Chào Khách quý
|
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
THẤT SƠN HUYỀN BÍ cách đây 11 năm, 3 tháng #10092
|
VỊ ĐẠO SĨ CUỐI CÙNG TRÊN ĐỈNH CẤM SƠN
Đạo sĩ Ba Lưới tên thật là Nguyễn Văn Y, sinh ra ở miền sông nước miệt cù lao Giêng (xã Tấn Mỹ,H.Chợ Mới- An Giang), người đã hành nghề thầy thuốc trị bệnh cứu người lâu nhất ở núi Cấm (hơn 70 năm) và người đã hai lần chém xà tinh trừ hại cho dân. Tuổi thơ ông thường bơi ghe ngang dọc khắp các sông rạch vùng Cái Tàu, Vàm Nao, Ông Chưởng… để chài lưới kiếm cá đổi gạo. Không biết cơ duyên nào đưa tới, khoảng đầu thập niên 1930, khi sắp tuổi 20, ông lén nhà vác theo mấy tay lưới, hỏi đường đi bộ suốt hai ngày lên tới Thất Sơn, rồi lần hồi vẹt rừng lần lên tới đỉnh núi Thiên Cấm Sơn (núi Cấm) và đi đâu ông cũng dắt manh lưới bên mình vì vậy các bậc ân nhân, tiền bối thấy ngộ, nên gọi ông là Ba Lưới. Cũng từ đó, chẳng ai nhớ đến cái tên Nguyễn Văn Y của ông nữa. Những năm 1930 vùng Thất Sơn trong đó núi Thiên Cấm Sơn là nơi rừng rú hoang rậm, cọp beo đi thành đàn, rắn độc, đặc biệt là rắn khổng lồ bò lổm ngổm trong rừng và chỉ có những đạo sĩ ẩn danh tu luyện, những cao nhân muốn lẩn trốn thế sự, cũng có thể là những chí sĩ tạm thời ẩn thân trong rừng chờ thời cơ. Hàng ngày, các đạo sĩ trồng trọt, hái thuốc, đêm xuống luyện võ nghệ và tu học.Tu là tu thân để làm điều lành, tránh cái ác; học là theo điều đức hạnh, chứ không theo đạo giáo nào. Tu ở đây không có sư phụ, đệ tử, chỉ người đi trước dạy cho người đi sau, cứ nghĩ đến điều tốt đẹp mà làm. Những người sống trên núi lúc đó ai cũng phải rèn luyện võ công. Không có võ thì không tồn tại nổi ở chốn rừng thiêng nước độc này”. Là người có sức khỏe, trí thông minh, lại chăm chỉ học hỏi, nên chàng trai Ba Lưới được nhiều đạo sĩ dạy dỗ, đào tạo. Có đạo sĩ dạy ông cách luyện khí công, đạo sĩ dạy thuốc, đạo sĩ dạy võ… Không biết có phải nhờ dày công luyện tập các bí kíp của môn võ lâm Thất Sơn và thái cực quyền mà ở tuổi 100 (tính đến năm 2012), lão đạo sĩ Ba Lưới vẫn giữ được thân pháp nhẹ nhàng, giọng nói trầm ấm, thi thoảng lại pha vào những tràng cười hỉ hả đầy sảng khoái. Suốt mấy chục năm trời miệt mài phát rừng làm rẫy để có cái ăn, rồi lần dò tìm thầy học võ để phòng thân, thêm nghề bốc thuốc cứu người. Trong hành trình tu thân học đạo, ông Ba Lưới không ít lần giáp mặt với thú dữ. Nhờ những thế võ Thất Sơn bí truyền học được từ các đạo sĩ tiền bối, ông đã hai lần hạ gục rắn hổ mây to hàng chục ký với thế “Bình Phong Lạc Nhạn”. Ông theo học rất nhiều sư phụ, nhưng môn phái ông theo học chánh tông là Đường Phong. Có thể nói ông là đệ tử chân truyền đời thứ 9 của Cử Đa, người sáng lập ra môn phái võ Đường Phong trên đỉnh Cấm Sơn. Ông cũng được ông Năm Sanh (Trần Văn Sanh) – một đạo sĩ ẩn tu tại núi Tà Lơn (Campuchia) nhận làm đồ đệ, truyền dạy những bài thuốc bí truyền. Giữa chốn núi rừng thâm u, đầy rẫy rắn độc, những bài thuốc trị bệnh, chữa nọc rắn của thầy dạy ông ngày xưa trở nên vô cùng hữu dụng và cần thiết. Vì thế ông cũng bắt tay phục dược, cứu chữa bệnh cho người dân quanh núi. Những loài thuốc quý trên núi ông đều biết cả, được dùng để trị bệnh cứu người. Bởi vậy, nhiều người còn gọi ông là “Thần y” trên núi Cấm. Tính đến năm 2013, thế hệ những đạo sĩ cuối cùng ở miệt Thất Sơn từng vang danh như Năm Cao, Ba Sánh, Đức Minh, Thiện Tài, Năm Sanh, Ba Tiêu, Thiện Quang, Mười Thiệt, Sáu Hột, Mười Phu… kẻ trước người sau lần lượt tạ thế, có lẽ chỉ còn lại nhà sư Thiện Huệ (87 tuổi, quê quán ở xã Phước Hưng, huyện An Phú, An Giang), trụ trì chùa Bình Sơn (ấp Thiên Tuế) và đạo sĩ Ba Lưới. Hai ông được xem như “pho sử sống” của miệt Thất Sơn. Sau 1975 cuộc sống trên núi Cấm cũng thay đổi dần. Những cư sĩ ẩn tu lần lượt xuất sơn, chọn nơi khác lập nghiệp. Năm 1976, ông Ba Lưới tìm đến vườn đá ở hang Long Hổ Hội dựng chòi sinh sống. Theo ông, nơi đây từng là nơi họp mặt của hổ và rắn vào những dịp trăng tròn. Thời gian này, ông gặp bà Huỳnh Thị Quang, ở Tân Châu, đi viếng núi. Như duyên tiền định, ông bà gá nghĩa với nhau và ở đây sinh sống đến giờ, sinh được bốn người con. Người dân địa phương còn nhắc nhiều đến ông Ba Lưới với tượng Phật Di Lặc cao 33,6 m bằng bê tông cốt thép trên đỉnh núi Cấm trị giá tiền tỉ mà ông đã góp công xây dựng. Nay ở vào tuổi xế chiều, song ông Ba Lưới còn một tâm nguyện là hoàn thành công trình chùa Phật Lớn trên đỉnh núi Cấm. Nay chỉ còn riêng Ba Lưới nguyện sống hết cuộc đời mình để giữ lại tán rừng, hang đá. Bởi vậy người ta gọi ông là lão kỳ nhân đạo sĩ cuối cùng của đỉnh Cấm Sơn. TC (st) 2.1.14 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.11 giây