Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
HOÀI NIỆM cách đây 7 năm, 4 tháng #20396
|
Kính thưa quí thầy cô, thưa các anh chị và các bạn! Trieu Nguyen luôn mong muốn góp bài cho MTX Tân Hiệp, mà bài càng thuộc về mái trường xưa càng tốt, thế nhưng Trieu Nguyen thú thật rằng, không còn cái gì gọi là kỷ niệm ngày xưa, của thời học Cấp III Tân Hiệp mà Trieu Nguyen chưa viết! Vậy, từ nay Trieu Nguyen sẽ viết tất cả những gì thuộc về tuổi học trò, có thể là từ lớp mẫu giáo trở lên mà nó còn nằm trong đầu của Trieu Nguyen, thì Trieu Nguyen sẽ viết để quí thầy cô, các anh chị và các bạn đọc cho vui mỗi khi nghé thăm MTX Tân Hiệp. Như, ngày xưa còn bé mẹ cứ phải dắt tay đến tận lớp, ấy vậy mà có những hôm mẹ khuất bóng là T lại òa lên khóc. Mẹ dỗ dành “con không ngoan như chị N, chị ấy đi học chỉ có một mình”. Thế là từ hôm ấy, T để ý đến chị N vì hai đứa học chung lớp, và một hôm T nói với mẹ “từ nay con muốn đi học chung với chị N, mẹ không phải dắt con đi học nữa”. T và chị N ngày nào cũng tung tăng bên nhau, có hôm hai đứa còn dắt tay nhau từ trường về đến tận nhà, vì nhà của chị N ở ngay bên cạnh nhà T. Người lớn nhìn thấy hai đứa thì chỉ tủm tỉm cười, còn mấy đứa bạn trong xóm thì ghép tên hai đứa lại và hay trêu ghẹo ‘T-N’. Năm 1973, T phải theo ba về Cái Sắn ở với bà nội. Mấy ngày đầu đi học lớp ba ở trường Đồng-Phú kinh 2B mà sao cứ thấy nhớ chị N quá! Sau khi tốt nghiệp cấp III được vài tháng, khoảng tháng 8/1983, T trở lại quê xưa là giáo xứ Tân-Việt, T tìm đến nhà chị N, T chưa kịp hỏi thăm gì, thì một thiếu nữ nở nụ cười thật tươi “Phải anh T không vậy?”, “Phải, chị N khác xưa nhiều quá!”, “Mười năm rồi còn gì anh, anh cũng hơi khác. Chúng mình lớn rồi, anh không được kêu em bằng chị nữa ngheng!”… Đấy, từ nay Trieu Nguyen sẽ góp bài với MTX tương tự như vậy, nhớ đến đâu viết đến đó và mỗi lần một đoạn, nhiều đoạn thành một câu chuyện rồi kết thúc để qua chuyện khác. Trieu Nguyen kính chúc quí thầy cô, các anh chị và các bạn được nhiều niềm vui mỗi khi ghé thăm MTX Tân Hiệp! …(2) “Mẹ em kể lúc hai gia đình còn ở bên trại Hoàng Hoa Thám, cha Hân tuyên úy đã rửa tội cho anh trước em mấy tháng cơ mà, vậy là anh lớn hơn em rồi còn gì nữa!”, chị N quả là người rất thật và tình cảm. Hai đứa nói chuyện dông dài khoảng một tiếng rồi ra đầu ngõ, mỗi đứa một ly chè đậu đen, trước khi chia tay chị N còn nhớ thêm “Hồi đó, anh về quê rồi em đi học một mình mà buồn cả tháng!”, “Khi mới về quê anh có nuôi hai con gà tre con, được khoảng một tháng thì anh bán một con cho thằng bạn, làm con còn lại cũng chán ăn cứ đứng kêu hàng tuần đó! Tình cảm người ta phải gấp nhiều lần gà tre con ấy chớ!” T trả lời, và bị chị N nhéo vào hông một cái. Cái nhéo cũng nhớ đời, cái ngu cũng nhớ đời vì chuyện nuôi hai con gà tre nó vô duyên trong tình huống quá! T ở cái lán của ông chủ thầu trên đường Vườn Lài, đường Vườn Lài ngày ấy là đường đất đỏ chỉ rộng vài ba mét, hai bên đường là ruộng vườn, khi mùa mưa thì có nước và có cá như ruộng ở vùng Cái Sắn. Từ Tân-Việt về đường Vườn Lài mà muốn nhanh thì phải đi tắt qua khu Bàu Cát, cũng chỉ là những đường đất đỏ, và hai bên cũng là ruộng vườn mà cánh dân nghèo hay đến đó để mót bắp cải, dưa hấu… Cái lán của ông chủ thầu làm bằng vách lá và mái cũng lá. Còn bàn, chõng… thì được làm bằng ván copha. Phụ hồ được bao ăn ở mỗi ngày lương 1 đồng và mỗi người được mượn một chiếc xe đạp thồ để đi làm, và cũng để thồ các công cụ nhẹ của công trường hoặc chở nhau. Trên đường về hôm ấy khác mọi khi, trong đầu T chỉ còn mình chị N “ngự trị”. Bao nhiêu thắc mắc không biết hỏi ai, “Tại sao chị N lại ngoan hiền dễ thương đến thế? Tai sao chị N lại niềm nở ân cần với một thằng bạn học từ thời lớp tư đang rách nát như mình?... Tại sao? Tại sao?... Không biết tại sao? Hay là duyên số chăng?”… …(3) Từ hôm gặp lại nhau, T và chị N hay hẹn hò đi coi ca nhạc ở 126, ở viện Hóa Đạo…, rồi Sở Thú..., có Chúa Nhật hai đứa còn dắt nhau đến cả Bến Nhà Rồng nữa. Trong bến Nhà Rồng, chị N hỏi “Anh này! Sao Bác Hồ viết di chúc mà em thấy tẩy xóa nhiều quá vậy?”, “Tại Bác Hồ là đàn ông!” T trả lời, “Ủa! Đàn ông viết văn hay bôi xóa dữ lắm hả?” chị N lại hỏi, “Không chắc lắm, nhưng anh chỉ thấy mình rất giống cái tật này của Bác Hồ!” sau câu trả lời T lại được nhéo một cái. Đối diện nhà thờ Tân-Việt là cổng C của trại Hoàng Hoa Thám (trại lính của tiểu đoàn 8 thuộc binh chủng Nhảy Dù, nhưng lúc ấy lại là nơi an dưỡng của bộ đội bị thương, mà đa số là cụt một chân từ chiến trường Kampuchea trở về). Trong trại Hoàng Hoa Thám lúc ấy có một số thương binh chán sống, nên thường hay quanh quẩn từ Tân-Việt trở về hướng Bà Quẹo chừng năm bảy trăm mét trên đường CMT8, để nhậu nhoẹt và quậy phá tưng bừng. Một hôm T và chị N đang ngồi uống nước mía gần cổng nhà thờ Tân-Việt, khi hai đứa đang với hai ly nước mía và cười nói, thì bỗng có một anh thương binh từ phía bên kia đường với hai cái nạng gỗ đang nhắm thẳng hướng xe nước mía, chị N tái mặt “Anh ơi! Mấy ông này quậy phá lắm! Coi chừng đó anh!”, “Chúng ta đừng nhìn anh ta” T trả lời. Hai đứa giả như không thấy anh ấy, thế nhưng chỉ vài phút sau, bỗng cô bán nước mía la toáng lên “Chết, chạy mau!”, nhìn qua thì anh thương binh đã rút kíp trái lưu đạn mini bỏ vào ly nước mía đang lắc nhẹ nhẹ với nét mặt hằm hằm, thế là chị N hoảng hồn choàng qua ôm chặt lấy T và chỉ còn biết thở hổn hển, còn T thì tái mặt nghĩ thầm “Phen này hai đứa chết chắc rồi!”… …(4) Sau khi KSQS đưa anh thương binh cùng ly nước mía có lựu đạn đi khỏi, mọi người mới hoàn hồn. Cô bán nước mía cho hay là anh thương binh này ít khi nhậu nhoẹt, nhưng hình như anh ấy thất tình sau khi bị cưa một chân, và anh ta mà thấy bất cứ đôi trai gái nào cặp kè bên nhau là anh ta đến sinh sự liền. “Anh có sợ chết không?” chị N lên tiếng, “Chết ai mà chẳng sợ, nhưng trước lúc chết mà được ôm thì cũng thích” sau khi trả lời, T lại được thêm một cái nhéo nữa! “Chúng mình nên đi học Anh Văn anh ạ! Em nghĩ sau này sẽ có cơ hội đó!”, và sau đó thì hai đứa cứ tuần ba buổi tối đến trường Nguyễn Thượng Hiền để học Anh Văn. Chi N giỏi hơn nên học trên T vài lớp, vậy là T lại có bạn học như ngày xưa và lại còn có người để hỏi bài. Sau tết năm đó, T trở lại SG để phụ hồ và học Anh Văn. Lần nào đến nhà chị N cũng thấy cửa đóng kín, còn hàng xóm thì cho hay rằng gia đình chị N ăn tết ngoài Vũng Tàu chưa về. Mỗi buổi tối phải đi học một mình T cảm thấy chán lắm, chẳng muốn học một tý nào cả! Còn gia đình chị N thì đã hơn một tuần rồi mà vẫn chưa thấy về! Cũng trong cái tuần ấy, T nhận được điện tín từ gia đình: “Nhà mình bị nhà nước niêm phong các cửa ra vào hai tuần nay rồi, tất cả nhà đều phải ở ngoài sân vì con không đăng ký, không khám tuyển NVQS. Con về là họ bắt ngay, vì lúc nào cũng có du kích canh chừng”. Ngay tối hôm ấy, T nhờ bạn phụ hồ chở ra xa cảng Miền Tây mướn ghế bố ngủ, 3 giờ sáng thức dậy để người ta đánh số vào lòng bàn tay, và 5 giờ sáng người ta bắt đầu bán vé theo số thứ tự đã ghi, T có số 375 nên mãi hơn 8 giờ sáng mới mua được vé. Xe phải ngừng rất nhiều trạm kiểm soát dọc đường, nên khi về đến Tân Hiệp là khoảng 12 giờ khuya, chờ đò ngang đầu kinh 2 đến khoảng 5 giờ sáng, vừa về tới nhà là có du kích đưa qua xã Tân Hiệp A liền. Từ xa cảng Miền Tây cho đến khi ngồi co ro tại xã-đội xã Tân Hiệp A, T chẳng hề nghĩ gì đến bản thân cả, mà nhiều câu hỏi 'tại sao' cứ hiện ra trong đầu. Tại sao nhà nước lại niêm phong cửa nhà mình? Tại sao gia đình chị N lại ăn tết ở Vũng Tàu lâu thế?... …(5) Cái văn phòng xã-đội vừa là nơi ăn ngủ cho khoảng mươi người, cũng vừa là nơi làm việc và giam giữ, nên thoáng nhìn đã thấy sự nhếch nhác của nó. Một ngôi nhà dài chừng 20m, rộng khoảng 10m vách lá và mái cũng lá, một bên đầu hồi làm bếp và bên còn lại là phòng của chỉ huy. Cái gian giữa là rộng nhất, thì phía trong là một dãy giường đơn bằng thép có lò-xo, nhưng lại được trải bằng những manh chiếu chứ không phài là nệm, giữa nhà là cái bàn lớn và vài ba cái ghế, góc bên phải là vài ba anh chống lệnh nhưng bị bắt nên bị xích vào các cột tràm của cái vách lá, góc bên trái cũng vậy nhưng không bị xích vì là thành phần ra trình diện, T được ngồi trong nhóm này. Mọi người đang co ro, ông chủ tịch xã bước vào hất hàm hỏi anh du kích đang canh gác “Đứa nào dánh máy dùm tao tờ thông báo này”, “Dạ! Thưa chú Năm, thằng N thống kê nó đi công tác kinh 5A rồi, mấy người kia cũng đi công tác hết còn có ên con ở đây và thằng L đang nấu cơm” anh du kích trả lời. Ông Năm đưa mắt ngó qua ngó lại hai nhóm người đang bị giam ở hai góc nhà rồi bỏ đi. “Tôi biết đánh máy chữ” T nói với anh du kích, anh ta liền ngó đầu ra ngoài cửa theo hướng ông chủ tịch xã “Chú Năm ơi! Có anh này biết đánh máy”. T loay hoay khoảng nửa tiếng thì xong một tờ thông báo, và chiều hôm ấy T được gọi riêng ra để “làm việc” cùng một lúc với ông chủ tịch xã và ông xã-đội trưởng, “Xã đang có hướng giữ mày lại làm thống kê vì nghe nói mày đã tốt nghiệp 12, bây giờ mày viết lý lịch và một tờ trình, trong tờ trình mày phải viết là vì đang học Anh Văn ở thành phố nên không biết ở nhà đang tuyển quân. Sáng mai sẽ giải một mình mày lên huyện-đội và xin ý kiến, đồng thời cũng xác minh lý lịch, nếu cấp trên đồng ý thì mày sẽ được giữ ở đây làm thống kê xã-đội”. Vài ngày sau, T tươi cười bước chân vào nhà thì cũng là lúc cả nhà giật mình, vì mẹ đã chuẩn bị ít thức ăn trong loong guigoz (loong sữa Ghi-gô ngày xưa) để đi thăm nuôi T. “Con trốn được rồi à? Đang tính là hôm nay mẹ đi thăm con đây” mẹ T nói với giọng buồn buồn, “Con được họ giữ lại làm việc ở xã, nhưng con không muốn làm việc ở đó” T trả lời mẹ, “Cố gắng cho hết tuổi nghĩa vụ rồi tính con ạ! Con là người có phúc lắm rồi đó, con người ta còn phải đi qua Miên không biết ngày về!”. T ngồi thừ người ra, lời mẹ khuyên vô cùng chính xác, nhưng T cũng muốn trở lại Sài Gòn để tiếp tục phụ hồ và đi học, hơn nữa còn tin tức gia đình chị N không biết ra sao?... …(6) Công viêc thống kê quân sự như theo mùa, một năm có hai đợt tuyển quân là sau tết và mùa hè. Thời gian rảnh rỗi, T hay giúp mấy anh đang học bổ túc làm bài tập, thế là bén duyên nên chỉ trong vòng có hai năm làm việc ở xã Tân Hiệp A, mà T đã đi thi tốt nghiệp cấp II bổ túc văn hóa cho bốn quan xã. Lần thi nào thầy Kiệt cũng lôi ra được vài ba em từng là học sinh cấp III Tân Hiệp đi thi hộ các quan, nhưng T đã may mắn cho nên không bị tóm cổ. T cũng hay lăng xăng giúp xã đoàn mỗi lần có đại hội, thế là lại được để mắt tới và được cho kiêm thêm cái chức phó bí thư xã đoàn, mặc dù T chưa hề là đoàn viên bao giờ cả. Đầu năm 1985 bí thư xã đoàn nghỉ việc, thế là tự nhiên T trở thành bí thư và đại hội huyện đoàn V năm ấy, T được cơ cấu thường vụ huyện đoàn Tân Hiệp, trong khi một bạn học cấp III Tân Hiệp đã có ba năm liền từng giữ chức bí thư chi đoàn các khối 10 khối 11 và 12, nhưng lúc đó mới chỉ là một cán bộ thường của huyện đoàn. Đúng là cái xã hội phấn đấu không bằng cơ cấu! “Mày mới trên 20 tuổi còn lý lịch thì loại mấy, nhưng anh em tụi tao đã đặc cách cho mày nhiều rồi đó, lo ổn định tư tưởng và phấn đấu để mà tiến thân. Trước khi ăn cơm mày cũng còn làm dấu, và còn đi lễ chiều thứ bảy hàng tuần” ông bí thư xã nói với T trong một lần ăn uống như vậy, T im lặng và nghĩ thầm “Sắp tới sẽ có chuyển biến từ đại hội VI của đảng, ông Nguyễn Văn Linh sẽ thay đổi nhiều thứ, trong đó có việc đưa người Công Giáo ở các vùng toàn tòng vào đảng. Anh nào quỳ lụy giỏi thì cũng chỉ chức chủ tịch xã là chấm hết”. Cuối năm 1986, lúc T đưa thiệp mời đám cưới thì ông bí thư phán “Mày cưới vợ không thông qua tổ chức, ai mà dám đi dự đám cưới của mày, bây giờ chỉ còn cách mày không được làm lễ cưới thì mọi việc sẽ xuôi, còn mày không nghe lời tao coi như đời mày đã tàn”. “Em là người Công Giáo, em không bỏ lễ, em xin nghỉ việc từ hôm nay” T đã trả lời. Kể từ đó, T làm nhiều nghề từ làm ruộng, nuôi trâu, nuôi gà vịt, ấp trứng, hớt tóc, dạy kèm… Từ lúc rời Sài Gòn T thường viết thăm hỏi chị N và gia đình, nhưng chẳng bao giờ nhận được hồi âm, nên thư cứ thưa dần và T không viết nữa. Đầu năm 1990 T về Sài Gòn để thi chứng chỉ A tiếng Anh tại đại học Sư Phạm đến hai lần mới đậu, còn chứng chỉ B năm 1992 thì phải sáu lần. Lần đầu tiên trở lại Sài Gòn T có đến nhà chị N nhưng hàng xóm cho hay là nhà đã bán khoảng sáu bảy năm rồi, còn chị N thì bặt tin. Coi như T đã quên luôn cô bạn học ngày xưa. Năm 1993 T lại về Sài Gòn học tại đại học Mở Bán Công. Chiếc xe Sanyang 70 cứ dọc ngang Sài Gòn nhiều năm liền, ở trọ, cơm bình dân… Một hôm T ghé vào một quán cơm trên đường Hương lộ 14 (bây giờ đổi tên là Lũy Bán Bích) để ăn trưa. “Anh dùng cơm gì ạ?” cô chủ quán hỏi, T ngước lên “Ôi! Có phải chị N không ạ?”… …(7) “N đây anh! Anh ơi! anh T mà em hay kể với anh đây nè!” chị N vừa trả lời vừa quay qua nói với chồng. “Chào anh, hôm nay tôi không ngờ được gặp anh chị! Tôi cứ nghĩ là không bao giờ gặp lại chị N nữa!” T chào hỏi. “Vợ tôi thì đoán là anh đã vượt biên rồi!” chồng chị N cười nói, chị N chen vào “Từ đó tới nay đã mười năm, mọi thứ đã thay đổi. Anh có gia đình chưa vậy?”. “Cám ơn anh chị, tôi lập gia đình từ cuối năm 1986 và có một gái một trai rồi” T trả lời. “Hôm nay anh đi đâu vậy? chị N lại hỏi. “Đang đi học chị ạ!” T trả lời. “Anh có chí quá! Hôm nay mời anh ăn trưa với tụi em! Tụi em có vài người tiếp bán quán cơm này, em chỉ làm việc chung chung thôi. Em cũng có hai con gái rồi, nhưng gởi ở nhà trẻ chiều mới đón về. Còn chồng em làm thầu xây dựng các công trình nho nhỏ”. Lại một cuộc hội ngộ không hẹn mà gặp sau mười năm, nhưng lần này ai cũng thành ông bố bà mẹ rồi, cho nên không ai nhắc gì về dĩ vãng, mà chỉ hướng đến tương lai. Chị N cho biết một cách đại khái là tết năm ấy gia đình sang tên căn nhà ở Tân-Việt cho người dì, và cả nhà đã mượn cái cớ đi ăn tết ngoài Vũng Tàu, nhưng là đi vượt biên. Đúng đêm mồng một tết là tàu nhổ neo, nhưng hôm ấy chị N đang bị tiêu chảy cho nên bị rớt lại và ở với ông bà ngoại ít tháng, rồi về nhà dì ruột ở giáo xứ Tân-Thành đi học cho đến lúc lấy chồng cũng vào năm 1986. Khi ở bên trại tỵ nạn, gia đình chị N đã chọn đi định cư Úc vì ba của chị N vẫn còn hận Mỹ, ông ta cho rằng Mỹ đã bỏ rơi Miền Nam. Đến thời điểm đó chị N vẫn chưa được bảo lãnh qua Úc. Chồng chị N làm thầu xây dựng là nghề cha truyền con nối nên anh ta rất kinh nghiệm về công trường, anh ta đang tìm kiếm một người “tâm đầu ý hợp” có năng lực quản lý và kỹ thuật xậy dựng để hợp tác làm ăn. T đang học xây dựng và QTKD, T cũng muốn hợp tác với chồng chị N nên T đã quyết tâm học cho ra trò, và hai người luôn sát cánh cùng bổ khuyết cho nhau để chuẩn bị thành lập một công ty. Năm 2000 công ty thiết kế thi công xây dựng Tín Phát ra đời, trụ sở ở phố kinh 8 còn chi nhánh thì trên đường Lũy Bán Bích. Tín Phát là lấy chữ TÍN làm đầu để tồn tại và PHÁT triển, và trời đã thương mọi sự đều thuận buồm xuôi gió. Năm 2003 vợ chồng con cái chị N đi Úc, chi nhánh trên đường Lũy Bán Bích giải thể, T lập văn phòng đại diện bên Bàu Cát. T luôn nghĩ rằng mình sẽ chôn chân với nghề này, vì mọi việc trời cho đang tốt đẹp. Một sáng sớm vào tháng 3/2004, một cuộc điện thoại: “Em N đây! Anh và gia đình có khỏe không ạ? Gia đình anh sẽ có cơ hội định cư tại Úc theo diện skill visa”… Từ thông tin của chị N, T được người thân nhờ luật sư nạp giấy tờ và sau 7 lần thi IELTS, T đã may mắn hội đủ điều kiện để cả gia đình được định cư Úc vào đầu tháng 5/2008. Hiện nay nhà T cách nhà chị N khoảng 700 km, thỉnh thoảng hai gia đình lại gặp nhau vào các dịp lễ tết… (hết) Vì luôn suy nghĩ trang MTX Tân Hiệp như một gia đình, nên Trieu Nguyen đem chuyện từ thời học lớp tư kéo dài cho đến tận bây giờ ra kể, nhưng Trieu Nguyen cảm thấy nó cứ nhàn nhạt! Giống như chuyện ba tạ muối! Có anh chàng kia chẳng biết góp vui chuyện gì, đành đem chuyện ba tạ muối ra kể như sau: “Ông nội tôi mỗi ngày bán được một tạ muối, sau khi ông tôi qua đời thì bố tôi cũng chỉ bán mỗi ngày được một tạ muối, rồi bố tôi cũng qua đời và đến tôi cũng chỉ bán mỗi ngày được một tạ muối”. Nghe chuyện anh ta kể, nhiều người thốt lên: “Câu chuyện nhạt như thế mà cũng đem ra kể”. Anh ta đáp lại rằng: “Ba tạ muối mà có người vẫn còn chê là nhạt à!”. NHT. 05/7/2017 |
|
└(≣) HOÀI NIỆM cách đây 7 năm, 4 tháng #20402
|
Chào Triều Nguyễn,
Rất dễ thương Triều ơi!.Đúng là quả đất tròn quay.. Em cứ tự nhiên Triều nhé. Em là một trong những viên ngọc quí MTX ta. Trang văn rất cần những cây viết có tấm lòng như em. Các bạn khác cũng thế,rất có tấm lòng, ít xuất hiện vì quá bận việc gia đình, nhưng luôn luôn theo dõi, đôi lúc tâm sự với thầy cô: " Thầy cô ơi! em rất muốn viết lắm, thấy các bạn viết em háo hức , nhưng khi chuẩn bị bấm vào laptop đầu óc tự nhiên trống rỗng. Em xin luôn là người bạn trung thành của các bạn, chỉ thích đọc thôi. Em rất cám ơn các bạn có tâm huyết cho trang web này như chị Thanh Thảo, chị Lan, Thắng Nhung, anh Hoài Việt, bạn Thanh Sơn-Dung, Băng Sơn, Như Huân, Minh kha,em Đức Chánh, Đang cao,Trung Nguyên, Triều Nguyễn, Trăng Sao, Lan Anh,mới đây lại có thêm bạn Quang Mẫn. Chỗ nào em cũng muốn comment nhưng hổng lẽ comment hoài. Xin các bạn ghi nhận tấm lòng của em. Cũng cám ơn các bài post sưu tầm hay lắm, vui lắm, cám ơn anh Tú Vĩnh, Cao Nguyên...". Thầy cô xin bổ xung thêm Vũ Lượng, Mai văn Hưởng, Vi Vu, Phong Nguyễn, Đức Anh, Minh Nguyễn, Thanh Cẩm, Quang Khâm.v..v còn nhiều nhiều nữa TC không nhớ hết...những em có tấm lòng cho MTX. Triều biết không, có những bạn vẫn âm thầm đọc các bài rồi khen và cười một mình, thầy cô bảo cứ viết lên , đó chính là nguồn động viên cho người viết, lại bảo... " Em ngại"?! Trở lại bài viết của em, thầy cô đã một thời có kỷ niệm với những địa danh của đường phố, trụ sở mà em kể trong bài,có một chút bồi hồi, vì lâu lắm rồi không nghe ai nhắc, cũng như có dịp đi qua khi mỗi lần về phép họp lớp, mà có đi qua cũng không ai biết, ngày xưa chỗ này là chỗ nào.Thay đổi quá nhiều Triều ạ. Cám ơn em vì tất cả. TC 7.7.17 |
|
└(≣) HOÀI NIỆM cách đây 7 năm, 4 tháng #20425
|
Em chân thành cám ơn thầy cô đã luôn khích lệ và đồng hành cùng em!
NHT. 15/7/2017 |
|
└(≣) HOÀI NIỆM cách đây 7 năm, 4 tháng #20426
|
Số phận
Noel 2014, T về Miền Bắc lần thứ ba và lần này T có đến thăm một linh mục ở tòa giám mục Bùi Chu. Giáo phận Bùi Chu là một giáo phận có địa giới nhỏ nhất Việt Nam, vì giáo phận này chỉ nằm gọn trong tỉnh Nam Định, nhưng lại có số giáo dân trên 300 ngàn người và là một giáo phận thuộc loại lâu đời. Giáo phận Bùi Chu là gốc gác của ông bà nội ngoại của T. Hôm ấy cũng có một người khách từ bên Mỹ về và đến tòa giám mục Bùi Chu trước T, sau khi chào hỏi xã giao và các chuyện không có chủ đề. Anh Việt Kiều Mỹ quay sang hỏi T “Nội ngoại anh ở Cái Sắn, vậy anh có biết ai ở kinh 2 không?”, “Ôi! Kinh 2 thì tôi rành lắm, vì tôi ở đó trên 10 năm” T trả lời. Anh ta bắt đầu kể rằng vào đầu tháng 4/1975, khi cùng gia đình chạy tản cư về Miền Tây Nam Bộ, nhưng anh bị lạc và anh ta đi theo một gia đình xa lạ về kinh 2b, qua nhà thờ khoảng 500m về phía Tân Hội. Lúc đó anh ta 11 tuổi, thường ngày anh ta theo người lớn đi làm ruộng nhà hoặc làm mướn, có nhà nhiều việc vặt nên họ nuôi anh ta bao ăn ở trong nhà để sai vặt. Sau trận lụt 1978, anh ta phải theo người lớn đi qua phía không mất mùa là các kinh 7 kinh 8… để làm mướn… Vào một sáng sớm sau tết năm 1979, anh ta đang bán bánh mì ở gần cầu đúc Rạch Giá, thì có một chị ở chiếc ghe đang cặp gần chân cầu gọi mua bánh mì. Khi anh ta quảy bao bánh mì bước xuống ghe, bỗng phía sau có tiếng nói nho nhỏ “Trời! Sao cho nó xuống ghe”. “Nhiều bánh mì quá em bê không nổi” chị kia trả lời. “Bây giờ phải làm sao? Nó lên bờ là lộ ngay!” người từ phía sau lại nói như thì thầm. “Chị mua hết bao bánh mì này, nhưng em phải ở đây cho đến khi ghe qua khỏi cầu” chị kia nói rất nhỏ với anh ấy. “Dạ!” anh ta đáp. Khoảng nửa tiếng sau chiếc ghe chui được qua cầu, phía sau lại cất tiếng khe khẽ “Kêu nó xuống hầm, đi Phú Quốc chơi luôn cho chắc ăn, mình sẽ trả mỗi ngày bằng tiền như hôm nay”. Anh ta bước xuống hầm thì thấy có mấy chục người nằm ngồi ở đó, nhưng họ im thin thít và họ đã ra hiệu cho anh ta cũng phải như vậy. Người đàn bà mua bánh mì lúc nãy cũng xuống theo, và chi ta cho hay là đi vượt biên qua Thái Lan. Vì là diện mồ côi nên khoảng 6 tháng sau, anh ta được một gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi và được đưa về Mỹ. Anh ta được ăn học và được thừa hưởng một phần gia nghiệp của bố mẹ nuôi, rồi do hiền lành chịu khó nên trời ban cho việc kinh doanh của anh đã thành công. Đầu 1990, anh ta đã tìm được cha mẹ và anh chị em lúc đó đang sinh sống tại Sóc Trăng. Khi đã bảo lãnh hết gia đình định cư tại Mỹ, anh ta đã về kinh 2 tìm lại những người xưa để trả ơn. Còn duy nhất một người anh ta đang tìm kiếm, nhưng chưa gặp vì kinh 2 bây giờ khác nhiều và nhiều người cũng đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Anh ta nhờ T tìm giúp, câu chuyện như sau: “Khoảng cuối năm 1978, vì sáng hôm ấy không ăn gì nên đến trưa khi đi gần đến kinh ngang thì anh ta bị lả hoa mắt…, anh ta ngồi gục bên vệ đường”. “Tôi kể tiếp đoạn sau được không ạ?” T chen ngang và hỏi anh ta. Anh ta tròn mắt gật đầu. T tiếp lời anh ta: “Ngay lúc ấy, có một người cỡ tuổi anh đi học về, đã mời anh vào nhà nghỉ và mời anh ăn cơm, vì lúc đó là giờ cơm trưa. Nhưng anh ngại không vào, cậu học trò ấy đã bưng hai tô cơm bằng mủ màu xanh đọt chuối, bên trên có ít mắm tôm rang trứng, và hai thằng ra phía hiên nhà, rồi cùng ngồi ăn với nhau”. T kể đến đó thì mắt anh ta chớp chớp và nắm chặt tay T, những người chứng kiến ở đó cũng rất ngạc nhiên. Vì chỉ gặp nhau có một lần duy nhất, nên T đã quên chuyện này từ lâu. Còn anh ta, đúng là một con người nhân hậu, anh ta đã giúp đỡ những nơi nghèo khó ngoài Miền Bắc hằng trăm ngàn USD. T đã nói với anh ta rằng: “Tôi rất trân trọng lòng anh, tôi đã được trả công rồi! Chúa Nhật tháng trước, Trieu Nguyen có nghe đoạn phúc âm: “… Kẻ nào cho một trong những người bé mọn… chỉ một bát nước lã… người ấy không mất phần thưởng đâu!”. Nên Trieu Nguyen đã nhớ lại chuyện xưa rồi đem vào MTX để mọi người đọc cho vui. NHT. 15/7/2017 |
|
└(≣) HOÀI NIỆM cách đây 7 năm, 3 tháng #20473
|
Một Mái Trường Xưa gợi lại nỗi buồn!
Thường thì Mái Trường Xưa đượm nhiều kỷ niệm khó quên của tuổi học trò, nhưng T lại có một nỗi buồn khi nhớ về một Mái Trường Xưa. Anh bạn của T tên là Đ mà hồi ấy bạn học thường gọi là Đ tẹt, Đ đẹp trai không có chỗ nào bị “tẹt” cả, nhưng có lẽ bạn bè đã thêm từ ‘tẹt’, để dễ phân biệt với các bạn trùng tên Đ. Đ năng động như nhiều bạn học, Đ lười học các môn văn sử chính trị nên Đ đã bị ở lại lớp, mà thời ấy gọi là “lưu ban”. Thời ấy mà bị “lãnh” hai từ “lưu ban” thì gần như bị “muối mặt”. Hôm nay nhìn lại mới thấy nhiều bạn bị lưu ban ngày ấy là bị oan, vì các bài học như ‘Mỹ mà xấu’, ‘Trâu cũng đánh Mỹ’, ‘Ong cũng đánh Mỹ’…, hoặc là những đoạn văn mẫu như ‘Em cố gắng học hành chăm chỉ để sau này góp phần xây dựng nước nhà tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên CNXH’… Ngày nay mà nhắc đến các bài học hay văn chương thời ấy, thì ai ai cũng cảm thấy rất ngượng miệng! Một hôm Đ cùng nhóm bạn bắn thằn lằn trên tường không may trúng ảnh bác và bị rơi xuống, thế là Đ phi tang ảnh bác bằng cách đem ra cầu cá tra vùi xuống. Đ đã bị tố cáo và bị công huyện về bắt, Đ đã bị buộc tội chính trị và bị ngồi tù nhiều năm, riêng bị “nằm ép” là khoảng sáu tháng. Tháng trước, T thấy trên mạng xã hội có tin em sinh viên Trần Hoàng Phúc bị bắt và bị ghép tội xúc phạm bác Hồ, đã làm cho T nhớ đến Đ tẹt, thằng bạn học cấp II bị ghép tội chính trị! Trường Tân Hiệp A4 (Kinh 2)! Mái Trường Xưa gợi lại một nỗi buồn! NHT. 02/8/2017 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.11 giây