Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM cách đây 2 năm, 4 tháng #23038
|
CHỮ “CẢ” VÀ “CÁI” ĐỀU QUÁ HAY...!
Cô cháu con ông anh tôi về Việt Nam thăm gia đình, hỏi tôi: -Cô có cần gì ở Việt Nam không...? -Có, mua cho Cô một đôi đũa Cả. -Cô à, bây giờ không có ai dùng đũa Cả xới cơm nữa, không biết con có tìm được không...? Ai cũng thổi cơm bằng nồi cơm điện, bấm cái nút xong là xong, nên không dùng đũa Cả, và khi bới cơm ra chén thì họ dùng cái muỗng làm bằng nhựa múc cơm ra. -Cô biết rồi, nhưng cứ tìm mua cho cô, chọn đôi nào đừng dài quá và mỏng mỏng một chút. Đã 45 năm ở Mỹ, tôi vẫn dùng đũa Cả, dùng trong bếp cho rất nhiều việc. Ngoài việc xới cơm, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng một chiếc để khuấy bột làm bánh, khuấy nồi chè, ngay cả khuấy nước xốt nấu mì Ý. Tôi dùng đôi đũa Cả thấy nó gần gũi thân thiện với mình, thấy nó quê nhà quá đỗi...! Chữ “Cả” gợi cho tôi rất nhiều hình ảnh thân thiện về thân tộc, về quê nhà. Như người con gọi “mẹ Cả” không phải là mẹ đẻ ra mình, mà là người vợ đến trước với cha mình, người đó cũng là người “vợ Cả” của cha. Con lớn nhất trong nhà là anh Cả, chị Cả. Vì anh Cả cho nên anh phải nhận lãnh trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, cha mất anh được “Quyền huynh thế phụ.” Thay cha dạy bảo, dựng vợ, gả chồng cho các em. Vợ anh là con dâu Cả phải chia chung trách nhiệm đó với chồng...! Chị Cả, người lớn nhất trong gia đình trách nhiệm cũng quan trọng không kém. Nếu chẳng may cha mẹ mất sớm chị cũng sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình, không lấy chồng, nuôi các em ăn học...! Anh thợ Cả trong công việc là người chỉ dạy, quan sát và chịu trách nhiệm lớn nhất mà chủ giao cho..., thợ Cả quá là “Oai” lắm phải không...? Đôi đũa Cả lớn nhất trong bếp so với những đôi đũa trên mâm cơm và ngay cả đôi đũa Bếp chỉ dùng để xào nấu, vì đũa Bếp chỉ có chiều dài, to hơn đũa ăn cơm nhưng không to bằng đũa Cả. Mỗi lần tôi cầm chiếc đũa Cả lên tôi nhớ đến những chữ: Mẹ Cả, anh Cả, chị Cả, thợ Cả, nhớ đến câu nói lý thú tả cảnh tham lam của người đàn ông trong hôn nhân nữa: “Vợ Cả, vợ Hai, cả hai đều là vợ cả.” Ai muốn hiểu thế nào cũng được, nhưng riêng ông chồng thì muốn ôm “Cả và Hai” vào trong lòng....! Nay lại càng muốn “Cơi nới” thêm mà chẳng muốn bỏ ai... Lan man ra tới chữ “Cả” còn thay cho chữ “Cái” nữa, như con sông lớn gọi là con sông Cái, vì là con sông Mẹ (người ta không dùng chữ sông Cả) Chữ “Cái” chính là Mẹ Chữ Cái thường đi theo chữ Con như sông Cái chia nhánh ra thành những sông Con, ngôn ngữ gợi lên hình ảnh gia đình người Mẹ sinh ra các con, đi về muôn ngả. Sông Cái, nghĩa chữ là “sông Mẹ.” Nhiều dân tộc ở Đông Nam Á có thói quen gọi sông lớn nhất trong vùng là “Sông Cái,” như người Thái và Lào gọi sông Mekong là “Me Nam Khong.” Sông lớn sông nhỏ đều có sóng, câu “Gặp cơn sóng Cả đừng ngả tay chèo”, người đi sông nước hàng ngày đều phải nhớ...! Rồi trong ngôn ngữ đời thường người ta dùng chữ “Cái” rất nhiều, như cục men chính để gây giấm người ta gọi là “giấm Cái,” người Mỹ cũng dùng chữ Apple cider vinegar with the “Mother” (Mẹ giấm). Cây cột to nhất bác thợ mộc gọi là “cột Cái,” thợ Cái (là thợ chính). Có Cái thì phải có Con, những cây cột còn lại để làm nhà gọi là “cột Con.” Lại còn ngón chân Cái, ngón tay Cái, cửa Cái, rễ Cái, đường Cái nữa… Hiện tại hiếm khi chúng ta thấy được những đôi đũa Cả như vậy trong bữa cơm gia đình nữa...! Người phụ nữ cưu mang sắp tới kỳ sinh nở, người ta nói: Đã “Cả bụng” rồi, tức là to lắm rồi. Con cái hư hỏng thì người Mẹ cũng phải chịu trách nhiệm vì “Con dại Cái mang.” Cứ việc gì cưu mang, có gì trách nhiệm thì được gọi là Cái, là Cả, được giao cho người Mẹ hết. Nhưng người đàn ông mang chức vị to nhất trong làng quê Việt Nam thì được gọi là “Hương Cả.” Chữ “Cái” đi vào lịch sử là “Bố Cái Đại Vương” thì cũng thuộc về người đàn ông. Theo sách Việt Điện U Linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy...! Tôi yêu những đôi đũa Cả vì nó luôn luôn gợi cho tôi hình ảnh của người mẹ, người vợ. Đôi đũa Cả không hề lạc lõng trong ngôi nhà Mỹ này, nó luôn luôn có việc để làm, nó chia chung những hạt cơm trong bát cho mọi người trong gia đình, nó quậy bột làm bánh, nó quậy nồi chè, quậy xốt cà chua nấu mì Ý. Thỉnh thoảng tôi hay cầm một chiếc đũa Cả giơ lên, răn đe các cháu khi chúng phá quá… (chỉ dọa thôi, chưa dùng đũa Cả đánh con cháu bao giờ). Mỗi lần chạm tay vào đôi đũa Cả, tôi thấy như mình được chạm vào một bụi tre ở quê nhà, đôi khi nhắm mắt lại tôi còn nghe được tiếng gió xào xạc trong những bụi tre. Nhớ những câu thơ trong bài “Tre xanh”, nhớ những câu thơ hay: “Tre xanh, xanh tự bao giờ Khi tôi lớn đã có bờ tre xanh... Có manh áo cộc, tre dành cho măng...” Tôi yêu những dòng sông trên quê nhà, những dòng sông được gọi là sông Cái, sông Con, những dòng sông mang phù sa, mang tôm cá đến cho người dân như những người mẹ mang cả đời mình cho con cháu. Mỗi lần nhìn dòng nước có cái ngã ba trước của nhà tôi, tôi hay bâng khuâng nhớ đến câu hát “Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà.” Chúng ta đi, mỗi người mang theo quê hương trong hồn một cách khác nhau. Tôi đi… mang theo đôi đũa Cả và dòng sông mang tên Cái ...! |
|
GIỞ NÓN CÚI CHÀO cách đây 2 năm, 2 tháng #23048
|
CÓ QUEN VỚI NGƯỜI MẤT HAY SAO...? MÀ GIỞ NÓN, CÚI ĐẦU CHÀO TIỄN HỌ VẬY...?”
Buổi trưa, giờ tan học, trước cổng trường Tiểu học đang có rất nhiều phụ huynh chờ đón con, người dõi mắt tìm kiếm, người gọi tên con cháu của mình... Lúc ấy, có xe đám tang đi ngang qua trên đường. Nhiều người ngước nhìn xe đưa tang, người thì tò mò, người thì buộc miệng khen đáng tang quá lớn, rất đông đi theo cả xe lẫn đi bộ, chăm chú bàn tán, có một nhóm người bày tỏ sự phấn khích khi đội nhạc Tây thổi kèn đánh trống vang lên rất khí thế...? Người già, thanh niên có người chê nhạc của Trịnh Công Sơn như bài “Hạ trắng”, rồi “Diễm xưa” nghe buồn quá, có người khen mấy bài nhạc nước ngoài như bài “Hotel California”, bài “Bésame Mucho” nghe quá đã...? Cũng có người góp ý như thế thì không hợp với khung cảnh đám tang, đáng lẽ phải chơi bài: “Lòng mẹ”, Tình cha”, “Ơn nghĩa sinh thành”,... phải phải đạo làm người...! Duy nhất trong số phụ huynh đang ồn ào đó, tôi thấy có một người đàn ông trên Sáu mươi tuổi, lặng lẽ bước xuống chống nghiêng xe, giở chiếc nón bảo hiểm đang đội trên đầu xuống cầm tay, rồi đứng thẳng người, đầu hơi cúi một chút.... Ông cứ đứng vậy, yên lặng chờ xe tang đi qua mới ngước mặt gọi cháu lên xe đi về...! Bất chợt, một người đứng bên cạnh tỏ vẻ ngạc nhiên hỏi: -Ủa... ông quen với người mất hay sao mà cúi đầu chào tiễn họ vậy...?”. Ông trả lời: -Tôi không hề quen biết hay bà con với người đã mất, nhưng sống trên đời, phải có chút tấm lòng, “Nghĩa tử là Nghĩa tận” mà chú em...! Rồi ông giải thích: -Thời tôi đi học, Thầy Cô thường nhắc nhở học sinh phải biết kính trọng và lễ phép với người già, người lớn tuổi, biết thương yêu giúp đỡ các em nhỏ tuổi hơn mình, đi trên đường đi khi gặp người lớn hơn mình phải biết khoanh tay cúi đầu chào, khi gặp đám tang đi ngang phải biết giở nón cúi đầu chào người quá cố để tiễn đưa họ...! Vậy mới đúng...! Chính vì vậy mà các việc ấy bây giờ trở thành thói quen với tôi, mà thói quen thì không bao giờ quên được, việc tôi làm chỉ xem là phản xạ tự nhiên từ nhỏ cho đến bây giờ...! Tôi nghe ông nói, ngẫm nghĩ đó chỉ là chuyện nhỏ, chuyện đạo làm người mà hình như bây giờ trong xã hội rất ít còn tồn tại, nó là thứ “xa xỉ, hiếm quý” đối với mọi người... Một động tác nhỏ nhưng rất văn hoá và nhân văn, một hình ảnh cao đẹp hết sức, phải đáng trân trọng và phổ biến trong xã hội ngày nay...! Tôi mong sao những bài học đạo đức như vậy được chú trọng dạy nhiều hơn trong trường, thay vì chỉ tập trung dạy kiến thức sách vở, để trẻ có thể hình thành những thói quen tốt trong cuộc sống, như có thể giữ yên lặng và cúi chào tiễn đưa khi gặp đám tang đi qua...! |
|
└(≣) TẢN MẠN VỀ CÁCH XƯNG HÔ cách đây 2 năm #23072
|
TẢN MẠN VỀ CÁCH XƯNG HÔ
Sáng nay đi chợ , mình được chứng kiến cảnh đối đáp của một anh bán hàng và một bà khách hàng như thế này Anh bán hàng : _ "Cụ" mua cho con đi (anh bán hàng khoảng ngoài 50 , bà khách hàng khoảng 70 tuổi) Bà khách hàng hỏi lại : _ Anh gọi tôi là "cụ" ... Thế tôi đẻ được ra ông anh à ? Anh bán hàng sững lại mấy giây rồi cười cười giả lả : _ À , con gọi thay cho cháu con ở nhà ... Bà khách : _Tôi đang mua bán với anh chứ tôi có mua bán với cháu anh đâu ??? Và bà khách bỏ đi không mua nữa Thế mới thấy xưng hô quan trọng phết . Hồi mình vào Nam , những người bán hàng rất ngọt ngào . Đáng chị gọi chị , đáng bác gọi bác , đáng cô gọi cô ... Các cháu bé bán hàng thì toàn gọi cô xưng con (với nam giới thì gọi dượng ) nghe thật dễ thương Lại kể một chuyện vui của bọn mình : Một lần bạn bè tụ tập ở một quán cà phê cóc trên vỉa hè . Một cô gái bán tăm đi qua mời mua _ Các cô mua tăm ủng hộ cháu Một cô bạn mình nhanh nhảu rút ví lấy ra tờ 200k _ Bán cho 10 gói (30k) Cô bán hàng giãy nảy : _ Bà đưa tiền to thế này thì cháu làm gì có tiền giả lại ? Cô bạn mình : _ Mày vừa gọi tao là "bà" à ? Thôi không mua nữa Cô bán hàng ngạc nhiên và chúng tôi cũng ngạc nhiên. Cô bán hàng : _Sao thế ạ ? Cô bạn mình _ Mày gọi tao là "bà" thì làm gì còn răng nữa mà mua tăm ? Tất cả cười ồ lên , cô bán hàng cũng cười _ Lần sau cháu rút kinh nghiệm . Ở quê cháu cứ hay gọi thay con Cuối cùng thì chúng tôi cũng mua tăm cho cô gái Rút ra một kinh nghiệm là : Không ai muốn bị coi già trước tuổi (ở Nhật lên xe buýt không cần nhường ghế cho người lớn tuổi bởi nếu ta nhường , có nghĩa coi họ là người già) Ở nhà chúng ta cũng vậy , các con hãy cứ gọi mẹ là mẹ , đừng gọi thay con mình là bà nhé Gọi mẹ nghe vẫn gần gũi thân thương hơn (Suy nghĩ của riêng tôi ) |
|
└(≣) TINH THẦN ĐẶC BIỆT CỦA TIẾNG VIỆT cách đây 1 năm, 11 tháng #23105
|
TINH THẦN ĐẶC BIỆT CỦA TIẾNG VIỆT Theo các nhà ngữ học thì tiếng Mỹ là thứ tiếng nói vay mượn rất nhiều từ ngữ của các tiếng khác trên khắp thế giới, vì vậy mà nó rất dồi dào và sống động, nó là tiếng nói số một của loài người hiện nay. Theo tôi thì tiếng Việt cũng không thua kém chi. Nó đang đứng thứ 12 về số đông người nói và đang lan ra khắp thế giới tự do từ cái biến cố 1975. Nó có một nguồn gốc rất là đa dạng vì qua 2-3 ngàn năm nó đã mượn rất nhiều tiếng Tàu mà xài, rồi gần đây lại còn mượn hàng trăm tiếng một của Pháp mà nói, bây giờ đã trở thành tiếng Việt rồi, thí dụ như béret, kaki, kilo, gara, accu, v.v… Các bạn có thể kể ra vài trăm tiếng như thế. Hiện nay tiếng Việt lại còn đang dùng rất nhiều tiếng Anh Pháp Mỹ vay mượn như computer, battery, charge, v.v... mượn như thế sau này một thời gian sẽ Việt hoá và trở thành tiếng Việt luôn. Đó là một điều hay, rất hay, tiếng Việt dồi dào thêm, có thêm nhiều cách nói, nhiều ngữ vựng, nhiều cách phô bày tư tưởng. Nhưng ta nên để ý rằng dù có nói bao nhiêu thứ tiếng khác nhau đi nữa, ta cũng chỉ có một thứ chữ abc hiện nay để viết, ta không còn viết chữ Nôm nữa, ta không còn viết chữ Tàu nữa, ta không còn biết chữ khoa đẩu là chữ gì nữa, và sẽ không bao giờ. Như trong câu nói sau đây: “Cho xe vô gara, rồi check giùm cái bình điện, nếu hết charge thì câu điện giùm, vô nhà coi công to [compteur] tháng này tiền nước bao nhiêu”. Có đến 6 ngôn ngữ khác nhau của cả thế giới trong câu nói ngắn đó mà ta không ngờ ! [Việt, Tàu, Pháp, Anh, Mỹ]. Một chuyện lạ hơn nữa là, cách đây mấy ngàn năm, ngoài tiếng Tàu ra, ông bà ta còn dùng và xài không biết bao nhiêu là tiếng nước ngoài ở Đông nam Á châu mà ta cứ tưởng đâu là tiếng Việt của ta, không ngờ đó là tiếng nói của biết bao ngôn ngữ láng giềng, mà lại không phải là tiếng Tàu. Thí dụ: Ta nói tha thiết thiết tha đó là tiếng Thái vắng vẻ, đó cũng là tiếng Thái luôn đủng đỉnh, vâng, cũng là tiếng Thái! vơ vẩn vẩn vơ, đó là tiếng Lào đó bạn ơi chân tay, chân mây. nó là tiếng Khmer đó một ngày, một hai ba bốn năm, đó cũng là tiếng Miên luôn! Cụ Nguyễn gia Thiều cách đây gần 200 năm đã viết : “Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán” [đành hanh là tiếng gốc Chàm đó bạn ơi, có nghĩa là ganh ghét, ganh tị] Cụ Nguyễn Trãi cách đây gần 600 năm nói: “Tuy rằng bốn bể cũng anh tam”, [Đó là tiếng Mã lai hiện nay đó bạn ơi, có nghĩa là thằng em trai] Hay là : Hai chữ công danh tiếng vả vê Đó là tiếng Lào xưa đó, vả vê có nghĩa là trống vắng, mà bây giờ người Việt không còn ai nói nữa. Người Việt nói cái dùi cui hay đùi cui thì 250 triệu người Indonesia và Malay cũng nói là đulkul… y hệt! Hai tiếng Nôm na mà ai cũng cho là Nôm là Nam, vậy thì na là gì ? Mọi người đều lờ đi ! Thật ra, Nôm và Na đều có nghĩa gốc là xưa, cũ, lâu đời…đã có từ lâu. [Các tiếng Lào Thái Khmer đều có ghi hai tiếng “nôm na” và đều giải thích như vậy] Tiếng Nôm là tiếng nói xưa của người nước ta, đã nói như vậy từ lâu, truớc khi ông bà ta gặp người Tàu. Còn nhiều nữa, rất nhiều nữa, cả thảy 27 ngàn 400 tiếng Việt như vậy, ta đã cùng nói cùng xài chung, dùng chung, của không biết bao nhiêu là ngôn ngữ anh em chung quanh ta, đến nỗi là không có một tiếng Việt nào mà lại không có chung đồng nguyên [gốc gác] với một vài ngôn ngữ khác ở miền Đông Nam Á này. Các tiếng nói Đông Nam Á [Khmer, Lào, Thái, Chàm, Malay, Indonesia, Nùng, Hmong Bahnar, Rhade, v.v... bao bọc tiếng Việt trong một vòng dây thân ái của tình anh em ngôn ngữ chung giòng chung họ hàng mà chúng ta không ngờ đến đó thôi. Nhưng tiếng Việt có một điểm rất lạ, dễ thì dễ mà khó cũng thật là khó, vì ta tưởng là ta viết được tiếng Việt là ta hiểu được tiếng Việt. Thật ra ta không hiểu tiếng mẹ đẻ của chúng ta nó ra làm sao cả : - ta nói đau đớn mà ta không hiểu đớn là gì, [đớn là tiếng Mon có nghĩa là đau cái đau của lòng mình] - ta nói rộn rịp mà không hiểu rịp là gì, [rịp là bận việc], gốc tiếng Lào Thái đó bạn ơi. - ta nói săn sóc, chăm sóc mà ta chẳng hiểu săn là gì mà sóc là gì. Săn là theo dõi, sóc là sức khoẻ # health [gốc Sanskrit / Pali đó]. Có cả thảy chừng 10 ngàn tiếng Việt gốc gác như thế! Thành thử dù cho ta có biết viết chữ Nôm, hay chữ Tàu đi nữa, ta vẫn không thể nào biết ý nghĩa của mỗi từ ngữ trong tiếng Việt của ta đâu! Biết thêm vài ba ngàn tiếng Pháp, tiếng Anh, chữ Tàu chữ Nôm thì cũng tốt thôi, ta sẽ trở thành một thứ học giả “bất đắc dĩ”, nhưng đừng tưởng rằng như vậy là đã hiểu thông suốt tiếng Việt. Cái này đòi hỏi phải có một trình độ và khả năng hiểu biết ý nghĩa nguồn gốc của mỗi chữ mỗi âm, mỗi từ trong tiếng Việt mà con số lên đến gần 10 ngàn tiếng đơn như vậy. Chỉ có một cách qua được cái khó khăn vượt bực đó. Đó là phải có một bộ từ điển nguồn gốc tiếng Việt, tham khảo khắp cả 58 thứ tiếng lớn nhỏ ở Nam Á Châu, từ tiếng Thái Lào, Khmer, Miến, Malay, Indonesia cho đến những tiếng nói thiểu số với vài ba trăm ngàn người, tiếng Mường, tiếng Nùng, tiếng Hmong, tiếng Chàm … Chúng nó đều có đóng góp âm thanh, giọng nói và ý nghĩa gốc gác, hay làm nguồn cội ban đầu cho mọi từ, mọi ngữ trong tiếng Việt. Và đó là bộ Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, sắp xuất bản mà chúng tôi xin phổ biến truớc một ít từ ngữ nguồn gốc Việt để các bạn và quý vị xem cho vui. ● Bs NGUYỄN HY VỌNG |
|
└(≣)MẶT NẠ cách đây 1 năm, 9 tháng #23148
|
MẶT NẠ...
Nhìn vào nhà hắn, ai cũng thầm ghen tị và ước mong sao được như vậy. Vợ chồng hắn đều là cán bộ công chức. Hắn làm bên ngành tư pháp, vợ hắn là phó chủ tịch hội phụ nữ huyện. Hai con một trai và một gái ,đứa lớn đang học năm cuối trường Đại học mở thành phố Hồ Chí Minh. Đứa thứ hai thì đang ở nhà. Nói chung hắn toàn điểm ➕, vợ đẹp con ngoan, nhà cao của rộng. Ít ai trong làng trong xã bì kịp. Vợ hắn tuy gần 50 nhưng còn ấy...lắm, sắc nước lại là cán bộ ăn mặc chải chuốt nên còn xuân chán. Là cán bộ lãnh đạo nên vợ chồng hắn sống rất chuẩn mực. Tuy chưa giúp đỡ được ai cái gì, nhưng mọi người đều nể phục về cách sống của vợ chồng hắn Hắn đi công tác đã mấy ngày, thằng con hắn thì hầu như không có mặt ở nhà. Chìa khóa thì vợ chồng hắn ai cũng có ,nên xong việc hắn về mà không gọi điện cho vợ hắn biết. Hơn nữa hắn muốn tạo sự bất ngờ cho thị. 9 giờ tối hắn về tới nhà, hắn mở cổng bước vào. Trong nhà đèn vẫn sáng. Hắn định lên tiếng gọi thì nghe tiếng cười khúc khích. Hắn liền len lén mở cửa nhìn vào. Hắn cả kinh, vợ hắn đang nằm trong lòng một người đàn ông. Cả giận hắn định xông vào bắt quả tang đôi gian phu dâm phụ, nhưng...hắn chợt nghĩ tới danh dự...nên hắn kìm lòng lại. Hắn nhìn kĩ xem người đàn ông đó là ai. Hắn giật nẩy mình,đó là T... Chủ tịch huyện cấp trên của vợ chồng hắn. Hắn nhếch một nụ cười quái dị. Hắn lấy điện thoại quay lại những phút giây quý giá ấy . Xong hắn ra ra ngoài lấy điện thoại gọi cho vợ ông chủ tịch _ Chị à, anh nhà say quá, nhờ chị lên nhà cô P...phó chủ tịch hội phụ nữ huyện đưa anh về cái ạ Nói xong hắn tắt điện thoại rồi đánh xe đi... Hai Hôm sau hắn mới về, hắn vẫn làm như không có chuyện gì xảy ra . Gia đình hắn vẫn êm đềm như trước. Con hắn đã tốt nghiệp ra trường nhờ những đồng tiền của vợ chồng hắn. Nhưng với năng lực và...xin việc ở đâu bây giờ. Hiện kỷ sư, thạc sĩ không có công ăn việc làm nhan nhản. Đúng là một bài toán khó, chợt...hắn nghĩ tới ông chủ tịch huyện. Hôm sau hắn sang nhà ông chủ tịch huyện. Sau khi hàn huyên tâm sự hắn nói _ tôi có con cháu vừa tốt nghiệp đại học xong, hiện chưa có công ăn việc làm mong anh thu xếp cho cháu. Nghe hắn nói xong ông T...xua tay nói _ Không được đâu chú, bây giờ không phải như trước đâu, tôi chịu. Hắn làm một ly rượu rồi nói _ À hôm em đi công tác, anh say ở nhà em, chị nhà có đến đón không ạ Nghe hắn nói vậy ông T...giật nẩy mình xua tay _ Thôi...chú về đi, việc của cháu để tôi sắp xếp. _ Cảm ơn anh Hắn cười nói, rồi chào ông chủ tịch huyện ra về . ... Con gái hắn giờ cũng đã là công chức nhà nước. Thằng con trai hắn bị bắt mấy lần, nhưng đều được tha về... Có lẽ đều nhờ cái đêm công tác về đột xuất đó... (Tú Da) TC 11.2.23 |
|
└(≣) TRĂM NĂM KHÔNG CÔ ĐƠN cách đây 1 năm, 8 tháng #23167
|
TRĂM NĂM KHÔNG CÔ ĐƠN
Gabriel Garcia Márquez gặp người vợ tương lai của mình trên sàn nhảy khi cô 13 tuổi và ngay lập tức hỏi cưới cô. “Bây giờ anh mới nhận ra rằng tất cả những bài thơ anh viết đều dành tặng cho em. Xin hãy làm vợ của anh!" Gabriel trẻ tuổi nói với cô gái Mercedes trên sàn nhảy. "Em đồng ý. Chỉ có điều, nếu anh muốn, em sẽ hoàn thành việc học trước”, cô gái trả lời với tất cả sự nghiêm túc. Đám cưới chỉ diễn ra sau đó 13 năm. Marquez sau này nhớ lại: “Chúng tôi không đính hôn, chúng tôi chỉ kiên nhẫn chờ đợi và không nản lòng với những gì số phận đã dành sẵn cho chúng tôi". Mercedes đã luôn ở bên cạnh Gaby trong quá trình ông viết tiểu thuyết “Trăm năm cô đơn”. Tiền đã cạn, ông chồng bán cả xe ô tô đi mà không đủ - ông đã làm việc suốt ngày đêm trong phòng làm việc, hầu như không ra ngoài. Người vợ lo chu cấp cho gia đình, nợ tiền rau dưa, thịt cá khắp cả làng trên xóm dưới và không ngừng tin rằng chồng mình là một thiên tài. Một năm rưỡi sau, cuốn tiểu thuyết được viết xong, nhưng Marquez thậm chí không có tiền để gửi bản thảo cho biên tập viên. Sau đó, Mercedes đã bán những thứ cuối cùng mà cô ấy còn lại - máy sấy tóc và máy xay sinh tố. Rất nhanh, cuốn tiểu thuyết của chồng cô đã mang lại những lợi nhuận khổng lồ, được công nhận trên toàn thế giới và giải thưởng Nobel. Họ đã sống rất nhiều năm cuộc đời vô cùng hạnh phúc (chứ không hề “cô đơn”) và chưa từng cãi vã nhau! Điều khó hiểu nhất: làm sao họ đã tìm ra nhau và không nhầm về nhau khi nàng 13, còn chàng 18? TC 9.3.23 TÊN ĐƯỜNG TRƯỚC 1975 CÓ ĐIỀU GÌ HAY...? (Đinh Trực sưu tầm) Cách đặt tên đường ờ Sài Gòn trước 1975 rất hay, rất có dụng ý và rất có ý nghĩa...! Người đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài văn minh 4000 năm lịch sử của nước Việt trên từng bước chân đi từ xa xưa đến thời gian cận đại... *Khởi đầu từ Bến xe Miền Tây ta sẽ có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà... Bà Triệu... rồi thì có Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục... Tiếp đến là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh... Lý Chiêu Hoàng. Nhà Trần thì có Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần như: Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư... *Các bến sông gồm có Vạn Kiếp, Hàm Tử... Bến cảng lớn nhất thì đặt tên Bạch Đằng... *Cứ thế vào càng gần Trung tâm thì từ tiệm cận đến hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi... rồi tới nhà Nguyễn lại càng gần trung tâm hơn nữa như Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức, Gia Long... cùng các tướng lãnh như: Võ Tánh, Lê Văn Duyệt... *Chệch qua phía Bắc khu trung tâm (phía Quận 3) thì có triều đại Tây Sơn và các nhà văn, nhà thơ, học sĩ: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... cùng với các Võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu... Phải nói rằng một người đi từ Bến xe vào Trung tâm nếu thuộc “Sử Việt” và để ý tên đường thì rất dễ hình dung mình đang ở khu vực nào trong Thành phố. *Hay nhất là sau dòng chảy 4000 năm lịch sử, thì tất cả đều tập trung vào một đại lộ mang tên "Thống Nhứt", đẹp và rộng với một “mảnh đất” bao la dẫn thẳng vào cơ quan quyền lực cao nhất thời đó. Chính là DINH ĐỘC LẬP. *Con đường nhỏ hơn một chiều, chạy ngang Toà án và cổng chính Dinh mang tên Công Lý (Công Lý thì không thể nào hai chiều được.) Hai con đường song song với Đại Lộ Thống Nhất được mang tên của hai Danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc...! *Tuyệt vời, đó cũng là cách giáo dục Lịch Sử cho Quốc Dân chỉ cần am hiểu Lịch sử, bạn sẽ không bao giờ đi lạc. *Lịch sử là "Kim Chỉ Nam", là “La Bàn”, giúp cho ta biết rõ mình đang ở đâu...? Đang ở vị trí nào..? Cách nhìn ra sao...?, Trong xã hội và thời đại này...! Ba tôi qua đời bất ngờ năm 1964, nhỏ em út còn trong bụng Má. Tôi phải nghỉ học, tìm việc làm ngày đêm để phụ giúp Má tôi nuôi sáu đứa em còn nhỏ dại. Đầu năm 1965, tôi được mời đến dạy kèm Toán cho cô con gái lớn một gia đình người Việt ở Nam Vang. Mỗi ngày 2 tiếng, từ 7 đến 9 giờ tối, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Em học trường Providence, còn gọi là trường Bà Phước, lúc đó chỉ dành cho nữ sinh. Em nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng mới ở lại Cinquième, trong khi tôi đã đậu Brevet d’Études du Premier Cycle hai năm trước. Có lẽ vì là con gái nhà khá giả nên em hơi… làm biếng học, nhất là toán, géometrie và algèbre. Lúc đầu, tôi hơi nản lòng vì… em nhìn bài vở như thấy ma, tôi thường phải làm bài giùm em, nhưng từ từ em nghe lời tôi khuyên, chịu làm bài, chịu học bài, và được lên lớp mỗi năm. Đầu năm 1968, em học Troisième, chuẩn bị thi Brevet. Tôi kèm em từng môn, giúp em làm những bài vở mà đúng ra tôi không cần giúp. Em trả ơn bằng cách mời tôi ở lại ăn cơm tối. Tôi cho em mượn những quyển sách mà tôi đã học qua, trong một lần trả sách, em kèm theo tấm giấy chỉ viết một câu “cho moi làm amie intime của toi nha”. Tôi gật đầu vì sợ em giận, em không thèm học nữa. Từ đó, em hẹn tôi đi chơi cuối tuần, tôi cũng gật đầu với điều kiện là em phải xin phép Ba Má đàng hoàng và phải ráng học. Tôi biết em thương tôi, tôi cũng thương em. Tôi gọi em là “cô Tiên” vì em có dáng dấp qua cầu gió bay, có bước đi lả lướt nhẹ nhàng như các nàng tiên nữ trong vũ khúc nghê thường, vì em đã mang đến cho tôi những cảm xúc mà người trần gian chưa từng cho tôi trước đó. Những ngày mưa, không đi chơi được thì tôi ngồi hát em nghe bên mái hiên nhà: Một chiều cuối tuần mưa bay lất phất và mây trắng giăng giăng Em đến thăm anh vì trời mưa mãi nên không kịp về Bên anh, em lặng nhìn bầu trời và ánh mắt mộng mơ Sợ người yêu khóc, khe khẽ bên tai anh kể chuyện ngày xưa. Chuyện xưa kể rằng trên thiên giới ấy ngày vui kết hoa đăng Thiên Quốc đang vui một nàng tiên nữ làm rơi ly ngọc ngà Đang say nên trời bèn đọa đày nàng tiên xuống trần gian Làm người dương thế không biết bao lâu mới được quay về trời. Em ơi nàng tiên ấy xuống dương trần một chiều mưa bay nhiều Và vì thương trần thế, thương kiếp sống phong sương Nên dù rằng một hôm Thiên Quốc trời sai Gom mây hồng làm xe đưa tiên về Tiên nói dối tiên còn đang giận trời nên tiên chẳng về đâu. Nàng tiên giáng trần không đôi cánh trắng giờ đang ngắm mưa bay Đang đứng bên anh thầm cầu mưa mãi cho tiên đừng về Anh ơi lỡ mà trời gọi về thì tiên chẳng về đâu (Bài hát “Huyền Thoại Một Chiều Mưa”) Nhưng tôi luôn nhớ mình là con trai nhà nghèo, chỉ có chiếc Mobylette cà tàng làm chân đi kiếm cơm mỗi ngày. Em là con gái nhà khá giả, đi học có xe đưa rước, về nhà không làm động móng tay vì đã có chị bếp, chị bồi, chị vú lo toan mọi việc. Nếu hai đứa thành vợ thành chồng, em cực thân là cái chắc. Trong một lần kề vai nhau đi quanh công viên Chùa Tháp, trời bỗng dưng mưa. Tôi bật dù che hai đứa nhưng mưa càng lúc càng nặng hột, em bỗng xoay người lại ôm hôn tôi dưới mưa. Tôi than thầm trong bụng “gặp oan gia truyền kiếp rồi”. Năm đó, em thi đậu Brevet và tôi nghỉ dạy vì vừa xin được cái job thư ký kế toán ở hãng L’UCIA, Nam Vang. Lúc trước gặp nhau 5 ngày mỗi tuần, có nhiều thì giờ để nói với nhau những gì muốn nói. Giờ phải chờ đến cuối tuần mới được gặp nhau vài tiếng, nhớ ơi là nhớ. Tôi bắt đầu làm thơ “nhớ em”… Nhớ lúc xưa kia mới biết nhau Rồi thương rồi nhớ suốt đêm thâu Ðêm nào cũng vái cho mau sáng Nhớ quá trời ơi! Nhớ phát rầu. Nhớ những chiều em qua phố vắng Dáng hồng xen lẫn bóng hàng cau Mân mê vạt áo, em e lệ Những lúc anh nhìn, má đỏ au. Nhớ lúc mình đan tay đếm bước Em run run hỏi: – Sẽ ra sao ? Anh cười, anh nói như đinh đóng: – Anh sẽ yêu em đến bạc đầu! Đưa bài thơ cho em, em bỏ túi nói sẽ về nhà đọc. Tuần sau gặp nhau, em không nhắc gì về bài thơ của tôi mà hỏi tôi nghĩ gì về cuộc sống hai đứa sau này. Tôi nói là nhà tôi nghèo, em nói em biết rồi, tôi phải đi làm giúp Má nuôi các em còn nhỏ, em nói em cũng biết rồi, nếu mình cưới nhau thì em sẽ cực thân hơn là sống với Ba Má em… Em trả lời làm tôi chưng hửng “hiện nay, cái khổ nhất mà “moi” phải chịu đựng hàng ngày là nhớ “toi”, cái cực nhất mà moi phải chịu đựng hàng ngày là làm sao để gặp toi sớm hơn, nên moi không sợ gì cả. Trời sanh voi sanh cỏ”. Tôi khuyên em nên kiên nhẫn, nói cho em hiểu lúc này là thời gian đẹp nhất trong cuộc tình hai đứa, cái nhớ cái thương bây giờ sẽ làm mình gắn bó nhau hơn sau này… Em nghe lời tôi và chuyện hẹn hò của chúng tôi kéo dài cho tới đầu năm 1970. Tướng Lon Nol lật đổ vua Sihanouk, tự phong là tổng thống xứ Kampuchea (Cao Miên). Một số người Miên quá khích thừa nước đục thả câu, “cáp duồn” (nghĩa là chặt người Việt) lẻ tẻ. Đang đêm, họ đến gõ cửa nhà người Việt ở những vùng thôn quê hẻo lánh. Một số người Việt không may đã bị họ chặt đầu, xác thả trôi sông về tới Tân Châu, Hồng Ngự… Nhiều người Việt có chút của ăn của để ở Cao Miên bán tháo tài sản để về Miền Nam Việt Nam lánh nạn. Ba Má em cũng không ngoại lệ. Em gặp tôi bàn chuyện này. Tôi đem việc này hỏi ý kiến ông giám đốc hãng L’UCIA. Ông giám đốc đưa hai đứa tôi về biệt thự do hãng mướn cho ổng ở trên đại lộ Norodom, ngay trung tâm thủ đô Nam Vang. Ổng nói: “nhà tao có 2 người bồi bếp, có 2 con chó berger giữ nhà. Nhà có 5 phòng, tao ở chỉ một phòng. Nếu hai đứa thấy ở nhà mầy không an toàn thì đến đây ở với tao. Tao tin tưởng và cần thằng B. giúp tao giữ gìn sổ sách của hãng nên hai đứa mầy muốn ở phòng nào, muốn ở bao lâu cũng được”. Nghe vậy, chúng tôi yên tâm và quyết định ở Nam Vang dù Ba Má em có về Sàigòn. Em về xin Ba Má cho hai đứa làm đám cưới. Má em có cảm tình với tôi nên gật đầu. Ba em im lặng vì biết tôi nghèo, sợ con gái cưng của ông sẽ cực khổ khi về làm vợ tôi. Em nói với Ba Má em “nếu Ba Má không tổ chức đám cưới cho hai đứa con, tụi con sẽ tự lo. Con muốn làm vợ anh B. danh chánh ngôn thuận”. Và hai đứa tôi tự tổ chức lễ cưới của mình. Sáng ngày 24/02/1970, Má tôi và tôi mang trầu cau và phẩm vật đến xin cưới em. Chúng tôi lạy bàn thờ tổ tiên nhà em, xin quý ngài chứng giám cho chúng tôi thành vợ thành chồng. Tôi mướn xe Mercedes để rước “cô Tiên” xuống trần. Tối đến là tiệc cưới tại nhà hàng La Lune, đối diện State Olympic, với 200 quan khách, họ hàng và bạn bè nhà trai, nhà gái. Dĩ nhiên là có nhạc sống do mấy tên bạn tôi tự mang đồ nghề đến giúp vui. Đêm đó, hai đứa tôi khiêu vũ và cụng ly với bạn bè gần tới sáng. Sau ngày chúng tôi thành hôn thì tình hình chính trị giữa hai nước Kampuchea và Miền Nam Việt Nam biến chuyển dồn dập. Ông bà nhạc tôi và gia đình bay về Sàigòn vài ngày sau đó. Vợ chồng tôi vẫn ở Nam Vang. Tôi vẫn đi làm ở L’UCIA . Khi xác nhiều người Việt trôi về tới Hồng Ngự, Tân Châu, ông Nguyễn Cao Kỳ – lúc đó là Phó Tổng Thống VNCH – ra lệnh cho Quân-đoàn 3 tràn qua biên giới, lấy cớ là để “bảo vệ kiều bào VN”. Trung tướng Đỗ Cao Trí nhận lệnh với lời tuyên bố làm chấn động chính phủ Cao Miên: “Cho tôi 24 tiếng, tôi sẽ chiếm Nam Vang”. Ông Lon Nol nghe muốn té đái. Mới làm tổng thống có mấy ngày, nếu để QLVNCH chiếm Nam Vang thì mất mặt bầu cua. Ông gọi điện năn nỉ chính phủ VNCH đừng chiếm Nam vang nên Quân-đoàn 3 dừng lại ở Neak Luong (người Việt mình gọi là Hố Lương), một bến phà chỉ cách Nam vang 60 cây số. Nghe tin QLVNCH tràn qua biên giới, cả trăm ngàn kiều bào VN ở Cao Miên, trong đó có vợ chồng tôi, bỏ tất cả tài sản, dắt díu nhau vào các trại tị nạn. Các sân trường trung học, chùa, nhà thờ bỗng trở thành những trại tị nạn khổng lồ. Vợ chồng tôi vào trường Seminaire, nơi tôi đã học năm cuối chương trình Tú tài Pháp hai năm trước. Trong trại Seminaire, người ta chia ra nhiều nhóm, mỗi nhóm 10 gia đình, trước hết là để lãnh nước uống, sau là thức ăn, lúc đó chỉ có khô cá lóc do Red Cross cung cấp. Tôi làm trưởng nhóm 31. Đầu tháng 5/1970, ông Nguyễn Cao Kỳ bay lên Nam Vang, nói là thăm xã giao tướng Lon Nol nhưng thật sự là đi thanh tra các trại tị nạn. Tối đêm trước, tôi và các trưởng nhóm được lệnh phải thu tất cả những những gì có thể coi như là vũ khí gồm dao, gậy,… và cùng nhiều người thức gần sáng đêm để dựng cái sân khấu dã chiến. Khi ông Kỳ vào trại Seminaire, ông đến từng lều, bắt tay và hỏi thăm từng người. Điều làm mọi người chú ý là 2 anh đại-úy cận vệ. Họ cao hơn ông Kỳ 1 cái đầu, mặc đồ bay, mang súng ngắn dưới nách, nhưng không cản trở khi kiều bào đến bắt tay, thậm chí ôm hôn ông Kỳ. Ông Kỳ lên sấn khấu, nói vài lời thăm hỏi xã giao rồi hứa: “Tôi sẽ đưa tất cả đồng bào về quê hương!” Ông nhận được những tràng pháo tay như sấm động của mấy ngàn người trong trại Seminaire. Nhiều bà lão bò ra khoảng trống trước sân khấu lạy ông Kỳ như tế sao. Vài ngày sau, chúng tôi được phát thịt heo lần đầu, dù không ai biết ai cho nhưng mọi người nghĩ là từ chính phủ VNCH. Tuần sau, một đoàn “tàu há mồm” của Hải quân VNCH cặp bến sông Mekong. Danh sách từng nhóm được gọi để rời trại xuống tàu về nước. Vợ chồng tôi thuộc danh sách thứ 31 nên gần cuối tháng 5/1970 mới được rời trại. Sau 1 ngày lênh đênh trên sông Tiền (hay sông Hậu?) thì về tới trại Đồng Tâm, Mỹ Tho, lúc đó là hậu cứ của Sư-đoàn 7 BB. Vợ chồng tôi chỉ ở trại Đồng Tâm 5 ngày. Làm giấy tờ nhập cảnh xong thì Ba em lái xe xuống rước về Sàigòn. Cuộc sống chúng tôi từ ngày về Sàigòn không còn… tà tà như lúc ở Nam Vang. Cũng như tất cả Việt kiều hồi hương lúc đó, tôi được hoãn dịch 18 tháng. Thời gian không nhiều nên tôi làm ngày làm đêm. Em cũng đi làm. Cuối tuần hai đứa đưa nhau đi ăn mì xào dòn, hay ăn nghiêu luộc. Mỗi tối đi đàn về, tôi chạy thẳng vô Chợ Lớn mua cho em cái bánh bao Ông Cả Cần của Bà Năm Sa-Đéc. Lúc này em không còn thơ thẩn, mà ngược lại… em ăn rất bạo. Dù không nói ra, tôi biết em đang chuẩn bị cái bụng cho đứa con đầu lòng của chúng tôi, dù không biết lúc nào nó sẽ tượng hình. Nhiều người trong gia tộc hai bên thường trề môi nói “thằng B. con nhà lính tính nhà quan, mới ở Nam Vang về tay trắng mà vợ nó muốn gì được nấy”…. Mấy người này không biết là lúc còn độc thân, tôi đã đọc một câu định nghĩa “người phụ nữ lý tưởng” của một người đàn ông như sau: “Người phụ nữ lý tưởng của một người đàn ông là người bạn, người tình và là người vợ của người đàn ông đó”. Hồi đọc câu đó, tôi chưa gặp cô Tiên nên tôi đã tự hỏi ngược lại là “tôi có thể vừa là người bạn, vừa là người tình, và là chồng của vợ tôi không”. Ông nào muốn biết cái vụ này nó khó cỡ nào cứ thử cua một cô bạn gái rồi cưới cổ về làm vợ thì sẽ hiểu câu… “chưa thấy quan tài chưa đổ lệ”. Nhưng khi gặp rồi thương yêu cô Tiên, cái định nghĩa xưa tự nó cho tôi lời giải đáp. Lúc mới thương nhau, tôi thường kể em nghe chuyện bồ bịch của tôi lúc trước. Em chẳng những không ghen hờn, mà còn góp ý đôi khi rất tiếu lâm, rồi hai đứa cười hí hí. Lúc hai đứa đi chơi, gặp cô nào có “ngực tấn công, mông phòng thủ” là tôi hay quay lại nhìn, em im lặng nắm tay tôi, đợi cô đó đi khỏi tầm mắt mới hỏi “bộ toi hổng thấy cổ đi hai hàng hả?”. Khi vào tiệm bán sách, tôi có cái tật (hổng biết xấu hay tốt) là đứng hơi lâu trước mấy cái đặc san người lớn như PlayBoy. Em im lặng đứng bên tôi, đến khi rời tiệm sách em mới phê bình… “nhỏ này vú đẹp, cô kia mông teo…”. Chỉ khi đến kệ bày mấy cuốn Salut les Copains, em mới thò tay lựa cuốn mới nhất và tự ra quầy trả tiền. Em chưa bao giờ bắt tôi trả tiền những gì em mua cho riêng em. Em chưa bao giờ lớn tiếng hay dùng lời lẽ không lịch sự với bất cứ ai, dù đôi khi tôi hay ai đó vô tình hoặc cố ý làm em giận. Ba em nói với em “Ba thấy nó đi nhảy đầm, tay trái một con, tay mặt một con”. Em trả lời “những gì ảnh làm lúc còn độc thân là quyền của ảnh, con không cần biết (thật ra tôi đã kể em nghe hết rồi). Chỉ cần biết hiện giờ hai đứa con thương nhau thật lòng là được rồi”. Em có cách hôn, chỉ phớt nhẹ, làm tôi hồn phi phách tán. Khi thấy tôi buồn, em cầm tay tôi, xoa nhè nhẹ lên mu bàn tay, khiến tôi quên hết mọi phiền não. Sau này thành vợ thành chồng, em vẫn là người tình tuyệt vời. Em biết cách làm tôi quên những nghiệt ngã mà tôi đã trải qua trong ngày hôm đó. Em biết tiết kiệm, vén khéo với số tiền mà chúng tôi kiếm được. Em không se sua, dù luôn ăn mặc thanh lịch. Mỗi lần hai đứa ra đường là tôi phải ngó trước nhìn sau, coi có tên nào nhìn lén em không. Khi đứa con đầu lòng của chúng tôi chào đời năm 1972, em tự nguyện bỏ bớt chuyện mua sắm cho riêng mình, để có đủ tiền cho con chúng tôi bú sữa Guigoz 3 năm liên tục. Cô Tiên đã là một người bạn, một người tình và là người vợ tuyệt vời của tôi. Được một người vợ như cô Tiên, em muốn gì được nấy không có gì quá đáng. Bán nhà cho em cũng được, huống chi là ba cái lẻ tẻ. Tháng 4/1972, tôi hết hạn hoãn dịch, phải đi lính cho tới ngày tan hàng. Sau 75, có ngày hai đứa phải ăn sáng bằng… cơm nguội, nhưng em luôn dành 1 hoặc 2 đồng cho con chúng tôi có gói xôi nóng hay tô cháo huyết. Cực nhất là lúc chúng tôi về quê tôi sống từ năm 1976 đến năm 1979. Má tôi cho hai công ruộng và nửa công vườn, đủ cho gia đình chúng tôi sinh sống, không cần phải đi làm mướn, làm thuê. Nhưng không may là hai năm 77-78, lũ lụt tràn vào ngập ruộng trước khi lúa chín. Nông dân vùng Tân châu đói thể thảm. May mà tôi cất nhà sàn, cao khoảng 1.5m, nên nước ngập lé đé sàn nhà. Nhiều nông gia ở nhà đất, phải kê tủ giường lên cao, có người kê giường tới gần đụng nóc nhà. Mỗi ngày, cô Tiên ngồi trên sàn nước, miệt mài câu từng con cá chốt, cá sặc, cá lòng tong. Tôi không dám nhìn lâu. Đến bữa ăn chỉ có món cá kho thập cẩm vậy mà thằng con khen “má kho cá ăn ngon”. Tôi mắc nghẹn từng hồi. Rồi cũng qua. Ở quê, em không cho con đi học, nói mấy ổng dốt mà dạy cái gì! Vợ chồng tôi thay nhau dạy con nói và viết tiếng Việt, tiếng Pháp. Bài học tiếng Việt đầu tiên là bốn câu thơ của ngài Lý Thường Kiệt : Nam quốc sơn hà Nam đế cư Tiệt nhiên phận định tại thiên thư Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Tiếng Pháp thì chúng tôi dạy con nói và viết những câu chào hỏi thông thường, không ngờ khi qua Úc nó học tiếng Anh nhanh hơn những bạn tị nạn khác nhờ tiếng Pháp và tiếng Anh có nhiều chữ giống nhau. Qua năm 79, tôi trúng mùa. Bán mấy chục giạ lúa, thêm chút tiền dành dụm, mua được cái ghe nhỏ, tính chuyện lớn. Khoang ghe chỉ vừa đủ cho hai người lớn và một đứa nhỏ chen vai nhau ngủ. Tôi không biết chèo, tập cả tháng sau mới chèo được hai chèo. Em không biết lội nhưng nhất quyết đòi đi đến những nơi có thể cho chúng tôi thấy được tương lai. Em nói “mình đã sống mấy năm ‘có miệng không nói lại câm, hai hàng nước mắt chan dầm như mưa’. Đủ rồi, phải đi tìm tương lai cho mình và cho con”. Vậy là đi. Chèo từ Tân châu tới Long xuyên mất hai ngày. Nghỉ xả hơi một ngày rồi chèo tiếp tới Ô Môn, Cần Thơ, Ngã 7, Sóc Trăng, Hộ Phòng, Gành Hào, và sau cùng là ngã 3 cây Tàn. Ở ngã 3 cây Tàn hơn một tháng vì có người mướn tôi đào ao nuôi cá. Đào ao một tháng được hai giạ gạo và một mớ tiền. Chúng tôi trở ra Gành hào vì thấy nơi này là nơi lý tưởng để ra đi. Tôi giấu dưới khoang ghe cái máy đuôi tôm, thường ngày không dám sử dụng, sợ người ta dòm ngó, định khi nào đi mới xài. Ở Gành Hào đêm trước, thì đêm sau bị bão. Mưa như trút nước, sấm chớp đầy trời. Chiếc ghe tôi lắc lư như người say rượu, nửa đêm đứt dây buộc sào trôi ra giữa sông. May là lúc đó nước lớn, nước từ ngoài biển đổ vô sông, nếu ngược lại thì có thể bão đã đưa chúng tôi qua Thái Lan hay hổng chừng… vô bụng cá. Tôi cột sợi dây quanh bụng, cố gắng lội vô bờ. Hình như… lúc không còn cái gì để sợ nữa thì mình mạnh hơn bình thường nên tôi đã kéo chiếc ghe tới dưới dạ cầu chợ Gành hào. Buộc dây ghe lại đàng hoàng là tôi ngã lăn ra thở dốc, lạnh run cầm cập. Em lau mình cho tôi và đưa tôi cái bánh bía, hổng biết em mua lúc nào, đúng là cô Tiên. Ăn cái bánh bía đêm đó, hương vị thơm ngon còn phảng phất tới bây giờ. Bye bye Gành hào, tôi gắn máy đuôi tôm chạy về Long Xuyên. Chúng tôi ở Long Xuyên gần ba năm. Tôi làm bất cứ chuyện gì, miễn là lương thiện, để có tiền nuôi vợ con. Có lúc đạp xe lôi, có lúc vác lúa gạo ở các nhà máy xay lúa, có lúc làm tạp nhạp. Đến tháng 2/1982, em tìm được đường dây ra nước ngoài vừa với khả năng của vợ chồng tôi lúc đó. Cái may là chúng tôi chỉ đi một lần là tới Mã Lai. Ở Bidong một tháng rưỡi là được phái đoàn Úc nhận. Qua trại chuyển tiếp Sungei Besi2, ngoại ô Kuala Lumpur để khám bệnh, bổ túc hồ sơ. Ba tháng rưỡi sau là chúng tôi có list đi Úc. Vài ngày sau khi đặt chân lên đất Úc, lúc đó chúng tôi chỉ biết tiếng Pháp chưa biết tiếng Anh. Em nói với tôi “moi không thích nhờ thông dịch, nhà mình phải có một người giỏi tiếng Anh, toi phải đi học. Moi sẽ đi làm nuôi toi và con”! Nghe ghê chưa? Mà em cũng không biết tiếng Anh thì đi làm cái gì? Em quên mình từng là một tiểu thơ được cơm bưng nước rót, em quên mình từng đi học có xe đưa rước, em quên mình là… cô tiên của tôi. nên ai mướn gì làm nấy. Quét dọn nhà cửa cho người Úc, chăm sóc con em của đồng hương, làm chả giò bán sĩ (không biết em học ở đâu mà làm chả giò và đổ bánh xèo ngon nhất Darwin). Tôi cũng đi làm ban ngày, đi học ban đêm. Bảy năm ròng rã, tôi lấy được 2 cái Certificates về kế toán và quản trị địa ốc và xin được cái job “Security Administrator” tại trường đại học Charles Darwin University ở Darwin đầu năm 1985. Tôi làm việc tại CDU liên tục hơn 27 năm, đến khi nghỉ hưu cuối năm 2012. Em không đi học tiếng Anh một ngày nào nhưng sau này… lại làm thông dịch cho bạn bè, nhiều nhất là mấy cô lấy chồng Úc, mới qua Úc chân ướt chân ráo, tìm đến em nhờ giúp đỡ. Em chở họ đi làm hồ sơ nhập cư, điền đơn xin tiền an sinh xã hội… Bà xã tôi thương đồng hương nên ai nhờ thì giúp, cứ ăn cơm nhà vác ngà voi, không đòi hỏi ai phải trả đồng bạc nào dù biết làm thông dịch cũng được trả tiền. Mấy cô vợ Úc thương em lắm, cuối tuần là ghé nhà tôi xào xào nấu nấu … thật vui. Hỏi em mới biết, em học tiếng Anh bằng cách theo dõi các chương trình Play School trên TV. Chương trình này dạy con nít Úc nói/viết tiếng Anh để chuẩn bị vô mẫu giáo. Em đọc báo tôi mang về mỗi ngày. Không hiểu chữ nào, đoạn nào thì em hỏi tôi hay tra tự điển. Tiếu lâm nhất là khi bà hàng xóm nhờ em làm thông dịch. Bà này gốc Ý (Italy), có chồng gốc Tây Ban Nha (Spain). Bà ta đến Úc theo diện vợ chồng năm 1978 và không đi học ngày nào. Khi rảnh rỗi bà ta qua nói chuyện với bà xã tôi. Bà ta nói “broken english” với giọng Ý nên tôi và mọi người không ai hiểu cả. Vậy mà bà xã tôi hiểu nên mỗi lần bà hàng xóm cần đi bác sĩ, hay bất cứ cơ quan công quyền nào ở Darwin là qua năn nỉ nhà tôi theo làm thông dịch. Một năm sau ngày đến Úc, tôi được bầu làm tổng thư ký Hội Người Việt Tự Do tại Darwin, sau đổi tên thành CĐNVTD Bắc Úc cho tới bây giờ. Tôi dính với các sinh hoạt của CĐ mình cho tới năm 2017 mới rút chân ra được. Suốt thời gian này, bất cứ tôi làm cái gì đều có sự giúp đỡ, yểm trợ khi công khai khi âm thầm của cô Tiên. Đứa con thứ hai của chúng tôi chào đời năm 1984 tại Darwin. Nhìn em cho con bú, tắm rửa cho con, nâng niu thằng nhỏ như vàng như ngọc, tôi nhớ lại những ngày hai đứa mới thương nhau, mỗi lần bên nhau là bàn chuyện mai này… tôi viết bài thơ tặng em. Một chiều lãng đãng ánh tà dương Em kể anh nghe chuyện mộng thường Đôi mắt em nhìn xao xuyến quá Như sao lấp lánh một trời thương. Từ đó đời mình hết lẻ loi Đan tay qua phố bước chung đôi Em cười rạng rỡ như tiên nữ Tiên nữ của anh – cũng được rồi. Từ đó đời mình ươm ước mơ Từng đêm anh cắn bút làm thơ Mỗi dòng ôm ấp ngàn thương nhớ Thương nhớ lớn theo nổi đợi chờ. Từ đó mình bàn chuyện lứa đôi Mai này, mình có hai con thôi Trưởng nam, phần nó lo hương hỏa Em nó, cô Ba – có rượu mời. Từ đó mình bàn chuyện cưới nhau Anh giành chọn áo cưới cô dâu Màu vàng, hoàng hậu lòng anh đó Em nói : – Màu hồng, áo cô dâu! Từ lúc về làm vợ của anh Âm thầm mình kết mộng ngày xanh Trưởng nam bật khóc, cưng như ngọc Đứa kế trai luôn, quý tựa vàng. Nhiều đêm nằm gác tay lên trán Anh cám ơn Trời, cám ơn em Bảy nổi ba chìm mình chẳng ngán Vì em có anh, anh có em. Từ năm 2005 đến năm 2015, chúng tôi tổ chức những bữa ăn cứu trợ Thương Phế Binh còn sống khổ sở nơi quê mình bằng cách… tổ chức BBQ tại nhà tôi. Thức ăn do bà xã tôi và vài người bạn thân cùng chung sức nấu nướng, tôi bỏ tiền túi mua bia và nước giải khát. Ăn uống free. Tôi để 1 cái “Thùng Cứu trợ” trên bàn, ai cho bao nhiêu, tôi gởi về VN giúp anh em thương phế binh bấy nhiêu, theo tiêu chuẩn mỗi người 100 Úc kim. Vì số người Việt ở Darwin rất khiêm nhường, chỉ có vài trăm người, nên lúc đầu chỉ được vài ngàn. Từ từ, bà con tin tưởng nên khi có dịp đi ngang nhà tôi là họ bỏ tiền vô thùng thơ, không đợi đến Bữa ăn Cứu trợ. Gõ máy tới đây, bỗng nhiên làm biếng… không muốn gõ máy nữa, vì đang nhớ cô Tiên, nhớ quá xá nhớ. Cô Tiên của tôi đã về trời sau khi đã cùng sống chung với cha con tôi 43 năm, 3 tháng, 27 ngày hạnh phúc. Em quy tiên sau một cơn bạo bệnh. Từ một người mạnh khỏe bình thường, đúng 5 tuần sau thành người thiên cổ. Trong những ngày cuối của cuộc sống nơi dương thế, khi thấy hai con đứng nhìn em, nước mắt lưng tròng, em cầm tay con lắc lắc, mỉm cười nói: “Chúa cũng chết, Phật cũng chết, thì Má cũng chết. Má đã trả xong món nợ ân tình với Ba con và các con thì Má đi. Con trai khóc… xấu lắm”. Con tôi quẹt nước mắt… miệng cười méo xẹo. Trong Hospice Hospital, nơi dành cho những bệnh nhân… “terminally ill”, mỗi ngày có y tá đến đánh răng và lau mình cho em. Có một lần em cám ơn họ “Thanks so much for keeping my body clean. I know it’s shutting down”. Cô y tá người Úc trợn mắt nhìn em, rưng rưng nước mắt. Sau này, cô nói với tôi “Tao chưa thấy ai sắp chết mà còn lịch sự và tỉnh táo như vợ mầy”. Khi biết mình sắp trả xong cái nghiệp ở dương gian, em nắm tay tôi dặn dò phải tổ chức tang lễ em như thế nào. Thỉnh vị tăng ni nào chủ trì tang lễ, xong phải hỏa thiêu và chỉ giữ tro cốt 100 ngày. Sau đó mang tro cốt em rải trên sông Parramatta, đoạn gần Opéra House ở Sydney, là nơi em thích đi dạo mỗi lần đi thăm con. Em nói nhỏ nhẹ như đang lo tang lễ của ai khác. Tôi chỉ biết im lặng gật đầu, ráng kềm cho nước mắt đừng chảy ra. Tôi đã làm đúng theo lời em dặn. Từ ngày cô Tiên về trời, cha con tôi đứt ruột đứt gan, tan nát trong lòng. Tôi đã sống những ngày như người chết chưa chôn. Câu chuyện kể có thật của Buu Nguyen |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.18 giây