Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
TẤM LÒNG CHO NGÀY 2O/11 cách đây 12 năm #4401
|
Không tìm thấy tập tin đính kèm untitled.pngNGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN TRONG ĐỜI Trong ngày hội của thầy cô,học trò ai ai cũng tươi cười hớn hở. Tất cả đều mong cho những người thầy, người cô mình thương yêu nhất được an vui và hạnh phúc. Em cũng vậy, luôn tin chắc tất cả những người THẦY đã viết vào tấm bảng cuôc đời em đều đang hưởng phước, sớm tối vui vầy bên con cháu. Mỗi sáng tinh mơ hay khi chiều lặng tới, chén trà thơm đã cùng thầy cô quay nhìn về quá khứ và dừng lại rất lâu bên mái trường xưa... thật ấm áp, ngọt ngào. Nhưng có một người THẦY em đã quên từ lâu, hôm nay bất chợt ào về đánh thức tuổi thơ em, là cô giáo dạy vỡ lòng thuở ấy. CÔ ơi! Suốt từ đầu kênh đến sông ngang, sáu cây số đường đất chạy song song cặp hai bên theo con sông đào có hai rặng dừa xanh xum xuê đều như cưa, cứ ba mươi mét đất là một nhà, không cha mẹ nào không có con đến trường cho cô dạy vỡ lòng. Mười lăm năm tận tụy, nhọc nhằn một mình một bóng. Khi dòng lịch sử sang trang cô đã đi về đâu? Không ai trong số những học trò vỡ lòng của mười lăm năm ấy không nhắc đến cô mỗi khi hàn huyên. Có lẽ cô nay tuổi đã cao, vì khi chúng em lên bốn, lên năm thì cô đã ngoài hai mươi. Cô ơi! Có lẽ cô không ngờ đứa học trò nhỏ ngày xưa luôn bị cô bắt phải đánh những đứa lười biếng, nghịch ngợm; Đứa học trò bị bọn con trai rất ghét, hình như nó đã được cô thương nhất đã bỏ mặc cô... Nhớ cô! Vâng, em rất nhớ cô nhưng tìm kiếm cô thì chưa bao giờ. Cũng đã nhiều lần nhớ về tháng ngày học vỡ lòng, em băn khoăn và xốn xang vì em biết rất rõ cô không có người thân. Tháng năm vùn vụt trôi.Bỗng một hôm, người bạn thân cùng được cô dạy vỡ lòng, lạc mất nhau ba mươi lăm năm tình cờ gặp lại qua phone, báo tin chính xác là cô đang rất yếu tại một viện dưỡng lão. Thảng thốt đến độ tim em thắt lại. Lòng dặn lòng là sẽ kiếm thăm cô, mà cho đến hôm nay, em vẫn chôn chân nơi này. Cô ơi! Cô ơi! Từ những chữ cái đầu đời nghệch ngoạch, là cô đã nhẫn nại cầm tay cho em mãi mới viết được một chữ o tròn trĩnh. Từ những chữ cái cong queo nhấp nhô trên trang giấy thô ráp ẩm vàng, là cô đă uốn, đã nắn từng ly, từng ly...Cô ơi! Nước mắt của em lạnh tanh lạt lẽo quá phải không cô. Từng con chữ em viết hôm nay là tấm gương phản chiếu sự bội bạc của em. Em khẩn khoản mong cô còn sức để mắng em, dù một câu cũng được, cho mặc cảm tội lỗi của em may chăng sẽ vơi đi một chút. Mỗi năm, ngày 20/11 hình ảnh cô ngày xưa lại về tràn trụa tim em. Là một đứa học trò bất xứng, em xin chân thành xin lỗi cô. Chúc cô luôn thanh thản trong niềm bao dung đối vối đoàn lũ học trò bội bạc. Kính dâng lên cô đóa hoa lòng tươi thắm nhất của em! NTL 17.11.12 |
|
└(≣) TẤM LÒNG CHO NGÀY 2O/11 cách đây 12 năm #4404
|
Chào chị Lan.
Đọc bài của chị những trăn trở những ân hận nó gậm nhấm trong chị, em cũng có những điều ray rứt nặng lòng giống như chị và em hiểu chị Chị à, có những điều mình rất muốn sẽ và đuợc làm như vậy nhưng mình lại không thực hiện được vì nhiều lý do khách quan trong cuộc sống, và đến một lúc nào đó khi mình chợt nhận ra thì không thể thực hiện được nũa,thôi thì hãy để những yêu thuơng kính trọng đó mãi trong tim và trân trọng chị nhá.. Em của chị (đồng cảm) MC-18.11.12 |
|
└(≣) TẤM LÒNG CHO NGÀY 2O/11 cách đây 12 năm #4409
|
Minh Châu ơi! Viết lên đi! Chúng ta tâm sự với nhau một chút thôi, sẽ vơi đi rất nhiều những dằn vặt... .
Chúc Minh Châu vui khỏe nhiều nhé! Chị NTL (18.11.12) |
|
└(≣) TẤM LÒNG CHO NGÀY 2O/11 - NGỌN GIÓ MONG MANH cách đây 12 năm #4424
|
NGỌN GIÓ MONG MANH
Năm ấy, lũ chúng tôi vô cùng sung sướng vì được lên lớp sáu mà không phải rời xa ngôi trường thân yêu thời tiểu học. Buổi học đầu tiên, chúng tôi khẽ khàng run run bước lên từng bậc cầu thang, cứ y như nếu bước mạnh thêm một chút nữa thôi là những bậc thang ấy sẽ từ từ lún xuống. Ngó vào lớp học, chúng tôi trố mắt ra nhìn, bàn ghế chi mà lạ lùng. Chính xác là toàn những ghế là ghế, không có bàn. Ơ... mà có bàn...Bàn dính liền với ghế! Tội nghiệp bọn con gái, rón rén ngồi vào bàn, rồi loay hoay mãi với vạt áo dài sau. Bọn con trai thì tự tin hơn, đứa nào cũng trầm trồ, xuýt xoa rồi ngồi thử xuống và ưỡn người ra để tận hưởng sự thoải mái, có đứa còn dùng tay áo trắng phau của mình lướt nhẹ lên mặt bàn bóng láng. Sướng thế đấy nhưng cả lớp cứ nhấp nha nhấp nhổm chờ đợi tiếng trống báo giờ ra chơi. Chưa bao giờ tiếng trống lại đi lững thững, chậm chạp đến như vậy.Chúng tôi gần như phải vật vã với việc viết bài, xếp sách vở ngay ngắn... Tiếng trống càng mất hút khiến cả lớp như muốn lử đi vì mệt mỏi, gò bó. Thùng! Thùng! Thùng....Tiếng trống mầu nhiệm đã đến mở toang sự háo hức, hớn hở của chúng tôi. Hai cây điệp đang dang rộng tay che nắng cả sân trường ôm choàng lấy chung tôi mừng rỡ. Gió hiu hiu mát rượi. Bọn con gái buộc áo dài lên chơi trồng nụ trồng hoa, chơi ô ăn quan. Bọn con trai chia từng tốp chơi khăng, búng điệu thường... Từ buổi ấy,chúng tôi bày ra đủ thứ trò chơi vô cùng kỳ thú, những trò chơi ấy đồng hành với chúng tôi từ mùa mưa sình lầy ướt át sang mùa nắng gay gắt. Chúng tôi không phân biệt con trai, con gái đã cùng chơi những trò như rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê,nhẩy dây, chơi u... Bọn con gái có mấy đứa bị rách áo dài vì trò chơi này. Cũng may là thời ấy áo dài có chít hai ly ở ngang eo. Bất ngờ một hôm cả lớp tôi bị thầy dạy cổ văn bắt phạt không cho ra chơi, phải im như thóc ngồi làm bài. Không được ra chơi khác nào trái tim non nớt của chúng tôi bị thầy bóp nghẹt. Chúng tôi lén nhìn thầy ai oán rồi nhìn nhau, có đứa chớp chớp mắt chừng như sắp khóc đến nơi. Tôi đắn đo giây lát rồi viết một câu lục bát lên một tờ giấy xé ra từ quyển tập cổ văn. Mảnh giấy được chúng tôi lén lút viết và vội vàng chuyền cho nhau. Đi giáp vòng mảnh giấy quay lại chỗ tôi mang theo mười câu lục bát con cóc. Nội dung vừa lếu láo vừa hỗn xược. Chúng tôi vô cùng đắc ý, tủm tỉm cười. Đến khi chiếc kim dấu trong bọc kia lòi ra thì chúng tôi phải gánh chịu trận lôi đình của thầy. Tôi thầm mong cho cây roi bằng trúc già vàng óng dài thậm thượt của thầy mất tác dụng. Nhưng không đời nào! Thây vừa mắng vừa cầm cây roi nhịp nhịp. Phút tra tấn tới! Thầy đi từ trên xuống dưới, rồi từ dưới lên trên quật vun vút không đứa nào thoát.Gần đến tôi rồi. Tôi nín thở, cắn răng và nhắm mắt lại. "Xin cứu con". Tôi vừa nói thầm vừa gồng mình đón ngọn roi rát buốt, đau điếng. Chắc chắn phải đau hơn roi gân bò của cha hiệu trường nhiều vì có thằng đã thét lên... Tôi như nằm mơ giữa ban ngày, ngọn roi chỉ sượt qua vai và kéo theo mấy cọng tóc của tôi mà thôi... Hú hồn! Chưa hết, giờ ra chơi hôm ấy,Tôi và ba bạn khác bị thầy vặn hỏi như khảo cung. Đứa nào nước mắt cũng đoanh tròng cứ y như là bị oan ức lắm.Tôi lo sợ bố biết được, chắc chắn bố sẽ tức giận vì tôi quá hư hỏng, dại dột, rồi bố sẽ không ăn không ngủ mà vẫn đi làm... Bố ơi! Bố ơi!...Nước mắt tôi tuôn thành dòng và tôi thút thít khóc. Hình phạt của ba đứa là quét lớp một tuần không được ra chơi. Sao thầy biết được bọn tôi quý giờ ra chơi hơn tất cả để trừng phạt chúng tôi nhẫn tâm như vậy? Hai năm sau bố chuyển trường cho tôi về thành phố. Những giờ ra chơi đứng trên hành lang lầu năm nhìn xuống sân trường nắng chang chang lòng tôi xốn xang. Chỉ cần một làn gió thoảng qua lúc ấy là tôi nhớ quay quắt sân trường năm xưa lộng gió bốn mùa, khi những cơn gió mạnh đuổi nhau trên đám lá xum xuê những cánh lá điệp nhỏ nhoi, mỏng manh buông lơi theo gió, vướng vào áo trắng bay bay của chúng tôi rồi nhẹ nhàng rơi xuống sân trường. Gần cuối năm học lớp chín, vào một buổi trưa trời nắng chói chang, tôi vội vã ôm cặp đi học. Cánh cổng vừa mở, bất ngờ thầy dạy văn trước đây của tôi cũng vừa trờ đến. Tôi và thầy nhìn nhau vừa ngạc nhiên, vừa lạ lẫm, lại vừa vui mừng.Tôi có khác không? Bộ đồng phục trắng và mái tóc dầy ngang lưng không còn buộc cọng thung sau gáy. Chỉ thế thôi mà sao thầy nhìn tôi lạ lùng đến vậy?Còn thầy vẫn như ngày nào: trầm tư, thanh lịch và hơi lãng tử, thế nhưng tôi vẫn thấy thầy khang khác. Mãi hồi lâu tôi mới phát giác ra cái khác ở thầy là từ mắt thầy nhìn thấy cái khác ở trong tôi. Do vậy thay vì chào thầy tôi lại ấp úng: - Em ... xin lỗi thầy... - Ừ...Em đi học đi! - Dạ! Cánh gió trưa hiếm hoi bay sà tới cuốn theo mấy chiếc lá vàng, tà áo tôi cũng tung lên đùa với gió. Gió nhẹ nhàng và mong manh, vậy mà đã cuốn đi của tôi bao nhiêu thứ to lớn và quý giá vô ngần. Là vùng trời tuổi thơ êm đềm, những trò chơi dân gian như có phép màu mê hoặc, cả bóng mát mượt mà như lụa của sân trừơng; bạn bè, thầy cô và lòng bao dung...đã bị gió lạnh lùng cuốn vào thánh địa dĩ vãng cả rồi. Thế rồi chúng tôi phải rời trường khi mùa hè chưa kịp đến. Khi trời vào thu, tôi trở về mái nhà xưa với mẹ hiền. Việc trước tiên của tôi là cùng với vài người bạn đi thăm trường cũ. Không còn thầy nào trong số năm thầy dạy tôi năm lớp bẩy. Hai cây điệp biết nỗi lòng buồn nhớ của chúng tôi nên xòa lá xuống như vỗ về, an ủi... Xin gió mang đến nơi thầy ở, dù là ở đâu, chân trời nào lời tạ tội của em. Lỗi lầm em gây ra cho mãi đến bây giờ dù đã bốn mươi năm có lẽ thầy vẫn chưa vơi nhức nhối, đắng cay... Em xin lỗi thầy. Thầy ơi! NTL 19.11.2012 |
|
└(≣) TẤM LÒNG CHO NGÀY 2O/11 cách đây 12 năm #4433
|
Trời mưa thấm lạnh sân vườn
CỎ cây ướt đẫm mái trường nên thơ Công ơn chưa trả Thầy Cô Núi cao trùng điệp mà mơ theo người Thầy Cô ở mãi phuơng trời Miệt mài cuộc sống tô đời thêm vui Chúng em nhớ lắm Thầy ơi Ngày xưa Thầy dậy Thầy vui Thầy cười Bây giờ xa cách bao nơi Thầy Cô xa vắng vắng lời vàng xưa Đường trần vẫn bụi trông chờ Mong ngày hội ngộ Thầy trò bên nhau Thầy Cô như những ánh sao Mái trường xưa , Lớp học nào ..10D Cỏ Dại |
|
└(≣) TẤM LÒNG CHO NGÀY 2O/11 - LỜI NGUYỆN CẦU THẦM KÍN cách đây 12 năm #4444
|
LỜI NGUYỆN CẦU THẦM KÍN
Tám năm tuổi thơ êm ả của tôi đã gắn liền với dòng sông mát rợp bóng dừa và ngôi trường Lý Mỹ thân yêu vùng Cái Sắn. Ngôi trường này có cha hiệu trưởng vô cùng tâm huyết với sự nghiệp giáo duc, nhất là ai cũng được cha dạy cho cầu nguyện khi chập chững bước vào lớp học vỡ lòng. Thời gian vùn vụt trôi đi, những cái đầu gần như để chỏm của chúng tôi tóc xanh đã phủ trùm vai, lên lớp sáu mỗi tuần chúng tôi được cha dạy một tiết giáo lý. Cũng từ đó, những giờ kinh nguyện tại nhà thờ có sức hấp dẫn chúng tôi lạ thường. Mỗi khi hoàng hôn buông xuống, dù trời đang mưa hay đường sình lầy trơn trượt, như có một sức mạnh vô hình thôi thúc chúng tôi đến nhà thờ để cầu nguyện, và cha hiệu trường không một lần nào vắng mặt, Người luôn đồng hành và dẫn dắt chúng tôi bước khỏe khoắn và hồn nhiên... Một ngày kia, ngôi trường Lý Mỹ thân yêu của chúng tôi thay cha hiệu trưởng mới. Chúng tôi khóc òa mờ hết mắt, đứa nào cũng cầu nguyện cho cha được mạnh khỏe và bình an, riêng tôi còn vớt thêm:"Xin cho cha được ở bên chúng con". Cho dù lời cầu nguyện của tôi thấu tới trời cao đi nữa, thì đàn trẻ thơ dạo ấy có còn mấy đứa? Tôi là đứa rời trường sớm nhất. Hàng năm vào dịp hè tôi về thăm quê, không lần nào tôi không đến thánh đường và cầu nguyện thật nhiều cho vị cha già đáng kính. Dòng đời dâu bể, bỗng dưng tôi thuê được chỗ buôn bán đối diện với nhà thờ là trung tâm hành hương của giáo phận. Mỗi buổi chiều, tôi thả bộ sang sân nhà thờ, nhìn đăm đắm ngôi trường thời cấp III... Lòng càng xao xuyến khi bước chân đến mộ phần của cha hiệu trưởng nằm phía bên phải sau tượng Đài Đức Mẹ.Ôi! Gặp lại cha thân yêu ở chốn này... Khói nhang mờ ảo, di ảnh hiền từ... Những lời tâm nguyện của tôi quyện vào khói hương và theo gió cuốn bay đi... Một lần, Tuyết Ngọc đưa cho tôi một video clip nói về một cuộc hội ngộ trong muôn một. Ngay đoạn đầu phim, tôi đã có cảm tình ngay lập tức với người phụ nữ gần giống lai Pháp, khá đẹp(*). Bà và một số người trẻ hơn cùng vào đến sân thánh đường, nhưng chỉ có bà dừng chân và quỳ nghiêm trang trước mộ phần cha chắp tay cúi đầu cầu nguyện. NGƯỠNG MỘ! Tôi và tất cả học sinh cả một thập niên trường Lý Mỹ thuở đó, có lẽ không ai thể hiện được lòng tri ân, kính yêu cha được như vậy. Chẳng phải là tôi đã tha thiết, khẩn khoản cầu mong cho cha được về bên tôi hay sao? Lời nguyện xin thầm kín nhất của tôi đã được trời cao chứng nhận. Thế mà đôi chân hờ hững của tôi đã bước qua đây bao ngày, cõi lòng thờ ơ, vô cảm của tôi càng hời hợt, hờ hững hơn... Tuổi thơ thênh thang mượt mà cũa tôi đã vùng vẫy thỏa thuê trong ngôi trường do cha khai sáng và dẫn dắt. Cả cuộc đời bươn chải ngược xuôi, tôi đã từng tìm về tĩnh lặng tâm hồn, đã khẩn thiết giãi bày nguồn cơn bi lụy cho nguôi ngoai sầu muộn, cho thanh thản bồn chồn... Nhưng chưa một lần tôi biết quỳ trước di ảnh cha để tạ ơn Người. Cha kính yêu ơi! Thác ghềnh cuộc đời muôn nẻo. Hôm nay con không còn ở bên cha nũa. Nhưng hình ảnh một người từ Châu Âu xa tít tắp đến quỳ và cầu nguyện trước mộ phần cha khiến con thấy mình quá hèn nhát và bất xứng. Có lẽ con không bao giờ quên được hình ảnh đó. Xin cha kính yêu đang ngự chốn sáng láng trên trời cao tha thứ cho con! (*)Cô Nguyễn Thị Thu Hà, phu nhân của thầy Vũ Thanh NTL 20.11.12 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.18 giây