Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) TẾT NGUYÊN ĐÁN. cách đây 9 năm, 9 tháng #14936
|
Ý NGHĨA BÁNH CHƯNG VÀ DƯA HẤU NGÀY TẾT BÁNH CHƯNG Mời Thầy Cô, anh chị em cùng Tre Xanh đọc lại Sự tích bánh chưng trong Lĩnh Nam Chích Quái - Tác giả: Trần Thế Pháp. Truyện kể rằng trong kỳ cuối năm, khi đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương, Vua Hùng Vương đã ra đề thi cho các con để tuyển chọn người nối ngôi: Ai dâng được món ăn ngon nhất thì sẽ được trao ngôi báu. Trong cuộc thi nấu ăn đầu tiên, Hoàng Tử Lang Liêu đã đoạt giải nhất vì đã có công sáng chế ra Tấm Bánh Chưng Thứ Nhất với ý nghĩa hoàn hảo từ hình thức cho đến nội dung...nhân bánh. Mà làm gì chẳng trúng giải, khi đã có người nhắc bài! Là vì…" Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng: Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được nếu lấy gạo nếp hoặc gói hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được." Trở lại ngày nay, bánh chưng được làm theo hướng dẫn của sách dạy nấu ăn, với ba nguyên liệu chính là: - 1 kí gạo nếp - 400 g đậu xanh - 450 g thịt ba rọi đủ để gói được 3 tấm bánh lớn, cỡ vuông cạnh chừng 2 tấc, bề dầy khoảng 5 phân, theo tiêu chuẩn dinh dưỡng, sẽ có các ưu điểm sau đây: - Mỗi bánh như trên đem lại 2300 Calo, đủ năng lượng cho nhu cầu 24 giờ của một người hoạt động vừa phải. - Thế cân đối trọng lượng giữa Đạm, Béo, và Bột, Đường bằng 1 : 1 : 4 : 5, chẳng thua gì thế quân bình dinh dưỡng của các chế độ ăn lành mạnh của Âu - Mỹ. - Đậm độ năng lượng tối ưu vì cứ 1g ăn vào cung cấp cho người ăn trên 2 Calo, gấp đôi đậm độ của bữa ăn hàng ngày, mỗi gram chỉ đem lại 1 Calo. - Về mặt chất Đạm thì gạo nếp thiếu Lysine - là acid amin thiết yếu cần để trẻ con hay ăn chóng lớn, cho người lớn mau tái tạo sức lao động - nhưng thiếu sót này được đậu xanh bổ sung dễ dàng, vì họ đậu sẵn dư Lysine. Đậu thiếu Méthionine - cũng là một acid amin thiết yếu, nhưng để huy động chất béo ăn vào hay dự trữ sẵn trong cơ thể thì gạo có đủ để bù đắp cho đậu. Ngon, No, Chắc dạ, lại Gọn và Nhẹ: Chiếc bánh chưng xứng đáng là “thức ăn nhanh” dành cho Vua hồi đó, vì có thừa khả năng giúp chúng ta thực hiện được các sinh hoạt giao lưu ngày Tết: đi mừng tuổi, vui chơi, hội hè, thăm viếng bạn bè,... Đi theo dân tộc Việt trong hành trình Nam Tiến, biến hình đổi dạng từ vuông thành hình trụ của đòn bánh Tét - phải chăng là do đọc sai đi từ Bánh Tết? - thiếu lá dong thì dùng lá chuối để gói, cũng chẳng sao. DƯA HẤU CŨNG CÓ MẶT TỪ THỜI HÙNG VƯƠNG Không chỉ có mặt trên các thiệp chúc Tết, bàn thờ Ông Bà và bữa ăn nhân dân, Dưa Hấu còn xuất hiện rất sớm trong lịch sử dân tộc với sự tích An Tiêm. Khởi đầu câu chuyện, An Tiêm được Vua Hùng tin yêu "ai cũng úy phục và chen nhau đến dâng lễ vật, không thức ăn gì là không có" khiến cho đương sự coi "của cải đều là vật tiền thân" của mình và Vua Hùng đâm "cả giận" đối với An Tiêm, "Bèn đày ra ngoài bãi cát, tứ phía không có dấu chân người đi đến, với lương thực đủ dùng cho bốn năm tháng mà thôi, ăn hết là chết đói." Nhờ vững niềm tin rằng "Trời đã sinh thì trời phải dưỡng" và một chút may mắn là có "con bạch hạc từ phương Tây" bay lại, làm rơi sáu bảy hạt dưa "đâm chồi nẩy lộc, kết thành trái dưa, nhiều không kể xiết". Rộn rã đón xuân bên cánh mai vàng, bên cành đào thắm, bên mâm ngũ quả, còn hiện diện một loại trái cây không thể thiếu: Dưa hấu. Ruột đỏ ẩn bên trong lớp áo xanh - quả dưa tròn căng, mọng nước - được bày trang trọng trên bàn thờ. Ngày đầu xuân, trái dưa bổ đôi , màu đỏ ngọt ngào như lời chúc một năm mới đầy may mắn và hạnh phúc. Màu sắc dưa hấu cũng nói lên sự hưng thịnh ít nhiều của gia chủ trong năm. Người ta tin rằng, nếu trái dưa hấu đầu năm mà ruột đặc, màu đỏ tươi, mọng nước, ngọt lịm thì đó là báo hiệu một năm tuyệt vời. Bởi thế, mua dưa hấu bày Tết phải rất thận trọng... vì nhiều người coi như đó là quẻ bói đầu năm. Ngày Tết, có miếng dưa hấu, như chiếc thuyền rồng sơn son mịn cát lóng lánh, ăn vào thì còn gì tuyệt bằng, nhất là khi đã chán thịt mỡ, bánh chưng, bánh kẹo. Với người phương nam, dưa hấu làm dịu cơn khát, làm mát lòng người. Thơm nhất, ngọt nhất là dưa có ""quê"" ở châu Á, đặc biệt là vùng Nam và Đông Nam Á - nơi mà nắng gió gần như quanh năm, chủ yếu với hai màu khi chín: đỏ tươi và màu vàng, còn vỏ cũng có màu xanh và màu vàng. Ngoài mục đích khoái khẩu, dưa hấu ngày Tết có thể biến thành hình cắm hoa nhờ đôi bàn tay khéo léo của bạn. Bạn cũng có thể bổ đôi quả dưa, khoét ruột, cắt thành từng miếng nhỏ, vuông vừa ăn, và dùng ngay vỏ dưa làm tô đựng. Với trái dưa bày trên mâm ngũ quả ngày Tết, bạn đừng quên dán thêm lên những chữ Hán (chọn nền vàng, chữ đỏ để nổi bật trên nền vỏ xanh) những chữ Phúc, Lộc, Thọ, Cát... thật ý nghĩa. Không những thế, theo phân tích của các nhà dinh dưỡng học, không có loại giải khát nào tốt hơn, tinh khiết hơn, quý hơn dưa hấu. Thứ quả ngon ngọt này không chứa bất cứ một hoạt chất gây hại nào đến cơ thể, và dường như chứa tới 100% thành phần nước giải khát hảo hạng. Vì vậy, không làm cho người mập phải đắn đo khi ""cắn miếng dưa hấu ngọt lịm"". Món quả giải khát tuyệt vời ấy còn là một vị thuốc thanh nhiệt, tiêu khát. Trong trường hợp bị sốt cao ra mồ hôi do cảm nắng, trúng nóng, việc dùng nước ép thịt quả dưa hấu làm thuốc uống sẽ giúp mau khỏi. Những người say rượu, nếu được uống nước ép thịt quả dưa hấu, hoặc ăn mấy miếng dưa là giã rượu ngay. Hầu như mọi bộ phận của quả dưa hấu (vỏ dưa, cùi dưa... ) đều có thể làm thuốc chữa bệnh. Lớp vỏ xanh, trắng của quả dưa hấu (tây qua bì) tính hàn, vị ngọt, có thể chữa các chứng cảm nắng, cảm nóng, phát sốt... Dân gian thường dùng cùi trắng (gọt sạch lớp vỏ xanh phía ngoài) ngâm nước vôi trong 5-6 giờ, vớt ra rửa kỹ bằng nước sạch, tráng lại bằng nước đun sôi để âm ấm (50-60 độ C), rồi đem thái chỉ hoặc nạo nhỏ, thêm nước đường, đổ cùi dưa vào, múc ra bát để nguội, làm món ăn giải khát, giải nhiệt rất tốt. Cũng có thể lấy toàn bộ cùi dưa hấu (không gọt bỏ vỏ xanh) đem phơi khô, những khi cần thì sắc uống để làm thuốc giải nhiệt. Cách chọn dưa hấu: Muốn chọn quả dưa đỏ và ngọt thì phải chọn quả đủ già (trừ loại ruột vàng). Trước hết, cần xem: - Cuống dưa: nhỏ, héo khô lại là dưa đã già. Cần để ý những quả dưa cuống héo do hái non nên cuống không teo lại. - Núm dưa: Tròn đều, hơi lõm xuống. - Vỏ dưa: căng tròn, láng bóng, các sọc đen phải nổi rõ. Nhấc quả dưa lên, dùng ngón tay ấn nhẹ vào vỏ, dưa tốt thì vỏ cứng. - Đít dưa: Xem phần đít của quả dưa lớn hay bé (càng bé càng tốt), đồng thời, xem nó có lõm vào hay không. Lõm càng sâu dưa càng ngọt. Đối với quả dưa hình cầu cần chú ý: nếu lõm sâu thì thường là quả đã chín già. - Phần giáp đất của quả dưa có vàng không, nếu càng vàng càng tốt. Nếu vỏ xanh và hơi vàng là dưa còn non. Ngoài ra, để tránh dưa xốp vì quả già, cần chọn quả tròn đều, nặng tương xứng kích cỡ. Sau đó, đặt hoặc ôm trái dưa trên tay, lấy tay kia vỗ nhẹ lên quả, nếu nghe tiếng kêu là trầm đục là dưa chín, không bị xốp. Vào ngày Tết, người lớn thường vừa góp vui câu chuyện vừa cắn hạt dưa lách tách . Nguồn ( Sưu Tầm ) Tre Xanh CA 13-02-2015 |
|
└(≣) TẾT NGUYÊN ĐÁN. cách đây 9 năm, 9 tháng #14978
|
Bánh tét ngày Tết ở Nam Bộ “Chim kêu ba tiếng ngoài sông Mau lo lựa nếp hết đông tết về” Bánh tét ngày Tết là món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ông bà tổ tiên hay trên bàn ăn của người dân đất phương Nam. Một đòn bánh tét tròn trịa, đầy đặn phản ánh khát vọng về một cuộc sống no đủ của người dân Nam bộ- cư dân của vùng đất mới. Lo lựa nếp để gói bánh tét trước cúng ông bà tổ tiên, kế biếu bà con lối xóm, sau cùng để ăn cho ba ngày tết. Do vậy, món bánh tét ngày Tết là loại bánh không thể thiếu được vào dịp xuân về, là nét văn hóa ẩm thực tiêu biểu của người Việt ở Nam bộ. Vì thế, một số người mới cho rằng cách gọi bánh tét có thể được đọc trại từ bánh tết mà ra. Cứ đến khoảng 27, 28 tết là mấy bà nội trợ đã lo chuẩn bị nếp. Một ngày trước khi gói bánh, nếp được đem đi ngâm và gút. Hôm sau, họ cắt mấy tàu lá chuối còn nguyên và xanh um ở mé vườn hay sau hè. Lá chuối được rọc nhỏ lại theo kích cỡ đòn bánh, rồi lau sạch và quét lên tí dầu ăn cho láng. Nếp gút lại thật kỹ, sau đó mới bày lên lá với lớp nếp đến lớp nhân. Người gói bánh tiến hành gói phần lá bên ngoài và gói ở 2 đầu bánh, rồi dùng sức buộc dây lạt thật chặt thân bánh, phần dây thừa được gọi là đuôi bánh. Cách gói phần đầu bánh có hai dạng: Gói theo kiểu hình tròn hay hình tam giác. Người gói bánh cột phần đuôi 2 hay 3,4 đòn bánh lại với nhau thành từng xâu, rồi bỏ vào nồi nước sôi trên lò than, lò củi để luộc chín. Mấy đứa nhỏ ngồi xung quanh nồi bánh tét chụm lửa. Hồi còn nhỏ, ai đã từng ngồi như thế thì chắc không thể quên được hình ảnh bập bùng của lò than với âm thanh tí tách, cái háo hức mong đợi khi bánh được vớt khỏi nồi nước luộc và cái hơi nóng tỏa ra làm ấm cả gian nhà bếp. Đó là cảm giác của ngày tết sắp về ở từng gia đình. Độ chừng 3 đến 4 tiếng, người ta vớt bánh ra khỏi nồi nước, treo thành từng xâu trên cái đòn dài của nhà bếp để bánh ráo nước và tránh sự dòm ngó của lũ mèo, chuột. Sáng 30 cúng rước ông bà, họ cắt bánh thành từng khoanh rồi đặt vào đĩa để cúng. Bánh cúng xong thì con cháu mới được ăn. Khi ăn cũng là dịp để thưởng thức sự khéo léo của người nội trợ. Bánh tét ngon là khi mở ra phần nếp không dính lá, nếp phải dẻo, mịn và trong, phần nhân phải vừa ăn (không quá mặn cũng không quá ngọt) và có mùi thơm. Muốn được như vậy phải biết kỹ thuật gói bánh. Nếp chọn là loại nếp thượng hạng, nếp rặt, không được pha với thứ khác. Còn lá chuối là loại lá còn nguyên vẹn, không được rách để tránh cho bánh bị “xì” khi nấu. Mặt khác, nếp phải được gút kỹ nhiều lần sao cho thật sạch để khi ăn bánh phần nếp mới dẻo, mịn. Kỹ lưỡng hơn nữa, khi gút người ta cho thêm muối vào cho nếp thêm sạch, dễ gút. Nước ngâm nếp phải được để trong lu vài ngày để lắng tạp chất xuống đáy. Điều này giúp bánh được giữ lâu hơn trong ba ngày tết. Khi gói bánh phải gói thật chặt, không được gói lỏng vì dễ làm hư bánh trong khi luộc. Đậu xanh ngâm kỹ, đãi vỏ thật sạch thì nhân mới ngon. Nói là bánh tét ngày tết, nhưng dân Nam bộ chia làm 2 loại: Bánh tét mặn và bánh tét ngọt. Bánh tét mặn là loại bánh tét có nhân đậu xanh với mỡ, thịt ba rọi, một số nơi còn thêm hột vịt muối. Còn bánh tét ngọt gồm bánh tét nước tro, bánh tét nhân chuối, nhân đậu xanh,…Bánh tét mặn được làm phổ biến vào dịp tết. Người ta chọn mỡ heo hay thịt ba rọi còn tươi, rửa sạch và để ráo nước. Khi gói bánh thì để thịt, mỡ trên lớp đậu xanh. Nếu gói bằng thịt ba rọi, khi cắt bánh, phần chính giữa vừa trong vừa đục, trông rất bắt mắt. Còn bánh tét nhân mỡ thì phần mỡ trong vắt mới ngon. Ở Tiền Giang, khi làm bánh tét nhân mỡ, mấy bà lấy mỡ ướp với tí đường, củ hành tím rồi phơi trong thau nhôm chừng 5 đến 6 tiếng. Mỡ ướp hành tím làm cho nhân không nặng mùi, thơm và dễ ăn, khác với ướp tỏi. Phơi mỡ trong thau nhôm để lấy nhiệt cho mỡ dễ chín, săn chắc. Mấy ngày tết, sợ ăn bánh tét mặn ngán, bà con còn gói thêm bánh tét ngọt để ăn thêm, đặc biệt ở một số gia đình ăn chay. Bánh tét ngày Tết bằng nước tro là loại bánh mà nếp được ngâm với nước tro tàu, phần nhân gồm đậu xanh xào chung dừa nạo. Bánh có mùi thơm lạ, màu hơi đen, ăn rất ngon. Gọi bánh tét chuối vì phần nhân được làm bằng chuối. Người ta chọn loại chuối xiêm chín rục làm nhân. Khi cắt bánh, phần nhân có màu đỏ thẫm, vị ngọt tự nhiên. Ở miệt Bến Tre còn có loại bánh tét không nhân. Bánh được làm toàn bằng nếp trộn chung với đậu đen hay đậu phộng và nước cốt dừa, ăn rất béo và thơm. Còn ở Tiền Giang, cũng bánh loại này, mấy bà còn cho thêm chuối xiêm chín đã bóp nhỏ vào hỗn hợp đậu, nếp, nước cốt dừa, đậu đen rồi mới gói. Khi cắt ra, bánh gồm nhiều màu, rất bắt mắt và có vị ngọt của chuối, vị bùi của đậu, vị béo của nước cốt dừa, vị dẻo của nếp. Ở Nam bộ, khi ăn, bánh tét ngày Tết thường được dùng chung với dưa kiệu, dưa muối cho đỡ ngán. Có người thích ngọt, khi ăn họ còn cho thêm đường trên mặt bánh. Người ta còn dùng bánh tét thay cơm. Họ chan nước thịt kho tàu dầm tí ớt, trộn thêm dưa giá hay dưa kiệu để ăn chung với bánh. Ăn kiểu này thì ngon và hết sẩy! Vị béo, ngọt của bánh cùng vị chua chua của dưa giá, dưa kiệu và vị mặn mặn, cay cay của nước thịt kho tàu tạo nên một hương vị khó tả và nhớ mãi. Mấy bà nội trợ ở Tiền Giang còn làm thêm món củ cải trắng ngâm với nước tương hoặc nước mắm, bỏ trong hủ sành để ăn kèm với bánh tét. Bánh tét ở Nam bộ có một số loại rất ngon, nổi tiếng, ăn thì khỏi chê, biếu rất sang như: Bánh tét Trà Cuôn (Trà Vinh), Bánh tét lá cẩm (Cần Thơ) và bánh tét Tiền Giang. Bánh tét Trà Cuôn có gốc tích từ xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh. Phần nếp bánh có màu xanh, nhân đậu xanh, trong cùng là thịt mỡ và hột vịt muối. Phần nếp có màu xanh do được làm từ nước lá chùm ngót giã nhuyễn trộn vào. Đây được cho là cách làm bánh tét của người Khmer Trà Vinh. Theo người dân Cần Thơ cho biết bánh tét lá cẩm có nguồn từ gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thủy. Dòng họ này đã làm cho bánh độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước, sau đó cho nước hòa chung với nếp. Do đó,khi cắt bên ngoài,bánh có màu tím than, phần nhân có màu vàng của đậu, màu hồng của thịt, màu trắng của mỡ và màu đỏ của trứng vịt muối, trông rất đẹp và duyên dáng. Còn bánh tét Tiền Giang có nhân thịt ba rọi, tôm khô và hột vịt. Do nếp được ngâm nước lá dứa, nên khi ăn bánh có mùi thơm nhẹ. Mặt khác, trứng hột vịt muối- nguyên liệu chế biến thức ăn phổ biến của người Hoa có mặt trong nhân bánh tét hay sự tiếp thu từ cách làm bánh của người Khmer (bánh tét Trà Cuôn) đã phản ánh rõ nét sự giao lưu văn hóa ở vùng đất Nam bộ. Sự khác biệt trong cách làm bánh tét ở một số địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Cần Thơ thể hiện được tính thống nhất mà đa dạng của văn hóa ẩm thực. Phải chăng đó chính là những nét nghĩa văn hóa của đòn bánh tét ngày tết ở vùng đất phương Nam ấm áp và yên bình? Theo vanhocngonngu Tre Xanh CA 15-2-2015 |
|
└(≣) TẾT NGUYÊN ĐÁN. cách đây 9 năm, 9 tháng #15027
|
Lễ Trừ Tịch hay lễ Giao Thừa
Lẽ trời đất có thủy khởi phải có tận cùng, một năm đã bắt đầu ắt phải có hết, bắt đầu từ lúc giao thừa, cũng lại hết vào lúc giao thừa. Theo Hán Việt Từ Ðiển của Ðào Duy Anh nghĩa là cũ giao lại, mới tiếp lấy. Chính vì ý nghĩa ấy, nên hàng năm vào lúc giao tiếp giữa hai năm cũ mới này, có lễ Trừ Tịch. Ý nghĩa của lễ này là đem bỏ đi hết những điều xấu dở cũ kỹ của năm cũ sắp qua để đón những cái mới mẻ tốt đẹp của năm mới sắp tới. Lễ Trừ Tịch theo người Tàu còn là một lễ khu trừ ma quỷ. Tục Tàu xưa vào ngày trừ Tịch, tức là ngày 30 Tết có dùng 120 trẻ con trạc chín mười tuổi, mặc áo thâm, đội mũ đỏ, cầm trống vừa đi đường vừa đánh để trừ khử ma quỷ, do đó có danh từ Trừ Tịch. Lễ Trừ Tịch cử hành vào lúc giao thừa nên lễ này còn mang tên là lễ Giao Thừa. Xưa kia người ta cúng giao thừa ở đình, ông Tiên chỉ hoặc thủ từ đứng làm chủ lễ, nhưng người ta cũng cúng giao thừa ở thôn xóm nữa. Lễ giao thừa ở thôn xóm được tổ chức hoặc tại các văn chỉ nếu văn chỉ làng xây tại xóm, nếu không thì cũng tổ chức ngay ở điểm canh đầu xóm. Ở đây vị được cử ra làm chủ lễ là vị niên trưởng hoặc vị chức sắc cao nhất trong thôn xóm. Một chiếc hương án được kê ra, trên hương án có đỉnh trầm hương hoặc bình hương thắp tỏa khói nghi ngút. Hai bên đỉnh trầm hương có hai ngọn đèn dầu hoặc hai ngọn nến. Lễ vật gồm chiếc thủ lợn hoặc con gà, bánh chưng, mứt kẹo, trầu cau, hoa quả, rượu nước và vàng mã, đôi khi có thêm cỗ mũ của Ðại Vương hành khiển. Lễ quý hồ thành bất quý hồ đa, nhưng dù nhiều dù ít, lễ vật bao giờ cũng phải gồm có vàng hương, vàng lá hay vàng thoi tùy tục địa phương và nhất là không quên được rượu, vì vô tửu bất thành lễ. Ðến giờ phút này, chuông trống vang lên, ông chủ tế ra khấn lễ, rồi dân chúng kế đó lễ theo, với tất cả sự tin tưởng ở vị tân vương hành khiển, cầu xin ngài phù hộ độ trì cho được một năm may mắn, bao nhiêu sự không may năm trước sẽ qua hết. Tại đình làng, cùng với lễ cúng ngoài trời còn lễ thành hoàng hoặc vị phúc thần tại vị nữa. Các chùa chiền cũng có cúng lễ giao thừa, nhưng lễ vật và đồ chay, đồng thời với lễ giao thừa nhà chùa còn cúng Phật, tụng kinh và cúng Ðức Ông tại chùa. Ở các tư gia, các gia trưởng thường lập bàn thờ ở giữa sân, hoặc ở trước cửa nhà, trường hợp những người ở thành phố không có sân, cũng một chiếc hương án, hoặc một chiếc bàn kê ra với lễ vật như trên. Và ở các tư gia, tuy người ta vẫn cúng lễ giao thừa với sự thành kính như xưa, nhưng bàn thờ thì thật là giản tiện. Có khi chỉ là chiếc bàn con với mâm lễ vật, có khi lễ vật được đặt trên một chiếc ghế đẩu. Hương thắp lên được cắm vào một chiếc ly đầy gạo hoặc vào một chiếc lọ nhỏ để giữ chân hương. Có nhiều gia đình hương thắp đặt ngay trên mâm lễ, hoặc cấm vào các khe nải chuối dùng làm đồ lễ. Cúng giao thừa ở ngoài trời Ngày xưa quan niệm rằng mỗi năm Thiên đình lại thay toàn bộ quan quân trông nom công việc dưới hạ giới, đứng đầu là một người có trí như quan toàn quyền. Năm nào quan toàn quyền giỏi giang anh minh, liêm khiết thì hạ giới được nhờ như: Ðược mùa, ít thiên tai, không có chiến tranh, bệnh tật…Trái lại, gặp phải ông lười biếng kém cỏi, tham lam…thì hạ giới chịu mọi thứ khổ. Và các cụ hình dung phút giao thừa là lúc bàn giao, các quan quân quản hạ giới hết hạn kéo về trời và quan quân mới được cử thì ào ạt kéo xuống hạ giới tiếp quản thiên hạ. Các cụ cũng hình dung phút ấy ngang trời quân đi, quân về đây không trung tấp nập, vội vã, thậm chí có quan, quân còn chưa kịp ăn uống gì. Những phút ấy, các gia đình đưa xôi gà, bánh trái, hoa quả, toàn đồ ăn nguội ra ngoài trời cúng, với lòng thành tiễn đưa người nhà trời đã cai quản mình năm cũ và Ðón người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ cai quản hạ giới năm tới. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên các vị không thể vào trong nhà khề khà mâm bát mà chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà. Vì cứ tưởng tượng thêm thắt các hình ảnh nhà trời theo mình như vậy nên nhiều nhà có của đua nhau cúng giao thừa rất to và nghĩ cách làm mâm cúng giao thừa nổi lên bởi những của ngon vật lạ, trang trí cầu kỳ để các quan chú ý, quan tâm đến chủ hảo tâm mà phủ hộ cho họ với những ưu ái đặc biệt. Trong Ðêm Giao Thừa, sau khi làm lễ giao thừa xong, có những tục lễ riêng mà cho tới ngày nay từ thôn quê đến thành thị vẫn còn nhiều người theo giữ. Lễ chùa, đình, đền Lễ giao thừa ở nhà xong, người ta kéo nhau đi lễ các đình, chùa, miếu, điện để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Và nhân dịp người ta thường xin quẻ đầu năm Sưu Tầm Tre Xanh CA 17-2-2015 |
|
└(≣) TẾT NGUYÊN ĐÁN. cách đây 9 năm, 9 tháng #15028
|
Tục xông đất ngày Tết
Theo quan niệm của người châu Á, buổi sáng mồng Một đầu năm hết sức quan trọng. Người nào cũng giữ gìn từ lời ăn tiếng nói cho đến việc đi đứng, thăm hỏi lẫn nhau. Họ mong mỏi buổi sáng đầu năm có người ăn ở hiền lành, làm ăn phát đạt, tính tình vui vẻ bước chân vào nhà trước nhất. Đó là tục xông nhà, xông đất. Người Việt Nam ta thường có tục lệ sau giao thừa là mở cửa chọn hướng xuất hành. Tùy theo tuổi tác mà chọn đi các hướng đông-tây-nam hay bắc. Có người kỹ tính còn phải chọn bước chân phải hay chân trái trước, tiếp đến là hái lộc đầu năm và xông đất. Theo quan niệm dân gian, người xông đất có ảnh hưởng quan trọng đến hậu vận của cả nhà trong năm mới. Người ta có thể nhìn người khách đầu năm này mà đoán công việc làm ăn, sự rủi may trong cuộc sống của gia đình. Người ta quan niệm xông đất là để đón nhận may mắn. Thường những người đến xông đất phải là ngẫu nhiên không được gia chủ dạm trước thì mới linh. Song cũng không ít người cứ đến dịp cuối năm lại có ý tìm chọn trong họ hàng hay láng giềng những người tốt tính và làm ăn phát tài, có cuộc sống suôn sẻ để “xông đất” nhà mình, tức là người khách đến nhà đầu tiên trong năm mới. Người ta muốn người đến xông đất nhà mình là người mau mắn, hợp tuổi với gia chủ, thành đạt về công danh hay trong làm ăn để mang tài lộc đến. Thời gian xông đất tốt nhất là ngay sau giao thừa hoặc buổi sáng mồng Một Tết. Người đi xông đất thường ăn mặc đẹp, mang theo một chút quà Tết kèm những lời cầu chúc tốt đẹp dành cho gia chủ. Quà ở đây không nhất thiết là quý giá, nhiều hay ít, mà chỉ mang tính tượng trưng, phụ thuộc vào mức độ quen biết gia chủ thân hay sơ. Những người gia cảnh khó khăn, đạo đức không tốt hay gia đình đang có chuyện buồn thì phải kiêng cữ trong những ngày Tết, đặc biệt là không nên đi xông đất nhà người ta. Người đến xông đất thường chỉ đến thăm, chúc Tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt. Người đi xông đất xong có niềm vui vì đã làm được việc phước. Người được xông đất cũng sung sướng vì tin tưởng gia đạo mình sẽ may mắn trong suốt năm tới. Thời xưa chỉ có hai cách chọn người tốt vía xông đất ngày đầu năm. Kẻ làm quan, người có học chọn người xông đất có tuổi hợp tuổi với chủ nhà. Người xông đất phải là đàn ông trụ cột trong gia đình. Đối với người dân lao động thì đơn giản hơn nhiều. Người được chọn xông đất phải khỏe mạnh, tốt tính và gia cảnh khấm khá, hòa thuận… Theo PGS.TS Lê Trường Phát - Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian: Xông nhà ngày Tết là một việc hết sức trọng đại. Vì thế, hầu như nhà nào cũng kiêng kị rất cẩn thận. Người ta thường chọn những người gia cảnh song toàn, làm ăn thịnh vượng. Vì thế mới có lệ "hẹn trước," mời đến xông nhà, tránh người "nặng vía" đến xông nhà. Tối kị nhất là những trường hợp bị xin lửa, xin nước dịp đầu năm mới. Hiểu về tục xông đất ngày Tết như hiểu những điều đã thuộc về văn hóa chứ không phải là mê tín. Việc tin mất lửa có mất lộc hay không không quan trọng bằng tránh cho người khác những điều không vui trong đầu năm mới. Những người trong năm có chuyện buồn và thiếu may mắn trong đời sống không nên đi xông đất hay đến nhà ai trong những ngày Tết./. Sưu Tầm Tre Xanh CA 17-02-2015 |
|
└(≣) TẾT NGUYÊN ĐÁN. cách đây 9 năm, 9 tháng #15029
|
Phong Tục Hái Lộc Đầu Xuân
Chuyện xưa kể rằng, nhân một ngày đầu xuân, khi các con đã khôn lớn, Vua Hùng bèn cho vời các Lạc Hầu, Lạc Tướng, thần dân và các con đến truyền dạy rằng: - Nay các con đã khôn lớn, ta muốn các con đi dạy dân làm ăn và trấn cứ các nơi. Nghe cha phán truyền, các con đều bịn rịn không muốn chia tay mà muốn ở lại cùng cha mẹ, các Lạc Hầu, Lạc Tướng, dân làng chưa biết tấu trình với Vua thế nào thì Hoàng hậu thưa: - Các con đều luyến mẹ, thương cha không muốn đi xa, tôi nghĩ rằng Nhà vua nên làm lễ tế trời đất rồi dung cách hái lộc chia cho các con… các con ai nhận được cành lộc đi phương nào thì phương ấy mà đi. Nghe phải, Vua lệnh truyền cho các Lạc Hầu, Lạc Tướng và các con về nhà nghỉ. Rồi chọn ngày lành tháng tốt, Vua làm Lễ tế Trời – Đất trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh cầu trời đất phù hộ cho mưa thuận gió hòa, muôn dân no ấm. Chờ lúc sang canh Vua cùng Hoàng hậu vào rừng hái lộc đầu xuân. Sáng sớm, khi mặt trời xuất hiện đằng Đông, Vua vời các con chia cho mỗi người một cành lộc và dạy rằng: Non ở nhà, già đi ấp Chẵn lên non, còn xuống biển Các con hãy mang cành lộc này đi trấn giữ các phương răn dạy dân làm ăn trên đường đi nếu gặp điều gì không may, các con hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy không hại được các con. Y lệnh Vua, các con quỳ lạy cha mẹ nhận cành lộc chia nhau đi trấn giữ các miền, Vua cả mừng truyền cho dân làng mở hội để tiễn các con lên đường. Trải qua mấy nghìn năm, nét đẹp này còn lưu truyền mãi mãi, tục xin lộc đầu xuân cầu may trong dân gian nhất là khu vực thuộc Kinh đô Văn Lang xưa. Cùng với nhiều phong tục khác, xin lộc đầu xuân đã quen thuộc và trở thành nét văn hóa Tết trong đời sống của người Việt Nam. Bởi theo quan niệm cổ truyền, vào thời khắc giao thừa hoặc sớm mồng 1 Tết, xin một cành lộc nhỏ nơi đền, chùa, miếu... sẽ được Thần, Phật ban cho tài lộc, may mắn suốt năm. Cành lộc ấy chỉ cần rất nhỏ của các loại cây có sức sống mạnh mẽ như xanh, si, sung, đa... Cành lộc được nâng niu, không được cho ai, vì như vậy sẽ "mất lộc". Sau khi xin được lộc về, cành lộc được treo ở hiên nhà, trước gian giữa hoặc cửa ra vào để trừ ma quỷ và để báo cho mọi người biết : đã có người xuất trình "xin" lộc đất trời. Tuy nhiên, hiện nay ở một số nơi người ta lợi dụng tục này để bẻ cành, hái bất cứ loại cành, búp hoa nào có thể, cho dù đó là hoa, cây cảnh trong đền chùa hoặc những nơi cần giữ gìn cảnh quan. Tục xin lộc đầu xuân bỗng trở nên phản cảm, đang dần bị biến dạng, nhạt phai ý nghĩa. Tại Di tích lịch sử chùa Keo Hành Thiện, một số bạn trẻ đi cầu may đầu xuân thường đu cây, bẻ cành để ngắt búp cây, chồi non, thậm chí bẻ những cành cây to, ảnh hưởng đến cảnh quan khu di tích. Cho nên, sáng mồng một Tết, nhìn những hàng cây xơ xác ven đường, ven hồ, trong chùa, trên mặt sân, mặt đường ngổn ngang cành lá thật đau lòng. Như vậy, tục xin lộc đầu xuân đã bị lạm dụng và hiểu nhầm ý nghĩa tượng trưng của nó, gây ra sự phá hoại môi sinh, cảnh quan nghiêm trọng. Tục xưa là chân thành "xin lộc" chứ không phũ phàng cướp phá. Nhưng hiểu cho đến chỗ tinh diệu của tục xin lộc thì thấy : "Muốn hái lộc thì phải gieo mầm, làm nhiều điều tốt lành là gieo phúc thì lộc sẽ ào ạt về nhà chứ đâu phải mấy chồi cây rồi tranh nhau cướp phá làm đau cây, đau đời". Lâu nay đã có sáng kiến dùng mía tím cả cây có ngọn thay lộc, đã thay thế một phần tệ bẻ lộc, hại cây đầu xuân nhưng một số người vẫn trèo cây bẻ lộc như một thú chơi nghịch ngợm. Mang một cây mía tím có ngọn, vừa mang được chồi lộc vừa mang vị ngọt về nhà cho sinh sôi nẩy nở và đậm đà cả năm, vừa giữ gìn được cảnh quan chung, cũng là gìn giữ một phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của làng ta. nguồn internet Tre Xanh CA 17-02-2015 |
|
└(≣) TẾT NGUYÊN ĐÁN. cách đây 9 năm, 9 tháng #15030
|
Ý NGHĨA CỦA NGÀY TẾT
Người Việt ăn mừng TẾT với niềm tin thiêng liêng TẾT là ngày đoàn tụ, là ngày làm mới, là ngày tạ ơn và là ngày của hy vọng. Ngày Đoàn Tụ - TẾT luôn luôn là ngày đoàn tụ của mọi gia đình. Dù ai buôn bán, làm việc hay đi học ở xa, họ thường cố gắng để dành tiền và thời giờ để về ăn TẾT với gia đình. Đó là nỗi mong mỏi của tất cả mọi người, người đi xa cũng như người ở nhà đều mong dịp TẾT gặp mặt và quây quần cùng gia đình. TẾT cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình theo Phật giáo đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên đã qua đời về ăn cơm vui TẾT với các con các cháu. Ngày TẾT người ta cũng hay thực hiện những nghi lễ, để dâng hương lên các vị thần theo huyền thoại là người ban phước cho gia đình chúng ta được nhiều sức khỏe, nhiều tiền tài, nhiều may mắn và an vui hạnh phúc trong năm vừa qua. Ngày Làm Mới - TẾT là ngày đầu tiên trong năm mới, mọi người có cơ hội ngồi ôn lại việc cũ và làm mới mọi việc. Việc làm mới có thể về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Hoặc làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần của con người, để mối liên hệ với người thân được cảm thông hơn hoặc để tinh thần mình thoải mái, tươi mát hơn. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi phủi bụi. Người lớn cũng như trẻ con đều tắm rửa gội đầu sạch sẽ, mặc quần áo mới may bảnh bao. Bao nhiêu mối nợ nần đều được thanh toán trước khi bước qua năm mới để xả xui hay để tạo một sự tín nhiệm nơi người chủ nợ. Với mỗi người, những buồn phiền, cãi vã được dẹp qua một bên. Tối thiểu ba ngày TẾT, mọi người cười hòa với nhau, nói năng từ tốn, lịch sự để mong suốt năm sắp tới mối liên hệ được tốt đẹp. Người mình tin rằng những ngày TẾT vui vẻ đầu năm sẽ báo hiệu một năm mới tốt đẹp sắp tới. TẾT là sinh nhật của tất cả mọi người, ai cũng thêm một tuổi vì thế câu nói mở miệng khi gặp nhau là mừng nhau thêm một tuổi. Người lớn có tục mừng tuổi cho trẻ nhỏ và các cụ già để chúc các cháu hay ăn chóng lớn và ngoan ngoãn, học giỏi; còn các cụ thì sống lâu và mạnh khoẻ để con cháu được nhờ phúc. Ngày của lạc quan và hy vọng - Năm cũ đã qua mang theo mọi xui xẻo và năm tới sắp đến mang theo đầy niềm tin lạc quan. Nếu năm cũ khá may mắn, thì tin sự may mắn sẽ kéo dài qua năm sau. Ngày TẾT người ta đốt pháo nhiều để xua đuổi ma xui xẻo đi và đồng thời người ta múa rồng múa lân sư tử khắp mọi nơi, nhất là những cửa hàng buôn bán để rước may mắn thịnh vượng về. Mùa TẾT cũng là mùa cưới hỏi. Các cặp trai gái thích làm đám cưới vào dịp đầu năm, mùa xuân đất trời đang đẹp và đang mùa hy vọng. Họ hy vọng cho một cuộc đời mới vợ chồng sống hạnh phúc bên nhau và sẽ có đàn con ngoan. Ngày Tạ Ơn - Người Việt chọn ngày TẾT làm cơ hội để tạ ơn ân nghĩa mình đã được hưởng năm vừa qua. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, nhân viên tạ ơn cấp chỉ huy. Ngược lại, cấp chủ nhân cũng cám ơn nhân viên qua những buổi tiệc đãi hoặc quà thưởng để ăn tết. Tre Xanh CA 17-02-2015 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.13 giây