Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
TÌM HIỂU LỊCH SỬ TÊN GỌI 63 TỈNH THÀNH VIỆT NAM cách đây 4 năm, 5 tháng #22300
|
Sưu tầm nguồn gốc 63 tỉnh thành của đất nước chúng ta
1. An Giang xưa là đất Tầm Phong Long, về sau nước Chân Lạp dâng cho chúa Nguyễn, vua Gia Long tổ chức mộ dân đến khai hoang, đưa dân vào định cư trở thành một trong Nam Kỳ lục tỉnh thời nhà Nguyễn độc lập. Tên gọi An Giang nghĩa là dòng sông an lành có thể định cư lâu dài, ý nghĩa cho việc khuyến khích di dân khẩn hoang lập làng. 2. Bắc Giang thuộc bộ Võ Ninh thời vua Hùng dựng nước Văn Lang, đời Lý - Trần gọi là lộ Bắc Giang, đời Lê là phủ Bắc Hà, năm 1822 đổi là phủ Thiên Phúc, đến đời Tự Đức là phủ Đa Phúc. Đến nay chưa thấy tài liệu nào chứng minh, nhưng tên gọi Bắc Giang có nghĩa là phía bắc sông. 3. Bắc Kạn là một tỉnh thuộc vùng Đông Bắc Việt Nam. Bản sao bài văn bia “Tam hải hồ sơn chí” bằng tiếng Hán khắc trên đá dựng ở Bó Lù, bờ hồ Ba Bể, do tác giả Phan Đình Hoè án sát tỉnh Bắc Kạn viết, ông Vi Văn Thượng khắc và dựng bia năm 1925: Chữ “Kạn” trong từ Bắc Kạn có bộ “tài gẩy” bên chữ “Can”, âm Hán Việt đọc là “cản”, chữ này có nghĩa là “ngăn giữ, bảo vệ, chống cự” (phía bắc). 4. Bạc Liêu được phát âm theo tiếng Hán Việt từ tiếng Triều Châu là "Pô Léo", có nghĩa là xóm nghèo, làm nghề hạ bạc (chài lưới, đánh cá, đi biển). Ý kiến khác lại cho rằng "Pô" là "bót" hay "đồn", còn "Liêu" có nghĩa là "Lào" (Ai Lao) theo tiếng Khơme, vì trước khi người Hoa kiều đến sinh sống, nơi đó có một đồn binh của người Lào. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng tên gọi Bạc Liêu xuất phát từ tiếng Khmer Po Loenh, nghĩa là cây đa cao. 5. Bắc Ninh là tỉnh được được nhà Nguyễn lập năm 1822 từ một phần xứ Kinh Bắc. Thời kỳ Hồng Bàng, nước Văn Lang chia làm có 15 bộ, bộ Vũ Ninh là vùng lãnh thổ thuộc phần lớn tỉnh Bắc Ninh hiện nay. Tên gọi Bắc Ninh có thể từ Kinh Bắc và Vũ Ninh mà thành. 6. Bà Rịa - Vũng Tàu là địa danh ghép bởi Bà Rịa và Vũng Tàu. Địa danh Bà Rịa là phiên âm tên nữ thần trấn sóng Chăm Po Riyak, cũng có thể được cấu tạo theo phương thức chuyển hóa từ nhân danh Nguyễn Thị Rịa người Phú Yên, năm 15 tuổi cùng đoàn lưu dân từ Dinh Trấn Biên vào nam, có công lớn trong việc khai khẩn vùng rừng núi Đồng Xoài. Vũng Tàu được thành lập vào ngày 1/5/1895 với tên gọi là Tam Thắng, là tên gọi chung ba ngôi làng với tên gọi Thắng Nhất, Thắng Nhì, Thắng Tam năm 1882 Vua Minh Mạng lập tại đây, vùng đất này có ba mặt giáp biển, rất thuận lợi cho tàu bè đậu tránh gió trước khi vào Gia Định, nên về sau gọi là Vũng Tàu. 7. Bến Tre ngày xưa, theo cuốn “Monographie De La Province De Bến Tre” của tác giả Ménard in năm 1903, người Khơme gọi là Xứ Tre vì các giồng xứ này tre mọc rất nhiều, sau đó người dân lập chợ buôn bán và gọi là chợ Bến Tre, gọi tắt của bến xứ tre. 8. Bình Định là tên do vua Nguyễn Ánh đặt năm 1799 sau khi hạ được thành Quy Nhơn, Nguyễn Ánh bèn cho đổi tên Bình Định, dụng ý thể hiện tư thế của người chiến thắng, có thể Nguyễn Ánh cho rằng mình đã vào tận đất phát tích của nhà Tây Sơn, bình định được “loạn đảng nguỵ Tây” theo cách nói của các vua triều Nguyễn trước đây. 9. Bình Dương trong Địa chí Sài Gòn - Gia Định xưa cho rằng được lấy tên từ địa danh thời Trung cổ Trung Quốc, tên đất khởi nghiệp của vua Nghiêu. Khi làm vua, Nghiêu chỉ ở nhà tranh, vách đất, ăn mặc như thứ dân, ngày cày ruộng cùng dân, đêm đọc sách Thánh hiền, suốt thời gian vua cai trị dân chúng thái bình, thịnh trị, không trộm cắp, trên dưới hòa thuận an lành. Bình Dương nay là một phần của tỉnh Thủ Dầu Một xưa. Về tên gọi Thủ Dầu Một, nhiều người cho rằng có nguồn gốc từ tiếng Campuchia, nhưng phần đông tác giả khác đều nghĩ Thủ Dầu Một là một cụm từ tiếng Việt được hình thành từ sự kết hợp giữa hai thành tố Thủ (giữ) Dầu Một (tên đất), vì theo truyền khẩu thì đồn binh canh giữ tại Bình An nằm trên ngọn đồi có cây dầu lớn gọi là "cây dầu một" nên tên gọi Thủ Dầu Một ra đời. 10. Bình Phước có tên gọi từ ngày 30/1/1971, khi Trung ương Cục miền Nam ra nghị quyết sáp nhập 2 tỉnh Bình Long, Phước Long thành một đơn vị trực thuộc Trung ương Cục. (còn tiếp) |
|
└(≣) TÌM HIỂU LỊCH SỬ TÊN GỌI 63 TỈNH THÀNH VIỆT NAM cách đây 4 năm, 5 tháng #22309
|
11. Bình Thuận là tên gọi có từ năm 1697, khi chúa Nguyễn cho lập Bình Thuận Phủ gồm 2 huyện An Phước và Hòa Đa. Bình chỉ sự khai phá, bình định một vùng đất, Thuận là sự sinh sống hòa thuận mà ở đây là giữa 2 dân tộc Chămpa và Kinh, do lúc này vùng đất này chưa yên ổn nên chúa Nguyễn đặt tên như vậy. Năm 1827, thời vua Minh Mạng, Bình Thuận được đặt thành tỉnh.
12. Cà Mau (cách viết cũ là Cà-mâu) là cái tên được hình thành do người Khmer gọi tên vùng đất này là "Tưk Kha-mau", có nghĩa là nước đen, do lá tràm của thảm rừng tràm U Minh bạt ngàn rụng xuống làm đổi màu nước thành đen. Cà Mau là xứ đầm lầy ngập nước, có nhiều bụi lác mọc tự nhiên và hoang dã. Chính vì lẽ đó từ thuở xưa đã có câu ca dao: “Cà Mau là xứ quê mùa / Muỗi bằng gà mái, cọp tùa bằng trâu". 13. Cần Thơ là địa danh khi đối chiếu với tên Khmer nguyên thủy của vùng này là Prek Rusey (sông tre) không có liên quan gì về ngữ âm, nhưng trước đây có một con rạch mang tên một loài cá có tên Khmer là kìntho (cá sặt rằn), về sau biến âm thành Cần Thơ. Bản thân tỉnh Cần Thơ đã được thành lập vào từ 1/1/1900 dưới thời Pháp thuộc, sau đó theo được tách nhập và xê dịch về địa lý nhiều lần. 14. Cao Bằng xưa thuộc bộ Vũ Định thời Hùng Vương, đến đời Lý về sau là đất Thái Nguyên. Năm 1467 gọi là phủ Bắc Bình, về sau đổi thành phủ Cao Bình. Năm 1676, nhà Lê thu phục từ tay nhà Mạc đặt lại thành trấn Cao Bình. Đến đời Tây Sơn, tên Cao Bình dần trại ra thành Cao Bằng cho đến bây giờ. 15. Đắk Lắk có tên gọi đặt theo tiếng M'Nông nghĩa là "hồ Lắk", với dak nghĩa là "nước" hay "hồ". Đắk Lắk được xem là một trong những cái nôi nuôi dưỡng không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật nhân loại thế giới công nhận. 16. Đắk Nông đặt theo tiếng M'Nông có nghĩa là Nước (hoặc đất) của người M'Nông. Đắk Nông nằm ở cửa ngõ phía tây nam của Tây Nguyên, phía bắc và đông bắc giáp với địa phận tỉnh Đắk Lắk, phía đông và đông Nam giáp tỉnh Lâm Đồng, phía nam giáp tỉnh Bình Phước, phía tây với Vương quốc Campuchia. 17. Đà Nẵng có tên gọi được biến dạng của từ Chăm cổ Đaknan. Đak có nghĩa là nước, nan hay nưn, tức Ianưng là rộng. Đaknan hàm ý vùng sông nước rộng mênh mông ở cửa sông Hàn. Có nhà nghiên cứu cho rằng "Đà Nẵng" có thể xuất phát từ nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, Đakdơng - Đà dơng, có nghĩa là sông nguồn. 18. Điện Biên là vùng đất cổ. Điện Biên Phủ vốn được gọi là Mường Thanh, từ chữ Mường Then theo tiếng dân tộc Thái, nghĩa là Xứ trời. Đây được xem là vùng đất thiêng ở miền biên viễn, theo quan niệm xưa, là nơi thông trời đất. Tên gọi Phủ Điện Biên, hay Điện Biên Phủ được vua Thiệu Trị đặt vào năm 1841, chữ Điện hiểu theo nghĩa này nghĩa là một vùng núi to nhưng đất thiêng, là điện thờ, Biên là biên viễn. 19. Đồng Nai có nguồn gốc tên gọi vẫn chưa rõ ràng. Dân gian quen giải thích do cánh đồng có nhiều nai. Cũng có ý kiến cho rằng Đồng trong Đồng Nai là cách gọi biến âm từ chữ Đờng trong Đạ Đờng (Sông Cái) của người Mạ; bởi vì còn có rất nhiều tên gọi khác bắt nguồn từ chữ Đồng (Đờng?) mà không phải là cánh Đồng: Đồng Tranh, Đồng Môn, Đồng Tràm, Đồng Trường... Vào thế kỷ 17, Đồng Nai hay vùng đất Đồng Nai là ám chỉ cả một vùng Nam Bộ rộng lớn của bây giờ. 20. Đồng Tháp có tên gọi từ Đồng Tháp Mười, tư liệu thành văn viết "đồng Tháp Mười" (không viết hoa chữ "đồng"), có nghĩa "tháp thứ 10" hoặc "tháp 10 tầng", thậm chí có nhiều cách giải thích về 2 ý nghĩa trên theo nhiều giả thuyết khác nhau. Nhiều người cho rằng địa danh Tháp mười được hình thành và chuyển hóa như sau: tháp Mười -> gò Tháp Mười (gọi tắt Gò Tháp) -> đồng Tháp Mười -> vùng Đồng Tháp Mười -> Tháp Mười + Đồng Tháp. |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.11 giây