Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 12 năm, 4 tháng #2271
|
NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ
NGUYỄN PHƯƠNG Đọc những câu chuyện kinh dị của chị Thanh Thảo và của Duy Chiêm, tôi chợt nhớ đến những chuyện lạ đến rợn người mà tôi đã từng chứng kiến. Thực tình đến bây giờ tôi cũng không biết có phải là ma hay không. Tôi không tin chắc lắm nhưng nó cứ hư hư ảo ảo làm sao ấy. CON MA TRÊN CÂY SI Con kinh Đông Bình ngày xưa ấy là một con kinh nước đục vì chở nặng phù sa. Hai con đường nhỏ ngoằn ngoèo chạy dọc theo hai bờ kinh cây cối mọc um tùm mỗi khi màn đêm buông xuống là không khí lại tĩnh lặng âm u, tịch mịch đến phát sợ. Tôi có một kinh nghiệm đi đường kinh vào ban đêm do má tôi truyền lại. Chả là má tôi buôn bán tảo tần mấy chục năm trời ở chợ Tân Hiệp mà. Ngày nào cũng vậy, cứ bốn giờ sáng là bà cụ đã có mặt ở chợ Tân Hiệp để lấy hàng. Không biết bà cụ kiếm ở đâu ra một câu tục ngữ rất hay: “Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen”. Các bạn biết tại sao không? Hôm nào trời mưa, đi ban đêm, dưới ánh sáng lờ mờ của sao trời, ta sẽ thấy những chỗ trắng, đó chính là những vũng nước, ta phải tránh. Còn hôm nào trời nắng thì chính những chỗ màu đen xẫm lại là những vũng bùn lầy lội, trơn trượt đạp vào đó thì sẽ “chụp ếch” liền. Cái từ “chụp ếch” này chúng tôi dùng để chỉ người nào đi đường trơn té lăn quay mình mẩy lấm lem bùn đất giống như người ta đi bắt ếch vậy. Hôm nào trời mưa đi đường kinh thì vất vả lắm, nhất là lúc mưa xong đường mới ráo đi làm sao cho khỏi té là cả một nghệ thuật chứ không phải chơi. Quần phải xắn cao, tay xách dép, mười đầu ngón chân phải bấu chặt xuống nền đường, người đi khom, men theo bờ cỏ mà đi, chớ có bước vào những chỗ cưng cứng vì ở đó còn phủ một lớp bùn loãng rất trơn. Với kinh nghiệm đó, tôi đi đường kinh vào ban đêm rất an toàn không sợ bị ngã. Hồi đó, tôi còn thuộc lòng từng đoạn đường, từng gốc cây. Ban đêm không cần đèn đuốc gì cả, tôi vẫn xác định được đã đi đến đâu và đến nhà ai. Đây là cây ô môi trước nhà cụ Lý Hát, đây là cây gòn nhà bà Dương, còn kia là cây muồng nhà ông Mão, qua nhà bà cụ Đơi là tới cây si nhà ông Cương, đến bụi tre rậm rạp thì đúng là nhà bà Phiêu rồi, sang cầu chùa thì sắp tới nhà Hùng, đến cái miếu ở ngay bờ sông nhìn bên phải thì là nhà của Tín, qua cây cầu khỉ một tí thì đúng là nhà của Thu Trang; đi cầu khỉ, sang bên kia sông vòng trở ra thì gặp ngay nhà của Đào Vũ Lượng, Đào An Viêm, rồi đến nhà của Nguyễn Cao Nguyên.. . .Những con người đó, cảnh vật đó, bây giờ mà tôi có nhắc tới thì lũ trẻ ở trong kinh Đông Bình ngày nay sẽ không hình dung nổi. Thay đổi hết rồi! Con đường kinh ngoằn ngoèo hồi xưa bây giờ thay bằng con đường bê tông thẳng tắp, con kinh bé nhỏ ngày xưa bây giờ rộng và sâu hơn, hàng cây thân thương, thơ mộng ngày xưa bây giờ cũng không còn; những cụ Lý, bà Dương, bà Mão, bà Ngạc, ông Cương, cụ Đơi, bà Phiêu. . . người còn, người mất, người đã chuyển đi. “Đi đêm thế nào có ngày cũng gặp ma”. Câu này nghĩa bóng thì không biết ai đã gặp chưa, chứ theo nghĩa đen thì tôi đã gặp rồi. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy ớn lạnh. Tôi còn nhớ chiều hôm đó, tôi xuống nhà của Đỗ Thị Thu Trang chơi. Hồi đó tôi mê cô nàng này nên hay xuống đây chơi lắm. Bố cô ta cũng thích tôi, nên mỗi lần xuống chơi, ông ấy tiếp đãi tôi rất nồng hậu. Từ nhà tôi đến nhà Thu Trang cũng gần ba cây số đường kinh chứ ít sao! Hôm đó đang ngồi chơi, đàn hát rất vui vẻ thì trời bỗng mưa rất to. Bố cô ta bảo tôi ở lại ngủ qua đêm sáng mai hãy về nhưng tôi từ chối bởi vì tôi chưa báo trước cho má tôi là sẽ đi chơi qua đêm. Đêm đó mãi gần mười một giờ khuya trời mới tạnh mưa. Tôi ra về mà lòng thấy ngao ngán. Ngao ngán vì đường quá xa lại trơn trượt, lại đêm hôm khuya khoắt; ngao ngán vì sợ hãi bởi không khí lạnh lẽo, hoang vắng, âm u, tịch mịch của bóng đêm. Nhưng phải về, phải về thôi, phải mạnh dạn lên! Lòng dặn lòng như thế. Trời vẫn chưa tạnh hẳn, Thu Trang đưa cho tôi một cái áo mưa bảo tôi mặc vào cho khỏi ướt và đỡ lạnh vì ngoài trời gió to lắm. Cô ấy cũng không quên đưa cho tôi cây đuốc để soi đường. Từ không khí ấm cúng ở trong nhà của Thu Trang bước ra ngoài đường, tôi thấy lạnh lẽo vô cùng. Gió cứ rít lên từng hồi, ếch nhái cứ kêu vang trong khoảng không tĩnh mịch. Lâu lâu lại có một lằn sét ngoằn ngoèo trên không trung thoáng soi sáng cả một góc trời rồi bỗng tối om, kèm theo một tiếng sấm nổ kinh thiên động địa. Tôi giật bắn người, ân hận vì hồi nãy không nhận lời ở lại ngủ qua đêm. Thôi, đã lỡ phóng lao thì phải theo lao, tôi cắm đầu, cắm cổ cố đi cho thật nhanh để mau chóng đến nhà. Mới đi được một đoạn chừng vài trăm mét thì một cơn gió thật to đã thổi tắt cây đuốc, vật soi sáng duy nhất cho tôi đi đường. Bóng tối như một bức tường dày đặc bao trùm chung quanh tôi. Tôi phải đứng tại chỗ một lúc để cho quen dần với bóng tối. Lúc này thì không áp dụng “Trời mưa tránh trắng, trời nắng tránh đen” được nữa rồi, bởi vì quanh tôi lúc bấy giờ chỉ toàn một màu đen như mực. Khi con mắt đã quen dần với bóng tối, tôi tiếp tục đi. Đi được một đoạn, tôi thấy có một vật màu trắng ở ngay mé sông. À, đây là cái miếu. Vậy là đã đến nhà của Tín rồi. Chắc bây giờ anh ta đang ngon giấc đây. Nghĩ tới đó, tôi thấy mình thật tội nghiệp. Phải chi mà bây giờ mình cũng nằm ở nhà đắp chăn ngủ một giấc ngon lành thì sướng biết mấy! Con đường vẫn xa hun hút, thỉnh thoảng có một căn chòi ở mé sông có đèn sáng, người ta thức canh để cất vó. Cất vó ban đêm thì được nhiều cá hơn ban ngày nên có khi người ta thức cả đêm để làm công việc này. Khi đi qua những căn chòi đó, tôi thấy bớt lạnh lẽo và cảm thấy yên tâm hơn, nhưng tôi không muốn xin mồi lại cây đuốc bởi vì biết rằng nó sẽ tắt và khi ấy thì sẽ mất thời gian để quen dần với bóng tối nữa. Tôi chỉ đến xin hút một điếu thuốc lào cho lấy bình tĩnh, nói dăm ba câu xã giao rồi lại tiếp tục đi cho thật nhanh, mong cho rút ngắn thời gian sợ hãi này. Khi đến hàng tre rậm rạp, tôi biết là đã đến nhà bà Phiêu rồi, qua nhà bà Phiêu sẽ đến nhà thờ, đi qua sông bằng chiếc cầu xây xi măng rẽ trái ra phía đầu kinh một đoạn ngắn nữa là đến nhà tôi. Vậy là sắp tới rồi, sắp được nằm đắp chăm ấm áp trong nhà rồi. Bỗng một tia sáng lóe lên trên bầu trời soi sáng cây thánh giá trắng xóa trên nóc nhà thờ rồi vụt tắt. Sau đó lại là tiếng sấm nổ vang trời. Quen rồi. Tôi không giật mình nữa. Tôi chỉ đứng lại một tí cho quen với bóng đêm. Nhưng kìa, có một bóng đen to tướng đứng ngay ở đường đi vào nghĩa địa nhà thờ, cách tôi chừng dăm mét. Có lẽ vì sợ quá mà tôi trở nên bình tĩnh đến lạ thường, cũng như khi người ta đau quá người ta sẽ không cảm thấy đau nữa vậy. Tôi đứng lại nhìn chằm chằm vào bóng đen to lớn khác thường đó, rồi hỏi lớn: “Ai đó?”. Bóng đen không trả lời mà di chuyển rất nhanh nhưng không di chuyển vào phía trong nghĩa địa mà lại di chuyển thẳng trên đường, đến cổng nhà thờ thì lên cầu đi qua sông theo đúng con đường mà tôi về nhà mới chết chứ. Tôi tiếp tục đi nhanh qua cầu để về nhà, đến cây si trước nhà ông Cương. Nơi đây, hồi bé, chúng tôi thường tụ tập leo trèo, chuyền từ cành này sang cành kia như những chú khỉ con. Cái giống cây si cành rất dẻo dai lại mọc xum xuê nên chúng tôi rất thích đến đây để đùa giỡn. Hôm nay, cành lá cũng tự nhiên đung đưa, xôn xao như có nhiều người đu vậy. Còn bóng đen to lớn kia tuyệt nhiên không thấy nữa. Tim tôi đánh trống liên hồi, rón rén đi qua cây si, rồi chạy một mạch về tới nhà. - Má ơi mở cửa con vào. - Thằng cha mày! Đi đâu mà nửa đêm mới về vậy? Cho mày ở ngoài luôn. Tôi biết má tôi mắng yêu vậy thôi chứ bà rất thương tôi. Bà lục đục ra mở cửa cho tôi vào. - Con biết bây giờ là mấy giờ rồi không? Hơn mười hai giờ khuya rồi đó. Tôi thanh minh: - Mưa to quá, con về không được, chờ bớt mưa con mới về. Tối hôm đó tôi không sao ngủ được, cứ nhắm lại là cái bóng lại lù lù hiện ra cùng với những cành cây si cứ nhảy múa trước mặt. (Còn nữa) RG,6.7.2012 NP |
|
└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 12 năm, 4 tháng #2280
|
Anh Phương ơi! em xem câu chuyện anh kể nổi da gà luôn, nhưng mà phải cái tật sợ mà vẫn thích nghe hoặc được đọc, nên trông anh kể tiếp đó, em cũng có gặp nhưng anh kể xong đi em sẽ kể câu chuyện của em hồi còn học cấp II ...
MC. SG-7.7.12 |
|
└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 12 năm, 4 tháng #2298
|
Huhu sợ ma gần chết , vậy mà anh chị viết chuyện ma làm em hổng dám đọc . Vào MTX thấy chữ ma là bỏ chạy liền . Huhu
TT 8.7.2012 |
|
└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 12 năm, 4 tháng #2306
|
MỘT CƠN MỘNG DU KINH HOÀNG
NGUYỄN PHƯƠNG Câu chuyện kinh dị thứ hai này xảy ra từ hồi tôi còn bé. Lúc đó, tôi khoảng chín mười tuổi gì đó thôi. Hồi đó làm lúa một năm chỉ có một vụ. Người ta gọi là lúa mùa, thu hoạch vào trước tết âm lịch. Tới ngày mùa thì vui lắm, trẻ con chúng tôi tha hồ ra ngoài sân lúa nô đùa. Nhà nào cũng có một cái sân thật to ở phía sau để cho trâu kéo những bó lúa chín vàng ươm ở ngoài đồng về, người ta gọi là cộ lúa; rồi máy cày sẽ đến quần lên những bó lúa chất thành đống to tướng ở giữa sân cho đến khi hạt được tách ra khỏi bông lúa gọi là rơm. Sau đó người ta dùng cái mỏ xẩy, một dụng cụ có cán dài, đầu có hai chia nhọn dùng để dích rơm ra khỏi những hạt lúa, rơm sẽ được hất ra thành vòng tròn xung quanh sân lúa. Kế tiếp, người ta dùng cái bù cào, trông nó giống y như cái vũ khí của Trư Bát Giới trong tác phẩm Tây Du Ký vậy đó. Cái dụng cụ này dùng để kéo những sợi rơm còn xót lại trong lúa đưa ra ngoài. Rồi người ta gom những hạt lúa vào giữa sân bằng một dụng cụ gọi là cái chan, không biết gọi như vậy có đúng không, nó làm bằng một miếng kim loại dẹt, hình bán nguyệt, phía nửa vòng tròn có một cái lỗ để tra cái cán dài bằng loại tre tầm vông vào trong đó, cái dụng cụ này còn dùng để đảo lúa khi phơi cho khô đều. Lúa lúc này cũng chưa được sạch, người ta còn phải qua một công đoạn rê lúa nữa. Rê là làm thế nào? Người ta dựng một cái dàn cách mặt đất khoảng ba mét, một người đứng ở trên đó, cầm thúng lúa đổ từ từ xuống, những hạt chắc sẽ rớt thẳng xuống đất, còn những hạt bụi, trấu hoặc rơm vụn sẽ bị gió thổi bay đi. Những người còn lại thay phiên nhau xúc lúa chuyền từ dưới lên trên dàn cho người kia đổ xuống, cứ như thế mà làm cho đến khi hết cả mấy trăm giạ lúa mới thôi. Hôm nào có gió thì rê mau, hôm nào không có gió thì có khi làm cả ngày cũng không xong. Nếu mướn được máy quạt thì chỉ cần vài tiếng đồng hồ là xong ngay. Khi đã có những hạt lúa chắc, người ta phơi cho khô rồi vận chuyển lúa từ ngoài sân vào trong nhà đổ vào bồ, chờ đến ngày bán, chỉ để dành đủ ăn một năm. Tất cả những công đoạn lỉnh kỉnh trên bây giờ chỉ cần một cái máy liên hợp gặt đập là xong hết. Thế mà hồi đó người nông dân lại phải cực khổ như vậy đó. Nhưng tôi không hề thấy dấu hiệu mệt mỏi, uể oải trên gương mặt của họ mà thay vào đó là sự nô nức, nhộn nhịp, tất bật, rộn ràng của không khí ngày mùa tạo nên một khung cảnh tươi vui khác hẳn những ngày thường. Có lẽ ngày mùa nhằm vào đúng những ngày đầu xuân không khí mát mẻ lại có những cơn gió se lạnh làm cho tinh thần con người ta hưng phấn hơn. Nhà tôi hồi trước giải phóng, mấy anh chị lớn đều đi học hoặc làm việc ở Sài Gòn, có anh thì đi lính. Ba tôi mất sớm, ở nhà chỉ có má tôi và ba đứa nhỏ: chị tôi, tôi và thằng em út, cho nên công việc đồng áng đều mướn từ A đến Z. Vào những ngày mùa này trẻ con chúng tôi thích trèo lên những những cái cộ cho trâu kéo ra ngoài đồng. Nhưng thích nhất là những đêm trăng sáng, chúng tôi ra sân lúa nô đùa, chơi đủ các trò nào là đá banh, kéo co, u ấp, đá gà. . . Trò đá gà không phải là cho hai con gà đá nhau mà là hai thằng đá nhau bằng cách chỉ đứng một chân, chân kia dùng tay ép lại rồi nhẩy cò cò ép cho đối phương ngã, đứa nào bị ngã hoặc bỏ tay ra trước thì thua. Tôi chơi trò này rất giỏi nên luôn luôn thắng các bạn. Chơi chán rồi chúng tôi lại chui vào trong những đống rơm còn thơm mùi lúa mới ở chung quanh sân lúa trốn nhau, cười khúc khích, mãi khuya mới giải tán. Một hôm, tụi bạn đến sân lúa nhà tôi chơi rất đông. Hôm đó vui lắm mãi thật khuya tụi nó mới về. Cũng như mọi hôm, sau khi tụi bạn giải tán, tôi trở về đống lúa đã được gom lại ngay giữa sân. Ở đó đã được má tôi mắc mùng sẵn và bà cũng đang ngủ trong đó để canh lúa, vì nếu không canh sẽ bị mất trộm. Tôi giở mùng chui vào thì thấy má tôi đã ngáy khò khò. Chắc má tôi làm việc quần quật cả ngày, buổi sáng đi chợ bán hàng, trưa về lo cơm nước cho cả nhà và cho cả thợ làm lúa ăn nữa, buổi chiều lại tiếp họ rê lúa nên bà mệt ngủ ngon lành. Mặc dù chúng tôi nô đùa, hét vang cả cánh đồng nhưng cũng không hề làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bà. Tôi nằm sát bên má tôi, kéo chăn đắp mà thấy ấp áp vô cùng. Ngắm nhìn má ngủ ngon lành, tôi thương má quá. Một mình bà phải lo toan tất cả mọi công việc trong gia đình. Tôi suy nghĩ mông lung một hồi rồi cũng thiếp đi lúc nào không hay. Bỗng một người phụ nữ mặc áo trắng toát, tóc xõa đứng ở ngay ngoài mùng, dưới chân đống lúa, ngay phía bên tôi nằm, giương đôi mắt xanh lè nhìn tôi. Tôi khiếp quá nằm sát bên má tôi, muốn gọi bà thức dậy nhưng không hiểu sao cứ ú ớ không phát ra được thành tiếng. Lúc đầu, tôi không dám nhìn người phụ nữ đó nên quay mặt về phía má tôi, quay lưng ra ngoài. Nhưng rồi lại nghĩ không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở đằng sau mình nên lại quay mặt ra phía ngoài, quay lưng về phía má tôi. Người phụ nữ áo trắng tóc xõa vẫn giương đôi mắt đôi mắt xanh lè nhìn tôi. Tôi nép sát lưng vào má tôi, nhìn lại người phụ nữ ấy. Ô kìa, người đó giơ tay ra ngoắc ngoắc ra hiệu cho tôi đi về phía cô ấy. Thật lạ lùng, tôi không còn thấy sợ hãi gì nữa mà ngoan ngoãn ngồi dậy giở mùng đi ra ngoài theo cô ấy. Thế là cô ấy đi trước, tôi cứ đi theo sau. Đột nhiên, cô ấy quay lại đưa bàn tay lạnh toát cầm tay tôi nói: - Em có muốn ra ngoài đầu ngàn với chị không? - Ra ngoài đó làm gì hả chị? - Chỉ ngồi chơi thôi. Chị buồn lắm. Ra ngoài đó chị sẽ kể chuyện cho em nghe. - Nhưng khuya quá rồi, em không đi xa như vậy đâu. Mà chị là ai vậy? Người phụ nữ nắm chặt tay tôi, dắt đi: - Em cứ đi với chị thì sẽ biết. Bỗng tôi nghe tiếng má tôi văng vẳng: - Phương ơi! Phương ơi! Tiếng kêu của má tôi càng lúc càng rõ hơn còn hình bóng người phụ nữ lại càng lúc càng mờ đi, mờ đi rồi biến mất. - Trời ơi, con đi đâu giờ này vậy nè. Tôi vẫn chưa hoàn hồn. Dưới đêm trăng, tôi mơ màng nhìn thấy mặt má tôi ngơ ngác, lo sợ, cầm tay tôi dắt về phía đống lúa, nơi tôi và má tôi ngủ lúc nãy. Khi tôi đã nằm xuống, má tôi sờ trán tôi, rồi ôm tôi vào lòng: - Con có sao không con? Mấy đứa con bà Dương, con bà Mão, con bà Ngạc nó về hết rồi hả? - Tụi nó về lâu rồi má ơi. Nhưng con vừa thấy một chuyện kỳ quá. Rồi tôi kể hết cho má tôi nghe. Má tôi ôm tôi vào lòng dỗ dành: - Con bị mộng du đó, chẳng có gì đâu. Con trai của má ngủ ngoan nghen. Bà vỗ vỗ vào lưng tôi, tôi nép sát vào người bà và cảm thấy như mình vừa được trở về từ một thế giới khác. Tôi nghe rõ tiếng thở đều đều của má. Nhưng trong hơi thở đó dường như có một nỗi lo lắng mông lung. (Còn nữa) RG, 8.7.2012 Nguyễn Phương |
|
└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 12 năm, 4 tháng #2317
|
A Phuơng ơi!
Nếu như là em thì lúc đó chắc em sẽ hét lên kinh lắm, vậy mà anh còn cố nhìn, rồi còn đi theo cô gái ấy nữa, anh hơi gan lỳ đó nha... Theo em nghĩ, chắc có lẽ Mẹ anh nói đúng đó "anh bị mộng du" rồi!!!.. bị mộng du thì cũng nguy hiễm lắm, nhưng mà... còn đỡ hơn bị ma bắt. Khi em đọc câu chuyện này, em có thêm một cảm nhận khác... không liên quan đến chuyện ma cỏ trong này... đố anh em đang nhìn ra điều gì??... xin anh đoán hình nền .. nếu đúng em sẽ thưởng... MC SG.9.7.12 |
|
└(≣) NHỮNG CÂU CHUYỆN KINH DỊ cách đây 12 năm, 4 tháng #2324
|
Minh Châu ơi!
Thì anh đã kể rồi. Anh cố gắng gọi má thức dậy nhưng không hiểu sao cứ ú ớ không phát ra thành lời được. Sau khi tỉnh hẳn anh thấy tất cả đều diễn ra trong giấc mơ nhưng có điều lạ là anh đã đi cách xa chỗ ngủ đến vài chục mét và má anh dắt anh về trong tình trạng anh như người mất hồn vậy đó. Người ta nói đó là mộng du. Anh cũng chưa đoán được em nhìn ra điều gì khi đọc câu chuyện này,anh cũng không đoán được hình nền của em. Chỉ chờ em giải thích thôi. RG,10.7.2012 NP |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.11 giây