Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
MIỀN TÂY NGÀY XƯA ẤY cách đây 12 năm, 9 tháng #42
|
HỒI KÝ CỦA CỎ XANH
Không tìm thấy tập tin đính kèm 48affacd_langquenhatrangmd9.jpgTháng 4-75! Cả nước Nam Bắc xum họp một nhà. Tháng 6-76 ! Gia đình Ba Mẹ tôi chia hai,nửa ở Sài Gòn, nửa đi về quê Rạch Giá lập nghiệp ở K. Đông Bình. Chuyến đi này có Anh kế tôi, em kế tôi và mấy đứa em còn nhỏ. Cùng Mẹ, bà Ngoại, Ba tôi vẫn đi làm ở Sài Gòn trong Quân Y Viện. Bước vào tuổi 16. Người ta thường nói tuổi 16 là tuổi Mộng Mơ, không biết tôi mơ những gì khi bước chân xuống đây! Đến đầu Kinh! Gia đình Đào An Viêm là người đỡ đầu, chỉ dẫn gia đình tôi lần đầu tiên đi lập nghiệp ở vùng quê này. Và tất cả được xuống xuồng, để vô nhà Viêm. Con Kinh như vầy sao? Tất cả đều mới lạ, hai bên bờ có những hàng cây họ trồng chạy dài thẳng tắp. Và trông xa xa ở đằng kia... lững lờ trên dòng sông nước đục là rác rến và những đám Lục Bình trôi. Tôi thắc mắc trong đầu: < Truyện viết là Dòng sông xanh, con Kinh xanh, chứ có bao giờ nhìn thấy con kinh nước đục này đâu?> Chỗ đến đầu tiên là nhà Bác Đàn. Được ăn bữa cơm chiều lần đầu tiên ở đây. Những cái lo lắng, cái suy nghĩ,cái ngạc nhiên... cái buồn man mác, làm tôi phải câm nín... không dám nói lòng mình nghĩ gì? Chỉ sợ Mẹ tôi buồn, thôi đành chấp nhận vậy! Đứng ở chân cầu ao vào ngày đầu tiên chiều hôm âý. Sao mình có thể rửa chân bằng cái nước này được? Nhưng bất chợt nhìn qua cầu ao bên kia. Thảo thấy họ đang rửa rổ rau to với nước ao này. Thật là khiếp quá. Lòng sợ hãi nghĩ thầm: . Về đêm chỉ có những ngọn đèn dầu leo lét, nhìn ra ngoài cửa sổ chỉ là màu tối đen dày đặc, sợ Ma là tôi đó, đã vậy còn nghe những tiếng côn trùng hòa tấu đủ mọi thể loại ngoài kia nữa....! Lội Sình! Rồi cũng đến ngày khai giảng cho năm học đầu tiên ở dưới Quê. Cũng là phải học chung với 2 anh em nhà họ Đào nữa. Bà Ngoại, sáng nào cũng phải thức dậy sớm, nấu cơm cho anh em ăn để đi học. Có những ngày trời không mưa thì tôi đi nhanh lắm, và không phải bỏ dép ra mà đi. Còn những ngày bị trời mưa, thì là một cực hình đối với tôi. Anh và em kế tôi, họ là con trai nên thích ứng nhanh, còn tôi chân yếu tay mềm... cộng tính nhát gan. Đôi khi nghĩ lại hình ảnh đó phải bật cười... Hai cọng dây thung, cột trong 2 cổ chân để giữ 2 ống quần đừng tuột xuống. Sách học thì kẹp ở trong nách, tay cầm đôi dép. Còn tay kia, nếu phải lội qua đống sình lầy, thì phải lần hàng rào mà đi... mọi người có nghĩ rằng, đi trên sình là cả một nghệ thuật không? Láng cháng là chỉ đưa 2 chân lên trời... tôi chưa bị đưa 2 chân lên trời, nhưng đã từng bị trượt chân trên bãi sình rồi đó, dính bê bết bùn... Có bữa trên đường đi học gần về tới nhà! Giữa đường là một vũng sình to dài, hai bên chỉ là một khoảng nhỏ để đi... Nhưng nhìn kìa, một chú Ỉn to đang đứng tần ngần ở mép hàng rào, chỉ có đi qua chỗ này được thôi! Nếu đi vào mép ở sông thì chỉ lỡ mà nó rớt xuống bờ sông thì chết toi. Còn sợ nó tấn công nữa chứ! Ở Sài Gòn! Từ nhỏ tới lớn có bao giờ thấy con heo to như vầy đâu. Nhìn quanh quất chẳng có ai đi sau mình để cầu cứu, chỉ đứng đợi nó xê dịch ra chỗ khác thôi... giờ nghĩ lại buồn cười cho cái Ngố của mình ngày xưa ấy. Cai Cầu Khỉ! Đúng là cho cái tên gọi này rồi! Nhiều khi nhìn mấy đứa bé loắt choắt cởi trần, mặc tà lỏn, một tay vịn cầu. Đôi chân của chúng đi thoăn thoắt trên cầu, mặc dù dưới đôi chân ấy là những cây tre oằn qua oằn lại. Đôi lúc đứng nhìn chúng mà lòng khâm phục. Trong lòng nghĩ:< không biết lúc nào mình đi được như chúng>. Rồi có một ngày kia đi thử! Đã đủ can đảm bước được ba bước! Nhìn xuống dưới chân, thấy mình đang đứng ở trên cao.....dưới chân là nước sông đục ngầu, cây tre đang lắc lư...thôi chết tới nơi rồi...bởi vì tôi không biết bơi, mà nếu không biết bơi thì sợ rớt lắm! Bước tới cũng không được mà lui cũng không dám, ngó quanh ngó quất, chắc chắn là không có người nhìn thấy... lúc đó là bò trên cầu và lùi trở lại... Thiệt là thoát mạng. Sợ cho đến không biết bao nhiêu năm để thử lại lần hai... nhưng cuối cùng cũng dám bước qua những chiếc cầu đi dễ. Nhổ Cỏ! Mấy tháng đầu mới xuống, tôi được ông Anh nói: Ở nhà hoài cũng chán, ngoài kia một lô ruộng dài mênh mông bát ngát. Chiều chiều tôi thích đứng ở cuối cồn đất, mắt dõi ra xa, một màu xanh rất đẹp mắt, như một tấm thảm nhung. Màu xanh của lúa nó làm mắt mình dịu lại. Khí trời là đây! Ngày đầu tiên,muốn đi nhổ cỏ, lò dò bước chân ra ruộng. Thảo hỏi anh Thảo: < Nhổ cỏ như thế nào? Chỉ Thảo đi A.Tuấn> Anh mới chỉ cho tôi:< Nhìn xuống gốc của nó, cây nào có gốc màu hồng là cỏ>Được rồi!Tôi lanh chanh nhổ cho một đống to. Anh tôi thấy vậy quay lại nhìn. Trời ơi!Thảo ơi...sao cỏ mày không nhổ mà lại đi nhổ mấy cây lúa đây. Sao hồi nãy Anh chỉ cho Thảo nhổ như vầy. Không nói nữa! Mày đi vào nhà đi... Ngày theo ngày, tháng theo tháng, năm theo năm. Mấy anh em tôi đã hòa nhập vào cuộc sống ở đây. Lúc này nhìn chắc hết ra dân TP rồi. Chắc là Nông Dân chính hiệu! Trường PT Cấp 3 Tân Hiệp. Nói đến ngôi trường thân yêu này. Bản thân tôi, học ở đây 5 năm lận. Lúc này đã có rất nhiều bạn thân từ trong con Kinh này. Họ đã tản mác đi khắp nơi sau khi ra trường ở đây. Trong con Kinh này có rất nhiều trai tài, gái sắc... chính tôi đã được nghe nhiều người nói, mà đúng vậy... Khỏi nói các bạn cũng hiểu? Cuối cùng anh và em tôi đã thi đậu vào Đại Học ở Sài Gòn. Gia đình tôi rời khỏi con Kinh này vào năm 1983! Trở Lại Chốn Xưa! Vào mùa Hè năm nay 2011 Đúng 28 năm sau tôi trở lại con Kinh này. Trên Sài Gòn đi về Rạch Gía. Ngồi trên xe! Cảm giác rộn ràng, háo hức... và hồi tưởng lại những ngày xa xưa ấy. Hình như tôi đã được trưởng thành từ con Kinh Đông Bình này. Bởi vì nó đã rèn cho tôi có được đôi chân sắt đá,cứng cỏi, có lòng chịu đựng...tôi không còn là một con Bé dại khờ, ngố ngáo mà từ đầu bước xuống đây nữa... Tôi nghiệm ra được nó, từ lúc tôi đặt chân lên xứ Mỹ này. Chính nơi đây! Con Kinh nước đục, mùi sình non, ruộng xanh bạt ngàn, cỏ cây tươi mát đã tạo ra được tôi như ngày hôm nay. Lanh lẹ, tháo vát và tôi đàng hoàng đứng vững bằng đôi chân lội sình đó các bạn. Xe từ chạy dọc theo bờ Kinh. Tất cả đã đổi thay, bởi vì con đường hồi xưa đã được tráng xi măng, xe có thể chạy qua cầu đúc. Nhà cửa đã khang trang hơn, họ đã có điện, có TV...có đủ thứ giống như TP. Bạn tôi có nói với tôi rằng:"Thảo bây giờ có muốn lội sình, cũng không có sình để mà lội nữa" Chi em tôi và đứa con gái nhỏ đã đứng trước ngõ. Căn nhà hồi xưa Anh em tôi đã từng ở đây. Tôi nói với con tôi là :"Mẹ học High School từ chỗ ở này đó Bé" Khi xe trở ra đầu Kinh! Tôi hồi tưởng tới người Bạn mà hồi xưa đã từng có nhiều kỷ niệm với họ. Nhưng họ chẳng còn ở đây... đi đâu...? Tôi không thể kiếm ra được. Và nói thầm trong bụng. Cám ơn con Kinh này! Những cây cầu này, những người bạn thân thương của tôi... Dù đã qua mấy mươi năm. Nhưng lòng tôi lúc nào cũng nhung nhớ về các bạn. Đôi khi nhớ đến quay quắt, bồi hồi...và luyến tiếc! Và rồi bây gìơ! Thầy Cô, bạn bè khắp nơi trên Thế Giới này đã quây quần, vui vẻ bên trang Web Maitruongxua này. Rất là cám ơn đến thầy Thanh cô Hà. Bạn Hoàng Hùng và các bạn khác đã tạo cơ hội cho những học sinh dưới mái trường cấp 3 Tân Hiệp, được chia sẻ những ngọt bùi, những thành công trong Gia Đình và trong Xã Hội này. Thân ái gởi đến các thầy cô! Lời cám ơn chân thành nhất. Gởi đến những bạn bè đã từng học chung với Thanh Thảo một cái hôn thắm thiết....nhất. Cỏ Xanh California, Mùa Thu 2011 |
|
└(≣) MIỀN TÂY NGÀY XƯA ẤY cách đây 12 năm, 6 tháng #1555
|
Chào chị Thảo !
" NÓ " có tuổi thơ tưởng chừng vất vả ( vì phải thay đổi chỗ ở nhiều lần )nhưng lại rất dễ thương ( qua những dòng hồi ký của Chị ) Thế mới biết : " Khi ta ở ,chỉ là nơi đất ở Khi ta đi , đất đã hóa tâm hồn " thơ Chế Lan Viên ) ... Phải là người nặng lòng với gia đình , nặng tình với " đất mẹ " mới có được những cảm xúc đẹp như thế ! Nói không phải nịnh - Chị viết hồi ký hay lắm !... BVH cũng có tuổi thơ gắn liền với " con kinh nước đục " nhưng Chị và anh Hùng đã nhanh tay bắt nó " hóa tâm hồn " mất rồi ! Thế nên, BVH viết cảm nhận của mình vào trang này vì cũng muốn 2 trang hồi ký của chị được gần nhau và để dòng cảm xúc của người đọc được "liền mạch " ( mong Chị đồng ý ! ) ... Cảm ơn đã chia sẻ . Chúc chị CỎ MÃI XANH BVH - Sg 24.05.12 |
|
└(≣) MIỀN TÂY NGÀY XƯA ẤY cách đây 12 năm, 6 tháng #1589
|
Mình đã ở Miền Tây,từ khi "ấy" đến bi giờ, nên cảm nhận được những tình cảm mà chị TT đã gởi gấm trong hai bài viết,quả thật chị viết rất hay .
TK |
|
└(≣) MIỀN TÂY NGÀY XƯA ẤY cách đây 12 năm, 5 tháng #1686
|
MIỀN TÂY NGÀY XƯA ẤY - TẬPII
Hồi Ký - Cỏ Xanh Xin riêng tặng Nguyễn Lan Xin thân tặng các bạn học lớp 10C- niên khóa 1977 Xin thân thương gởi đến các bạn:Nguyễn thị Phúc,Roãn Thị Liên,Phạm Thị Bạch và Vũ Xuân Phượng,nhóm được chia đi về cùng một xã với Cỏ Xanh. Sau khi nghe nhà trường thông báo ! Tất cả học sinh hai khối lớp 10 và lớp 11 đi công tác Xóa Dốt Mù Chữ ở huyện Gò Quao một tháng! Em nào không tham gia thì không được trở lại lớp học.Ngày hôm đó đi học về nhà,tôi nói với ba mẹ như vậy...ba không trả lời đi hay không nhưng ba thở dài thườn thượt...tôi hiểu là ba không muốn tôi đi xa nhà như vậy.Nhưng cuối cùng ba mẹ quyết định cho đi và sau đó là đến <ca bài ca con cá> căn dặn đủ thứ,là phải đi chung với bạn,không được đi một mình...nói bên tai tôi suốt một tuần lễ. Tôi lúc đó là lớp trưởng của lớp 10C thầy Trần Anh Kiệt là giáo viên Chủ nhiệm lớp. Trong kinh Đông Bình lớp 10C có khoảng 12 bạn cả nam lẫn nữ . Sáng hôm đó!Ngoài trời mát lạnh qua một đêm mưa,ôm bọc đồ cá nhân lững thững đi ra nhà nhỏ Liên,Bạch rủ đi bộ ra trường.Cả bọn học sinh đều tập trung dưới sân trường và đọc danh sách chia nhóm ở đây. Ngồi trên xe vừa thấy hứng thú là được đi làm cô giáo dạy cấp tốc một tháng cho học trò vùng xa,vừa lo lắng không biết lần đầu tiên xa nhà lâu như vậy...và lắng nghe cái mệt đang thấm dần vì không quen đi xe đò. Rồi cũng tới được huyện Gò Quao vào xế trưa hôm đó.Lúc này chia thành từng toán mỗi toán đều có thầy hoặc cô trông nom.Tôi được vào danh sách 5 bạn,bốn bạn ở kinh Đông Bình:Roãn Liên,Bạch,Vũ Xuân Phượng,Thanh Thảo và người thứ 5 là Nguyễn Thị Phúc ( kinh D).Nhưng không được ở chung,mỗi bạn cách nhau khoảng mấy cây số chỉ gặp mặt nhau vào cuối tuần. - Thảo thì đi ấp Thúy Liễu - Vũ Xuân Phượng đi ấp Định Hòa - Liên,Bạch và Phúc đi Đường Mây vì chỗ này rộng lớn hơn. Từ ngoài huyện muốn qua được các xã ,ấp này thì phải bơi xuồng qua sông Ba Hồ. Đứng trên bờ đợi đò qua con sông to lớn kia,nhìn ra tưởng như biển nó làm mình chóng mặt,nước chảy cuồn cuộn , gíó đã tạo nên sóng...nhìn qua bờ bên kia thấy xa thăm thẳm...sợ quá! Chưa khi nào được đi qua con sông to như vầy vì phần nhát và không biết bơi.Tôi đã bị uống nước bao nhiêu lần ở cái ao bên hông nhà vì tập bơi,càng tập càng bị uống nước...cuối cùng bỏ. Lúc bước xuống xuồng là cái cực hình của tôi hồi lúc bấy giờ,không biết là phải mất mấy năm mới học được cách xuống xuồng,phải có người nắm tay mới xuống được,nếu không là chỉ có lọt xuống mép đìa hay mép sông!Còn lái xuồng thì lâu lắm mới học được,bởi vậy anh hai từ nhỏ đã gọi tôi là <Thủ Ngao>mà chắc đúng vậy!Em gái nó thua tôi tám tuổi,phải nói là tháo vát và khỏe.Khi lên đến lớp 12,bữa nào trời mưa cũng phải bơi xuồng ra đầu kênh đón chị đi học về. Cỏ Xanh và Vũ Xuân Phượng đi vào một phía nên dễ liên lạc hơn.Mỗi đứa được họ gởi vào một nhà,tôi được vào nhà vợ chồng anh Thành có cô em gái út tên là cô Út,may mắn cô này sàng sàng bằng tuổi nên tối ngủ chung cũng đỡ sợ.Chỉ có mỗi cuối tuần tôi lội qua chỗ ở của Xuân Phượng,ngủ tối ở đó để hai đứa tâm sự với nhau cho đỡ nhớ nhà! Buổi học đầu tiên cũng vào khoảng hơn chục người,trong đó cả gia đình anh Thành tham dự và một số hàng xóm,nói chung là những người lớn tuổi và trong đó có Ngôn... Tối này qua tối kia cô giáo bất đắc dĩ và đám học trò không biết chữ bò lê bò càng trên mặt bàn dưới ánh đèn dầu không đủ sáng,hầu như là phải cầm tay chỉ cho người ta viết. Có buổi tối kia!Tự dưng xuất hiện hai anh em nhà họ Tầu lai,họ tới để xin vào lớp học - Ủa! Hổm rày sao không thấy mấy anh?Hôm nay học hơi trễ rồi.Tôi nói - Cô giáo à!Tụi tui ở xa đây chút,hôm nay biết mới tới đăng ký học đó cô giáo. Tụi tui nhỏ lớn không được tới trường,nên giờ không biết đánh vần nữa chứ đừng nói tới viết.Chệt anh nói Tôi thầm nghĩ ! Mấy tên này không biết nói thiệt hay chọc phá đây.Nhưng sao nhìn mặt thấy sáng sủa,không có gì là dân quê cả?Bụng thì hoài nghi nhưng nghĩ cũng đúng...ở cái xứ khỉ ho gà gáy này làm gì có trường cho học sinh trung học tới trường. Cứ vào mỗi tối ! Sau bữa cơm chiều là vào bàn học.Bắt đầu từ đêm đó,có thêm hai học trò nhà họ chệt:Tiền Be chệt anh còn Tiền Bi là chệt em...có hôm bất chợt để ý thấy chệt em liếc nhìn cô giáo...bụng nghĩ tên này tới đây học hay là chọc phá mình nè trời? Và phải cầm tay cho học trò tập viết là chuyện thường xảy ra. Xa nhà ! Xa bạn bè...có hai anh em nhà chệt,có Ngôn ,có cô Út,có anh chị Thành và một số người nữa,ở cũng thấy vui và quen dần. Vào một sáng chủ nhật đó ! Anh em chệt mời cô giáo và cô Út,có Ngôn theo nữa đi qua chợ Hỏa Lựu chơi, cô giáo hỏi: - Chợ Hỏa Lựu đi có xa lắm không!Và ở đâu dzậy? - Phải đi từ sớm! Chợ này về bên Cần Thơ,nằm trong Chương Thiện.Tiền Bi nói - Cô giáo đi chơi với tụi này đi dzui dữ lắm.Phải đi đò qua một con sông lớn Tiền Be nói. - Ừ ! Đi thì đi.Tôi nói Sáng sớm hôm đó ! Anh em nhà chệt và Ngôn tới nhà anh chị Thành,tháp tùng có tôi và cô Út...lội bộ băng qua không biết bao nhiêu mẫu khóm và dừa nước mọc ở dưới rạch,ở đây không có lúa mà chỉ là một màu xám xịt chạy xa thăm thẳm,đó là những mẫu đất họ trồng khóm,vì là có nước mặn nên không trồng lúa được.Trên bờ những rặng dừa xuất hiện khắp nơi,nên tụi này được uống nước dừa cũng nhiều, và cũng nhiều khóm dừa nước,họ chặt lá lợp nhà từ nó,có khi bện làm chổi chà. Xong cũng được bước xuống đò,để họ vượt qua con sông Ba Hồ này.Chệt em giúp tôi xuống đò.Mấy tên chệt này thế nào cũng nghĩ,cô giáo dân ở nhà quê mà không biết bước xuống đò.Họ đâu biết cô giáo xuống quê ở chưa đầy hai năm... Đến chợ,cả bọn vào chợ ăn sáng! Lúc này mặt trời đã ở đỉnh đầu,mua một ít đồ dùng cần thiết,nhưng phải nói chợ Hỏa Lựu lớn hơn chợ Tân Hiệp mình...Và tôi biết được anh em nhà chệt này là dân ở Vị Thanh.Năm 1975 họ không còn đi học ở trường Tàu nữa.Theo ông gìa qua Gò Quao đi làm rẫy. Lúc đó tôi đang học lớp 10 thì học hơn tôi rồi...Sau buổi đi chợ đó,buổi học lại tiết tục nhưng tôi đâu có khờ mà để mấy tên chệt này lừa mình. Chệt em thấy vậy lúc đó không còn gỉa ngu nữa,mà mỗi tối xách cây đàn Guitar mang đến lớp,sau buổi học đàn cho cả bọn và cô giáo nghe. Phải nói là tên chệt này đẹp trai,cao ráo,chơi đàn rất giỏi...hát thì khỏi chê và chệt em muốn cua cô hay sao mà trổ hết ngón nghề,chạy về Chương Thiện xách qua mấy bức tranh < chệt > vẽ,ở dưới có ghi mấy chữ,chữ viết rất đẹp,đẹp hơn chữ của cô giáo nữa,tranh này vẽ hồi còn đi học,làm cô giáo khờ ngạc nhiên hết chỗ nói. Đẹp trai,vẽ giỏi,đàn giỏi,hát hay...viết chữ đẹp và nói chuyện rất lịch sự ! Rồi cũng đến ngày chia tay cô giáo,để cô về lại với gia đình và lớp học.Gia đình anh Thành ,cả xóm ấp làm một bữa tiệc liên hoan linh đình để tiễn chân cô. Ai ai nhìn mặt cũng buồn...tôi biết có một người buồn nhất trong đám học trò đó là Tiền Bi < chệt em >. Tối đó chệt em cầm đàn hát tặng cô giáo bài <Thành Phố Buồn.> Bài hát đó chệt em hát quá hay,với giọng trầm bổng của anh ta,với ngón đàn điêu luyện,lên xuống nhịp nhàng...tất cả đều trố mắt nghe anh ta hát.tôi phải mất không biết mấy năm để quên hình ảnh và bài hát đó. Nhưng cứ mỗi lần loáng thóang ở đâu đó tiếng nhạc bài <Thành Phố Buồn> cất lên là lòng lại chùng xuống... Lúc ngày đầu tiên gặp Vũ Xuân Phượng sau hơn ba mươi năm xa cách! Hai đứa nhắc lại chuyện đi Gò Quao! Xuân Phượng nói:< Nhỏ là có số đào hoa, ở cái chỗ đó mà còn kiếm ra được một anh chàng đẹp trai! > - Ê! Đừng có nói bậy nha nhỏ,tên đó thích ta chứ hồi đó sợ ông gìa ,đâu dám hó hé gì đâu? Tôi nói. - Còn nhỏ hình như dễ ngủ lắm hả? Xuân Phượng hỏi - Sao nhỏ biết ! Tôi hỏi - Sao không nhớ! Nhỏ quên rồi,hồi đi dạy học ở Gò Quao ,hai đứa cuối tuần ngủ chung.Tối hôm đó,nhỏ vào mùng nằm trước,ta vào sau lo chèn mùng, đang kể chuyện với nhỏ,nhỏ ngủ mất tiêu hồi nào?Xuân Phượng nói. Tôi ôm bụng phá lên cười! Đúng ý quá đi thôi và cười chuyện nó xảy ra gần 36 năm mà nhỏ này còn nhớ mới lạ chứ...Lần nào đến nhà nhỏ Phượng là cô nàng chuẩn bị đủ thứ món đãi khách.Chỉ có hai đứa trên bàn ,ăn xong mặt đối mặt nói hoài không hết chuyện...toàn là chuyện hồi ấy! Trở lại chuyện ở huyện Gò Quao... Chiến dịch xóa dốt cách nay 36 năm,những kỷ niệm ngày xưa hôm nay nó tuôn trào trên những dòng chữ này.Cũng khó mà quên được! Bởi vì tuổi học sinh còn quá nhỏ,chỉ biết vui đó,buồn đó...và chỉ biết cảm nhận chưa biết suy xét... Nhưng lòng tôi quá khâm phục còn có những người bạn thân thương của tôi lâu lâu vẫn tới lui thăm viếng chốn xưa...Cần nhắc đến cô bác sĩ bạn thân tôi nữa,thường xuyên giúp đỡ một gia đình mà ngày xưa bạn ở trong nhà đó.Bạn bây giờ là một bác sĩ Trưởng Khoa Phụ Sản ở huyện Gò Quao. Rồi một bạn học chung lớp 10C ở tận phương trời xa Boston,chuyến về thăm quê hương năm ngoái cũng tìm về chốn cũ thăm cảnh cũ...người cũ ( Thanh Thảo cảm phục bạn nhiều lắm đó Dũng Mập,cảm phục tính kiên cường của bạn,cảm phục cái lòng thương người mà bạn sẵn có... Cái đau khổ của mỗi người...hy vọng là không đi đến tận cùng vì con đường thẳng tắp vô hạn định đó...đôi khi sẽ có một ngã rẽ bất ngờ...Thảo hy vọng rằng bạn sẽ có ngã rẽ đó! Nếu bạn vô tình đọc được bài viết này của Thanh Thảo thì đây là lời chân thật nhất đến với bạn! ) Xin hẹn gặp tái ngộ Gò Quao một lần!Sau 36 năm dài xa cách...! Cỏ Xanh Cali,30.05.12 |
|
└(≣) MIỀN TÂY NGÀY XƯA ẤY cách đây 12 năm, 5 tháng #1709
|
Thảo ơi viết hồi ký tốt lắm theo mình cái văn phong chân thật và hồn nhiên ấy quý lắm.
Thảo nên phát huy ít nhất cũng làm cho thần kinh của mọi thành viên mtx được giãn ra khi đọc bài của bạn. Đối với TG, sau khi đọc bài của bạn, TG càng cảm mến người của ngày xưa hơn và sự tiếc nuối một lần nữa lại trỗi dậy. Chúc bạn thành công 1.6.2012 Tú Gân TG cho NP “ké” một cặp lục bát nhé Người mà đến thế thì thôi Tình xưa, nghĩa cũ bao giờ cho quên RG, 1.6.2012 Nguyễn Phương |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.10 giây