Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) THẰNG PETIT (Phần một, Phần hai và Phần ba) cách đây 12 năm, 9 tháng #710
|
MẸ ƠI HÔM QUA CON KHÔNG NGỦ ĐƯỢC Loan Phương ơi! Thầy cô đã bày tỏ nỗi xúc đông của mình qua bài thơ TIỄN CON, khi xem hết bài văn THẰNG PETIT Hôm nay thứ hai từ chỗ làm việc của THẾ BảO (TB ), cô nhận đươc một cuộc điện thoại của thằng con trai. Đối với cô đó là chuyện bình thường, vì sau một tuần TB hay kể và gần như tâm sự với mẹ về chuyện làm trong tuần qua, đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, Và nhiệm vụ của cô truyền đạt hết ý tình của TB hôm qua _ Mẹ giúp con viết bài nhé _ Bài gì, con không tự viết đươc sao? viết ở đâu? _Con muốn viết lên trang WEB để cám ơn chú Phương. Nhưng vì con không phải là thành viên và là người nhỏ con cũng không được phép vào trong sân chơi của người lớn _ Mẹ ơi! đêm qua con không ngủ được _ Tại sao? _ Con đọc bài viết của chú Phương rồi, con rất cảm động!! Chuyện THẰNG PETIT _ Có những mảnh đời khổ như cô Loan và chú Phương như vậy sao mẹ, những khó nhọc cô chú phải vượt qua, siêu.. siêu quá mẹ ơi! con không biết diễn tả thế nào nữa, và thấy mình không là gì cả. Tấm lòng của Cô Chú bao la như biển Thái Bình, chuyện làm mẹ, chuyện làm cha. Wow! hết nói luôn, lo lắng cho con từng li, từng tí, hy sinh vì con cái, không ham danh lợi... Mẹ ơi! lúc nhỏ Cô cũng khổ lắm đó mẹ! Từ chuyện dự thi Đường lên đỉnh OLYMPIA ở ngoài Bắc thế nào. Chuyện chọn trường đi DU HỌC, con đọc đi đọc lại mấy lần. Tóm lại những hình ảnh đó cứ chạy tới chạy lui trong đầu con hoài, gần sáng mới ngủ được, hôm nay con đi làm hơi mệt mẹ ạ! Mẹ P/S dùm con, khi nào con về VN Cô chú làm bánh cốm con ăn với nhé! Phuơng ơi! lúc TB qua đây còn nhỏ chưa biết nhiều về chuyện VN, sách báo toàn tiếng ĐỨC, học xong ra trường cũng làm trong công ty người ĐỨC Có thể nói đây là bài văn viết đầu tiên bằng Tiếng Việt của Phương làm nó cảm động, nên thằng bé có nhiều xúc cảm đến thế! Thầy cô cám ơn em! Trong gia đình Thầy cô, khi về nhà hoặc trao đổi qua điện thoại bắt buộc các cháu phải nói tiếng VIỆT. Lúc nhỏ các cháu còn phải viết thư bằng tiếng VIỆT cho Ông Bà, nên các cháu cũng có thể đọc đươc, nhưng viết thì không biểu đạt được nhiều. Thầy cô kể chuyện ngoài lề em nghe: Em biết không, trang WEB này được làm xong em thấy bình thường vậy đó!, chứ em đâu biết Thầy Cô khổ sở thế nào để chuyển sang tiếng VIỆT, hành tội mấy tháng trời! sửa tới sửa lui. Mỗi ngày làm được một chút thôi! thứ nhất không có thì giờ(TB bận làm việc), thứ hai ngôn ngữ bất đồng. Thầy Cô nói TB không hiểu và ngược lại TB nói Thầy cô cũng không hiểu luôn!!! vì bước vào lãnh vực chuyên môn. Hiện giò TB có giờ rảnh trong lúc làm việc vẫn đang dần dần cải tiến trang Web cho phù hợp với nhu cầu, dĩ nhiên phải có Thầy hoặc Cô trực tuyến chỉ bảo thêm tiếng VIỆT _ Mẹ con viết thế này ổn không? hoặc là Bố làm nháp đi! Tội nghiệp! Cu Cậu cũng chịu khó học hỏi, Thầy Cô cũng mừng vì nó làm được trang WEB này, đây cũng là dịp để nó không quên tiếng VIỆT, mỗi ngày nó đều có mặt ở trang WEB, và rất nhiệt tình khi các Cô Chú hỏi, khi có công việc bận thì thôi. .Nếu có thì giờ Phương cố gắng viết thường xuyên nhé, bài viết hay lắm!!! Thầy cô THANH HÀ ngày 16.4.12 |
|
└(≣) THẰNG PETIT (Phần một, Phần hai và Phần ba) cách đây 12 năm, 9 tháng #762
|
NÓI VỚI THẾ BẢO NGUYỄN PHƯƠNG Thế Bảo ơi, tối hôm thứ hai, ngày 16 tháng 4, chú vừa chat với mẹ cháu được vài câu thì có xe đến đón chú đi Sài Gòn có chút việc riêng sẵn dịp thăm thằng Petit luôn. Hôm nay, vừa về đến nhà là chú vào “MTX” ngay. Thật không ngờ “THẰNG PETIT” lại làm cho cháu xúc động như vậy. Trong khuôn khổ của một truyện ngắn, chú không thể lột tả hết được chi tiết về chuyện của thằng Petit. Chuyện của thằng Petit thì dài lắm, có thể viết thành một quyển tiểu thuyết nhưng sức của chú chưa đủ, hơn nữa cũng không có thời gian vì chú dạy rất nhiều giờ. Sẵn dịp cháu nói muốn ăn bánh cốm do cô chú làm, chú sẽ kể rõ công việc này để cháu dễ hình dung hơn. Đây là một công việc có hơi vất vả một tí nhưng mà vui lắm không đến nỗi khổ như cháu tưởng tượng đâu. Cái nồi áp suất mà chú nói dụng cụ chính để làm cốm đó thực chất là một cái ống bằng sắt, có thể tích khoảng 3 dm3. Ở phía trước, có một cái nắp được ép sát vào miệng nồi bằng một cái chốt thật khít, tuyệt đối không được hở một tí nào thì nó mới giữ được áp suất bên trong khi nồi nóng lên. Phía sau cái ống là một cái cán dài có tay quay để cho nhiệt độ không nóng ra tới chỗ tay cầm. Ở đây có thiết kế một cái đồng hồ đo áp suất cho an toàn. Bởi vì khi đốt, áp suất trong nồi sẽ tăng lên dần, nếu không có đồng hồ thì sẽ rất nguy hiểm. Nhưng cháu biết không, chú mới nổ có một phát đầu tiên là đồng hồ đã hư rồi, không biết vì lý do gì, chắc có lẽ họ gắn cho chú cái đồng hồ “dỏm”. Lúc bấy giờ, từ đảo vào Rạch Giá đi lại bất tiện lắm. Thế là chú đành liều nổ không cần đồng hồ! Đến đây chắc cháu cũng chưa hiểu “Nổ” là như thế nào. Để chú kể tiếp cho cháu nghe. Đầu tiên là đổ khoảng sáu lon gạo vào trong cái ống có thể tích khoảng 3 dm3 đó, đậy nắp thật kín, rồi cài chốt lại cho thật chặt. Sau đó đặt cái “nồi” đó lên một cái giá để quay. Cái giá đó trông nó giống như cái kiềng mà ở dưới nông thôn người ta đặt nồi lên để đun bếp, nhưng khung của nó lớn hơn và có thêm hai điểm tựa: một điểm ở phía đầu “nồi” và một điểm ở phần cuối, giáp với cán “nồi”. Hai điểm tựa này được thiết kế để cho hạn chế ma sát, lúc quay sẽ cảm thấy nhẹ tay và êm hơn. Khi đặt lên “cái kiềng” đó rồi, một người sẽ đốt cho nồi nóng lên. Ở ngoài đảo cô chú đốt bằng lá dừa khô vì ở đây rất nhiều dừa, nếu ở nông thôn thì người ta sẽ đốt bằng rơm, tức là thân cây lúa đã khô. Còn một người sẽ ngồi quay cho nồi nóng đều. Chú phụ trách khâu này, bởi vì đây là khâu quan trọng và nguy hiểm. Cháu biết chú cho “Nổ” không cần đồng hồ bằng cách nào không? Chú nghe tiếng gạo kêu trong nồi. Cái nồi lúc chưa có áp suất lớn khi quay tất nhiên gạo nó sẽ lăn tròn trong nồi và phát ra tiếng kêu. Khi đốt nóng, áp suất trong nồi sẽ tăng lên cao dần, đến một lúc nào đó, áp suất nén không cho gạo di chuyển trong nồi nữa nên nó sẽ ngưng kêu, và lúc bấy giờ tay quay có cảm giác nằng nặng. Do kinh nghiệm nhiều lần, tùy theo độ lửa lớn hay nhỏ mà chú quyết định cho nổ sau mười giây hoặc hai mươi giây tính từ thời điểm nồi ngưng kêu hẳn. Tại sao gọi là “Nổ”? Bởi vì nó nổ to như mìn. Khi thấy có thể nổ được, chú dùng một cái móc sắt đưa cái nồi ra khỏi cái kiềng, quay miệng nồi về phía cái bao tải thật dài do nhiều cái khâu liền lại với nhau. Để cái nồi nổ lên một cái bệ, giống như kiểu người ta bắn đại bác. Dùng chân phải đạp mạnh vào cán nồi giữ cho thật chắc. Tay phải cầm một cái chày thật nặng. Tay trái giữ cán nồi ở phía dưới cùng, chỗ tay quay. Mọi thứ đã sẵn sàng. Một. . .hai. . .ba. . . Đập mạnh vào cái chốt. Ầm. Một tiếng nổ vang trời. Áp suất trong nồi thay đổi đột ngột sẽ làm cho những hạt gạo lớn lên gấp mười lần. Thành phẩm này sẽ bay ra khỏi nồi và nằm gọn trong cái bao tải đó. Đổ thành phẩm này ra, cho vào trong cái túi ni lông thật lớn, giữ thật kín hơi, khi nào làm cốm thì đem ra làm. Những công việc trộn cốm, ép cốm. . . thì chú đã kể tỉ mỉ trong câu chuyện rồi. Chú làm thêm nghề này từ lúc chưa có thằng Petit cho đến lúc nó ba tuổi. Năm vào Rạch Giá, chú nghỉ làm, vì ở đây đã “có đất dụng võ”, nghĩa là chú đã phát huy được cái nghề dạy học của mình. Hơn nữa, ở giữa phố phường đông đúc mà cứ nổ ầm ầm, người ta tưởng nhà này nổ mìn thì nguy to, công an sẽ vào “còng đầu” và cho ở tù “mọt gông” luôn (Chú bắt chước dùng từ của bà lão trong bài “Bàn chút về tiếng Việt” của chú cho vui vậy thôi chứ công an nào mà bắt người làm cốm, người ta chỉ cấm không cho làm ồn hàng xóm thôi). Cháu biết không, lúc thằng Petit còn bé tí tẹo, mỗi lần “nổ”, cô phải bế nó đi thật xa, sợ nó giật mình vì tiếng nổ quá lớn. Bây giờ nghỉ làm rồi, cháu sẽ không có dịp ăn cốm của cô chú làm nữa. Khi nào về VN, chú sẽ mua cho cháu bánh cốm ăn thử để biết nó như thế nào thôi, chứ miếng cốm đó sẽ không ngon bằng cốm của chú đâu. Bây giờ ai muốn học nghề, chú vẫn còn có thể truyền lại được, vì chú vẫn còn nhớ như in những công việc ấy mặc dù đã hơn hai mươi năm rồi. Tất cả những công việc ngày xưa ấy chú làm thật vui và hạnh phúc chứ không hề khổ sở tí nào. Cháu thử nghĩ xem. Vợ chồng con cái quây quần, tíu tít bên nhau suốt ngày. Tiếng nổ cốm nghe riết cũng vui tai. Lại còn bán cốm đắt như tôm tươi, tiền vô đều đều. Thằng con lại học được tính chăm chỉ của ba mẹ. Thật là “nhất cử lưỡng tiện”. Thế Bảo ơi! Hôm khai trương trang web này, chú đã có dịp giao tiếp với cháu. Mặc dù chỉ qua ngôn ngữ “Chat” nhưng chú đã cảm nhận cháu là một đứa con ngoan đầy nhiệt tình và tài năng. Thú thật, chat với cháu, chú thấy cháu ngoan như thằng Petit của chú vậy, chú thương quá! Một thằng bé lễ phép, tận tình và chu đáo. Bây giờ, được biết cháu không rành tiếng Việt mà lại cảm nhận câu chuyện của chú như vậy làm chú thật là cảm động. Thế Bảo ơi! Cháu có biết rằng cháu đã làm được một việc vô cùng có ý nghĩa không? Hơn một lần chú đã nói như vậy với cháu. Chính cái trang web mà công lớn lao nhất thuộc về cháu này đã giúp cho các cô chú tìm lại được nhau sau hơn ba mươi năm xa cách, các cô chú đã “như chưa hề có cuộc chia ly”; cũng chính cái trang web này mà các cô chú có dịp để cùng ôn lại những kỷ niệm vui buồn với thầy cô giáo cũ, bố mẹ của cháu, thần tượng của cô chú từ những ngày còn cắp sách đến trường. Thông qua mẹ, được đọc những dòng tâm sự của cháu, chú vừa xúc động vừa tự hào. Xúc động vì tình cảm của cháu dành cho cô chú và Petit chân tình và nồng nhiệt quá! Tự hào vì mặc dù cháu đã lớn lên ở nước Đức nhưng vẫn không quên trau dồi ngôn ngữ Việt để có thể thấu hiểu được một thứ ngôn ngữ đầy phức tạp nhưng cũng vô cùng giàu đẹp này. Cảm ơn bố mẹ cháu, thầy cô của chú, đã sinh ra được một đứa con ngoan hiền, giỏi giang, hiếu thảo như cháu. Cảm ơn cuộc đời đã cho chú những người thân để cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn. Và, cảm ơn cháu – Thế Bảo, đã làm sợi dây nối kết những con tim đến với những con tim. Cháu thử xem đi, có phải là trên trang web này ngày càng có mặt thêm đông đủ các cô chú cùng đùa vui với nhau như “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy”. Đây quả là một ngôi nhà hạnh phúc cho đại gia đình “Mái trường xưa”, một tổ ấm cho những cánh chim từ vùng lúa Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang của hơn ba mươi năm về trước bay đi khắp nơi trên thế giới, về đây hội tụ, ríu rít bên đôi chim đầu đàn, bố mẹ cháu, cùng hòa chung một bản hòa ca muôn điệu, muôn lời tô đẹp cho cuộc đời thêm tươi thắm và nhiều ý nghĩa. Nhân đây tôi cũng chân thành cảm ơn chị Thanh Thảo, bạn Băng Sơn, bạn Bùi Văn Hiến và rất nhiều bạn đọc khác nữa đã đọc “THẰNG PETIT” của tôi và đã có lời chúc mừng, động viên, khen tăng gia đình tôi. Tôi thực sự hết sức cảm động vì tấm chân tình của Thầy Cô và các bạn. Rạch Giá, ngày 19 tháng 4 năm 2012 Nguyễn Phương |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.10 giây