Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
SÂN TRƯỜNG NGÀY ẤY cách đây 4 năm, 11 tháng #22265
|
Sân Trường Ngày Ấy
Tôi theo Lan về Bắc Cali để tham dự buổi họp mặt Sân Trường Ngày Ấy được thầy cô Thanh & Hà khởi xướng và đông đảo học sinh của trường cấp III Tân Hiệp hưởng ứng. Định kỳ cứ hai năm một lần, cuộc họp mặt lại diễn ra ở nước ngoài và năm lẻ thì tổ chức bên Việt Nam. Đây là lần thứ hai tổ chức trên nước Mỹ, nơi có đa số học sinh của trường định cư. Thật vất vả cho thầy Thanh và cô Hà đã phải đi một đoạn đường xa từ Âu Châu để đến tham dự với học sinh của mình. Bên cạnh việc tổ chức cho các học trò và thầy cô có dịp gặp gỡ, ôn lại kỷ niệm xưa một thời áo trắng, thầy cô Thanh Ha còn là tấm gương trong cuộc sống để cho các học trò mà bây giờ, đã có đứa là ông bà nội ngoại, thấy được tình yêu vợ chồng, cùng nhau đồng hành trong cuộc sống, sự bền đỗ trong ơn gọi gia đình và cái tâm của “người chèo đò” đã đưa bao học trò qua sông. Lần đầu tiên họp mặt trên xứ người được tổ chức ở trang trại của tiểu thư nhà họ Nguyễn, cũng là học sinh của mái trường xưa và lần này, họ chọn Cali để cùng nhau thắp lên ngọn lửa xum vầy của thầy cô cùng các học trò thân thương. Đây là lần thứ hai Lan tham dự, cô cố níu kéo bằng được để tôi đi cùng. Lan còn thăm dò tôi: “Mày nhớ anh Khang không?”. Tôi đáp lại: “Nhớ chứ, Khang Khều?”. Lan mở to miệng cười ha hả trêu tôi: “anh ấy đã khều mày chưa?” Khang và tôi học chung khối từ lớp mười đến năm lớp 12. Khang cao ráo, to con, mái tóc để dài bồng bềnh như các cầu thủ bóng đá của Liên Xô mà chúng tôi thường được xem trên ti vi lúc bấy giờ. Khang cũng mê đá banh, anh là cầu thủ của huyện trong hàng tiền đạo. Hôm đá trận chung kết với đội banh của huyện Hà Tiên, người trung vệ bơm banh xuống vùng cấm địa, Khang vừa chạy vừa tìm hậu vệ của đội banh Hà Tiên, chúng bị bỏ lại phía sau, chỉ còn anh và thủ môn của đội bóng Hà Tiên, anh lừa banh qua bên phải, người thủ môn biết mình cứu không kịp trái banh đang trên đà lao vào khung thành cùng Khang nên anh xông thẳng vào Khang, thà bị phạt thẻ vàng rồi lãnh cú phạt đền may ra còn cứu thoát nhưng Khang lẹ hơn hắn, anh dường như đọc được ý đồ đó nên chúi người ngã về một bên, trước khi lăn trên đất, anh duỗi thẳng chân khều trái banh cho nó lăn vào khung thành, từ đó người ta gọi anh là Khang Khều. Cũng chữ khều đó mà làm tôi bao nhiêu lần đỏ mặt xấu hổ, bạn bè cùng lớp cũng hay đùa với tôi những lời giống như con Lan. Chúng tôi quen nhau từ năm lớp mười một. Khang học khác lớp nhưng để ý tôi từ những ngày cả khối đi làm thủy lợi. Hôm ấy chúng tôi phải đến kinh Mười để đào đất làm đập, không cho nước sông tràn vào ruộng. Chúng tôi được phân công cứ hai người một chiếc bao ni lông, mỗi người cầm một đầu khiêng đất như người y tá khiêng bệnh nhân trên băng ca. Trời hôm ấy mưa nhiều và lầy lội, khi những miếng đất được xới lên thì những con trùng đỏ, đen cũng theo nhau trồi lên mặt. Tôi rất sợ những con trùng đó và người bạn học đã nghịch ngợm chộp nó rồi đặt lên cổ tôi. Tôi khóc thét lên, tay chân không dám cử động. Anh Khang thấy thế bỏ cái xẻng đang xúc đất, thọc tay vào cổ áo lôi con trùng ra khỏi người tôi, nói lớn: “Không sao, không sao Khang lôi nó ra khỏi áo của Phượng rồi”. Anh quay qua người bạn đưa nắm đấm vào mặt dọa: “đừng làm vậy nữa nhé” Từ đó mỗi lần tan học anh đưa tôi về. Anh có chiếc xe đạp cuộc, không có yên ngồi phía sau nên chúng tôi sánh vai đi bộ. Nhà tôi ở đường vào kênh Đông Bình, chúng tôi hay rẽ vào lối đi của trường cấp II, băng qua con đường nhỏ tráng xi măng dẫn vào lồng chợ. Sợ bị người nhà bắt gặp nên tôi chỉ để Khang đi chung với mình đến đó rồi chia tay. Anh lên xe đạp chạy theo lối mòn băng qua chợ. Tôi nhìn theo giáng anh khom lưng, mái tóc bồng bềnh bay trong gió rồi quay lưng bước đi tự mỉm cười với mình. Tôi đã yêu anh từ đó. Khang thông minh, học giỏi, hăng say, tháo vát và thương mến bạn bè. Ba năm liền anh được bầu làm trưởng lớp và luôn là tấm gương tốt cho bạn bè cùng lớp noi theo. Anh bênh vực bạn chung lớp khi bị áp bức. Nếu có chuyện gì xẩy ra hoặc lúc cả lớp bị kêu lên cột cờ, lên văn phòng thầy hiệu trưởng, anh luôn đứng mũi chịu sào. Mỗi lần không có tiết học tôi thường qua Đài Đức Mẹ để cầu nguyện, anh đi sau tôi, đứng dưới bực thềm không bước lên nửa bước, chờ cho đến lúc tôi làm dấu ra về. Tôi và anh không cùng một tôn giáo và anh chỉ muốn giữ đạo mình. Một hôm trong giờ ra chơi tôi đang đứng trên lầu nhìn xuống sân trường, anh thấy tôi, ngoắc tay kêu xuống. Tôi dẫn Bạch Yến đi cùng nhưng anh lắc đầu kêu tôi xuống một mình. Anh đợi ở chân cầu thang rồi dẫn tôi ra gốc cây Phượng lớn giữa sân. Anh lôi trong túi quần ra một cái khăn tay đã được tẩm dầu thơm, anh nói khẽ: “Tặng Phượng đó”. Tôi mở chiếc khăn và thấy trong đó một sợi giây chuỗi. Tôi đưa lên xem thì đó là những con cá làm bằng trái củ đậu. Những trái đậu này khi khô thì rơi xuống đất và ít khi bể ra. Nếu đem tách rời từng múi thì nó có hình cong như chữ C. Anh đã khéo léo dùng dao khoét hình con mắt, chiếc miệng của con cá lên phía đầu to của múi đậu khô. Anh cẩn thận khắc lên từng lớp vẩy và lớp vây của cá trên lưng. Phía đầu nhỏ của múi, anh cắt vào miếng lõm tựa hình cái đuôi của con cá, anh tô lên lớp keo đen rồi thoa chút dầu bóng. Anh xuyên từng con cá vào sợi giây cước có những hạt cườm nhỏ. Tôi đếm có tất cả mười con cá trong sợi giây. Tôi hỏi anh: “Sao lại là mười con cá?” Anh trả lời: “Không phải cái chuỗi Phượng đeo trên tay cũng chỉ có mười hột sao?” Tôi vô cùng xúc động vì anh đã để ý đến từng trang sức tôi mang trên người. Vòng chuỗi trên tay là của mẹ tặng lúc tôi tuyên thệ làm huynh trưởng, đó cũng là cái chuỗi mà tôi thường xử dụng khi lần hạt Mân Côi. Anh đã nhìn thấy tôi dùng chuỗi mỗi lần qua Đài Đức Mẹ. Tôi muốn ôm chầm lấy anh để cảm ơn nhưng không dám, chỉ lí nhí mấy câu “Phượng cảm ơn anh đã làm cho Phượng xâu chuỗi này” Anh nắm tay tôi kéo ra phía sau cây phượng, tôi ngại ngùng rút lại và bước theo anh. Khi đã vòng qua phía bên kia, anh đưa tay chỉ trên thân cây rồi nói: “Phượng xem nè” Tôi ngước mắt lên và nhìn thấy hình một trái tim bên trong có hai chữ K và P viết hoa, ai đó đã khắc vào thân cây. Anh hỏi “Phượng thích không?” Tôi gật đầu. Anh lại hỏi “Phượng sợ?” Tôi lại gật đầu Anh hối hận phân bua “Khang lỡ khắc rồi từ nay sẽ không làm nữa” Tôi giải thích cho anh “không phải Phượng sợ người ta dị nghị nhưng sợ thầy hiệu trưởng biết được, anh lại bị phạt” Anh an ủi tôi “Phượng đừng lo, không ai biết đó là tên Khang và Phượng” Tôi chớp mắt gật đầu, anh kêu tôi trở lên lầu kẻo Bạch Yến chờ. Tôi cám ơn anh một lần nữa rồi đeo xâu chuỗi anh tặng vào cổ, trả lại chiếc khăn cho anh. Anh dúi vào tay tôi nói nhỏ “Phượng giữ đi” Tôi chạy vội lên cầu thang vẻ mặt hớn hở vui mừng. Bạch Yến thấy tôi thì hỏi tới dồn dập: “Khang Khều đưa gì cho mày?” Tôi xoè tay cho Bạch Yến xem rồi trả lời: “Chỉ là cái khăn tay” Bạch Yến diễu tôi “Lưỡng mượng ghê ni” Tôi cười mỉm chi, ôm chặt chiếc khăn vào lòng với niềm sung sướng. Mỗi sáng anh đều đứng đón tôi bên chiếc xe cuộc chỗ chúng tôi chia tay. Anh không đeo cặp, bàn tay cầm mấy cuốn sách tì trên ghi-đông xe. Cổ áo anh để hở, mái tóc anh bồng bềnh trong gió trông thật liêu trai. Khi thấy anh, nhỏ Bạch Yến tách ra đi trước, tôi song bước bên anh đến trường. Đi bên anh tôi ít nói, không biết chữ nghĩa chạy đâu mất chỉ dạ và gật đầu khi anh hỏi tôi. Lúc đến cổng trường, anh dừng lại nhường tôi đi lên cùng Bạch Yến vào lớp. Mỗi ngày chúng tôi chờ đến lúc đi học để được gặp nhau. Hôm nào có chiếu phim, chúng tôi mới được gặp nhau buổi tối. Tôi nhớ năm ấy họ chiếu phim Mối Tình Đầu trong khuôn viên trường cấp II, anh đến đó trước đợi, tôi xin phép ba mẹ đi xem phim cùng Bạch Yến nhưng đến cổng trường thì theo anh Khang đi về chỗ có ít ánh sáng để không ai thấy về méc với ba mẹ tôi. Lúc phim bắt đầu chiếu, các ngọn đèn vụt tắt, Khang tìm tay tôi, tôi để yên bàn tay mình trong lòng tay Khang. Tay anh thật ấm và tôi cảm giác như mình đang được che chở. Khi đến khúc Duy, tài tử chính trong phim, chở Hương đi trên chiếc xe đạp mini, tôi nghe có tiếng la “Thằng Khang đó, đang chở con Phượng “. Anh bóp nhẹ tay tôi, tôi quay sang nhìn anh, chợt thấy mình thật hạnh phúc. Chiều hôm sau không thấy anh đón tôi ở cổng trường như thường lệ. Tôi buồn và giận anh trong lòng. Nhỏ Bạch Yến đi bên tôi chốc chốc lại hỏi “Thằng cha Khang Khều hôm nay đi đâu không biết”. Tôi vẫn bình thường đi bên cạnh Bạch Yến nhưng trong lòng rối rắm vô cùng. Tôi giận anh đã để người ta phải quan tâm. Sáng hôm sau tôi đến chỗ hẹn, Khang đứng đó đợi tôi, tóc anh hớt cua, tôi gần như không nhận ra vì sự thay đổi đó. Anh xuống xe đi bên tôi, tôi chỉ chờ anh nói câu xin lỗi là sẽ trút nỗi giận hôm qua lên anh. Anh kể: “Hôm qua thầy hiệu trưởng kêu anh lên văn phòng, sau đó anh bị đưa qua đồn công an để họ điều tra về cái hội “Từ Giã Cuộc Đời” mà trước đây anh tham gia. Họ hỏi có phải anh là hội trưởng. Anh trả lời chỉ tham gia hội cho vui chứ không biết đó là luật cấm của chính quyền. Họ “lên lớp” anh một chặp rồi bắt anh cắt bỏ mái tóc dài cho phù hợp với đạo đức cách mạng trong mái trường xã hội chủ nghĩa.” Tôi nhìn mái tóc anh rồi bật cười, không hiểu người cắt tóc đã học ở đâu mà lại hớt cho anh cái đầu nham nhở đến thế. Tự nhiên tôi quên đi bao bực dọc trong lòng. Tôi đùa với anh “Người ta không tặng cho Khang cái nón à?” Khang tiếp lời “đã thế mà Khang còn phải đóng khoản tiền ngu vì để tóc dài” Chúng tôi lại đi bên nhau, tôi quên mất sự giận dỗi hôm qua và chợt thấy mình như trẻ con. Noel năm 79, tôi dối cha mẹ đi lễ để đi chơi với Khang. Không biết anh kiếm đâu ra chiếc xe mini thay cho chiếc xe cuộc anh chạy hàng ngày. Tôi đi bộ xuống huyện đội, trước đây là đồn Lê Tri của nghĩa quân. Anh chờ tôi ở đó. Tôi leo lên ngồi phía sau, hai tay ghì chặt cái yên. Anh đạp đến chùa Kiên Tân Tự thì vòng tay ra phía sau kiếm tay tôi. Anh bóp nhẹ rồi đặt lên bụng mình. Tôi để yên bàn tay mình trong lòng anh như muốn ôm anh thật chặt vào lòng. Đến nhà thờ Ngọc Thạch phố Kinh B, tôi xuống xe và theo anh đi bộ vào khuôn viên Thánh Đường. Chúng tôi đến tháp chuông và thấy một số bạn bè đã tụ tập ở đấy. Trong nhà thờ đang hát Canh Thức Giáng Sinh, tôi nghe rõ từng lời của bài hát “Đêm Thánh Vô Cùng”. Chúng tôi chờ thêm một lúc nữa vì các bạn ở xa chưa tới kịp. Thánh Lễ nửa đêm đã bắt đầu, lúc cha chủ tế xướng câu “Vinh Danh Thiên Chúa Trên Các Tầng Trời” các tiếng chuông trên cây tháp rung lên. Khang hốt hoảng hỏi tôi chuyện gì xẩy ra? Đây có lẽ là lần đầu tiên anh đến nhà thờ đêm Noel nên kinh ngạc. Tôi đưa tay làm dấu rồi sờ lên xâu chuỗi Khang tặng tôi. Tôi xin Chúa cho chúng tôi được mãi mãi bên nhau..... Đám bạn ở kinh Mười cũng đã đến đủ. Ông quản trong nhà thờ đuổi chúng tôi ra vì ồn ào. Chúng tôi lên đường đến địa điểm revision, nhà một người bạn đầu kinh C. Tôi theo đám bạn ra vườn, ở đó họ đã trang trí những ngọn đèn màu thật đẹp. Chúng tôi ngồi vào những chiếc ghế được kê sẵn bên cạnh chiếc bàn dài. Sau khi giới thiệu chủ nhà và mục đích của bữa tiệc Mừng Chúa Giáng Sinh thì họ khai mạc. Tôi ngồi bên Khang, anh giới thiệu tôi với mấy người bạn mới quen, chủ nhà đem lên kẹo bánh và nước trà, chúng tôi mời nhau cùng ăn. Một người trong nhóm mang đến cây đàn guitar đưa cho Khang rồi nói: “Khai mạc đi chứ” Khang đỡ lấy cây đàn, anh quay nhìn tôi, bắt gặp một ánh mắt ngạc nghiên. Tôi không biết Khang lại có thể đàn guitar. Anh nói với tôi “Khang lên sân khấu” rồi anh tiến về chiếc bàn kê giữa sân, có một chiếc ghế cao. Anh ngồi xuống, đặt cây guitar trên đùi với giọng truyền cảm anh nói: “Xin chúc các bạn một đêm Giáng Sinh an lành, Khang xin hát Bài Thánh Ca Buồn của nhạc sỹ Nguyên Vũ để tặng riêng Bích Phượng” Anh nhìn tôi âu yếm, tôi mắc cỡ đỏ mặt. Chị ngồi bên cạnh nói với tôi “Em thật hạnh phúc, có một người bạn đàn giỏi hát hay lại còn ga-lăng nữa” Tôi bẽn lẽn cúi đầu. Trên sân khấu, Khang dạo đàn rồi cất lên tiếng hát “bài Thánh Ca đó còn nhớ không em.” Giọng anh trầm ấm, truyền cảm, tiếng ngân du dương. Tôi lạc vào hạnh phúc, chơi vơi trong tiếng hát mê hồn của anh. Đã hơn mười giờ đêm, tôi xin anh đi về vì chỉ xin phép ba mẹ đi chơi không quá khuya. Chúng tôi chào tạm biệt bạn hữu. Ra đến đường lúc dựng xe cho tôi leo lên, anh nhoài người ôm chần lấy tôi rồi hôn lên má tôi, lên trán tôi, lên mặt tôi. Tôi để yên cho anh hôn và ôm ghì anh vào lòng. Đêm nay, cả hai chúng tôi chan hoà hạnh phúc. Tiếng máy hát nhà ai đang cất lên “mùa Noel đó, chúng ta quen bên giáo đường.....” Trên đoạn đường về, tôi không chờ anh nắm lấy tay tôi mà tự động vòng tay ngang lưng ôm chặt anh vào lòng như sợ rồi sẽ mất đi. Tôi về đến nhà thì thấy ba tôi ngồi bên tách trà, đầu ông cúi xuống. Anh hai tôi và các em vẫn còn thức, họ ngồi xếp tròn trên đất. Mẹ tôi chạy ra ôm chầm lấy tôi miệng than “Sao con lại hư đốn thế, vào xin lỗi ba đi” Tôi biết chuyện chẳng lành sẽ xẩy ra cho tôi. Tôi đến trước mặt ông quỳ xuống miệng lí nhí thưa “Con xin lỗi ba” Như thường lệ, tôi nằm xuống chiếc chiếu đã trải sẵn trên nền, anh tôi và các em ngồi chung quanh. Ba tôi nhịp nhịp cái roi rồi bắt đầu giáo huấn. Cứ mỗi lần dậy dỗ chúng tôi, ông bắt tất cả ngồi chung quanh để nghe ông nói một lần, ông không muốn nói lại điều đó với từng người một. Tôi nhớ lúc còn nhỏ, anh hai phạm lỗi, ba cũng bắt nằm dưới đất. Anh hai cúi mặt xuống đất, nước mắt chan hoà, chúng tôi bu quanh cùng khóc với anh. Ba tôi giảng giải từng điều một, mỗi lần ông nói, cái roi lại nhịp nhịp trên tay và ông nói rất nhiều. Mẹ tôi thì cứ liên tục xin ba “tha cho nó đi ông ạ”. Đột nhiên ông đưa cái roi lên, đập một nhát thật mạnh vào mông anh Hai. Anh Hai giật mình thức dậy khóc thét lên, chúng tôi khóc theo anh. Ba nói nhiều quá, anh Hai khóc ướt mắt rồi ngủ quên. Tôi lãnh mười roi đêm ấy, tôi không giận ba vì ông làm đúng. Tôi đã lừa dối ba mẹ vì tôi sợ họ không chấp nhận khi tôi yêu một người không cùng tôn giáo và tôi còn đang ở lứa tuổi đi học. Tôi cũng như bao đứa con gái khác cùng thời, biết yêu đương, mơ mộng, thèm một mối tình dù tuổi đời mình còn quá trẻ. Sau kỳ nghỉ lễ Noel chúng tôi trở lại trường. Sáng hôm đó ba bắt anh Hai đưa tôi đến trường không để tôi đi một mình như thường lệ. Khang đứng sẵn ở chỗ cũ đón tôi, gặp anh Hai, Khang gật đầu chào và xin phép anh Hai cho chúng tôi nói chuyện riêng. Anh Hai gật đầu đi về hướng chợ. Khang cho tôi biết tối qua anh bị ba la, mẹ anh khóc sướt mướt còn ông nội thì giận đến rung người. Ba tôi đã qua bên đó mắng vốn họ là để con trai của mình dụ dỗ tôi và cấm tuyệt đối không cho tôi và Khang quen nhau vì hai người không cùng một tôn giáo vả lại người miền Nam và người miền Bắc không thể hòa đồng. Ba nói hai ông bà phải biết dậy con mình. Tôi chết điếng người khi nghe anh nói điều đó. Nước mắt tôi trào ra trên mi, tôi muốn được chết đi còn hơn là mất Khang. Chúng tôi trốn học hôm đó, Khang đưa tôi vào nhà thờ cha Lộc ở kinh Một để vơi đi nỗi buồn. Tôi quỳ trước tượng Đức Mẹ, Khang đứng ngoài hiên chờ. Tôi khóc nhiều hơn xin và không thể cầm trí để cầu nguyện. Tôi gục đầu xuống thành ghế ngủ quên.... Mấy ngày sau lễ tôi bị nhốt ở nhà, đi đâu cũng có ba, mẹ hoặc anh Hai đi theo, tôi chán học, không thèm đến trường, ba tôi cũng không quan tâm việc đó. Một hôm ba tôi dẫn về một người khách và giới thiệu là chú Sáu. Chú có chiếc ghe nhỏ đậu bờ kinh Đông Bình, chủ ở Cái Tầu Hạ xuống đây bán trái cây. Một bữa nọ tôi đi chợ với mẹ về thì thấy chú Sáu và ba tôi xầm xì bàn tán chuyện gì, thấy tôi cả hai im lặng không nói nữa. Tôi theo mẹ ra nhà sau làm món nhậu cho ba và chú Sáu, chốc chốc mẹ lại nhìn tôi rồi thở dài. Tôi nhớ Khang vô cùng và tìm mọi cách để gặp anh. Sáng nay tôi cố lẻn vào nhà Bạch Yến để hỏi về Khang nhưng mẹ tôi theo suốt bên cạnh nên tôi chẳng làm được gì. Tôi không biết Khang có nhớ tôi không. Giờ này anh đang làm gì ? Tôi buồn và nhớ Khang nên chẳng thiết đến ăn uống, người tôi xanh xao tiền tụy và ho nhiều. Một buổi tối mẹ đưa tôi ly nước nói uống vô sẽ bớt ho và thèm ăn. Tôi nghe mẹ uống hết ly nước cho bà vui lòng. Tôi cảm thấy mệt và muốn ngủ. Mẹ tôi kéo chiếc mền đắp lên bụng tôi rồi bước xuống giường. Khi tôi tỉnh lại thì nghe tiếng máy kêu lạch cạch. Trời tối quá và tôi có cảm tương mình đang bị lắc lư. Tôi thấy mình chóng mặt muốn ói nên kêu mẹ mẹ. Mẹ đỡ tôi dậy trao cho tôi ly nước nói tôi uống đi sẽ đỡ mệt hơn. Tôi đang khát nước nên ực cạn li rồi lại ngủ tiếp. Tôi thức giấc vì ánh sáng chói vào mắt. Khi tôi mở mắt ra thì thấy mẹ ngồi bên cạnh. Bà vui mừng nói với tôi “Mình được cứu ròi.” Tôi không hiểu mẹ nói gì nên ngồi chồm dậy. Chung quanh tôi là nước biển và tôi đang ngồi trên tầu của chú Sáu. Mẹ cho tôi biết họ đã cho tôi uống thuốc mê rồi khiêng tôi xuống tầu của chú Sáu đi vượt biên. Ghe đi được ba ngày thì gặp tầu buôn, họ kéo chúng tôi đến gần đất liền rồi chỉ cho chúng tôi hướng vào bờ. Nước mắt tôi đổ xuống như mưa, thế là từ đây tôi mất Khang vĩnh viễn. Tôi hận ba đã không cho tôi được gặp Khang lần cuối. Mẹ ghì tôi vào lòng, nước mắt bà rớt xuống thấm trên vai tôi. Người đi chung tầu tưởng hai mẹ con tôi vui mừng vì sắp vào đất liền. Gia đình chúng tôi tạm cư ở đảo Pulau Bidong thuộc Malaysia, sáu tháng sau đó định cư ở Mỹ theo diện DC2 vì ba tôi trước đây là quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà nên được ưu tiên. Chúng tôi về quận Cam, Cali còn gia đình chú Sáu về Chicago. Một cuộc sống mới bắt đầu, tôi không tiếp tục học nữa và đi làm cho hãng điện tử. Tôi giận mình xưa đã không tìm hiểu số nhà Khang để gởi thơ. Tôi nhớ đến thương hiệu nhà Bạch Yến và gởi thư về đó hòng liên lạc được với Khang. Những lá thư gởi đi mà chẳng bao giờ nhận được hồi âm, sau này tôi mới biết gia đình Bạch Yến đã bán căn nhà đó. Tôi đi làm thật nhiều để quên Khang, buổi sáng ở hãng điện tử, buổi tối ở nhà hàng. Thời gian và công việc đã là liều thuốc hữu dụng, đưa Khang ra khỏi tâm trí tôi lúc nào không biết. Tôi chấp nhận lời xin của ba mẹ lấy Nam con chú Sáu để trả ơn họ đưa gia đình chúng tôi đi vượt biên. Tôi không yêu anh ấy vì tôi đã yêu một người, trái tim tôi chỉ có Khang và Nam chỉ là người đi bên cạnh. Nam cọc cằn thô lỗ và ham chơi hơn làm. Chúng tôi sanh được đứa con gái sau hai năm chung sống. Một buổi chiều có hai người cảnh sát đến gõ cửa nhà tôi. Họ xin phép vào nhà với một vị mục sư người Việt. Tôi bàng hoàng khi nghe tin Nam chết do tai nạn giao thông vì uống rượu lái xe. Cách đây hơn hai chục năm, tôi theo đoàn du lịch Á Châu có ghé Việt Nam và tôi về thăm lại mái trường xưa. Các cánh cửa sổ của lớp học gẫy đổ xiêu vẹo, tường thì loang lổ, mái nhà có nhiều lỗ hổng, mạng nhện giăng đầy lối. Một lớp học đã được dùng làm nhà bếp, cổng rào xiêu vẹo. Nhìn ngôi trường giống như những căn nhà bỏ hoang bên Mỹ. Tôi leo lên cầu thang đứng chỗ lan can tôi và Bạch Yến thường đứng ngó xuống sân trường. Chỉ có cây Phượng là còn nguyên vẹn, tuy nó có cằn cỗi hơn xưa nhưng cái bóng vẫn rợp mát và màu hoa vẫn đỏ rực. Tôi chạy đến bên cây Phượng ngước nhìn lên chỗ có khắc hình trái tim, nó cũng mờ nhạt và không biết ai đó đã khắc một mũi tên xuyên qua. Tôi đứng tần ngần một lát nhìn lần cuối trường cũ của tôi, những hình ảnh thân thương hiện ra, nơi đó là cột cờ, chỗ các thầy cô hay ngồi mỗi sáng thứ hai khi sinh hoạt dưới cờ. Chỗ kia là bãi cỏ bọn con gái chúng tôi hay ngồi phơi nắng và tán gẫu. Trên sân cỏ này anh Khang đã nhiều lần đọc số và làm mẫu cho chúng tôi tập thể dục đồng diễn khi thầy Lý Tâm trao nhiệm vụ. Anh đứng trên cái bàn cao, miệng dõng dạc hô to “một, một, hai một. Hai, hai, ba, một......” Những gian phòng cuối cùng chỗ thầy cô ăn ngủ mà có đôi lần tôi được vào đó giờ đã đổ nát. Nước mắt tôi tuôn trào, hình ảnh anh Khang đứng bên tôi dưới gốc cây Phượng xưa. Các thầy, cô, các bạn... không biết giờ họ ở nơi nao. Buổi chiều tôi ghé thăm Bạch Yến, nó ngỡ ngàng ôm chầm lấy tôi, nó và chồng chia tay nên đem con về ở với bố mẹ. Cuối cùng rồi chỉ mẹ là người thua thiệt và đại lượng nhất. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm xưa, Bạch Yến kể về từng người trong lớp học hiện làm gì và ở đâu bây giờ. Tôi sốt ruột chờ tin anh Khang, Bạch Yến như trêu ngươi tôi, nó không đá động đến. Tôi buột miệng hỏi: “Khang Khều giờ ra sao?” Bạch Yến oà lên “Oh ... cố nhân xưa” rồi quay lại hỏi tôi: “Mầy vẫn còn yêu ông ấy hả” Tôi không dấu gật đầu đáp lại: “Mối tình đầu sao quên được hả mày!” Bạch Yến nhìn ra đường, nó thở dài: “Khang Khều đi Bình Dương bán nước tương rồi”. Tôi chộp lấy câu trả lời hỏi lại “Nhà anh ấy mở công ty nước tương à?” Bạch Yến cười xa xả rồi giải thích cho tôi “Khang làm ăn thua lỗ phải bán nhà trả nợ, không có việc làm, lên Bình Dương làm phu hồ. Ở đây người ta nói đi Bình Dương bán nước tương có nghĩa là tiêu tùng, phá sản, không có công ăn việc làm chính, chỉ là phù hồ ai kêu gì làm nấy”. Tôi mong Bạch Yến đừng nói nữa... tôi xót xa thương cho anh. Mục đích tôi ghé về quê để mong gặp lại anh nhưng không ngờ lại càng đau xót thêm. Tôi muốn quên hết chuyện cũ nên đem con qua tiểu bang Florida sinh sống và tôi gặp lại Lan người bạn cùng trường lúc xưa. Máy bay đáp sớm hơn dự định, tôi nghĩ thật nhiều về Khang trên chuyến bay, tôi nhắm mắt lại giả vờ ngủ say để Lan khỏi bắt chuyện tán gẫu. Tôi muốn ôn lại quá khứ trước khi gặp Khang. Đã gần bốn chục năm rồi, không biết anh ấy còn nhớ đến mình? Vì đã được Lan cho biết trước nên tôi mặc áo dài đến dự. Khang thích nhất màu xanh da trời nên tôi chọn nó khi mặc vào. Chúng tôi đến sớm nên ngồi vào chiếc bàn gần sân khấu. Có mấy anh trong ban tổ chức đang thử đàn và giàn âm thanh. Trên vách tường họ treo một bức tranh có hình ảnh người chèo đò với dòng chữ “Sân Trường Ngày Ấy” ngụ ý nói về thấy cô đã dậy dỗ học trò trên bước đường đi tìm công danh và ví họ như người chèo đò đưa lữ khách qua sông. Bức tranh thật đẹp và nhiều ý nghĩa. Những chiếc bàn tròn được trang trí với những chiếc khăn trải bàn, phủ ghế màu trắng, màu hồng trông lịch sự, trang nhã. Lan khoe với tôi đã thấy hình anh Khang và vợ trong trang mạng do thầy cô Thanh & Hà thiết lập. Lan nói với tôi cứ chờ đó, khi thấy anh Khang nó sẽ ra dấu. Tôi nóng lòng và hồi hộp đợi chờ. Cứ mỗi lần có người vào, tôi lại nhìn ra chiếc bàn chỗ ghi tên xem có phải là anh. Mỗi lần như thế, Lan lại lắc đầu cho đến khi gần khai mạc, tôi đang nhìn lên sân khấu xem họ chuẩn bị làm gì. Lan bấm tay tôi, tôi xoay người nhìn ra cửa và bắt gặp một người đàn ông cao, tóc hoa râm, mang cặp kính cận và có chiếc bụng hơi to đang đi bên một người đàn bà mập, lùn, tóc quăn mặt tô đầy son phấn và nhìn có vẻ già dặn hơn anh. Tôi buột miệng “Khang đấy ư?” Nếu không có nhỏ Lan mách trước, tôi không thể nhận ra anh. Họ ngồi xuống chiếc bàn cuối, Khang bắt tay với bạn và giới thiệu vợ mình. Anh xướng ngôn trên sân khấu gõ vào mi-cô ba tiếng dõng dạc tuyên bố khai mạc. Các khối từ từ thay phiên nhau lên phát biểu. Khang đại diện cho khối tôi. Anh nói ít và không còn hoạt bát như xưa. Xen lẫn các tiết mục văn nghệ là những trò chơi, những câu đố và các truyện hài. Tôi cười lớn khi anh xướng ngôn chỉ một tấm hình vẽ một người đàn ông, cõng một người đàn ông khác trên lưng rồi hỏi cả phòng đố ai kiếm ra câu tục ngữ miêu tả tấm hình này. Cả hội trường ngồi im, tôi cố vận dụng đầu óc xem có câu thành ngữ nào diễn tả người cha cõng con trên lưng. Chợt có một anh ngồi bàn giữa dơ tay và anh trả lời “gậy ông đập lưng ông”. Cả hội trường phá lên cười, tôi khâm phục người chủ xướng cho câu đố có đầu óc khôi hài và sáng tạo. Chúng tôi vừa ăn, vừa chuyện trò, vừa xem văn nghệ và nghe chuyện vui. Có một anh lên giải thích câu tục ngữ “Nhất Tự Vi Sư, Bán Tự Vi Sư” nghĩa là “mỗi một ngôi chùa đều có một ông sư mà bán cái chùa đó cũng do ông sư đó thôi”. Món thịt bò mà ban tổ chức đã chọn nhà hàng nấu thật ngon và đầy đủ cho từng người. Các anh cụng ly lốp đốp, họ đến từng bàn chúc rượu giống như tiệc cưới. Các thầy cô hân hoan và hạnh phúc khi nhìn những trò xưa, nay đã nên người, bỏ công một thuở đưa đò. Tiệc tàn chúng tôi lẽo đẽo ra về. Ai cũng khen ban tổ chức khéo léo và tươm tất. Thức ăn, nước uống đầy đủ và thật ngon, chương trình văn nghệ và các tiết mục góp vui thật hấp dẫn và trào phúng, nhắc nhớ chúng tôi nhớ lại những lần văn nghệ bỏ túi khi xưa dưới mái trường cấp III Tân Hiệp thân yêu. Chúng tôi chia tay và hẹn ngày mai gặp lại ở công viên tham dự tiệc vui ngoài trời. Lan xúi tôi lên gặp Khang nhưng tôi lắc đầu vì không muốn anh khó xử trước mặt vợ mình. Tôi và Lan về lại khách sạn, cả đêm tôi không ngủ được vì buồn vui lẫn lộn khi gặp lại anh. Sáng sau tôi theo các bạn đi nhà thờ rồi ra công viên. Khang đã có mặt ở đó, đang cầm cây đàn guitar đệm cho người bạn hát, vợ anh chạy tới lui giúp người ta dọn bàn bầy đồ ăn. Tôi tiến lại tự giới thiệu rồi phụ chị một tay. Chị cho tôi biết đang sống ở Virginia và làm chủ tiệm nail. Tôi hỏi chị có phải thuộc khoá 75-78 hay trước đó. Chị cười nói mình là dâu của trường. Chị gặp anh Khang cách đây hai năm do bạn bè giới thiệu. Chị có một đứa con trai năm nay đã trưởng thành, chị và chồng cũ đã li dị lâu rồi. Cuộc vui bắt đầu khai mạc, chúng tôi chơi trò chơi trên bãi cỏ, ăn uống, tán gẫu và tụm năm tụm ba hàn huyên. Các món ăn thật ngon, có người đi câu rồi tự đóng hộp mang cá về cho bạn bè thưởng thức. Chúng tôi tìm lại được tuổi học sinh của bốn chục năm trước. Những tiếng cười rộn rã, những tiếng reo vui mừng của kẻ thắng cuộc trong các trò chơi và tiếng hát vang lừng kèm tiếng vỗ tay của những người tham dự. Chiều sắp tàn đã có một số sửa soạn ra về. Tôi nói Lan về khách sạn để chuẩn bị cho chuyến bay đêm nay. Lan nắm tay tôi kéo lại chỗ anh Khang đang đứng bên vợ. Tôi ngại ngùng nhưng vẫn theo Lan đi, đã ở gần anh rồi và tôi cũng đã chờ gần bốn chục năm cho giây phút này. Lan đến trước mặt Khang hỏi lớn “Anh Khang nhớ em không? Lan học 11C1 nè thua anh một lớp.” Khang gật đầu bắt tay rồi quay lại giới thiệu vợ với Lan. Vợ Khang nhanh nhẩu “Em biết chị này, hồi nãy đã làm quen”. Lan cầm tay tôi đưa lên giới thiệu với Khang: “Còn đây là Bích Phượng, lớp 12 B xưa”. Tôi thấy cái ly trên tay anh rớt xuống. Nhỏ Lan nhanh nhảu kéo chị Khang đi, miệng liếng thoắng “Chị qua đây ngồi, em muốn hỏi chị ít về nail” Khang cúi xuống lượm cái ly đã rớt xuống đất, đưa mắt nhìn vợ đã đi xa rồi nhẹ nhàng hỏi tôi “Phượng khỏe không?” Tôi nói nhỏ trong miệng “Dạ Phượng khỏe, anh Khang nhìn khác xưa” Khang cười mỉm chi, chúng tôi đứng nhìn nhau không ai nói được lời nào. Mãi sau Khang mới lên tiếng “Cho Khang xin lỗi”. Tôi ngăn anh: “Người có lỗi là Phượng chứ không phải Khang” Mắt tôi bắt đầu cay cay, tôi nhìn thấy sự bối rối trong anh. Vợ anh và Lan đã trở lại, anh lí nhí xin tôi số điện thoại, tôi khất với anh để lần sau sẽ cho. Tôi đã một lần làm anh mất hạnh phúc và sẽ không có lần thứ hai. Tôi chào anh và chị Khang rồi quay mặt bước đi. Mắt tôi đẫm lệ. Tôi xót xa và tiếc nuối vì không phải mình là người đứng bên Khang bây giờ. Lan quay đấu nhìn lại, nó thầm thì bên tai tôi “Ông ấy vẫn đứng đó trông theo mày” Ngồi trên chuyến bay trở về, tôi thấy mình mãn nguyện vì đã gặp lại anh và tôi sung sướng vì biết anh vẫn còn yêu tôi” Noel 79 - Noel 19 (Kỷ niệm bốn chục năm yêu người) Miko Ha |
|
└(≣) SÂN TRƯỜNG NGÀY ẤY cách đây 4 năm, 11 tháng #22271
|
Cám ơn bạn đã đưa tôi trở lại khung cảnh ngày ấy ,đi lại con đường từ trường cấp 2 đến nhà lồng chợ ,rẽ phải đi vào kinh Đông Bình ,đài Đức Mẹ ,kinh C ,kinh B đến ngôi trường thương nhớ ngày nào ,nhớ đến những gương mặt Thầy Cô và bạn bè năm ấy.Tôi thật bồi hồi súc động với những kỷ niệm xưa vụt đến. bài viết của bạn hay lắm ,chúc mừng bạn đã có đáp án sau bao năm chờ đợi. Có những người vẫn mong tin của người ấy ,mặc dù ngày ấy chưa dám nói. 1.5.2020 CN |
|
└(≣) SÂN TRƯỜNG NGÀY ẤY cách đây 4 năm, 11 tháng #22276
|
Bài viết gợi nhớ bao nhiêu kỷ niệm xưa của thời học trò với những tình tiết rất dễ thương. Bút pháp tuyệt vời, như một nhà văn chuyên nghiệp. Cám ơn Hà Quang Trung. TC 5.5.20 |
|
└(≣) SÂN TRƯỜNG NGÀY ẤY cách đây 4 năm, 11 tháng #22277
|
Cam On anh CN.
6.5.2020 |
|
└(≣) SÂN TRƯỜNG NGÀY ẤY cách đây 4 năm, 11 tháng #22278
|
Em cam on TC.
6.5.2020 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.14 giây