Thông tin tiện ích  

   

Tin Nhắn

sondung: Xin lỗi Thầy Cô em đi hoang lâu giờ mới trở về thăm lại trường xưa. Em hứa từ nay sẽ không đi xa nữa.
sondung: Chào Thầy Cô! Em mới gởi bài viết: TRÙNG DƯƠNG HỘI NGỘ vào trang văn, nhờ Thầy Cô giúp em gởi Video và hình ảnh vào trang của bài, em không biết cách gởi hình vào ạ! Cám ơn Thầy Cô!
sondung: Chào Thầy Cô
Thanha: Thầy cô chúc Gia đình Thắng Nhung năm mới nhiều sức khỏe , vui vẻ, hạnh phúc
Thanha: Thầy cô cám ơn quá Giáng Sinh và Năm Mới của gia đình Thắng Nhung gửi vừa kịp lúc cả nhà đông đủ.Vui lắm Nhung ơi!Bánh Tét tuyệt vời! ...ngon quá đi ăn bánh nhớ má
Thanha: Thành thật chia buồn cùng gia đình và tang quyến về sự mất mát này Cụ bà thọ 93 tuổi.Cám ơn em về bài hát "Mợ tôi"
dpham66: Mẹ Minh Đức mới vừa qua đời. Bà thọ 93 tuổi. MĐ mới đăng bài hát về mẹ "Mợ Tôi". Xin mời thầy cô và các bạn vào xem... Tears!
Thanha: Chào Thanh Cẩm, thầy cô rất vui mừng gặp lại em.Chúc em nhiều sức khỏe và niềm vui khi trở về maitruongxuath.org
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em! Lâu nay em biệt tích, thật là có lỗi với mọi người! Giờ viết tin nhắn tính bấm “nhập” để xuống dòng, rồi chữ biến mất nên viết lại, thành ra chào hai ba lần!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô!
Thanha: TC chao dang cao, em và gia dinh khỏe ? lâu quá mới thấy em ghé thăm trường xưa. Hân hạnh đón tiếp.
dang cao: Chào TC
TÚ VĨNH: Kính chào thầy cô và các bạn. Chúc MTX một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Thanha: Thầy cô cám ơn hai em Thắng Nhung về những chiếc bánh chưng và bánh tét tình nghĩa đã gởi đến thầy cô nhân mùa Giáng Sinh-Năm Mới. Chúc gia đình hai em một mùa Giáng Sinh An bình và năm mới thành đạt.
Thanha: Cầu xin cho tất cả mọi người bình an qua mùa Covid. Năm nay buồn quá hả Thảo?. TC ở nhà suốt không dám đi đâu trừ lúc đi chợ và chạy xe đạp vô rừng.
Thanh Thảo: Em cám ơn TC nhiều ạ . Em cũng đang nghĩ cho cách này . Em sẽ cố gắng . Năm nay 2020 trọn năm bị Covid nên tháng 12 này ko bận làm bánh cho nhà Thờ và hãng TC ơi .
Thanha: TC đã đưa hình lên rồi. Em đừng ngại trong việc đưa hình, cứ viết bài TC sẽ đưa hình giúp. Cám ơn em.
Thanha: Vậy khi nào rảnh em viết bài và lên hình nhé.Thầy cô chúc em thành công.
Thanh Thảo: Nhưng chưa biết cách đưa hình vào như thế nào ? Bắt đầu tùn tới này em bận cho đến cuối tháng 12 về làm bánh . Em cám ơn TC đã sưu tầm được trang up hình này .
Thanh Thảo: Em đã sign in vào Imgur rồi TC ơi !
Thanha: Thầy Cô chỉ các em muốn post hình ảnh cá nhân vào MTX, các em hãy up vào Imgur rồi copy qua như trước đây đối với Flickr hoặc Photobucket. Bởi vì Imgur tiện lợi hơn, không cần có tài khoản và không giới hạn dung lượng.
Thanha: Kinh Thần Nông còn có bài "Trung uy nuôi tôm" tác giả Phương Toàn.
Thanha: Mời các em nghe đọc truyện người thật việc thật, người viết ở kinh Thần nông (kinh 5) .
Thanha: Đã có video buổi họp mặt ngày 8/6 tại trường mới C3 Tân Hiệp, do đài phát thanh truyển hình địa phương Tân Hiệp quay.
Thanha: Cám ơn Minh Châu đã báo cáo quĩ tới ngày 20/3/2019. Còn 3 tuần nữa chúng ta có kỳ họp vào ngày 8/6. Minh Châu kiểm tra tài khoản thường xuyên và báo cáo kịp thời lên quĩ những mạnh thường quân ủng hộ cho kỳ họp mặt này. Cám ơn em.
Thanh Thảo: Dạ Thầy Cô . Sau chuyến du lịch VN lần này , Nancy nói với mẹ : < VN đẹp quá ! Mai mốt đi làm có tiền , con sẽ về một mình ! > . Vậy là vui rồi TC ơi . Một đứa trẻ sanh ra ở Mỹ . Khi theo Mẹ về thăm quê hương mà khen được VN rất đẹp là quá tốt rồi . Chỉ sợ dẫn chúng về , nó chê ko bao giờ trở lại nữa thì nguy .
Thanha: Nancy thích lắm đây, TC không muốn vào bài comment để bài Thanh Thảo cuối cùng các bạn vào xem cho dễ.
Thanha: Chào Thanh Thảo,đọc bài du lịch miền Trung thích lắm, hy vọng tháng 6 nầy về họp mặt sẽ có dịp ra nơi ây.
Trieu Nguyen: Em kính chào thầy cô! Em cảm ơn thầy cô đã luôn chú ý và động viên em.
Thanha: Chào em Trieu Nguyen sau, thời gian vắng bóng trở lại trường xưa với ngòi bút điêu luyện hơn, văn hay chữ tốt hơn đem lại sinh khí mới với luồng gió cũ kỷ đong đầy kỷ niệm một thời khốn khó miền Cái Sắn. Cám ơn sự trở lại của em, trường xưa cảm thấy ấm áp hơn.
caonguyen: Chúc Út Sao và gia đình giáng sinh vui
vẻ
sondung: Dạ! Thưa Thầy Cô . Hôm giờ mấy cháu Vy Ngọc bận việc quá nên chưa làm clip video được , em thì mò hoài mà chưa vô phim được ,em có nhắn tin nhờ Thầy lúc nào rảnh đưa vô dùm vì những đoạn phim đó em giở qua phone của Thầy đó . Kính
Thanha: Chào Sondung, Phim em quay cho TC nhờ bé Vy đưa vào Youtube, sau đó chuyển link vào nội dung MTX như một bài viết,, để minh họa cho hai bài thơ trên. Thơ hay lắm sondung ạ. Cám ơn hai em.
sondung: Dạ chúng em cám ơn Thầy Cô đã tìm giúp , chúng em sẽ xin hoàn thành công việc ạ !

Để gửi tin nhắn xin hãy đăng nhập.
   
   

Trang web hiện có:
27 khách & 0 thành viên trực tuyến

   
Chào Khách quý
Tên đăng nhập: Mật mã: Tự động đăng nhập

Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...

NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:

CON GÀ TRỐNG cách đây 10 năm #13394

CON GÀ TRỐNG
(Truyện viết cho trẻ em)
Nguyễn Phương
Chương I: CHẠY MẶT

Tới bây giờ tôi vẫn còn mắc cười cho cái anh huynh trưởng hống hách láo của tôi. Đúng ra là tôi làm huynh trưởng chứ không phải cái thằng cha Điều Ô đó. Chỉ vì mắc lừa hắn cho nên tôi mới bị hắn đá cho một cú bất ngờ vào đầu khiến tôi choáng váng đến nỗi không thể đứng dậy để tiếp tục chiến đấu được nữa. Thế là anh em tôi đã tôn hắn làm huynh trưởng.
Anh em tôi có mười tám đứa. Nghe mẹ tôi kể thì bà ấp hai mươi trứng nhưng không hiểu sao có hai trứng không chịu nở. Người ta bảo đó là trứng ung. Bà khoe rằng ông chủ đã chọn trong mấy chục con gà mái tơ mới tuyển được bà để giữ tông cho giống gà nòi quý hiếm. Ông chủ bảo "chó giống cha, gà gống mẹ" nên đã coi móng chân và tướng mạo của bà cẩn thận rồi nhận xét rằng bà sẽ cho ra một lứa gà nòi có tài chịu đòn giỏi, có sức bền, lại có nhiều thế độc nên quyết định chọn bà để di truyền cho đàn con sau này. Bà còn tự hào:
- Bố của các con được tôn làm thống soái đấy. Từ xóm trên đến xóm dưới, ông chưa thua một chiến binh nào cả.
Quả thật vậy, sự uy vũ của bố tôi toát ra từ diện mạo khác thường. Mỏ ông to mà thẳng chứ không cong hình vòng cung như những chiến binh khác. Miệng ông rộng, trên đầu có cái mồng nhỏ, không to và cao như cái vương miện màu đỏ tươi của lũ gà ta. Cái “vương miện”của lũ gà ta trông đẹp thật đấy nhưng chỉ tổ để cho đối phương nắm lấy mà đá cho toi mạng chứ chẳng ích lợi gì. Dưới cái mồng ngắn ngun ngủn của ông là cặp mắt chữ điền trông thật dữ dằn. Anh gà nào yếu bóng vía chỉ cần nhìn thấy ánh mắt ấy là đủ khiếp sợ, dựng lông gáy lên, tóp người lại rồi tìm đường tẩu thoát. Cái cổ của ông to, dài và thẳng thường xuyên được ông chủ tỉa lông trụi lủi rồi bôi một thứ hỗn hợp gồm có nghệ, phèn chua và rượu đế vào đó để làm cho da ông vừa dai vừa rắn chắc có tác dụng như một chiếc áo giáp bảo vệ cho chiến binh khi ra trận. Nhờ vậy mà khó có chiếc cựa của chiến binh nào có thể đâm thủng được “cái áo giáp” ấy của ông. Lưng ông rộng với đôi cánh dài trông ông có dáng dấp như ngài đại bàng mỗi khi tung cánh xuất chiêu. Đùi ông to và dài, các ngón chân thắt từng đốt, vảy mỏng trông ông thật thanh thoát và khỏe mạnh. Mỗi khi bước đi, các ngón chân của ông chụm lại quăng về phía trước như là đang hốt cát vãi ra vậy. Cái đầu thì luôn lắc qua lắc lại cùng với con mắt láu liêng như luôn cảnh giác đối phương sẽ tấn công từ mọi phía bất cứ lúc nào. Lại còn cái vẻ điệu nghệ của ông mỗi khi thấy chủ lấy lồng úp xuống mới thật buồn cười chứ. Ông khòm người xuống sát đất lượn qua, lượn lại như cố né cái lồng của chủ. Ông làm dáng lượn lờ nũng nịu vậy thôi, chứ thực ra tôi biết ông sẵn sàng để cho chủ giữ trong lồng săn sóc, cưng chiều và ngắm nghía.
Ngay cả tiếng gáy của ông cũng rất đặc biệt. Các anh gà trống trưởng thành bình thường thì gáy khoảng bốn tiếng: Ò…ó…o…o… Anh nào giỏi lắm thì cũng gáy đến năm sáu tiếng là cùng. Riêng bố tôi, ông có tật gáy giật từng tiếng mà còn kéo dài từ bảy tiếng trở lên nữa chứ. Mỗi sớm tinh mơ, khi tiếng gáy của ông cất lên thì vang động cả xóm làng khiến cho những chiến binh giỏi nhất cũng phải khiếp sợ; còn các ả mái dầu thì thán phục và ngưỡng mộ ông vô cùng.
Nhìn bộ mã được bao bọc bằng một lớp lông màu đỏ xẩm pha lẫn những chiếc lông màu đen xanh ong ánh như rắc hạt kim tuyến với dáng đi, điệu đứng của ông ai cũng tấm tắc khen đây quả là một “Thần kê”.
Tôi còn nhớ lúc bé, chúng tôi được mẹ dẫn đi kiếm mồi. Mỗi khi tìm được miếng mồi ngon, bà liền “cục… cục...”gọi chúng tôi đến ăn. Nếu có chú chó hoặc bác mèo nào dám đụng đến chúng tôi thì lập tức bị bà chống trả quyết liệt.
Chẳng bao lâu chúng tôi khôn lớn, không cần phải núp dưới đôi cánh của mẹ và chờ mẹ mớm cho từng miếng mồi nữa, chúng tôi đã tự biết đi kiếm ăn.
Chúng tôi đang sống yên ổn quây quần, đùa giỡn, vui vẻ, hạnh phúc bên nhau; chưa ai có ý định tranh ngôi vị trong đàn thì bỗng một hôm, tôi trông thấy ông chủ mặt buồn xo, tay xách hai cẳng bố tôi dốc ngược đầu xuống đất. Con mắt chữ điền dữ tợn của bố tôi ngày nào nay đã nhắm nghiền, cái cần cổ đầy uy phong thường ngẩng cao gáy vang cả xóm làng thì nay đã gục xuống, buông thỏng, xụi lơ, dài đến nỗi cái mỏ bị kéo lê quẹt trên mặt đất, máu vẫn còn ọc ra tạo thành một vệt dài từ cổng đến tận sân nhà.
- Bà ơi, nấu nước làm thịt con gà này dùm tôi, rồi đem hầm sả. Nó già rồi, không còn nhanh nhẹn và mạnh mẽ như trước nữa. Tội nghiệp. Nó đã cố gắng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Nó thà để knock-out chứ dứt khoát không chịu bỏ chạy.
Mẹ tôi cùng tất cả anh em chúng tôi đều khóc ré lên khi nghe ông chủ thông báo như vậy. Chúng tôi thương bố lắm. Lúc sinh thời, bố luôn bảo vệ chúng tôi, chưa từng để cho chúng tôi phải bị mấy lão gà ta ăn hiếp. Ngay cả cái thằng cha Ngỗng nổi tiếng dữ tợn, ngang tàng, thường xuyên la lối vớ vẩn trong vườn một cách vô cớ mà gặp bố tôi còn phải kiêng nể chứ nói chi đến lũ nhãi nhép gà ta. Bây giờ, bố mất rồi, không biết chúng tôi sẽ nương tựa vào ai đây?
Rồi cũng phải đến lúc chúng tôi phân chia cao thấp để lãnh đạo đàn và còn phải tính đến chuyện thôn tính lãnh địa của các đàn khác để phát huy truyền thống giòng họ nhà nòi của chúng tôi nữa chứ. Đàn của chúng tôi có mười chị mái và tám anh trống. Các cô ả lúc này trông thật mủm mỉm dễ thương. Còn anh em trống chúng tôi đã trưởng thành, trổ mã trông thật đẹp mắt. Trong số đó, đáng chú ý nhất thì chỉ có anh Điều Ô, anh Xám Khô, anh Ô Ướt và tôi là Tía Ngũ Sắc. Còn anh Nhạn, anh Cải, anh Ó và anh Hoa thì trông chán chết, mái không ra mái, trống không ra trống. Gáy thì chưa hết câu đã tịt ngay vì bị đứt hơi.
Phải công nhận là Điều Ô có dáng dấp giống bố tôi như đúc, nhất là cái bộ lông màu đỏ xẩm, xen lẫn màu đen xanh óng ánh. Lại còn cặp mắt chữ điền dữ tợn giống hệt bố tôi nữa chứ. Có lẽ chính điều này mà Điều Ô đã nhanh chóng thu phục được Xám Khô và Ô Ướt. Xám Khô dũng mãnh thật đấy nhưng xem ra không giỏi chịu đòn. Tôi đá cho vài cú vào ức, đau quá, chịu không nổi phải bỏ chạy. Còn Ô Ướt thì ngoan cường hơn. Muốn cho hắn khuất phục, tôi phải mất cả tiếng đồng hồ, mệt muốn hụt hơi mà còn phải dính hai cựa của hắn vào ức tới bây giờ còn để lại thẹo nữa đấy. Hắn chỉ chịu đầu hàng khi tôi dùng tuyệt chiêu “xỏ vỉa” bằng cách lòn đầu qua nách của hắn đưa mỏ quay ngược lại mổ vào da đầu giữ thật chặt rồi vừa đá, vừa vặn mạnh khiến cánh phải của hắn bị gẫy. Hắn đau điếng, nằm một đống không còn đá được nữa. Vì là anh em một nhà, nên tôi không cho cựa vào nách eo. Chứ nếu gặp thằng cha lạ mặt nào đến đây gây sự thì tôi đã cho cựa vào nách mà đâm thủng tim hắn rồi.
Thế là tôi chỉ còn hạ Điều Ô nữa là sẽ được tôn làm huynh trưởng. Tôi nghĩ mình sẽ đủ sức hạ được Điều Ô. Bởi vì hồi còn bé, tôi đã từng tập trận với hắn, tôi biết những thế đá của hắn. Hắn khỏe mạnh và rất kiên cường, chỉ cần sơ ý một chút là có thể bị hắn hạ gục như chơi. Nhưng tôi bay cao và nhanh nhẹn hơn hắn nên dễ dàng tránh được những cú đá như trời giáng của hắn. Bây giờ tôi chỉ cần chăm chỉ luyện tập cho cơ thể khỏe mạnh hơn lên là tôi có thể hạ gục được hắn thôi. Nghĩ vậy, sáng nào tôi cũng thức dậy thật sớm, đứng vắt vẻo trên cành cây ổi sau vườn, vỗ cánh phành phạch rồi cất cao giọng, gáy vang lên vài hồi cho thông cổ (và cũng để ra uy với thiên hạ nữa). Sau khi ca xong bài ca muôn thưở: “Ò…ó…o…o”, tôi lại tập bay từ trên cành cây ổi xuống đất rồi lại bay lên. Cứ thế, tôi làm vài chục lần mỗi sáng. Chẳng mấy chốc tôi lên cân, vạm vỡ như một đô vật ngoại hạng. Các ả mái tơ đều ngưỡng mộ cái thân hình hộ pháp của tôi. Nhìn bộ mã, dáng đi, điệu đứng của tôi thế nào mà có ả mái tơ đã ghé sát vào tai tôi thì thầm: “Trông anh hào hoa phong nhã lắm!” rồi bẽn lẽn, đỏ mặt quay đi chỗ khác.
Lời khen đó càng thúc giục tôi sớm hạ gục Điều Ô để lên làm huynh trưởng mà thống soái cả đàn và cũng để gom hết các ả mái tơ mủm mỉm về tay mình luôn thể. Nghĩ đến cảnh tất cả các ả đều thuộc về mình, tôi khấp khởi trong lòng vô cùng. Nhưng tôi cũng cẩn thận dè chừng không dám tuyên chiến với Điều Ô trước.
Tôi dự định sẽ luyện tập thêm một thời gian nữa để chiến đấu cho chắc ăn thì một hôm, Điều Ô chạy đến bên tôi lớn tiếng thách thức:
- Tía Ngũ Sắc ! Xám Khô và Ô Ướt tao đã thuần phục được rồi đó. Còn mày, nếu muốn lãnh đạo cả đàn này thì phải bước qua xác tao đó nghe.
Tôi nhỏ nhẹ:
- Tụi mình là gà cùng một mẹ, có gì đâu mà đao to búa lớn nghe ghê quá vậy anh. Tụi mình thử vài hiệp, ai thắng thì làm huynh trưởng thôi, không cần phải “bước qua xác” đâu.
- Được! Mày nói hay lắm. Vậy mày chọn địa điểm đi, rồi tụi mình tỷ thí.
Tôi chọn một mảnh đất trống ở giữa sân lúa rồi hẹn Điều Ô đến đó. Tôi cũng không quên mời mẹ cùng tất cả anh em chúng tôi đến chứng kiến trận chiến quyết định số phận của tôi và Điều Ô mà chúng tôi đã chuẩn bị từ lâu.
Vừa đến nơi, tôi thấy Điều Ô đứng trên đống rơm vỗ cánh phành phạch mấy cái rồi gáy thật to. Tưởng đâu hắn chỉ khởi động chứ chưa xuất chiêu. Ai ngờ, thật đột ngột, hắn bay sà xuống hung hăng giương cặp mắt chữ điền dữ tợn lao tới há cái mỏ cứng như thép mổ vào đầu tôi rồi đá liên hồi vào ức tôi. Mẹ tôi cùng tất cả anh em tôi đều la ó phản đối lối đá tiểu nhân đó. Bị đá bất ngờ quá, tôi hơi choáng váng nhưng kịp lấy lại bình tĩnh, cố thoát ra khỏi cái mỏ thép của hắn, tôi tung vó bay cao, đá một cú trúng ngay đầu hắn. Hắn loạng choạng lùi lại phía sau rồi chợt chân té bật ngửa. Tôi để cho hắn đứng dậy đàng hoàng mới tiếp tục thủ thế ra đòn. Hắn phùng lông cổ ra, dứ dứ cái mỏ về phía tôi. Tôi không sợ, nhìn thẳng vào mặt hắn, cũng phùng lông cổ ra và dứ dứ cái mỏ về phía hắn. Có lẽ bực bội vì tôi bắt chước cái dáng điệu dọa nạt của hắn nên hắn quyết định tung một cú đá cực mạnh về phía tôi, tôi nhanh chóng lùi lại phía sau thoát khỏi cú đá nguy hiểm trong gang tấc. Tôi định thần lại, rồi bất ngờ quay một vòng, tung giò lái đá trúng ngay đầu hắn lần thứ hai. Cú đá này nếu có ai quay phim, chiếu chậm lại thì chắc là sẽ trông đẹp mắt lắm đấy! Vì thế võ này chính là sở trường của tôi mà! Bị dính thêm một cú nữa vào đầu, hắn kêu “Quác” lên một tiếng rồi lầm lũi bỏ chạy. Tôi thừa thắng xông lên. Mẹ tôi cùng anh em tôi reo hò ầm ỉ: “Hoan hô Tía Ngũ Sắc! Hoan hô Tía Ngũ Sắc!” Tôi chủ quan, tưởng đâu hắn đau quá bỏ chạy nên vẫn cứ đuổi theo phía sau mà không hề đề phòng gì cả. Ai ngờ, bất thình lình, hắn quay trở lại, đưa mỏ thép mổ thẳng vào cổ tôi, xiết chặt cuống họng làm tôi muốn nghẹt thở, rồi đá liên tiếp vào ức tôi. Tôi chưa kịp hoàn hồn thì hắn tiếp tục tung một cú chí mạng vào đầu tôi. Mắt tôi nổ đom đóm, tôi thấy trời đất tối xầm lại, đôi chân bủn rủn rồi gục xuống mà bên tai vẫn còn nghe văng vẳng tiếng các ả mái tơ the thé: “Trời ơi! Anh Tía Ngũ Sắc chết rồi! Anh Tía Ngũ Sắc chết rồi!”
Nhưng tôi không chết. Khi tỉnh lại, tôi có cảm giác ươn ướt trên cái đầu của tôi. Cố mở mắt ra, tôi thấy máu còn rỉ từ trên đầu xuống đất. Lúc đó, chỉ còn vài ả mái tơ đứng cạnh nhìn tôi một lúc, rồi dường như trông thấy cái bộ dạng thảm hại của tôi, các ả lắc đầu, lầm lũi đi hết, bỏ tôi ở lại trơ trọi một mình giữa cái sân lúa mênh mông ngay sau vườn nhà.
Kể từ ngày hạ knock-out tôi, tôi thấy hắn oai vệ hẳn ra, còn tôi thì mỗi lần nhìn thấy mặt hắn tự nhiên tôi rợn da gà, mấy sợi lông trên cổ dựng ngược lên, người thì tóp lại, lấm la lấm lét lủi đi chỗ khác. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước Điều Ô. Đám mái tơ trước kia một nửa theo tôi, một nửa theo hắn thì bây giờ đã chạy hết theo hắn.
Được đám mái tơ bao quanh, hắn tỏ ra ga lăng lắm. Tìm được miếng mồi ngon nào hắn kêu “cục…cục…cục” gọi cả đám đến mời ăn. Mấy ả mái tơ nghe gọi thì ỏng à ỏng ẹo, lắc cái phao câu chạy bu đến bên hắn muốn ăn thì ít mà muốn nhỏng nhẻo với hắn thì nhiều. Có hôm, vắng mặt hắn, nhìn thấy lũ mái tơ thơ thẩn đi kiếm mồi, tôi liền chạy đến định làm quen một ả thì bất ngờ từ đằng sau bụi chuối, hắn xông thẳng về phía tôi làm tôi khiếp vía, bỏ chạy thụt mạng, không còn dám léng phéng tới gần mấy ả nữa.
Mặc dù đã phục tùng hắn theo đúng luật thi đấu, nhưng tôi vẫn không quên luyện tập võ nghệ thường xuyên để phòng khi có lũ gà khác đến xâm phạm lãnh địa của mình.
Điều tôi lo lắng quả không thừa.
Một hôm, tôi thấy có một thằng cha cái mặt đen thui như mặt lũ nhóc con gà ác, nhưng cái mình thì lại giống hệt Điều Ô, hiên ngang đi từ trong nhà ra phía sau vườn. Tôi vội chạy đi tìm huynh trưởng về để đuổi hắn ra khỏi lãnh địa này. Tìm mãi chẳng thấy huynh trưởng đâu, tôi bèn quay về để bảo vệ anh em trong đàn trước nguy cơ bị tấn công của kẻ lạ mặt. Mấy cô ả mái tơ vừa thấy tôi về vội chạy tới kêu thất thanh:
- Cục ta cục tác, cục ta cục tác. Có kẻ ác, có kẻ ác!
Tôi chưa kịp hỏi: “Nó ở đâu?” thì đã nhìn thấy thằng cha mặt đen thui đó nhẩy lên lưng một ả mái dầu định giở trò xàm xở. Tôi đỏ mặt tía tai nhẩy tới lôi cổ hắn xuống, đá vào đầu hắn một cái. Có lẽ hắn không ngờ tôi lại tấn công hay là do mê mồi quá mà hắn đã dễ dàng để tôi sút một cú vào đầu chí mạng. Bị rơi từ trên lưng ả mái dầu xuống đất, lại bị đá đau, hắn bực tức tấn công tôi liên tục. Nhưng nhờ sự nhanh nhẹn, tôi đã tránh được hầu hết các cú đá của hắn. Tôi phản công bằng cách bay cao dùng liên hoàn cước đá liên tục vào đầu hắn gần mười cái mà chỉ trong vòng vài giây. Hắn xiểng liểng nhưng xem ra cũng còn ngoan cường lắm. Sau khi lắc lắc cái đầu mấy cái, hắn dùng hết sức tấn công tôi. Hắn cũng giương mỏ thép ra kẹp thẳng vào cổ tôi như đã có lần Điều Ô tấn công tôi dạo trước. Nhưng lần này tôi đã rút kinh nghiệm, không để cho đối phương nắm điểm tựa đó mà đá vào ức nữa. Tôi cố chịu đau, nhảy thật mạnh lên, thoát ra khỏi cái mỏ thép ấy rồi nhân thế trên cao, tôi cào các móng chân vào giữa mặt hắn. Không ngờ có một móng chân sắc nhọn của tôi đã đâm thủng một con mắt của hắn. Hắn kêu “Quác” lên một tiếng rồi bỏ chạy mất dạng. Các ả mái tơ bu lại cảm ơn tôi rối rít.
Có một điều lạ là cả ngày hôm đó, tôi không thấy huynh trưởng ở nhà để khoe thành tích này với hắn.
Mãi tới tối, tôi mới thấy huynh trưởng lủi thủi trở về, lẳng lặng bay lên cây ổi phía bên kia bờ ao như mọi lần để ngủ. Tôi định lân la đến hỏi huynh trưởng xem nguyên cớ gì mà đi vắng cả ngày và nhân tiện cũng để khoe thành tích của mình luôn, nhưng thấy trời đã tối nên lại thôi. Mọi chuyện cứ để ngày mai hãy tính. Tôi nghĩ như vậy, rồi bay lên cây ổi của mình ngủ thiếp đi lúc nào không biết.
Sáng tinh mơ hôm sau, như mọi lần, tôi chờ huynh trưởng gáy trước rồi tôi mới gáy sau cho phải phép. Nhưng chờ mãi, chờ mãi chẳng thấy huynh trưởng gáy. Tôi nghĩ chắc là huynh trưởng chơi bời quá nên đã bị bệnh rồi. Tôi liều mạng gáy trước vài hồi cho thông cổ rồi chạy qua hỏi thăm huynh trưởng. Nhưng thật lạ thay, vừa thấy tôi, huynh trưởng đã dựng lông gáy, tóp người lại, rồi bỏ chạy, trông bộ dạng thật hèn hạ. Tôi chẳng hiểu ất giáp ra sao, lẳng lặng đi lên nhà trên thì tình cờ nghe được câu chuyện giữa ông chủ với cậu con trai ông ấy.
- Ba ơi, hôm qua con bôi nhọ nồi vào mặt con Điều Ô để cho con Tía Ngũ Sắc không nhận ra mà thử sức lại. Đúng như con nghĩ, Tía Ngũ Sắc đá hay hơn ba ạ.
- Ba cũng xem tướng Tía Ngũ Sắc từ nhỏ rồi, nó sẽ là con gà chiến đó. Nhưng mà Điều Ô cũng là một chiến binh không kém. Con đã làm hư hết một mắt của nó rồi đó. Lần sau không được tự tiện làm như vậy nữa nghe chưa!
Thì ra bấy lâu nay tôi chỉ chạy mặt cái thằng cha Điều Ô đó chứ hắn nào có giỏi gì hơn tôi.

Rạch Giá, 30.10.2014

└(≣) CHẠY MẶT cách đây 10 năm #13396

Chào Bác Giáo
Bác viết hay quá,có thể sánh với "dế mèm phiêu lưu ký " của Tô Hoài.
Em chỉ đọc nội dung giùm mấy đứa trẻ em thôi.Viết nữa đi Bác.
Mến
30.10.2014
Tran

└(≣) CHẠY MẶT cách đây 10 năm #13427

"Trẻ em" Thanh Cẩm xin cám ơn nhà văn Nguyễn Phương với truyện ngắn "Chạy mặt" thật thú vị.

Thanh Cẩm 81
30.10.14

└(≣) CHẠY MẶT cách đây 10 năm #13445


Chào anh Nguyễn Phương !


Truyện ngắn Chạy Mặt dành cho trẻ em mà người lớn đọc cũng thấy phê quá anh Nguyễn Phương ơi !
Gã Điều Ô bị Tía Ngũ Sắc hạ knock out rồi,lại còn bị chột mắt, sẽ không còn thấy đường đấm đá gì nữa đâu, vậy anh cho Sondung đem về hầm sả nha .
Rồi khi nào có dịp Sondung qua nhà anh chơi nhờ anh xem tướng giùm một Tía Ngũ Sắc con,Sondung đang tính tuyển một con gà chiến về làm Thống Soái bầy gà nhà đó ...hihi...cám ơn trước :P :P


Sondung
Oct 31,2014

└(≣) CHẠY MẶT cách đây 10 năm #13460

PHƯƠNG!

Vắng em một dạo chị đã thầm nhắc mãi...

Giờ thì mãn nguyện. Em cho ra đời đứa con tinh thần kháu khỉnh và đáng yêu làm sao. Tác phẩm này thật tuyệt.

Mong đọc thêm nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Phương!

Chị Lan (01-11-14)

└(≣) CHẠY MẶT cách đây 10 năm #13475

Chị Thảo xin thân chào Nguyễn phương !
Đã lâu không được đọc truyện của NP . Nay được một truyện tuy ngắn so với mấy tác phẩm trước, nhưng rất hay và sâu sắc . Lâu lâu chị nhớ cái ngày mà chị theo quá giang NP về miền Tây trên chuyến xe đò có giường nằm đó . Không biết lần tới có dám quẩy giỏ về quê cũ một mình không ?
Nhớ viết tiếp truyện cho chị và các bạn đọc nha !

Chị Thảo
01.11.14
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.11 giây
   
© maitruongxuath.org