Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 2 tháng #12705
|
VỀ MIỀN TÂY
Tre Xanh xin mời Qúy Thầy Cô, Qúy Anh Chị, Em mình cùng về Miền Tây một chuyến, cùng nhau ôn lại những ký ức về miền sông nước, khám phá những văn minh miệt vườn, con người Miền Tây, thưởng thức những món ăn dân dã , đọc lại những bài thơ , nghe lại những bài tình ca , những câu hò nam bộ mà một thời chúng ta đã sống , ai đi xa cũng nhớ về nơi đó, cho dù ở bất cứ nơi đâu khi nhắc đến Miền Tây lòng không khỏi ngậm ngùi. Giờ chúng ta bắt đầu VÊ MIỀN TÂY nhé. Tre Xanh CA 30-09-2014 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 2 tháng #12706
|
Đi tìm bản sắc văn hóa miệt vườn Nhà văn Pháp Ed.Herriot viết: Văn hóa là những gì còn lại khi người ta đã quên đi tất cả những điều đã học. Định nghĩa sâu sắc này hoàn toàn phù hợp với tuệ giác phương Đông: Bốn mùa hoa đều nở Chẻ cây hoa ở đâu! Đó là bình diện tiềm ẩn (bản môn). Tuy nhiên trên mặt biểu hiện (tích môn) chiếc bàn văn hóa có bốn chân: vật chất, xã hội, tinh thần, tâm linh. Trong đó ta thấy rõ hai mối quan hệ vật chất ố xã hội (đại vũ trụ ố quần thể) và tinh thần ố tâm linh gắn bó mật thiết với thân và tâm làm nên bản sắc văn hóa của một cộng đồng. Bài viết này dựa trên những tư liệu thực tế thu thập trong nhiều năm dưới cái nhìn của khoa văn hóa học (culturology) nhằm khẳng định quan điểm của chúng tôi về sự tồn tại một bản sắc văn hóa Nam Bộ độc lập trên tất cả mọi bình diện: 1. Đồng bằng hay châu thổ: Châu thổ là vạt cát bồi ở cửa sông, là tam giác do phù sa bồi đắp (hoàn toàn không có núi (lũ) hay đồng bằng (lụt) mà chỉ có chế độ nhật triều, nguyệt triều và niên triều, nghĩa là mỗi ngày có hai con nước là con nước lớn/con nước ròng, mỗi tháng có hai nước là con nước rong/con nước kém và mỗi năm có một mùa nước nổi tràn ngập các cánh đồng. Do vậy, gọi Nam Bộ là đồng bằng sông Cửu Long là không chính xác, càng không chính xác khi sử dụng cụm từ sống chung với lũ. Lũ (chỉ có ở miền núi) và lụt (chỉ có ở vùng đồng bằng núi / sông đứng kề nhau). Những thiệt hại do lũ và lụt gây ra hoàn toàn khác với những lợi ích do mùa nước nổi mang đến ố “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”, dùng sai tên gọi sẽ dẫn đến sai lầm về đối sách! Những tổn thất về người hàng năm vào mùa nước nổi là do bất cẩn, nạn nhân phần lớn là trẻ em. Mùa nước nổi là một nhịp điệu tuần hoàn hàng năm hoàn toàn có thể phòng tránh không phải là thiên tai (xảy đến bất ngờ không báo trước). 2. Thiết chế xã hội: Do điều kiện địa lý tự nhiên phân bố ở một vùng tam giác châu rất thuận lợi về mặt giao thông đường thủy, nên xuất phát điểm của văn hóa miệt vườn là văn hóa đi thuyền: Con nước lớn cha chống xuồng Con nước ròng mẹ nhóm bếp cà ràng đợi gió Con nước rong chảy tràn mùa nước nổi Vàng bông điên điển Châu Giang Ai đến Văn Lang, ai về Nam Phố Con nước kém ai dừng lại bên bờ châu thổ Gác dầm nghe câu hát lao lung. Người Pháp khi thiết lập bộ máy hành chánh ở Nam Bộ đã hoàn toàn dựa vào điều kiện tự nhiên. Khoảng cách phù hợp tối ưu giữa các thị xã là khoảng 60 km, và giữa hai thị xã bao giờ cũng có một thị trấn sầm uất để xe cộ dừng lại nghỉ ngơi. Điều đáng chú ý ở đây là khoảng cách được tính từ nhà bưu chính trung tâm vì giao thông liên lạc là huyết mạch của thiết chế xã hội. Ta biết rằng mỗi guồng máy đô thị được cân bằng bởi hai nền tảng: hành chánh và thương mại. Trong đó chức năng hành chánh là chủ đạo. Mất chức năng hành chánh, đô thị sẽ bị suy thoái. Kinh nghiệm nhập tỉnh đã chứng minh điều ấy: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh... trong một thời gian dài mất chức năng hành chánh (đơn vị hành chánh tập trung về Cần Thơ, Cà Mau, Vĩnh Long...) đã không thể phát triển đồng bộ được. 3. Thiết chế ngôn ngữ ố địa danh Cứ mỗi lần qua đèo Hải Vân hùng vĩ hướng về Nam, tôi lại nhớ đến điệu hát bài chòi nao lòng, bi tráng. Điệu hát đã ăn vào máu thịt của những người Nam Trung Bộ, của một vùng đất địa đầu, mở đầu cho cuộc khẩn hoang lập nước ố một vùng phương ngữ bình dân, khẳng khái, rắn rỏi, chênh vênh. Những nhà ngôn ngữ học thường có cái nhìn theo phân kỳ địa lý, chia đất nước làm ba miền: Bắc, Trung, Nam. Rồi gọi tên giọng nói của mỗi miền theo cách phân chia ấy: giọng Bắc, giọng miền Trung, giọng Nam Bộ. Sự thực thì chỉ có hai phương ngữ mà thôi: Từ Thuận Hóa trở ra Bắc là phương ngữ Bắc Bộ, từ Quảng Nam về đến Cà Mau là phương ngữ Nam Bộ. Một ngàn năm Bắc thuộc và một ngàn năm sử dụng chữ Nho làm quốc tự đã để lại những địa danh gắn với lịch sử giữ nước hào hùng: Văn Lang, Giao Chỉ, Hoa Lư, Đông Đô, Hải Phòng, Thăng Long, Hà Nội, Thanh Hóa, Thừa Thiên... Cho đến vua Trần Nhân Tông, sau khi toàn thắng Nguyên ố Mông đã gả công chúa Huyền Trân về làm dâu Chiêm quốc ố một trang sử mới bắt đầu, mở màn cho sự hình thành một vùng phương ngữ hòa bình, đa dân tộc. Người ta bắt đầu gọi bên ni, bên tê thay cho bên này, bên kia (ni và tê vốn là tiếng của người Chăm: cà ni, cà tê). Từ đây những tên đất bắt đầu rời khỏi cung đình, rời khỏi cách đặt tên từ chương của những nhà nho lập thân chính trị. Và Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Cam Ranh... những nốt nhạc không lời cất lên từ sự kết hợp hài hòa giữa hai tiếng nói Việt ố Chăm! Nha Trang ngày về Mình tôi trên bãi khuya... Không thể nói hết sự xúc động của tôi về tên đất, tên biển mỗi lần dừng chân ghé lại nơi này ố có lẽ Nha Trang là nốt nhạc tuyệt vời nhất trong những nốt nhạc của bản trường ca trầm hùng ven dải đất miền Trung! Có một số nhà tầm nguyên học, suốt đời mạy mọ đi tìm nguồn gốc, ý nghĩa của địa danh. Họ đâu biết rằng đó là một việc làm vô ích ố đặt lời ca cho những bản nhạc không lời bí ẩn quyến rũ, cao sang: Trà Kiệu, Đồ Bàn, Faifo, Sài Gòn, Mỹ Tho, Phong Dinh, Hà Tiên, Rạch Giá... Ghe ai đỏ mũi, xanh lườn Phải ghe Gia Định xuống vườn thăm em Bỏ lại hành trình đi bộ nhọc nhằn trường kỳ ven biển, giờ đây đoàn người mở đất đã có sẵn những con đường thủy thênh thang do đất trời ban tặng. Từ Sài Gòn, tàu thuyền có thể thông thương chín cửa Cửu Long! Trên đường về Trà Vinh ố mảnh đất cuối trời Nam Bộ, tôi mời bạn đi qua một cây cầu có tên là Mây Tức. Vì sao Mây Tức? Mây là mây, còn Tức là gì? Tức tiếng Khmer là nước. Ngôn ngữ bình đẳng đến lạ lùng! Ở đây cư dân Khmer và Việt chung sống. Cái tên cầu cũng được chia hai: anh một chữ và tôi một chữ! Mây Tức nghĩa là mây nước, nhưng nó hay hơn mây nước rất nhiều vì nó bí ẩn! Xe lên dốc cầu, bạn hãy nhìn xuống dòng sông: Mây trời soi trong lòng nước. Đẹp lắm! Đẹp lạ lùng như tên gọi. Người về giồng dứa qua truông Bóng in Mây Tức để buồn cho ai! Bây giờ bạn cùng tôi ngược thuyền về Châu Đốc, theo bước chân khẩn hoang của danh tướng Thoại Ngọc Thầu. Nơi ngã ba đầu nguồn châu thổ chia dòng Mê-kông làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu: người Việt, người Khmer và người Chăm sống quần tụ bên nhau: Anh lấy chèo móc quai chèo Em ở trên bờ cất tiếng dặn: Anh ơi, anh đi đừng có ở lâu E rằng anh đau ốm không ai chăm sóc Em ơi đừng lo Khi con giun sống xa đất thì anh mới sống xa em Qua phà Châu Đốc, trên đường về An Phú, bạn sẽ ngạc nhiên bắt gặp những câu nói, những thành ngữ dí dỏm, lạ đời: Sáng say Chiều xỉn Tối xà quần. Say, xỉn, xà quần là đồng nghĩa say là của người Việt, xỉn của người Hoa và xà quần của người Khmer Nam Bộ. Thật tuyệt vời! Rượu uống chung ly, bốn biển chung nhà! Một ly rượu chia đều cho ba dân tộc! Sẽ còn nhiều, không biết bao nhiêu điều thú vị nữa, nhưng thôi, xin hẹn bạn ở đất phương Nam. Bớ chiếc ghe sau Chèo mau tôi đợi Kẻo giông khói đèn Bờ bụi khó qua. 4. Thiết chế âm nhạc Trên đường Nam tiến mưu sinh, những lưu dân cùng khổ miền Trung mang theo ca Huế, bài chòi, hát bội, hô thai... Những trí thức bất mãn với triều đình thì mang theo Hành vân, Lưu thủy, Kim tiền, Bình bán... Những sắc thái trang nghiêm của âm nhạc cung đình hóa với chất dân dã của bài chòi, xuân nữ cùng tâm trạng của người rời bỏ quê hương: làn điệu vọng cổ đã hình thành. Những lưu dân giờ đây không còn được quyền làm người quân tử ngồi nhấn nhá từng nốt nhạc thẳm sâu trên phím đàn kìm, họ tụ họp lại cùng nhau kẻ ca người hát để vơi bớt nỗi lòng người xa xứ, và sáng tạo ra cây đàn sến khoan nhặt, rộn ràng. Cây đàn sến về sau này hợp cùng cây đàn ghi-ta phím lõm và chiếc song lang đã trở thành một bộ tam không thể thiếu trong bất kỳ một ban hát tài tử nào! Dự một buổi hát tài tử, bạn sẽ thấy tính điệu đàng và lịch sự đến tuyệt vời của nó qua tiếng vỗ tay của người thưởng lãm khi ca sĩ hát dứt một câu. Chắc hẳn không có một loại hình âm nhạc nào trên thế giới có nét độc đáo, đáng yêu như vậy! Hiện nay, chúng ta vẫn còn nhầm lẫn về chữ vọng cổ. Ở đây, cổ là (tiếng) trống: Vọng cổ là Mong được nghe (tiếng) trống, do rút gọn từ “Dạ cổ hoài lang” (Đêm khuya nghe tiếng trống nhớ chồng), chứ không phải cổ là xưa. Tôi ủng hộ ý kiến của GS.Huỳnh Minh Đức nên gọi chèo, hát bội, cải lương (trong đó có vọng cổ) là Quốc nhạc. Điều đáng nói nhất đối với âm nhạc tài tử là nó không phải chỉ để mua vui, mà chính là nguồn đạo lý ở đời. Vì sao? Vì bản thân nó thoát thai từ nhạc lễ cung đình. Khi vào Nam, thích ứng với môi trường mới, Đạo làm người ở đây không có trường để dạy, chỉ có thể truyền qua lời ca, tiếng hát mà thôi. Chức năng giáo dục của âm nhạc đến đây mới thực sự thực hiện trọn vẹn lời dạy của Khổng Tử: “Hứng ư thi, lập ư lễ, thành ư nhạc” (Hứng khởi trước điều thiện là nhờ ở thi ca, đứng vững trước mọi thiện ác là nhờ ở lễ và hàm dưỡng được nội tâm chính đáng trong chiều sâu cung cách làm người, chính là nhờ ở sự hài hòa của âm nhạc). Chữ thành (trong thành ư nhạc) là hoàn thành, là trọn vẹn. Đó là lý do vì sao người Nam Bộ sống rất chân thành. 5. Thiết chế tín ngưỡng Khác với những ngôi chùa của Phật giáo Bắc tông ở miền Bắc và miền Trung uy nghiêm, hoành tráng, chùa Nam Bộ ẩn mình trong những rừng cây với lối kiến trúc mềm mại, chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn hóa Phật giáo Nam truyền. Mỗi ngôi chùa là một rừng cây bát ngát, diện tích rừng lớn gấp mười lần diện tích chùa. Tôi đã đi thăm hầu hết những ngôi chùa ố bảo tàng sinh thái như thế ở Nam Bộ. Từ hệ thống chùa bao quanh đô thị, mà những cư dân ở miền này gọi là những lá phổi của thành phố đến những ngôi chùa ố nơi nương náu của những loài chim như chùa dơi Mahatup nổi tiếng ở Sóc Trăng, chùa cò Trà Cú, chùa Samrông Ek, chùa Hang ở thị xã Trà Vinh... Ngày nay, trong tiến trình đô thị hóa và nguy cơ hủy diệt môi sinh ố hệ thống chùa Nguyên thủy Phật giáo Theravada phải chăng là bài học quý giá cho con người biết tìm về nương tựa thiên nhiên. Bài học đã được Đức Phật dạy cách đây hai nghìn sáu trăm năm ở vườn Benares: Hàng Sa môn đi vào xóm làng khất thực ví như con ong đi kiếm hoa, chỉ lấy mật rồi đi chứ không làm tổn thương về hương sắc. Chỉ khi con người biết thờ phụng là con người đã lớn lên. Con người xa xưa ấy đã hơn chúng ta rất nhiều bởi họ đã biết thờ phụng cả chim muông, cây cỏ... Bạn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy một đứa trẻ không dám treo quần áo của mình trên những cành cây, huống gì là chặt phá; người ngư dân cúi đầu trước mỗi khúc sông trong mùa Cúng biển. Từ dải đất phù sa của bà mẹ thiên nhiên châu thổ, những chiếc thuyền lênh đênh trên sông biển, những chiếc xuồng tam bản luồn sâu vào những khu kinh rạch điệp trùng, con mắt thuyền của cư dân Nam Bộ không phải để dọa nạt cá ngạc, cá kình, hay trang trí ố mà để biết mình đang đi đến đâu, đang dừng lại ở đâu... Có cái ăn, có cái mặc, dạy cho cháu con đạo lý làm người và lòng kính tín với thiên nhiên... bản sắc của người Nam Bộ đã hình thành từ đó. Lê Đình Bích Tre xanh CA 30-09-2014 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 2 tháng #12714
|
Chào Lão Ngũ,
Lão đưa Nhỏ về thăm lại quê hương nha, nhớ nhớ lắm Lão Ngũ ơi! đi bằng ghe hay bằng xuồng ba lá, hay máy đuôi tôm. Í ..Í coi chừng lật đó. Nhỏ Sao 30.9.14 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 2 tháng #12747
|
Chào Nhỏ Sao.
Lần này có thiệt theo Lão Dzià quê hay không ? mấy lần trước " em cứ hẹn , nhưng em đừng đến nhé " đúng là Mắt Dzịt mà. Cám ơn ghé thăm Miền Tây , xe đò sắp chạy rùi , đi mua vé đi . Tre Xanh CA 10-02-2014 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 2 tháng #12748
|
Nét đặc trưng trong trang phục nông dân Nam bộ Khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa, trang phục của cư dân vùng này không có gì khác biệt so với trang phục ngoài Bắc. Sau này, khi tiến dần về phương Nam thì trang phục của cư dân Đàng Trong đã có những điểm khác biệt so với trang phục của cư dân Đàng Ngoài. Đặc biệt là từ khi nhóm người Hoa vào Đàng Trong năm 1680, trang phục của cư dân bản địa đã có những đổi thay nhất định. Sự khác biệt rõ nhất có lẽ do công cuộc cải cách trang phục của Thế Tôn Hiếu võ Hoàng đế tạo ra. Điều này đã được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định thành thông chí như sau: “Duy có người Việt ta noi theo tục cũ Giao chỉ: người quan chức thì đội khăn cao sơn, mặc áo phi phong, mang giày bì đà, hạng sĩ thứ thì bới tóc, đi chân trần, con trai con gái đều mặc áo vắn tay bâu thẳng, may kín hai nách, không có quần, con trai dùng một miếng vải buộc từ sau lưng thẳng đến dưới háng quanh lên đến rún, gọi là cái khố, con gái có người không mặc váy, đội nón lớn, hút điếu binh, ở nhà thấp, trải chiếu ngồi dưới đất, không có bàn ghế. Năm Mậu Ngọ (1738) Thế Tôn Hiếu võ Hoàng đế định lại sắc phục, các quan văn võ châm chước theo chế độ của đời Hán Đường, đến Đại Minh thì hình thức mới chế như phẩm phục quan chế ngày nay đã ban hành theo trong Hội điển, gồm đủ cả văn chất. Còn y phục gia thất khí dụng của hàng sĩ thứ đại lược như thể chế đời Minh”. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích là vạt ngắn, không bâu, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ Đến đời chúa Thế Tông Nguyễn Phước Khoát lại có một biến động lớn trong việc cải cách trang phục. Triều đình quy định cư dân Đàng Trong phải ăn mặc như người Tàu, phụ nữ mặc quần chứ không còn mặc váy như người Đàng Ngoài. Cho đến nay, về cơ bản, cách mặc của cư dân đồng bằng sông Cửu Long khá thống nhất với các vùng miền trong cả nước. Nhưng do đặc điểm địa hình, thời tiết, khí hậu, mà người dân nơi đây vẫn có những bộ trang phục đặc trưng. Cư dân đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp, mà cuộc sống nông nghiệp thì buộc con người suốt ngày phải “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, quanh năm chân lấm tay bùn, lại gặp điều kiện thời tiết hai mùa mưa nắng rõ rệt nên không mấy thích hợp cho việc ăn mặc sang trọng. Do đó, màu sắc trong trang phục của người dân nơi đây ngày xưa thường có gam chủ đạo là đen, nâu sậm, màu trắng ít khi được chọn, trừ khi đi đám tiệc, lễ hội. Ngày xưa, để nhuộm vải, người ta dùng lá bàng, vỏ trâm bầu, trái mặc nưa... để nhuộm, rồi phủ bùn nhằm chống thôi màu. Có một thời, chiếc áo bà ba và chiếc khăn rằn từng là phục sức phổ biến của người dân. Cho đến nay, chưa thấy có tư liệu nào xác định rõ nguồn gốc của chiếc áo bà ba. Người ta chỉ biết rằng, vào đầu thế kỷ XX loại áo này đã được mặc khá phổ biến cả vùng Nam bộ. Theo nhà văn Sơn Nam thì “Bà Ba là người Mã Lai lai Trung Hoa. Chiếc áo bà ba mà người miền Nam ưa thích, vạt ngắn không bâu chính là kiểu áo của người Bà Ba”. Một quan niệm khác lại cho rằng “Có thể áo bà ba ảnh hưởng, cách tân từ áo lá và áo xá xẩu may bằng vải buồm đen của người Hoa lao động, là kiểu áo cứng, xẻ giữa, cài nút thắt... Phải chăng do thời tiết quanh năm nóng bức, họ bỏ luôn chiếc cổ thấp của áo lá và áo xá xẩu, mang thêm áo quanh chân cổ cho chắc. Áo xẻ giữa thay vì cài nút thắt đã được làm khuy, cài nút nhựa do ảnh hưởng phương Tây”. Người nông dân ở đồng bằng sông Cửu Long ngày xưa thường vận bộ bà ba đen đi đồng, bởi nó vừa sạch, vừa dễ giặt giũ. Vải may là loại vải một, vải ú, vải sơn đầm... rất mau khô sau khi giặt. Bên cạnh đó, chiếc áo bà ba được xẻ ở hai bên hông làm cho người mặc cảm thấy thoải mái, gần vạt áo có thêm hai túi to khá tiện lợi cho việc đựng những vật dụng nhỏ như thuốc rê, diêm quẹt, tiền bạc... Chính nhờ tính tiện dụng và sự thoải mái đó, chiếc áo bà ba được cả nam lẫn nữ ở đồng bằng sông Cửu Long mặc cả lúc đi làm, đi chợ, đi chơi. Riêng lúc đi chơi, họ thường chọn màu sắc nhẹ hơn như màu trắng, màu xám tro. Còn các cô, các bà thì chọn màu mạ non, xanh lơ nhạt... với chất liệu vải đắt tiền hơn như the, lụa... Sau này, nhất là ở thời kỳ những năm 1960-1970, áo bà ba truyền thống được phụ nữ thành thị cải tiến, vừa dân tộc, vừa đẹp và hiện đại hơn. Áo dài bà ba hiện nay không thẳng và rộng như xưa, mà được may hẹp, nhấn thêm eo bụng, eo ngực cho ôm sát lấy thân hình. Ngoài ra, người ta còn sáng tạo các kiểu chắp vai, cổ tay, cửa tay, riêng các kiểu bâu (cổ) lá sen, cánh én, đan tôn... là được tiếp thu từ kiểu y phục nước ngoài. Các kiểu ráp tay cũng được cải tiến. Từ kiểu may áo cánh xưa, liền thân với tay, người ta nghĩ tới cách ráp tay rời ở bờ tay áo. Trong những năm 1970, thành thị miền Nam phổ biến kiểu ráp tay raglan, đã tạo nên vẻ đẹp hiện đại cho chiếc áo dài bà ba truyền thống. Với kiểu vai raglan này, hai thân áo trước và sau tách rời khỏi vai và tay áo, trong khi tay và áo lại liền từ cổ tới nách. Bà ba vai raglan chỉ cần may khít, vừa vặn với eo lưng, không quá thắt như kiểu áo trước đó. Tay áo dài hơn nhưng hơi loe, có khi người ta bỏ cả hai túi ở vạt trước để tạo cho thân áo nhẹ nhõm, mềm mại hơn. Theo các nhà nghiên cứu, chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer Còn chiếc khăn rằn cũng là hình ảnh hết sức quen thuộc của người phụ nữ ở đồng bằng sông Cửu Long. Không rõ nó ra đời từ bao giờ, nhưng nó đã đồng hành cùng những con người thời khai hoang mở cõi phía Nam của Tổ quốc. Chiếc khăn rằn cùng chiếc áo bà ba đã trở thành hình ảnh hết sức quen thuộc và gần gũi với mọi người, như là một biểu tượng cho người phụ nữ đồng bằng sông Cửu Long cần cù, đáng yêu. Theo các nhà nghiên cứu thì chiếc khăn rằn có nguồn gốc từ người Khmer và trong quá trình cộng cư của các dân tộc trên vùng đất đồng bằng sông Cửu Long, nó đã được chuyển thành thứ trang phục đặc trưng của nhiều dân tộc khác. Chiếc khăn rằn thường có hai màu đen và trắng hoặc nâu và trắng. Hai màu này đan chéo nhau, tạo thành ô vuông nhỏ, trải dài khắp mặt khăn và có lẽ các lằn ngang dọc ấy là gốc gác của tên gọi khăn rằn. Chiếc khăn rằn có chiều dài khoảng 1,2m, rộng chừng 40-50cm, không cầu kỳ, sặc sỡ mà rất đỗi bình dị, giản đơn. Trước khi có sự du nhập của các loại trang phục từ phương Tây thì chiếc khăn rằn đóng vai trò chủ chốt trong lối ăn mặc của những người dân xứ này. Không chỉ người lao động lam lũ, mà cả những điền chủ, người giàu có cũng sử dụng nó. Không chỉ có phụ nữ, mà nam giới cũng sử dụng loại khăn này. Phụ nữ vắt gọn khăn trên đầu, còn đàn ông cột ngang trán, chừa hai đuôi khăn nhô lên đầu, nút khăn nằm ở phía trước. Khăn cũng được quàng trên cổ, một đầu thả trước ngực, một đầu thả sau lưng. Đôi khi hai đầu được buông xuôi xuống phía trước, đi với bộ quần áo bà ba làm nên nét đặc trưng rất duyên của cư dân Nam bộ. Khi gia đình nào có giỗ chạp, trong lúc lớp trẻ lăng xăng dọn bàn, nấu bếp để chuẩn bị đãi khách thì các cụ bà ngồi lại với nhau trên bộ ván ngựa trò chuyện về công ăn việc làm, về ruộng vườn, sức khỏe, cuộc sống gia đình... Miệng móm mém nhai trầu, thỉnh thoảng các bà lại lấy khăn đã quấn sẵn ở cổ quệt ngang miệng rồi tiếp tục câu chuyện. Các cụ ông thì quây quần bên bàn trà hoặc quanh bàn cờ tướng, cũng áo bà ba, cũng khăn rằn vắt vai. Nam giới khi làm việc đồng thường lấy khăn buộc ngang trán, lật ngửa hai đầu khăn đưa lên trời để ngăn mồ hôi không chảy xuống mặt mà cản trở công việc. Đến khi mệt, họ bước lên bờ đê, tìm gốc cây tựa lưng nghỉ mệt. Lúc này khăn mới được lột xuống để lau mồ hôi ở trán, ở mặt, ở cổ... Các cô gái trong khi cày cấy, hay gánh mạ trên đồng cũng thường quấn khăn ở cổ, nếu đổ mồ hôi thì sẵn có khăn lau ngay. Trong các dịp hiếu hỷ, người Nam bộ thường chọn áo dài khăn đóng làm lễ phục Riêng trong các ngày lễ thì trang phục của người dân Nam bộ tề chỉnh, ngay ngắn, lịch sự hơn. Bộ trang phục được xem là lễ phục phổ biến ngày xưa là bộ khăn đóng áo dài may bằng loại vải đắt tiền (thường thì áo dài bằng xuyến hay lương đen, còn quần thì màu trắng bằng lụa hay vải). Bộ trang phục này thường được mặc khi dự lễ cúng đình hay đám cưới, các dịp hiếu hỷ... Trang phục lễ tang thường có màu trắng làm màu chủ đạo, vì đó là màu tang tóc. Vải để may đồ tang là loại vải thô, thưa mà dân gian thường gọi là vải tám. Vải này rất rẻ tiền, không bền, không đẹp, cốt để biểu thị tình cảm của người đang sống đối với người đã khuất với ý nghĩa cha mẹ hoặc ông bà mất rồi, con cái quá đau buồn không thiết đến việc ăn mặc nữa. Áo tang phải được may trở sống ra ngoài. Con là nam thì đầu đội mũ rơm, nữ thì đội mấn, những người họ hàng thân thích thì chỉ quấn vòng khăn tang ngang đầu. Ngày nay, cuộc sống đã thay đổi nhiều, xã hội phát triển, đời sống cao hơn, nhu cầu mặc ấm đã được nâng lên thành mặc đẹp. Mặc dù vậy, chiếc khăn rằn và chiếc áo bà ba không hề mất đi mà nó vẫn đang tồn tại, tạo thành nét đặc trưng riêng của người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long và là một minh chứng hùng hồn cho bản sắc văn hóa của người dân xứ này. KIỀU QUANG Tre Xanh CA 10-02-2014 |
|
└(≣) VỀ MIỀN TÂY cách đây 10 năm, 1 tháng #12924
|
Ghe chèo - nét đẹp văn hóa vùng sông nước Có thể nói, bên cạnh dòng sông, chiếc ghe và cây chèo là những thứ chưa bao giờ tách khỏi cuộc sống của người dân vùng sông nước Cửu Long. Thực tế cho thấy, sự hiện hữu của nó giờ đây không đơn thuần là một phương tiện giao thông mà còn là một đặc trưng văn hóa. Như ta đã biết, chiếc ghe và cây chèo đã gắn bó với ông bà ta từ lúc khai hoang mở cõi. Vì với đặc tính là một vùng sông, rạch chằng chịt thì không có phương tiện đi lại nào lí tưởng hơn chiếc ghe. Chính nó là công cụ phục vụ đắc lực cho quá trình tồn tại và chinh phục tự nhiên của những bậc tiền nhân. Ghe và chèo ở ĐBSCL khá đa dạng về hình dáng và kích cỡ. Tuy nhiên, để có thể chèo được thì ghe phải không quá lớn mà cũng không quá nhỏ. Vì nếu lớn quá mà gặp nước ngược hay chở hàng nhiều thì không chèo nổi. Còn ghe nhỏ quá thì chèo phải khom lưng, ghe lại lắc nên với loại này người ta thường bơi bằng cây dầm - cũng là một một dụng cụ bơi ghe nhưng chỉ dài bằng nửa cây chèo. Ngoài những yếu tố trên, giữa ghe và chèo còn phải tương xứng. Ghe phải thon, vững và chèo không được quá dài hay quá ngắn, như thế mới tạo sự cân bằng, ghe đi êm mà không bị đảo. Lưu ý, khi chèo ta có thể dùng hai cây hoặc một tùy thích. Riêng ở ĐBSCL, người ta thường chèo hai cây và chỉ chèo bằng tay, ít khi sử dụng một cây và dùng chân để chèo như các vùng khác. Còn việc sử dụng dầm để bơi chỉ dùng khi đoạn đường ngắn hay với mấy người chuyên câu tôm, đặt lờ, thả lưới,…mục đích là để cho khỏi vướn. Có được ghe và chèo là một lẽ, nhưng việc chèo như thế nào thì đó là cả một nghệ thuật. Vì nếu không biết chèo, ghe sẽ đảo qua đảo lại và đi rất chậm. Những người chèo giỏi là những người biết điều tiết sao cho lực chèo được cân bằng ở hai bên, mái chèo chậm, lướt đều trên mặt sông, đồng thời phải biết chọn luồng nước sao cho không bị cản. Có thể nói, những chiếc ghe chèo là một trong những nhân tố chính góp phần vào cuộc sống sinh động ở vùng sông nước ở Miền Tây. Nó không những mang hơi thở của châu thổ mà còn mang cả tính cách đặc trưng của người dân nơi đây. Hay nói khác đi là nó đã ăn sâu vào đời sống sinh hoạt của bà con khi họ dùng nó để làm khá nhiều việc, từ chở hàng ra chợ, chở lúa, đi công chuyện, đi chơi, đặt lờ, thăm lưới, thả câu,... Có khi họ chèo đặt cả sông, nhưng có lúc chỉ một chiếc cô đơn, chậm rãi thả mình theo hai con nước lớn - ròng. Thành thật mà nói, với riêng tôi, nhìn những chiếc ghe chèo trên sông thú vị hơn nhiều khi nhìn những chiếc xe chạy vù vù trên quốc lộ. Bởi hình ảnh đó cho ta cảm giác yên bình, con người như giao hòa với thiên nhiên. Vì ngồi trên ghe ta như ở giữa dòng nước mát, được nhìn ngắm cảnh vật hai bên bờ sông vừa mộc mạc, gần gũi nhưng cũng không kém hữu tình. Lúc này, ta cũng có dịp cảm nhận hương vị phù sa, được lắng nghe tiếng cá vẫy, tiếng chim hót và cả tiếng chèo đập nước bên tai. Đặc biệt nhất là những khi chiều xuống, những chiếc ghe chở hàng đi bán xa không về kịp hay những chiếc ghe câu, ghe đăng,… đậu chung lại với nhau. Lúc này, người góp lít rượu, kẻ góp con khô,… vừa lai rai vừa hát vài vọng cổ. Chỉ bình dị thế thôi nhưng thấy đời thanh thản và không còn gì sung sướng bằng. Không riêng gì hình ảnh đó, mà cho đến hôm nay, trong tôi vẫn nhớ mãi những người chèo ghe bán sương sáo, khoai lang, bắp,… cất tiếng rao trong những trưa Hè thanh vắng. m thanh đó mênh mang, không buồn, không vui nhưng lại làm tôi thấy nao nao và cảm thương cho những con người đang tìm kiếm sự sống nhỏ nhoi trên sông nước. Không chỉ thiên nhiên hiền hòa mà con người nơi đây cũng vô cùng tốt bụng. Người Miền Tây có một tính cách rất hay là trong lúc chèo ghe, ai muốn quá giang họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ. Đối với họ, việc từ chối cho người khác đi nhờ là một hành vi xấu, một người ích kỉ. Do đó, bất kể lạ hay quen, nước chảy ngược hay xuôi, trong khả năng có thể là họ sẵn sàng “đưa khách” sang sông. Không những vậy, khi ngồi trên ghe, họ có thể kể đủ thứ chuyện trên đời, từ chuyện nhà, chuyện đồng áng, vườn tược, chuyện hàng xóm, chuyện bên Tây, bên Tàu,... Có khi đã đến chợ hay đã về đến nhà mà vẫn không hay, đôi lúc còn thấy tiếc vì quãng đường quá ngắn. Nhưng cũng nhờ những lúc như vậy mà biết bao trai gái đã nên duyên, biết bao người kết tình bằng hữu, sui gia, biết bao tình cảm xóm giềng được chăm bồi, vun đắp. Như vậy, từ những yếu tố trên ta có thể khẳng định rằng, ghe chèo không những vẫn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống sông nước mà còn góp phần tạo nên một nét độc đáo trong đời sống sinh hoạt của người dân miền Tây Nam Bộ. Nói cách khác, đó là một một trong những đặc trưng văn hóa mà khi nhắc đến ta không thể nhầm lẫn với bất cứ nơi nào trên đất nước Việt Nam. Xuân Sắc Tre Xanh CA 09-10-2014 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.13 giây