Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA cách đây 9 năm, 10 tháng #16401
|
HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA
(Truyện kinh dị) Nguyễn Phương Phần I: Câu chuyện mở đầu Trước đây, tôi có viết một số truyện kinh dị ghi lại những sự việc mà chính tôi chứng kiến từ hồi còn bé, nó cứ hư hư, thực thực thế nào ấy. Tôi cũng chưa tin lắm về chuyện có vong hồn của người đã chết hiện về. Thấy nó là lạ rồi ghi lại vậy thôi. Năm đó chưa có facebook, tôi viết gửi vào một số trang web bạn bè đọc giải trí cho vui. Có bạn đọc xong bảo với tôi rằng: “Đọc truyện của bạn khiếp quá, khuya không dám đi tiểu!”. Tôi nghĩ thầm: viết truyện kinh dị mà làm cho người đọc sợ là thành công rồi đây. Và tôi cảm thấy vui vui. Nhưng bây giờ, có facebook, lại có nhiều học trò “kết bạn”, vì sợ ảnh hưởng không tốt đến việc học hành của các em, nên tôi không viết loại truyện này nữa, tôi xoay qua viết truyện thiếu nhi. Tôi đang loay hoay định tìm đề tài nào cho vui và có ý nghĩa giáo dục một chút để viết thêm một truyện nữa thì tình cờ lại nghe được một câu chuyện kinh dị xảy ra ở chính quê tôi ngày xưa từ một người bạn là kỹ sư cơ khí đang công tác ở Trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật kể lại. Tôi sẽ cố gắng ghi lại theo lời kể một cách trung thực, không hư cấu để các em nếu có đọc thì cũng giảm đi nỗi sợ hãi. Câu chuyện xảy ra khoảng năm 1986, tại nhà máy xay lúa tọa lạc trên một mảnh đất rộng cả ngàn mét vuông nằm ngay bên cạnh quốc lộ 80, khoảng giữa thị Trấn Tân Hiệp và chợ kinh B. Nghe nói, nhà máy xay lúa này trước kia là của một địa chủ rất giàu có. Sau năm 1975, nhà nước tiếp quản đưa vào quốc doanh. Nhưng mấy năm mới giải phóng làm gì có nhiều lúa để cần sử dụng đến nhà máy khổng lồ này. Hơn nữa, những năm đó, xăng dầu rất khan hiếm, có lúa cũng chưa chắc có dầu để mà chạy. Thế là nhà máy đành đắp chiếu mấy năm trời. Không nỡ để nhà máy trở thành đống sắt vụn, UBND tỉnh giao cho Ty Công nghiệp tìm cách làm cho nhà máy hoạt động trở lại. Lúc bấy giờ ông Năm (phó giám đốc Ty Công nghiệp) đang làm một đề tài khoa học: chuyển động cơ chạy bằng dầu diesel, sang chạy bằng… “trấu”. Đây là một đề tài khoa học khá ngộ nghĩnh. Bởi vì ngày xưa người ta đã cải tiến từ động cơ chạy bằng hơi nước sang động cơ đốt trong chạy bằng dầu diesel, nay ông Năm lại làm ngược lại. Mặc dù đây là sự “cải tiến giật lùi” nhưng xem ra lại phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương nên UBND tỉnh đồng ý cấp kinh phí cho Ty Công nghiệp thực hiện đề tài. Còn gì hiệu quả hơn khi dùng chất đốt có sẵn ngay trong nhà máy làm nguyên liệu để vận hành máy. Thế là nhà máy xay lúa Tân Hiệp được dùng để thử nghiệm đầu tiên cái đề tài “cải tiến giật lùi” ấy. * * Nam cùng với Trung và Tiến vừa xách va li hành lý rời khỏi chiếc xe khách cà tàng bò từ Sài Gòn xuống Thị xã Rạch Giá hết hơn nửa ngày đường. Bước xuống bến xe Kiên Giang, người còn đang mệt lử, cả ba chàng thanh niên định vào quán cà phê nào gần đó ngồi nghỉ mệt một lát rồi tìm phương tiện về Ty Công nghiệp thì đám xe Honda ôm đã vồn vã, nhốn nháo vây quanh: - Mấy chú về đâu? Lên xe anh chở. - Đi xe honda cho lẹ mấy chú ơi! - Ba đứa đi chung hả? Mỗi đứa đi một chiếc nghe! Ê, lên xe của anh nè. - Về Ty Công nghiệp bao nhiêu tiền hả anh? - Nam hỏi một người xe ôm đang chặn ngang trước mặt. Chưa kịp để cho người chạy xe ôm trả lời, Trung cắt ngang. - Thôi, tụi em không đi xe ôm đâu. Chút xíu nữa có người nhà ra chở rồi. Nam và Tiến đều ngạc nhiên vì cả ba đứa còn chân ướt chân ráo mới tới thị xã này lần đầu, có quen ai đâu mà nó bảo có người nhà ra chở. Không mời được khách lên xe, đám xe ôm chuyển từ gương mặt cởi mở, chào mời sang gương mặt sa sầm, hắc ám, chửi bâng quơ mấy câu rồi rút đi hết. Đợi đến lúc đó, Trung mới chau mày nói nhỏ với Nam mà như nạt vào tai anh: - Mày ngu quá. Ba thằng mình kêu một chiếc xe lôi đi cho rẻ tiền. Mới xuống đây nhận công tác, chưa biết lương bổng thế nào, xài sang quá có ngày nhịn đói nghe con! Tiến ủng hộ: - Mày nói có lý đó Trung. Tao nghe nói ở đây xe lôi nhiều mà lại đi rẻ hơn xích lô ở Sài Gòn. Thôi, tụi mình vô quán ở đằng kia uống cà phê một lát rồi từ từ kêu xe cũng được. Cả ba đồng ý bước vào quán. Trời mùa hè thật oi bức. Cái nắng vàng vọt của buổi chiều tà vẫn chưa làm vơi đi cái nóng oi ả từ mặt đường hắt lên dội vào trong những hàng quán ọp ẹp nằm cạnh bến xe. Ngoài đường, khách bộ hành tay xách, nách mang hối hả như mong cho chóng về đến nhà để gột rửa ngay đi cái hợp chất bụi đường với mồ hôi dính chặt vào người nhớp nháp làm người ta khó chịu. Nhấp một hớp cà phê, Tiến hỏi một câu bất ngờ: - Sao? Tụi mày có muốn lập nghiệp luôn ở đây không? - Cái đó chưa biết trước được, còn tùy tình hình nữa. – Nam thận trọng trả lời. Trung có vẻ suy tư, phân tích thiệt hơn: - Ở cái tỉnh lẻ này cuộc sống có vẻ yên ả chứ không tất bật như ở Sài Gòn. Hơi buồn một chút nhưng xem ra dễ làm ăn. Tao thì học hành lèng xèng, lấy được cái bằng tốt nghiệp loại trung bình, lại có việc làm ngay là mừng lắm rồi, cũng chẳng mong lựa chọn gì hơn nữa. Nói đến đó đột nhiên Trung đập tay xuống bàn một cái làm mấy ly cà phê nẩy lên sóng sánh xuýt đỗ, rồi giơ ngón tay trỏ chỉ chỉ về phía Nam: - Nhưng mà tao chỉ tiếc cho mày thôi. Tốt nghiệp loại xuất sắc như vậy mà bị đì xuống tận đây. Thiệt là hết chỗ nói. Nam biết tính Trung nóng, ăn nói lại cộc cằn, thô lỗ nhưng được cái rất thẳng thắn và nhiệt tình với bạn bè. Ai cần gì cậu ta cũng giúp. Khi còn là sinh viên, có lần anh bị một thằng ma cô đón ở cổng trường xin đểu. Trung đã không ngần ngại mà xông đến đấm vào giữa mặt tên này một cú như trời giáng khiến nó tởn tới già không dám bén mảng tới cổng trường xin đểu nữa. Thấy Trung có vẻ bức xúc, Nam dịu giọng nói với Trung mà như tự an ủi chính mình: - Thôi, bỏ đi. Đời biết đâu mà nói. Có khi như tái ông mất ngựa thì sao. Tiến thêm vào: - Đúng vậy. Đời không biết trước được. Dù ở đâu mình cũng phải làm việc. Nếu mình chịu khó làm hết mình, với tinh thần trách nhiệm cao thì thế nào cũng có ngày thành đạt thôi. Nghĩ rằng mình đã hơi lố khi nói những câu có vẻ như lên mặt dạy đời bạn, Tiến liền chuyển sang đề tài khác cho không khí bớt căng thẳng. - Tụi mày có để ý thấy ở đây người đi bán vé số quá nhiều không? Hồi nãy giờ tao lắc đầu mỏi cổ rồi đó. Thảo nào mà nghe người ta nói có anh chàng suốt ngày phải lắc đầu từ chối cái khều mời của người bán vé số dạo đến nỗi tối về ngủ, vợ khều khều vào vai, trong lúc mơ mơ màng màng, cứ tưởng người bán vé số nên lắc đầu lia lịa. Thế là vợ tự ái ngủ luôn. Sáng hôm sau, biết được chính vợ mình khều tối qua, anh chàng mới tiếc! Cả nhóm cười xòa, tính tiền cà phê, đứng lên rồi bước ra khỏi quán. Chiều hôm đó, ba chàng thanh niên đến Ty Công nghiệp trình quyết định cho Ban giám đốc. Cả ba chàng còn đang lóng ngóng trước cổng cơ quan thì gặp một người đàn ông cao ráo, nước da ngăm đen, tóc đã hoa râm, mặc chiếc áo sơ mi dài tay đã sờn vai, đầu đội cái mũ bộ đội bạc phơ, đang dắt chiếc xe honda cub 50 từ trong cơ quan đi ra. Thoáng thấy ba người thanh niên lạ mặt ở trước cổng cơ quan mình, ông liền hỏi: - Các cậu muốn tìm ai? Nam vội tiến đến trước mặt ông lễ phép: - Chúng cháu là kỹ sư cơ khí được phân công về đây công tác ạ. Người đàn ông vừa nghe Nam nói xong mặt rạng rỡ hẳn lên: - A, đúng rồi. Tôi đã đề nghị với Ban tổ chức chính quyền tỉnh lên tận Trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh xin các cậu về đó mà. Biết các cậu xuống, tôi đợi các cậu từ sáng tới giờ đây. Rồi ông dắt xe lùi vào sân, dựng ở một góc, vội chạy đến nắm lấy tay Nam mà nói với cả ba chàng thanh niên một cách cởi mở: - Các cậu vào đây! Vào đây nào! Sau khi được mời vào phòng khách, ba chàng thanh niên lấy trong va ly ra các quyết định đưa cho người đàn ông mà họ nghĩ rằng đó chính là giám đốc Ty Công nghiệp. Người đàn ông nhận các quyết định xem qua một lượt rồi vỗ đùi một cái tỏ ra khoái chí lắm: - Khá! Khá! Khá lắm! Đội ngũ trí thức thứ thiệt đây. Rồi thật thà nói luôn: - Hồi nào tới giờ các nhân viên ở đây, và ngay cả tôi nữa đều học hành chắp vá không chứ có ai được học chính quy như các cậu đâu! Cũng tại do chiến tranh mà, đâu có điều kiện học hành như các cậu bây giờ. Nói tới đó, ông hớn hở quay ra phía sau gọi lớn: - Chị Ba ơi! Ra đây tôi nhờ một tí. Một người đàn bà khoảng ngoài bốn mươi tuổi, mặc bộ đồ bà ba, trông có vẻ quê mùa, chạy xấp ngửa từ phía sau nhà ra cúi đầu chào ông, vẻ khúm núm: - Ông gọi con có chuyện gì ạ. - Tôi đã nói với chị bao nhiêu lần rồi, chị đừng xưng “con” với tôi như vậy. Tôi chưa đủ già để có con lớn như chị đâu. Thôi, chị vào pha cho tôi bình trà đem ra đây ngay, rồi sang nhà công vụ dọn dẹp cho tôi một phòng, chuẩn bị ba giường ngủ cho thật tươm tất. Cơ quan ta có nhân viên mới về đấy. Chị giúp việc “dạ” một tiếng rồi lui vào cũng tất tả như lúc đi ra. Người đàn ông đưa cánh tay trái ra trước mặt, dùng tay phải lật cái măng sét của chiếc áo sơ mi dài tay lên xem đồng hồ rồi nói: - Các cậu thật may, đến trễ mươi phút nữa là tôi đã về nhà. Giám đốc đi công tác xa, tôi trực ở đây suốt. Bây giờ đã hơn năm giờ chiều rồi, trong khi chờ đợi chị giúp việc dọn phòng, các cậu ngồi đây uống trà với tôi, ta làm quen nhau nhé. À, mải nói tào lao mà quên giới thiệu nữa. Tôi, thứ năm tên Lực, Lê Trọng Lực, các cậu cứ gọi tôi là chú Năm được rồi, ở cơ quan này chỉ có mình tôi thứ năm. Tôi là phó giám đốc, phụ trách mảng đào tạo của Trường Công nhân kỹ thuật tỉnh. Vừa nói đến đó, chị giúp việc đã đem ra một bình trà nóng hổi, cẩn thận để trên bàn rồi lại lui vào bên trong. Ông Năm Lực nói tiếp: - Còn các cậu, tự giới thiệu về mình đi! Sau khi nghe ba chàng thanh niên tự giới thiệu xong, ông thích thú ra mặt: - Sắp có công việc thích hợp cho các cậu rồi đây. Rồi ông hào hứng kể về cái đề tài khoa học mà ông đã bỏ ra bao nhiêu tâm huyết và không ít công sức để đeo đuổi nó hàng mấy năm trời. Ông đang khao khát nó sẽ mau chóng trở thành hiện thực thì nay lại có thêm ba kỹ sư cơ khí mà ông tin tưởng rằng sẽ có đủ trình độ và lòng nhiệt huyết giúp ông hoàn thành một công trình khoa học xứng tầm quốc gia. Nghĩ tới đó, ông cảm thấy phấn chấn vô cùng. Cách nói chuyện cởi mở chân tình cùng với cái ngọn lửa nhiệt huyết của ông dường như đã kích thích niềm say mê khoa học vốn đã có sẵn trong con người ba chàng thanh niên kia. Họ cứ chăm chú lắng nghe và thấy được ở ông một sự gần gũi dễ chia sẻ như đối với người cha của mình. Cho nên, lâu lâu họ lại thêm vào những ý kiến đã học được từ trong nhà trường, điều đó càng làm cho ông Năm thêm hào hứng. Ông càng lúc càng tỏ ra hài lòng thích thú với ba kỹ sư trẻ đầy nhiệt huyết này. Câu chuyện đang rôm rả thì chị giúp việc lại xuất hiện báo đã chuẩn bị xong chỗ nghỉ. Lúc này, ông vui vẻ, đổi cách xưng hô thân mật hơn với ba chàng thanh niên: - Được rồi. Bây giờ các cháu đi theo chị Ba nhận phòng rồi tắm rửa cho mát. Chú hẹn các cháu nửa tiếng sau, chú sẽ cho người đưa xe cơ quan đến chở các cháu đi nhậu với chú. Hôm nay chú bao. Coi như bữa tiệc ăn mừng các cháu về đây công tác nhé. Ba chàng thanh niên hớn hở vâng dạ rối rít mà lòng cảm thấy ở người lãnh đạo này một sự chu đáo tuyệt vời. (còn nữa) Ngày 8 tháng 6 năm 2015 Nguyễn Phương |
|
└(≣) HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA cách đây 9 năm, 9 tháng #16423
|
Nguyễn Phương ơi!
Rồi sao nữa? Thầy cô và các bạn đang chờ bài của em. Hay lắm! lời văn mạch lạc, lôi cuốn ; nhận xét thực tiễn sống động. Cám ơn em. TC 12.6.15 |
|
└(≣) HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA cách đây 9 năm, 9 tháng #16444
|
Cảm ơn Thầy Cô và các bạn rất nhiều. Em đang chuẩn bị cho một chuyến du lịch dài ngày nên cũng khá bận rộn. Lại thêm nhiều buổi tiệc, hết chia tay rồi lại họp mặt, xỉn quá mất hết ý tứ để viết. Em ráng viết thêm phần 2, đến phần 3, chắc khi qua Mỹ về em mới viết tiếp, xin Thầy Cô và các bạn hết sức thông cảm. Một lần nữa em xin chân thành cảm ơn Thầy Cô cùng tất cả bạn đọc.
HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA Nguyễn Phương Phần II: Vệt sáng lạ kỳ Một tuần sau, ông Năm chính thức thành lập nhóm thực hiện đề tài khoa học gồm có sáu người. Trong đó có ba kỹ sư trẻ mới ra trường là Nam, Trung, Tiến và ba thành viên ưu tú của khoa cơ khí Trường Công nhân kỹ thuật có nhiều năm kinh nghiệm thực tế đó là chú Sáu, trưởng khoa; cùng với Sơn và Thanh, giáo viên kỳ cựu của trường. Sau khi triển khai chi tiết đề tài khoa học của mình và tập huấn cẩn thận cho các kỹ sư xong, ông Năm phân công chú Sáu làm nhóm trưởng dẫn đầu cả nhóm lên đường làm nhiệm vụ với một niềm tin sẽ thành công mỹ mãn. Sáng sớm tinh mơ, chiếc Toyota bảy chỗ của cơ quan mới mua còn bóng loáng chở cả nhóm theo quốc lộ 80 tiến thẳng xuống huyện Tân Hiệp. Chiếc xe vất vả vượt qua đoạn đường loang lỡ đầy ổ gà, ổ voi, vết tích của trận lụt mùa hè năm ngoái còn để lại, nên phải mất gần một tiếng đồng hồ cho đoạn đường chỉ hơn ba mươi cây số. Lúc xe vừa đến thị trấn, Nam thấy đói bụng quá bèn đề nghị: - Mình xuống đây ăn sáng rồi hãy đến nhà máy chú Sáu ơi! Chú Sáu có hơn ba mươi năm trong nghề, năm nay cũng đã gần tới tuổi nghỉ hưu nhưng chú vẫn còn nhiệt tình và vui tính lắm. Chú thường đi công tác ở huyện Tân Hiệp nên địa bàn ở đây chú rất rành. Biết mấy kỹ sư trẻ này đang đói bụng, chú quay xuống hàng ghế sau cười xuề xòa, giọng vui vẻ : - Cứ yên tâm đi. Tôi không để các cậu nhịn đói đâu mà lo. Ở thị trấn này có hai quán cơm tấm nổi tiếng của hai chị em, mấy cậu ăn là ghiền luôn. Quán bên chợ này là của cô chị. Nhưng tôi muốn đưa mấy cậu sang bên kia cống Tân Hiệp, ăn quán của cô em, gần nhà máy xay lúa để trong thời gian làm việc ở đây các cậu biết mà tới đó ăn cho tiện. Rồi chú Sáu nhìn Nam mỉm cười nói tiếp: - Cô chủ quán này rất đẹp mà cũng vui vẻ lắm à nghen! Cậu mà “cưa” được thì ăn cơm miễn phí luôn đó anh chàng đẹp trai ạ. Nói xong chú Sáu phá lên cười sảng khoái làm Nam hơi sượng sùng vì nhận ra lời đề nghị của mình lúc nãy bộp chộp quá. Xuống Rạch Giá được một tuần, Nam nhận ra người miền Tây vui vẻ, xởi lởi thật dễ gần. Ở họ, rất tự nhiên trong cách ăn nói, không hề có sự câu nệ, khách sáo, rào trước đón sau; và cũng rất hào phóng trong giao tiếp, không hề có sự toan tính thiệt hơn. Quả đúng như chú Sáu nói. Cơm tấm ở đây ngon tuyệt. Cũng một cọng sườn non nướng, vài gắp bì trộn thính với miếng chả trứng cùng vài lát dưa leo, mấy miếng dưa chua rồi chan mỡ hành lên nhưng sao mà mùi vị đặc biệt đến khó quên! Nam đã từng thưởng thức nhiều quán cơm tấm ở Sài Gòn nhưng chưa có quán nào để lại một dư vị tuyệt vời như vậy. Cọng sườn non vừa mềm vừa thơm, nhai được cả miếng sụn kêu rào rạo trong khoang miệng; rõ ràng da heo mới luộc sắt sợi trộn với thính ăn vừa giòn vừa béo chứ không phải loại da heo khô mua sẵn ở ngoài chợ ăn cứ sáp sàm sạp; miếng chả có lớp trứng vàng ươm trên bề mặt, được bàn tay khéo léo của người đầu bếp cắt thành hình thoi dầy độ vài phân lộ ra những sợi nấm mèo trông thật hấp dẫn; dưa leo tươi xanh sắt lát mỏng sắp lên trên cùng với vài cọng dưa rau muống đồng chua nhẹ, ngọt thanh, không gắt ăn giòn sụm; mỡ hành được điểm qua trên mặt đĩa trông vừa bắt mắt lại vừa thơm ngon. Nhưng có lẽ cái đặc biệt của cơm tấm Tân Hiệp chính là những hạt tấm nhuyễn đều, trắng mịn được hấp chín rất khéo của người đầu bếp. Những hạt cơm tấm mềm mại, tơi xốp còn nghi ngút khói ấy thiết nghĩ chỉ cần có thêm vài sợi bì rồi chan nước mắm chua ngọt cùng với ít mỡ hành thôi là cũng đủ để thưởng thức tuyệt vời. Cả nhóm vừa thưởng thức món điểm tâm ngon vừa bàn về những công việc mà họ phải làm trong những ngày sắp tới. Bên trong, cô chủ quán còn rất trẻ cũng đang chú ý đến câu chuyện của họ từ nãy tới giờ. Không phải là cô cố ý tò mò gì ở họ. Ở cái thị trấn nhỏ bé này cô thuộc từng gương mặt những người thường đến đây ăn sáng. Hôm nay, thấy một nhóm người lạ bước xuống từ chiếc xe hơi, cô biết đây là khách vãng lai. Lúc đầu, cô cũng chẳng mấy quan tâm vì khách qua đường hàng ngày vẫn ghé qua đây ăn sáng. Nhưng hôm nay cô đặc biệt chú ý đến câu chuyện của họ có liên quan đến nhà máy xay lúa ở gần đó. Cô nghĩ nếu nhà máy xay lúa này hoạt động trở lại thì khu vực này sẽ sầm uất hẳn lên, bao nhiêu người đến đây làm việc họ sẽ đến quán này mà ăn. Khi đó quán cơm của cô chắc sẽ bán đắt hơn nữa. Lúc cô bước ra tính tiền, Nam ngẩng lên rồi chợt ngây người ra vì bắt gặp ánh mắt của cô chủ quán rất đỗi duyên dáng cũng đang nhìn mình. Anh hơi lúng túng vì cái nhìn đầy thiện cảm ấy. Anh nghĩ đến câu nói đùa của chú Sáu lúc nãy : “Cô chủ quán này rất đẹp mà cũng vui vẻ lắm à nghen! Cậu mà “cưa” được thì ăn cơm miễn phí luôn đó anh chàng đẹp trai ạ.”. Không cần phải ăn miễn phí. Gặp người đẹp như thế này mà cơm tấm lại ngon như thế kia thì cho dù nếu có phải chi hết cả tháng lương, anh cũng sẵn sàng ngồi đây mỗi buổi sáng để vừa được điểm tâm ngon miệng lại vừa được ngắm người đẹp. Nghĩ thế, anh chợt mỉm cười; rồi với một dáng điệu hết sức vụng về, giọng ấp a ấp úng giống như bị cà lăm, anh nói với cô một câu trước khi bước nhanh ra khỏi quán: - Cơm… cơm ngon quá! Ngày mai…mai tụi tôi lại đến đây ăn nữa nghen! Cô gái hơi bẽn lẽn trả lời: - Rất hân hạnh được các anh đến ủng hộ quán của em. Cả nhóm ra xe. Chú Sáu khoác vai Nam, nói nhỏ gì vào tai anh mà trông anh có vẻ sượng sùng lắm. Rồi chú tự mở cửa, bước vào, ngồi cạnh tài xế, yêu cầu chạy thẳng về phía nhà máy. Về tổng quan, nhà máy này được thiết kế giống như kiểu nhà xưởng. Hầu hết được lắp ghép bằng tôn, mái lợp bằng fibro xi măng cao nhưng lơi chứ không xuôi như những căn nhà bình thường. Giữa phần mái và phần vách có một khoảng trống rộng để cho không khí lùa vào nhằm giải nhiệt ở bên trong. Mái vươn dài ra ngoài vách khá xa để tránh mưa hắt vào khoảng trống đó. Phía trước nhà máy là quốc lộ 80, phía sau là cánh đồng lúa bạt ngàn, hai bên có hai cái ao dài hàng mấy chục mét, tre mọc dày đặc chạy dọc theo bờ ao, sát cạnh nhà máy. Vì nhà máy đã bỏ hoang mấy năm nay nên chính hai hàng tre dày đặc này càng làm cho không khí ở đây trở nên âm u, tịch mịch ngay cả giữa ban ngày. Cả nhóm đang quan sát ở bên ngoài nhà máy thì từ bên kia đường, một người đàn ông đã luống tuổi, cởi trần, nước da đen xạm, người hom hem nhưng trông vẫn còn gân guốc lắm, mặc mỗi cái quần tà lỏn nhăn nhúm, ống quần quăn lên đến tận bẹn, tay cầm một xâu chìa khóa, chạy băng sang đường gặp chúng tôi cười hớn hở để lộ cái hàm răng mất hết hàng tiền đạo trông móm mém thật hài hước, đon đả chào: - Mấy chú là những nhà khoa học phải không? Tui nghe nói mấy chú xuống đây để chế tạo máy mới chạy bằng trấu? Trấu mà cũng đổ vô cho máy chạy được! Mấy chú thiệt là tài quá đó nghen!. Trong lúc xăng dầu khan hiếm mà mấy chú làm được như vậy chẳng khác nào là những vị cứu tinh cho nhà máy. Tui là bảo vệ ở đây từ thời ông chủ cũ. Sau giải phóng, nhà nước tiếp thu vẫn nhờ tôi trông coi nhà máy này. Sau lời xã giao vui vẻ, chân chất có phần ngây ngô đó, mặt bác đột nhiên chùng xuống đầy vẻ ưu tư, vừa đưa những người mà bác cho là “những nhà khoa học” đến trước cánh cửa khổng lồ của nhà máy vừa nói: - Tui đã gắn bó với cái nhà máy này bao nhiêu năm trời, đã quen với tiếng ồn của nó, nay thấy nó nằm một đống uổng quá mấy chú ơi! Mấy chú về đây cứu nó sống lại tui mừng lắm. Rồi bác bảo vệ tra chìa khóa vào ổ khóa mở cửa. Cánh cửa nặng trịch như giận dỗi không muốn bật ra vì quá lâu ngày nó không được ai chăm sóc. Cả nhóm bước tới phụ bác, hì hục một lúc nó mới chịu bật tung ra. Trong nhà máy, mùi ẩm mốc bốc lên nồng nặc. Trên trần, màng nhện giăng chằng chịt, bụi trấu dính trên màng nhện, vương vãi khắp nơi. Dây curoa cũ cùng các vật liệu đã qua sử dụng từ bộ phận xay sát vứt tứ tung trong nhà máy. Tuy nhiên, các bộ phận máy móc hệ thống dây truyền vận hành của nhà máy vẫn nằm yên như cũ, không hề có dấu hiệu tháo gỡ. Bác bảo vệ quay qua nói với chú Sáu: - Bây giờ chỉ cần lau chùi lại toàn bộ hệ thống, rồi đổ dầu cho cái máy đằng kia khởi động là tất cả guồng máy này sẽ vận hành như cũ. Máy còn mới đó chú. Ông chủ cũ xài chưa được bao lâu thì nhà nước mình tiếp quản. Chú Sáu gật gù tỏ vẻ đồng ý với nhận xét của bác bảo vệ rồi đi một vòng xem xét kỹ từng bộ phận của nhà máy. Đột nhiên chú Sáu dừng lại rồi chỉ vào một góc của nhà máy, hỏi bác bảo vệ: - Hình như là cái miếu thờ phải không bác? - Ừ, linh lắm đó nghen. Chỗ đất này trước đây có nhiều mồ mả lắm. Ông chủ sang lại, cho bốc mộ đi rồi xây dựng nhà máy xay lúa. Nghe đâu hồi đó bốc mộ không hết, ở dưới còn xương người. Ông chủ làm ăn bị tai nạn liên tục, phất lên không nổi, ổng mới lập miếu thờ. Từ đó không thấy hồn về phá phách nữa, ổng làm ăn mới lên. Nghe đến đó chú Sáu gạt phắc đi: - Thôi! Thôi! Ngày mai, bác dẹp cái miếu này dùm tôi nghe! Nhà máy xay lúa mà để thù lù cái miếu ở đó coi sao được. - Không được đâu chú ơi! Tui ở đây lâu năm tui biết mà! Thấy bác bảo vệ có ý cãi lại mình, chú Sáu gắt: - Bác không dẹp thì tôi dẹp! Có gì tôi chịu. Bác bảo vệ miễn cưỡng bước ra, gương mặt không còn có vẻ hài hước như lúc nãy nữa. Vì một tuần cả nhóm mới được về Rạch Giá có một lần vào ngày chủ nhật nên họ được bố trí ăn ở ngay trong nhà máy xay lúa này. Buổi sáng hôm ấy, chú Sáu cho các kỹ sư trẻ cùng với Sơn và Thanh sắp xếp chỗ ăn nghỉ trong một thời gian dài ở đây. Một góc nhà máy, phía đối diện với cái miếu thờ, lập tức được dọn dẹp sạch sẽ để kê sáu cái giường đơn cũ vừa mới được chở từ nhà kho của phòng lương thực huyện sang. Sáu cái giường nằm song song, mỗi giường cách nhau một khoảng hẹp vừa đủ người đi để khi ban đêm ai có nhu cầu ra ngoài cũng không ảnh hưởng đến giấc ngủ của người khác. Hành lý, đồ dùng cá nhân của người nào thì được để ngay trên đầu giường của người ấy. Cái bếp dã chiến cũng được dựng lên bằng những tấm tôn cũ ngay ở phía sau nhà máy, gần cái ống phun trấu. Buổi chiều, chú Sáu tập họp cả nhóm lại để triển khai công tác. Mỗi người ngồi ngay trên chiếc giường của mình để họp. Cuộc họp chỉ có sáu người, tính luôn cả nhóm trưởng, nhưng vẫn diễn ra rất bài bản và nghiêm túc. Chú Sáu lên kế hoạch, đề ra tiến độ cho từng khâu cải tiến kỹ thuật và dựa vào chuyên môn của các kỹ sư mà phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Sau khi đã trình bày hết kế hoạch làm việc và thấy các kỹ sư đều đã thống nhất với sự phân công của mình, chú Sáu tuyên bố: - Nếu các cậu không còn ý kiến gì nữa thì coi như cuộc họp kết thúc ở đây. Từ sáng tới giờ các cậu dọn dẹp chỗ nghỉ chắc cũng đã mệt rồi, ngày mai ta hãy bắt đầu tổ chức nấu ăn. Chiều nay, mình ra thị trấn coi có cái gì dùng tạm, rồi mua sắm ít đồ dùng cần thiết cho việc nấu ăn trong những ngày sắp tới. Buổi tối, các cậu có thể đi uống cà phê hoặc đi loanh quanh đâu đó chơi một chút rồi về ngủ, ở dưới quê này không ai thức khuya đâu. Chín giờ là tôi đóng cửa đấy. Một ngày trôi qua, chú Sáu cảm thấy hài lòng vì công việc diễn ra thật suôn sẻ. Màn đêm buông xuống, không khí ở thôn quê trở nên tĩnh mịch lạ thường. Tiếng ếch nhái ễnh ương như một bản hòa ca ai oán từ ngoài đồng vọng vào nghe thật não nuột. Thỉnh thoảng, lại vang lên tiếng cành cạch khô khốc của cành tre đập vào tấm lợp fibro xi măng của nhà máy. Nam cảm thấy khó ngủ. Không phải vì anh bị ám ảnh bởi câu chuyện của bác bảo vệ kể hồi sáng mà vì những âm thanh khác lạ ở thôn quê và cái giường cũ ọp ẹp cứ mỗi lần trở mình là lại kêu lên răng rắc làm anh khó chịu. Thêm nữa, cái quạt máy vừa mới mua hồi chiều mở hết tốc lực cho quay qua quay lại cũng không đủ mát cho cả sáu cái giường buông mùng kín mít. Bước ra ngoài thì muỗi cắn, chui vào mùng thì nóng nực, anh ngồi nhìn mọi người ngủ ngon lành mà phát thèm. Lúc này anh mới thực sự cảm nhận được cái thiệt thòi của người chỉ sống trong sự nuông chiều với chăn ấm niệm êm. Quả thật vậy, trong ba chàng ở Sài Gòn về đây công tác thì chỉ có Nam là sung sướng nhất. Anh được sinh ra và lớn lên trong một gia đình trí thức ở Sài Gòn. Anh học rất giỏi và cũng được cha mẹ chăm sóc rất chu đáo. Vào đại học, anh cũng chưa từng nếm mùi cơm sinh viên và cảnh sống trong ký túc xá. Tiến thì ở mãi trên Thủ Đức, nhà anh cũng làm ruộng nên đã quen với không khí ở nông thôn. Trung thì nhà nghèo phải bươn chải từ bé nên cảnh sống trong ký túc xá đối với anh còn tốt hơn cả ở nhà. Còn chú Sáu cùng với Sơn và Thanh đã từng nhiều năm lăn lộn với thực tế trong những lần đi công tác nên những tiếng động ở đây đêm nay không hề ảnh hưởng đến giấc ngủ của họ. Nam lại nằm xuống tự nhủ lòng mình: Phải cố gắng dỗ giấc ngủ mới được, nếu cứ thức cả đêm như thế này thì sáng mai làm sao mà làm việc nổi. Rồi anh chợt nhớ đến một phương pháp dỗ giấc ngủ mà anh đã tình cờ đọc được trong một tờ báo nào đó: nằm ngửa mặt lên trần, thả lỏng toàn thân, mắt nhắm lại rồi đếm thầm từ một đến mười, cứ thế mà lặp đi lặp lại hoài như những câu kinh thì sẽ ngủ được. Và anh làm y như vậy. Nhưng cứ mỗi lần anh thiu thiu ngủ thì lại bị âm thanh ầm ầm của một chiếc xe chạy vụt qua ngoài đường, sát cạnh nhà máy làm anh thức giấc. Trong lúc không ngủ được, anh lại chú ý tới tiếng xe, anh nhận ra cái âm thanh này luôn theo một quy luật nhất định: lúc đầu là tiếng ì ầm rất nhỏ, rồi từ từ nó cứ lớn dần, lớn dần, càng lúc nhịp độ càng nhanh hơn, rồi ầm ầm rung chuyển cả mặt đất, vụt qua rất nhanh, rồi lại nhỏ dần, nhỏ dần cho đến khi mất hút. Đó là chu kỳ âm thanh của một chiếc xe chạy qua. Lúc này, anh không đếm từ một đến mười nữa. Tự nhiên anh có cái thú đếm số lượt chiếc xe chạy ngang qua đây. Một chiếc…hai chiếc…ba chiếc. Anh đếm được cả chục chiếc rồi mà vẫn chưa ngủ được. Rồi có một âm thanh ầm ì rất lớn, nó chưa đến độ gần nhất mà anh đã cảm nhận được sự rung chuyển rất mạnh. Lúc xe sắp đến gần, anh mở mắt ra và giật thót người lên khi nhìn thấy có một vệt sáng lóe lên từ bên trong cái miếu. Anh chưa kịp định thần thì ánh sáng ấy vụt tắt cùng với tiếng động cơ ầm ầm, chắc là của chiếc xe vận tải hạng nặng vừa mới chạy vụt qua đây. Anh ngồi hẳn lên, dựa lưng vào vách, chăm chăm nhìn về phía cái miếu. Dưới ánh đèn ngủ lờ mờ, tuyệt nhiên anh không hề thấy có một dấu hiệu khác thường nào ở cái miếu đó nữa. Chẳng lẽ hồi chiều bác bảo vệ vào thắp nhang trước khi phải dỡ bỏ cái miếu này vào sáng ngày mai theo yêu cầu của chú Sáu. Mà nếu có thắp nhang đi nữa thì nó cũng không thể phát sáng lóe lên chói lòa như vậy được. Hay là mình hoa mắt. Không. Mình rất tỉnh táo đây mà. Anh lại nằm xuống mà đầu óc cứ suy nghĩ mông lung. Càng về khuya, tiếng xe vút qua có thưa dần một chút nhưng thêm vào đó lại là những âm thanh ma quái nghe như từ ở thế giới âm ti vọng về, chen lẫn nhau rót vào tai Nam: tiếng chó tru văng vẳng từ xa nghe đến rợn người; tiếng gió rít lên qua khe hở thông gió của nhà máy nghe như tiếng hú của loài quỹ dữ trong những phim kinh dị; tiếng cành cạch của cành tre bị gió đưa đập vào tấm lợp fibro xi măng trên nóc nhà máy nghe như tiếng gõ cửa của những oan hồn; tiếng mèo kêu ngoài bụi tre bên hông nhà máy nghe như tiếng trẻ con khóc một cách ai oán, thê lương. Tất cả những âm thanh ma quái ấy đã đưa Nam vào một thế giới huyền hoặc. Và Nam cũng đã thiếp đi trong cái thế giới huyền hoặc ấy. Bỗng một luồng gió lạnh toát lướt qua làm Nam giật mình thức giấc. Quái lạ. Vừa lúc nãy trời nóng bức anh muốn ngạt thở trong cái mùng vải này mà sao bây giờ ở đâu ra cái không khí lạnh gai người như vậy? Anh lại ngồi bật dậy và kinh ngạc khi nhìn thấy một bóng người ngồi lù lù trên cái ghế để gần cửa. Anh dụi mắt nhìn thật kỹ. Bóng người ấy mặt quay về phía cái miếu và cứ đăm đăm nhìn về phía ấy. Anh thấy dáng quen quen. Hơi nghi nghi, anh quay qua bên cạnh nhìn giường của Tiến. Không thấy cậu ta nằm ở đó, anh quay lại nhìn kỹ người ngồi trên cái ghế một lần nữa. Đúng là Tiến thật rồi. Cậu ta ngồi đó làm gì giờ này nhỉ? Nam giở mùng bước ra. Nghe tiếng động, Tiến quay lại. Thấy Nam, cậu ta đưa một ngón trỏ lên môi ra dấu im lặng, tay kia ngoắc ngoắc ra dấu cho Nam tiến tới. Khi Nam đã tới gần, cậu ta kéo Nam cúi xuống rồi nói thì thầm vào tai: - Mày nhìn cái miếu đằng kia xem. Lâu lâu nó lại phát sáng lên đấy. Nam cũng thì thào: - Hồi nãy tao cũng thấy một lần, nó xuất hiện cùng với chiếc xe chạy ngang qua đây rồi biến mất, nhưng khi tao ngồi hẳn lên quan sát thì không thấy nữa. - Vậy hả? Khi ngồi trên giường, tao cũng thấy nó xuất hiện hai lần cùng với hai chuyến xe chạy qua. Nhưng từ khi ra đây ngồi, đã hơn mười lăm phút rồi và cũng đã có mấy chuyến xe chạy qua nhưng tao cũng không thấy nó phát sáng lên nữa. Nam nửa quỳ nửa ngồi sát bên cạnh Tiến, hai tay đặt lên đùi của Tiến cũng chăm chăm nhìn về phía cái miếu một cách bất động. Một luồng gió lạnh nữa từ chỗ thông hơi của nhà máy trên trần nhà tràn xuống. Gió rít lên mỗi lúc càng mạnh hơn. Hàng tre xào xạc quất liên hồi vào nhà máy. Rồi có tiếng lộp bộp trên mái nhà. Lúc đầu thì thưa thớt nhưng chỉ dăm phút sau, trở thành tiếng rào rào dữ dội, một trận mưa như trút nước đổ ụp xuống không gian tĩnh mịch giữa đêm khuya. Lúc bấy giờ không còn nghe được âm thanh nào nữa ngoài tiếng sấm nổ đì đùng cùng tiếng mưa xối xả ào ào trên nóc nhà máy. Nam rùng mình đứng dậy kéo Tiến về giường ngủ, chẳng ai nói với ai một lời nào nhưng trong tâm trí mỗi người đều có những suy nghĩ vu vơ. (còn nữa) Ngày 14 tháng 6 năm 2015 Nguyễn Phương |
|
└(≣) HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA cách đây 9 năm, 8 tháng #16770
|
HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA
(Truyện kinh dị) Nguyễn Phương Phần III: Cái chết bất ngờ Trời đã sáng hẳn. Ánh nắng chiếu qua hàng tre, lọt vào khe cửa sổ còn đang mở hẹp tạo thành một vệt dài cắt qua cái mùng duy nhất còn buông kín mít. Chú Sáu bước tới, giở mùng lên, vỗ vỗ vào mông Nam: - Thôi, thức dậy đi chàng công tử bột! Sáng bét rồi. Nam tỉnh giấc, choàng người ngồi dậy, lấy tay dụi mắt vì chói nắng, vươn vai một cái rồi chui ra khỏi mùng. Anh nhìn quanh. Cả năm cái giường đã gấp chăn màn rất cẩn thận từ hồi nào. Thấy chú Sáu nhìn mình có vẻ nghiêm khắc, anh phân trần: - Tối hôm qua cháu ngủ không được, gần sáng mới chợp mắt được một chút. Chú Sáu mỉm cười thông cảm: - Làm sao mà ngủ không được? Nhớ cô bán cơm tấm rồi phải không? Có muốn đi thăm cô bán cơm tấm thì mau mà đánh răng, rửa mặt cho lẹ lên. Tụi nó đi ăn sáng hết rồi đó. Nhắc đến cô bán cơm tấm, Nam chạy vội ra phía sau vệ sinh cá nhân rồi sửa soạn đi điểm tâm sáng trong khi chú Sáu đang chờ ở ngoài cổng. Lúc anh quay người về phía cái gương treo trên vách chải đầu, anh có cảm giác như có ai nhìn mình từ phía sau lưng, rồi từ từ lại thấy lạnh ở sau gáy. Anh sực nhớ tới hiện tượng lạ lùng đêm qua, vội liếc nhìn cái miếu và hết sức ngạc nhiên vì không còn thấy cái miếu ở đó nữa. Anh bước tới góc nhà máy, ngay vị trí cái miếu, cúi xuống quan sát. Sốt ruột vì phải đợi lâu, chú Sáu bực mình lại quay trở vào thì thấy Nam cứ dáo dác ở góc nhà máy, chú liền hỏi lớn: - Cậu tìm cái gì ở đó vậy? - Cái miếu ở đây ngày hôm qua ai dọn đi đâu rồi hả chú? - Tao đập hồi hừng đông rồi. Tụi nó dọn dẹp xong rồi mới đi ăn sáng đó. Cậu còn lớ quớ ở đó làm gì nữa, tôi đói bụng dữ lắm rồi đó nghe! Ê, ê, coi chừng còn mảnh kiếng bể đó nghe! Hồi sáng, lúc dọn dẹp, thằng Thanh nó bị đứt tay đó. Nam giật mình, linh cảm như có điều gì không hay sắp xảy ra, cứ đứng xớ rớ chỗ cái miếu mà không để ý gì đến thái độ bực bội của chú Sáu khi anh phải bắt chú chờ từ sáng sớm tới giờ. Với dáng dấp thư sinh, lại hiền lành, thông minh, Nam được chú Sáu đặc biệt quý mến. Hồi sáng, lúc mọi người đều thức, thấy Nam vẫn ngủ ngon lành, chú Sáu nhắc mọi người đừng đánh thức Nam dậy, cứ để cậu ngủ thêm tí nữa cho đẫy giấc. Thế mà bây giờ cậu lại tỏ ra xem thường chú như vậy. Đến lúc này, lòng tự trọng đã trỗi dậy lấn át đi tình cảm riêng tư, buộc chú phải gắt lên: - Cậu cứ ở đó đi nghen! Tôi đi ăn sáng đây. Đúng tám giờ phải có mặt để bắt tay vào việc đó! Thấy chú Sáu tỏ ra nóng giận khác thường, Nam vội đóng cửa rồi chạy theo cái lưng khum khum đang rảo bước rất nhanh về phía cái quán cơm tấm. Vừa thấy Nam và chú Sáu bước vào, cô chủ quán đon đả, nhẻn miệng cười nói với chú Sáu như nói người thân nhưng lại bẽn lẽn liếc nhìn Nam với vẻ thẹn thùng: - Chào chú! Sáng nay có mấy anh đi với chú ngày hôm qua tới đây ăn sớm lắm. Ngồi đợi mãi không thấy chú tới, mấy ảnh ăn xong, cũng mới vừa đi đó chú. - Cũng tại cậu này nè. Sáng ngủ nướng, tôi đánh thức dậy còn lề mề, tới giờ mới chịu đi. Lúc này, khi lại nhìn thấy cô chủ quán, Nam không còn bận tâm đến chuyện lạ lùng tối qua nữa mà chỉ thấy mình có lỗi với chú Sáu vô cùng. Anh không còn có lời lẽ nào để bào chữa cho sự lề mề của mình nữa. Trước mắt anh bây giờ là một cô gái đẹp mê hồn. Hôm nay, anh mới có dịp nhìn kỹ. Cô mặc chiếc áo bà ba màu xanh nhạt với chiếc quần sa tanh màu đen giản dị. Chiếc áo bó sát người vừa kín đáo lại vừa vẽ nên những đường cong thật hấp dẫn trên thân thể của cô. Cúc áo cài sát tận cổ che kín phần ngực nhô cao, làn vải lượn một cách duyên dáng qua cái eo thon thả rồi buông lơi xuống hai vạt áo mềm mại. Mái tóc dài, mượt mà được cô chải hẳn về một bên vai để lộ ra một nửa gương mặt xinh xắn với chiếc cổ nõn nà, trắng muốt như nhành hoa lan đang khoe sắc thắm. Tất cả đã tôn lên được vẻ đẹp thánh thiện của một cô thôn nữ đang đến độ xuân thì. Bữa sáng hôm ấy, chú Sáu cười thầm khi thấy cả hai cùng lúng túng. Bọn trẻ bây giờ lạ thật. Mới gặp ngày hôm qua, chúng đã biết gì về nhau đâu mà sao tỏ ra có cảm tình với nhau quá nhỉ? Dường như chúng nói chuyện với nhau bằng mắt. Nhìn thấy cử chỉ vụng về, lời nói ấp úng của cả hai, chú Sáu biết tỏng hai cô cậu này “tình trong như đã, mặt ngoài còn e” rồi. Ngày đầu tiên bắt tay vào công việc, chú Sáu chỉ đạo cho xây cái lò trấu để dùng nhiệt năng tạo ra áp suất cho động cơ hoạt động. Để khi đốt khói bụi không tràn vào trong nhà máy, chú Sáu cho tháo giở một mảng vách phía bên phải của nhà máy khoảng vài mét vuông, đưa một phần của lò đốt ra ngoài rồi cho xây bịt kín lại. Ống khói của lò đốt cũng được thiết kế ở bên ngoài, vươn cao qua nóc nhà máy. Ở vị trí này, miệng lò gần cái ống phun trấu phía sau nhà máy và cũng còn cách cái ao bên hông nhà máy hơn ba mét nên cũng rất tiện cho người đảm nhiệm công việc đốt lò. Chiều hôm đó, khi công việc bước đầu đã tạm ổn, cả nhóm băng qua lộ, xuống chiếc cầu gần nhà bác bảo vệ thả mình trên dòng sông Cái Sắn đùa giỡn như một lũ trẻ con. Lúc mọi người đã lên hết, Tiến thấy Nam đang một mình gội đầu trên chiếc cầu, liền bơi đến hỏi nhỏ: - Hồi sáng, lúc đi ăn cơm với chú Sáu, mày có kể với chú ấy chuyện tụi mình thấy đêm qua không? Nam hụp xuống nước vội vò vò cái đầu cho bớt xà phòng rồi ngẩng lên vừa vuốt mặt vừa trả lời Tiến: - Tao đâu dám nói. Nói ra chỉ tổ để cho ổng cười mình thôi. Ổng không tin chuyện ma quỷ đâu. Mày không thấy ổng phản ứng rất gay gắt với bác bảo vệ ngày hôm qua sao? - Mà tao cũng thấy lạ. Quái quỷ thật! Tự nhiên cái miếu lại phát sáng lên giữa đêm khuya như vậy! Nam thì thầm: - Tao có cảm giác như có người nào đó ở trong cái nhà máy này Tiến à. Tối qua, không ngủ được, tao nghe thấy rất nhiều tiếng động lạ. Dường như có cả tiếng chân người đi lại, dọn dẹp ở phía sau nhà máy, chỗ cái bếp. Hồi sáng, cả nhà đi hết, chú Sáu cũng đã bước ra ngoài đường, lúc tao soi gương chải đầu, rõ ràng tao thấy có bóng người thoáng qua ở phía sau lưng, nhưng khi tao quay lại thì chẳng thấy ai cả. Rồi tao mới phát hiện ra cái miếu đã bị đập bỏ. À, mày có tham gia vào chuyện đập cái miếu đó không? - Không. Tao nghe tiếng động mới thức dậy thì đã thấy mấy ổng hì hục dọn dẹp hết sạch rồi. Nghe nói, anh Thanh bị đứt tay vì mảnh kiếng cắt phải đấy. Trong cái miếu sao lại có tấm kiếng nhỉ? - Ai biết được. Biết đâu người ta dùng để trừ khử tà ma. - Tụi mày tính ngâm mình dưới đó tới chừng nào nữa. Mọi người đang đợi về ăn cơm kìa! Tiếng anh Sơn gọi lớn từ phía bên kia đường làm Nam và Tiến giật mình vội vàng lên bờ, chạy về thay quần áo rồi vào ăn cơm cùng với mọi người. Đêm nay, chắc mọi người đã thấm mệt vì một ngày làm việc cật lực nên chẳng ai muốn ra thị trấn uống cà phê nghe nhạc nữa. Ăn xong, các cậu trở về giường của mình. Kẻ thì đọc sách, người thì vắt tay lên trán suy nghĩ bâng quơ, chẳng ai nói với ai một lời nào. Chú Sáu lẳng lặng châm nước từ cái bình thủy ra pha trà. Ngồi nhâm nhi ly trà, phì phèo cùng điếu thuốc, chú Sáu thấy không khí buồn tẻ quá, bèn đề nghị: - Tôi có bộ bài, các cậu có muốn chơi Tiến lên không? Dường như đề nghị của chú Sáu đã gãi đúng chỗ ngứa của ba kỹ sư trẻ cùng hai giáo viên cơ khí của trường Công nhân kỹ thuật nên tất cả họ đều ngồi bật dậy, nhao nhao đòi được chơi bài. Không khí hào hứng, vui nhộn hẳn lên. Chú Sáu ưu tiên cho Nam, Trung và Tiến chơi với chú trước. Ai thua phải ra ngoài cho Sơn và Thanh vào chơi, cứ thế mà xoay vòng. Tuy nhiên, vừa chơi được vài ván, Nam buồn ngủ quá, xin phép được đi ngủ trước. Về giường của mình, buông mùng xuống, Nam hy vọng đêm nay sẽ không còn mất ngủ như đêm qua nữa vì đã phần nào quen với không khí ở thôn quê. Hơn nữa cái miếu cũng đã dọn đi rồi nên sẽ không còn vệt sáng nào phát ra từ chỗ đó được nữa. Ngay vị trí cái miếu hôm qua, chính là cái bàn với sáu cái ghế mà anh cùng với cả nhóm ngồi ăn cơm trưa và chiều nay. Và ngay bây giờ họ cũng đang ngồi đó đánh bài. Anh yên tâm để cho cơn ngủ đưa anh vào giấc ngủ. Cánh cửa nhà máy nặng nề bỗng hé mở, một cô gái đẹp mê hồn xuất hiện. Ơ kìa, cô bán cơm tấm! Vẫn chiếc áo bà ba màu xanh nhạt với chiếc quần sa tanh màu đen giản dị. Hẳn cô có cảm tình với mình lắm mới tìm mình lúc đêm hôm khuya khoắt thế này. Cô cứ đứng lấp ló ngoài cửa mà đưa tay ngoắc ngoắc. Nam lẳng lặng giở mùng bước ra đi theo cô gái. Cô tiến về phía bụi tre bên hông nhà máy rồi cứ đứng ở đấy mà vân vê tà áo. Dưới ánh trăng mờ mờ, trông cô đẹp như một nàng tiên. Nam say sưa ngắm vóc dáng thướt tha của cô thôn nữ với mái tóc dài, mượt mà được cô chải hẳn về một bên vai để lộ ra một nửa gương mặt xinh xắn với chiếc cổ nõn nà. Nam thấy lòng mình xốn xang và tim đập mạnh. Anh đánh bạo bước tới gần, nắm tay cô gái và hỏi giọng run run vì xúc động: - Em tên gì? Đêm hôm khuya khoắt thế này tìm anh có chuyện gì không? - Em tên Thu. Bây giờ em cô đơn lắm. Người ta bắn chết em rồi anh ơi! - Sao? Em nói gì anh không hiểu. Anh vừa ăn cơm tấm ở quán của em hồi sáng đây mà! - Không. Em tên Thu. Người ta bắn em chết rồi! Cùng lúc đó, Nam bỗng thấy tay cô gái lạnh buốt như tảng băng rồi anh rùng mình ngẩng lên. Và kinh hoàng khi trước mặt anh là một thân hình được phủ một cái áo choàng trắng toát, lơ lửng trên không trung, mình bê bết máu, tóc xỏa lòa xòa xuống bờ vai, đôi mắt xanh lè trong hai cái hốc sâu hoắm nhìn anh chằm chằm. Anh hoảng hốt vội quay lưng bỏ chạy. Nhưng cô gái đã kịp giơ cả hai bàn tay với những ngón tay xương xẩu ôm lấy cả thân hình anh mà xiết chặt. Anh giẫy giụa, thét lên trong sự sợ hãi đến tột cùng: - Cô Thu. Cô Thu. Tôi xin cô. Cô hãy buông tôi ra! Buông tôi ra! - Nam! Nam! Mày làm sao vậy? Nghe tiếng gọi văng vẳng bên tai, Nam choàng tỉnh giấc, định ngồi bật dậy. Nhưng lúc bấy giờ Trung đang giữ chặt đôi chân anh; Tiến thì nằm đè cả lên người anh mà ôm ghì lấy, không cho anh giẫy giụa. Còn chú Sáu thì đang lau mồ hôi đầm đìa trên trán anh, ướt cả chiếc khăn mặt. Mọi người đang bu quanh chiếc giường của anh. Thấy Nam đã tỉnh hẳn, chú Sáu ôn tồn: - Cậu nằm mơ thấy cái gì mà đập giường, la hét ầm ỉ vậy? Còn kêu tên cô Thu nào nữa chứ! Nằm mơ thấy nàng rồi phải không? Nhưng mà tôi biết cô bán cơm tấm đó tên Trinh chứ đâu phải tên Thu. Nam mơ hồ nghĩ đến giấc mơ vừa mới xảy ra rồi kể cho chú Sáu nghe mà không giấu được vẻ bàng hoàng: - Cháu nằm mơ thấy một người con gái xưng tên là Thu. Cô ấy nói rằng cô ấy đã bị bắn chết rồi chú ạ. Mình cô ấy còn bê bết máu. Chú Sáu tỏ ra chẳng quan tâm gì đến giấc mơ rùng rợn đó. - Chắc cậu làm việc mệt quá nên khi ngủ mà sinh ra mê sảng đó mà. Thấy sắc mặt Nam còn có vẻ lạc thần quá, chú Sáu đặt tay lên trán Nam một lúc rồi nói: - Cậu bị sốt rồi đó. Hồi chiều mới làm xong người còn đang đổ mồ hôi mà cậu lại ngâm nước dưới sông lâu quá. Để tôi lấy thuốc cho cậu uống. Nói xong, chú Sáu đi lấy thuốc và rót một ly nước rồi mang đến tận giường đưa cho Nam. Nam một tay nhận lấy những viên thuốc cho hết vào miệng, một tay đón lấy ly nước còn hơi âm ấm trên tay chú Sáu. Anh uống một hơi cạn hết ly nước, nuốt hết những viên thuốc ấy rồi đưa trả cái ly cho chú Sáu, ngoan ngoãn như một đứa bé đang được chăm sóc chu đáo: - Cháu cảm ơn chú! - Vậy là ổn rồi, cậu nằm xuống ngủ đi. Nè các cậu cũng về giường ngủ hết đi, khuya rồi, dẹp bộ bài luôn đi, tối mai mình chơi tiếp. Tất cả đều nghe lời chú Sáu về giường của mình buông mùng xuống ngủ. Công việc ngày hôm sau vẫn diễn ra bình thường sau khi chú Sáu thấy Nam đã giảm sốt. Trước khi cho động cơ chạy bằng nhiên liệu mới, chú Sáu muốn kiểm tra lại toàn bộ hệ thống xay xát. Đầu tiên chú cho các kỹ sư tháo tất cả các bộ phận của chiếc máy dầu công suất lớn, lau chùi cẩn thận, lắp ráp lại rồi cho chạy không tải thử. Khi máy đã vận hành bình thường, chú cho ráp vào hệ thống xay xát. Vấn đề là phải kiểm tra lại độ xay xát của nhà máy xem còn đạt chuẩn không. Muốn làm được việc này lại phải cần đến người thợ gằn. Người thợ này có khả năng điều chỉnh máy xay xát làm sao cho vừa phù hợp với từng loại lúa để đạt được tỷ lệ gạo, tấm, cám theo yêu cầu của người tiêu dùng; lại vừa phù hợp với công suất của nhà máy, hạn chết đến mức tối đa việc tiêu hao năng lượng một cách vô ích. Do đó, chỉ có họ mới đánh giá được chính xác tình trạng của bộ phận xay xát. Nhưng làm sao tìm được người thợ này đây. Chú Sáu sực nhớ đến bác bảo vệ. Rất may, qua bác bảo vệ, chú Sáu được biết người thợ gằn năm xưa của nhà máy này vẫn còn sống ở Tân Hiệp. Thế là, ngay trưa hôm đó chú Sáu đã nhờ Thanh mời được người thợ gằn về nhà máy. Đó là một người đàn ông khoảng ngoài năm mươi tuổi, dáng người cao ráo, trông có vẻ nhanh nhẹn lắm, đặc biệt là cánh tay phải bị khoèo, quặt hẳn khuỷu tay ra phía ngoài. Vừa bước vào nhà máy, gương mặt ông đã tỏ ra rất hớn hở như người chủ được về với ngôi nhà quen thuộc của mình. Ông đi quanh một lượt, ngắm nghía, chỉ trỏ, thuyết minh từng bộ phận của nhà máy. Rồi ông bảo trước kia chỗ này là cái bàn cho kế toán ngồi ghi sổ sách, chỗ kia là hàng ghế cho khách ngồi; cánh cửa sau là ở chỗ này, sát bên có cái lu nước mưa. Chợt ông nhìn sang góc trái của nhà máy, chỉ về phía cái bàn và sáu cái ghế mà chú Sáu vừa cho kê để ngồi ăn cơm kiêm luôn làm việc ở đó, hỏi chú Sáu: - Tôi nhớ ở chỗ đó có cái miếu mà anh? - Tôi đập bỏ rồi. Trong nhà máy ai mà để cái miếu thù lù ở đó coi sao được. - Trời! Hồi đó, ở nhà máy xay lúa này có nhiều tại nạn xảy ra. Nhờ lập miếu mới làm ăn được đó. Rồi ông giơ cánh tay khoèo của ông lên: - Anh xem nè. Tui bị dây curoa xiết lọi cả cánh tay, tới bây giờ có tật luôn đó. Chú Sáu cười thầm trong bụng: làm không cẩn thận để tai nạn xảy ra rồi đổ thừa cho ma quỷ. Để gạt phắc đi chuyện hoang đường, chú Sáu đi thẳng vào vấn đề: - Bây giờ như thế này anh nhé. Phòng lương thực huyện vừa cấp cho tôi mười giạ lúa để xay thử, tôi nhờ anh kiểm tra bộ phận xay xát xem còn tốt không? Có chỗ nào cần thay thế hay sửa chữa gì không? Mười giạ lúa này coi như tôi trả công cho anh. Sau này, nếu việc cải tiến kỹ thuật của nhà máy thành công, chúng tôi sẽ tuyển anh vào làm nhân viên chính thức của nhà máy luôn. Người thợ gằn nghe chú Sáu nói xong thì khấp khởi trong lòng. Mười giạ lúa cho một buổi làm việc. Quá hậu hỉnh! Sau này còn có công ăn việc làm nữa chứ, nghĩ vậy ông xăng xái: - Được rồi. Mình bắt đầu nghe. Nè, mấy cậu giúp tôi vác lúa lên máng đổ vào đi! Mấy kỹ sư từ trước tới giờ học ở trường chỉ biết nghiên cứu chế tạo động cơ chứ có làm những việc này bao giờ đâu nên cứ xúm vào những bao lúa, lúng ta lúng túng không biết phải làm gì. Thấy vậy, người thợ gằn giục: - Có mười giạ lúa không cần phải đông người vác như vậy đâu. Chỉ cần hai cậu là đủ. Cậu này trông khỏe mạnh vác lúa đi rồi chuyền lên cho cậu kia đổ vào trong cái máng. Còn cậu thư sinh này đứng xớ rớ ở đó làm gì, chạy qua bên nhà bác bảo vệ mượn cho tôi mấy cái thúng. Còn cậu này nữa ra đây cho tui chỉ cho làm. Chút nữa nhớ hứng cái thúng vào những vị trí này nhé. Gạo sẽ ra chỗ này nè, chỗ kia là tấm, còn cám thì ra ở đằng kia. Chớ có đụng vào cái nút vặn này, tôi sẽ xem gạo rồi điều chỉnh nó. Ê, còn cậu đội cái kết đen kia, ra phía sau kiểm tra dùm tôi cái ống phun trấu xem có bị vướng gì không. Còn anh Sáu nhớ thắp nhang rồi hãy cho nổ máy nghe! Người thợ gằn tỏ ra rất thạo việc nói một mạch phân công đủ cả sáu thành viên của nhóm thực hiện đề tài khoa học. Chú Sáu hài lòng về tính năng nổ và yên tâm về khả năng chuyên môn của người này. Nhưng chú phản đối việc thắp nhang trước khi cho nhà máy khởi động. - Cần gì phải thắp nhang. Tôi đã cho chạy không tải thử rồi. Bây giờ tôi bắt đầu cho nổ máy nghen. - Không được. Máy chạy không tải thì khác. Bây giờ nó vận hành nguyên một nhà máy. Quan trọng lắm anh à. Lâu lắm rồi nó mới hoạt động trở lại. Làm ơn mua giùm tôi nải chuối, tôi thắp nhang cho. - Anh chỉ rách việc. Rồi chẳng quan tâm gì đến sự lo lắng của người thợ gằn, chú Sáu nhờ Sơn kéo giúp dây curoa, còn chú thì cầm tay quay, cả hai dùng hết sức lực làm cho bánh trớn chuyển động. Động cơ kêu lên bặp bặp mấy tiếng rồi nổ ầm ầm. Tay quay đập mạnh vào đầu gối chú Sáu làm xương bánh chè lòi cả ra ngoài. Chú Sáu kêu thét lên, ôm chân giãy giụa vì đau đớn. Mọi người xúm lại đưa chú đến bệnh viện huyện cấp cứu. Vì vết thương quá nặng nên bệnh viện huyện phải chuyển chú Sáu lên bệnh viện tỉnh. Sau đó chú Sáu phải nghỉ dưỡng thương. Cái chân bó bột này có nhanh lắm thì cũng phải mất đến ba tháng mới đi lại được, không khéo có khi lại có tật suốt đời. Không thể để chậm tiến độ của công trình, chú Năm Lực, phó giám đốc, phụ trách mảng đào tạo của Trường Công nhân kỹ thuật tỉnh, lập tức xuống nhà máy, trực tiếp chỉ đạo thực hiện cái đề tài khoa học mà chính ông là tác giả. Người thợ gằn tin rằng chú Sáu đã bị trừng phạt vì dám phá cái miếu thờ nên năn nỉ với chú Năm cho làm cái bàn thờ nhỏ để thắp nhang ở góc nhà máy. Chú Năm thấy việc làm này cũng chẳng ảnh hưởng gì, chỉ giống như cái bàn thờ ông Địa hoặc ông Thần tài ở một số nhà dân nên cũng đồng ý. Công việc kiểm tra bộ phận xay xát của nhà máy phải hoãn lại một ngày, nhưng rồi cũng xong. Người thợ gằn đánh giá nhà máy còn rất tốt. Trước khi tạm biệt chú Năm cùng các kỹ sư trẻ, ông còn nhắc nếu nhà máy hoạt động trở lại thì nhớ mời ông về làm việc. Chú Năm cũng rất hài lòng về năng lực của người đàn ông này nên chú vui vẻ bắt tay và hứa chắc rằng ông sẽ được mời về làm việc ở nhà máy này trong một thời gian không xa. Một tháng sau, công việc tiến triển có phần chậm chạp. Chú Năm phải thường xuyên ở Trường Công nhân kỹ thuật nên ít xuống nhà máy. Tất cả công việc đều được chỉ đạo từ xa. Thấy vậy, chú Năm giao cho Thanh làm nhóm trưởng thay cho chú Sáu, có quyền phân công nhiệm vụ và báo cáo kết quả công việc hàng tuần cho chú. Một hôm, Trung được Thanh phân công phụ trách việc đốt lò cho động cơ chạy thử nghiệm. Cậu đưa thanh sắt dài khoảng hơn hai mét vào miệng lò khều khều hoài mà lửa chỉ âm ỉ chẳng chịu cháy lên. Gần cả tiếng đồng hồ mà vẫn không có hơi cho động cơ hoạt động. Sốt ruột, Thanh ở trong nhà máy nói vọng ra: - Mày làm cái quái gì ngoài đó mà hồi nãy giờ vẫn lạnh tanh chẳng có hơi hám gì vậy Trung? Trung một tay quệt mồ hôi, một tay vẫn tiếp tục khều khều thanh sắt vào trong lò đốt, từ ngoài nói vọng vào: - Ống khói hình như đặt không đúng kỹ thuật, nó thiếu gió anh Thanh ơi! - Mày nói làm sao chứ hôm tao đốt thử nó vẫn cháy ầm ầm mà! Tiến nửa đùa nửa thật, nói xen vào: - Mày thắp nhang cho bàn thờ chưa? Nếu chưa thì vào thắp nhang đi rồi hãy ra đốt lò, may ra nó mới cháy. - Tao không tin ba cái vụ đó đâu. Hôm đó, chú Sáu sợ anh Sơn vấp ngã khi kéo dây curoa giúp chú, lúc máy qua tua, chú không kịp tránh xa nên mới xảy ra tai nạn chứ có phải ma quỷ ám hại gì đâu. Trung vừa nói dứt câu, bỗng từ trong miệng lò, tiếng khè khè kêu lên dữ dội, rồi liền sau đó, một lưỡi lửa dài phải đến ba mét, phun ra từ trong miệng lò, phả thẳng vào người Trung, hất cậu văng xuống cái ao gần đó. Mọi người từ trong nhà máy chạy vội ra vớt Trung lên. Người cậu đen thui, lông mày và tóc bị cháy xém hết, nhận không ra cậu nữa. Cũng may mà có cái ao gần đó nên Trung chỉ bị bỏng nhẹ chứ nếu không thì cậu đã chết cháy trong tai nạn bất ngờ này rồi. Bữa cơm chiều hôm đó, không khí thật buồn tẻ. Miệng Trung còn rất rát vì bỏng nên chưa ăn được. Thanh pha cho Trung ly sữa, sau đó lấy thuốc thoa vào những chỗ bỏng cho Trung. Vết bỏng khá rộng nhưng không sâu, hầu hết chỉ xém nhẹ ở ngoài da, chắc sẽ mau khỏi thôi. Chăm sóc cho Trung xong, Thanh mới vào ngồi ăn cơm cùng với Sơn, Nam và Tiến. Chẳng ai muốn bình luận gì về những tai nạn vừa qua. Nhưng trong suy nghĩ của mỗi người vẫn không tránh được những điều còn nghi ngại. Màn đêm buông xuống, nhà máy đêm nay sao trở nên yên ắng đến lạ thường. Thanh lấy bộ bài ra rủ Sơn, Nam và Tiến chơi cho không khí bớt tẻ nhạt. Thế là mỗi người họ lại chăm chú vào mười ba lá bài đang xòe trên tay. Thỉnh thoảng, họ hô lên “Tứ quý”, “ba đôi thông” “chặt bốn đôi thông” “úng rồi” hoặc reo lên “tới nhất”…. Bỗng tiếng chó nhà ai tru lên ngay trước cửa nhà máy nghe đến rợn người, rồi nghe tiếng “két…két…” rít lên trong đêm khuya thanh vắng. Tất cả đều nhìn về phía cửa. Họ kinh ngạc khi cánh cửa nặng nề của nhà máy bỗng dưng hé mở. Một luồng gió lạnh toát thổi vào làm mọi người nổi cả da gà. Thanh hơi ngần ngại một chút rồi thản nhiên đứng lên, vừa đi ra cài lại cánh cửa vừa phàn nàn: - Hồi nãy có đứa nào ra ngoài, vào quên cài cửa phải không? Gió bên ngoài mạnh quá, cánh cửa nặng nề như vậy mà cũng bật tung ra. Sơn, Nam và Tiến ngơ ngác nhìn nhau, chẳng ai nhớ là mình có làm việc đó hay không. Thanh trở lại bàn, tiếp tục chơi ván bài còn dang dở. Nhưng tiếng chó lại tru lên liên tục khác thường khiến họ không còn có tâm trí nào để tập trung vào những con bài nữa. Bỗng có tiếng động ở phía giường ngủ, tất cả đều quay phắc về phía đó. Trung ngồi dậy tiến thẳng về phía cái bàn, nơi có bốn người đang ngồi đánh bài. Trung mặc mỗi cái quần đùi, chỗ da thịt trên mình nhờ chiếc áo mặc lúc đốt lò nên không bị cháy xém bây giờ lộ ra phần da trắng tinh ngăn cách hẳn với phần da của hai cẳng chân, hai cánh tay, cổ và mặt đều bị nám đen; không có lông mày, đầu gần như trọc. Gương mặt vô hồn, đôi mắt trông rất dại nhìn thẳng về phía trước; bước thật khẽ, người hơi khom như đang rình rập cái gì đó. Nếu không chứng kiến tai nạn xảy ra hồi trưa thì với bộ dạng ấy, lại xuất hiện giữa đêm khuya như thế này mọi người sẽ chết khiếp mất. - Khuya rồi. Về giường ngủ đi cho khỏe. Tụi tao chơi hết ván này là nghỉ rồi. Thanh nói khi Trung tiến gần tới cái bàn. Nhưng Trung vẫn tiến tới, gương mặt vô hồn như không nghe, không biết gì hết. Đến nơi, Trung chống hai tay lên bàn rồi với đôi mắt lạc thần, Trung nhìn thẳng vào mặt từng người, từng người như chưa hề quen biết. Mọi người chưa hết kinh ngạc thì lại thấy Trung chỉ tay vào ngực mình rồi nói những lời vô cùng khó hiểu: - Tao là thằng Đông nè – lại gằn giọng – thằng Đông nè. Tụi mày dám làm gì tao không? Rồi tự nhiên bật khóc: - Má ơi, cứu con, má ơi! Mọi người nhìn nhau vừa sợ hãi vừa lo lắng. Nam đứng lên vỗ vỗ vào má Trung: -Trung ơi, tỉnh lại Trung ơi! Hôm nay mày làm sao vậy? Bất ngờ Trung quay lại, chạy nhanh ra cửa mở chốt rồi băng ra ngoài trời tối đen như mực. Thanh hốt hoảng hô hoán giục Sơn, Nam và Tiến rượt theo cái bóng đang lẫn vào trong đêm đen mù mịt. Tiếng chó sủa càng lúc càng dữ dội hơn. Màn đêm dày đặc không còn thấy gì cả, chỉ nghe tiếng chó sủa ở bụi tre phía bên phải nhà máy. - Đứa nào vào nhà lấy giùm tao cây đèn pin coi! Tao để ở đầu giường ấy. Nhanh lên đấy nhé! – Thanh giục khi anh đang mò mẫm tiến về phía bụi tre. Nam vội chạy vào nhà lấy cây đèn pin ra, soi thẳng về phía có tiếng chó sủa. Một con chó mực to tướng không biết của nhà ai đang dí Trung vào sát trong bụi tre. Vốn là một con người mạnh dạn, cương trực, có phần nóng nảy sao hôm nay Trung lại tỏ nhút nhát thế kia! Sơn cầm ngay thanh sắt của lò đốt để ở gần đó quật thẳng về phía con chó. Nó nhẩy cẫng lên, lùi lại né tránh, gầm gừ mấy tiếng rồi vụt chạy mất. Nam tiếp tục soi đèn pin cho Thanh, Sơn và Tiến đến đưa Trung ra khỏi bụi tre. Lúc này, Trung như kẻ điên dại, người co ro cúm rúm tỏ ra rất sợ hãi, cứ rúc sâu vào trong bụi tre không muốn cho ai đụng vào người mình. Cả ba người hì hục mãi mới lôi anh ra khỏi bụi tre, khiêng anh đưa vào trong nhà. Thật lạ lùng, lúc vừa đặt Trung xuống giường thì anh lại tỉnh hẳn, ngồi bật dậy ngơ ngác như không hề biết chuyện gì vừa xảy ra. - Làm gì mà bu quanh đây dữ vậy? Em chỉ hơi rát tí thôi không sao đâu! Vết bỏng bị nhẹ thôi mà. Thanh đứng gần đó, ôm đầu Trung ép sát vào ngực mình, nói trong nỗi lo âu: - Mày không biết những gì vừa mới xảy ra thật hả Trung? Mày có nhớ mày vừa nói gì không? Trung tỏ ra rất ngạc nhiên: - Không. Em có nói gì đâu? Vừa thức dậy thì đã thấy mọi người vây quanh đây. Mà em đã nói gì vậy anh? Để cho Trung khỏi hoang mang, Thanh lắc đầu ra dấu cho mọi người đừng thuật lại những gì vừa mới xảy ra, rồi nói: - Chắc mày nằm mơ nói nhảm đó mà. Thấy Trung đã nằm xuống, Thanh đưa tay lên xem đồng hồ, rồi nói với tinh thần đầy trách nhiệm của người nhóm trưởng: - Thôi, đã quá nửa đêm rồi. Tụi mày về giường ngủ hết đi. Sáng mai còn làm việc. Tất cả trở về giường của mình nhưng giấc ngủ sẽ không dễ dàng đến với họ bởi vì trong suy nghĩ của mỗi người đều bị ám ảnh những điều khác thường vừa mới xảy ra. Những ngày sau đó, không khí linh thiêng bao trùm cả nhà máy. Trong đầu của ba kỹ sư trẻ và hai giáo viên Trường Công nhân kỹ thuật đều có những nỗi ám ảnh riêng. Sơn và Thanh thì suy nghĩ mãi về hai cái tại nạn xảy ra cách nhau không bao lâu với hai người đồng đội của mình, đó là chú Sáu và Trung, đặc biệt là hiện tượng Trung như bị một linh hồn nào đó nhập vào. Nam thì luôn bị ám ảnh bởi giấc mơ kinh hoàng với bóng ma của người con gái. Tiến thì băn khoăn mãi vì cái vệt sáng kỳ lạ xuất hiện trong đêm đầu tiên ngủ ở cái nhà máy này. Trung thì còn run sợ trước cái lưỡi lửa khổng lồ bất ngờ phun ra từ miệng lò trấu. Họ có cảm giác như có những con người vô hình luôn có mặt ở mọi lúc mọi nơi trong cái nhà máy xay lúa này. Họ không dám đùa cợt với những người “khuất mày khuất mặt” nữa. Họ làm việc trong sự nặng nề, căng thẳng. Cho đến một buổi chiều. Một buổi chiều định mệnh. Hôm đó là ngày cuối tuần, cô Trinh bán cơm tấm đem sang cho anh em một con cá lóc thật to. Nói là để cho anh em nướng trui cuối tuần nhậu cho vui chứ thực ra cô kiếm cớ để gặp Nam trò chuyện. Bấy lâu nay mọi người ai cũng biết cô có cảm tình đặc biệt với Nam và Nam cũng đã thầm thương trộm nhớ nàng rồi. Thỉnh thoảng, khi thị trấn lên đèn, chàng và nàng rủ nhau đi uống cà phê nghe nhạc hoặc dìu nhau tình tứ trên bờ kinh trong những đêm trăng trông thật lãng mạn. - Chiều nay, tụi mình nghỉ sớm để thưởng thức món cá lóc nướng trui của người yêu thằng Nam anh Thanh ơi! Tiến đề nghị, mọi người nhao nhao ủng hộ. Sơn nói thêm vào: - Cuối tuần rồi, cho tụi nó nghỉ đi. Tối nay mình lai rai rồi ngủ sớm cho khỏe, sáng mai còn về Rạch Giá. - Được rồi. Tụi mày đi tắm đi. Tắm xong thằng Tiến đi mua rượu nghe, mày hôm qua thua bài đó. Còn con cá lóc để tao nướng cho. Mấy thằng ở Sài Gòn đụng vô là hư hết. Cả nhóm đồng ý, cởi quần áo vứt bừa trên giường, mặc mỗi cái quần đùi rồi lao xuống dòng sông Cái Sắn. Rượu đã sẵn, cá lóc cũng đã được nướng trong lò trấu mang ra cạo vẩy trông vàng ươm thật là hấp dẫn. Rồi thì bánh tráng, bún, rau xà lách, rau thơm, nước mắm me…đủ cả. Tất cả đều quây quần bên cái bàn ở góc nhà máy chỉ thiếu có Nam thôi. Thanh tỏ ra bực mình: - Thằng này đi đâu. Ăn uống mà để cho người ta chờ! Thiệt là…. - Thôi, tụi mình lai rai trước đi anh Thanh! Thằng này uống không bao nhiêu đâu, chắc nó lại chạy ra nhà cô Trinh rồi – Trung đề nghị. Chờ thêm một lúc vẫn chưa thấy Nam về, Thanh rót rượu tuyên bố “khai mạc”. Đúng là “trà tam, rượu tứ”, bốn người ngồi cưa một lúc đã hết gần nửa chai rượu, không khí mỗi lúc một rôm rả hẳn lên vì có hơi men. Chợt Thanh nhớ đến Nam, giơ tay xem đồng hồ: - Quái quỷ thật! Thằng này đi đâu? Đã hơn sáu giờ rồi. Trung! Mày chạy tới nhà cô Trinh xem có nó ở đó không? Trung gãi gãi đầu: - Cái đầu em tóc còn lởm chởm coi kỳ quá. Rồi quay sang Tiến cầu cứu: - Tiến ơi, hay là mày đi dùm tao nghe! Thanh nghiêm khắc: - Hồi nãy nó đi mua rượu rồi! Sợ xấu thì đội cái kết lên rồi chạy nhanh đi ông nội. Miễn cưỡng, Trung với tay lấy cái mũ máng trên vách đội lên đầu rồi chạy vụt ra cửa. Mười phút sau, Trung trở về vừa thở hồng hộc vừa nói: - Không có nó ở đó anh Thanh ơi! Cô ấy còn bảo nó hứa tối nay đến chơi mà chưa thấy tới. Nghe xong, Thanh giật mình: - Hồi nãy tụi mày có thấy thằng Nam đi tắm không? Tiến trả lời ngay: - Có. Nó nhảy xuống sông cùng với em mà! Tất cả buông đũa nhìn nhau mặt tái mét. Thanh không giấu được vẻ lo lắng: - Lúc mình đi tắm là mấy giờ nhỉ? Sơn trả lời ngay: - Bốn giờ thiếu năm. Chính xác là như vậy. Tôi xem đồng hồ trước khi đề nghị anh cho nghỉ sớm mà. Cả nhóm hoảng hốt không ai bảo ai chạy vụt ra chiếc cầu bên bờ sông, sát cạnh nhà bác bảo vệ, nơi mà chiều nào cả nhóm cũng xuống đó tắm trước khi về ăn cơm. Dòng sông vẫn lững lờ trôi, mặt sông phẳng lặng. Không một bóng người. Thanh bước xuống cầu, rồi cứ để nguyên quần áo mà nhảy xuống sông, cả nhóm nhảy theo kêu í ới. - Nam ơi!... Nam ơi!... Tiếng kêu vang trên mặt nước, dội vào không trung, lan tỏa trong không gian thanh vắng của buổi chiều tà nghe rờn rợn. Bác bảo vệ chẳng hiểu chuyện gì mà ầm ỉ vậy, vội chạy ra phía sau nhà sàn hỏi rối rít: - Có chuyện vậy mấy chú? Chuyện gì vậy? Thanh nói như mếu: - Thằng Nam…thằng Nam. Nó tắm từ hồi chiều tới bây giờ không thấy nó lên bác ơi! - Trời đất! Lúc mấy chú lên hết tui còn nghe nó nghêu ngao hát ở dưới cây cầu này đó mà! - Vậy mà tới bây giờ cũng không thấy nó. Hơn hai tiếng đồng hồ rồi bác ơi! Bác bảo vệ hoảng hốt hô hoán cho hàng xóm nhẩy xuống sông mò giúp. Mặt trời sắp lặn sau dãy nhà ở bên kia dòng sông. Cuộc tìm kiếm dưới đáy sông được huy động cả mấy chục người hàng xóm. Họ đem cả lưới ra để kéo. Họ mò dưới sàn của những nhà dân gần đó. Họ mở rộng phạm vi mò tìm tên con sông dài hơn một cây số. Họ lặn hụp hơn một giờ rồi mà cũng chẳng thấy tăm hơi Nam đâu cả. Ai cũng mệt mỏi. Màn đêm buông xuống, công việc tìm kiếm lại càng gặp khó khăn hơn. Sợ những người dân địa phương ở đây bỏ cuộc, Trung và Tiến vừa khóc hu hu như những đứa con nít vừa năn nỉ: - Mấy chú, mấy bác ơi! Cố gắng tìm bạn cháu giùm. Tội nghiệp nó lắm mấy chú, mấy bác ơi! Bác bảo vệ cũng lo lắng không kém, bác chạy vào nhà đốt ba nén nhang rồi bước ra bờ sông ngay chỗ chiếc cầu lâm râm khấn vái: - Chú Nam ơi! Chú có sống khôn chết thiêng thì hãy mau nổi lên đi. Bạn bè của chú, ba má của chú đang mong chú lắm. Thật lạ lùng, bác bảo vệ vừa dứt lời khấn thì từ dưới sàn nhà bác, cách cây cầu chừng ba mét, chỗ mà người ta đã mò tìm nhiều nhất, một vật gì trăng trắng từ từ nổi lên. Thanh kinh ngạc nhìn về phía đó. Mặc dù ánh sáng của ngọn đèn sau nhà bác bảo vệ hắt vào dưới gầm nhà sàn trông chỉ mờ mờ nhưng cũng đủ để cho Thanh thấy rõ đó là một cái lưng người đang bềnh bồng dưới mặt nước. Thanh nhào tới, ôm cái lưng đó kéo ra ngoài đưa ra chiếc cầu. Trung và Tiến đứng ở gần đó, chân tay rụng rời nhưng cũng đủ bình tĩnh để chạy đến giúp Thanh đưa cái xác ấy lên bờ. Mọi người khóc nấc lên nhìn thi thể Nam trắng bệch, mềm nhũn, máu còn ọc ra ở mồm và ở mũi. Cô Trinh cũng có mặt ở đó từ lúc nào, vạch đám đông đang bu quanh, cúi xuống ôm chặt cái thi thể lạnh ngắc đó mà ngất đi tự hồi nào không biết. Sau đám tang của Nam, không khí của nhà máy xay lúa càng trở nên rùng rợn, nhất là vào ban đêm. Hôm thì Thanh bảo nghe tiếng bước chân người đi lại trong đêm, lục lọi ở phía đằng sau bếp; hôm thì Sơn bảo dụng cụ sửa chữa máy móc tự nhiên mất đi rồi lại tìm thấy một cách lạ lùng. Có hôm, đang đêm khuya thanh vắng bỗng nghe tiếng thét kinh hoàng của thằng Tiến ở phía sau nhà máy. Thanh lấy đèn pin cùng với Sơn và Trung chạy ra thì Tiến kể rằng trong lúc đang tiểu cậu ta nhìn thấy thằng Nam mình ướt sủng đứng co ro dưới bụi tre gần cái ao đưa tay vẫy vẫy như đang cầu cứu. Thanh soi đèn pin về phía đó thì tuyệt nhiên không thấy gì nữa. Có hôm, Trung như bị hồn ma nhập lần nữa, gương mặt thất thần nói ra ra những điều vô cùng khó hiểu. Các kỹ sư luôn bị ám ảnh bởi những hồn ma, mất hết sự năng động sáng tạo của những ngày đầu mới về đây nhận công tác nên việc cải tiến kỹ thuật của nhà máy không tiến triển tốt được. Lại thêm, kinh phí mà UBND tỉnh cấp cho việc thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học này đã gần cạn. Trước tình hình đó, chú Năm vội xuống nhà máy triệu tập một cuộc họp đột xuất và yêu cầu Thanh phải báo cáo ngay tình trạng của động cơ cho chú biết để chú có hướng giải quyết. Sau khi trình bày tóm tắt tiến độ của việc thực hiện đề tài, Thanh kết luận: - Tụi cháu đã làm đúng như dự án của chú nhưng máy vẫn không chạy ổn định chú ạ! Chú Năm hơi gắt: - Các cậu phải biết linh hoạt, sáng tạo chứ! Tôi vẽ ra trên lý thuyết như vậy nhưng khi các cậu thực hiện thì tùy tình hình thực tế mà các cậu áp dụng cho phù hợp, đâu phải cứ rập khuôn mà làm như thế. Làm sao mà tránh được những yếu tố bất ngờ…Thời còn chiến tranh, chúng tôi phải hết sức linh hoạt, sáng tạo mới chiến thắng được đế quốc Mỹ đấy. Các cậu tưởng dễ lắm hả? Chú Năm ngừng lại một chút rồi dịu giọng hỏi Thanh: - Nhưng mà cậu nói máy chạy không ổn định có nghĩa là như thế nào? Tôi muốn biết cụ thể tình trạng của nó ra sao? - Thưa chú, động cơ chạy rất yếu, đặc biệt khi có tải thì nó ngừng hoạt động. - Cậu kiểm tra lại lò đốt chưa? Trung nói chen vào: - Cháu cũng nghĩ đó là nguyên nhân nên cũng làm lại mấy lần rồi nhưng vẫn không cải thiện được bao nhiêu chú ạ. Chú Năm vẫn tiếp tục hỏi Thanh: - Khi không tải thì nó chạy tốt hả? - Dạ. Chạy cũng bình thường thôi, nhưng không chết máy. - Thôi được rồi. Thứ hai tuần tới ta tổ chức buổi lễ hoàn thành công trình. Tôi sẽ mời UBND tỉnh và đại diện một số ban ngành có liên quan đến dự. Các cậu lo dọn dẹp, lau chùi, sơn phết lại nhà máy cho thật tươm tất đi nhé, có cả Đài phát thanh – truyền hình xuống nữa đấy. Sơn, Trung và Tiến nghe vậy thì mừng khấp khởi trong lòng vì sắp được rời xa cái nơi rùng rợn mang đầy âm khí này. Riêng Thanh thì hơi băn khoăn một chút, ngại ngùng nói với chú Năm: - Nhưng mà máy chưa kéo được hệ thống xay xát đâu ạ. Chú Năm hạ giọng thật nhỏ: - Hết kinh phí rồi. Và ta cũng đã cải tiến được động cơ chạy bằng trấu đúng như đề tài mà ta báo cáo với UBND tỉnh rồi. Chỉ cần chạy không tải cho họ xem, không cần phải cho kéo hệ thống xay xát làm gì. Vấn đề cải tiến thêm hay làm như thế nào nữa cho nhà máy xay lúa hoạt động là của người khác chứ không phải là của mình, ta không cần phải lo. Cậu hiểu chưa? Nghe xong, Thanh cũng cảm thấy nhẹ người như những đồng đội của mình. Anh thoáng mỉm cười, bước tới ôm cả ba cái đầu Sơn, Trung và Tiến chụm lại rồi nói vẻ bí hiểm khi chú Sáu đã ra ngoài xe: - Tầm suy nghĩ của những người lãnh đạo dày dặn kinh nghiệm có khác. Thế mà bọn mình cứ loay hoay mãi không tìm ra lối thoát. * * * Câu chuyện tôi nghe kể là vậy. Như tôi đã nói ở phần đầu, tôi đã cố gắng ghi lại theo lời kể một cách trung thực, không hư cấu để nếu học sinh có đọc thì cũng giảm đi nỗi sợ hãi. Cho nên một số phần “kinh dị” ở đây đều có thể giải thích được. Ví dụ như “Vệt sáng lạ kỳ”. Các bạn biết không, trong cái miếu này người ta có để cái gương soi ở bên trong. Khi chiếc xe đêm chạy từ hướng Sài Gòn về Rạch Giá, ánh đèn sẽ chiếu qua một khe hở nhỏ ở cửa nhà máy, rọi đúng cái gương, lúc bấy giờ cái gương trong miếu sẽ rực sáng lên vì có ánh đèn và cũng vụt mất khi xe lướt qua. Tại sao lúc Tiến ra ngồi quan sát đã có bao nhiêu chiếc xe chạy qua mà không thấy “Vệt sáng” ấy nữa. Cũng dễ hiểu thôi. Tiến ngồi quay lưng về phía cánh cửa nhìn về cái miếu, vô tình đã che khuất đi cái khe hở ấy nên khi xe chạy qua, ánh đèn không còn chiếu vào cái gương được nữa. Còn chuyện hai tại nạn xảy ra với chú Sáu và Trung có thể cũng rất ngẫu nhiên thôi. Những tai nạn bất ngờ trong lao động cũng thường xảy ra mà. Rồi chuyện những tiếng động lạ thường trong bóng đêm dày đặc có thể là do mèo, chuột hoặc tiếng gió thổi đưa những cành cây va đập… nhưng trong lúc tinh thần bấn loạn nó lại trở thành tiếng chân người, tiếng đập cửa, tiếng thở dài… của những oan hồn. Tương tự như vậy, có thể khi Nam vừa chết, nỗi sợ hãi luôn ám ảnh Tiến nên trong lúc đi tiểu, anh đã nhìn thấy bóng cây thấp thoáng đung đưa trong đêm mà ra hình dáng Nam mình ướt sủng đứng co ro dưới bụi tre gần cái ao đưa tay vẫy vẫy. Người ta bảo những người thần kinh yếu thường hay như vậy. Rồi cái chết bất ngờ của Nam có thể do bị chuột rút khi anh đang tắm dưới sông. Tuy nhiên trong thực tế, cũng có những hiện tượng khá khó hiểu mà tôi đã từng chứng kiến. Ví dụ như một người đang đêm bỗng tự dưng thức dậy, đi lại bất thường, gương mặt vô hồn, không nhận ra người quen, nói những điều rất lạ lùng như người ở cõi trên, rồi lại chợt tỉnh giống như trường hợp của Trung trong câu chuyện. Hoặc giấc mơ của Nam kể lại cũng rợn người quá!... Nói chung là có những chuyện hư hư, thực thực thật khó hiểu. Do vậy mà nguyên nhân nào dẫn đến việc cải tiến kỹ thuật cho nhà máy xay lúa Tân Hiệp không thành công chỉ có ông trời mới biết. Sau này tôi có một người bạn làm việc ở nhà máy xay lúa này. Hắn nói rằng nhà máy chạy rất tốt nhưng không phải chạy bằng trấu. Ngày 9 tháng 8 năm 2015. Nguyễn Phương |
|
└(≣) HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA cách đây 9 năm, 7 tháng #16806
|
HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA
Hay quá Nguyễn Phương ! Đúng là không hổ danh là một thầy giáo dạy Văn , chị đọc phần III truyện này cảm nghĩ nó lôi cuốn và nhất là hồi hộp ... đọc một mạch gần như nín thở vì câu chuyện nó ly kỳ và hấp dẫn . Cám ơn Nguyễn Phương đã cho mọi người đọc được tập truyện hay . TT 12.08.15 |
|
└(≣) HỒN MA TRONG NHÀ MÁY XAY LÚA cách đây 9 năm, 7 tháng #16840
|
Cảm ơn NP ! Truyện viết hay và đậm chất miền Tây .
Đọc xong , thèm cơn tấm Tân Hiệp quá chừng chừng . Hổng biết cái cô chủ quán còn đó không . Mai mốt về quê , thế nào cũng ghé để thưởng ngoạn cái áo bà ba , và cái mềm mại đen bóng của loại vải saten nổi tiếng !( Cười ) bs.14.8.15 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.73 giây