Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
SÁCH VÀ NGƯỜI ! cách đây 11 năm, 11 tháng #4553
|
Trong các làng quê xưa, người biết chữ thì ít (có tới hơn 90% số dân bị nạn mù chữ) nhưng người ta lại có thú đọc sách – nghe sách, tiếng đọc sách – cuộc nghe sách vẫn thường có ở trong làng. Hồi xưa số đầu sách ít, sách chữ Hán có Tứ Thư Ngũ Kinh, Bách Gia Chư Tử, Minh Tâm Bảo Giám; sách chữ Quốc ngữ thì Gia huấn ca, Đại Nam Quốc Sử diễn ca, truyện thơ Nôm, tiểu thuyết chương hồi của Trung Quốc; rồi đến những sách giáo khoa dành cho học trò trường làng, trường huyện học. Những cuốn sách hay được người ta đọc đi đọc lại, nghe đi nghe lại đến trăm lần, đọc – nghe mãi mà không chán. Cuốn Quốc Văn Giáo Khoa Thư, Luân lý Giáo khoa thư trẻ nhỏ và người lớn cùng học, cùng đọc, cùng nghe rồi cùng thuộc nằm lòng, cho tới già. Thậm chí người ta có thành ngữ “Tình bạn giáo khoa thư” để nói về tình bạn giữa những người một thời cùng học những cuốn sách ấy. Các cụ vẫn thường đem những điều hay lẽ phải ở trong các sách ra giảng giải cho con cháu nghe để dạy chúng làm người, nên người. Bởi đó mà có những chuyện ai cũng biết, như chuyện anh em nhà nọ hòa thuận, ông quan kia thanh liêm, Mẫn Tử Khiên làm con chí hiếu, Lưu Bình – Dương Lễ là đôi bạn tốt hiếm có, ông Chu Văn An không sợ chết dâng sớ đòi chém bảy nịnh thần quyền thế không ai bằng… Người bình dân đọc sách thường đọc bằng miệng, không đọc bằng mắt. Từ việc đọc bằng miệng mà trong các làng có tiếng đọc sách, có thêm một nét văn hóa khá độc đáo: Người biết chữ đọc cho người không biết chữ nghe – đọc to, nghe chung. Người có học thức thì bảo đọc sách là cái thú riêng của người cao nhã (Độc thư cao) người bình dân coi việc đọc sách là học việc nghĩa nhơn, học làm người, học đạo hiếu trung, học yêu thương phong cảnh quê mình; cũng có khi coi việc đọc sách là việc giải trí, giải buồn (Ông Huỳnh Tịnh Của có sách Truyện giải buồn). Các cụ còn bảo: “Thư trung hữu nữ nhan như ngọc”. Nghe lời các cụ, người ta đi tìm những người đẹp Thúy Kiều, Nguyệt Nga, Xúy Vân, Tấm, Bao Tự, Tây Thi… ở trong sách và cũng qua đó mà hiểu cái lẽ “Hồng nhan bạc phận” , “má hồng truân chuyên” để mà không còn tự than thân trách phận, không giận đời, giận trời mà hiểu thêm cái “ nghĩa nhân quả dở dang” (Truyện Kiều – Nguyễn Du) mình làm mình chịu. Hoặc giả, cũng có số đông không tin ở những cái thuyết đó mà cho rằng những người có tài sắc bị khổ là do xã hội bất công, cái xấu, cái ác hoành hành, cần phải đấu tranh cho thiện thắng ác, lập lại sự công bằng xã hội. Nhờ đọc sách, người ta sống với nhau có đạo lý hơn, lấy tấm lòng đối đãi với nhau, cốt giữ tình làng nghĩa xóm cứ như “bát nước đầy”. Những câu ca “Thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng…”, “Làng ta phong cảnh hữu tình…” là vẻ đẹp tâm hồn, niềm rung cảm từ trong trái tim người dân quê được nói ra, cất lên, ít nhiều có nguồn gốc từ việc đào luyện tâm hồn qua ham mê đọc sách – nghe sách. Ở quê tôi, chợ Bình Định, chợ Đập Đá là chợ tỉnh, chợ huyện, chợ đầu mối bán buôn sầm uất, đương nhiên có hiệu sách, có cô hàng sách “tóc thề vừa chấm ngang vai”. Nhưng người quê tôi còn mua sách nơi các chợ quê Cảnh Hàng, Phú Đa, Háo Lễ, Gò Chim…do các bà hàng xén miệng trầu bỏm bẻm bày bán ở các phiên chợ. Các bà, các chị gái quê bảo nhau: “Đi chợ mua mắm về ăn” (chứ tiền đâu mua cá thịt) nhưng lại có điều đáng thương, đáng nói, người ta vẫn nhín chút tiền để mua vài cuốn sách về “đọc chơi”, “bắt lũ trẻ đọc nghe chơi”…Không thấy bán sách chữ Hán (Có lẽ do trọng chữ Thánh hiền mà không bày bán ở đây chăng?) còn sách Quốc văn thì nhiều lắm và phần lớn do Nhà Tín Đức Thư Xã ở Chợ Lớn – Sài Gòn ấn hành, không đẹp nhưng được cái giá rẻ. Thường các tư gia có chứa sách. Nhà quan hưu trí, nhà hiếu học, giàu có có thư phòng, viện sách, nhà trung lưu có tủ sách, nhà bình dân có giá sách, kệ sách. Hoành phi, liễn, đối treo trong nhà với bao nhiêu là câu chữ, thơ phú của thánh hiền, các bậc tao nhân mặc khách để lại, cũng có thể kể là những hình thức khác của sách xưa. Sách thực là phong phú. Người ta bảo nhau, nhà vô phước là nhà con cháu không thừa kế được tủ sách gia đình để phải lâm vào cảnh “Cha làm thầy con bán sách”. Sách xưa có câu “Gia hữu tam thanh”, tức nhà có phước là nhà có ba thứ tiếng: Tiếng đọc sách, tiếng dệt cửi và tiếng trẻ thơ khóc. Các quan niệm đó có tác dụng đến “phong trào” đọc sách ở các làng quê lắm lắm. Tôi về làng quê tôi ngày nay, mới bước tới cổng làng đã thấy biển “Làng văn hóa” màu sơn đỏ tươi treo cao, trung tâm xã có “Bưu điện văn hóa xã”. Nhưng hình như chỉ là hình thức mỹ miều. Mọi người, kể cả giới “có chữ” ở trong làng xã, đều khá xa lạ với văn hóa đọc sách. Cái thú đọc sách của người quê tôi đã tự biến mất từ bao giờ? Và cái này để lại hệ lụy là, trong làng bây giờ, cuộc sống khá khô khan, người ta sống với nhau khá hờ hững đến báo chí thường bảo, cảnh sống vô cảm đã thấy có mặt ở chỗ này chỗ nọ, ở nhiều nơi. Trẻ em bây giờ đi học không có kiến thức, đi thi môn lịch sử cứ bị điểm không, khiến bao người phải “sợ”, phải lo… Thiển nghĩ, cần xây dựng lại “phong trào” đọc sách trong làng như hồi xưa ấy, để có một làng đọc sách, từ đó có một xã, một huyện đọc sách, rồi một tỉnh đọc sách, chẳng bao lâu cả nước đọc sách. Và tất nhiên muốn được như vậy, sách viết ra phải đáp ứng nhu cầu của người muốn đến với sách. Đọc sách, chắc chắn làm cho người tốt hơn. Và có ai không muốn mình sống tốt hơn nhỉ? H. K. B BS.sưu tầm. 2.11.12 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.09 giây