Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
HÒN HEO DU KÝ cách đây 12 năm, 6 tháng #1159
|
Không tìm thấy tập tin đính kèm 2b.jpgKhông tìm thấy tập tin đính kèm 3b.jpgKhông tìm thấy tập tin đính kèm 4b.jpgKhông tìm thấy tập tin đính kèm 5_2012-05-04.jpgThưa Thầy Cô và các bạn, NP dự định đi đám cưới con gái của Lê Văn Tý về thì báo cáo ngay. Nhưng khi về, việc đầu tiên là phải “Xin lỗi vợ” rồi sau đó là bao nhiêu công việc ở Trường để chuẩn bị hồ sơ xét tốt nghiệp cho học sinh. Họp hành liên tục khiến NP không có thời gian để viết bài. Hôm nay, NP phải viết gấp cho bằng xong bài này để ngày mai còn đi ăn tiệc mừng cháu ngoại của bạn Trăng Khuyết. Mặc dù cuộc hành trình này đã được NP ghi chép vào trong sổ tay, nhưng vì viết quá gấp gáp nên không tránh được những lỗi diễn đạt lủng củng, mong Thầy Cô và các bạn thông cảm. HÒN HEO DU KÝ NGUYỄN PHƯƠNG KHỞI HÀNH ĐẦY TÂM TRẠNG Sáng tinh mơ, hắn vơ vội vài bộ quần áo bỏ vào chiếc ba lô nhỏ chạy vội ra chiếc xe Mai Linh đang đợi sẵn ở ngoài ngõ. Chuyến này hắn đi đám cưới con gái của bạn Lê Văn Tý ngay vào những ngày lễ lớn mà lại được ra ngoài đảo nên sẵn dịp đi du lịch luôn cũng vui. Nếu có nhiều bạn bè cùng đi nữa chắc là vui lắm. Nhưng không, các bạn đã bận hết rồi chỉ có một mình hắn thôi. Chiếc xe lao vun vút trên quốc lộ 80 thẳng tiến từ Rạch Giá về phía Hà Tiên. Ngồi một mình trên chiếc xe toàn người xa lạ, hắn miên man nghĩ đến cuộc nói chuyện qua điện thoại với thầy Thanh ở tận bên Đức chiều hôm qua. Nghe giọng thầy thân thương quá. Thầy sợ hắn buồn vì có cái anh Tù Và nào đó nói bóng gió là hắn tham danh vọng nên mới khen thơ người khác (?). Không. Hắn không buồn. Hắn chỉ hơi phiền một chút vì người bạn này không hiểu hắn. Ngày xưa, hắn đã từng làm Hiệu trưởng ở ngoài đảo. Hắn đã từng chứng kiến những bê bối trong một bộ phận không nhỏ đội ngũ của cán bộ công nhân viên chức Nhà nước. Hắn nhát nhưng không hèn. Hắn thấy làm Hiệu trưởng khó quá. Thế là hắn vứt bỏ tất cả để được gần gũi học trò mà lại tránh xa được những sự ưu phiền. Hồi đó hắn có tâm sự với Dũng, bạn thân của hắn, về vấn đề này. Chỉ có người bạn tri kỷ này là hiểu hắn nhất thôi. Còn nhớ hồi đó, năm nào hai đứa cũng cùng nhau uống rượu đón giao thừa nói đủ thứ chuyện trên đời. Bài thơ Chiếc Áo của Băng Sơn làm hắn xúc động tới bây giờ. Hắn nhớ má hắn. Sau khi má hắn mất, hắn làm cả một video clip gồm bảy ca khúc để tưởng nhớ một người mẹ, chồng mất sớm, suốt đời tảo tần, làm lụng, buôn bán vất vả để nuôi cả bảy đứa con ăn học. Trong video clip đó có một bài hắn hát rồi tự thu âm và quay phim. Đĩa nhạc này, ai mà xem thì chắc “ghê” lắm, nhưng đối với hắn thì nó lại là một kỷ niệm vô giá. Mỗi lần mở ra, hắn nghe giọng hát của chính hắn: “. . . Bóng mẹ liêu xiêu trong chiều buông gió. . .” cùng với hình ảnh của má hắn hiện ra là bao nhiêu kỷ niệm thời thơ ấu của hắn bên má hắn bỗng hiện về. Hắn lại miên man nghĩ đến thầy cô và bạn bè. Hắn thương thầy cô bao nhiêu năm rồi vẫn nhớ từng đứa học trò, vẫn thường xuyên thăm hỏi, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng để kịp thời chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn; hắn thương Thế Bảo tiếng Đức còn rành hơn cả tiếng Việt mà vẫn kiên nhẫn, quyết tâm làm cho bằng được trang web với ứng dụng đa phương tiện toàn bằng tiếng Việt; hắn thương chị Thanh Thảo ở Mỹ bao nhiêu năm rồi vẫn nhắc hoài cái chuyện lội sình ở trong kinh Đông Bình; hắn thương Trăng Sao ở Canada, hai mươi tám năm trời xa Tổ quốc mà thơ tình bằng tiếng Việt vẫn tuôn trào lai láng; hắn thương Băng Sơn ở Anh, bao nhiêu năm xa cố hương mà vẫn có được những bài thơ tiếng Việt làm hắn ngỡ ngàng; hắn thương Thanh Thúy ở Úc, cứ nói hoài “Em hỏng biết làm thơ”. . . Còn bao nhiêu người ở nước ngoài nữa nhỉ? À, còn chị Tâm ở Thụy Điển nữa. Mặc dù ít viết bài nhưng chị vẫn thường xuyên theo dõi tin tức trên MTX, chị vẫn gửi mail về cho hắn, khen hắn viết văn hay. Hắn dạy Ngữ văn, hắn quý tiếng Việt nên hắn càng quý những người ở nước ngoài dùng tiếng Việt. Hắn sẽ tuyển tập những bài thơ, bài văn hay trên trang web này để giảng cho học trò vào những giờ ngoại khóa. Và hắn sẽ nói với học trò rằng: “Thầy Cô của thầy đó. Bạn của thầy đó, những người đang ở nước ngoài dùng tiếng Việt như vậy đó. Các em nghĩ gì?”. Còn những người bạn thân của hắn ở đây, hễ có chuyện gì là “kiếm cớ” gặp nhau để hàn huyên, tâm sự, coi nhau như anh em trong gia đình. Bài viết của các bạn sôi nổi quá làm vui nhộn cả nhà. Còn một số anh chị em thường thấy xuất hiện trên MTX như: Trăng Thanh, Nguyễn Thị Lan, Huyền Thoại, Minh Châu, Thanh Quý, Bùi Văn Hiến. . . hắn chưa biết rõ ở đâu nhưng qua những bài thơ của các bạn này hắn thấy được tấm chân tình hết sức cảm động thể hiện trong những vần thơ đằm thắm ấy. Gần đây còn xuất hiện cả Kim Phượng và Mộng Dừa nữa chứ! . Cái cách nói và viết của Mộng Dừa nghe nó “Mộc” làm sao! Có lúc “Hiểu chết liền” nhưng mà nghe cũng vui, nhất là lúc nào cũng “hi. . hi”. Thôi thì lúc buồn, lúc vui, lúc hờn giận, lúc suy tư thì nó mới thú vị, nó mới ra cái gia đình chứ! Cứ có một kiểu hoài thì đơn điệu lắm. Dạo này xem ra MTX của hắn rôm rả quá. CHUYẾN TÀU ĐỊNH MỆNH NĂM XƯA - Ai xuống bến tàu ra Hòn Heo thì chuẩn bị hành lý nghe! Tiếng bác tài làm hắn giật mình. Mới đây mà đã qua Kiên Lương, tới bến sông Ba Hòn rồi sao? Không có bác tài xế nhắc, hắn lại đi tuốt tới Thị xã Hà Tiên thì khổ. Hôm nay nhiều khách du lịch, không đặt vé trước thì khó mà kiếm được chiếc xe đi ngược trở lại bến tàu đi Hòn Heo cho kịp giờ tàu chạy. Xe dừng. Hắn vội vàng khoác chiếc ba lô bước xuống. Sớm quá. Mới có tám giờ rưỡi thôi mà! Hắn loanh quanh tìm chỗ ăn sáng. Ngồi nhìn quang cảnh của bến tàu, hắn chợt nhớ lại câu chuyện của hai mươi chín năm về trước. Đầu tháng 9 năm 1983, hắn cùng ba người bạn là Lê Văn Tý, Phạm Minh Kha, Đinh Công Tiến nhận quyết định ra ngoài huyện đảo Kiên Hải dạy học. Đây là một huyện bao gồm tất cả các đảo nhỏ nằm phía trong đảo Phú Quốc, gồm có sáu xã: Hòn Tre (trung tâm huyện Kiên Hải), Lại Sơn, An Sơn, Sơn Hải, Tiên Hải và Hòn Nghệ. Bốn đứa ngơ ngác bước chân lên Hòn Tre mà lòng buồn rười rượi vì những năm đó ở ngoài đảo này còn hoang sơ lắm. Mới ở ngày đầu tiên, Lê Văn Tý định trốn về nhưng không được, dân người ta không cho đi. Lúc bấy giờ giáo viên còn ở nhà dân, chưa có nhà tập thể. Ở Hòn Tre được hai ngày thì Phạm Minh Kha và Đinh Công Tiến nhận quyết định của Phòng Giáo dục qua xã Lại Sơn; còn hắn và Lê Văn Tý thì ở lại Hòn Tre. Một năm sau, Phạm Minh Kha, Đinh Công Tiến và một số giáo viên nữa đi trên một chuyến tàu vượt biên qua Thái Lan. Chiếc tàu gặp nạn, tất cả đều bị nhấn chìm xuống đáy biển, chỉ còn sống sót hai người, trong đó may mắn có Phạm Minh Kha. Hắn nghe nói Kha bây đang sống ở Đồng Nai. Hắn muốn nói với bạn ấy rằng hãy đăng ký thành viên trên trang web MTX để tham gia sinh hoạt. Ở đây Kha sẽ gặp được rất nhiều bạn thân ngày xưa như Tô Duy Chiêm, Trần Văn Dũng, Nguyễn Văn Sơn. . . Hắn nhớ hồi đó nhà bạn Kha có một dàn nhạc tự chế rất độc đáo. Lâu lâu cả nhóm kéo vào tuốt trong kinh Rivera quậy “sóc bom bo”. Kha là một cây guitar tuyệt vời. Hồi còn học chung sư phạm, Kha đã cùng hắn đi diễn văn nghệ quần chúng năm nào cũng có giải thưởng. CHÚA ĐẢO Ba năm sau, hắn nhận quyết định làm Hiệu trưởng ở tại Hòn Tre còn Lê Văn Tý nhận quyết định làm Hiệu trưởng ở xã Sơn Hải, còn gọi là Quần đảo Bà Lụa. Hồi đó Sơn Hải còn thuộc huyện Kiên Hải chứ không thuộc huyện Kiên Lương như bây giờ. Từ đó đến nay, bạn Tý của hắn lập nghiệp luôn ở đấy, có công rất lớn trong sự nghiệp giáo dục ở quần đảo xa xôi này, trở thành một cây đại thụ của ngành giáo dục, đã đào tạo biết bao nhiêu thế hệ học trò thành danh phục vụ cho đất nước. . . Có tiếng còi báo hiệu tàu sắp khởi hành, hắn gọi chủ quán tính tiền bữa sáng rồi vội vàng chạy xuống bến khi tàu sắp nhổ neo. Từ ngày bạn Tý ra ngoài đảo này tới nay đã gần ba mươi năm rồi mà chưa bao giờ hắn có dịp ra thăm. Hắn không biết ở đây có cái gì thu hút mà bạn Tý đã bền bỉ ở lại và trở thành vị “Chúa đảo” như vậy? Hắn nôn nóng được gặp gia đình bạn Tý ngay trên Hòn đảo nhỏ này. Từ bến tàu Ba Hòn ra ngoài Hòn Heo cũng gần, tàu cao tốc chỉ chạy khoảng hai mươi phút. Nhưng hôm nay, ngay ngày lễ, người ta đi du lịch rất đông, nên tàu cao tốc được tăng cường chở khách đi Ba Hòn Đầm rồi, hắn phải đi chiếc tàu thường, chạy cũng gần một tiếng đồng hồ mới tới. Bước lên bến tàu vài chục mét là đến nhà Tý. Tý mới xây được một căn nhà khang trang ngay mặt tiền nên cũng dễ buôn bán. Bạn Tý có tất cả bốn đứa con. Đứa nào cũng xinh xắn dễ thương. Chuyến đi này hắn chụp rất nhiều hình đem về cho bạn hắn xem. Ai thích làm sui với Tý thì liên hệ với bạn ấy. Vợ chồng Tý giỏi thật. Một mình chèo chống mà nuôi cả bốn đứa con ăn học thành tài. Tý đặt tên cho bốn đứa con nghe cũng hay hay. Ba đứa con gái lớn lần lượt tên Tu Na, tên khai sanh là Lê Ngọc Hiếu, cô dâu xinh xắn đấy; rồi đến Sa Ri và O Nin; còn đứa con trai út tên là Rô Bin. Chắc có lúc bạn Tý thấy mình giống như Robinson ngoài đảo hoang nên đã đặt tên thằng con như vậy. Hắn nghe nói bạn Tý dứt khoát cho vợ sanh chừng nào có được thằng cu tí mới thôi. Cũng may mà tới đứa thứ tư là con trai, chứ nếu không thì chắc có nhiều công chúa nữa! Quang cảnh chuẩn bị cho đám cưới cô con gái trưởng của Tý thật là rộn rịp. Từ cái sân khấu hoành tráng cho đến cái cổng chào đều tự tay bạn Tý của hắn trang trí hết. Bạn ấy rất có khiếu về lĩnh vực này. Chiều hôm đó, may quá, hắn gặp bạn Tri Lộc từ Sài Gòn cũng ra ngoài này đi đám cưới con của Tý. Thế là hắn có bạn rồi. Tri Lộc trước kia cũng từng công tác ở đây, sau này chuyển hẳn về Sài Gòn làm bác sĩ ở bệnh viện quận 12. Đến tối, buổi nhóm họ có một chương trình ca nhạc thật đặc sắc. Ở tận ngoài đảo nhỏ xa xôi này mà phong trào văn nghệ cũng không kém bất kỳ nơi nào. Cao hứng, hắn cũng lên hát một bài để góp vui. Mãi đến thật khuya, khi đã say khướt, mấy anh em mới về phòng khách nằm lăn ra ngủ một giấc cho đến sáng. MỘT THOÁNG HẠ LONG Ra ngoài này thì phải tranh thủ đi vòng quanh một tí cho biết để mà về còn kể với bạn bè chứ! Hắn nghĩ vậy và đang loay hoay không biết làm thế nào để đi được thì may quá, bạn Tri Lộc quen được một người dân ở đây. Thế là hắn với bạn Tri Lộc có dịp đi qua Hòn Ngang quan sát các hòn đảo nhỏ trên vùng biển này. Quần đảo Bà Lụa trước kia có tên là quần đảo Bình Trị. Theo lời những người lớn tuổi tại địa phương, thời Pháp thuộc, vùng Hà Tiên có rất nhiều người Pháp đến đây để làm kinh tế. Họ có ảnh hưởng rất lớn với chính quyền thuộc địa. Ở đây có người Pháp đến khai thác vùng này, nhưng mọi giấy tờ đều đứng chủ quyền do vợ là Bà Lụa đứng tên. Bà Lụa là một phụ nữ người Việt gốc Hoa rất đẹp cư trú tại Hà Tiên. Do đó, quần đảo này mang tên Bà Lụa. Nay còn có cái miếu thờ Bà Lụa ngay trên Hòn Heo, hòn lớn nhất của quần đảo này, nơi Tý đang ở. Theo tài liệu hiện nay ghi chép thì Quần đảo Bà Lụa có khoảng 43 hòn đảo lớn nhỏ chứ hồi hắn còn ở Kiên Hải thì nghe nói chỉ có 32 hòn đảo thôi. Dân sinh sống ở đây hiện nay thì lại nói có 34 hòn. Hắn hỏi sao nghe nói hồi trước có 32 hòn thôi thì họ nói với hắn là nó mới “mọc” thêm hai hòn nữa(?). Hắn cũng chẳng biết thực hư thế nào, nhưng sáng hôm nay, có dịp chu du trên Quần đảo Bà Lụa, hắn mới cảm thấy điều mà nhiều du khách nói rất đúng. Ở đây quả thật như là một “vịnh Hạ Long của đất phương Nam” vậy. Những hòn đảo này đều có địa danh do người địa phương đặt tùy theo hình thể, sự kiện và sự vật thấy đầu tiên như: Hòn Heo (Hòn lớn nhất, nơi Tý ở), Hòn Dê, Hòn Ngang, Hòn Đước, Hòn Đụn, Ba Hòn Lò, Hòn Nhum Ông, Hòn Nhum Bà, Hòn Rễ Lớn, Hòn Rễ Nhỏ, Hòn Dừa, Hòn Ba Dồ, Hòn Thơm, Hòn Đá Bạc, Hòn Bờ Đập, Hòn Ông Tiều, Hòn Kiều Ngựa, Ba Hòn Đầm, Hòn Đá Lửa, Hòn Con Nghê, Hòn Chướng, Hòn Một, Hòn Móng Tay, Hòn Vông, Hòn Khô, Hòn Sơn Tế, Hòn Sơ Rơ, Hòn Lô Cốt... Có một số hòn ghép 2 hoặc 3 hòn mang chung một tên gọi, điển hình như Hòn Giếng, Hòn Đước và Hòn Dương tên ghép là Ba Hòn Đầm. Được biết, tàu Pháp thường ghé vào cho vợ sĩ quan Pháp tắm biển, nên thành địa danh Ba Hòn Đầm. Lại có người giải thích khác, nghe có vẻ thực tế hơn. Họ nói rằng một cụm ba hòn nằm gần nhau gồm Đầm Giếng, Đầm Dương và Đầm Đước nên được gọi chung là Ba Hòn Đầm. Đầm ở đây là “Cái đầm”- một vùng biển rất cạn, con nước cao nhất cũng chỉ ngang lưng quần – chứ không phải là “Bà đầm” như cách giải thích ở trên. Nơi đây cảnh sắc hữu tình, hoang sơ, trời, biển, núi đồi như hòa quyện vào nhau. Rất tiếc, hắn không có thời gian, chỉ đi chớp nhoáng còn phải về dự đám cưới. Hắn ước sao chuyến họp mặt bạn bè lần sau sẽ tổ chức ra ngoài này làm một chuyến du lịch sinh thái thì hay biết mấy. TRỞ VỀ ĐẦY LUYẾN TIẾC Hắn cứ nghĩ tới có một ngày nào đó hắn cùng với những người bạn làm một chuyến du lịch, chọn Ba Hòn Đầm làm nơi họp mặt. Trang thiết bị mang theo bao gồm lều bạt để cắm trại qua đêm trên bờ biển. Tới đây, hắn và các bạn tha hồ tắm biển, rồi tự tay bắt nhum, ốc cờ, ốc vú nàng, cà xịu, ốc voi, ốc vá, hàu sữa... lên luộc hay nướng để chuẩn bị cho đêm lửa trại. Nhum là động vật biển, có gai đen tua tủa xung quanh, phải dùng vợt để vớt. Vớt xong, sàng mạnh trong nước biển để gai nhum gãy hết rồi vắt chanh ăn sống. Ai không dám ăn như vậy thì nướng lên cũng rất thơm ngon, nhum rất nhiều đạm. Hắn còn nghe nói người ta ăn con Cà xịu. Cà xịu có vỏ rất mỏng, điểm đặc biệt là có một phần cơ thể hình que dài thò ra ngoài cắm sâu xuống cát biển. Người ta nhổ cà xịu lên, không cần rửa gì hết, cứ để nguyên như vậy ngâm nước mắm ngon cho thấm, sau đó trộn với rau răm, lá quế ăn vừa giòn, vừa thơm, hương vị mằn mặn, ngòn ngọt. Nghe nói thấy mà thèm, nhưng hắn chưa được ăn bao giờ. Ngoài ra, ở đây còn các loại cá, cua, ghẹ, tôm... cũng được gia đình trên đảo này cung cấp khá đầy đủ. Nhìn cuộc sống nơi đây, hắn mới hiểu được rằng vì sao mà bạn Tý lại sống ở đây lâu được như vậy. Bạn Tý thực sự là một “Chúa đảo”. Sống một cuộc đời giản dị, không hẳn tách biệt với thế giới bên ngoài, nhưng rất riêng tư và bình yên, thanh thản giữa thiên nhiên. Sau khi “cưỡi ngựa xem hoa” được một chút, hắn và Tri Lộc phải trở về Hòn Heo dự đám cưới. Nhìn thấy những gương mặt rạng ngời hạnh phúc của gia đình Tý mà hắn cũng vui lây. Tý mời hắn ở lại để dự lễ Vu Quy vào ngày hôm sau luôn. Nhưng không được. Hắn phải về vì lúc này công việc nhiều lắm, học trò sắp thi học kỳ rồi mà! Hắn tạm biệt gia đình bạn Tý mà lòng đầy luyến tiếc vì hắn chưa khám phá hết được những điều thú vị còn đang ẩn chứa ở nơi xứ đảo xa xôi này. Xin hẹn ngày gặp lại. Rạch Giá, 4.5.2012 Nguyễn Phương |
|
└(≣) HÒN HEO DU KÝ cách đây 12 năm, 6 tháng #1165
|
Cảm ơn "Hòn Heo Du Ký" của Nguyễn Phương, bạn làm cho mình muốn đi du lịch Hòn Heo quá đi thôi!
Mình dặn bạn, ngày mai đi dự tiệc ở nhà Trăng Khuyết, bạn phải mang theo viết và sổ tay để ghi chép, rồi tường thuật lại cho cả nhà buổi họp mặt của "Các nhà thơ, nhà văn tên tuổi của MTX.de" nha! Bạn viết văn rất hay, nhất định phải viết một bài cho buổi họp mặt ngày mai đấy! CT, 04.05.2012 Thị Nang |
|
└(≣) HÒN HEO DU KÝ cách đây 12 năm, 6 tháng #1170
|
Cảm ơn NP, bạn viết ký hay quá!
Mình cũng có ý kiến như NTT. Rất mong! BS.4.5.12 |
|
└(≣) HÒN HEO DU KÝ cách đây 12 năm, 6 tháng #1172
|
Hi NP.
Bài viết của bạn hay lắm. Bạn có chất của một phóng viên báo chí. Nếu bạn phát huy khả năng này làm cộng tác viên không thường trực cho một số tờ báo, tập san trong nước cũng có thu nhập tốt đấy. Nhớ sắm thêm cái máy chụp hình kha khá để ghi hình ảnh chất lượng hơn. Chúc mừng bạn. |
|
└(≣) HÒN HEO DU KÝ cách đây 12 năm, 6 tháng #1176
|
Cảm ơn NTT và BS đã quá khen.
Thời gian tới mình rất bận vì phải làm hồ sơ Tốt nghiệp cho học trò, rồi mở lớp luyện thi vào lớp 10 cho các em, chắc sẽ ít viết hơn. Nhưng mình sẽ thường xuyên thăm các bạn trên MTX vì mình nhớ lắm! RG,5.5.2012 NP |
|
└(≣) HÒN HEO DU KÝ cách đây 12 năm, 6 tháng #1193
|
Cảm ơn bạn Duy Chiêm đã có lời khen ngợi và những gợi ý rất hay. Nhưng mình lại ít có thời gian rảnh rỗi để mà đi đó đi đây nắm bắt thêm tư liệu để viết. Nghề này phải đi nhiều mới được. Nếu có điều kiện, mình sẽ cố gắng xem sao.
Cảm ơn bạn rất nhiều. RG, 6.5.2012 NP |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.10 giây