Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
MIỀN CÁI SẮN, MỘT THỜI KHỐN KHÓ cách đây 5 năm, 10 tháng #21748
|
Kính thưa quý thầy cô, các anh chị và các bạn thân mến!
Trieu Nguyen đã quên MTX gần một năm rưỡi rồi! Trieu Nguyen đang viết một loạt bài với chủ đề 'Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó'. Hôm nay, có người anh trong MTX nhắc nhớ, nên Trieu Nguyen mạo muội đưa vào MTX để quý thầy cô, các anh chị và các bạn đọc cho vui. NHT. 22/1/2019 |
|
└(≣) Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó cách đây 5 năm, 10 tháng #21749
|
Lời giới thiệu
Miền Cái Sắn, một dải đất chạy dài gần 30 cây số, từ Kênh H huyện Vĩnh Thạnh tỉnh Cần Thơ cho đến Kênh 5 huyện Tân Hiệp tỉnh Kiên Giang. Quốc lộ 80 và sông Cái Sắn như khúc xương sống, thì các Kênh H, Kênh G…, Kênh A…, Kênh 1…, Kênh 5…, như những xương sườn. Chúng cách nhau 2 cây số và có chiều dài là 12 cây số. Vào năm 1956, người Công Giáo di cư 1954 từ các trại di cư vùng Đồng Nai, vùng Sài Gòn… đã chuyển đến định cư tại miền Cái Sắn. Các hộ dân sinh sống theo từng lô được chia vuông góc với hai bờ các con kênh, mỗi lô có bề ngang 30 mét và chiều dài là một cây số. Mặc dù phải chống lại sự quấy phá của lực lượng du kích từ miệt Cờ Đỏ, Thạnh Trị, Tân Hội…, và cả với bộ đội từ miền Bắc, nhưng miền Cái Sắn luôn thanh bình và trù phú vào bậc nhất vùng Tây Nam Bô. Dân tình miền Cái Sắn hiền hòa và thuận thảo, với tiếng chuông từ các nhà thờ Công Giáo luôn ngân vang hàng ngày, các sinh hoạt tôn giáo cũng nhộn nhịp quanh năm… Hôm nay, những người con của Cái Sắn đã tản mát ở khắp nơi, nhưng hình ảnh miền Cái sắn thuở nào vẫn còn đọng mãi! Mặc dù không được sinh ra tại miền Cái Sắn, nhưng tác giả đã trải nghiệm ở miền Cái Sắn này vào cái thời khốn khó nhất. ‘Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó’ là một chuỗi các truyện ngắn được viết nối tiếp nhau, nhằm gợi nhớ cái thời khốn khó nhất mà người dân miền Cái Sắn đã phải gánh chịu. ‘Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó’ là “đứa con đầu lòng của tác giả”, nên sẽ không tránh khỏi nhiều khiếm khuyết, tác giả chân thành đón nhận và cảm ơn mọi góp ý cho tác phẩm đầu tay này. NHT. 22/1/2019 |
|
└(≣) Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó cách đây 5 năm, 10 tháng #21750
|
Về thôi! Mất nước rồi!
Miền Cái Sắn là một vựa lúa lớn nhất nhì Việt Nam Cộng Hòa thời bấy giờ, mỗi năm chỉ một vụ lúa mùa, trúng thất là nhờ vào ơn trời mưa nắng phải thì. Đầu mùa mưa là mùa gieo xạ, đầu tháng Chạp là mùa thu hoạch. Trước mùa gieo xạ, tháng Giêng là tháng ăn chơi, tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà, tháng Tư cày vỡ ruộng ra… Tháng Giêng là tháng ăn chơi, vì sau Tết chỉ còn một ít việc lặt vặt đồng áng như đánh cây rơm hay rê duồng. Duồng là chỗ tiếp giáp giữa lúa sạch của đống lúa và những rơm rác lụn vụn, chỗ này còn lẫn nhiều hạt lúa không lép mà cũng không mẩy, những hạt lúa này khi vào máy xay xát sẽ thành cám. Đánh cây rơm là một kỹ thuật, mỗi xóm chỉ có khoảng năm ba người là thuộc hàng cao thủ, họ có thể đánh những cây rơm có chiều cao gấp nhiều lần chiều cao của ngôi nhà, có gặp bão tố thì các cây rơm ấy cũng không hề bị siêu vẹo, có mưa dầm hàng tuần thì rơm phía trong cũng không bị ướt. Nói chung, mùa nào cũng có thể dùng rơm tại cây rơm cho việc nấu nướng quanh năm. Tháng Giêng là tháng ăn chơi, vì mùa Tết vẫn còn dư âm nên người ta vẫn còn đi thăm hỏi nhau khi ngày đầu Xuân chưa kịp đến, vẫn còn những con cá tát đìa trước Tết lại được lên mâm, vẫn còn những nhóm bầu cua tôm cá và bài tây, còn tiền thì người ta đặt cược nếu thua nhẵn túi thì đành chầu rìa... Tháng Hai trồng đậu tháng Ba trồng cà, đây là mùa Mầu hay trồng Mầu. Có lẽ vào mùa này, trên các vườn tược xuất hiện đủ các loại màu sắc, nên nó có chữ Mầu chăng? Nhiều nhà có thêm của ăn của để là nhờ vào cộng việc trồng thuốc lào, cà ghém, cà chua, rau cần… Tháng Tư cày vỡ ruộng ra, tháng Tư là tháng chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Vào tháng Tư bắt đầu thấy nhiều người ra đồng để cuốc những chỗ đất bị lỏi, mà các đường vòng của máy cày không thể giáp nhau. Họ cũng ra đồng để định lại ranh giới bằng những cây vè, đi cắm vè bằng cách dùng ba điểm thẳng hàng, những cây vè sẽ thẳng tắp từ đầu lô đến cuối lô. Cây vè được làm bằng tre trúc hay lau sậy, dài khoảng một mét và một đầu của nó được kẹp tờ giấy học trò bằng nửa bàn tay. Vào trưa ngày 30 tháng Tư năm 1975 cũng vậy, người dân miền Cái Sắn đang như mọi năm, để chuẩn bị cho một vụ mùa mới. Chiếc radio ấp chiến lược để ở đầu bờ, mà nhiều người có thói quen đem theo, để nghe cho vui tai, để quên đi những mệt nhọc. Bỗng nó oang oang cái lệnh đầu hàng của tướng Dương Văn Minh. Mọi người thừ người ra, chân tay như bủn rủn, rồi buông hết mọi thứ và cất tiếng í ới gọi nhau: “Về thôi! Mất nước rồi!” Về thôi! Mất nước rồi! Miền Cái Sắn bắt đầu sang một thời kỳ mới! Thời kỳ khốn khó nhất! NHT. 22/1/2019 |
|
└(≣) Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó cách đây 5 năm, 10 tháng #21751
|
Sợ!
Từ chiều hôm ấy, một sự sợ hãi như bao trùm khắp cái miền quê vốn đang yên bình. Không thấy những người thợ làm mướn, hay các xuồng câu đi lại như trước nữa. Thỉnh thoảng mới có vài người ăn mặc nguyên bộ, màu xanh có, màu đen có, cùng nón tai bèo và súng ống đi về hướng quốc lộ 80. Nhìn ra cánh đồng mênh mông với màu bạc của đất, chỉ thấy loáng thoáng những con cò trắng đang quanh quẩn kiếm mồi ven các mép lung hay bờ đìa. Không có một bóng người, mặc dù đang vào mùa gieo xạ. Người lớn thì tụm năm tụm ba bàn tán xì xầm, trẻ con thì tha hồ nô đùa vì không phải lo học hành. Một cụ già ngồi ở ngưỡng cửa hàng giờ, nhìn bâng khuâng ra hướng bờ kênh để ngóng tin con cháu. Nếu như mọi hôm, mặt trời xế bóng là nghe nhiều tiếng chày giã cua, là nóc bếp nhà nào cũng có khói. Nhưng hôm nay bầu không khí cứ im ỉm, tựa như ở những nơi hoang vắng. Cũng chẳng nghe tiếng chuông nhà thờ, và cũng không thấy trống báo hiệu đọc kinh trong khu xóm. Trời càng tối thì bầu không khí như càng trở nên rờn rợn, lực lượng giải phóng qua lại trên đường như càng lúc càng nhiều. Có tiếng loa thông báo từ xa của ủy ban cách mạng lâm thời, nội dung thông báo là ai về nhà nấy, muốn ra khỏi địa phương phải có đơn xin phép, phải giao nộp tất cả những thứ có liên quan đến Mỹ-Ngụy… Sáng hôm sau, người đi kẻ lại tấp nập, những người lính Cộng Hòa đi giao nạp vũ khí và quân dụng, còn lực lượng du kích từ các miệt Cờ Đỏ, Thạnh Trị, Tân Hội thì đi nhận súng ống. Cũng hôm ấy, không biết người ta quản lý kho vũ khí thế nào, mà một quả lựu đạn đã phát nổ, giết thêm một người lính Cộng Hòa khi đang giao nạp vũ khí, có lẽ anh ta là tử sĩ cuối cùng của miền Cái Sắn này. Đoàng! Một tiếng súng nổ chát chúa cạnh cái ao thả cá sát vệ đường, và tiếp theo là tiếng ‘ùm’ như tiếng động của một người vừa nhảy xuống nước. Bà cụ đang ngồi trong nhà thì thầm lần hạt bị hoảng loạn, bà thốt lên: “Giêsu Maria Giuse, lạy Chúa tôi!”. Khi bình tĩnh, bà quay ra hướng cửa hỏi: “Ai bị làm sao vậy mẹ thằng cò?”. Sau khi nghe người con dâu thì thầm vài phút bên tai, bà làm dấu đọc tiếp cho hết chục kinh còn dở, rồi vì dấu thánh giá để kết thúc buổi kinh. Bà ngồi thừ người ra rất lâu, như để suy nghĩ một công việc rất hệ trọng. Bà lại cất tiếng gọi: “Mẹ thằng cò ơi!”, khi chị con dâu chạy vào bà cụ bảo: “Gọi hết bọn trẻ vào đây”. Gần mười đứa trẻ đứng vòng tay trước mặt bà, có đứa là cháu chắt của bà, có đứa là con cháu của hàng xóm. Bà lấy trong cái ruột tượng một gói giấy cũ kỹ và nhàu nát, nhưng khi mở ra thì toàn là tờ 500 đồng con cọp. Bà phát cho mỗi đứa trẻ một tờ, bọn trẻ trố mắt và vòng tay cám ơn rối rít rồi chạy ra sân. Các cụ già chắt chiu cho con cháu từng chiếc nồi đồng, có khi là cả nồi đất, mà các cụ đã phải gồng gánh từ miền Bắc vào. Các cụ không nhòm ngó của ai, các cụ không bao giờ cho trẻ cầm những tờ giấy bạc có mệnh giá lớn, vì sợ tập cho chúng thói ăn tiêu phung phí. Vậy mà hôm ấy, bà cụ đã phát cho đám trẻ toàn là tờ tiền 500 con cọp, rồi bà đưa luôn cái ruột tượng là vật bất ly thân của bà cho người con dâu. Lũ trẻ reo hò vì hân hoan mừng rỡ với tờ 500 đồng trong tay, chúng chạy đi tìm bố mẹ để gởi cái tờ tiền vừa có. Trẻ con của miền Cái Sắn ngày ấy, cầm nguyên tờ 500 đồng để ăn hàng, thì không những chẳng mua được gì, mà còn bị giữ lại để xác minh nguồn gốc. Bà cụ hôm nay không cần tiền bạc hay tài sản nữa, chỉ vì cái tiếng súng vừa rồi! Họ bắn được con cá lớn hay bé bà cũng không để ý đến! Nhưng, cái người vừa bắn cá kia lại là con ông Hai, cả gia đình ông Hai năm nào cũng trọ nhờ nhà bà để cắt lúa mướn. Mới tháng trước, họ còn ở nhà bà để tránh đạn lạc, khi đồn pháo binh Kinh 8 bắn rát quá. Hai anh em thằng Bảy và thằng Tám là con trai ông Hai. Họ thường giúp bà những công việc nặng, kể cả kéo cá ở chính cái ao này. Không những bà luôn trả tiền công sòng phẳng, mà bà thường cho họ thêm, khi thì con cá, lúc là trái mãng cầu… Vậy mà hôm ấy, chính cái thằng Bảy lại có súng và ngang nhiên bắn cá của bà. Sợ! Sự sợ hãi nào rồi cũng dịu xuống, cuộc sống cũng dần phải thích nghi với thời mới, một thời khốn khó. Chỉ có cái đám trẻ con là vô tư nhất, chúng vui như tết! Vui là vì bỗng dưng có tiền, vui là vì đa số không đi học nữa, vui là vì không bị thầy cô phạt bởi cái tội trốn lễ... NHT. 22/1/2019 |
|
└(≣) Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó cách đây 5 năm, 10 tháng #21752
|
Họp
Từ hôm ấy, buổi trưa nào bà con trong xóm cũng phải đi họp, đi họp để nghe các ông ở mặt trận giải thích về đường lối, chánh sách khoan hồng của đảng và nhà nước. Ai vắng mặt mà không có lý do chính đáng, thì coi như là thành phần ngoan cố hoặc là do địch cài cắm lại. Nhà ông Phó chỉ có mỗi cái bàn và năm sáu cái ghế là dành cho các ông mặt trận và các ông ấp, ông Phó là chủ nhà ngồi ở cái giường được kê gần đó. Còn người tham dự cuộc họp thì ai đến trước vào trong, ai đến sau bên ngoài. Hè nhà và bậc lên xuống, sân trước sân sau chỗ nào có bóng mát là có người đứng ngồi. Các anh du kích thì súng ống đi qua lại, hoặc đứng cạnh các bụi chuối hay bờ tre ở gần đó. Ở buổi họp đầu tiên, nhiều người cứ cố chen nhau để xem mặt các ông cán bộ, rồi nhiều người cùng ngạc nhiên. Bởi vì, những người ngồi ở cái bàn cán bộ, lại có ông trùm Họ là dân di cư gốc Bùi Chu, có anh Hai con trai ông Cả là huynh trưởng thiếu nhi Thánh Thể. Các bà còn rành mạch rằng, cái anh Hai ấy lúc ra Hải Phòng để xuống tàu Há Mồm còn bé lắm, mẹ giao cho mỗi cái chiếu cói để cầm vào Nam. Vậy mà, chẳng biết anh ta gấp kiểu gì, khi vào đến trại di cư thì nó đã gẫy ra làm đôi, chỉ trải ăn cơm ở trại Dốc Mơ được ít tháng rồi phải vứt bỏ. Ở bàn cán bộ có cả ông Sáu mà mấy tháng trước vẫn còn đi câu ở khúc sông này, cậu con trai thường theo ông ta chèo xuồng cũng đang làm du kích. Xóm này có anh Tửng, không biết tên thật của anh ta là gì nhưng cả xóm đều gọi là Tửng. Anh Tửng rất chăm chỉ chịu khó, nhà một mẹ một con cùng một lô ruộng, không phải đi lính vì được hoãn dịch gia cảnh. Anh ta thật thà, hiền lành và vui tính. Anh ta có mặt ở đâu là gây cười chỗ đó, có thể là do anh ta kể chuyện tếu lâm, cũng có khi anh ta bị đem ra làm chuyện cười. Không biết do anh quá kén hay bị con gái xóm này chê, mà anh Tửng vẫn cứ ở vậy để nuôi mẹ già. Đã có một bà nói với cánh con gái rằng: “Đứa nào làm vợ thằng Tửng thì sướng cả đời! Chúng mày mở mắt ra xem cái Hĩm mà làm gương, nó ỷ có tý nhan sắc rồi kén. Tao thấy mỗi lần nó về thăm, hai mẹ con nó cứ ôm lấy nhau khóc thút thít, rồi lần nào mẹ nó cũng phải đong cho vài bơ gạo và dúi cho nó mấy đồng tiền còm”. Sau bữa cơm trưa, anh Tửng vội vàng đi họp cho kịp giờ, nên anh quên không thay cái áo nhà binh thường mặc đi ruộng. Ông Năm là cán bộ mặt trận, ông ta đang giảng giải về những thứ có liên quan đến Mỹ-Ngụy cần phải giao nộp cho cách mạng. Trong lúc ông Năm với tay lấy ly nước để nhấp giọng, thì anh Tửng chõ miệng qua cửa sổ hỏi: “Thưa ông Năm, nhà cháu có cái cối giã cua không biết có phải giao nộp không ạ?”. Mọi người cười ồ, ông Năm không trả lời về cái cối giã cua, mà ông ta hỏi lại anh: “Anh là lính gì?”. Anh Tửng trả lời: “Cháu không phải đi lính vì được hoãn dịch gia cảnh”. Ông Năm lại hỏi: “Anh không đi lính sao anh đang mặc áo lính?”. Anh Tửng: “Miền này hầu như ai cũng mặc như cháu để đi ruộng, loại áo quần này thường là xin quần áo cũ của những người thân quen”. Ông Năm cạn hết ly nước và kết luận: “Bà con phải làm sao không còn cái màu của Mỹ-Ngụy là được”. Các loại quân phục nhà binh có màu sáng như binh chủng Hải Quân hay sĩ quan Thủ Đức..., thì người ta tự nhuộm bằng vỏ cây SắnThuyền. Các màu tối như quân phục của Lục Quân hay Địa Phương Quân…, thì phải đón các thuyền thợ nhuộm. Có nhà nhiều quá, phải đóng thùng đào lỗ chôn. Từ hôm ấy, các bộ quần áo đi ruộng không biết gọi là màu gì! Chúng khoang đốm đủ màu, chỗ nách áo thì giữ nguyên màu nhuộm vải, vai và lưng áo thì mờ mờ màu nhà binh… Bởi vì, phần nào bị tiếp giáp nhiều với ánh nắng, thì phần ấy gần như trở về màu cũ, là màu nhà binh. Thằng Tý là đứa láu táu nhất trong đám trẻ ở xóm này, nhưng nó thật thà và tốt bụng, nó còn leo trèo giỏi. Nó thường giúp nhà nọ nhà kia trong xóm hái trái dừa, buồng cau hay quả mãng cầu… Nó hay được tiền quà bánh và nó cũng thường chia cho chúng bạn, thành ra nó như là đứa đầu đàn. Thằng Tý chẳng sót một buổi họp nào, mặc dù chẳng ai mời nó. Đám trẻ trong xóm luôn bám đuôi nó, chúng rảo quanh khắp sân trước sân sau nhà ông Phó, chúng ngắm nhìn các anh du kích từ đầu đến chân, nhất là các khẩu súng. Chơi chán, thằng Tý cất tiếng gọi bạn: “Về thôi các đồng chí ơi!”. Nhanh như chớp, anh du kích đừng gần túm lấy cổ áo của nó, xoắn lại, nhấc lên quát: “Ai dạy chúng mày gọi nhau là đồng chí?”. Thằng bé xám mặt ú ớ chỉ tay vào trong nhà. “Ai?”, anh du kích lại quát. Thằng bé run run rồi lắp bắp: “Dạ! Mấy ông đang ngồi chỗ cái bàn”. Anh du kích hất mạnh tay rồi buông thằng bé ra, thằng Tý lảo đảo thụt lùi ít bước rồi cả bọn bỏ chạy. Kể từ hôm ấy, không còn đứa nào trong bọn thằng Tý dám bén mảng các cuộc họp nữa. NHT. 22/1/2019 |
|
└(≣) Miền Cái Sắn Một Thời Khốn Khó cách đây 5 năm, 10 tháng #21753
|
Món sườn băm muối
Thời trước, ngành công thương trợ giá, nên giá cả thị trường giống nhau. Giá gạo ngoài miền Trung bằng giá gạo tại vựa lúa miền Tây Nam Bộ. Thịt heo ở Sài Gòn bằng giá thịt heo ở Cái Sắn, cũng không có thị trường chợ đen. Người dân mua bán theo nhu cầu, chỉ kẻ đầu cơ tích trữ là phạm pháp. … Sau buổi kinh tối, bà Tám vặn ngọn đèn Hoa Kỳ chỉ còn như một đốm lửa màu xanh và bỏ lên bàn thờ, rồi bà vén mùng ngồi lên giường xoa hai bàn chân vào nhau cho rớt hết bụi bặm, để chuẩn bị đi ngủ. Có tiếng gõ cửa nhè nhẹ kèm theo tiếng ông Tư: “Tôi mới xin được cái giấy phép, sáng sớm mai tôi mổ con heo bị bệnh, nhà bà có muốn ăn gì thì sang lấy”. Bà Tám trong mùng nói vọng ra: “Vâng, em cảm ơn bác, sáng mai em sang sớm”. Ngày xưa, ông Tư mua heo về làm thịt bán cho bà con quanh xóm, tiền mặt hay bán thiếu ông vẫn vui vẻ mổ heo hằng tuần. Còn những ngày khốn khó ấy, thỉnh thoảng ông mới mổ một con, vì phải qua lại với tổ Công Tiêu để xin cho được cái giấy phép là heo bị bệnh. Ngày ấy, phải mua nhu yếu phẩm bằng sổ, một tháng có khi cả nhà chỉ được một ký thịt, nhưng có nhà đã nhịn ăn, để bán cái ký thịt bằng sổ ấy cho con buôn đưa ra thị trường chợ đen. Con buôn còn móc nối với bọn ăn cắp của công, rồi tuồn hàng ra thị trường chợ đen với giá cắt cổ. Bà Tám mua thiếu của ông Tư vài ký sườn cho người con dâu út làm món sườn băm, vì lâu nay các của cháu bà không được ăn thịt, rồi cũng phải gởi cho anh con trai út đang đi cải tạo. Ngày xưa, bà Tám ít khi phải thiếu chịu của ai thứ gì bao giờ, vì người con trai cả của bà là tử sĩ, nên gia đình bà có tiền tử tuất. Bà có tiền Tổ Phụ, cháu nội của bà có tiền Cô Nhi và con dâu của bà ở vậy nuôi con nên có tiền Quả Phụ. Ba thứ tiền ấy cộng với thóc lúa hằng năm từ lô ruộng, thì gia đình nhà bà chẳng thiếu thốn. Nhưng, ba thứ tiền kia không còn, lại cộng thêm gia đình người con trai út từ Sài Gòn về sống chung với bà, để con cháu của bà không phải đi vùng kinh tế mới. Bà Tám trong hoàn cảnh thiếu thốn chồng thiếu thốn là như vậy! Mỗi đứa trẻ một cái tô nhựa cơm nóng và sườn băm còn bốc khói, chúng ăn uống một cách ngon lành. Chỉ có thằng Cu là nó vừa ăn vừa làu bàu: “Ngày xưa, thịt mẹ kho đâu có nhiều xương và mặn chát như thế này!”. Bà Tám nhìn cháu, bà vén vạt áo vừa chấm nước mắt vừa nói: “Ăn mặn nó mới rắn rỏi con ạ!”. Chẳng biết thằng bé có hiểu gì không, nhưng không thấy nó làu bàu nữa. Sáng hôm ấy, thằng Cu cứ quanh quẩn bên bà Tám, nó hỏi bà đủ thứ. “Ba con đi đâu mà không thấy về vậy bà?”. Bà Tám nghé sát tai nó: “Ba con phải đi cải tạo”. Nó lại thắc mắc: “Cải tạo là đi đâu vậy bà?”. Bà Tám chớp chớp mắt không trả lời. Thấy vậy, nó không hỏi bà nữa, mà nó chạy đi tìm mẹ nó. Không thấy chi Út đâu, nên thằng Cu chạy ra sang nhà hàng xóm. Chị Út đang bỏ sườn băm và ít cá kho vào cái loong Guigoz để gởi cho anh Út, thì thằng Cu chạy từ cổng vào, nó vừa thở hổn hển vừa hỏi chị: “Ba có tội gì mà phải đi tù hả mẹ?”. Chị Út im lặng rồi run lên, nước mắt chị giàn giụa… Anh Út và nhiều người trong xóm này được thông báo là đi học tập 10 ngày, nhưng đã hơn ba tháng rồi, mà vẫn chưa thấy ai trở về! NHT. 22/1/2019 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.13 giây