Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
QUÊ TÔI cách đây 7 năm, 9 tháng #19831
|
Phần I:QUÊ TÔI Có rất nhiều người sau năm 1975, vì thời cuộc đã từ nơi khác trôi dạt về miền quê Cái Sắn. Nơi đây đất rất mến chân người, dù chỉ dừng chân một vài năm, trải qua một vài mùa lũ lụt thôi đã không thể gột bỏ hết đất miền quê này ra khỏi ký ức, nó đã là một phần trong cuộc đời, là mối tình đầu không thể nào quên. Thế nhưng, quãng thời gian ngắn ngủi ấy không đủ cho họ trải nghiệm hết về miền đất thân yêu này, nên mỗi khi có người nhắc đến một địa danh nào đó họ nghe như vừa quen quen, lại vừa thấy là lạ. Tôi là một trong những người ấy, sau hơn 30 năm rời xa miền đất này, mỗi lần có dịp về thăm lại quê xưa tôi lại phát hiện ra những điều mới mẻ thú vị, nó hiện hữu trong đời, nhưng vì tất bật với cuộc sống mưu sinh mà giờ mới bất chợt nhận ra, mới cảm được. Với thời buổi công nghệ thông tin hiện đại bây giờ, muốn biết điều gì chỉ cần lên mạng hỏi ông “Gu Gồ” sẽ rõ, có lẽ đã rất nhiều vị tiền bối đã viết về miền quê Cái Sắn, họ là người trong cuộc, họ lại văn hay chữ tốt, họ có đủ tài liệu lịch sử để viết đúng, viết thật về vùng quê này. Riêng tôi, qua những suy tư này tôi muốn chia sẻ với những người bạn đồng cảnh ngộ những hiểu biết, những suy nghĩ của cá nhân mình, dưới con mắt nhìn của mình. Có thể đúng, có thể sai nhưng đó là cảm nhận riêng tư cá nhân. Nếu bạn giống như tôi, đã vài lần tắm nước giòng sông Cái Sắn, đã vài lần sau cơn mưa đầu mùa rủ nhau đi bắt cá rô lội ngược giòng, đôi lần soi ếch ban đêm… chỉ vài lần thôi, nhưng nếu ai hỏi bạn quê ở đâu? Không do dự, bạn trả lời ngay: Quê tôi miền Cái Sắn! Nếu thế, mời bạn cùng tôi làm một chuyến trở về thăm lại miền quê tuổi thơ của mình, nơi ấy gắn liền với bao kỷ niệm tuổi dậy thì, vùng đất làm nhân chứng cho những mối tình yêu đơn phương không bao giờ thổ lộ. Nơi ấy có mái trường xưa Tân Hiệp góp phần tạo nên nhân cách và trí thức bọn mình hôm nay. Bạn đã sẵn sàng chưa? Nào chúng ta chuẩn bị lên đường! ĐỨC ANH 78-81 25.2.17 |
|
└(≣) QUÊ TÔI cách đây 7 năm, 9 tháng #19835
|
Chào Đức Anh,
Lâu lắm rồi mới gặp lại Đức Anh trên trang web maitruongxuath.org. Thầy cô vui mừng và hạnh phúc lắm! Em đã đem lại luồng sinh khí mới cho thầy cô và các bạn.Lời văn chân chất, hấp dẫn lôi cuốn . Qua đây TC cũng biết thêm nhiều điều đối với TC như thấy còn thiếu để hiểu về đời sống các em, những học trò ngày xưa ở vùng quê Cái Sắn. Mong còn đọc nhiều nhiều hơn nữa. TC 25.2.17 |
|
MIỀN DINH ĐIỀN CÁI SẮN cách đây 7 năm, 9 tháng #19836
|
Phần 2: MIỀN DINH ĐIỀN CÁI SẮN
Nói đến Cái Sắn, những người bắc di cư có lẽ không ai là không biết, dù có người chưa một lần đặt chân tới. Vì nó là một trong những nơi định cư của người di cư năm 1954, địa danh đó cũng đi vào thành ngữ: Thứ nhất Hố Nai, thứ hai Cái Sắn. Dinh điền Cái Sắn không phải nhỏ gọn trong một ấp, một xã hay một huyện. Hiện nay nó là vùng đất nằm trên hai huyện thuộc hai tỉnh thành: Huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang và huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ; có chiều dài dọc theo quốc lộ 80 hơn 20Km từ kinh H đến kinh 5; chiều ngang, theo sông Cái Sắn cứ 2Km lại có một kinh đào mỗi bên dài khoảng 12Km. Trước năm 1954, đất đai thường tập trung trong tay một vài đại điền chủ, người nông dân thường đi làm thuê với tên gọi tá điền. Địa chủ có ruộng đất rất nhiều, và những vùng đất đó được đặt tên của ông chủ, như: đất của Ông Rivera (người Pháp), hay đất của ông Thầy Ký… Khi chính phủ Ngô Đình Diệm ban hành luật “Người cày có ruộng” đã quy định: mỗi người chỉ được phép có một số ruộng nhất định, ai dư buộc phải bán lại cho nhà nước theo giá quy định. Chính phủ bỏ tiền ra mua lại đất cấp cho nông dân. Ông ngoại tôi kể rằng: Khi đồng bào di cư từ bắc vào nam tập trung tại các trại tạm cư ở Sài Gòn, sau đó được thông báo: ai thích buôn bán thì về vùng Hố Nai, ai hay làm ruộng đưa nhau về miền Cái Sắn. Vậy là những người nông dân bắc bộ bồng bế nhau về miền đất mới, nơi đó theo các con kênh đào họ được chia cho các lô đất, mỗi lô có chiều ngang 30m, chiều dài tính từ giữa sông tới cuối ngàn là 1km, ai có sức làm bao nhiêu thì nhận bấy nhiêu. Vậy là những con kênh (kênh cũng còn được gọi là kinh) của người di cư được hình thành, các con kênh được đặt tên như sau: Lấy huyện lỵ Tân Hiệp bây giờ làm gốc, kênh đào bên kia sông Cái Sắn được đặt tên là kênh Zérô. Từ kênh Zérô về Rạch Giá cứ 2 Km lại có một kênh được đặt tên bằng các con số theo thứ tự: Kênh 1, kênh 2… và cuối cùng là kênh 5. Cũng như thế, từ kênh Zêrô về phía Long Xuyên có các kênh mang mẫu tự chữ cái theo vần Alpha Bêta là các kênh: kênh A, kênh B,C,D,E,F,G và cuối cùng là kênh H. Từ đường cái quan muốn vào các con kênh này phải qua đò ngang. Vì kênh dài 12 cây số nên đến cây số 6 người ta đào một con kênh ngang nối liền các kênh lại với nhau vừa có tác dụng lưu thông dòng chày, dẫn thủy nhập điền lại vừa thuận tiện giao thông đường thủy, con kênh này có tên gọi sông ngang hay là kênh đòn dông (như khi dựng nhà có cây đòn dông nối các bộ kèo với nhau). Mặc nhiên, kênh đòn dông chia các con kênh ra làm hai phần, tên gọi hai phần này cũng được quy định như sau: Các con kinh số, phía ngoài sông Cái Sắn là phần A; phía trong kinh đòn dông là phần B. Thí dụ: phía ngoài là Kinh 1A, kinh 2A…; phía trong là kinh 1B, kinh 2B… Các con kinh chữ, phía ngoài sông Cái Sắn là phần 1; phía trong kinh đòn dông là phần 2. Thí dụ: Phía ngoài là Kinh A1, kinh B1…; phía trong là kinh A2, kinh B2… Riêng kênh Zérô lại không theo quy định trên, Rõ ràng Zérô là số 0 (không) nhưng không theo quy định ghi Zérô A, Zérô B mà phía ngoài lại được ghi là O1, phía trong là O2 nên nhiều người hiểu lầm số 0 là chữ O. Giờ trở lại các con kênh trên lộ. Nếu đi từ kinh 5 trở về Tân Hiệp ta bắt gặp Kinh 7, Kinh 8. Qua kinh 8 mọi người chựng lại vài giây vì con kinh chúng ta gặp không ăn nhập gì đến câu chuyện chúng ta đang kể: kinh 6 Rọc-Bờ-Ke, có lẽ đây là kênh của người bản xứ. Tôi nghe kể người trong kinh này không bao giờ bán đất cho người bắc và người Công Giáo, nên kinh này có đặc điểm riêng biệt không nằm trong hệ thống các kinh của người di cư. Chúng ta tiếp tục đi về phía Tân Hiệp sẽ gặp các kinh 9, kinh 10 rồi tới Tân Hiệp. Từ Tân Hiệp về phía Long Xuyên chúng ta còn gặp 2 kinh có tên không theo cách đặt tên mà chúng ta đã biết, mỗi kinh cách nhau 3 cây số, đó là kinh Rivera và cuối cùng là kinh Thầy Ký. Ngoài kinh Thầy ký có chiều dài 3 cây số thuộc Cần Thơ, tất cả các kinh bên đường từ kinh 8 tới kinh Rivera thuộc huyện Tân Hiệp, có chiều dài 12 cây số và cũng có con sông đòn dông chia đôi giống các kinh bên sông. Người dân trong tất cả các con kênh kể trên có đặc điểm chung là người bắc di cư theo đạo Công Giáo, còn người dân địa phương thường ở dọc theo đường quốc lộ hoặc ở cuối các con kinh. Tuy nhiên, người dân ở mỗi con kinh lại mang một sắc thái rất riêng, họ có bản sắc, phong tục, tập quán riêng, vì khi di cư vào nam mỗi kinh tiếp nhận những nhóm người có chung nguồn gốc vùng miền ngoài bắc. Thí dụ: Kinh 3A là những người thuộc Giáo phận Lạng Sơn; Kinh 5A là người Bùi Chu, kinh B1 là người Vạn Đồn, Thái Bình; kinh D2 là người Hải Phòng… Năm tôi còn là bộ đội ở Campuchia, cứ mỗi đợt đưa quân qua, anh em lại ra tìm đồng hương. Câu đầu tiên thường là hỏi ở tỉnh nào? nếu đúng tỉnh sẽ hỏi tiếp huyện nào? rồi xã nào? cuối cùng là ấp nào? nếu gặp người cùng quê mà cùng xã đã là mừng lắm. Riêng dân Cái Sắn, khi gặp đồng hương chỉ hỏi mỗi câu: cậu ở kinh mấy? Kinh mấy? câu hỏi lạ lùng này giờ nghe quen thấy nó bình thường! Kinh mấy là hỏi về con số. Nếu người kinh 3, kinh 5, kinh 7 mà trả lời thì không có vấn đề gì, nhưng những người kinh chữ vẫn vô tư trả lời: kinh A, kinh B… Có lẽ đọc đến đây nhiều người thắc mắc: Ủa, sao còn một con kênh nữa ở ngay trung tâm huyện Tân Hiệp mà không thấy nhắc đến. Vâng, đúng như vậy. Những con kênh tôi vừa kể tuy có những khác biệt riêng nhưng đều có chung đặc điểm như mọi người đã biết. Còn một con kênh nữa không thể xếp chung với các kênh kia vì nó có những điều khác biệt rất thú vị mà không kênh nào có. Tôi muốn dành thời gian còn lại của chuyến tham quan này dẫn các bạn đến đó. Con kênh mà mọi người trong Mái Trường Xưa Tân Hiệp gọi là Kinh Đông Bình. Dừng lại đã! Trước khi vào kinh, chúng ta ghé chợ. Mời ngồi. Chúng ta ăn uống gì đã rồi tôi sẽ dẫn các bạn. À, mà không! Các bạn dẫn tôi mới đúng, vì đây là kinh của các bạn mà. Xin mời vào: Kinh Đông Bình – Con Kinh Không Tên Khai Sanh! ĐỨC ANH 26.2.17 |
|
└(≣) QUÊ TÔI cách đây 7 năm, 8 tháng #19848
|
Có rất nhiều người sau năm 1975, vì thời cuộc đã từ nơi khác trôi dạt về miền quê Cái Sắn. Nơi đây đất rất mến chân người, dù chỉ dừng chân một vài năm, trải qua một vài mùa lũ lụt thôi đã không thể gột bỏ hết đất miền quê này ra khỏi ký ức, nó đã là một phần trong cuộc đời, là mối tình đầu không thể nào quên. Nguyễn Đức Anh viết . Xin chào bạn NĐA , thật là vinh dự được đọc những <đoạn văn> mà bạn viết về miền Cái Sắn . Bạn đã khơi động những tiềm thức mà chúng tôi đã cất giữ trong ký ức lâu như vậy .Chúng tôi ở đây là những gia đình sau biến cố 75 , được cơ hội biết về miền Cái Sắn và cũng được biết thế nào là đồng ruộng, ao đìa,sông ngòi ,ngay cả lội bộ đi học và cả đi cầu khỉ nữa...nhất là còn được cắp sách tới trường, dù rằng không còn ổ bánh mì thịt trên tay , mỗi sáng tới trường, dù rằng cũng chẳng còn chiếc áo dài trắng thướt tha với đôi guốc mộc , chỉ là bát cơm nguội hay củ khoai lang luộc vào mỗi sáng . Nhưng với tấm chân tình của người dân Cái Sắn , chúng tôi thiết nghĩ nó cứ đeo đẳng chúng tôi suốt cả cuộc đời này , cho dù đã rời xa Cái Sắn từ lâu lắm rồi Đức Anh và các bạn à. Những kỷ niệm được đong đầy với yêu thương tràn lấp cùng các Thầy Cô và bạn bè dưới ngôi trường cấp III - Tân Hiệp ... nói sao cho vừa ? Kinh Đông Bình ! Rất mong được đọc tiếp những lời văn đầy chân chất tình quê hương của Nguyễn Đức Anh viết về K. Đông Bình, quê hương của Thanh Thảo đó vì mình đã được trưởng thành từ nơi này . TT 28.02.17 |
|
└(≣) QUÊ TÔI cách đây 7 năm, 8 tháng #19870
|
Em cám ơn lời động viên của thày cô và chị Thanh Thảo! Qua gặp gỡ, trò chuyện với nhiều bạn bè em phát hiện ra còn rất nhiều người chưa biết rõ về vùng quê Cái Sắn, nơi mình đã một thời sinh sống. Bởi vậy, em mới viết bài này mang tính cách tổng hợp những dữ liệu mà em thỉnh thoảng được đọc qua. Không ngờ sau khi đăng trên facebook lại được nhiều người tán đồng.
Cũng lâu rồi em không ghé thăm maitruongxuath. Buổi họp mặt đầu năm nay đã đưa em sống lại những kỷ niệm thuở học trò. Một lần nữa em lại trở về mái trường thân yêu, nơi có thầy cô, các anh chị, và bao bạn bè yêu dấu. Em xin đăng lại bài này thay cho lời tạ lỗi! Đức Anh 05.03.17 |
|
└(≣) QUÊ TÔI cách đây 7 năm, 8 tháng #19871
|
Phần 3: Từ KINH PHẬT GIÁO đến KINH ĐÔNG BÌNH Niên học 1968 – 1969, tôi lên 6 tuổi bắt đầu vào học lớp năm (lớp một bây giờ), tại Dương Đông, Phú Quốc. Năm đó chị kế tôi học lớp ba. Một buổi tối ba tôi kiểm tra bài của chị thấy có 10 bài toán dạng cộng trừ, trong đó chị tôi làm sai 2 bài nhưng cô giáo vẫn chấm đúng và cho 20 điểm. Sáng hôm sau ba tôi đem bài đó đến cho cô giáo xem, cô giáo không nhận sai lại còn tự ái đòi đuổi học chị tôi! Về nhà ba tôi được biết cô giáo là bồ của ông quận trưởng nên cho chị tôi nghỉ học luôn. Mùa hè năm 1969 ba tôi đưa hai chị em về quê ngoại cho chúng tôi tiếp tục việc học hành ở đó. Vậy là tôi có được thời gian dài hai năm liền ở miền Cái Sắn (1969-1971). Nhà ngoại tôi ở kinh Rivera, phía sau ruộng nhìn về Kinh Thầy Ký; còn những nhà ở bên kia sông, phía sau ruộng của họ hướng về quận Kiên Tân (Tân Hiệp bây giờ), nơi đó có con kênh mọi người quen gọi là kinh Phật Giáo. Không biết kinh Phật Giáo có phải là tên chính thức hay không, nhưng nhiều năm sau (mãi đến sau năm 1975) mọi người ở quê tôi đều gọi như thế. Năm 1954, dân di cư phần đông là Công Giáo nên đã chia nhau định cư ở hầu hết các con kênh, chỉ còn một số ít những gia đình không theo đạo Công Giáo họ được tập trung về sinh sống tại con kinh này. Cũng như các kênh Công Giáo, việc đầu tiên phải làm khi đến nơi định cư là cùng chung tay dựng nên một nơi để thờ phượng đó là đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương. Đây là con kênh duy nhất của người di cư không có tháp chuông nhà thờ nhưng lại có mái chùa, có lẽ đó là lý do mọi người đặt tên cho con kinh là Kinh Phật Giáo vì sự khác biệt một cách đặc biệt và lý thú này (Nghe nói đây là Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương duy nhất của đồng bằng sông Cửu Long). Thời gian đầu đất rộng, người thưa nên dần dần có một số gia đình Công Giáo đến sống rải rác phía ngoài đầu kinh. Có lẽ đây là con kinh duy nhất người Công Giáo sống chung với người khác đạo, những người Công Giáo này sinh hoạt tôn giáo tại nhà thờ Đài Đức Mẹ, nhưng nhiều năm sau để thuận tiện, một ngôi thánh đường Công Giáo mọc lên phía gần đầu kinh này. Từ đó tên kinh Phật Giáo không còn phù hợp để gọi nữa! Sau năm 1975, tôi lại cùng gia đình về ở hẳn kinh Rivera, lúc này thấy người ta ít còn gọi là kinh Phật Giáo nhưng đã chuyển sang gọi là kinh Tân Hiệp. Có lẽ số dân Công Giáo càng ngày càng đông khi số ruộng ở cuối kênh được những gia đình trẻ từ kinh Rivera qua nhập cư càng ngày càng nhiều. Chẳng hiểu sao ít người biết đến kinh Rivera, có lẽ vì những lý do sau: Tất cả các kênh bên lộ đều có cầu hoặc cống nối liền quốc lộ và tên cầu cống đó là tên con kênh. Thí dụ: cầu kinh 8 bắc qua kinh 8, cầu kinh 7 bắc qua kinh 7... , nhưng cầu kinh B lại bắc qua kinh… Rivera. Chợ kinh 5 ở đầu kinh 5, chợ kinh 8 ở đầu kinh 8, còn chợ kinh B lại ở đầu kinh… Rivera. (Kinh B chưa bao giờ thuộc tỉnh Kiên Giang, trước năm 1975 thuộc Long Xuyên – An Giang, sau 1975 thuộc Hậu Giang, giờ thuộc Cần Thơ). Kinh Phật Giáo cũng cùng chung số phận khi chiếc cầu bắc qua dòng nước chảy vào kênh không được mang tên con kênh mà có tên cầu Tân Hiệp. Vì Tân Hiệp là trung tâm quận Kiên Tân (huyện Tân Hiệp bây giờ) nên hai con kênh ở trung tâm cũng có nét đặc biệt không ai giống: Kinh Zérô là kinh không có cầu; kinh Tân Hiệp là kinh không có đầu. Kinh Zérô là kinh số không, đây là trục giao thông đường thủy chính nên lòng sông rộng, sâu hơn mọi kênh và suốt chiều dọc kênh không có chiếc cầu nào được nối liền hai bờ. Cuối kinh Zérô là sông Tân Hội, theo dòng sông này tàu bè có thể đến Rạch Giá rồi đi Hà Tiên. Ai đã từng đi xe đò về miền Cái Sắn, sẽ nghe hành khách nói với lơ xe hoặc tài xế câu: cho tôi xuống đầu kinh E, …xuống đầu kinh 3… nhưng nếu để ý sẽ không bao giờ nghe thấy câu cho tôi xuống đầu kinh Phật Giáo hay đầu kinh Tân Hiệp. Ai muốn vào kinh nào đó ở miền Cái Sắn, nếu các kinh bên sông thì đến bến đò sang đò ngang, kinh nghiệm của tôi là nhìn hàng cột điện bao giờ thấy cột cao hơn mọi cột là bến đò kế bên (tất nhiên không phải tất cả các cột điện cao là có bến đò, nhưng tất cả bến đò đều kế bên cột điện cao đưa điện qua sông). Còn các kênh bên lộ chỉ cần tới cầu tìm ở hai bên cầu sẽ thấy có ít nhất một bên có đường đưa vào trong kênh. Riêng kinh Tân Hiệp lại không thế, đến cầu Tân Hiệp bạn tìm mỏi mắt vẫn không thể thấy đường vào trong kênh. Năm học lớp 10, một hôm có giờ trống tôi lò dò ra chợ chơi, đi dọc theo chợ đến cuối đường bắt gặp một cây cầu đúc bắc qua con kinh đào song song với quốc lộ 80. Bên kia cầu là một ngôi Đình thờ Thành Hoàng, sau khi hỏi thăm mới biết nếu rẽ trái khoảng 500 mét là đường đi vào kinh Tân Hiệp. (Vì thế cuối bài trước, để vào trong kênh chúng ta phải đi qua chợ Tân Hiệp nên tôi mới mời mọi người dừng lại chợ ăn uống trước khi vào). Sau năm 1975 tất cả các ấp thuộc xã Thạnh Đông B đều có tên bắt đầu bằng chữ Đông, như: Đông An, Đông Thái, Đông Hòa, Đông Bình, Đông Lộc… Tuy có tên ấp nhưng trong giao tiếp người ta không nói đến tên ấp mà chỉ nói tên kênh. Người ta chỉ nói tôi ở phố kinh B hoặc chợ kinh B chứ ít khi nói tôi ở ấp Đông An. Người ở kinh Rivera cũng thế, người ta nhận mình là người kinh Rivera xứ ngoài hoặc xứ trong chứ ít khi nói tôi ở Đông Thái hay tôi ở Đông Hòa. Riêng những người ở kênh Tân Hiệp thì lại nhận mình ở ấp Đông Bình. Khi biết bạn ở Cái Sắn sẽ được hỏi tiếp là ở kinh mấy và câu trả lời sẽ là tôi ở Đông Bình. Trong hệ thống hành chính ở các con kênh miền Cái Sắn, có rất nhiều ấp được đặt tên từ tên kênh, như: ấp B1, ấp B2, ấp 2A, ấp 3B... Riêng Đông Bình là con kênh duy nhất được đặt tên từ tên ấp: KINH ĐÔNG BÌNH. Đó là tất cả những gì tôi biết về kinh Đông Bình, còn ai muốn biết chi tiết hơn có lẽ phải nhờ những người sinh ra và lớn lên tại đây, họ là thổ địa vùng này, nghe họ kể sẽ chính xác hơn. Hai năm nay, qua Mái Trường Xưa Tân Hiệp, tôi được gặp lại các thày cô, bạn bè cũ và quen được rất nhiều anh chị em đã từng học tại trường Trung Học Phổ Thông Tân Hiệp. Do đó, tôi thấy một điều rất lạ: có rất, rất nhiều người xuất thân từ kinh Đông Bình, so với các kênh khác đây là sự chênh lệch đáng nể. Suy nghĩ mãi tôi lại phát hiện ra một điều thú vị về việc này. Bạn có muốn nghe tôi kể không? Đức Anh 05.03.17 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.10 giây