Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
THÁNG CHẠP VỀ cách đây 6 năm, 10 tháng #21038
|
THÁNG CHẠP VỀ Đó là tháng cuối cùng của một năm Âm lịch (tháng thứ 12 đối với các năm thường hoặc tháng thứ 13 trong những năm nhuận) theo cách gọi của ông bà xứ Việt mình. Một tháng gợi lên bao nỗi niềm, bao lo toan, bao cố gắng của cả một năm dài... Tháng Chạp là tháng luôn luôn diễn ra sau ngày đông chí. Xưa kia, tháng Chạp còn được gọi là "tháng củ mật" vì tháng này có nhiều trộm đạo. "Củ" là củ soát, kiểm soát, còn "mật" là cẩn mật, nghĩa là kiểm soát cẩn mật. Mỗi khi đến tháng Chạp, các quan phủ thường hay rao giảng dân chúng cần cẩn mật, các tuần đinh phải tăng cường kiểm soát nghiêm ngặt đề phòng đạo chích lộng hành. Những ngày đầu tháng Chạp thường mang theo cái lạnh se se của khí trời kèm những hạt mưa sa, lất phất. Ấy là cái lạnh cuối cùng còn sót lại của mùa đông hay là tiết trời đang chớm nở đón xuân sang - không rõ nữa, nhưng chắc hẳn nó cũng làm ai đó đột nhiên rùng mình. Cái rùng mình thú vị và xốn xang cứ khấp khởi tận trong lòng... Có những năm, cơn rét đậm kéo dài tới cả một tháng. Cái lạnh làm nứt những cánh đồng khô khốc, gió thốc qua các ngõ phố đông đúc, làm rạn cánh môi hồng của người con gái, khiến người già mặc tới năm bảy lớp áo, lũ con trẻ sụt sịt nước mũi... Bởi, lạnh đấy, mưa đấy nên những người mẹ nhắc nhở con cái phải giữ ấm, những đôi lứa dành tặng nhau chiếc khăn choàng cổ... Thân thương ấy như khiến cái rét cũng phải dịu đi đôi phần... Tháng Chạp về chính là lúc “năm hết Tết đến”. Đó là giai đoạn nước rút và tất bật nhất trong năm. Ai ai cũng mong hoàn thành mọi công việc để sang năm mới không phải vướng bận nghĩ suy. Dẫu không biết năm mới sẽ nhiều niềm vui hay nỗi buồn, thành công hay thất bại nhưng chắc lẽ - tháng Chạp là tháng người ta luôn muốn làm việc hết mình và hy vọng vào những điều tốt đẹp phía trước... Tháng Chạp - là thời điểm nhiều miền quê bắt đầu vào vụ mùa hoa màu. Có lẽ, bao nhiêu cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông chỉ có người nhà nông mới thấu hết khi bước chân xuống ruộng đồng mà lạnh đến nỗi hơi thở cũng phả ra làn khói mỏng trong sương sớm. Người nông dân lam lũ phải lo cày đồng, gieo sạ, trồng màu cho xong mới yên tâm ăn Tết. Cả một đời người họ vẫn khổ như thế, cho đến những ngày cuối cùng của một năm... Vào tháng Chạp, phố thị cũng trở nên náo nhiệt và chật hẹp, chỉ có người và xe đua nhau ồn ào, vội vã. Bỗng giật mình mà tự hỏi, đã sắp hết một năm rồi ư? Thời gian trôi nhanh như một cái chớp mắt! Vậy đó!... Trải qua những vô thường, đi qua những vùng đất, gặp gỡ với bao người, nếm từng ngọt bùi đắng cay của cuộc đời thì mới chợt nhận ra mình chỉ là một hạt bụi tầm thường giữa trời đất và nhân gian... Tháng Chạp về, chừng đến ngày hai mươi thì tự nhiên có Tết, không ai bảo ai cũng đều tự nói: “hai mươi”, “hăm ba”, “hăm sáu Tết rồi”… Ngẫu nhiên, ngày dương lịch bị lãng quên trong mười ngày cuối cùng của tháng Chạp âm lịch. Tháng Chạp về, chợt miên man nhớ về những ngày đi chợ Tết thuở còn nhỏ. Có lẽ, đứa trẻ nào cũng háo hức chờ đến Tết để được mẹ, được bà dẫn ra chợ sắm cho quần áo mới hay mua cho những thức quà bóng bay con thỏ, hay tò he hình con gà, con trâu, cái kèn, cái trống ... Thế thôi nhưng vui lắm, thích thú lắm! Chợ Tết ở quê không chỉ là nơi để người ta mua sắm, mà còn là nơi trao gửi những thân tình. Ví như đứa con xa quê cả năm, khi về ăn Tết, mẹ bảo đi chợ cùng, cốt là để hỏi han những người quen đã lâu chưa gặp gỡ, và cũng để chúc nhau những câu tốt đẹp cho một năm sắp đến. Người nhà quê vẫn ấm áp tình nghĩa, vẫn đôn hậu như thế bao đời rồi... Dường như, không có cái gì rộn rã bằng lúc tháng Chạp về. Khi những đứa con xa xứ trở về nườm nượp làm rộn rã mọi ngả đường thôn xóm. Khi những chuyến xe đưa người về quê đông đúc, chen lấn nhưng chẳng ai phiền lòng và to tiếng gì với nhau... Ngày cận Tết, nhà này ngóng con, nhà kia hỏi thăm các cháu, anh chị em, họ hàng có về quê ăn Tết này? Cứ như thế, kẻ xa phương mong tìm lại hương vị Tết quê, tìm về những kỷ niệm ngày trước, về những giá trị văn hóa bản sắc, cội nguồn của quê hương xứ sở. Vậy rồi, lại háo hức ngày Mẹ thả cá chép ra sông tiễn ông Táo về trời, ngày cây nêu được Cha dựng lên trước nhà, ngày Bà đi lễ chùa trong tà áo dài truyền thống, ngày mùng Một tết Ông mặc bộ áo the khăn đống đứng vái trời đất trong vẻ trầm ngâm, hay ngày cùng người thân đi thăm viếng mồ mả tổ tiên dòng tộc, được diện đồ đẹp đi chúc Tết họ hàng các nơi... Tháng Chạp về, cây đào phai xứ Bắc đang chờ ngày đơm bông, bụi cúc vàng đã đua sắc nơi dẻo đất miền Trung, còn khóm mai già phương Nam cũng lại vươn mình trổ những búp lộc non... Năm nào cũng vậy, nhưng mỗi khi tháng Chạp về lại chộn rộn, nao nao trong lòng biết bao cảm xúc; vẫn ước mong cho một năm mới hạnh phúc, an khang trên khắp các mái nhà Việt từ nông thôn cho tới thành thị, từ cửa biển cho tới triền núi cao, từ trong nước lẫn ra hải ngoại... Chao ôi, nghĩ thôi mà cũng đã thấy rộn ràng nơi tâm thức... Tháng Chạp ơi, tháng Chạp! Tháng Chạp về! Vị Tết về! Tết của người Việt! Tết của nước Nam! Nguyễn Trường Xuân TC 19.1.18 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.09 giây