Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) GIỚI THIỆU XEM BÁO cách đây 8 năm #19401
|
....
Tôi lên Net tìm khách sạn cho ngày hôm sau ở Yellowstone. Công viên này trải dài trên 3 tiểu bang: Wyoming, Montana và Idaho. Vì là mùa hè nên khách sạn ở Jackson Hole gần Yellowstone giá rất cao, cái rẻ nhất cũng hơn 200 một đêm, tôi đành mướn resort cách đó 30 miles. Chúng tôi thật may mắn là đã mướn chỗ này, vì tới đây mới thấy ở đây đồ ăn ngon và cảnh quá đẹp, nó làm cho chúng tôi có cảm tưởng mình là triệu phú, vì cả đời tôi chưa bao giờ được hưởng những sự ưu đãi như vậy. Sáng hôm sau chúng tôi dậy sớm và khởi hành đi Yellowstone, mọi người có vẻ hớn hở vì tôi đã từng nghe và đọc về cảnh đẹp ở đây. Có tới hai cái National park ở bên nhau đó là Grand Teton và Yellowstone, nên tôi từ cổng hướng nam bắt đầu từ Grand Teton đi về hướng bắc để tới Yellowstone. Hầu hết du khách tới đây là phải tới Old Faithfull để coi nước phun từ lòng đất. Có tới vài ngàn người đang ngồi chờ để nước phun lên. Vì thời giờ có hạn nên tôi không dừng lại nhiều để ngó trời ngó đất vì trong ngày hôm nay, tôi phải chạy tới Sheridan để hôm sau đi Mount Rushmore cho nó gần hơn. Tính đi sớm nhưng mãi 9 giờ bầu đoàn thê tử mới ra khỏi khách sạn. Trước khi tới Mount Rushmore (S. Dakota), chúng tôi ghé qua Devil tower (Wyoming). Theo truyền thuyết của người dân da đỏ: Một đứa bé đi chơi bị con gấu đuổi, nó trèo lên một mô đất, con gấu đuổi tới gần lắm rồi, nó sợ quá và cầu xin, thế là mô đất tự động đùn lên cao để cho con gấu không bắt được em. Nhìn từ xa chúng ta thấy quả núi cao 650ft, giống hệt móng chân con gấu cào từ trên xuống dưới. Cảnh trí nơi đây thật đẹp, đi quanh một vòng cái Tower này cũng mất khoảng một tiếng. Sau đó chúng tôi tới Mount Rushmore, nơi đây du khách thật đông, người ta đi tấp nập như chợ tết, nhìn cảnh núi rừng và công lao của những người đã dùng chất nổ và jack hammer để làm thành những đầu ông tổng thống thật là môt công trình vĩ đại, theo tôi nghĩ nếu có ai tới đó nên xuống lầu giưới để coi film để biết tại sao người ta làm và làm bằng cách nào, cũng nơi đây người ta bắn pháo bông vào lúc 9 giờ tối, ở đây khách du lịch đầu đen hầu hết là mấy anh "nước lạ" nói tiếng Tàu rất ồn ào, hồi trước đầu đen là Việt Nam nhưng bây giờ thì khác hẳn. Lịch sử về người Da đỏ có ghi lại rằng, chiến tranh giữa thổ dân và chính phủ Mỹ đã xẩy ra rất khốc liệt ở vùng Montana, Wyoming và South Dakota. Nếu chúng ta đi trên xa lộ 90 sẽ thấy những địa danh này. Để tưởng nhớ những vị tù trưởng đó, ông Korczak Ziokowski là thành viên xây dựng Mount Rushmore đã lập chương trình xẻ núi, để làm thành bức tượng một vị tù trưởng cỡi ngựa, đó là Crazy Horse Monument, đã bắt khởi công cách nay 64 năm rồi nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hy vọng họ sẽ hoàn tất trước khi tôi chết. Gia đình tôi rất thích cảnh vật ở đây, còn mấy đứa nhóc tuy chưa bao giờ nghe tới những địa danh này, thế mà bây giờ chúng nó lại thích thú lắm. Về khách sạn nghỉ thì cha chả là cha chả, có cả Water Park ở bên trong, thế là mấy đứa con rủ bố mẹ đi tắm hết. Tôi ra đó được một tiếng thì phờ râu trê, đành xin đầu hàng để về nghỉ ngơi vì quá mệt. Hôm sau theo chương trình là chúng tôi sẽ đi Bad Land trước khi trở về nhà. Ăn sáng xong bà xã tôi bất ngờ ra lệnh: "Đi về nhà không đi đâu nữa, mệt lắm rồi"! Tôi tức muốn chết, vì nghe nói cảnh ở đây rất đẹp, bây giờ mình đã tới đây mà không đi thì có uổng không. Tôi bèn năn nỉ, cũng cắn móng tay, cũng với giọng run run truyền cảm...may thay, bà ấy hỏi nơi đó có trên đường về nhà không. Tuy không biết chắc, nhưng tôi cũng đủ thông minh mà đáp chắc nịch: Thì trên đường về chứ còn gì nữa. Hai bên đường chẳng thấy gì đẹp đẽ, tôi đâm ra lo sợ vì nếu nó như thế này thì tôi sẽ bị bà xã chì chiết là không nghe lời bà, bất tuân thượng lệnh, nhưng cũng may khi tới cổng thì cảnh vật hiện ra thật đẹp, tôi có cảm tưởng đang ở vùng Trung đông với cảnh núi đồi trùng điệp, kéo dài tới 35 miles. Du khách nếu muốn dừng lại thì dừng, còn không thì cứ ngồi trên xe chạy một vòng coi cảnh vật. Ra khỏi vùng Bad Land chúng tôi trực chỉ về nhà....(còn nữa) |
|
└(≣) GIỚI THIỆU XEM BÁO cách đây 8 năm #19471
|
...
Tôi đã học được một kinh nghiệm: nếu nhìn kiếng chiếu hậu mà thấy bà ấy đẹp thì có thể kêu đổi tài xế, còn không thì cứ việc cắm đầu mà chạy. Hôm nay sau khi coi cảnh xong, tự nhiên bà ấy bảo để em lái cho, tôi mừng quá vội đổi chỗ. Thông thường khi đi xa mình nên đi interstate highway, nhưng bây giờ đi đâu cũng phải nhờ GPS, nó chỉ đi state highway nên tôi cũng phải theo, bà xã lái xe nên tôi có cơ hội ngồi đàng sau để thưởng thức cảnh đồng quê. Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê mùa tay lấm chân bùn, nên nhìn cảnh vật như thế này làm tôi nhớ lại tất cả những hình ảnh của người thân; nhớ đến những người đã giúp mình; những người tôi đã làm tổn thương mà chưa có cơ hội để xin lỗi hay cám ơn. Tôi nhớ tới họ mặc dù họ không còn nhớ tôi vì tôi chẳng có gì đặc biệt để người ta nhớ tới. Xin cám ơn Thượng đế đã cho tôi những gì đang có, vì một thằng khờ khạo như tôi mà nay cũng có vợ có con như người ta, chắc có lẽ nó nhờ vợ chỉ bảo nên bây giờ cũng khá hơn hồi trước nhiều rồi. Bà con tôi thường bảo, lúc tôi sinh ra ốm yếu lắm, nhờ bố mẹ tôi đã không quản ngại lo kiếm thầy kiếm thuốc nên tôi mới sống. Họ nói thuốc cho tôi uống chất cao hơn đầu người và còn kể là bánh trái tôi không ăn chỉ bóp ra nghịch. Tôi không thể nào có thể trả ơn cho bố mẹ tôi được, tôi chỉ có cách là xin ơn trên ban cho bố mẹ tôi được khỏe mạnh, để sống với con cháu đó là điều tôi hàng cầu xin. Bố mẹ tôi đã giúp tôi tự tin mặc dù mấy đứa bạn đặt cho tôi cái tên là “thằng xe điếu” đúng với hình dáng ốm nhách, chân tay gọng ghẹo ngày xưa, mà bây giờ lại phốp pháp, sổ sữa, nặng đến gần 100 ký lô. Tôi cứ miên man suy nghĩ ở đời không ai học được chữ ngờ, tôi đâu ngờ chuyến đi này mới biết South Dakota lại là chỗ tôi thích nhất, sau đó tới Santa Fe của New Mexico. Tôi cũng đâu có ngờ năm nay đi lại vui hơn năm trước. Nghỉ được mấy tiếng rồi tôi cũng phải dậy để lái xe thay bà ấy. Tôi hát nghêu ngao những bản nhạc đồng quê mà tôi ưa thích. Về tới nhà đúng 12 giờ đêm, tôi nhìn đồng hồ miles và giấy mướn xe bà xã đưa cho thì đúng 5000 miles. Tôi khệnh khạng đi vào nhà tắm, bỗng bà xã kêu lại và bảo: “Ông nhớ book hotel để đi Branson cho sớm, đừng có book trễ như lần này nữa.” Tôi ngẩng mặt lên trời mà than một cách khoái trá rằng: “Chị Toàn ơi! Chuyến này chắc em phải đi ăn mày để trả bill cho tháng tới”. Nguyễn Cao Thăng 78-81 |
|
└(≣) GIỚI THIỆU XEM BÁO cách đây 7 năm, 12 tháng #19498
|
CHUYỆN NGOÀI ƯỚC MƠ
Lúc tôi còn nhỏ, con nít ở quê chẳng có gì chơi ngoại trừ chơi khăng, chơi dây thun hay đi lang thang từ nhà này tới nhà kia để nghịch phá cây trái, đánh lộn đánh lạo, mà tôi lại thuộc thành phần ốm yếu nên chẳng dám gây chiến với ai cả. Bố tôi thường nói "một sự nhịn bằng chín sự lành", cho nên tôi trở thành ít nói và có rất ít bạn bè; còn bạn gái thì chẳng có ai. Với hình dáng hom hem của tôi thì mấy cô không dám để tôi đến gần, ngộ nhỡ tôi bắt chuyện làm quen, đem lòng yêu thương một chiều thì rách việc, cho nên tôi thường lân la nói chuyện với mấy bà già. Ở gần nhà tôi toàn là những bà già, có một bà mà người con đi lính lái máy bay trực thăng và được đi du học bên Mỹ. Khi anh về mang theo mấy cái máy bay nhỏ chạy bằng pin; cái cần câu và cuộn dây cước mua ở Mỹ. Trước đây anh ở Sài Gòn học trung học rồi đi lính nên tôi chẳng mấy khi thấy anh. Qua nhà chơi, tôi được mẹ anh cho coi máy bay chạy bằng pin thích lắm, lòng ao ước một ngày nào đó sẽ được ngồi trên máy bay. Tôi nghĩ rằng đi lính là cơ hội duy nhất để tôi hoàn thành ước ao đó. Mỗi lần về phép anh thích đi bắn chim hay câu cá, bọn con nít chúng tôi thường kéo theo sau một đàn giống như đi rước, để được coi cần câu và cái dàn thung bắn chim anh đưa từ Mỹ về, đồng thời tôi cũng thích ngắm cái đùi trắng như con gái của anh. Một hôm anh sang sau vườn nhà tôi bắn được con chim bói cá màu xanh rất đẹp, anh không mang về mà cho tôi chứ không cho cháu hay những đứa khác, tôi vui mừng khôn tả. Rồi vận nước suy vi, anh cùng chung số phận đau xót với những người lính thất trận miền Nam. Sau khi đi cải tạo về với hai bàn tay trắng, bây giờ anh khác hẳn với ngày xưa, chân tay đen thui, mốc meo như da người Miên. Khi anh lập gia đình, vợ anh người ở thành phố về nên chị chẳng quen biết ai và không biết làm ruộng. Thời đó có cái xe đạp riêng là oai lắm rồi, đi đâu tôi chạy cái vèo còn anh đi lô-ca-chân. Nhiều người có xe đạp mà không có vỏ nên xe cũng phải bỏ xó. Anh cách tôi một con giáp nên cũng chẳng có gì để nói với nhau, cộng thêm phần tôi là học sinh còn anh bị gọi là quản chế. Ở quê tôi sau năm 75 hầu hết học sinh bỏ học vì chán nản, cái gì vô trường học toàn là nhai lại những bài như rơm khô, không một chút thực dụng để làm cho học sinh hứng khởi. Thầy cô giáo cũ được lưu dụng không tin những lời mình đang giảng thì làm thế nào, nói cách gì để cho học sinh tin? Ngoại trừ những giáo viên mới chuyển từ miền bắc vào thì nói như đọc bài học thuộc lòng. Thế nên bạn bè tôi vỏn vẹn còn có ba bốn mống ráng đèo bòng chữ nghiã ở Trung Học, mà không thấy trước mặt cái tương lai tròn méo thế nào. Tôi rất thích người huynh trưởng đó nhưng chẳng bao giờ có dịp nói chuyện, vì từ ngày trở về từ trại lao cải anh sống âm thầm như một cái bóng mờ. Chắc có lẽ chị biết được khả năng làm ruộng của mình không có, thay vì nhổ cỏ lại nhổ lúa vì cỏ lùng vực với cây lúa rất giống nhau, chỉ có nông dân chính hiệu mới phân biệt được, nên xin đi học giáo viên. Mỗi sáng tôi và chị đều cắp sách đi học mãi trên trường Huyện cách nhà 12 cây số. Tôi thì học chữ còn chị thì học giáo, nhưng tôi và chị đều có nghề tay trái là buôn lậu. Nói của đáng tội, chị thì mỗi ngày mang theo một táo gạo đi bán kiếm tiền phụ với gia đình, còn tôi thì mang mấy chai thuốc trừ sâu đi bán kiếm lời. Chúng tôi chưa bao giờ bị bắt, bởi vì chị trông hiền lành còn tôi tướng ngố quá, đâu có ai nghĩ hai người đi học kiêm buôn lậu.(còn nữa). |
|
└(≣) GIỚI THIỆU XEM BÁO cách đây 7 năm, 11 tháng #19558
|
Thời thế đưa đẩy tôi và anh đi vượt biên chung một chuyến tàu, bắt đầu bằng chiếc ghe tam bản tại nhà tôi. Vì tôi ốm yếu nên không phải chèo thuyền, tôi và chị ngồi coi đứa con chưa đầy một tuổi của anh chị sợ nó rớt xuống sông, còn việc chèo chống do anh và thằng em họ phụ trách.
Khi ra tới tầu lớn và ra khơi, anh trở thành người quan trọng của con tàu "không số 39 người", vì tài công chính bị say sóng nằm sõng sượt một đống để anh bây giờ là thuyền trưởng quyết định mọi việc. Tàu bị hải tặc kéo vào đảo Koh Kra, sau mấy ngày được cao ủy Tị Nạn cứu vớt và đưa về trại Songkhla miền nam Thái Lan. Nơi đây chúng tôi đã dùng 50 dollars của bạn anh gửi cho và một chỉ vàng tôi mang theo để sang lại một tiệm phở. Cũng nhờ tiệm phở này mà chúng tôi sống tương đối thoải mái dù có vất vả: anh chị đứng trong bếp, em họ tôi chạy bàn, còn tôi thì rửa chén đũa. Nhiều ngày khách đông rửa chén cũng bá thở luôn, nhất là rửa mỡ bò với nước lạnh. Sau khi bán xong chúng tôi còn được gặm xíu quách. Qua Mỹ rồi có lần một đứa em họ khác là chủ quán cà phê kế bên, thành thật khai báo là mỗi tối sau khi hầm xương xong, chúng tôi về ngủ là mấy đứa nó múc xương ra gặm, gặm xong bỏ vô nồi súp lại. Ấy thế mà sáng hôm sau chúng tôi gặm tiếp chẳng nghi ngờ gì, mà vẫn cứ ngon. Anh là lính nên được phái đoàn Mỹ nhận ngay và được đưa sang trại chuyển tiếp Galang- Indonesia; tôi chẳng có liên quan tới lính tráng nên bắt đầu từ đợt tôi, phái đoàn Mỹ từ chối tất cả những người không có liên quan tới lính và không có thân nhân ruột thịt ở Mỹ, tất cả phải có một nước nào đó từ chối thì phái đoàn Mỹ mới nhận. Tôi tưởng rằng sẽ không còn cơ hội gặp anh chị nữa. Ngày chia tay lúc gia đình anh leo lên xe buýt tôi đã cám ơn anh chị giúp đỡ tôi trong thời gian ở trại, anh chị đã coi tôi như một đứa em. Mãi mấy tháng sau tôi bị phái đoàn Úc từ chối rồi được Mỹ nhận, tôi lại khăn gói xuống tàu sang Galang. Lại một lần nữa tôi mừng khi gặp anh chị. Tôi tới trại này mới vài tuần thì anh chị được đi định cư. Anh cho biết là đi "sponsor chùa" và về một thành phố nhỏ tiểu bang Kansas. Rồi tôi cũng được một người cùng quê bảo lãnh về Kansas, nhưng hai thành phố khác nhau, như vậy tôi có hy vọng sẽ gặp lại anh chị.(còn nữa) |
|
└(≣) GIỚI THIỆU XEM BÁO cách đây 7 năm, 10 tháng #19701
|
....
Tôi tới Mỹ lúc kinh tế đi xuống, thành phố Wichita tôi định cư có kỹ nghệ chính là sản xuất máy bay, mà mỗi lần layoff cả mấy ngàn người, nên rất nhiều người ở Wichita xuống thành phố Garden city nơi anh ở để tìm việc. Thành phố này nhỏ (đi dăm phút đã về chốn cũ) có tới mấy hãng bò, đi đâu cũng thấy bò, ngửi chỗ nào cũng hơi phân bò... thế mà cả hai anh chị không ai làm hãng bò cả. Những người quen biết đều khuyên anh chị nên về Cali sống, nơi người ta gọi là cái rốn văn minh của vũ trụ, nhưng không hiểu tại sao anh chị cứ ở đó dần dần tiến thân. Chị vừa đi rửa chén, lo cho bốn đứa con học hành rồi chính bản thân cũng đi học, suốt năm tháng không nghỉ ngơi ngày nào. Chị vẫn ước mong theo nghề dạy học đã bỏ dở lúc còn ở Việt Nam, cái nghề mà những người Việt lớn tuổi mới tới đây thường tránh xa. Anh thì đã nằm gai nếm mật, leo lên từ thằng sai vặt cho tới khi có bằng Master Plumbing, rồi anh muốn thử thời vận ra mở công ty với sự khuyến khích của chị. Công ty của anh phất lên như diều gặp gió, bây giờ trong cái thế không muốn lượm tiền cũng phải lượm, vì công ty làm ăn có uy tín nên người ta cứ gọi hoài. Việc ngoài field đã có công nhân, nhưng anh vẫn phải mướn người làm văn phòng lo việc giấy tờ và sổ sách kế toán vào ngày thứ bảy và chúa nhật, thế nhưng cũng không hết việc, nên chị sau khi đi dậy học về đành phải ra tiếp anh làm tới 9 giờ tối. Tuy bây giờ lớn tuổi và không cần tiền, anh vẫn muốn đi làm, có tiền thì cho con cho cháu, cũng như giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình. Tôi thấy anh chị rất tế nhị và khéo léo trong vấn đề giúp đỡ. Anh có kể lúc còn ở Việt Nam, nhà hết gạo, mẹ anh chờ lúc anh chị đi vắng mà đổ gạo vào thùng cho, anh chị nhớ suốt đời. Còn chị bây giờ sau bằng ấy năm vất vả như vậy mà trông không già đi, cứ trẻ mãi. Chúng tôi nói chuyện rất hợp rơ, chắc có lẽ tôi già đi rất nhiều còn anh chị thì trẻ lại. Tôi hơi tiếc là lúc đi vượt biên không ngồi trên mũi thuyền mà chèo, bởi vì anh và người em họ ngồi trên mũi thuyền mà chèo, nên ngày nay ai cũng mở công ty lớn làm ăn khá giả, chỉ có tôi ngồi không nên nay số phải vất vả. Bà con khuyến khích anh về Cali riết rồi cũng chán, họ chẳng thèm mời gọi nữa, để anh chị an vui sống với cảnh đồng quê, hàng ngày ngửi mùi phân bò, để tôi còn có nhiều cơ hội ghé thăm và nói chuyện với anh chị về nước Mỹ và Kansas nơi chúng tôi ở, nơi mà chúng tôi phải mang ơn, vì mỗi sáng anh chị phải đi nhặt tiền, còn tôi phải xách thùng cơm leo lên máy bay đang lắp ráp, đi tới đi lui, nói láp dáp... để mỗi tuần bà xã được kiểm soát check lương, cười ngỏn ngoẻn trông rất tình tứ. Chúng tôi không dám nói nhiều về Kansas, vì sợ người ta chửi mình là nhà quê, "Đã nùn nại còn nớn nối" vì đã bị nhiều người chê là quê mùa, cũng bởi chúng tôi gốc ở Kinh 5, tuốt luốt trong ruộng, xa ánh đèn phố thị. Chúng tôi đã được nhiều hơn mơ ước, nên không dám than hay nổ, chỉ xin kể chuyện cho bà con nghe chơi, đỡ buồn. Xin tạ ơn Thượng đế, cám ơn nước Mỹ và cám ơn tiểu bang Kansas, không phải là nơi tạm dung nữa, mà là quê hương mới của chúng tôi. Nguyễn Cao Thăng 18.1.17 (21 tháng chạp) |
|
└(≣) GIỚI THIỆU XEM BÁO cách đây 6 năm, 4 tháng #21523
|
DU LỊCH CANCUN
Đã từ lâu thường nghe bà con khen đi Cancun bên Mễ rất vui, nên tôi bàn với gia đình đi đến đó một chuyến xem sao, nếu mình không đi thì khi nghe người ta nổ mình cũng không biết gì để nổ lại thì quê độ và mất mặt quá. Tôi thường nói với vợ con rằng mỗi lần đi chơi là học được vài cái ngu, nên bà bề trên và xấp nhỏ đều chấp thuận. Trước ngày đi khoảng hơn 2 tháng thì bà xã tôi bị bệnh, không biết vì thời tiết hay lý do gì mà bệnh cứ lai rai không khỏi. Cứ ho hắng, hắt hơi nên bả phải xin nghỉ ở nhà mất 2 hay 3 ngày. Bỗng một hôm bà ấy tuyên bố không đi Cancun nữa, bố con ông đi đi. Tôi nói là vé máy bay cũng như khách sạn ở Moon Palace đã book rồi, bây giờ không đi thì mất tiền uổng lắm, đồng thời đây cũng là thời gian gia đình nên quên hết mọi việc làm ăn, để dành cho nhau những giờ phút vui chơi thoải mái, nếu em không đi thì anh chắc rằng mấy đứa con sẽ không vui. Mặc dù bà xã tôi có đi thì chỉ đứng ngó và giữ đồ cho bố con tôi, hoặc kiểm soát lại những thứ cần mang đi, hay trước khi ra khỏi khách sạn có quên thứ gì chăng. Gần tới ngày mà bà ấy vẫn một mực không đi, mất tiền thì mất chứ không đi. Nhìn mấy đứa con buồn thiu làm tôi thêm bối rối, không biết nói gì hơn là bảo chúng cầu nguyện cho mẹ được khỏi bệnh và tuân theo khổ kế của bố: nếu mẹ kêu làm bất cứ cái gì thì cứ tươi cười mà làm. Thật cũng may một tuần trước khi đi thì bà bề trên bỗng hết bệnh, nhưng tôi không dám hỏi rằng đi hay không. Vài hôm trước khi đi bà kêu mấy đứa đi chợ để mua quần áo và những thứ cần thiết cho chuyến du lịch, bố con tôi mở cờ trong bụng. Tôi ở thành phố Wichita, nhưng vé máy bay đi tới Cancun từ Dallas sẽ rẻ hơn rất nhiều, cả gia đình sẽ tiết kiệm hơn 1 ngàn. Chúng tôi quyết định lái xe tới Dallas thăm thú vui chơi rồi mới lên máy bay. Dù đường xa 5 tiếng lái xe nhưng nếu có đi máy bay từ Wichita phải chuyển tiếp ở đây vài ba tiếng cũng mệt lắm.(còn nữa) Nguyên Cao Thăng (78-81) 7.8.18 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.12 giây