Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ cách đây 8 năm, 10 tháng #17939
|
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Truyện dài Nguyễn Phương Phần Một Nó trà trộn vào đám đông đang chen chúc trước cửa phòng cấp cứu của bệnh viện. Chẳng biết đây là những người nhà của các bệnh nhân hay chỉ là những người hiếu kỳ thích chứng kiến cảnh người ta sắp từ giã cõi đời? Nó không quan tâm. Nó chỉ cố gắng len lỏi đến sát cái cánh cửa đang đóng chặt để dán mắt vào tấm kính, quan sát các bệnh nhân đang được cấp cứu ở bên trong. - Thằng này mất lịch sự quá. Xô đẩy người ta chẳng nể nang ai hết. - Trời đất ơi, nó chui qua nách tui nữa đó mấy ông ơi! - Chắc là má nó sắp chết ở trong trỏng mà! Đồ mắc dịch. Mặc kệ. Nó chẳng quan tâm đến những lời xỉa xói đó. Nó chỉ dán mắt vào tấm kính mà quan sát thôi. Người nằm ở gần nhất bị dập nát cả hai chân, chắc là tai nạn giao thông. Người ở góc bên phải kia đầu quấn băng kín mít chắc không uýnh lộn thì cũng tai nạn giao thông thôi. Không phải hắn. Hắn không bị thương ở đầu. Hắn bị thương ở bụng. Nó nghĩ vậy, rồi lại dõi mắt ra xa hơn. Người ở giường trong cùng là một phụ nữ quần áo xộc xệch ướt sủng, đầu tóc rũ rượi nằm bất động xem chừng mới được xúc ruột đưa vào đây. Sao dạo này lắm người uống thuốc tự tử quá vậy không biết? Quái, không thấy hắn đâu. Hắn không thể đi xa được. Hắn chỉ có thể cấp cứu ở đây thôi. Còn mấy cái giường kia, các bác sĩ cùng với y tá và người nhà của bệnh nhân cứ đứng bao quanh kín mít làm nó chẳng nhìn thấy được người đang nằm cấp cứu trên đó. Bực. Nó cố nhón chân lên rồi hết nghiêng qua bên này lại nghiêng qua bên kia tìm cho bằng được người bị trọng thương mà nó cho rằng chắc chắn phải đưa vào đây cấp cứu. Đột nhiên, nó chú ý tới cái giường ngoài cùng bên trái. Ở đó, bác sĩ đang khâu vết thương ở bụng cho một người bị lâm nạn. Nó không nhìn thấy rõ mặt người này vì bác sĩ và những ý tá đứng che khuất tầm nhìn của nó. Nó kiên nhẫn chờ cho bác sĩ hoặc y tá rời vị trí. Thời gian đối với nó lúc này sao mà dài dằng dặc. Nó sốt ruột gõ cửa. Một cô y tá đứng gần đó bước tới xoay nắm đấm hé cánh cửa. Cô vừa mới thò đầu ra, nó mừng quýnh: - Chị ơi, chị làm ơn cho tui vô. Tui có người nhà đang cấp cứu ở trong trỏng. Không cần biết cô y tá có đồng ý hay không, nó vội đẩy cửa tiến thẳng tới cái giường mà ở đó bác sĩ đang khâu vết thương ở bụng cho người bị nạn. Sau khi nhìn rõ mặt người này, nó bất ngờ rút con dao Thái Lan sáng loáng thủ sẵn trong cặp quần đâm liên tục nhiều nhát vào giữa ngực người đang được cấp cứu này rồi vụt chạy ra ngoài trước sự kinh hoàng của ê kíp bác sĩ đang làm nhiệm vụ, bỏ lại sau lưng tiếng la hét inh ỏi của mọi người: - Bớ người ta bắt kẻ giết người! Bớ người ta bắt kẻ giết người! Nó chạy nhanh ra cổng bệnh viện. Ở đó có một tên đang ngồi trên chiếc xe Honda nổ máy chờ sẵn. Nó nhẩy lên phía sau, ôm chặt tên này. Chiếc xe rú ga, chồm lên phía trước rồi vọt nhanh, len lỏi vượt qua dòng xe cộ tấp nập trên đường phố vào đúng buổi tan tầm rồi mất hút. Nhưng nó không thoát. Nó chỉ lẩn trốn được hai ngày thì bị công an tóm gọn tại căn phòng trọ tồi tàn ở xóm Củi mà nó cùng với mẹ nó đã ở đó từ mười mấy năm nay. Mặc dù mẹ nó biết chắc rằng thế nào cũng có ngày này đến với nó và trong lòng cũng muốn tống khứ cái thằng mất dạy này đi cho rồi, nhưng khi chứng kiến cảnh công an đọc lệnh bắt khẩn cấp với tội danh giết người rồi tra tay nó vào còng, áp giải đi, chị không khỏi đau lòng. Nhưng làm sao mà mẹ nó bảo nó là “thằng mất dạy”, làm sao mà nó lại trở thành một tên sát thủ máu lạnh khi còn ở lứa tuổi vị thành niên như vậy? Cái gì cũng có nguyên nhân của nó chứ! Bảo nó mất dạy ư? Có ai dạy nó đâu mà mất. À, mà có đấy. Năm nó mới lên bốn tuổi, mẹ nó đã dạy cho nó biết cầm vé số đi bán. - Này nhé, con cầm xấp vé số đi vào trong quán, mẹ sẽ đứng ở ngoài chờ. Con chỉ cần đi từng bàn, chìa xấp vé số ra trước mặt họ rồi giả đò câm, cứ “ư, a,… ư, a…” là họ mua hà. Đây là tờ một ngàn, đây là tờ hai ngàn, còn đây là tờ năm ngàn, con nhớ chưa? Rồi chị cho thằng bé thực tập ngay. Chị đóng giả là người mua, để cho thằng bé bán vé số. Thằng bé thông minh ra phết. Chỉ làm thử vài lần là nó nhớ ngay. Để cho thằng bé yên tâm, chị nói thêm: - Nếu có ai bắt nạt thì con cứ la lên. Đã có mẹ đứng ngay ở ngoài cổng, con đừng có sợ. Thằng bé bán vé số thế mà có hiệu quả hơn chị nhiều. Chị đi cả ngày, chỉ bán được vài chục vé. Thằng bé chỉ một buổi sáng bán được cả trăm vé. Cũng phải thôi, người ta mua vé số vì thương hại thằng bé hơn là hy vọng vào vận may sẽ đến với họ trong những tờ vé số đó. Lâu lâu, lại có khách xộp cho thằng bé vài chục ngàn, có khi đến cả trăm bạc ấy chứ. Thấy vậy, chị muốn phát huy tối đa “năng lực” của thằng bé bằng cách đi lấy thêm hạt sen, đậu phộng rang, bánh phồng tôm …bỏ vào trong bọc đưa thằng bé đi bán trong những quán nhậu vào những buổi chiều. Cứ thế, trung bình hai mẹ con thu nhập mỗi ngày cũng được cả trăm bạc, đủ trang trải tiền thuê nhà trọ và ăn uống sinh hoạt cho cả hai mẹ con. Cuộc sống của hai mẹ con cứ thế mà lặng lẽ trôi đi cho đến năm thằng bé lên sáu tuổi, chị bỗng giật mình khi nghe bà chủ nhà tốt bụng nhắc: - Nga này, mày không tính cho thằng Hận nó đi học hả? Chẳng lẽ thời buổi này mà mày để nó mù chữ sao? - Dạ, con cũng tính xin cho nó vào học lớp Một năm nay đó chứ, nhưng họ bảo phải có khai sinh họ mới nhận. - Trời đất! Mày chưa làm khai sinh cho nó nữa hả? Nga lúng túng: - Có lần con cũng lên phường xin làm khai sinh cho nó. Nhưng mà họ đòi phải có hộ khẩu. Con không có hộ khẩu thì làm sao mà làm khai sinh cho nó được. Bây giờ, nó lớn rồi làm khai sinh lại càng khó khăn hơn. Thôi thì không được đi học thì đi bán vé số vậy. Thấy Nga phân trần rồi lại nói liều, dì Ba tỏ ra bực bội: - Mày nói như vậy mà nghe được hả Nga? Bây giờ người ta đang phổ cập tiểu học, phát động phong trào “Toàn dân đưa trẻ đến trường”. Thậm chí người ta còn đến tận nhà mời đi học. Không có tiền thì người ta miễn học phí. Nhà nghèo quá thì người ta cấp gạo cho ăn mà đi học nữa đấy. - Con đã nói rồi. Người ta bảo phải có khai sinh mới được. Mà có khai sinh rồi thì hộ khẩu cũng phải ở đúng địa bàn nơi cư trú thì người ta mới nhận vào trường. Có người đầy đủ giấy tờ hợp lệ hẳn hoi mà còn phải chen lấn sắp hàng ở trước cổng trường từ bốn giờ sáng đấy. Chỉ xin cho con vào lớp Một thôi mà cũng vất vả, nhiêu khê lắm, dì Ba không biết đâu! - Có khó khăn mấy nhưng nếu mày quyết tâm cho con mày đi học thì mày cũng làm được. Trẻ em đường phố còn có lớp học nữa là….Tao biết mày chỉ muốn cho con mày đi bán vé số thôi chứ chuyện làm khai sinh thì dễ ợt chứ đâu có khó khăn gì. Còn chuyện người ta chen lấn nhau đăng ký cho con học là vì người ta muốn con họ được học ở trường điểm, học trái tuyến, mày hiểu chưa? Mày cứ đường đường chính chính cho con học ngay trên địa bàn mình cư trú thì mắc mớ gì mà người ta không nhận. Thôi được rồi, mày ngại đi làm khai sinh cho thằng nhỏ thì để tao đi làm giúp cho. Mày tạm trú ở đây cũng đã lâu rồi chứ có phải mới mẻ gì đâu. Ở khu phố này, ai mà chẳng biết mẹ con mày. Để tao lên phường hỏi thủ tục làm cái khai sinh cho thằng Hận. Dì Ba vừa bước ra ngoài chừng vài mét, bỗng quay lại hỏi nhỏ: - À, mà khai tên ba nó là gì hả mậy? Nga nghĩ thầm: Cái bà này chuyên ăn cơm nhà đi vác tù và hàng tổng. Mình có cần bả đi làm khai sinh cho thằng Hận đâu chứ! Có dãy phòng trọ thì lo thu tiền dưỡng già được rồi. Nay lại thấy mò tới cằn nhằn vợ chồng thằng bán bánh tráng phòng kế bên ở dơ, rác cứ để đầy nhà không đem ra ngoài ngõ; hôm khác lại thấy mò tới ghé vào phòng của mấy con ca ve góp ý ăn ở bầy hầy, quần lót cứ treo tùm lum. Có hôm nửa đêm bả còn mò tới dẹp mấy thằng choi choi nhậu nhẹt la lối um xùm nữa chứ. Có ngày nó chơi ma túy đá điên lên cho bả một dao thì có phải oan mạng không. Thấy Nga không trả lời câu hỏi của mình, dì Ba hỏi lại lần nữa, giọng gay gắt hơn: - Mày khai tên ba nó là gì? Nga trả lời cho xong chuyện: - Dì Ba cứ kêu người ta ghi là “Không cha”. Thằng Hận hồi nãy tới giờ đứng hóng chuyện người lớn vừa nghe mẹ nó nói vậy thì giẫy nẫy: - Con muốn có ba. Con muốn có ba à mẹ ơi! Bạn con đứa nào nó cũng có ba hết. Ba con đâu hả mẹ? Nga biết rằng thế nào cũng có ngày thằng Hận sẽ hỏi mình câu này. Nhưng tình huống hôm nay bất ngờ quá, chị chưa kịp chuẩn bị sẵn câu trả lời cho nó. Từ lúng túng, đột nhiên chị chuyển sang giận dữ. Dường như bao nhiêu thù hận, chị trút hết xuống đầu thằng bé: - Mày không có cha. Mày không có ông bà nội, cũng không có ông bà ngoại, không có bất kỳ một người thân nào trên cõi đời này hết, mày biết chưa? Thằng Hận thấy gương mặt mẹ giận dữ một cách khác thường thì sợ quá, đứng nép vào góc nhà không dám ho he gì nữa. Nhìn thấy cảnh đau lòng này, dì Ba cảm thấy mình như có lỗi vì đã vô tình khơi lại vết thương lòng mà Nga đã chôn giấu từ hơn sáu năm nay. Dì bước đến cạnh thằng bé, vuốt mái tóc lòa xòa trên trán của nó, hôn lên má nó, rồi thủ thỉ: - Mẹ con nói sai rồi. Con còn có bà Dì đây nè. Bà thương con lắm. Bà cho con đi học, con chịu không? Lúc này, thằng Hận mới òa lên khóc một cách tức tưởi. Dì Ba bồng thằng bé lên, lặng lẽ bước ra ngoài. Nga đứng loạng choạng rồi gieo mình xuống chiếc giường ọp ẹp trong căn phòng trọ tồi tàn, mắt nhìn lên trần mà như nhìn vào cõi hư không. Rồi từ trong cõi hư không ấy, quá khứ bỗng hiện lên như một cuốn phim quay chậm. Vào cuối những năm chín mươi của thế kỷ trước, thời kỳ mà khoa học công nghệ trên thế giới phát triển như huyền thoại với những thành tựu khoa học chưa từng thấy. Để chuẩn bị bước vào thiên niên kỷ mới mà không bị tụt hậu, Việt Nam đổi mới chính sách, tăng cường hợp tác kinh tế với tất cả các nước trên thế giới. Nhờ có sự giao thoa hội nhập giữa các nền kinh tế mà Việt Nam đã có những bước tiến rõ rệt. Các công ty nước ngoài tin tưởng nhảy vào làm ăn ngày một nhiều. Nhà máy, xí nghiệp mọc lên như nấm ở các thành phố lớn. Tầng lớp nông dân ở nông thôn lúc này cũng có tầm nhìn xa hơn. Họ nhận thức được rằng nếu không có tri thức thì không thể hòa nhập được với xã hội hiện đại. Cho nên, mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng họ vẫn cố gắng cho con ăn học đến nơi, đến chốn. Họ khao khát cho con được bước vào giảng đường đại học, xem đó là cứu cánh của họ. Có người cũng từ đó mà thành đạt, cả làng ngưỡng mộ, họ kháo nhau: - Bà có biết con Xuân con ông Tạo ở Ấp Ba không? Mới làm ở ngân hàng gì đó của nước ngoài có hai năm mà lên chức mén- nịt- giờ, lương những sáu chục triệu một tháng đấy. - Ối dào, nhằm nhò gì với thằng Trường con bà Nhuận ở gần nhà tôi. Nó làm kỹ sư Dầu khí ở Vũng Tàu, lương tháng gần trăm triệu. Nó vừa xây cho bố mẹ nó một căn nhà to tướng đấy. Dạo này trông nó oách lắm chứ không cù lần như dạo trước đâu. Đi về thăm nhà bằng xe con hẳn hoi đấy nhé! Thế là lớp thanh niên ở xã Tân Tạo được sự hậu thuẫn của bố mẹ cũng đua nhau lũ lượt lên thành phố mong có được một tương lai xán lạn hơn. Nhưng số thanh niên chí thú học hành, thi đỗ vào các trường Đại học quốc gia, tốt nghiệp loại xuất sắc tìm được việc làm ở những nơi có thu nhập cao như con ông Tạo, con bà Nhuận thì chỉ đếm được trên đầu ngón tay thôi; còn hầu hết là các cô cậu chỉ học làng nhàng nên không tìm được việc làm hoặc tìm được việc làm nhưng không phù hợp với ngành được đào tạo, lương rất thấp, chỉ đủ sống qua ngày thôi. Tệ hơn, có cô cậu lại chẳng lo học hành gì cả, có dịp rời nông thôn lên sống nơi phồn hoa đô hội, mặc sức đua đòi ăn chơi. Sau mấy năm lang bạt kỳ hồ trên thành phố, tiêu pha hết cả ruộng vườn ở quê nhà mà chẳng lấy được tấm bằng tốt nghiệp, các cô cậu này lúc bấy giờ không còn lý do gì để nhận tiền trợ cấp của bố mẹ gửi lên hàng tháng nữa. Thế là họ đi làm thuê, làm mướn, làm bất cứ việc gì để sống, để tồn tại mà bám lấy đất Sài Gòn. Họ không muốn quay về quê không phải chỉ vì về quê họ không tìm được việc làm mà chủ yếu là vì họ sợ người ta chê cười. Mới ngày nào mời cả dòng họ ăn mừng vào đại học mà nay lại vác cái mặt tàn tạ về quê coi sao được! Con thì sợ bạn bè chê cười, bố mẹ thì sợ bà con hàng xóm chê cười. Chính cái bệnh sĩ quá lớn nhiều khi đã đưa con người ta vào ngõ cụt. Trường hợp của Nga thì lại càng tệ hơn. Kết quả mùa thi năm ấy, cả xã Tân Tạo đứa nào cũng có giấy báo nhập học. Mà không có giấy báo sao được. Từ trường đại học, cao đẳng đến các trường trung cấp; từ hệ thống công lập đến bán công rồi tư thục đều được mở ra ở khắp nơi. Có đứa thi ba môn chưa được năm điểm cũng “Trúng tuyển”. Nông dân thì chỉ thấy con em mình có giấy báo nhập học là mừng. Các trường đại học, cao đẳng thuộc “tốp dưới” thì tuyển được càng nhiều sinh viên càng tốt. Họ cạnh tranh quyết liệt với nhau. Trước mùa thi cả tháng, trường nào cũng tung ra những tờ rơi quảng cáo đào tạo bài bản theo chương trình tiên tiến, hứa hẹn sẽ có chắc việc làm sau khi tốt nghiệp, rồi đợi cho các trường đại học “tốp trên” thải ra thì họ giành nhau hứng hết. Họ nhanh chóng lấy số báo danh, địa chỉ của các thí sinh này, rồi đánh giấy báo TRÚNG TUYỄN gửi về địa phương. Quy luật cung cầu diễn ra trên lĩnh vực đào tạo sôi nổi không kém bất kỳ trên lĩnh vực kinh tế nào khác. Cho nên sau mùa thi làng xóm xôn xao hẳn lên. Ông Ngát, bố cái Nga, một người đàn ông nát rượu lại hay nhiều chuyện ở Ấp Một, thấy bà Nhuận đi chợ ngang qua nhà, vội chạy ra chặn lại để thông báo một tin giật gân: - Này, bác có biết thằng Kiệm con ông Quát, phó chủ tịch xã mình không? - Thằng đó học dốt lại đua đòi ăn chơi, phá làng phá xóm, cả cái ấp này ai mà chả biết. Nhưng mà nó làm sao? - Coi vậy mà nó đỗ tới ba trường đại học đấy bác ạ! Bà Nhuận vẫn thản nhiên vì bà biết ông Ngát có cái tính hay đi nghe lỏm chuyện của người khác rồi chẳng hiểu ất giáp gì nên nói tầm phào vậy thôi: - Ông cứ nói đùa. Hôm lấy kết quả thi tốt nghiệp của Sở Giáo dục gửi về, ông hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tân Tạo ở xã mình còn hậm hực mãi vì tại nó mà trường mất toi chỉ tiêu một trăm phần trăm đây mà. Ông Ngát trình bày rành rọt y như là người trong cuộc vậy: - Lúc đầu là vậy. Nhưng ông Quát trực tiếp đến trường xin phúc khảo cho nó. Đỗ rồi. Trường xã mình cuối cùng cũng đạt tốt nghiệp một trăm phần trăm. Trường Bổ túc trung học kia mà họ còn đỗ một trăm phần trăm mà lị. Mình mà không đạt, họ cười cho thúi mũi. Rồi giọng đầy vẻ ganh tị: - Nhưng có điều lạ là nghe nói nó đỗ tới ba trường đại học cơ đấy! Ông Tạo, một người điềm đạm, chững chạc, trước năm 1975 đã từng là giáo sư dạy trung học trên tỉnh nhưng có thời gian đi quân dịch trong chính quyền Sài Gòn, sau giải phóng phải đi học tập cải tạo mất mấy năm nên không thuộc diện “giáo viên lưu dụng” đành phải về vườn sớm, thấy bà con túm tụm lại thì đến ôn tồn giải thích: - Không phải trường đại học đâu các bác ạ. Đúng là có ba giấy báo trúng tuyển. Nhưng đó chỉ là các trường trung cấp nghề thôi. Ông Ngát quay sang ông Tạo, vẻ còn nghi ngờ: - Sao bảo nó chọn học Công nghệ thông tin mà? Tôi nghe ông Quát khoe như thế. - Thì cũng đúng là thằng Kiệm nó đòi học Công nghệ thông tin. Nhưng ngành này nó đa dạng và phức tạp lắm. Từ cái anh học Lập trình viên đến các cậu học Thiết kế web, Phát triển web; từ cái anh học Xây dựng và quản lý dữ liệu, Quản lý dự án, đến anh học Quản trị mạng; từ anh học Phát triển game đến anh học Kỹ thuật máy tính…Tất cả cứ gọi chung chung là Công nghệ thông tin tất tần tật. Thực ra nắm bắt được ngành khoa học máy tính này không phải là chuyện đùa đâu. Hiện nay, họ đào tạo Công nghệ thông tin thì rất nhiều nhưng tìm được người thực sự giỏi thì chẳng là bao. Tôi lo cho cái thằng Kiệm con ông Quát lắm. Bây giờ, trường nào cứ đóng tiền là họ cho học thôi, còn mình học được hay không, họ chẳng cần quan tâm đâu. Mới năm ngoái, ông Hoạt còn nói với tôi con ông ấy rất giỏi Công nghệ thông tin, suốt ngày ngồi trên máy vi tính nghiên cứu. Ông ấy còn hớn hở khoe với tôi rằng: “Hồi còn bé tí mà nó đã biết làm nhiều trò hay lắm đấy nhé. Nó chụp hình tôi rồi làm thế nào mà gắn được cái đầu của tôi vào cái mình của mẹ nó trông buồn cười lắm.”. Thấy cu cậu học lóm được vài ba chiêu trò trên máy vi tính, ông ấy cứ tưởng đâu là giỏi Công nghệ thông tin. Thế là cho cu cậu đi học. Nào ngờ mới lên Sài Gòn chưa được một năm, cu cậu lao đầu vào các trò chơi game, rồi bị thần kinh, chạy chữa khắp nơi mà có khỏi đâu. Bây giờ điên hẳn rồi. Tội nghiệp, bạn bè đến chơi, nhận không ra, chỉ ngửa mặt lên trời mà cười thôi. Ông Ngát lắng nghe ông Tạo nói không để rơi rớt một từ nào, tỏ ra thán phục lắm: - Bác quả là người thông thái nhất của xã mình. Thảo nào mà con bác đứa nào cũng học giỏi và thành đạt cả. Thế, bác tư vấn cho em xem nên cho con Nga nhà em nó học ngành nào hở bác? - Thế, con Nga nhà bác nó thi khối gì? Được bao nhiêu điểm? Ông Ngát có vẻ xấu hổ, đầu hơi cúi xuống, hạ thấp giọng: - Nó thi khối C. Môn Văn – Sử - Địa. Nguyện vọng 1 của nó là muốn vào trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, làm cô giáo dạy Văn trong tương lai đấy chứ, nhưng điểm kém quá. Cả ba môn chỉ được có bảy điểm rưỡi thôi. - Thế, nó có giấy báo nguyện vọng 2 chưa? - Nguyện vọng 2 của nó là muốn vào Trường Nghệ thuật sân khấu. Nó mê ca hát, nhảy múa lắm. Nhưng chờ mãi cũng chẳng thấy họ tuyển. - Vậy thì đến giờ phút này nó đã được giấy báo những trường nào rồi? - Có Trường Sư phạm tỉnh nhà, ngành mẫu giáo gọi sớm nhất. Nhưng nó chỉ thích lên Thành phố Hồ Chí Minh thôi. Trên thành phố thì Trường Trung cấp Văn thư lưu trữ cũng đã gửi giấy báo cháu trúng tuyển NGÀNH HÀNH CHÍNH VĂN THƯ LƯU TRỮ - HÀNH CHÍNH VĂN PHÒNG. Nhưng em còn băn khoăn không biết học ngành này thì mai mốt ra làm cái quái gì? - Tôi thấy ngành này phù hợp với cháu nó đấy chứ. Nó thi khối C thì học ngành này đúng rồi. Ngành này nếu học tốt cũng có nhiều cơ hội lập nghiệp. Ví dụ như phụ trách Văn phòng hoặc Phòng Hành chính của các cơ quan, doanh nghiệp; tham mưu, đề xuất với lãnh đạo cơ quan, doanh nghiệp về các biện pháp tổ chức, điều hành hoạt động của cơ quan và khu vực hoặc bộ phận văn phòng; trực tiếp phụ trách các công việc thuộc lĩnh vực hành chính, văn phòng …vân vân và vân vân… Được đấy bác ạ! Gần tháng nay, nỗi băn khoăn khoăn không biết nên cho con đi học trường nào làm ông Ngát mất ăn, mất ngủ. Nay nghe ông Tạo phân tích, ông hớn hở đưa cả hai bàn tay chai sần ra nắm lấy hai bờ vai gầy của ông Tạo lắc lắc, miệng cười toe toét để lộ hàm răng chiếc còn chiếc mất, đen thui vì khói thuốc lào. Những nếp nhăn hai bên mép khi ông cười tạo thành hình những dấu ngoặc đơn, trông ông già trước tuổi: - Nghe bác nói mà em nhẹ cả lòng. Em sẽ quyết định cho con Nga nó đi học Văn thư lưu trữ. Cảm ơn bác nhiều lắm! Bây giờ chỉ còn lo tiền gửi lên cho nó ăn học thôi. Ông Tạo cười vui vẻ: - Bác chỉ cần bớt uống rượu đi một chút là đủ tiền cho cháu học thôi mà! (Còn nữa) Nguyễn Phương Giao thừa năm Bính Thân 2016 |
|
└(≣) CÁI GIÁ PHẢI TRẢ cách đây 8 năm, 9 tháng #18018
|
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ Truyện dài Nguyễn Phương Phần Hai Nhưng Nga chưa học được một năm thì đã bị Ban giám hiệu Trường Trung cấp Văn thư lưu trữ đuổi học vì có quan hệ bất chính với một gã đàn ông đáng tuổi cha chú của mình. Chuyện không đến nỗi nàng phải bị đuổi học nếu như vợ của Trần Xái (tên gã đàn ông ấy) không đến tận trường tố cáo nàng đã dụ dỗ, mê hoặc chồng mụ, phá hoại hạnh phúc gia đình của mụ. Thực ra giữa nàng và Trần Xái chưa biết ai đã dụ dỗ ai. Nói một cô gái quê mùa còn chân ướt,chân ráo mới lên thành phố mà dụ dỗ một thương gia người Việt gốc Hoa lão luyện như Trần Xái thì khó có ai tin được. Nhưng nếu nàng không đua đòi se sua, không vì đồng tiền mà dễ dàng tự nguyện trao tấm thân hương đồng cỏ nội còn trinh nguyên cho Trần Xái thì đâu có cảnh thương tâm này. Sau khi đến tận trường dùng áp lực buộc Ban giám hiệu phải đuổi học Nga, ngay chiều hôm đó, vợ Trần Xái mướn hai tên côn đồ chuyên đi đánh thuê, có lẽ thấy lực lượng chưa đủ hùng hậu, mụ kéo thêm hai cô em gái của mình nữa, tiến thẳng tới “tổ ấm” của chồng mụ với người tình của gã trong một con hẻm trên đường Lê Đức Thọ thuộc Phường 17, Quận Gò Vấp. Thế là, ngay trong căn nhà này, trước mặt Trần Xái, đã diễn ra một cách hết sức tàn nhẫn, dã man một trận mưa đòn ngứa ghẻ hờn ghen trút xuống tấm thân một người con gái còn non nớt, khi chưa kịp bước vào ngưỡng cửa cuộc đời. Gã đã quá bất ngờ trước sự xuất hiện của mụ vợ. Gã không nghĩ rằng từ Quận 5 mụ có thể mò lên tận đây để đánh ghen. Cách đây vài tháng, trong một lần gã một mình lái chiếc ô tô bảy chỗ sang quận Gò Vấp để thu tiền vật liệu xây dựng, thì thật bất ngờ, một chiếc xe vận tải cỡ nhỏ đi ngược chiều mất lái đâm thẳng về phía gã, buộc gã phải đánh lái mạnh qua lề phải. Cú tránh bất ngờ đó đã cứu thoát gã trong gang tấc nhưng gã đã va vào một cô sinh viên đang đi xe đạp bên vệ đường. Gã hoảng hốt cho dừng xe lại, mở cửa bước xuống, ngoái đầu nhìn chiếc xe vận tải điên kia vẫn chạy như đi ăn cướp, chửi bâng quơ mấy câu, rồi vội chạy đến đỡ cô gái đứng dậy. Cũng may mà lúc đó đường vắng, gã cũng đã thắng kịp thời nên cú va cũng nhẹ, cô gái chỉ bị trầy xước sơ ngoài da. Nhưng chiếc xe đạp cũ của cô gái thì đã bị cong vành, không còn đi được nữa. Gã dìu cô gái lên vỉa hè, cầm cả hai cánh tay của cô gái đưa lên xoay tới, xoay lui rồi phát hiện khuỷu tay trái của cô gái bị trầy, có rơm rớm máu ở đó, gã vừa xoa vừa thổi phù phù vào chỗ bị trầy như kiểu người ta xoa dịu vết thương cho em bé khi nó bị thương vậy: - Em có sao không? Có cần đưa đi bệnh viện không? - Dạ, cháu không sao. Nhưng xe của cháu hư rồi làm sao mà đến trường được. Thấy cô gái xưng là “cháu” lại nói giọng nũng nịu rất là dễ thương làm gã hơi ngẩn người ra một chút. Lúc này gã mới thực sự bình tĩnh trở lại. Gã nhận ra trước mắt mình là một cô gái mười tám đôi mươi tuyệt đẹp, cái đẹp của sự hồn hậu, chân quê như hút hồn gã. Đã qua tay gã không biết bao nhiêu là những cô gái trẻ đẹp nhưng chưa lần nào trong lòng gã lại có một cảm giác xao xuyến, rạo rực như lần này. Gã chợt nghĩ vu vơ: nếu cô gái này có bắt đền mình bao nhiêu đi chăng nữa thì mình cũng sẽ đáp ứng, miễn sao mình được ôm cô ấy vào lòng, hôn lên chiếc môi mọng như đang mời gọi kia một lần thôi cũng được. Tiếng một chiếc xe buýt bóp còi toe toe inh ỏi khi vừa tránh chiếc xe đạp còn đang nằm chỏng quèo bên vệ đường làm gã giật mình. Và mặc dù không muốn, nhưng gã vẫn cố gắng đổi cách xưng hô cho phù hợp với cô gái: - Cháu học trường nào? Có cách xa đây không? Cô gái run run, lễ phép: - Dạ, cháu học Trường Trung cấp Văn thư lưu trữ ạ. - A, vậy thì từ đây đến đó chỉ còn có hơn ba cây số nữa thôi. Lên xe, chú chở đi. Còn chiếc xe đạp này để chú giải quyết cho. Nói xong, gã xăng xái bước ra phía sau chiếc xe ô tô của gã, mở cốp xe lên lấy dụng cụ tháo hai bánh của chiếc xe đạp ra rồi vừa vứt cả hai bánh xe lẫn sườn xe vào trong cốp vừa nói: - Chú mua đứt chiếc xe này của cháu được không? - Nhưng ngày mai làm sao mà cháu đi học? Từ nhà trọ cháu ở đến trường gần năm cây số lận đó chú ơi! - Cháu cứ yên tâm, ngày nào chú cũng đi làm trên đường này. Chú sẽ đưa đón cháu đi học, cho đến khi cháu mua được xe mới. Đồng ý chứ! Cô gái ngần ngại: - Chú tốt với cháu quá! Mà chú tên gì vậy? Gã vui vẻ trả lời hơn cả yêu cầu của cô gái: - Chú tên Trần Xái, nhà ở quận 5. Chú buôn bán vật liệu xây dựng. Ở Gò Vấp, chú có rất nhiều đại lý cho nên ngày nào chú cũng đi sang đây hết. Còn cháu tên gì? Quê ở đâu mà lên đây mướn nhà trọ đi học vậy? - Dạ, cháu tên Nga. Quê cháu ở Long An. Thế là chỉ trên một đoạn đường hơn ba cây số ngắn ngủi ấy, và mặc dù Trần Xái đã cố ý cho xe lăn bánh rất chậm, cuộc trò chuyện cũng chỉ diễn ra chưa đầy mười phút thôi, mà dường như cả hai đều đã tìm thấy một điều gì đó có thể bù đắp được cho nhau. Nga thì có một cảm giác ấm áp khi được ngồi bên người đàn ông lịch lãm và sang trọng; còn Trần Xái thì lại xao xuyến bởi nét đẹp hồn nhiên đến mức thánh thiện của một cô gái chân quê. Làm gì có tiếng sét ái tình lãng mạng đến như vậy? Thực tế thì họ bất chấp dư luận đến với nhau chỉ vì Nga thì tham tiền, còn Trần Xái thì ham gái. Thế thôi. Điều này thì chắc đúng hơn vì rõ ràng là khi vừa đến cổng trường, trước khi mở cửa xe cho Nga xuống, Trần Xái đưa cho nàng hai triệu đồng rồi bảo: - Em cầm số tiền này mua thuốc thoa chỗ đau còn dư thì mua đồ ăn mà tẩm bổ. Anh sẽ đền cho em chiếc xe mới để em đi học. Yên tâm em nhé! Tiếng “em” mà Trần Xái nói ra lúc này Nga thấy nó ngọt ngào và ân cần làm sao! Nàng đón nhận tiếng “em” đó cũng sung sướng ngang bằng với đón nhận hai triệu đồng trên tay của gã: - Dạ, em cảm ơn anh! Anh cho em nhiều quá, em biết lấy gì trả nợ cho anh đây. Trần Xái nghe nàng gọi mình là “anh” thì mừng quýnh. Được dịp, gã tán tỉnh một cách lộ liễu: - Em không cần phải trả nợ cho anh đâu. Chỉ cần cho anh được đưa rước em suốt cả cuộc đời này là được. Nga đỏ mặt quay đi rồi bước xuống xe đi thẳng vào trường. Trần Xái nhìn theo cặp mông tròn lẵn đang uyển chuyển theo từng bước chân của Nga mỉm cười thầm nghĩ: Tai nạn bất ngờ này thế mà lại hay. Họ quen nhau tình cờ và chớp nhoáng như thế đó. Kể từ khi chiếm đoạt được Nga, Trần Xái đã yêu chiều chăm sóc nàng như một bà hoàng, nàng thích gì là gã đáp ứng ngay. Nàng mặc sức mà se sua với bạn bè. Nào là điện thoại di động đời mới; quần áo, giầy dép thời trang; đồng hồ, bóp đầm… thôi đủ cả, toàn là những thứ hàng xịn. Nàng không ngờ bỗng dưng mình lại có một cuộc sống sung sướng đến như vậy. Rồi nàng lao vào những cuộc hoan lạc cùng Trần Xái chẳng lo học hành gì cả. Bạn bè thân có đứa biết chuyện khuyên ngăn thì nàng chỉ bỉu môi: - Mày có học cho lắm rồi thì cũng chẳng sung sướng gì được hơn tao đâu mà dạy đời. Thấy nàng phản ứng gay gắt, bạn bè dần cũng xa lánh, không còn ai quan tâm tới nàng nữa. Còn Trần Xái thì cứ mỗi lần muốn gặp nàng là phải hẹn hò đến quán bar, đi khách sạn, hoặc có khi cao hứng thì ra Vũng Tàu. Điều này làm cho gã thấy bất tiện vì vừa mất thời gian mà lại vừa tốn kém. Nghĩ vậy, gã quyết định đi tìm một thế giới riêng để gã có thể gặp nàng bất cứ lúc nào mà gã muốn. Trong khi đang vất vả đi tìm “tổ ấm” cho mình với tình nhân thì tình cờ gã gặp được một người bạn đang cần cho thuê một căn nhà. Gã đến xem và rất ưng ý vì căn nhà này vừa kín đáo, vừa gần trường cho Nga đi học lại vừa rẻ tiền nữa. Bạn gã nói: - Không giấu gì mày, căn nhà này là tao lấy của thằng A Sủng để trừ nợ. Cách đây một năm, nó bảo với tao là muốn mở công ty tư vấn xây dựng nhưng còn thiếu vốn, muốn mời tao hùn hạp làm ăn. Thấy nó cũng trình độ kỹ sư lại nghĩ tình bạn bè tao đưa cho nó một tỷ. Không ngờ, chỉ sau một thời gian ngắn, chẳng hiểu vì lý do gì nó tuyên bố giải thể công ty rồi giao cho tao căn nhà này coi như trừ nợ. Sau này tao mới biết chỉ vì ham mê cờ bạc mà nó đã tán gia bại sản. Vậy là bất đắc dĩ tao phải lấy căn nhà này chứ tao đâu có nhu cầu để ở. Tao tìm người cho thuê chủ yếu là để giữ nhà dùm tao thôi. Chỗ quen biết, mỗi tháng mày chỉ cần đưa cho tao hai triệu, còn tiền điện nước mày tự trả lấy, xài bao nhiêu tính bấy nhiêu. Nếu mày có tiền đưa cho tao một tỷ thì tao để luôn cho mày căn nhà này đấy. Trần Xái tỏ vẻ xuề xòa: - Mày cứ yên tâm. Tao sẽ đưa tiền thuê nhà trước cho mày một năm luôn. Nếu tao thấy ở với con bé này được, tao sẽ mua đứt căn nhà này. Chuyện tiền bạc đối với tao không thành vấn đề, nhưng với một điều kiện là mày phải giữ bí mật cho tao đấy nhé. Mày mà hé răng ra, để cho con mụ vợ tao nó biết là tao giết mày đấy. Bạn gã cười: - Đàn ông với cả nhau mà. Chuyện đó mà mày còn phải dặn. Nhưng cây kim trong bọc lâu ngày còn bị lộ ra, chứ huống hồ chi chuyện tày đình như vậy. Mụ vợ thấy gã đi về thất thường, lại không còn mặn mà với mụ như xưa nữa. Thế là mụ nghi ngờ. Mụ thuê thám tử tư theo dõi rồi cuối cùng thì cũng lần ra được dấu vết. Thấy vợ cùng với hai tên côn đồ gương mặt đằng đằng sát khí và hai cô em vợ dữ như bà chằn bất ngờ xông thẳng vào nhà, Trần Xái tái mặt bước ra định chặn lại thì lập tức bị hai tên côn đồ này khống chế, bẻ tay khóa ra phía sau. - Mấy chú cứ giữ chặt thằng cha này lại để tui xử nó sau. Bây giờ để tui xử con đĩ này trước. Nói rồi, mụ vợ Trần Xái xồng xộc đi thẳng ra phía sau, rồi dừng lại trước cửa phòng ngủ, cố tỏ ra vẻ bình tĩnh, bắt chéo chân đứng ngay trước cửa, một tay chống nạnh, một tay gõ cửa nhè nhẹ, giọng nhỏ nhưng cay nghiệt: - Con đĩ à! Con đĩ ơi! Mày có mở cửa cho bà vô không hay để bà cho người phá cửa hả? Biết không thể trốn mãi ở trong phòng được, Nga run run đưa tay lên kéo chốt cánh cửa phòng. Vợ Trần Xái lập tức xông vào: - Mày cũng ngoan đấy chứ. Ra đây bà biểu! Vừa nói mụ vừa túm tóc Nga ghì xuống, lôi sền sệt ra ngoài phòng khách, ở đó Trần Xái đang bị hai tên côn đồ cầm dao dí ở góc tường. - Nè ông Xái, ông nhìn kỹ đi, rồi chút nữa ông hốt xác con đĩ này về đem chôn nghen! Nhìn gương mặt của vợ lúc này, Trần Xái biết là mụ có thể giết chết Nga thật, gã hốt hoảng quỳ xuống van xin: - Tui lạy bà, bà tha cho nó đi. Bà mà giết nó thì bà đi tù đó, bà biết không? Hành động của chồng làm mụ quá bất ngờ, mụ ngửa mặt lên trời, cười chua chát: - Ha…ha….ha…Từ nào tới giờ ông có quỳ xuống lạy tui bao giờ đâu mà bây giờ chỉ vì con đĩ này mà ông lạy tui hả? Trời ơi là trời! Hèn hạ chưa nè trời! Lập tức, mụ quay sang phía Nga trong lúc hai tay vẫn túm chặt lấy mái tóc ghì đầu nàng xuống trong tư thế cúi mặt xuống đất, rồi bất ngờ mụ trút hết cơn điên cuồng vào một cú đá thốc từ dưới lên vào giữa mặt Nga làm nàng té bật ngửa ra phía sau. Trong khi Nga chưa kịp hoàn hồn vì vừa lãnh đủ một cú đá như trời giáng thì mụ lại ra lệnh cho hai cô em gái: - Hai đứa mày còn chần chờ gì nữa mà không vào đánh chết con đĩ này cho tao! Thế là sáu cánh tay và sáu cẳng chân cứ đấm, đá, thụi, bịch liên tục tạo thành một trận mưa đòn trên khắp thân thể Nga không chừa một chỗ nào kể cả vùng kín của người phụ nữ. Lạ một điều là nàng không kêu la, không rên rỉ, chỉ có nước mắt tự nhiên cứ trào ra thôi. Có lẽ sự nhục nhã ê chề đã làm cho nàng không còn biết đau nữa. Khi thấy Nga không van xin cũng không chống cự và những trận đòn dường như cũng không làm cho nàng đau đớn, điều này càng khiến cho vợ Trần Xái tức tối hơn nữa. Cho nên, mặc dù lúc bấy giờ mặt Nga đã bầm tím, sưng húp, đầu tóc rũ rượi, máu mồm, máu mũi chảy ra đỏ cả nền nhà, mụ vẫn tiếp tục sai hai cô em gái lột hết quần áo của nàng ra rồi khiêng nàng quẳng ra giữa sân trong khi nàng đã không còn một mảnh vải che thân. Những người hiếu kỳ trong con hẻm lúc nãy khi thấy có nhóm người lạ hùng hổ xông vào trong nhà thì họ đã bu quanh ngoài hàng rào chỉ để tò mò xem những gì diễn ra ở bên trong thôi, chẳng ai có ý định can thiệp hoặc hô hoán lên hay gọi chính quyền đến giải cứu. Rồi ngay lúc này đây, khi họ đã được mục sở thị thì họ cũng chỉ xì xào bàn tán, chỉ trỏ vào cái thân thể lõa lồ đang nằm quằn quại vì đau đớn ở giữa sân nhà chứ họ cũng không hề có ý can thiệp. Họ sợ liên lụy hay bệnh vô cảm đã vô hình chung biến họ trở thành những người đồng lõa hết sức nhẫn tâm như vậy? Mãi đến khi bọn người kia âm thầm rút hết, kể cả Trần Xái cũng bị lôi đi như một tên tội phạm thì may quá, giữa một đám người vô cảm kia cũng có vài người phụ nữ qua đường tốt bụng dạt đám đông tiến vào sân bồng nàng vào trong nhà, mặc quần áo cho nàng rồi gọi xe đưa đi cấp cứu. Nga đã thoát chết trong một trận đòn thập tử nhất sinh ngày hôm ấy. Nhưng nàng lại nhận được một tin đối với nàng có lẽ còn khủng khiếp hơn cả cái chết. Khi Nga vừa tỉnh lại, bác sĩ vui vẻ đến bên nàng cầm tay lắc lắc: - Cũng may mà người ta đã đưa cô đi cấp cứu kịp thời chứ nếu không thì sẽ không cứu được đứa bé. Nga tròn mắt ngạc nhiên: - Đứa bé nào hả bác sĩ? - Cô không biết cô đã mang thai hơn ba tháng rồi à? Bác sĩ nói mà Nga nghe như sét đánh ở ngang tai. Nước mắt nàng giàn giụa, tim như thắt lại. Nàng còn quá trẻ, quá khờ khạo đến nỗi có thai mà không hề hay biết. Nàng đề nghị bỏ cái thai này đi nhưng bác sĩ nói đã quá trễ rồi, bây giờ phá đi sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Hơn nữa, nàng vừa mới trãi qua một cơn nguy kịch nên không thể phá thai được. Nàng tiếc rằng sao trận đòn khủng khiếp đó lại không mang đứa con trong bụng này đi luôn để bây giờ nàng biết phải tính làm sao đây? Rồi chợt một ý nghĩ bỗng lóe lên trong đầu làm nàng hy vọng dù đó chỉ là một hy vọng mong manh. Mình không thể phá cái thai này đi được, mình phải giữ nó lại vì nó chính là cứu cánh của mình, giữ nó để buộc ông ta phải quay trở lại với mình? Nghĩ vậy, nên sau khi xuất viện, nàng quyết định trở về căn nhà mà Trần Xái đã thuê cho nàng ở, ngây thơ chờ gã quay trở lại để báo một tin vui là gã đã có con với nàng. Nhưng nàng chờ mãi, chờ mãi mà chẳng thấy gã đâu. Số điện thoại của gã nàng cũng không còn liên lạc được nữa. Địa chỉ nhà gã ở đâu, nàng cũng chẳng biết, chỉ nghe gã bảo ở Quận 5 thôi. Tất cả đều vô vọng, gã đã quất ngựa truy phong. Rồi thời gian thuê căn nhà này cũng sắp hết. Số tiền mà Trần Xái cho để tiêu xài hàng tháng cũng đã sắp cạn. Bây giờ lại bị đuổi học rồi thì lấy lý do gì để gọi bố mẹ gửi tiền lên. Mà nếu hàng tháng bố mẹ ở quê nhà có gửi tiền lên thì số tiền ít ỏi ấy cũng chỉ đủ để nuôi sống lay lất bản thân nàng qua ngày thôi chứ làm sao mà đủ tiền thuê nhà, rồi sanh con, nuôi con sau này được. Nàng chỉ còn một cách duy nhất là quay trở về quê nhà xin bố mẹ tha thứ thôi. (Còn nữa) Rạch Giá,24.2.2016 Nguyễn Phương |
|
└(≣) CÁI GIÁ PHẢI TRẢ cách đây 8 năm, 9 tháng #18142
|
CÁI GIÁ PHẢI TRẢ
Truyện dài Nguyễn Phương Phần Ba Tân Tạo là một trong những địa phương của tỉnh Long An có khá nhiều người từ miền Bắc vào đây sinh sống. Những xóm ấp của người miền Bắc trong quá trình khai thác đất hoang hóa, di dân xây dựng nên vùng kinh tế mới ở Đồng Tháp Mười đều nằm nép mình vào giữa những cánh đồng lúa miên man thơ mộng giống như những ngôi làng ở miền Bắc xưa kia. Và mặc dù đã có sự giao thoa rất rõ rệt giữa nếp sống của nông dân miền Bắc cần cù, tiết kiệm với nông dân miền Tây Nam Bộ vô tư, phóng khoáng, nhưng hầu hết các thế hệ sinh ra và lớn lên ở miền Bắc như ông Ngát, ông Tạo, bà Nhuận….. đều vẫn giữ được giọng nói với những nền nếp phong tục tập quán y như những người nông dân ở Bắc Bộ. Đặc biệt, họ rất coi trọng nền nếp gia phong và danh dự của xóm làng. Thế nên, khi biết chuyện con gái bị đuổi học lại còn có chửa hoang, lão Ngát tưởng như trời sập. Lão vừa lồng lộn giậm hai chân bành bạch trên nền nhà như kiểu đứa con nít đòi ăn vạ, vừa tru tréo: - Giời ơi là Giời! Nga ơi là Nga! Mày giết tao đi, mày giết tao đi! Gần một năm nay, tao với mẹ mày thắt lưng buộc bụng không dám ăn, không dám mặc, có bao nhiêu tiền gửi hết lên cho mày, mong mày có một tương lai tốt đẹp hơn hai thằng anh của mày. Thế mà mày lại lo đua đòi, ăn chơi, rồi theo thằng nào để đến nỗi phải bụng mang dạ chửa như thế này. Nhục nhã chưa? Mày còn vác cái mặt mo của mày về đây làm gì nữa! Rồi hình như sợ hàng xóm nghe thấy, lão vội chạy ra đóng chặt cửa lại, cẩn thận ghé mắt nhìn qua cái lỗ khóa xem có kẻ nào tò mò tọc mạch đứng ở ngoài đó không. Khi không thấy ai cả, lão mới quay trở vào vớ ngay lấy cái chổi dựng ở góc nhà quất liên tục vào người Nga. Vừa đánh lão vừa trừng mắt, nghiến răng rít lên, nhưng lần này lão cố nén giọng lại cho hàng xóm không ai nghe thấy: - Mày bôi tro trát trấu vào mặt tao, mày làm nhục cả cái dòng họ này. Rồi đây tao còn mặt mũi nào mà bước ra ngoài đường nữa. Mày cút ra khỏi nhà tao ngay lập tức, rồi biến khỏi cái vùng này. Mày phải đi biệt xứ. Mày mà để ai biết mày có chửa hoang là tao giết mày đấy, mày có biết không? Nga vừa khóc vừa lạy lục van xin lão tha thứ: - Bố ơi, con lạy bố, con van bố! Xin bố hãy tha cho con! Con bị người ta lừa dối mà. Bây giờ bố đuổi con đi thì con biết đi đâu đây. - Mày đi đâu thì mặc kệ mày. Nhà này không có chứa con gái hư. Mày có chết bờ, chết bụi ở đâu thì cũng mặc xác mày. Tao không cần biết. Lão gạt phắt những lời van xin thảm thiết của đứa con gái tội nghiệp, lão lại càng quất mạnh hơn nữa. Những cán chổi cứ rơi mỗi lúc lại càng nhanh, càng mạnh trên khắp thân thể Nga làm nàng đau đớn, quằn quại, cắn răng mà nước mắt giàn giụa không nói được câu nào nữa. Bà Ngát lúc đầu cũng giận con lắm, cũng muốn trừng phạt con, nhưng đến lúc này thì bà không nỡ nhìn con chịu trận đòn tàn nhẫn của lão như vậy. Bà vội chạy lại bên lão giật lấy cây chổi trên tay lão, rồi dịu giọng: - Được rồi, ông đánh nó như vậy đủ rồi. Thì cũng tại hoàn cảnh đẩy đưa thôi mà. Con dại thì cái phải mang. Bây giờ ông có đánh nó thì cũng chẳng thay đổi được gì đâu. Lão trừng mắt, giằng lại cây chổi, rồi nói liều: - Bà nói hoàn cảnh nào đẩy đưa hả? Có mà nó đưa cho người đẩy thì có. Nó là đứa con gái hư, bà biết chửa? Bà tránh sang một bên, nếu không tôi quất luôn bà bây giờ đó. Đúng là con hư tại mẹ mà. Thấy lão lại giở thói nghiện rượu nói năng lung tung không suy nghĩ trước sau gì cả, Bà Ngát xấn tới đưa cái mặt sát ngay trước mặt lão, mồm bạnh ra thách thức: - Ông có đánh tôi thì cứ đánh đi này. Tôi không sợ ông đâu. Đừng có mà giận quá hóa cuồng rồi ăn nói bậy bạ, xem thường phụ nữ chúng tôi. Rồi tôi bảo con Nga nó đi ngay cho ông vừa lòng. - Bà cứ bảo nó đi ngay đi. Đi cho khuất mắt tôi. Đừng bao giờ bước về cái nhà này nữa. Trên đời này coi như tôi không có nó. Nó mà giở về là tôi giết nó ngay, lúc đó bà đừng có trách sao tôi độc ác. Tôi nói là tôi làm đó. Đến lúc này thì Nga chẳng còn tha thiết gì để van xin bố được ở lại cái nhà này nữa. Nàng hiểu ra rằng bố sẵn sàng hy sinh đứa con gái của mình một cách không thương tiếc chỉ nhằm để bưng bít cho bằng được cái nỗi nhục nhã mà nàng đã gây ra thôi. Nàng mỉm cười chua chát khi nhớ lại câu nói của bố: “Mày bôi tro trát trấu vào mặt tao, mày làm nhục cả cái dòng họ này. Rồi đây tao còn mặt mũi nào mà bước ra ngoài đường nữa…”. Thì ra bố chỉ sợ người ta chê cười bố thôi, bố đâu có nghĩ tới rồi đây con sẽ ra sao khi phải một mình chống chọi với phong ba bão táp của cuộc đời. Vâng, con đã sai, con đã “đưa cho người ta đẩy” như một con đĩ đúng như bố nói. Nhưng con đã phải trả một cái giá quá đắt cho sự sai lầm đó rồi, bố có biết không? Bố đã không dám đối diện với sự thật để cứu vớt cuộc đời của đứa con tội lỗi này thì con xin ra đi vậy. Biết là nói ra chỉ như đổ thêm dầu vào lửa nên nàng chỉ nghĩ thầm như vậy rồi lặng lẽ ra đi. Nhưng nàng không lên Sài Gòn, nơi đó giờ đây đối với nàng không còn là thiên đường nữa. Nàng lên Thị xã Tân An. Ở đó, hồi luyện thi đại học, nàng có quen một người bạn tên Thanh. Mẹ Thanh là chủ quán cà phê sân vườn Hoa Phượng khá nổi tiếng ở Thị Xã. Nàng muốn gặp Thanh để nhờ bạn xin cho mình được giúp việc ở quán cà phê này. Khi nàng đến quán cà phê Hoa Phượng thì được biết Thanh đã đi học Đại học ở Sài Gòn. Nhưng thật may, mẹ Thanh còn nhận ra Nga nên bà vui vẻ nhận nàng vào phục vụ trong quán cà phê sau khi đã nghe nàng kể rõ sự tình. - Tội nghiệp. Có một thân, một mình thì con cứ ở đây phụ với mấy đứa nhỏ bưng cà phê cho khách dùm bác rồi ăn cơm với gia đình bác luôn. Mỗi tháng bác trả cho con hai triệu đồng, nhưng con phải ra ở nhà trọ, bởi vì nhà bác không có phòng dư. Để bác gởi con qua trọ bên dì Ba ở xóm Củi cho gần. Dì ấy vừa là chủ nhà trọ, vừa là trưởng khu phố. Bả tốt bụng lắm, ai có khó khăn gì bả cũng giúp. Con cứ yên tâm. Dì Ba tốt bụng thật. Không có dì ấy thì Nga không thể nào một mình mà vượt cạn được. Lúc nàng sắp sanh, dì có khuyên nàng nên trở về quê nhờ bố mẹ giúp đỡ, nhưng nàng nhất quyết không về và nàng cũng nhất quyết không cho bố mẹ biết chỗ ở của nàng. Nàng đã ra đi trong buồn tủi vì chính bố đã xem nàng như một con đĩ. Nàng muốn cắt đứt liên lạc với gia đình luôn. Phục vụ trong quán cà phê Hoa Phượng của mẹ Thanh được khoảng hơn năm tháng thì nàng sanh. Nàng nhớ mãi ngày hôm ấy. Đó là một đêm mùa hè trời mưa tầm tã, dì Ba tất bật gọi xe đưa nàng đi bệnh viện khi nàng chuyển dạ bất ngờ. Bác sĩ chẩn đoán đây là một ca sanh khó nên dì Ba phải thức suốt đêm để dỗ dành nàng. Nàng vật vã, đau đớn, rên la cho mãi đến gần sáng đứa bé mới chịu ra đời. Đó là một đứa bé trai kháu khỉnh. Dì Ba cười thật tươi khi thấy Nga đã vượt cạn an toàn, bà lấy khăn lau những giọt mồ hôi còn lấm tấm trên trán của nàng rồi ân cần nói với nàng như nói với con ruột của mình vậy: - Trời phật phù hộ độ cho con tôi. Vậy là ổn rồi. Thôi, dì Ba về chuẩn bị thêm một vài thứ đem vô cho con nghen! Xem chừng Nga vẫn còn mệt lắm nên nàng chỉ khẽ gật đầu rồi hé đôi môi khô khốc gượng cười để tỏ lòng biết ơn dì Ba chứ không nói được câu nào. Ngoài trời vẫn mưa rả rích. Tiếng những giọt mưa tí tách ngoài hiên làm nàng buồn rười rượi. Nàng chợt nghĩ đến thời cắp sách đến trường cùng bạn bè tung tăng trên con đường đi học, băng qua những cánh đồng lúa bát ngát của làng quê, chọc phá nhau cười vang động cả cánh đồng. Sao mà nó vô tư, hồn nhiên, trong sáng và thơ mộng quá! Nàng đang miên man trong hạnh phúc ngọt ngào của thời hoa mộng ấy thì tiếng khóc oe oe của thằng bé buộc nàng quay trở về với thực tại. Nàng cúi xuống ôm nó vào lòng, hờ hững vạch vú cho nó bú. Mới đó mà từ một thiếu nữ nàng đã trở thành một người đàn bà. Đúng hơn là một người mẹ. Nàng đã làm mẹ khi mới vừa tròn mười chín tuổi, cái tuổi đầy khát khao và mơ mộng, cái tuổi đẹp nhất của đời người. Bỗng một bài hát quen thuộc phát ra từ cái loa trên cột điện ở ngoài đường của Đài truyền thanh Thị xã “… Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn….” vọng vào khi trời còn tờ mờ sáng làm nàng cảm thấy xót xa cho thân phận của mình. Người ta đi lấy chồng sớm lời ru đã buồn da diết như vậy rồi, mình có lấy chồng đâu, lời ru chắc còn chua xót, thảm thiết hơn. Rồi nàng đưa mắt nhìn khắp lượt xem có ai có hoàn cảnh giống mình không để mà tự an ủi. Nhưng tuyệt nhiên không. Giường nào cũng có những người thân quấn quít bên đứa trẻ sơ sinh. Có người còn mang cả hoa vào tặng vợ nữa. Họ âu yếm hôn nhau, chúc mừng thiên thần của họ ra đời. Nàng nhìn thằng bé đang nằm thiu thiu trên tay mình mà tủi thân. Nàng cảm thấy tim mình như thắt lại khi nghĩ đến tương lai của đứa bé cũng như tương lai của chính mình. Nàng hận gã Trần Xái đã lừa dối nàng; nàng hận Ban Giám Hiệu trường Trung cấp Văn thư lưu trữ đã quá khắt khe mà đuổi học nàng; nàng hận luôn cả bố đã không dung thứ cho nàng lại còn làm tổn thương nàng. Nàng hận tất cả. Rồi nàng gọi nó là thằng Hận. Khi thằng Hận ra đời thì cũng là lúc mà Nga bắt đầu phải chống chọi với phong ba bão táp của cuộc đời. Đơn thân nuôi con lại không nghề nghiệp ổn định, không bà con thân thích, không cha mẹ kề bên thì làm gì mà không gặp những khó khăn, bế tắc. Thằng Hận lớn lên trong hoàn cảnh không cha lại thiếu tình thương của mẹ. Nói nàng không thương con thì cũng chưa hẵn. Nhưng nàng phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày thì thời gian đâu mà nàng chăm sóc cho con chu đáo được. Hai triệu đồng mỗi tháng kiếm được từ việc phục vụ trong quán cà phê Hoa Phượng nàng phải tiết kiệm lắm thì mới tạm đủ cho cuộc sống hàng ngày của hai mẹ con. Nhưng số phận vẫn không mỉm cười với nàng. Năm thằng Hận lên ba tuổi, nó bệnh một trận thập tử nhất sinh. Bác sĩ chẩn đoán nó bị viêm túi mật cần phải phẫu thuật gấp. Khi nghe bác sĩ báo ca phẫu thuật này phải tốn tới mười lăm triệu đồng, nàng toát mồ hôi hột, vì đây là số tiền quá lớn đối với nàng. Nàng không biết chạy đâu ra số tiền này để cứu thằng Hận. Nàng đắn đo suy nghĩ: hay là mình lên nhà trên cầu cứu dì Ba. Nhưng mà không được, dì ấy đã giúp đỡ mình quá nhiều rồi, mình không nên làm phiền dì ấy nữa. Vả lại, tiền nhà trọ mình vẫn còn đang thiếu dì ấy thì mặt mũi nào mà lên mượn nữa. Mà nếu dì ấy có thương tình mà cho mình mượn tiền đi chăng nữa nhưng với thu nhập của mình như hiện nay, thì biết đến bao giờ mình mới trả cho dì ấy được. Thật là trăm mối tơ vò. Rồi nàng chợt nghĩ đến Thoa, Ngọc và Hường ở phòng trọ kế bên. Ba cô gái này hành nghề bán bia ôm đã nhiều lần rủ nàng đi làm nhưng nàng đã cương quyết từ chối vì chỉ nghĩ tới chuyện hàng ngày phải để cho những gã đàn ông xa lạ hôn hít rồi sờ soạng vào những chỗ nhậy cảm của mình là cũng đủ làm nàng ngượng chín người. Nàng đã bị gã ba tàu Trần Xái dùng những động tác lão luyện đưa vào cõi thiên thai khiến lý trí của nàng phải chịu khuất phục bởi dục vọng để rồi nàng phải ôm hận suốt cả cuộc đời. Cho nên, nàng đã tự dặn lòng mình là sẽ cố gắng giữ mình, không bao giờ mắc một sai lầm nào nữa. Nhưng bây giờ, trước hoàn cảnh bức bách này, nàng đành liều nhắm mắt đưa chân thôi. Khi nghe Nga kể rõ sự tình và được biết nàng đang cần một số tiền lớn để cứu thằng Hận, Ngọc và Hường tỏ ra ái ngại, thương cảm cho hoàn cảnh của nàng. Nhưng Thoa thì khác, cô này lại vui vẻ cười khanh khách, vừa nói vừa nựng vào má nàng: - Dữ hông. Bây giờ đường cùng rồi người đẹp mới chịu qua nhờ mấy chị. Nè, ngồi xuống đây, chị chỉ cho cách kiếm tiền. Dễ ợt à. Nga ngại ngùng ngồi xuống chiếc giường ọp ẹp, lơ đãng nhìn những sợi dây treo đầy đồ lót phụ nữ cùng với những bộ quần áo nhăn nhúm, chắc là vừa mới đi tiếp khách về tối hôm qua chưa kịp giặt vẫn còn bốc lên một mùi tổng hợp của nhiều thứ nước hoa rẻ tiền. Thoa khẽ ngồi sát bên nàng một tay quàng qua vai, một tay nắm lấy bàn tay nàng rồi bắt đầu trình bày một cách hết sức nghiêm túc: - Chị sẽ giới thiệu em cho một người tên Hùng, anh này có thể tạm ứng cho em một lúc mười lăm triệu đồng, nhưng với một điều kiện là em phải đi phục vụ trong các quán nhậu hay karaoke dưới sự dẫn dắt của ảnh. Tiền boa của khách cho em trong ngày em phải nộp trước cho ảnh, rồi em sẽ được chia lại một nửa vào sáng hôm sau. Em nên nhớ là tuyệt đối không được giấu tiền vì nếu bị phát hiện thì em sẽ không được tiếp khách trong vòng mười ngày và phải nộp phạt một triệu đồng nữa. Đó là quy định của chủ. Em cứ đi làm rồi để dành tiền, chừng nào trả đủ số nợ thì em sẽ là người tự do, tha hồ mà đi tiếp viên kiếm tiền riêng, lúc đó thì không còn ai quản lý mình nữa. Nga tỏ ra lo lắng: - Nhưng nếu mình không kiếm được đủ tiền trả cho chủ thì mình phải chịu sự chăn dắt của họ hoài như vậy hả chị? - Thì đương nhiên rồi. Em cũng đừng bao giờ mà có ý định bỏ trốn nghen! Vì ngoài việc giữ giấy chứng minh nhân dân của mình và tự chở mình từ nhà trọ đến quán nhậu cũng như tự rước mình về khi khách đã nhậu xong, những ông chủ này còn cho người theo dõi mình rất chặt. Mình đi đâu, làm gì tụi nó biết hết. Nếu vi phạm hợp đồng, tụi nó sẽ trừng trị mình thẳng tay đó. Chị có đứa em bà con làm mấy năm trả không xong nợ bỏ trốn về tuốt dưới Rạch Giá. Vậy mà nó còn cho người xuống tận dưới đó lôi lên đây quýnh cho một trận, rồi bắt đi tiếp khách hằng đêm để trả tiền cho nó đó. Thấy Nga có vẻ sợ hãi, tay run run trong lòng bàn tay của Thoa, môi mấp máy định hỏi thêm điều gì nữa, Hường liền trấn an: - Nhưng mà em cứ yên tâm đi, nếu em muốn có nhiều tiền để trả nợ sớm, thì em có thể đi khách sạn với giá từ ba trăm đến năm trăm ngàn đồng một lượt. Mấy chị hồi trước cũng chịu sự chăn dắt. Bây giờ trả hết nợ rồi, tụi chị đi làm ăn riêng nè. Thấy Nga vẫn con băn khoăn, Ngọc động viên thêm bằng những lời lẽ hết sức ngọt ngào: - Nếu cưng chịu đi khách sạn thì chị tin chắc rằng chỉ vài tháng thôi là cưng sẽ trả hết nợ. Cưng đẹp như vậy chắc chắn sẽ gặp nhiều đại gia. Khi đó thì vô mánh luôn. Chị không tin là cưng sẽ không trả được nợ. Chị chỉ tiếc là bọn chủ sẽ ăn của cưng hết một nửa thu nhập thì uổng quá. Nói đến đại gia tự nhiên nàng lại nhớ tới Trần Xái. Từ một cô bé học trò mới tốt nghiệp trung học phổ thông ngây thơ, hồn nhiên, Trần Xái đã dạy cho nàng biết cách làm tình. Cho nên, mặc dù giờ đây Nga rất căm thù Trần Xái nhưng từ trong sâu thẳm của tâm hồn, nàng vẫn không giấu được những khát khao của dục vọng khi nghĩ tới những cuộc ái ân liên tục, điên cuồng cùng gã. Điều đó dường như đã hỗ trợ thêm cho những lời lẽ thuyết phục của ba cô gái bia ôm kia khiến nàng đã mạnh dạn đi đến quyết định một cách dứt khoát mà không còn băn khoăn lo lắng gì thêm nữa. - Thôi, trăm sự nhờ mấy chị sắp xếp cho em vậy. Em cảm ơn mấy chị nhiều lắm! Thoa lại cười khanh khách: - Có gì đâu mà cám ơn. Nếu mọi chuyện êm xuôi, em đừng quên mấy chị là được rồi. - Dạ! Em biết cư xử mà, mấy chị cứ yên tâm đi. (Còn nữa) Rạch Giá,10.3.2016 Nguyễn Phương |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.13 giây