Thông tin tiện ích  

   

Tin Nhắn

sondung: Xin lỗi Thầy Cô em đi hoang lâu giờ mới trở về thăm lại trường xưa. Em hứa từ nay sẽ không đi xa nữa.
sondung: Chào Thầy Cô! Em mới gởi bài viết: TRÙNG DƯƠNG HỘI NGỘ vào trang văn, nhờ Thầy Cô giúp em gởi Video và hình ảnh vào trang của bài, em không biết cách gởi hình vào ạ! Cám ơn Thầy Cô!
sondung: Chào Thầy Cô
Thanha: Thầy cô chúc Gia đình Thắng Nhung năm mới nhiều sức khỏe , vui vẻ, hạnh phúc
Thanha: Thầy cô cám ơn quá Giáng Sinh và Năm Mới của gia đình Thắng Nhung gửi vừa kịp lúc cả nhà đông đủ.Vui lắm Nhung ơi!Bánh Tét tuyệt vời! ...ngon quá đi ăn bánh nhớ má
Thanha: Thành thật chia buồn cùng gia đình và tang quyến về sự mất mát này Cụ bà thọ 93 tuổi.Cám ơn em về bài hát "Mợ tôi"
dpham66: Mẹ Minh Đức mới vừa qua đời. Bà thọ 93 tuổi. MĐ mới đăng bài hát về mẹ "Mợ Tôi". Xin mời thầy cô và các bạn vào xem... Tears!
Thanha: Chào Thanh Cẩm, thầy cô rất vui mừng gặp lại em.Chúc em nhiều sức khỏe và niềm vui khi trở về maitruongxuath.org
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em! Lâu nay em biệt tích, thật là có lỗi với mọi người! Giờ viết tin nhắn tính bấm “nhập” để xuống dòng, rồi chữ biến mất nên viết lại, thành ra chào hai ba lần!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô!
Thanha: TC chao dang cao, em và gia dinh khỏe ? lâu quá mới thấy em ghé thăm trường xưa. Hân hạnh đón tiếp.
dang cao: Chào TC
TÚ VĨNH: Kính chào thầy cô và các bạn. Chúc MTX một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Thanha: Thầy cô cám ơn hai em Thắng Nhung về những chiếc bánh chưng và bánh tét tình nghĩa đã gởi đến thầy cô nhân mùa Giáng Sinh-Năm Mới. Chúc gia đình hai em một mùa Giáng Sinh An bình và năm mới thành đạt.
Thanha: Cầu xin cho tất cả mọi người bình an qua mùa Covid. Năm nay buồn quá hả Thảo?. TC ở nhà suốt không dám đi đâu trừ lúc đi chợ và chạy xe đạp vô rừng.
Thanh Thảo: Em cám ơn TC nhiều ạ . Em cũng đang nghĩ cho cách này . Em sẽ cố gắng . Năm nay 2020 trọn năm bị Covid nên tháng 12 này ko bận làm bánh cho nhà Thờ và hãng TC ơi .
Thanha: TC đã đưa hình lên rồi. Em đừng ngại trong việc đưa hình, cứ viết bài TC sẽ đưa hình giúp. Cám ơn em.
Thanha: Vậy khi nào rảnh em viết bài và lên hình nhé.Thầy cô chúc em thành công.
Thanh Thảo: Nhưng chưa biết cách đưa hình vào như thế nào ? Bắt đầu tùn tới này em bận cho đến cuối tháng 12 về làm bánh . Em cám ơn TC đã sưu tầm được trang up hình này .
Thanh Thảo: Em đã sign in vào Imgur rồi TC ơi !
Thanha: Thầy Cô chỉ các em muốn post hình ảnh cá nhân vào MTX, các em hãy up vào Imgur rồi copy qua như trước đây đối với Flickr hoặc Photobucket. Bởi vì Imgur tiện lợi hơn, không cần có tài khoản và không giới hạn dung lượng.
Thanha: Kinh Thần Nông còn có bài "Trung uy nuôi tôm" tác giả Phương Toàn.
Thanha: Mời các em nghe đọc truyện người thật việc thật, người viết ở kinh Thần nông (kinh 5) .
Thanha: Đã có video buổi họp mặt ngày 8/6 tại trường mới C3 Tân Hiệp, do đài phát thanh truyển hình địa phương Tân Hiệp quay.
Thanha: Cám ơn Minh Châu đã báo cáo quĩ tới ngày 20/3/2019. Còn 3 tuần nữa chúng ta có kỳ họp vào ngày 8/6. Minh Châu kiểm tra tài khoản thường xuyên và báo cáo kịp thời lên quĩ những mạnh thường quân ủng hộ cho kỳ họp mặt này. Cám ơn em.
Thanh Thảo: Dạ Thầy Cô . Sau chuyến du lịch VN lần này , Nancy nói với mẹ : < VN đẹp quá ! Mai mốt đi làm có tiền , con sẽ về một mình ! > . Vậy là vui rồi TC ơi . Một đứa trẻ sanh ra ở Mỹ . Khi theo Mẹ về thăm quê hương mà khen được VN rất đẹp là quá tốt rồi . Chỉ sợ dẫn chúng về , nó chê ko bao giờ trở lại nữa thì nguy .
Thanha: Nancy thích lắm đây, TC không muốn vào bài comment để bài Thanh Thảo cuối cùng các bạn vào xem cho dễ.
Thanha: Chào Thanh Thảo,đọc bài du lịch miền Trung thích lắm, hy vọng tháng 6 nầy về họp mặt sẽ có dịp ra nơi ây.
Trieu Nguyen: Em kính chào thầy cô! Em cảm ơn thầy cô đã luôn chú ý và động viên em.
Thanha: Chào em Trieu Nguyen sau, thời gian vắng bóng trở lại trường xưa với ngòi bút điêu luyện hơn, văn hay chữ tốt hơn đem lại sinh khí mới với luồng gió cũ kỷ đong đầy kỷ niệm một thời khốn khó miền Cái Sắn. Cám ơn sự trở lại của em, trường xưa cảm thấy ấm áp hơn.
caonguyen: Chúc Út Sao và gia đình giáng sinh vui
vẻ
sondung: Dạ! Thưa Thầy Cô . Hôm giờ mấy cháu Vy Ngọc bận việc quá nên chưa làm clip video được , em thì mò hoài mà chưa vô phim được ,em có nhắn tin nhờ Thầy lúc nào rảnh đưa vô dùm vì những đoạn phim đó em giở qua phone của Thầy đó . Kính
Thanha: Chào Sondung, Phim em quay cho TC nhờ bé Vy đưa vào Youtube, sau đó chuyển link vào nội dung MTX như một bài viết,, để minh họa cho hai bài thơ trên. Thơ hay lắm sondung ạ. Cám ơn hai em.
sondung: Dạ chúng em cám ơn Thầy Cô đã tìm giúp , chúng em sẽ xin hoàn thành công việc ạ !

Để gửi tin nhắn xin hãy đăng nhập.
   
   

Trang web hiện có:
4 khách & 0 thành viên trực tuyến

   
Chào Khách quý
Tên đăng nhập: Mật mã: Tự động đăng nhập

Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
  • Trang:
  • 1
  • 2

NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:

THẰNG PETIT (Phần một, Phần hai và Phần ba) cách đây 12 năm #656

THẰNG PETIT (Phần 1)

Truyện ngắn NGUYỄN PHƯƠNG
Để kỷ niệm ngày con trai sắp sang Hoa Kỳ học tiến sĩ, tôi viết truyện ngắn này nhằm tặng con trai và người vợ yêu quý của tôi.
Với tư cách là một nhà giáo, tôi chỉ hy vọng truyện ngắn mang đậm tính chất hồi ký này sẽ đem đến cho bạn đọc một thông điệp: “GIÁO DỤC BẰNG CÁCH NÊU GƯƠNG là hiệu quả nhất” chứ hoàn toàn không có ý khoe khoang.



Cơn bão số 1 đổ bộ vào Bình Thuận làm ảnh hưởng không nhỏ đến Thành phố Sài Gòn. Nó ngồi bó gối suốt ngày trong ký túc xá, nhìn những trận mưa ào ạt, gió quất liên hồi làm cây cối như muốn bật tung khỏi mặt đất, nó không dám bước ra ngoài đường. Từ ngày lên Thành phố đến giờ đã hơn năm năm, nó chưa từng chứng kiến cảnh giông gió nào dữ tợn như vậy. Ngoài trời mưa dữ dội, những đám mây đen cứ nối đuôi nhau ùn ùn kéo tới, hết đợt nọ tới đợt kia, vần vũ trên bầu trời mang một màu u ám đến phát lạ. Nhưng trong phòng nó giờ đây lại hết sức yên tĩnh, cơn mưa đã làm dịu đi cái không khí oi bức của Sài Gòn vào những ngày cuối tháng ba, nó cảm thấy dễ chịu hơn. Ngồi một mình trong căn phòng vắng lặng, nó bâng khuâng nghĩ về ba mẹ.

Nó được sinh ra và lớn lên tại một thành phố nhỏ ven biển ở tận cùng phía Tây Nam Tổ quốc – Thành phố Rạch Giá. Mẹ nó sanh nó ra khi còn dạy học ở ngoài huyện đảo Kiên Hải. Năm lên ba tuổi, vì muốn cho nó có điều kiện học tập tốt hơn, ba nó đã tìm mọi cách xin chuyển cả gia đình vào Rạch Giá. Ba mẹ nó kể rằng, hồi đó vất vả, gian truân lắm. Lấy nhau năm năm, ba mẹ mới dám có con. Lúc bấy giờ, người dân ở trên đảo tưởng ba mẹ nó không có con - ở cái xứ sở lạc hậu này, cứ vợ chồng lấy nhau là đẻ con liên tục thôi - họ đâu biết ba mẹ nó tính toán rất kỹ. Ở tập thể mà không tính kỹ thì sanh con ra ai nuôi? Sống là phải có kế hoạch. Ba mẹ nó tính nếu sanh con vào tháng chín thì sẽ được nghỉ một năm rồi mới đi dạy. Vì sao vậy? Hồi đó chế độ nghỉ hậu sản của cán bộ, giáo viên, công nhân viên chức Nhà nước được sáu tháng. Lúc bấy giờ giáo viên còn được nghỉ trọn ba tháng hè. Vào đầu năm học, tức là đầu tháng 9, mẹ nó mới xin nghỉ hậu sản, hết sáu tháng thì cũng đã đến giữa học kỳ II, không ai phân công cho dạy vào lúc này nữa, chỉ làm việc lặt vặt trên văn phòng thôi. Thế là coi như nghỉ suốt một năm học chín tháng, lại còn thêm ba tháng hè của năm sau nữa. Tính toán thế nào để thằng bé biết đi lẫm đẫm mới đi dạy. Thế mới hay chứ !

Để chuẩn bị cho cuộc “vượt cạn”, ba mẹ nó cũng có một khoảng thời gian rảnh rỗi ba tháng hè của năm học trước, vào Rạch Giá ở nhờ nhà cậu Hai của nó. Ba nó dứt khoát không để cho mẹ nó sanh ở ngoài đảo, bởi vì lỡ có chuyện gì thì trở tay không kịp.

Rồi ngày trọng đại đó cũng đến: Ngày 14 tháng 9 năm 1989, đúng vào đêm rằm tháng 8 năm Kỉ Tị, lúc 20 giờ 20 phút, nó ra đời. Ba nó cùng bà Dì Hai, đứng ở ngoài phòng sanh hồi hộp chờ đợi. Tiếng khóc oe. . . oe. . . Ba nó vội vàng chạy vào. Ôi, một thằng bé thật kháu khỉnh, nặng chỉ hai ký tám. Mới sanh mà hai con mắt láu liêng, cái miệng múm mím dễ thương quá! Ba nó reo lên sung sướng: thằng Petit. . . thằng Petit. . .. Để làm khai sanh, ba mẹ nó đã chuẩn bị sẵn hai cái tên và thống nhất với nhau: nếu là con gái thì tên Nguyễn Phương Loan Anh (mẹ nó tên Loan ghép với tên con), còn nếu là con trai thì tên Nguyễn Phương Duy (ba nó tên Phương ghép với tên con). Cái tên Petit ba nó buột miệng kêu lên vì thấy nó là một thằng quá bé nhỏ lại kháu khỉnh dể thương. Cái tên này trở thành tên gọi thân thương tới bây giờ. Tuy nhiên, gọi Petit nghe có vẻ “Tây” quá nên ba nó gọi tắt là thằng Ti cho nó tiện mà lại có vẻ “Việt Nam” hơn . Bây giờ, cả bên nội, bên ngoại và bà con, bạn bè thân thuộc ai cũng đều gọi nó là thằng Ti hết.

Mới sanh mà Petit đã có quà Trung thu rồi. Bạn bè đồng nghiệp từ đảo vào Rạch Giá chúc mừng mang theo rất nhiều quà Trung thu. Chả là chế độ của cơ quan mà. Con cháu ai tới ngày Trung thu cũng đều có quà hết. Petit còn có cả lồng đèn nữa chứ. Lúc đó mà Petit lớn chắc là vui lắm. Còn bây giờ bé tí tẹo, nằm oe, oe thì biết cái gì. Ba mẹ nó cứ ngắm nó hoài không thấy chán. . . .

Sau bữa tiệc mừng đầy tháng, ba mẹ đưa Petit về đảo. Mẹ nó xa đảo suốt bốn tháng liền, lúc trở về, dân sống trên đảo có người còn tưởng ba mẹ nó mới xin đâu được đứa con về nuôi. Chắc là vì họ thấy vợ chồng thầy giáo lâu quá sao không có con, hơn nữa lúc đi, họ chẳng đế ý thấy mẹ nó mang bầu. Nó còn nghe ba mẹ nó kể rằng trước khi sanh nó, ngoài giờ dạy ở trên lớp, ba mẹ nó đã làm đủ mọi việc để kiếm tiền nuôi nó sau này. Từ việc mua tôm về lột đem đi bán đến việc làm bánh kẹo, rồi bán văn phòng phẩm cho học sinh. Ba nó còn làm cả nghề hớt tóc nữa chứ. Nhưng đáng nhớ nhất là thời kỳ ba mẹ nó làm cốm bán. Ba nó học được cái nghề này của một người quen ở đảo Lại Sơn, cách Hòn Tre, nơi ba mẹ nó ở khoảng hơn hai mươi hải lý về phía Tây Nam. Ba nó qua đó học nghề rồi mua luôn một cái nồi áp suất, dụng cụ chính để làm ra những mẻ cốm ngon lành. Lần đó, biển động dữ dội, ba nó bị kẹt ở Lại Sơn cả tuần lễ, khiến mẹ nó khóc hết nước mắt. Hồi đó, chưa có phương tiện thông tin như bây giờ, mẹ nó tưởng đâu ba nó đã gặp nạn ở ngoài biển khơi rồi!


Có dụng cụ chính để làm cốm rồi , ba mẹ nó tự làm thêm một số dụng cụ lỉnh kỉnh nữa: một cái bàn cắt cốm được ghép lại từ mấy miếng ván của cái bàn học sinh cũ, một cái khuôn cũng được đóng lại từ những mảnh gỗ vụn, một cái trục làm bằng thân cây tràm được bào nhẵn bóng dùng để ép cốm, vài cái bao tải xin được của một người bạn làm ở phòng lương thực huyện đem về cắt ra, khâu liền lại với nhau để nổ cốm vào trong đó . . .

Có được một miếng cốm vuông vắn, thơm phức, ngon lành, bỏ vào miệng ngọt lịm, giòn tan phải trải qua nhiều công đoạn. Khâu đầu tiên là nổ cốm. Đây là công việc chính của ba nó. Đầu tiên là cho gạo ngon vào trong nồi, cài nắp lại cẩn thận. Sau đó, mẹ nó thì ngồi đốt cho nồi nóng lên, ba nó thì quay nồi cốm cho đều. Chẳng cần đồng hồ đo áp suất, ba nó chỉ nghe tiếng kêu trong nồi rồi quyết định cho nổ. Vậy mà mẻ nào như mẻ nấy, y như nhau, rất chính xác không non mà cũng không già. Nổ xong, bỏ cốm vào trong những cái túi ni lông lớn, buộc thật kín, tuyệt đối không để cho không khí lọt vào thì nó mới giòn. Đến khâu trộn cốm thì mẹ nó trổ tài. Thắng đường trong một cái nồi to, cho đầy đủ hương vị vào, khâu này có một bí quyết làm cho miếng cốm ăn vào vừa giòn,vừa thơm, vừa ngon. Đường vừa tới, tức là kéo sợi được thì cho cốm vào, trộn đều. Lúc này, mọi động tác cần phải làm thật nhanh: đổ ra khuôn, ép, rồi cắt liền lúc còn nóng, nếu để nguội, cốm giòn thì không còn cắt được nữa. Cắt xong, lại bỏ vào trong những cái túi ni lông khác, sắp xếp làm sao cho vừa vặn trông thật đẹp mắt và giữ kín hơi rồi đem đi bán. Cốm của vợ chồng thầy giáo làm rất ngon, đồn đi khắp đảo khiến cho ba mẹ nó bán đắt như tôm tươi. Nhờ vậy mà sau này ba mẹ nó mua được căn nhà nho nhỏ trong Rạch Giá và một chiếc xe Cup 50 cánh én “nghĩa địa” hiệu Honda đời 79 làm “cái chân” đi lại. Hồi đó, giáo viên mà có được chiếc xe này thì oách lắm rồi !

Nhưng nó phục nhất là tinh thần hiếu học của ba mẹ nó. Nó nghe ba nó kể rằng sau những năm mới giải phóng tình hình xã hội chưa được ổn định nên việc học còn vất vả lắm. Đến năm lớp mười, ba nó lại gặp một sự cố: Nhà trường bắt buộc tất cả những học sinh học Pháp văn phải học ban AB. Hồi đó, phân ban không giống như bây giờ. Cả trường có ba ban: Ban văn chương gọi là ban AB; ban Toán – Lý gọi là ban C; còn ban Hóa – Sinh gọi là ban D. Khối mười năm ấy chỉ có ba lớp, mỗi lớp một ban. Trong ba lớp thì chỉ có lớp của ba nó là bị “xử ép”, bởi vì chẳng đứa nào thích học ban văn chương cả. Phẫn uất, nhiều đứa bỏ học ngay từ lớp mười. Sau đó, cứ đi vượt biên dần dần đến lớp mười hai chỉ còn lại hai mươi bốn đứa thôi. Ba nó thì buông xuôi luôn, chẳng học hành gì cả trong suốt những năm học Cấp III. Thế là, cái gì cũng có cái giá của nó. Hậu quả là lớp của ba nó chỉ có một người duy nhất thi đỗ đại học thôi. Người duy nhất ấy chính là chú Dũng, bạn thân của ba nó bây giờ. Năm ấy, ba nó đi học Sư phạm Cấp II với một tâm trạng chán chường.

Nhưng ba nó đã lấy lại phong độ kể từ ngày ra dạy học ở ngoài đảo và gặp mẹ nó. Hồi đó, học sinh ở cái đảo nhỏ này rất ít nên tất cả từ lớp một đến lớp chín đều học chung một trường. Ba nó không khỏi ngạc nhiên khi thấy một cô giáo dáng người nhỏ nhắn, trông thật dễ thương, tuổi đời còn rất trẻ mà đã đi dạy những ba năm rồi. Hỏi ra mới biết, cô giáo ấy phải chịu sự hy sinh rất lớn. Vừa học hết lớp chín, tốt nghiệp loại xuất sắc Trường THCS Thoại Ngọc Hầu Thành Phố Long Xuyên, cô ấy phải nghỉ học ra ngoài đảo để phụng dưỡng cha mẹ, nhường cho một người anh và hai đứa em học thành tài ở Thành phố Long Xuyên. Mẹ cô ấy bị bướu não, sau khi phẫu thuật thành công, bác sĩ khuyên nên ra đảo để hạn chế sự tái phát của bướu. Cô ấy nghe mẹ nói như vậy, đành nghỉ học ra ngoài đảo mà lòng luyến tiếc tuổi học trò lắm. Mẹ cô ấy cũng là giáo viên nên xin cho cô ấy học sư phạm cấp tốc rồi ra dạy luôn ở ngoài đảo nhỏ này. Cô giáo ấy sau này chính là mẹ của nó. Sau khi cưới, ba nó càng phục mẹ nó hơn khi tận mắt nhìn thấy một thành tích học tập thật đáng nể trong quyển học bạ, kỷ niệm duy nhất thời học sinh còn để lại: từ lớp một đến lớp chín đều xếp loại học lực giỏi và đều được xếp thứ hạng rất cao trong lớp! Không thể để uổng phí một tài năng như vậy, ba nó tìm cách để cho mẹ nó tiếp tục học lên. Đầu tiên, ba nó nhờ một người bạn, quê ở Quảng Nam, dạy chung trường với ba nó đến kèm cho mẹ nó học chương trình cấp III. Lúc này, Trường Cấp II – III huyện Kiên Hải đã tách riêng với trường tiểu học, ba nó không còn dạy chung trường với mẹ nó nữa

Người bạn này rất giỏi các môn tự nhiên Toán – Lý – Hóa, mẹ nó lại tiếp thu rất nhanh cho nên chỉ có một năm, mẹ nó đã “nuốt gọn” cả chương trình của ba năm học từ lớp mười đến lớp mười hai và còn dự thi Tốt nghiệp Bổ túc trung học luôn năm ấy. Kết quả kỳ thi đó, mẹ nó lấy bằng tốt nghiệp loại Giỏi. Trong thời gian ấy, ba nó luyện thi Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hệ tại chức. Cũng năm đó, cả huyện Kiên Hải có mười bốn người đi thi mà chỉ có một mình ba nó là thi đỗ thôi. Nhưng số lượng thi đỗ đầu vào quá ít, cả tỉnh chỉ có hai mươi bảy thí sinh thi đỗ ngành Ngữ văn, nghe nói bên ngành Toán học còn bi đát hơn nữa. Thế là không đủ số lượng sinh viên để mở lớp nên số thí sinh thi đỗ đành phải ngồi chờ năm sau tuyển thêm một đợt nữa. Như vậy mà lại hay, vì ba nó lại có dịp khuyến khích mẹ nó thi tuyển vào Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh hệ tại chức năm sau. Ba nó thi ngành Ngữ văn rồi, lần này mẹ nó sẽ thi ngành Toán để việc kèm cặp con cái sau này được dễ dàng hơn. Thật tuyệt vời, mẹ nó cũng đỗ ngay trong kỳ thi ấy. Vậy là, ba và mẹ nó cùng học một khóa. Sau bốn năm, ba mẹ nó cùng tốt nghiệp Đại học sư phạm. Đặc biệt, mẹ nó lấy bằng tốt nghiệp Cử nhân Toán học loại Giỏi, xếp hạng Thủ khoa. Năm ấy, Sở Giáo dục – Đào tạo Kiên Giang có nhã ý mời mẹ nó về Trường Trung học Sư phạm giảng dạy, đây là mơ ước của nhiều người, nhất là những anh hám danh, nhưng mẹ nó lại không thích dạy “người lớn”, chỉ thích dạy trẻ con thôi. Ba mẹ nó đi học chỉ vì mục đích để nâng cao trình độ nhằm làm việc, giảng dạy và chăm sóc con được tốt hơn thôi, chứ hoàn toàn không vì mục đích danh lợi.

Noi gương ba mẹ, nó cũng không ngừng nỗ lực học tập, Nó nghĩ chỉ có con đường này mới có thể đền đáp được công ơn sinh thành, dạy dỗ của ba mẹ nó . Và nó đã làm hơn những điều mà ba mẹ nó kỳ vọng. Hồi còn học phổ thông, nó đã từng nghe ba nó nói: “Con phải làm được những điều mà ba khát khao nhưng ba chưa làm được.”. Bây giờ nó có quyền tự hào, vì nó đã làm được hơn những điều mà ba nó mong đợi. Nó mỉm cười một mình hồi tưởng lại suốt quãng thời gian từ bé đến giờ của nó.

(Còn nữa)

THẰNG PETIT (Phần hai) cách đây 12 năm #657

THẰNG PETIT (Phần 2)

Truyện ngắn NGUYỄN PHƯƠNG
Để kỷ niệm ngày con trai sắp sang Hoa Kỳ học tiến sĩ, tôi viết truyện ngắn này nhằm tặng con trai và người vợ yêu quý của tôi.
Với tư cách là một nhà giáo, tôi chỉ hy vọng truyện ngắn mang đậm tính chất hồi ký này sẽ đem đến cho bạn đọc một thông điệp: “GIÁO DỤC BẰNG CÁCH NÊU GƯƠNG là hiệu quả nhất” chứ hoàn toàn không có ý khoe khoang.


(Tiếp theo)

Hồi chưa vào Rạch Giá, nó còn quá bé bỏng, chỉ nghe ba mẹ nó kể lại thôi. Ngày ấy, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng nó cũng được chăm sóc và dạy dỗ thật tốt trong vòng tay yêu thương hết mực của ba mẹ. Mẹ nó là một người phụ nữ tuyệt vời: đã đảm đương tất cả công việc gia đình lại dạy học rất giỏi mà dạy con cũng thật khéo. Có thể nói, gia đình nó được như ngày hôm nay là nhờ một tay mẹ nó. Mẹ nó luôn ghi chép quá trình phát triển của nó cả về thể chất lẫn tâm lý. Những bước ngoặt của sự lớn lên và trưởng thành của nó đều được mẹ nó ghi chép tỉ mỉ vào trong những quyển sổ được bao bìa cẩn thận. Mấy tháng thì mọc răng, khi nào biết lật, biết bò, biết đi; rồi chích thuốc ngừa đợt một, đợt hai, đợt ba. . . , cân nặng mỗi thời điểm là bao nhiêu ký. Tất cả đều được mẹ nó ghi chép rõ ràng, rành mạch ngày, tháng, năm như một quyển nhật ký. Kể cả những lời nói nào của nó mà nghe là lạ cũng đều được mẹ nó chú ý. Năm lên hai tuổi, mẹ nó không chủ ý dạy cho nó biết chữ, chỉ mua hộp đồ chơi có bộ chữ cái A.B.C. . . về cho nó chơi thôi. Mỗi lần cầm lên một chữ là nó hỏi: “Đây là chữ gì hả mẹ?”. Thế là phải trả lời cho nó. Vậy mà chẳng bao lâu, nó đã thuộc lòng cả hai mươi bốn chữ cái trong cái hộp đồ chơi. Nó cũng phân biệt được tất cả các màu trong những chữ cái đó. Nó có tật thấy cái gì cũng hỏi, mà phải yêu cầu trả lời cho bằng được mới thôi, chứ mà trả lời qua quít cho xong là cậu ta không chịu đâu! Có hôm, ba đang nó bế nó đi chơi, suy nghĩ thế nào, nó hỏi :
- Ba ẵm con còn hồi đó ai ẵm ba ?
- Thì bà nội ẵm ba.
- Mà ai ẵm bà nội ?
- Thì bà cố ẵm bà nội.
Tưởng đâu nó thôi, ai dè nó hỏi tiếp:
- Rồi ai ẵm bà cố?
Bực mình, ba nó bảo:
- Thì ông trời ẵm bà cố.
- Nhưng mà con muốn hỏi cái người ẵm đầu tiên kìa!
Thật hết chỗ nói! Đến đây thì ba nó cũng “ bí lù” luôn.
Có lúc, cả hai vợ chồng vào Rạch Giá học mấy tháng trời phải đem nó theo gửi vào Nhà trẻ. Ngày đầu tiên, nó khóc sướt mướt nhưng dần dần nó cũng quen. Nó là một đứa con ngoan luôn luôn nghe lời ba mẹ mà. Hàng ngày, cứ đến năm giờ chiều, khi nhà trẻ mở cổng cho cha mẹ vào rước con về thì nó ngóng cổ ra đường chờ ba mẹ. Thấy ba mẹ đến, nó mừng rơn, thưa cô, rồi chạy vội ra xe, cười líu lo:
- Con thấy chiếc xe cà tàng tới là biết ba mẹ liền.
Lúc bấy giờ chưa sắm được chiếc xe Honda còn chạy chiếc xe đạp cũ. Ba nó thấy nó dùng từ “cà tàng” hay hay liền hỏi:
- “Cà tàng” là gì hả con?
Thật bất ngờ, nó trả lời:
- “Cà tàng” là “cũ mèm” đó.
Một đứa bé mới hai tuổi mà định nghĩa như vậy thì quá tuyệt. Ba nó nghĩ như vậy, rồi mỉm cười.


Năm nó lên ba tuổi, cả nhà chuyển hẳn vào Rạch Giá. Mua được căn nhà nho nhỏ, trong một con hẻm nho nhỏ, ba mẹ nó mừng lắm, chiều nào cũng lau nhà. Nó thấy vui vui cũng xúm lại chạy lăng xăng, cầm cái nùi dẻ đưa bàn tay bé tí tẹo của nó đẩy tới, đẩy lui. Hứng thú thế nào, cười tíu tít, nó nói :
- Vợ chồng, con cái lau nhà, vui quá !
Mẹ nó thấy nó dùng từ « Vợ chồng, con cái » nghe có vẻ người lớn quá, bèn hỏi lại :
- Vợ chồng con cái là ai ?
Nó trả lời ngay:
- Vợ là mẹ. Chồng là ba. Con là con.
Rồi nó chỉ luôn vào cái thau đựng nước lau nhà trước mặt:
- Còn “Cái” là cái thau.
Không ngờ thằng bé lại có óc hài hước như thế!

Ba mẹ cho nó đi học Trường mẫu giáo bán trú Măng Non ngay năm đầu tiên vào Rạch Giá. Sáng gửi vào trong đó, chiều mới rước về. Thoắt cái, nó đã học hết hai năm mẫu giáo. Vì nó đã biết đọc, biết viết thành thạo nên ba mẹ quyết định cho nó vào học lớp một sớm một tuổi. Nó bước vào lớp một Trường Tiểu học Kim Đồng với tư thế oai vệ lắm, vì đây cũng là ngôi trường mẹ nó đang dạy mà. Ngày đầu tiên vào học lớp một, xem ra cậu ta thích chí lắm. Lúc ba nó chạy xe đi rước nó về, ngồi trên xe, cậu ta chỉ vào cái trường mẫu giáo mà cậu ta mới vừa rời vài tháng trước, bỉu môi khi dễ:

- Cái trường gì đâu mà ớn lạnh.
Ba nó thấy buồn cười vì nó nhận xét như vậy, liền hỏi :
- Cái trường đó làm sao mà ớn lạnh hả con ?
- Cái trường gì đâu mà học xong không cho về, bắt ở lại ăn cơm rồi bắt ngủ trong đó, nhốt tới chiều mới cho về.
Thì ra cậu ta thấy ớn lạnh là vì đi học không cho về nhà với ba mẹ. Bây giờ đi học có một buổi còn một buổi được ở nhà với ba mẹ thì tha hồ thích.
Petit học rất giỏi, suốt 5 năm bậc tiểu học nó đều được xếp loại Giỏi, trong đó có tới 3 năm hạng nhất.

Tốt nghiệp Tiểu học loại Giỏi, Ba mẹ cho Petit thi tuyển vào Trường Trung học cơ sở Chuyên Lê Quý Đôn, đây cũng là ngôi trường của ba nó dạy. Ở ngôi trường này, Petit có điều kiện cọ sát nhiều hơn. Đây là một ngôi trường có uy tín nhất tỉnh, là nguồn cung cấp học sinh năng khiếu chính cho Trường Trung học phổ thông Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, đã có nhiều học sinh đạt được những thành tích rất cao từ ngôi trường này. Ngay từ năm đầu tiên vào trường, Petit đã được thay mặt các học sinh của trường đi dự thi đàn Organ dành cho học sinh THCS. Mặc dù đây không phải là sở trường của Petit nhưng cậu ta cũng đạt giải nhì đàn Organ cấp Thành phố năm ấy. Sau bốn năm học ở trường này, Petit đã vượt qua những học sinh xuất sắc nhất để hai lần nhất lớp, hai lần nhất toàn khối. Năm học lớp chín, khi thi học sinh giỏi vòng tỉnh, Peitit đoạt cả ba giải: Giải nhì môn Anh văn, Giải ba môn Toán và Giải ba môn Hóa. Lúc chuẩn bị làm hồ sơ thi vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt, ba nó hỏi :

- Con muốn học chuyên môn gì ?
Nó trả lời ngay không cần suy nghĩ:
- Con muốn học chuyên Toán.
Ba nó thấy đúng ý của mình, nhưng vẫn cứ vặn vẹo nó một tí:
- Ba thấy thành tích môn Anh văn của con cao hơn sao con không chọn?
Nó lập luận như thế này:
- Làm được bài tập Anh văn không thấy sướng mà giải được một bài toán khó thì thấy sướng lắm ba à.
Ba nó thật yên tâm khi thấy nó có động cơ học tập như vậy.

Năm đó, nó đỗ thủ khoa đầu vào Trường Trung học phổ thông Chuyên Huỳnh Mẫn Đạt tỉnh Kiên Giang. Đây cũng lại là một ngôi trường uy tín nhất tỉnh dành cho bậc THPT, nhiều học sinh giỏi ở các nơi đã trúng tuyển vào trường này để học. Nó học lớp Chuyên Toán, thành tích không ngừng được nâng lên; nó luôn luôn là một học sinh xuất sắc toàn diện của trường. Trong những năm học ở đây, đáng nhớ nhất là vào mùa hè năm nó học lớp mười một, ba nó đã ba lần đưa nó ra Hà Nội thi Đường lên đỉnh Olympia. Vì nó đã lần lượt vượt qua hai vòng: vòng Tuần, vòng Tháng và bắt đầu bước vào vòng Quý. Đây là một cuộc thi rất trí tuệ dành cho học sinh THPT, đòi hỏi học sinh không chỉ phải nắm vững kiến thức mà còn phải có một “chiến thuật” hợp lý, phản xạ nhanh và nhiều bản lĩnh khi phải ứng xử trước đám đông, trước những ống kính của các phóng viên. Cuộc thi vô cùng căng thẳng, hồi hộp. Ngồi trong trường quay S9 của Đài truyền hình Việt Nam, ba nó có lúc tim như vỡ ra vì hồi hộp. Ba nó đi với tư cách vừa là phụ huynh vừa là đại diện được ủy quyền của Trường THPT Huỳnh Mẫn Đạt nên được ngồi ở ghế danh dự. Trong khán phòng, cổ động viên của các bạn khác rất đông, còn nó chỉ có một mình ba nó và một vài học sinh ngoài Hà Nội vì cảm mến nó mà đến cổ động. Trong cuôc thi Quý, đến phần thi “Về đích”, bạn Lê Vũ Hoàng bấm chuông quá nhanh, giành hết cơ hội trả lời của nó. Nó rất bực bởi vì bạn này chỉ giành thế thôi chứ trả lời không được bao nhiêu. Hồi đó luật chơi chưa quy định nếu bấm chuông mà trả lời sai thì bị trừ điểm, do đó mà bạn Hoàng cứ bấm chuông vô tội vạ. Thế là nó đành để tuột mất cơ hội vào Chung kết để có thể kiếm ba mươi lăm ngàn đô la đi du học ở Úc. Nghĩ tới đây nó mỉm cười: “Nếu hồi đó mà lấy ba mươi lăm ngàn đô la đi du học ở Úc thì đâu có cơ hội đi Mỹ với học bổng gấp nhiều lần như bây giờ”. Quả thật là “Tái ông mất ngựa”.

Sau đợt đó, rất nhiều người biết đến tên nó vì chương trình đã được phát trên ti vi cho cả nước xem mà lại là một chương được nhiều người quan tâm theo dõi, nhất là các bậc phụ huynh và lứa tuổi học sinh THPT. Thế là thư từ, điện thoại từ các nơi gọi về tới tấp cho nó. Có đứa xin bí quyết học Anh văn, có đứa muốn làm quen để được “thọ giáo” anh Duy. Nhiều nhất là bạn gái, gửi thư, gọi điện liên tục làm nó trả lời không xuể. Có lúc điện thoại reo, nó bảo:

- Ba nghe dùm con. Nói con không có ở nhà nghe ba.
Ba nó khuyến khích:
- Nó gọi con nhiều lần rồi. Con nói với nó vài câu đi.
Nó chau mày, xua tay thoái thác:
- Năm nay, con còn phải ôn thi Đại học, nói chuyện với nó mất thời gian lắm.
Ờ, thằng bé nghĩ phải, cuối năm nay là thi Đại học rồi, phải chuyên tâm vào mới được – ba nó nghĩ như vậy. Cũng may mà hồi đó nó chưa có điện thoại di động. Chứ nếu như bây giờ thì chắc chết với các “phen hâm mộ” thôi. Thế mà cũng có đứa tìm tới tận trường gặp nó để làm quen.

Gần tới kỳ thi Đại học, cả gia đình của nó họp lại với nhau bàn xem nên chọn thi trường nào, ngành nào cho phù hợp với khả năng của nó mà lại có nhiều cơ hội phát triển sau này. Người ta nói có ba cái sai lầm rất lớn trong cuộc đời của mỗi con người là: “Chọn nhầm nghề, uống nhầm thuốc và lấy nhầm người”. Vì vậy, sau nhiều ngày thảo luận, có lúc còn tranh luận gay gắt giữa ba mẹ nó nữa thì cuối cùng cũng đưa ra được một quyết định: Nó thi khối A, Khoa Điện – Điện tử, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh; khối B, ngành bác sĩ đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh.

Năm đó, cũng ba nó đưa nó đi thi đại học. Nhìn các bậc phụ huynh lũ lượt đưa con đi thi, rồi chen chúc đứng trước cổng trường thi chờ con mình bước ra, không dám nhìn thẳng vào gương mặt sau ba giờ đồng căng thẳng của con mình mới biết tình thương yêu của cha mẹ đối với con cái mênh mông biết nhường nào! Ba nó đã từng chứng kiến cảnh một phụ huynh vừa nhìn thấy con bước ra khỏi cổng trường thi với dáng điệu thiểu não đã bật khóc. Bật khóc vì thương con đã nỗ lực hết mình mà đành bó tay trước đề thi quá hóc búa. Thằng Petit thì khác, nó bước ra trường thi với một vẻ mặt tự tin. Ba nó hỏi:

- Làm bài được hết không con?
Nó trả lời ngay:
- Chắc chín điểm rưỡi.
Ba nó không ngạc nhiên, vì biết chắc rằng nó tính điểm rất chính xác.

Năm đó, nó đỗ cả hai trường đại học mà điểm cũng đều rất cao: Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh nó được 29/30 điểm; Trường Đại học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh nó được 28/30 điểm, một con số rất chẵn tròn. Lại tiếp tục một sự lựa chọn đau đầu: học Đại học Bách khoa hay Đại học Y Dược? Muốn làm kỹ sư hay làm bác sĩ? Lần này ba mẹ để cho nó toàn quyền quyết định. Nó chọn Đại học Bách khoa. Ba nó hơi tiếc Đại học Y Dược. Bao nhiêu người mơ ước không được mà nó đành bỏ sao! Suy nghĩ như vậy, nên ba nó quyết định cho nó học Đại học Bách khoa nhưng vẫn làm thủ tục bảo lưu kết quả một năm bên Trường Đại học Y Dược, để năm sau, nếu nó có đổi ý thì chuyển về trường này cũng không muộn. Nó vẫn còn đang học sớm tuổi, lo gì.

Nhưng nó chẳng những không đổi ý mà còn rất tự hào về trường của nó, về thầy của nó, về ngành học của nó. Hết năm thứ nhất, nó được chọn vào lớp Kỹ sư tài năng, ngành điều khiển tự động, khoa Điện – Điện tử. Đầu tiên, lớp có bốn chục sinh viên, cứ mỗi năm sinh viên nào không đạt tiêu chuẩn thì bị loại ra lớp thường. Đến năm thứ tư, lớp Kỹ sư tài năng của nó chỉ còn lại hai mươi sáu đứa thôi.
Trong đó, nó là sinh viên có điểm trung bình tích lũy cao nhất được xếp loại xuất sắc toàn diện. Còn nửa năm cuối nó làm luận văn tốt nghiệp được 9.5 điểm. Thế là điểm trung bình tích lũy của nó lên đến 9.06, một sinh viên duy nhất tốt nghiệp loại xuất sắc, thủ khoa của toàn trường năm 2011.

Hôm đi dự lễ tốt nghiệp và trao bằng Kỹ sư, ba mẹ nó thật hãnh diện và tự hào khi nó được thay mặt gần ba ngàn sinh viên tốt nghiệp của Trường Đại học Bách khoa phát biểu lời tri ân thầy cô trước khi ra trường. Nhìn tư thế đường hoàng đĩnh đạc và nghe bài phát biểu đầy xúc động, ba mẹ nó không ngờ nó lại trưởng thành mau đến thế. Ba nó bùi ngùi nhớ lại những ngày nó mới vào trường đại học.

(Còn nữa)

THẰNG PETIT (Phần ba) cách đây 12 năm #658

THẰNG PETIT (Phần 3)

Truyện ngắn NGUYỄN PHƯƠNG
Để kỷ niệm ngày con trai sắp sang Hoa Kỳ học tiến sĩ, tôi viết truyện ngắn này nhằm tặng con trai và người vợ yêu quý của tôi.
Với tư cách là một nhà giáo, tôi chỉ hy vọng truyện ngắn mang đậm tính chất hồi ký này sẽ đem đến cho bạn đọc một thông điệp: “GIÁO DỤC BẰNG CÁCH NÊU GƯƠNG là hiệu quả nhất” chứ hoàn toàn không có ý khoe khoang.


(Tiếp theo)

Năm đầu tiên là năm vô cùng ấn tượng. Từ bé đến giờ có khi nào nó xa ba mẹ nó một ngày nào đâu! Thế mà bây giờ đã phải xa ba mẹ lên tận Sài Gòn để học. Hôm mẹ nó đang sửa soạn hành lý cho nó đi học, nó thở dài buông một câu thật ngộ nghĩnh: “Người ta bày đặt ra cái chuyện học đại học để làm gì không biết nữa!”. Mẹ nó nghe nói vậy vừa buồn cười vừa thấy thương nó quá. Đến giờ phút sắp phải đi học, xa ba mẹ nó nói vậy thôi, chứ trong lòng thì cũng quyết tâm lắm. Sau đó, ba nó đưa nó lên Sài Gòn ổn định xong chỗ ăn ở rồi mới về. Ba nó nhớ hoài cái tin nhắn đầu tiên mà nó gửi về cho ba nó: “Con thi rồi! Chiều nay vô trường tập trung. Máy hết tiền rồi không đem theo”. Đó là buổi thi Anh văn kiểm tra đầu vào của Trường Đại học Bách khoa. Vì xa con, nhớ con nên khi đọc tin nhắn đó, ba nó thấy thương nó quá. Đến bây giờ, cái tin nhắn ấy vẫn còn giữ y nguyên trong điện thoại của ba nó để mỗi lần nhớ con, ba nó lại lấy ra xem coi như đó là kỷ niệm ngày đầu tiên nó vào giảng đường Đại học.

Sau đó chưa đầy một tháng, nó làm cho ba nó một phen hú tim. Hôm đó, đang dạy học bỗng dưng có điện thoại. Móc ra xem. Thì ra đó là điện thoại của con trai. Bước ra khỏi phòng, nghe con trai nói chuyện:

- A lô! Ba đó hả - nghe giọng nó buồn buồn – chắc hôm nay học xong buổi sáng, chiều con về quá.
Ba nó cứ tưởng nó nói về ký túc xá, vì thường ngày học hai buổi, nó ở trường ăn trưa rồi nghỉ lại ở đó luôn, chiều mới về:
- Thì con cứ về ký túc xá nghỉ cho khỏe, chiều đi học. Ký túc xá cách trường có hơn hai cây số thôi mà. Tội gì ở trường làm chi cho nó mệt.
- Không phải ba ơi! Con muốn về Rạch Giá.
Ba nó giật mình. Trời đất ơi, thằng này có chuyện gì mà đòi về bất thình lình như vậy.
- Con về Rạch Giá có chuyện gì không?
Giọng nó như muốn khóc trong điện thoại:
- Con nhớ nhà quá! Con muốn về.
Rồi để cho ba nó yên tâm, nó phân bua:
- Con tính rồi. Hôm nay là thứ năm. Thứ sáu con chỉ có giờ Anh văn thôi. Thứ bảy con lại được nghỉ. Vậy là con chỉ nghỉ có hai tiết Anh văn mà về nhà được những ba ngày, từ thứ sáu đến chủ nhật.
Ba nó vẫn còn lo lắng, bởi vì đoán rằng chắc nó còn có chuyện gì để nói chứ không chỉ đơn giản là nhớ nhà đâu.
- Đi như vậy thì mệt lắm. Hay là để ba lên với con.
Nhưng nó đã dứt khoát:
- Con mua vé xe rồi. Ba cứ yên tâm. Con không sao đâu.
Gần sáu giờ chiều hôm đó, nó về tới nhà. Ba mẹ ôm chầm lấy nó mà hôn cho đã cái thèm khát nhớ mong. Tối hôm đó, cậu ta tâm sự, có hôm nhớ nhà, nhớ ba mẹ, ngồi khóc một mình. Rồi cậu ta thủ thỉ:
- Con thấy một anh ở trong phòng con ngày nào cũng gọi điện về cho ba mẹ cả tiếng đồng hồ mà không tốn tiền. Anh ấy nói xài dịch vụ Sfone, mua hai cái điện thoại, cái này gọi cái kia không tốn tiền. Chỉ bị trừ một ngày có một ngàn năm trăm đồng thôi.
Thì ra không được tâm sự với ba mẹ hằng ngày, cậu ta nhớ. Gọi Vinaphone thì tốn tiền quá, hồi đó dịch vụ điện thoại không rẻ như bây giờ, mới lên mà đã tốn hết mấy trăm ngàn tiền điện thoại rồi, cậu ta tiếc. Cậu ta tiêu xài chừng mực lắm, cái gì không đáng thì cậu ta dứt khoát không xài.
Thế là hôm sau, hai cha con đi tìm bằng được dịch vụ cung cấp điện thoại Sfone, mua hai cái để mẹ nó một cái và nó một cái tha hồ gọi nhau “cháy máy” mà không sợ tốn tiền, nó mới yên tâm đi học.
Từ đó đến tận bây giờ không đêm nào mà nó không gọi về tâm sự với ba mẹ cả tiếng đồng hồ trước khi đi ngủ.

Nhìn lại những chặng đường học tập đã qua, nó cảm thấy hài lòng vì đã báo đáp được công ơn sinh thành và dạy dỗ của ba mẹ nó. Từ Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông rồi Đại học, nó đều được học ở những trường tốt nhất và cũng đều giành được ở vị trí cao nhất khi ra trường. Nó đã “lụm” trọn một bộ thủ khoa. Trong suốt bốn năm rưỡi học đại học, nó được nhận rất nhiều học bỗng, số tiền đó đủ cho nó ăn học không cần tới tiền của ba mẹ nó nữa. Vừa qua, nó còn được nhận tiếp một giải thưởng khá lớn của hãng Honda Nhật Bản tại Việt Nam. Nó lọt vào danh sách mười Kỹ sư và Nhà khoa học trẻ Việt Nam năm 2011. Nó là ứng cử viên số 1 trong mười kỹ sư đó, được nhận ba ngàn đô la và một chiếc xe Wave RS của hãng Honda.

Lần này ra Hà Nội nhận giải thưởng, ba nó cũng đi với nó nữa. Nhưng không như sáu năm trước, ba nó đưa nó đi thi Đường lên đỉnh Olympia mà lần này, ngược lại, nó lại đưa ba nó đi với tư cách là Đại biểu danh dự. Ba nó lại một lần nữa rất hãnh diện vì nó được chọn đại diện cho mười nhà khoa học trẻ Việt Nam phát biểu cảm nghĩ về giải thưởng này. Ba nó còn có dịp được chứng kiến nó làm phiên dịch cho cuộc trò chuyện của ba nó với ông chủ tịch Quỹ Honda Foundation trong buổi tiệc chiêu đãi thân mật của hãng Honda Việt Nam. Ông chủ tịch đánh giá rất cao thành tích của nó và nhã ý muốn cấp học bổng cho nó sang Nhật Bản để học sau đại học, nhưng nó đã từ chối vì nó đã được học bổng VEF - Quỹ Giáo dục Việt Nam và Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, chương trình tiến sĩ tại Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 2012.

Trong buổi lễ trao giải hôm đó, MC Diệp Chi của Đài truyền hình Việt Nam cho phát đoạn Video clip nêu thành tích của mười kỹ sư và nhà khoa học trẻ Việt Nam. Khi xướng danh tên Nguyễn Phương Duy, người làm chương trình đã đọc nhầm năm sinh của nó. Hỏi ra mới biết, họ tưởng đâu bên Quỹ Honda Foundation đã ghi nhầm năm sinh, vì họ nghĩ rằng có ai sinh năm 1989 mà đã là giảng viên trường Đại học bao giờ đâu! Họ đâu biết rằng ba mẹ nó đã cho nó đi học sớm một tuổi mà vừa tốt nghiệp lại được giữ ở trường làm trợ giảng ngay nên họ mới đọc nhầm năm sinh lớn hơn một tuổi như vậy.

Sau khi được lọt vào “mắt xanh” của Viện Hàn lâm Quốc gia Hoa Kỳ, nó được tới chín trường đại học ở Mỹ tiếp nhận. Nó viết đơn từ chối sáu trường, còn lại ba trường, nó đưa lên bàn cân rồi cân nhắc mãi.

Trường University of Texas at Austin, giáo sư mời nghiên cứu năng lượng gió. Nó nghĩ: “ Mình học rồi về nước làm việc, ngành này ở Việt Nam không phát triển. Thôi, cho qua.”.

Còn Trường Northwestern University ở Thành phố Chicago bang Illinois, giáo sư rất nhiệt tình mời nghiên cứu Robot Y học, cho học bổng 5 năm, mỗi năm tới tám mươi lăm ngàn đô la. Số tiền quá hấp dẫn! “Nhưng không được. Ngành này về Việt Nam thì “không có đất dụng võ”. Ai mà cung cấp kinh phí cho việc nghiên cứu Robot Y học?”.

Trường thứ ba là Trường University of California at Davis. “A, phù hợp đây. Giáo sư mời nghiên cứu ngành điện tử công suất tần số cao. Đây là sở trường của mình.

Hơn nữa ngành này ở Việt Nam cũng đang phát triển. Trường này cho học bổng có ít hơn Trường Northwestern University, nhưng khi về nước sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn”. Nó lại tiếp tục nhẩm tính “ Với năm mươi ba ngàn đô la một năm cũng đâu đến nỗi tệ. Đóng học phí hai mươi bảy ngàn đô la, cộng với tiền bảo hiểm ba ngàn đô la môt năm là hết chẵn ba mươi ngàn thì mình cũng còn hai mươi ba ngàn, vị chi mỗi tháng mình cũng còn được hơn một ngàn chín trăm đô la. Xài tiết kiệm cũng còn dư cả ngàn đô la một tháng chứ ít sao! Mình gửi về cho mẹ phụ giúp, mai mốt về nước còn mua nhà ở Sài Gòn sinh sống và làm việc”. Nó tính toán như vậy rồi lại mỉm cười một mình.

Ngoài trời, gió vẫn cứ rít lên từng hồi, cơn mưa dường như không muốn dứt. Và trong tâm hồn nó dường như cũng có một cơn mưa – cơn mưa của sự hạnh phúc ngây ngất vì thời thơ ấu quá đẹp. Ngày mai sẽ hết bão, bầu trời sẽ trong sáng, sẽ đón chào một tương lai tươi sáng của nó ở phía trước. Đầu tháng chín này, nó sẽ bay sang Mỹ. Nó sẽ được mở rộng kiến thức ở một chân trời xa lạ. Nó sẽ tạm xa ba mẹ nó trong một thời gian dài. Nghĩ tới đó, nó lại chạnh lòng. Nó luôn lo lắng cho sức khỏe của ba mẹ nó. Ngày nào gọi điện thoại về nhà, nói gì thì nói, nó cũng không quên nhắc: “Mẹ dạy thêm ít ít thôi, còn ba thì cố gắng giữ gìn sức khỏe”. Nó thương mẹ nó tảo tần, chăm chỉ, “đảm việc nước giỏi việc nhà”. Giờ đây, khi sắp sửa xa ba mẹ, nó chợt nhớ đến những câu thơ trong bài thơ “Con cò” của nhà thơ Chế Lan Viên mà ba nó đã dạy nó từ năm học lớp chín:
“Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
.........................................
Một con cò thôi,
Con cò mẹ hát
Cũng là cuộc đời
Vỗ cánh qua nôi.”
Nghĩ tới đó nó lại nhớ nhà da diết và cũng như mọi lần, nó cầm điện thoại gọi về nhà:
- A lô! Mẹ đó hả. Mẹ có khỏe không?

Rạch Giá, ngày 11 tháng 4 năm 2012

Nguyễn Phương

└(≣) THẰNG PETIT (Phần ba) cách đây 12 năm #660

Chào NP.Chú chúc cháu"chân cứng,đá mềm"
BS.LONDON.ENGLAND.

└(≣) THẰNG PETIT (Phần một, Phần hai và Phần ba) cách đây 12 năm #662

HẠNH PHÚC BẤT NGỜ

Hạnh phúc này không đến với bất ngờ đâu?Mà nó đã được hai vợ chồng Nguyễn Phương
đã có công sinh cháu ra và suốt hơn hai mươi năm,dạy dỗ,dẫn dắt cho cháu đạt được
cái thành công rực rỡ này.
Hai bạn đã có một đứa con thông minh tuyệt đỉnh,hiếu thảo.Biết vươn lên trong mọi
hoàn cảnh để đạt tới đỉnh vinh quang này...đây là những ước mơ các bậc cha mẹ đều
muốn có.

Nghèo...nhưng không nghèo về ý chí,về quyết tâm và về chất xám,nếu ai đó hiểu
được nghèo là một cái tội? Đúng đó,nhưng mình lấy nó làm bàn đạp trên con đường
học vấn,ra đời không thua ai...ngẩng đầu mà bước,mọi người,mọi nơi chốn đều khâm
phục và kính nể mình.Có kiến thứ,tức là mình có được con đường đi đến Hạnh Phúc
dễ dàng?

Vợ chồng Phương có được một đứa con trai thông minh,học giỏi.
Nhưng công lao của cha mẹ cháu quá lớn.Nhất là đã có một người mẹ biết nuôi nấng
con,dìu dắt con ăn học để đạt tới đỉnh vinh quang này.

Đọc hết ba phần,bài của Nguyễn Phương viết.
Tôi vừa đọc vừa cảm xúc,cái xúc động dâng tràn,cái vui mừng dùm cho hai vợ chồng
,cái tự hào về một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình khó khăn về kinh tế.Nhưng
đã đạp lên tất cả ,để giành được cái vinh danh này cho cha mẹ,cho Việt Nam Tuổi
Trẻ ngày nay.

Nói về tuổi Tỵ,sanh năm 1989.
Tôi cũng có đứa cháu gái,sanh 11-89,con gái con của người anh kế tôi.Cháu là h/s
trường chuyên Lê Hồng Phong ở Sài Gòn,cũng rất giỏi về Toán và Anh Ngữ.Mười sáu
tuổi học hết lớp 11,lấy được Full Scholarship(học bổng) bên Anh Quốc.
Hiện giờ du h/s ở Utah - Mỹ,sống rất tằn tiện,chăm học.Qua Mỹ học vẫn lấy được
học bổng cao,nên ba mẹ cháu đỡ lo phần này.
Ba cháu là cựu h/s của trường cấp ba Tân Hiệp.Và cũng đã từng lội sình trong
kinh Đông Bình để đi học mỗi ngày.
Học trò thầy Hào,dạy Toán và thầy Hồ dạy Lý.Ra trường 12C(1977)anh học trên tôi
hai lớp.

Nếu cháu chọn trường UC Davis.
Quá tuyệt!lâu lâu bác Thảo mời về nhà để trổ tài nấu bếp của bác...?
Từ nhà bác lái xe tới UC Davis chỉ có 30' lái xe.
Từ trường UC Davis tới UC Berkeley thì mất khoảng 45',tới Stanford University
khoảng hơn một tiếng.Và nếu muốn tham quan thành phố San Jose(Silicon Valley)
cái nôi điện tử của Mỹ,thì cỡ hơn tiếng.

Một lần nữa!
Các bạn cựu học sinh trong kinh Đông Bình.Xin gởi lời chúc mừng Hoan Hỉ và Hạnh
Phúc nhất tới gia đình bạn Nguyễn Phương.

Xin chúc mừng cháu.

Thanh Thảo
Cali,11-4-12

└(≣) THẰNG PETIT (Phần một, Phần hai và Phần ba) cách đây 12 năm #688

  • bvh
Tôi đã xem " THẰNG PETIT " và đã tua lại đến 3 lần .
Chúc mừng Anh : giờ đã hái được " quả ngọt " sau nhiều năm vất vả " trồng người ".
Thông điệp của Anh gởi đã được mọi người đón nhận .
Rất cảm ơn !
( Sẽ rất tuyệt nếu như thông điệp này được Anh gởi đi sớm hơn ,chừng 20 năm trước chẵng hạn ! )
Chào .

BVH - Sg 14/04/12
  • Trang:
  • 1
  • 2
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.16 giây
   
© maitruongxuath.org