Chào Khách quý
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) DANH LAM THẮNG CẢNH - QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM cách đây 7 năm, 6 tháng #20110
|
BẢN CÁT CÁT - ĐIỂM DU LỊCH HẤP DẪN TẠI SAPA Đây là một bản lâu đời của người Mông, cách trung tâm thị trấn Sa Pa 2km. Nơi đây còn lưu giữ nhiều nghề thủ công truyền thống như trồng bông, lanh, dệt vải… Bản Cát Cát ở gần thị trấn Sapa nên thu hút rất đông du khách ghé thăm. Hiện nay nơi đây đã được xây dựng thành khu du lịch Cát Cát. Đến địa điểm du lịch Sa Pa, du khách không chỉ được ngắm mây vờn núi, ruộng bậc thang và những địa danh như: Cầu Mây, thác Bạc, đỉnh Phanxipang…mà nơi đây còn có nhiều bản , thôn, ấp đã được quy hoạch để đón khách du lịch. Và Cát Cát là một trong những điểm dừng chân được nhiều du khách trong và ngoài nước yêu thích trong thời gian gần đây. Đến với bản Cát Cát, khách du lịch sẽ được tìm hiểu văn hóa người dân tộc gắn với thiên nhiên hoang sơ, đây là một địa chỉ thích hợp cho những khách du lịch đã mệt mỏi với đời sống đô thị Bản làng Cát Cát được hình thành từ giữa thế kỷ 19, các hộ gia đình cư trú theo phương thức mật tập: dựa vào sườn núi và quây quần bên nhau, các nóc nhà cách nhau chừng vài chục mét. Ở bản Cát Cát có một thác nước rất đẹp mà theo tiếng Pháp là: CatScat. Do đó, từ đầu thế kỷ XX, người Pháp đã phát hiện và chọn nơi đây làm khu nghỉ dưỡng cho các quan chức. Cũng từ đó, bản của người dân tộc Mông nằm bên dòng thác có tên là bản Cát Cát cho đến ngày nay. Người Mông ở bản Cát Cát sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa trên các ruộng bậc thang, các nghề truyền thống như dệt vải, chạm trổ bạc và rèn nông cụ. Hiện nay, do du lịch phát triển, một bộ phận người Mông ở Cát Cát đã chuyển hẳn sang làm dịch vụ du lịch. Nhiều người – đa số là người trẻ biết nói cả tiếng Anh, tiếng Pháp và đi làm hướng dẫn viên du lịch. Những người lớn tuổi thì làm nương, làm rẫy, làm nghề truyền thống. Và đặc biệt là bạn sẽ có cơ hội được ngắm vẻ đẹp ruộng bậc thang Sapa mùa cấy nếu đi đúng dịp tháng 3 đến tháng 4. Du khách đi du lịch Sapa còn được thưởng thức một nét thú vị ở bản Cát Cát đó là nơi đây còn lưu giữ khá nhiều phong tục độc đáo mà các vùng khác không có hoặc không còn tồn tại nguyên gốc, chẳng hạn như tục kéo vợ. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “kéo” cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó, nếu cô gái đồng ý làm vợ thì chàng trai sẽ tiến hành lễ cưới chính thức. Còn không thì họ cùng nhau uống bát rượu kết bạn và mọi việc trở lại bình thường như chưa có điều gì xảy ra. Đến thăm bản Cát Cát trong chuyến du lịch Sapa mùa hè có lẽ là thời điểm đẹp nhất với những ruộng bậc thang xanh rờn cả một vùng . TT(St) 05.05.17 |
|
└(≣) DANH LAM THẮNG CẢNH - QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM cách đây 7 năm, 6 tháng #20138
|
ĐẾN SAPA THĂM BẢN TẢ PHÌN THƠ MỘNG Bản Tả Phìn là một bản của người Dao đỏ ở SaPa, Lào Cai. Bản Tả Phìn có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đậm bản sắc dân tộc, thu hút du khách bởi vẻ hoang sơ, mộc mạc. Ngôi nhà của dân bản, gian giữa là nơi thờ cúng, khách không được phép ngồi. Vào thăm nhà phải theo sự chỉ dẫn của gia chủ. Phong tục người Mông, ghế đầu bàn dành cho cha mẹ, dù cho cha mẹ đã đi gặp tiên tổ, khách không được ngồi vào chiếc ghế thiêng liêng đó. Trang phục mặc vào thăm bản không mặc loại lanh trắng chưa nhuộm, đó là màu sắc của tang lễ và khi gia chủ mời uống nước, uống rượu, nếu khước từ thì khách nên có lời nói khéo léo để chủ nhà hiểu, thông cảm, chớ úp bát xuống bàn, chỉ thầy cúng mới được phép làm như vậy để đuổi tà ma. Nhà người Mông xây dựng có cây cột to chôn sâu xuống đất, đụng cao đến nóc nhà, các cột khác nhỏ hơn. Cột đều kê trên mặt đất, cột cao nhất gọi là cột cái, nơi con ma trú ngụ, du khách không treo quần áo, ngồi dựa lưng vào cây cột “linh hồn” đó. Khách ngồi uống rượu cần, giao lưu, chuyện trò cùng gia chủ không được vừa nói, vừa chỉ trỏ ngón tay ra phía trước. Người Mông cho rằng hành vi đó là bày tỏ thái độ không bằng lòng hoặc coi thường người tiếp chuyện. Tối kỵ là không huýt sáo khi dạo chơi ngắm cảnh bản, người dân bản cho rằng âm thanh tiếng huýt sáo là gọi ma quỷ về bản. Đó là một số điều mà mọi du khách đến thăm các làng bản trên Sapa cần lưu ý để có một chuyến du lịch tuyệt vời nhất. Du khách đến với nơi đây đừng quên tắm nước suối được pha nhiều vị lá cây của người Dao đỏ sẽ làm cho nước da săn chắc, khỏe khoắn. Gần bản Tả Phìn có hang động Tả Phìn, cửa hang cao khoảng 5m rông 3m có một lối đi xuyên xuống đất. Vào trong động, du khách sẽ nhìn thấy có tảng đá giống như thiếu phụ đang bồng con, những tảng đá giống như các nàng tiên, chỗ thì như những mâm xôi khổng lồ… Tại chỗ rộng nhất trong hang, các nhũ đá rủ xuống như dải đăng ten uốn lượn, nhấp nhô, long lanh màu ngọc bích. Vào sâu ta gặp một tảng đá lớn nằm hơi nghiêng, trên nền đá in hình những vết chân gà, ngay chóp đá bên phải còn hằn lên những vệt lõm hệt như móng chân ngựa. Một vách đá đối diện, những dòng chữ Pháp được khắc bằng vật cứng, cho đến ngày nay mặc dù bụi thời gian phủ lên ta vẫn còn đọc được. Hang động Tả Phìn có rất nhiều bí ẩn với chúng ta, cần được bảo vệ và giữ gìn. TT(St) 11.05.17 |
|
└(≣) DANH LAM THẮNG CẢNH - QUÊ HƯƠNG VIỆT NAM cách đây 7 năm, 6 tháng #20183
|
TRẢI NGHIỆM HOMESTAY Ở TẢ VAN KHI DU LỊCH SAPA Homestay là một khái niệm không còn mới mẻ đối với du khách quốc tế lẫn Việt Nam. Khi đến một địa phương nào đó mà bạn muốn tìm hiểu nếp sống, lối sinh hoạt đời thường của người dân bản địa thì không có cách nào tốt hơn là sống cùng họ, và đó chính là homestay. Chính vì lý do đó, homestay ở Tả Van là một trải nghiệm không thể bỏ qua khi du lịch Sa Pa. Bản Tả Van Giáy (nơi sinh sống của người đồng bào dân tộc thiểu số Giáy) nằm ở xã Tả Van, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách trung tâm thành phố Sa Pa khoảng 20km. Nằm ở thung lũng Mường Hoa đẹp như tranh vẽ, dưới chân dãy núi Hoàng Liên Sơn, bản Tả Van cuốn hút du khách ngay từ những khung cảnh thiên nhiên đầu tiên trên đường đến với bản. Đó là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp, đó là những dãy núi cao trùng điệp gối lên nhau, đó là con đường mảnh như sợi chỉ vắt qua sườn đồi phủ xanh bởi mạ và lúa non. Bản Tả Van có hơn 150 hộ dân sinh sống, trong đó chủ yếu là người dân tộc Giáy nên vẫn thường được gọi là Tả Van Giáy. Họ sinh sống chủ yếu bằng nghề ruộng nương. Phụ nữ ở bản Tả Van Giáy cũng có nghề thủ công, làm nên các sản phẩm thêu thùa đẹp mắt. Tuy nhiên trong những năm gần đây, khi du lịch Sa Pa phát triển mạnh, người dân Tả Van bắt đầu làm du lịch để thoát nghèo. Đặt chân đến Tả Van, bạn có thể nhìn thấy rất nhiều tấm biển sơ sài đề dòng chữ “Homestay”. Loại hình dịch vụ homestay lần đầu tiên xuất hiện ở Tả Van vào năm 1997 do ông Hoàng Văn Mục, một người cựu chiến binh người Giáy khởi xướng. Khi thấy du khách nước ngoài hứng thú tìm hiểu văn hoá, lối sống của địa phương mình và cũng mong muốn thoát nghèo, nhờ sự hướng dẫn của một người hướng dẫn viên du lịch, ông bắt đầu kinh doanh loại hình này. Đến nay, ở Tả Van Giáy đã có hơn 40 hộ cung cấp homestay, mỗi ngày phục vụ trung bình 200-300 khách du lịch vào mùa cao điểm. Dịch vụ homestay có giá khá rẻ, từ 70.000 đến 100.000 đồng cho một người cho một đêm, bao gồm chỗ ngủ, tắm giặt vệ sinh… Một bữa ăn ở nhà người dân thường có giá từ 50.000 đến 100.000 tuỳ theo món. Những người cung cấp dịch vụ homestay ở Tả Van cho biết: “Khách du lịch nước ngoài họ rất thích cảnh quan thiên nhiên và hứng thú tìm hiểu đời sống của dân địa phương, họ không quan trọng lắm các tiện nghi sinh hoạt.” Đó là lý do mà những bữa cơm đạm bạc với món thịt rừng gác bếp, những giấc ngủ chông chênh trên tấm nệm mỏng trải trên căn gác gỗ trong tiếng muỗi vo ve vẫn có sức hút với du khách từ khắp thế giới. Những món ăn truyền thống mà người dân Tả Van thường phục vụ khách du lịch bao gồm: thịt lợn bản, dồi gà nướng, thịt vịt, các loại bánh lá, xôi nếp… quyện cùng hương vị đậm đà của ly rượu táo mèo, rượu ngô, rượu mận đỏ để lại ấn tượng khó quên đối với những ai một lần du lịch Sa Pa và trải nghiệm dịch vụ này. Ngoài ra, nếu muốn du khách cũng có thể tham gia chuẩn bị bữa ăn cho mình bằng cách cùng người dân lên rừng hái rau, xuống suối bắt cá, sống như một người Tả Van thực thụ trong những ngày ấy. Được biết, khách đến homestay ở Tả Van Giáy chủ yếu là từ Anh, Pháp, Đức, Thuỵ Sĩ và Na Uy. Ban đầu, việc giao tiếp với khách còn rất khó khăn do người dân Tả Van Giáy không biết tiếng anh, việc gì cũng phải nhờ đến hướng dẫn viên du lịch. Tuy nhiên dần dà, họ bắt đầu đầu tư học tiếng anh để phục vụ chuyện trò với khách tốt hơn, giúp khách hiểu rõ hơn về phong tục tập quán của họ. Đặc biệt, người dân Tả Van rất thích văn nghệ. Nếu đến Tả Van, đừng bỏ lỡ cơ hội thưởng thức các màn ca múa hát đặc sắc của họ vào khoảng buổi trưa. Đây cũng là cách họ đa dạng hoá dịch vụ du lịch, khiến nó trở nên hấp dẫn và thú vị từ bản sắc văn hoá chứ không đơn thuần chỉ là dịch vụ lưu trú. Homestay là một loại hình cư trú thú vị, góp phần cải thiện đời sống vốn gặp nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, đồng thời cũng mở ra những trải nghiệm thú vị cho du khách khi du lịch Sa Pa . Một chùm ngô khô treo trong bếp, con suối trong vắt bắt ngang bản, cảnh quan đồi núi xen lẫn ruộng bậc thang và nụ cười thân thiện của người dân Tả Van Giáy sẽ còn đọng mãi trong ký ức người lữ khách một lần ghé qua. TT(St) 20.05.17 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.11 giây