây 10 năm #13859
|
Thanh Đang ơi!
Đúng vào ngày 20/11. Ngồi đọc bài viết, em đã cho thầy cô cũng như các bạn một phần ký ức về quê mình ở thời bao cấp khốn khó, khổ cực nhưng vui quá, đơn sơ và mộc mạc.Giọng kể chân tình miền quê nam bộ, rất lôi cuốn, làm say sưa người đọc . Qua bài văn biết được tâm hồn của tác giả. Cám ơn em. Viết tiếp Đang nhé. Như Huân ơi! Cũng như các bạn khác bài viết của em rất tình cảm , môc mạc và chân tình, một thời gắn bó với học sinh trong những năm còn nghèo nàn , nhưng thuơng quí lắm. Thầy cô chắc chắn một điều là vào ngày này em cũng nhớ lắm phải không? ước mơ một thoáng mình còn đứng lớp với lũ học trò miền quê Tân Hội. Cám ơn em Thắng Nhung ơi! Nhung viết dễ thuơng quá! em tái hiện lại cảnh đi học của chính các em ở quê mình, từng chi tiết, từng nét đơn sơ đáng yêu lắm! . Gần đến trường nghe đài phát thanh hát bài " Bụi Phấn" . Rồi mình làm gì cho thầy cô vui đây với suy nghĩ non nớt thời bấy giờ. Thắng cũng vậy có những bài thơ rất sâu sắc. Cám ơn hai em. Trăng Sao ơi! Em có mặt ở khắp mọi nơi, Thơ cũng nhu Văn với tình cảm chân tình đáng quí. Cám ơn em luôn luôn chia lửa cho MTX. Tre Xanh ơi! Bài sưu tầm của em rất có ý nghĩa, đáng suy gẫm . Tuy lần này em chưa viết cho ngày Nhà giáo , nhưng trước đó qua các bài viết như" Nghĩ về một người thầy, một người bạn" cũng rất hay .Cám ơn em. Nguyễn Phuơng ơi! Tuy là bài viết đã viết rồi, nhưng đọc lại vẫn thích. Cám ơn em. Thanh Sơn ơi! Nơi em thì thầy cô không nói nữa, quá bất ngờ với tài viết văn của em. Cám ơn em. Gia Cat Lượng ơi! Thầy cô thấy em có rất nhiều cố gắng, mặc dù rất bận rộn trong việc đồng áng, nhưng vẫn không quên ngày nhà giáo, vì em cũng một thời là thầy giáo. Cám ơn em. TC 20/11/14 |
|
└(≣) NHỚ ƠN THẦY CÔ GIÁO NHÂN NGÀY 20/11 cách đây 10 năm #13860
|
Chào các em,
Đến bài viết của Cao Thanh Đang thì thầy cô quá xúc động! Sau bao năm xa cách , thầy cô luôn nghĩ học trò mình vì phải lăn lộn với cuộc sống đầy nghiệt ngã đã khô cằn sỏi đá. Để viết thành một bài văn dài xem ra rất khó đối với các em, nên thầy cô không dám mơ, sợ quá tầm tay vói và cũng để động viên thêm cho các em còn ngại viết, nên ra tiêu chỉ cho một bài văn trong sân chơi ngày 20/11 trên dưới 100 chữ thôi. Các em đã làm cho thầy cô bất ngờ và hãnh diện vô cùng. Học trò tôi vẫn mượt mà tình cảm, vẫn giấu kín trong tâm tư những ký ức ở một thời, với ngôi trường, thầy cô và bạn bè. Nhân ngày 20/11 thầy cô có lời khen và cám ơn tất cả các em trong Thơ cũng như Văn. Mỗi người một tay đóng góp cho vườn hoa nghệ thuật bay bổng trong tình cảm bạn bè, thầy cô dưới maitruongxuath.org này. Đồng thời cũng cám ơn các lời chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam trong " Nhắn tin chia sẻ". Cũng không quên động viên các em còn chưa viết , hãy mạnh dạn lên. chỉ là đang dò dò, xem xem các bài viết của bạn, rồi ngợi khen. Nhiều lần thầy cô được nghe lời tâm sự." Em muốn viết lắm nhưng sợ sợ" . Hãy viết thử đi rồi sẽ quen. Một ngày hạnh phúc! Thầy cô Thanh Hà 20/11/14 |
|
MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 2015 cách đây 9 năm #17379
|
Chào các em, Kể từ năm nay cứ vào ngày 20/11 ta ôn lại những tình cảm đã qua và chúc mừng ngày lễ trong đại này, TC gom chung tất các bài vở lại, viết thêm theo từng năm, để các em cũng như độc giả xem lại những áng văn hay nhân dịp này. THÁNG TRI ÂN THẦY Với truyền thống tôn sư trọng đạo ăn sâu vào từng con người Việt Nam chúng ta, dù đi nơi đâu, truyền thống ấy không bao giờ phai nhạt . Mặc dù xa quê hương đã lâu nhưng trong lòng thầy cô luôn nhớ về một thời khốn khó trong những ngày đất nước còn nghèo, về ngôi trường đầu tiên, sau khi cởi bỏ lớp áo thư sinh bước lên bục giảng, về tình thầy trò ngày ấy ; quí trọng thầy cô, sẻ chia và gắn bó mãi đến tận bây giờ. Một tình cảm lạ lùng thân thiết sau hơn 30 năm rồi mà vẫn như ngày nào: nhí nhảnh vô tư, chọc phá, yêu thương , quan tâm nhau, có cả giận hờn , trách móc và đôi khi cũng có những giọt nước mắt. Xin tạ ơn tất cả những gì chúng ta còn đến hôm nay, mong sự bình yên hạnh phúc đến trên từng con người, nếu có thể có sự va chạm hay hiểu lầm nào đó, thì xin hãy nghĩ đến tình yêu tập thể to lớn trong MTX này mà tha thứ cho nhau. Mỗi người thêm một cây củi cho bếp lửa yêu thương còn giữ mãi hơi ấm tình sư phụ đồng môn, ngọn lửa ấy thầy cô đã đốt lên cho các em, không chỉ trong những lần họp mặt mà chính nhờ ngôi nhà thân yêu này nó có sức lan tỏa và tìm về. Nhân tháng tri ân thầy, thầy cô gửi đến các học trò lời chúc sức khỏe, hạnh phúc,vui vẻ và nồng nàn trong tình thương yêu bè bạn không dễ gì có được khi ở vào tuổi tóc điểm sương; đăc biệt đến các thầy cô đồng nghiệp, các em đã và đang nối bước theo con đường đi trước của thầy cô trong sự nghiệp giáo dục. TC 1/11/15 |
|
MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 2015 cách đây 9 năm #17389
|
MỘT LẦN VỀ QUÊ Đã lâu rồi tôi không về thăm lại quê hương kể từ ngày cha mẹ về cõi trời. Trước đây cứ ba năm một lần tôi xin nghỉ một tháng để về phụng dưỡng các người. Tôi hay đạp xe đến trường cấp III Tân Hiệp vào buổi sáng, đứng trước cổng trường để hình dung lại tôi ngày nào với các bạn ngày xưa, nơi đã có thật nhiều kỷ niệm. Tình yêu đầu đời cũng bắt nguồn từ đây. Ly rượu đầu tiên tôi nhắm mắt uống liều cũng do các bạn cùng trường thách đố và điếu thuốc không đầu lọc cũng được chuyền tay cùng các bạn trong những giờ ra chơi. Chúng tôi hút vội vã, dấu diếm nhưng không quên vênh mặt lên chứng tỏ mình là dân chơi. Tôi về đi tìm lại mình ngày nào và những người bạn hôm xưa nhưng tất cả đều đã vội vã ra đi bỏ lại bức tường vôi loang lổ, mái ngói bạc màu, khung cửa sổ mất cánh, tàng cây già đứng chơ vơ làm nhân chứng cho các cuộc chia tay. Tôi đã về và không gặp lại bất cứ người bạn nào năm xưa. Hôm nay tôi lại về tuy không còn dịp để thấy lại cha mẹ mình nhưng còn được diễm phúc nhìn lại những người bạn cùng lop mà qua Face Book chúng tôi đã bắc lại nhịp cầu. Hiến đã giúp tôi liên lạc được với các người bạn cùng khối và chúng tôi đã chén tù chén tạc ôn lại kỷ niệm xưa, cố hình dung ra được khuôn mặt thân quen của ba mươi lăm năm xa cách. Tôi không thể nhìn ra Diệu người bạn đã đi với tôi từ những năm còn ở cấp II. Cũng không thể hình dung ra Chuẩn mãi cho đến khi Phụng nhắc lại người bạn nhỏ nhất năm xưa thường ngồi ở bàn số một. Chúng tôi ôn lại một dĩ vãng của tuổi học trò năm tôi làm trưởng lớp và với Minh Dung, chúng tôi đã làm điều thất lễ với thầy Đệ. Tuổi trẻ thường hiếu thắng và tôi đã đi quá phạm vi của một học trò. Những tháng năm mài đũng quần trên ghế nhà trường ở xứ người, tôi mới hiểu ra sao các thầy cô khi xưa của mình lại yêu mến mình đến thế. Họ nhẫn nại chịu đựng những lúc mình bướng bỉnh. Bền chí và ân cần giải thích những điều mình không hiểu và chắc chắn trong những lúc chấm bài, các Thầy Cô đã không nhẫn tâm để mình bị trượt. Rồi như một cuốn phim từ từ chiếu lại, chúng tôi đã tìm ra nhau của ngày nào. Tôi đã thấy được Giang lúc cắp sách đến trường, thấy được Phụng ngồi bên cạnh Nguyệt và Phương. Thấy được Hoàng cùng các bạn kên lại thầy Chấn lúc bị chất vấn. Thấy Tạp đi thi học sinh giỏi toàn quốc với tôi năm nào. Và tôi cũng đã tìm lại được hình ảnh của các bạn trong kinh Đông Bình đã cùng học các lớp C2, Đ và AB trong khối 10-11 năm xưa. Nhịp cầu đã bắc lại, những bước chân xưa giờ được nối liền qua Mái Trường Xưa Tân Hiệp và qua Kỷ Yếu 79-82. Chúng tôi đã một lần vội vã bước đi và cũng đã nhiều lần tìm lại mái nhà xưa nhưng không gặp cho đến ngày hôm nay. Từ hôm nay trong tôi lại có một gia đình mà anh em là những người không cùng cha mẹ. Tôi đã tìm lại tình bạn khi xưa mà câu tục ngữ "Bán anh em xa mua láng giềng gần" không đúng với hoàn cảnh của những người lưu vong như chúng tôi nơi xứ người. Ông hàng xóm mũi lõ của tôi đã không chọc cho tôi cười nhắm mắt lại như người bạn cấp III năm nào. Tôi thích nhất câu nói của Hoàng khi tôi nói với Hiến bạn cứ tiếp tục làm liên lạc viên của nhóm cho đến năm cuối cùng tôi sẽ nhận nhiệm vụ đó và đúng như Hoàng nói, nhóm chúng ta sẽ không có những năm cuối cùng. Tôi xin tạm gởi lại các bạn của Mái Trường Xưa bản nhạc "Anh Muốn" phỏng theo thơ của lớp đàn anh Joe Khẩn Nguyễn để thấy được vẻ đẹp tuyệt vời của quê hương với Mái Trường Xưa, hàng thông già, đồng cỏ xanh và con diều căng gió ở đó chúng ta tìm thấy mình đã nhiều lần ôm sách đứng trước cổng trường cấp III Tân Hiệp. Hà Quang Trung 2/11/15 |
|
└(≣) NHỚ ƠN THẦY CÔ GIÁO NHÂN NGÀY 20/11/2014-2015 cách đây 9 năm #17408
|
Chào Quang Trung,
Thầy cô đọc đi đọc lại lời văn mộc mạc, chân thành tình cảm của tuổi học trò, thấy quí làm sao!. Quê hương nguồn cội có cái gì thân thiết sâu đậm , trong đó có ông bà, cha mẹ và bạn bè cùng nhau một thuở, đến cuối đời này cũng không bao giờ quên được hả Quang Trung. Để rồi một lần về quê Trung gặp lại bạn bè chung trường, chung lớp, hạnh phúc nào bằng. Hình ảnh sau hơn 30 năm gặp lại, thấy ai cũng khác và thay đổi quá, nhưng rồi cũng nhận ra nhau tất cả. Vui rồi, chúc mừng em, anh lớp trưởng có nhiều tài về âm nhạc và cả văn chương. Em trích ngang chỗ " đi thi học sinh giỏi toàn quốc" thế nào?. Chia sẻ tiếp cho mọi người nghe nhé. Một bài viết rất có ý nghĩa cho ngày 20/11. TC 6.11.15 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.13 giây