Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ cách đây 11 năm, 11 tháng #4558
|
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ
Thương tặng những người con xa xứ NGUYỄN PHƯƠNG Tôi đã “thai nghén” một câu chuyện từ lâu nhưng sao lần này “sinh” nó ra khó quá! Cách đây vài tuần, khi chưa bệnh, thầy có gọi điện nhắc tôi sao lâu quá không thấy viết bài, tôi nói dạo này bận rộn quá nên chưa có thời gian rảnh để viết và hứa với thầy khi rảnh sẽ viết ngay. Tôi giới thiệu cho truyện ngắn (hơi dài một tí) này có hơi dài dòng vì liên quan đến vấn đề “nhậy cảm” đang xảy ra trên MTX.de của chúng ta. Tôi viết “TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ” với một tình cảm chân thành xuất phát từ một câu chuyện có thực (tôi viết truyện luôn luôn có thực) và từ một cảm hứng do chính những “người xa xứ” mang đến cho tôi. Thưa các bạn đang ở Việt Nam của chúng ta. Các bạn có thấy rằng hiện nay chúng ta gặp nhau quá dễ dàng và vui vẻ không? Chỉ cần “A lô” một tiếng là chúng ta đã tụ họp nhau được đông đủ. Làm sao tôi quên được những buổi Duy Chiêm đánh xe mời tôi về quê câu cá, nhậu rượu đế; làm sao tôi quên được bữa tiệc nho nhỏ ở quán 222 do Tư Thẹo triệu tập bạn bè để hàn huyên tâm sự; làm sao tôi quên hình ảnh Nguyễn Thị Thiện cứ có dịp về Rạch Giá là phải triệu tập đầy đủ anh em. Rồi mới đây thôi, khi tôi đi Sài Gòn dự đám cưới con gái Cao Nguyên, Nguyễn Văn Tín đã ra tận bến xe miền Tây đưa tôi về khách sạn, ở đó chị Thảo đã chuẩn bị sẵn cho tôi một phòng. Làm sao tôi quên được Nguyễn Văn Tín đêm đó đã mời tôi nhậu tới 2 giờ sáng. Và hôm sau, Hoàng Hùng đã mở tiệc linh đình mời các bạn, rồi tối đó cũng đã cùng tôi nhậu tới 1 giờ sáng. Thử hỏi nếu không có một tình cảm chân thành thì làm sao có đủ sức mà chơi được như vậy trong khi chúng ta cũng không còn trẻ nữa. Đấy, các ban thấy đấy. Còn thầy cô và các bạn của chúng ta ở nước ngoài thỉ sao? Tôi còn nhớ những buổi chúng ta nhậu linh đình ở nhà Trăng Rằm và nhất là ở nhà Trăng Khuyết khi chị Thanh Thảo ở Mỹ phát hiện đang nhậu đã gọi điện về và chị đã không giấu được sự háo hức về một không khí vui tươi ở Việt Nam. Tương tự như vậy, Băng Sơn cũng đã gọi về chia sẻ niềm vui khi chúng ta đang họp mặt ở Hoa Biển (Rạch Giá). Ở nước ngoài muốn tìm được cái không khí vui vẻ hồn nhiên như bọn mình ở đây khó lắm. Cái văn hóa phương Tây khác văn hóa phương Đông của chúng ta rất xa. Những người con đất Việt xa xứ dù sao cũng mang trong mình một dòng máu phương Đông. Tôi đã tìm thấy cái hồn của họ trong từng bài viết, dù có lúc chỉ một câu thôi. Một khao khát tìm lại kỷ niệm một thời dạy học của Thầy Cô; một hoài niệm sâu sắc của chị Thanh Thảo; một nhiệt tình sôi nổi của Băng Sơn; một tâm hồn lãng mạn của Trăng Sao; một nỗi buồn hiu hắt rất nhân văn của Nguyễn Hữa Anh Dũng; một hồn nhiên, dễ thương của Thanh Thúy; một trầm lắng dịu dàng dù rất ít xuất hiện của Vi Vu . . . Như đã nói, truyện ngắn này tôi viết có hơi dài dòng một tí. Tôi xin phép được trích đăng từng phần cho các bạn đỡ mệt mỏi khi đọc. Hy vọng sẽ đem đến cho các bạn chút niềm vui. - Bắt nó xuống xuồng, bịt miệng nó lại, kẻo bị lộ bây giờ! Một người trên xuồng ra lệnh. Cậu bé nghe giọng quen quen nhưng không thể xác định rõ là ai vì trời tối đen như mực. Cậu cố giẫy giụa cho thoát ra khỏi những cánh tay lực lưỡng của bốn người đàn ông. Nhưng với sức lực của một cậu bé mới tám tuổi thì không thể nào vùng ra khỏi những gọng kìm đó được, cậu đành phải để cho bọn người đó nhét cái khăn vào miệng, trói lại rồi quẳng xuống xuồng. Biển lặng yên, cậu bé nằm ngửa mặt nhìn những vì sao lung linh trên bầu trời, nghe rõ những tiếng lách tách của những gợn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào mạn chiếc xuồng chèo dùng để đưa những ngư phủ ra ngoài tàu đi đánh cá. Cậu vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra đến với mình mà bất thình lình và có vẻ nghiêm trọng đến như vậy. Mới hồi nãy thôi, cậu đột nhiên mắc đi cầu vào ban đêm. Thường thường cậu đi vào buổi sáng, nhưng hôm nay, không biết đã ăn phải cái giống gì mà chột dạ, cậu lại mắc đi vào lúc nửa đêm mới chết chứ. Ở cái xứ Hòn này, hồi đó không nhà nào có nhà vệ sinh cả. Già trẻ, lớn bé, trai gái, tất cả, ban ngày, họ đi lên trên rẫy, trên những gọp đá, họ chui vào những cái hang hoặc những lùm cây; ban đêm, họ đi xuống biển, ngồi trên ghềnh đá vừa “đi” vừa hóng gió mát, ngắm sao trời. Nếu đang ngồi “giải quyết” mà nghe thấy tiếng bước chân của người nào “cùng cảnh ngộ” thì chỉ cần tằng hắng một tiếng là lập tức người đó sẽ rẽ sang hướng khác, dễ dàng tìm được một chỗ cũng không kém phần thú vị(!) Cậu ân hận. Phải chi hồi nãy mình ráng nín tới sáng thì đã không bị bắt như thế này. Mà không biết họ bắt mình làm gì nhỉ? Mình nghe người lớn kể người ta bắt cóc con nhà giàu để tống tiền, còn nhà mình nghèo rớt mồng tơi người ta bắt thì chỉ có nước tốn cơm thôi chứ chẳng lợi ích gì. Cậu đang nghĩ ngợi mông lung thì lại nghe tiếng một người trên xuồng nói: - Chắc đi thôi thầy Nam ơi! Nếu trời sáng mà chưa ra khơi là sẽ bị bắt ngay. - Ráng đợi một chút nữa đi anh Năm, người này là em họ của em đó. A, thì ra người ra lệnh hồi nãy chính là thầy giáo Nam; còn người đàn ông cao lớn kia là chú Năm Hưng nhà ở Xóm Mũi, chủ tàu đánh cá đây mà. Quen không. Chắc họ không hại mình đâu. Chắc họ bắt lầm. Bây giờ làm sao mà mình nói cho họ hiểu được. Miệng thì bị họ nhét cái khăn vào cứng ngắc muốn nghẹt thở làm cậu bé cứ ú ớ; tay chân thì bị họ trói chặt, cậu bé không ra hiệu được, đành nằm dài chịu trận. - Nó xuống kìa anh Năm ơi! Thành. Lên xách đồ tiếp nó, rồi đỡ nó xuống xuồng nhanh lên! Nó người ở Sài Gòn mới ra đây không quen đi biển đâu. Cậu bé lại nhìn thấy một cái bóng người đàn ông nữa bước xuống. - Mấy anh thông cảm. Em đang trên đường xuống đây thì bất ngờ gặp một người, chắc là công an xã, hỏi em đi đâu mà nửa đêm thế này. Em hết hồn, đánh trống lảng nói mới đi nhậu ở nhà người quen, bây giờ xuống nhà tập thể giáo viên ngủ với thầy Nam để sáng mai xuống bến tàu đi chợ sớm cho tiện. Sau đó làm bộ đứng lại nói chuyện một lúc rồi mới đi cho họ khỏi nghi. Cậu bé nghe được có vậy, cũng chẳng hiểu ất giáp gì, rồi bỗng thấy chiếc xuồng chòng chành, rồi tiếng mái chèo khua nước lõm bõm, tiếng sóng vỗ vào mũi xuồng càng lúc càng mạnh hơn, có lúc nghe bùm bụp, bùm bụp ngay ở dưới lưng mình. - Ủa, có thằng nhỏ nào nữa đây nè? - Cũng tại mày mà mắc cái của nợ này đó. Phải chi mày xuống trước năm phút thì đâu có gặp nó. Bây giờ mà cho nó lên bờ là bị lộ liền. Thôi đừng hỏi nữa. Coi thu xếp đồ đạc cho kỹ càng rồi chuẩn bị lên tàu. Lúc này thì cậu bé đã hiểu được vì sao mà mình bị bắt, cậu hoảng quá, muốn thét lên: “Con không muốn đi vượt biên, con muốn lên bờ về với ba mẹ con.” nhưng không tài nào phát ra tiếng được, cậu bé giẫy giụa, nước mắt trào ra. Xuồng vừa cặp sát chiếc tàu lớn, cậu bé được những người đàn ông chuyển lên như một món hàng. Lúc này thì cậu vô cùng sợ hãi, tè cả ra quần, cậu rít lên trong cổ họng: “Mấy chú ơi, con lạy mấy chú, mấy chú tha cho con về đi.”. Nhưng vô ích, chẳng ai nghe được cậu nói gì cả, mà dẫu cho có nghe được đi chăng nữa thì họ cũng chẳng thèm quan tâm. Một người đã bồng nó bỏ vào trong ca bin mặc cho nó cứ ú ớ, nước mắt giàn giụa. Ở trong ca bin, cậu bé thấy lô nhô năm sáu người phụ nữ và có cả hai đứa nhỏ nữa. Lạ một điều là tất cả họ đều im lặng, không ai nói với ai một lời nào. Ngay cả khi có sự xuất hiện của cậu, họ cũng chẳng thắc mắc gì. Trong bóng đêm, cậu không thể nhìn rõ được mặt ai nhưng với cái không khí khác thường này, cậu cũng phần nào hình dung được những gương mặt hồi hộp, lo âu, căng thẳng của họ. Chiếc tàu nổ máy, nhổ neo ra khơi. Nhưng tuyệt nhiên họ vẫn không bật bất kỳ một bóng đèn nào ở trên tàu cả. Trong ca bin vẫn tối đen như mực, vẫn là những cái bóng lù mù của những người phụ nữ ngồi lặng im, bất động như những bóng ma. Ngoài tiếng máy tàu nổ phành phạch, cậu bé còn nghe rõ tiếng tim đập thình thịch trong lồng ngực của mình. Lâu lâu nó lại nghe tiếng thở dài của một người phụ nữ nào đó ngồi ở kế bên. Lúc này sự hoảng sợ đã nhường chỗ cho sự mỏi mệt rã rời vì cậu bé đã dùng quá nhiều sức lực để cố gỡ sợi dây thừng quấn chặt vào tay chân cậu ra nhưng vô hiệu; cậu thiếp đi lúc nào không biết. - Trời sáng rồi, tàu đã ra khơi an toàn, mở trói cho thằng nhỏ đi. Cậu bé mơ màng nghe có người nói như vậy. Cậu choàng tỉnh, nhớ lại câu chuyện hồi khuya, cậu lại nghẹn ngào trong tiếng nấc. Vừa lúc ấy có một người đàn ông đến tháo sợi dây thừng ra cho cậu. Cái khăn trong miệng vừa được lấy ra, cậu vội chạy đến chỗ chú Năm Hưng lạy lục van xin chú cho được trở về Hòn với ba mẹ. Chú Năm xoa đầu nó dỗ ngọt. - Mày là thằng Cõi, ba mày tên Bảy Cứng chuyên làm rẫy thuê cho người ta phải không? - Dạ! Chú tha cho con về đi chú ơi. . . hu. . hu. . .hu. . . - Mày nín đi. Tao cho mày đi chuyến này là mày hên lắm rồi đó. Nhiều người muốn đi mà đâu được. Mày không tin thì hỏi coi. Tất cả những người ở đây họ phải bỏ ra biết bao nhiêu vàng mới đi được đó. Cả gia tài của ba mày có đem bán hết cũng không đủ cho mày đi đâu. - Nhưng con không muốn đi. Con nhớ ba mẹ con lắm! - Mày yên tâm đi, khi mày qua tới bển mày sẽ giàu có, sung sướng, không còn phải đi hái mãng cầu thuê cho người ta nữa. Lúc đó, mày tha hồ mà gửi tiền về nuôi ba mẹ mày. Hỏng chừng mày còn bảo lảnh cho ba mẹ mày qua bển với mày luôn nữa đó. - Con hỏng chịu đâu! Tha cho con về đi! Hu. . . hu.. . hu. . . Dỗ ngọt cậu bé không nghe, Năm Hưng chuyển sang dọa nạt: - Bây giờ mày muốn đi theo tao hay mày muốn tao quăng mày xuống biển cho cá ăn, nói mẹ nó một tiếng đi! Cậu bé nghe nói quăng xuống biển, sợ quá không dám khóc nữa. Lúc này, trời đã sáng hẳn. Ánh mặt trời vừa nhô lên khỏi mặt biển tròn vạnh vạnh ở phía đằng Đông. Cái thứ ánh nắng dịu nhẹ vào buổi bình minh, cùng với gió biển hiu hiu làm cậu bé thấy dễ chịu và nỗi sợ hãi cũng nguôi ngoai đi phần nào. Suốt cả đêm cậu nằm với tư thế bị trói chặt, chân tay tê cứng. Bây giờ được cởi trói, đứng trên boong tàu, trong cái không khí mát mẻ này, cậu cảm thấy khoan khoái vô cùng. Cậu ngắm nhìn ông mặt trời đỏ rực như hòn lửa đang từ từ nhô cao lên khỏi mặt biển. Chưa bao giờ cậu thấy ông mặt trời to như vậy. Mặc dù nơi cậu ở là một cái Hòn giữa biển khơi nhưng nhà của cậu lại khuất sau một ngọn núi cao nên chưa lần nào cậu nhìn thấy được cảnh thiên nhiên kỳ vĩ như thế. Cậu dõi mắt nhìn xa hơn. Chợt cậu thấy một dãy núi mờ mờ hình con rùa ở tít tận chân trời. Cậu lại cảm thấy nhớ nhà, nhớ ba mẹ cậu da diết. Lẽ ra giờ này cậu đã cùng với thằng Tửng con chú Ba nhà hàng xóm đi theo ba mẹ cậu lên rẫy hái mãng cầu. Ba mẹ cậu chuyên làm rẫy và vận chuyển các loại trái cây thuê từ trên núi xuống xóm cho các chủ rẫy. Một ngày ba mẹ cậu có thể gùi được cả mấy trăm ký lô trái cây từ tít trên đỉnh núi xuống tận bến tàu để cho các chủ rẫy chở vào đất liền bán. Đến mùa mãng cầu chín rộ, công việc vận chuyển đòi hỏi phải thật khẩn trương. Nếu mãng cầu già, các mắt đã nở ra mà không hái kịp thì nó sẽ mau chóng chín rục, không còn đem đi bán được nữa. Thằng Cõi và thằng Tửng, hai thằng chẳng được học hành gì cả suốt ngày chỉ theo ba mẹ hái trái cây. Chúng nó được ba mẹ chỉ cho cách nhận biết trái mãng cầu nào thì hái được. Chúng hái rất chính xác và nhanh chóng. Chúng chuyền từ cành này sang cành kia như những chú khỉ con. Lâu lâu, gặp một trái chín cây, chúng mừng quýnh, bóc lớp vỏ mỏng bên ngoài rồi ăn ngay để thưởng thức cái hương vị ngọt ngào thơm ngon của trái chín tại vườn. Cái giống mãng cầu ta còn gọi là trái na này ngọt lịm, ăn tới đâu mát tới đó chứ không chua như mãng cầu gai. Khi đã hái đầy một cái gùi nhỏ, chúng mang về trại, chất thành đống cho ba mẹ gùi xuống núi. Có lúc nhiều quá, ba mẹ gùi không kịp, hai đứa lại chạy ra ngoài suối đùa giỡn, tóe nước ướt nhẹp rồi nhảy vào vật nhau dưới dòng suối mát rượi. Đùa chán rồi chúng lại rủ nhau đi bắt tắc kè ở trong hang đá đem vế bán cho người ta ngâm rượu. Thằng Cõi cứ sống như thế với ba mẹ nó hết năm này sang năm khác. Cậu ta chưa từng được vào đất liền và cũng chẳng được cắp sách đến trường. Năm ngoái ba cậu có đăng ký cho cậu vào học lớp một được vài tháng rồi lại cho nghỉ. Mặc dù nhà trường đã miễn hoàn toàn học phí vì hoàn cảnh nhà cậu quá khó khăn nhưng ba cậu vẫn cho cậu nghỉ để phụ làm rẫy thuê cho ngươi ta. Cậu ta cảm thấy hạnh phúc khi được ở bên ba mẹ, cùng làm với ba mẹ lại còn có cả thằng Tửng dễ thương để nô đùa nữa. Bất giác, Cõi nhìn hai đứa nhỏ trên tàu, nó nhận ra ngay đó là hai đứa con của chú Năm Hưng. Ồ, có cả thím Năm nữa kìa. Hai đứa nhỏ: một thằng con trai cũng trạc tuổi nó, còn đứa con gái thì lớn hơn nó vài tuổi đang ngồi cạnh thím Năm. Chúng nó vẫn vui vẻ vì có ba mẹ chúng đi cùng. Cõi lần lượt quan sát từng người ở trên tàu xem còn có ai quen nữa không. Không còn ai quen nữa. Chỉ có thầy Nam, nhưng thầy không biết nó. Thầy ở thành phố mới ra ngoài này dạy học được vài tháng. Cõi nghe người ta nói như thế. Nó thấy cả Hòn này từ người lớn đến trẻ con khi gặp thầy đều chào hỏi rất kính cẩn. Trong suy nghỉ của nó chắc thầy phải là người tài ba lắm. Nó chợt nẩy ra một ý định. Thầy uy tín như thế hay mình nói với thầy ấy xin cho mình được về nhà. Nhờ thầy nói may ra chú Năm nghe. Nghĩ vậy, nó đánh bạo đến chỗ thầy Nam năn nỉ: - Thầy ơi, thầy nói với chú Năm cho con về nhà đi. Chắc giờ này ba mẹ con kiếm con dữ lắm. Nói tới đó cậu bé lại tức tưởi khóc hu hu. Thầy Nam an ủi: - Không về được đâu con. Ba mẹ con sẽ biết con đi với thầy. Ba mẹ con sẽ rất vui chứ không có buồn đâu. Con coi kìa, hai đứa kia nó đâu có khóc. - Nó có ba mẹ nó cùng đi, còn con chỉ có một mình ên. - Rồi con sẽ được về thăm ba mẹ mà. Thôi nín đi! Ăn bánh mì nè. Nói rồi thầy Nam đưa cho cậu một ổ bánh mì có để sẵn mấy miếng chả lụa trong đó nữa. Cậu bé chần chừ một lúc rồi cũng cầm lấy nhưng cậu không thấy đói bụng, cậu không muốn ăn. Cậu thấy trong lòng buồn rười rượi, một nỗi buồn tê tái tự dưng xâm chiếm lấy tâm hồn cậu. Lần đầu tiên trong đời cậu cảm thấy mình đau khổ đến như vậy. Qua đêm thứ hai, kể từ khi tàu rời khỏi Hòn, đoàn người vượt biên đã thấm mệt, nhất là các cô gái, dường như họ chưa từng đi biển bao giờ, họ say sóng ói tới mật xanh, không ăn uống, ngủ nghê gì được, đầu tóc bù xù, gương mặt hốc hác, nhìn họ thất thần như người mất hồn vậy. Thằng Cõi thế mà khỏe. Buổi sáng, nó đã ăn được ổ bánh mì; buổi chiều, thầy Nam cũng chia cho nó được nửa đòn bánh tét. Nó cũng đã uống đầy một bụng nước mưa được lấy ra từ trong cái can bằng nhựa thật to. Qua một ngày, cậu ta đã lân la làm quen với hai đứa con chú Năm Hưng nên cũng đã bớt buồn. Lúc này, nó đã biết mặt hết tất cả những người ở trên tàu. Hầu hết là những người lạ, nó chưa từng thấy ở trên Hòn, nơi nó ở. Nó đếm được có tất cả năm người đàn bà con gái, sáu người đàn ông con trai và ba đứa con nít, tính luôn cả nó. Nó chuẩn bị chui vào trong ca bin ngủ thì bỗng một ánh đèn pha sáng rực từ một chiếc tàu ở phía xa rọi thẳng vào tàu của nó. Tiếng máy tàu gầm rú càng lúc càng rõ hơn. Thầy Nam hô lớn: - Coi chừng cướp biển. Thành, cho tàu chạy nhanh lên! - Nếu nó cố ý rượt theo thì mình có chạy hết tốc lực cũng chẳng ăn thua gì đâu. Tàu của nó bự lắm – Năm Hưng lo âu ra lệnh – Đàn bà con gái xuống dưới khoang tàu hết. Ai có của cải gì thì nhớ đem theo, giấu kỹ nghe chưa? Cõi thấy chú Năm với nỗi lo sợ lộ rõ trên khuôn mặt chạy vội đến mở nắp hầm cho mấy người phụ nữ chui xuống khoang tàu. Nó cũng cảm thấy bất an định chạy theo thím Năm thì liền bị chú Năm ngăn lại: - Mày cứ ở trên này với tụi tao. . . Tụi nó không bắt mày đâu. Chú Năm nói giọng run run, Cõi cũng cảm nhận được một điều chẳng lành sắp xảy ra. Chiếc tàu lạ càng lúc càng tiến gần đến tàu của đoàn người vượt biên. Cõi đã thấy một đám người lố nhố dưới ánh đèn sáng rực trên chiếc tàu lạ đó. Phút chốc, nó đã thấy chiếc tàu khổng lồ ngay ở phía sau. Tất cả những người đàn ông trên tàu của nó sợ hãi chạy vào trong ca bin. Cõi cũng vội chạy theo. Một sự va đập rất mạnh làm rung chuyển cả thân tàu. Tàu chòng chành gần lật úp thì lấy lại được thăng bằng. Liền sau đó, lại một va đập mạnh nữa. Lần này thì nó nghe thấy rõ ràng một tiếng “Rắc” và tiếng nước chảy ở trong khoang. Chú Năm cùng những người đàn ông vội ra ngoài boong tàu mở nắp hầm giúp những người phụ nữ đang trốn ở dưới đó chui lên. Lập tức, Cõi thấy một đám người cởi trần đen trùi trũi, xăm những hình thù kỳ quái trên khắp cả người, gương mặt dữ dằn, râu ria xồm xoàm, cổ đeo một sợi dây chuyền bằng bạc có gắn một vật gì trắng hếu như chiếc răng nanh của những con quỷ trong truyện cổ tích mà nó thường nghe mẹ nó kể hàng đêm. Bọn chúng hô lên những tiếng nghe thật man rợ, rồi nhất loạt nhảy sang tàu của đoàn người vượt biên mang theo những thanh sắt, những sợi cáp và cả búa nữa, thẳng tay đập vào đầu những người đàn ông rồi xô xuống biển mặc cho họ van xin thảm thiết. Những người phụ nữ lúc này đều đã rút vào trong ca bin, ngồi thu mình lại, run cầm cập. Bất ngờ, Cõi thấy chú Năm Hưng từ trên mui tàu lao xuống, tay cầm con dao phay sáng loáng chém tới tấp vào phía sau lưng một tên vừa mới sát hại một người ở trên tàu. Tên này kêu rú lên một tiếng, quay lại nhìn chú Năm, lảo đảo mấy bước rồi ngã chúi xuống biển. Chú Năm như điên như dại cầm dao múa tít, bọn cướp hoảng quá dạt ra xa. Chú Năm xông đại vào một thằng chém mạnh. Thật không may, chú mất đà ngã chúi trên boong tàu. Một tên từ phía sau, nhanh như chớp, chạy tới dùng búa đập mạnh vào đầu chú Năm. Máu văng tung tóe, chú giẫy giụa trên boong tàu một lúc rồi bất động. Thím Năm bất tỉnh tại chỗ, hai đứa bé ôm mẹ khóc không ra tiếng. Bọn cướp quăng xác chú Năm xuống biển rồi khiêng thím Năm và bồng hai đứa nhỏ chuyển qua tàu của bọn chúng. Sau khi quan sát không còn thấy một người nào ở ngoài và chiếc tàu của đoàn người vượt biên cũng đã sắp chìm, bọn cướp vội vàng vào trong ca bin lục soát, lấy tất cả hành lý, rồi bồng những cô gái đang vừa mệt lã vì đói và say sóng; vừa hoảng sợ vì phải chứng kiến một cuộc thảm sát kinh hoàng ngay trước mắt, chuyền nhau chuyển qua bên chiếc tàu của chúng. Từ nãy tới giờ, Cõi đứng nép sát vào ca bin, phía bên kia thân tàu, chứng kiến toàn bộ sự việc. Nỗi sợ hãi lúc này lớn gấp ngàn lần nỗi sợ hãi của đêm hôm trước khiến tâm trí cậu không còn có chỗ để mà nhớ đến ba mẹ nữa. Cậu chưa biết cần phải làm gì trong lúc này thì bỗng thấy một tên cướp nhìn cậu, chần chừ một lúc rồi bồng cậu chuyền nhanh qua chiếc tàu lớn. Lúc ấy, chiếc tàu của đoàn người vượt biên cũng từ từ chìm xuống đáy biển. Sang được chiếc tàu của bọn cướp biển, Cõi lại tiếp tục chứng kiến một cảnh kinh hoàng khác. Bọn chúng tiến đến lột trần truồng tất cả bốn cô gái và cả thím Năm vẫn còn đang bất tỉnh nữa. Hai đứa con thím Năm từ nãy giờ vẫn ôm mẹ khóc, chúng kéo ra xa cho ngồi dựa vào một góc của thân thân tàu, gần chỗ của Cõi đang ngồi. Những cô gái sợ hãi thu mình lại nhưng không còn một chút sức lực để mà chống cự. Khi tất cả những cô gái đã không còn một mảnh vải nào ở trên người, bọn chúng chỉ trỏ và nói với nhau bằng một thứ tiếng rất lạ mà Cõi chưa từng nghe bao giờ, rồi cười lên sằng sặc. Dường như chúng đang thảo luận về một vấn đề gì đó. Đột nhiên, chúng tự cởi quần mình ra rồi bu đến những thân thể trần truồng đang ngồi gục mặt vào giữa hai đầu gối, hai tay ôm chặt, người run lên bần bật vì khiếp sợ. Chúng dằn mạnh những cô gái yếu đuối kia xuống sàn rồi đè những thân thể gớm ghiếc của chúng lên mà xâu xé. Trước đây đã có lần cậu mơ hồ nghĩ đến chuyện của đàn ông và đàn bà khi cậu nhìn thấy hai con chó ở trước sân nhà của cậu dính vào nhau. Mẹ cậu nói không được nhìn vì nếu nhìn thì con mắt sẽ bị mắc lẹo. Cậu sợ quá không dám nhìn nữa. Nhưng đã có lúc cậu mường tượng sự kiện ấy diễn ra giữa đàn ông với đàn bà. Cậu chưa từng nghĩ rằng nó ghê gớm khiến người ta phải đau đớn, giẫy giụa như cảnh tượng đang diễn ra trước mắt cậu bây giờ. Mặc cho sự la hét của những cô gái và cả cái thân thể bất động của thím Năm nữa, bọn chúng cứ thay phiên nhau hùng hục trên những cái thân thể đang quằn quại rên xiết vì đau đớn. Một trong những tên đang đứng ngoài chờ đến lượt mình, đột nhiên liếc nhìn con gái lớn của thím Năm bằng con mắt hau háu rồi bất ngờ vồ con bé như con diều hâu vồ chú gà con lôi lên tầng trên của con tàu. Cậu nghe thấy con bé thét lên một tiếng kinh hãi rồi im bặt. . . Sự việc như thế cứ diễn ra suốt đêm khuya trên con tàu khổng lồ mà Cõi chưa từng thấy bao giờ. Cho đến lúc Cõi không còn thấy tên nào hùng hục trên thân xác của những cô gái nữa thì cũng là lúc những thân xác kia bất động hoàn toàn. Họ không còn la hét hay giẫy giụa nữa. Họ chỉ còn thở thoi thóp thôi. Khi những tên cướp biển rút hết vào trong phòng của con tàu, không còn tên nào ở ngoài boong nữa, Cõi kéo thằng con của thím Năm đến chỗ thím đang nằm bất động. Thím còn sống. Cõi thấy thím còn thở. Thằng bé con thím Năm ôm mẹ khóc rưng rức. Thím năm tỉnh lại, vuốt đầu thằng bé nhưng xem ra còn mệt lắm không nói được gì. Các cô gái cũng lần lượt tỉnh lại. Nghe tiếng khóc, họ mở mắt ra nhìn hai đứa nhỏ rồi lại nhắm nghiền. Biển vẫn lặng yên. Con tàu vẫn lướt nhanh rẽ một làn nước trắng xóa dưới ánh sao trời như đang rẻ cuộc đời của họ sang một thế giới khác. Thím Năm dần dần tỉnh hẳn. Thím ngồi dậy nhìn quanh. Thím giật mình khi thấy con tàu lạ. Thím hoảng hồn khi thấy những cô gái kia nằm bất động với thân thể lõa lồ. Thím nhìn lại thân thể mình rồi rùng mình khép chân lại. Thím nhớ lại và hiểu ra tất cả. Thím hốt hoảng khi không thấy con gái lớn ở quanh đây: - Chị hai con đâu rồi? - Người ta bắt chị hai vô trong tàu rồi má ơi! Hu . . hu. .. hu. Thím muốn ngất đi lần nữa. Nhưng cái phần hồn của thím nó không cho phép thím ngất đi trong lúc này. Thím cần phải hết sức tỉnh táo để bảo vệ thằng út ngây thơ, tội nghiệp này. Thím ôm thằng bé vào lòng, vỗ vỗ vào lưng nó. Hai trong bốn cô gái đã ngồi dậy được, ôm nhau khóc nức nở. Một lúc sau, bọn người gớm ghiếc kia lại bước ra, chúng mang theo những cái can nhỏ, phát cho mỗi người một cái và Cõi cũng có phần. Bọn chúng ra hiệu cho mỗi người phải giữ lấy cái can này. Khi mọi người còn ngơ ngác không biết chúng sắp làm cái trò gì nữa thì thấy chúng đến chỗ hai cô gái còn đang nằm bất động lôi dậy nhưng chẳng thấy nhúc nhích gì. Chúng lại bàn tán với nhau điều gì đó rồi khiêng hai cái xác không hồn kia vứt xuống biển. Thím Năm hoảng quá vứt cái can xuống sàn rồi vội chạy vào trong tàu, kêu thét lên: - Con tôi đâu? Con tôi đâu? Trả con tôi lại cho tôi! Một tên ngăn thím Năm lại, cúi xuống nhặt cái can đưa lại cho thím rồi đẩy thím xuống biển. Cứ thế chúng lần lượt xô tất cả xuống biển. Cõi nghe thấy tiếng la hét kinh hoàng của hai cô gái và của thằng út con thím Năm. Cõi câu chặt vào người một tên khi tên này sắp vứt cậu xuống biển. Nhưng đôi bàn tay bé bỏng của cậu không đủ sức giữ thân thể của cậu trên thân hình lực lưỡng chai sạn của tên cướp. Cậu dễ dàng bị bàn tay như hộ pháp của tên này gỡ ra và vứt tòm xuống biển như người ta vứt một con ngóe. Cậu bị chìm xuống dưới mặt nước lạnh buốt khoảng vài mét rồi lại trồi lên. Cậu nhìn thấy cái can trăng trắng ở đằng xa. Cậu muốn bơi nhanh tới đó nhưng cái áo vướng víu quá làm cậu bơi hoài không thấy tới. Cậu sắp kiệt sức. Ồ, tại sao mình không cởi phứt cái áo này ra nhỉ? Nghĩ ra được như vậy, cậu dùng hai tay cầm hai vạt áo xé mạnh cho toạc cả hàng nút, cởi áo ra vứt lại phía sau, rồi bơi nhanh về phía trước, chụp ngay cái can khi vừa nhoài người tới đó. Cậu ôm lấy cái can cứng ngắc, rồi nhìn quanh xem còn có ai ở gần mình không. Không có ai cả. Chiếc tàu đã khuất trong bóng đêm, tiếng máy cũng nhỏ dần, nhỏ dần rồi mất hút. Cậu cố kêu to lên trong bóng đêm tĩnh mịch giữa biển khơi: - Thím Năm ơi. . ơ. . i. . .ơi! Mấy cô ơi . . ơ. . .i. . ơi! Không hề có tiếng trả lời. Chỉ có tiếng sóng vỗ nhè nhẹ, nhè nhẹ, lách tách lách tách vào cái can mà nó đang ôm trước ngực. . . (Còn nữa) RG,3.12.2012 Nguyễn Phương |
|
└(≣) TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ cách đây 11 năm, 11 tháng #4560
|
Mới khúc dạo đầu thôi mà đọc thấy "phê" rồi!
Cảm ơn NP nghe, có những việc mình không thể nào quên được, cứ thỉnh thoảng nó lại hiện về trong những giấc mơ, khi thức giấc vẫn còn bần thần, ngơ ngác...lâu dần phải chấp nhận nó như một phần của thân thể, của Linh hồn mình ! Nói theo cách của dân miền Tây mình là : " sống chung với lũ" Hẹn gặp lại! BS.2.12.12 |
|
└(≣) TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ cách đây 11 năm, 11 tháng #4561
|
Chào anh Nguyễn Phương! Bài viết của anh làm Sao cảm động quá! Có những kỷ niệm không thể nhạt nhòa trong ức của đời người. Cám ơn anh! TS 03.12.12 |
|
└(≣) TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ cách đây 11 năm, 11 tháng #4573
|
Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình không có một người bạn nào cả?” trong khi bạn lại không chịu mở rộng trái tim để bạn bè có thể đến với bạn.
Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình lại luôn luôn nếm mùi thất bại?” trong khi bạn vẫn chưa dốc hết toàn bộ sức lực trong mọi công việc để tiến tới thành công. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mọi người lại đối xử với mình tệ như vậy?” trong khi bạn vẫn chưa chắc là mình đã đối xử thật tốt với mọi người xung quanh. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình không được như mọi người?” trong khi bạn đâu hề biết rằng có hàng triệu người đang ao ước có được cuộc sống như bạn. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình không có được hạnh phúc?” trong khi bạn vẫn mải mê theo đuổi hạnh phúc ở đâu xa xôi nên không kịp nhận ra chúng đang hiện diện ngay bên cạnh, thậm chí ngay trước mắt bạn. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao cuộc sống của mình lại nhàm chán đến thế?” trong khi bạn vẫn chưa nỗ lực tìm ra mục tiêu đích thực của đời mình để theo đuổi. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình chẳng nhận được gì từ cuộc sống?” trong khi bạn vẫn chưa làm được chút gì để góp phần làm đẹp cho cuộc sống của mình. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao mình lại không thể có được một tình yêu đích thực?” trong khi bạn vẫn chưa dám chắc là mình hiểu rõ khái niệm tình yêu. Có khi nào bạn tự hỏi: “Tại sao chẳng ai hiểu mình cả?” trong khi bạn luôn che giấu cảm xúc và chẳng bao giờ cho người xung quanh cơ hội để có thể. Thanh Thảo(St) CA,04.12.12 |
|
└(≣) TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ cách đây 11 năm, 11 tháng #4575
|
Tỉ Thanh Thảo ơi! Cám ơn Tỉ đã đưa lên những bài đáng suy gẫm! Muội Trăng Sao 05.12.12 |
|
└(≣) TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ cách đây 11 năm, 11 tháng #4595
|
Cám ơn Băng Sơn, Trăng Sao, chị Thanh Thảo cùng nhiều bạn đọc đã “nghía” qua câu chuyện phím này. Tôi xin phép được đăng nốt phần còn lại.
TÂM HỒN NGƯỜI XA XỨ (phần tiếp theo) Thương tặng những người con xa xứ NGUYỄN PHƯƠNG Trời sáng dần, Cõi lại thấy ông mặt trời như hòn lửa dần dần nhô lên khỏi mặt biển. Cõi cảm thấy mình quá bé bỏng trước đại dương bao la. Nhưng lạ lùng thay, cậu không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Có lẽ trong suốt hai đêm một ngày liên tiếp cậu đã trải qua những nỗi sợ hãi quá lớn đến nỗi giờ này cậu không còn biết sợ là gì nữa. Cậu vẫn hy vọng có một con tàu nào đó đến vớt cậu lên và đưa cậu về tận nhà với ba mẹ cậu. Mặt trời lên cao dần, ánh nắng đã bắt đầu chói chang trên mặt biển. Cõi cảm thấy ran rát ở trên lưng. Cậu định đưa tay ra phía sau sờ lên đó xem có bị sao không nhưng tay cậu đã tê cứng không tài nào cử động được nữa. Cái tư thế nằm xấp, ôm ghì lấy cái can ở trước ngực trong suốt nhiều tiếng đồng hồ làm thân thể cậu trở nên cứng đờ như một khúc gỗ mục trôi tự do trên biển. Cậu cố dõi mắt ra thật xa nhìn khắp chung quanh. Tất cả chỉ là mênh mông sóng nước, không hề có một chiếc tàu nào, cũng không hề có một cái Hòn hình con rùa nào quen thuộc cả. Cậu mệt lả sắp sửa buông xuôi. Cậu nhắm mắt lại. Bỗng hình ảnh ba mẹ hiện ra rõ mồn một trước mắt cậu. Ô kìa, ba mẹ đang gùi mãng cầu vẫy vẫy mình kìa! Cậu vội mở mắt ra. Hình ảnh ba mẹ biến mất. Cậu cố nhìn vào trong hư không để tìm lại hình bóng thân thương của ba mẹ mình lần nữa. Lần này thì cậu thấy một cột khói bốc lên từ mặt biển. Cột khói ấy càng lúc càng rõ dần. Ồ, hình như có tiếng động nữa. Đúng là tiếng máy tàu. Cậu cố nhìn về phía cột khói đó. A, hình như có một con tàu chui lên từ dưới biển. Nó còn đang tiến về phía mình nữa kìa. Lạ quá! Con tàu ấy cũng càng lúc càng rõ dần. Cậu muốn giơ tay lên vẫy vẫy để ra hiệu cho con tàu đến cứu mình nhưng không cách nào nhấc ra khỏi cái can được. Dường như hai tay của cậu đã bị cột chặt với cái can ở trước ngực. Cậu muốn hét thật to nhưng cũng không còn đủ sức để hét. Trước mắt bỗng tối sầm, rồi cậu không còn biết được gì nữa cả. Cõi nghe thấy tiếng nói lao xao, là lạ ở bên tai. Cậu vội mở mắt ra. Ô, mình đang ở đâu thế này? Hình như hồi nãy mình đang trôi giữa biển khơi mà! Cậu thấy một đám người bu đến. Họ nói với nhau những tiếng nghe quen quen. Cậu nhớ ra. Đúng rồi, đây là tiếng của những tên cướp gớm ghiếc trên tàu. Cậu hoảng hốt ngồi bật dậy nhưng đám người kia giữ cậu lại, đỡ cho cậu nằm xuống và chăm sóc cho cậu tận tình. Cậu được họ cho uống sữa và cho mặc một bộ quần áo đẹp. Cậu cảm nhận được đám người này hiền lành chứ không dữ tợn như bọn cướp ở trên tàu, mặc dù họ nói tiếng giống nhau. Sau này Cõi mới được những người ở trại tị nạn Thái Lan kể lại rằng khi cậu vừa kiệt sức ở trên biển thì có một chiếc tàu buôn Thái Lan phát hiện đến cứu và đưa vào bờ. Đoán được cậu là người Việt Nam vượt biên gặp nạn, họ chuyển vào trại tị nạn của người Việt Nam. Lúc mới được đưa đến đây, cậu thấy toàn là người nói tiếng giống mình, cậu mừng quýnh tưởng đã về được nhà nhưng sau mới hiểu ra đây chỉ là nơi ở tạm để rồi chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Đến đây, Cõi được người ta cho ở trong một cái lán trại dài cất tạm thời, chia ra từng căn, mỗi căn rộng khoảng ba chục mét vuông cho năm người ở. Cõi ở chung với một cặp vợ chồng và hai người thanh niên độc thân. Mỗi ngày cậu được người ta phát cho hai suất cơm. Về mặt ăn, ở cậu không thấy vất vả vì ở nhà cậu còn kham khổ hơn như thế này. Nhưng cậu cảm thấy buồn và nhớ ba mẹ vô cùng. Có đêm nằm mơ thấy ba mẹ, cậu gọi thất thanh khiến cả trại giật mình. Tất cả những người ở trong trại tị nạn này đều thương cho hoàn cảnh của cậu, có gì họ cũng chia cho cậu cùng ăn. Mà thằng Cõi cũng rất dễ thương. Ai sai gì nó cũng làm, làm rất vui vẻ, nhiệt tình lại được việc. Có người nói: “Thằng này thông minh, nếu được đi học chắc nó học giỏi lắm”. Ở trại khoảng được hơn hai tuần thì có một người đàn ông – nghe bảo là trưởng trại tị nạn người Việt Nam ở Thái Lan – và một người phụ nữ ăn mặc rất sang trọng, cầm giấy tờ đến trước căn trại của Cõi hỏi vọng vào: - Căn trại số 5 này có một thằng bé mà người Thái họ vớt được từ ngoài biển đưa vào phải không ạ? Chú Lâm – người đàn ông lớn tuổi nhất ở căn này – trả lời: - Vâng. Nó đây nè. Ông trưởng trại cùng người phụ nữ bước vào bên trong, ngồi vào cái bàn nhỏ. Người đàn ông ngoắc Cõi đến, hỏi nhỏ nhẹ: - Con tên gì? - Dạ. Con tên Cõi. - Con phải nói đầy đủ họ và tên kìa. Ví dụ như Nguyễn Văn Cõi, Phạm Văn Cõi hay Lê Văn Cõi. . . Nghe tới đó Cõi chợt nhớ năm ngoái khi học được vài ngày ở lớp một, có lần, cậu nghe thầy giáo gọi tên Trần Văn Cõi, cậu ngớ người ra không biết thầy gọi ai. Đến khi thầy chỉ ngay cậu, cậu mới biết thì ra mình có cái tên dài như vậy. Bây giờ nghe nhắc đến họ và tên, cậu trả lời ngay: - Dạ. Tên con là Trần Văn Cõi. - Con mấy tuổi? - Dạ. Con tám tuổi. Ông ấy cúi xuống ghi ghi chép chép rồi lại ngẩng lên: - Ngoan lắm. Vậy ba mẹ con tên gì? Nhà con ở xã nào? Huyện nào? Tỉnh nào? Cõi lúng túng không biết trả lời như thế nào bởi vì cậu chỉ biết người ta gọi ba mẹ cậu là vợ chồng thằng Bảy Cứng. Còn ở xã, huyện, tỉnh nào thì cậu mù tịt. Người phụ nữ đi theo từ nãy giờ không nói gì, lúc này bỗng cắt ngang: - Không cần những chi tiết này đâu anh. Hôm nọ, khi người Thái đem nó đến, họ đã khai rõ ngày tháng năm vớt nó trên biển và chúng tôi đã ghi cha mẹ nó đều mất tích hết. Bây giờ chỉ cần biết tên tuổi và chụp hình nó cho dễ làm thủ tục thôi. Nói rồi người phụ nữ ấy lấy trong túi xách ra cái máy ảnh, bảo Cõi mặc quần áo tươm tất vào rồi ra đứng trước cửa căn trại cho cô ấy chụp hình. Sau đó, Cõi thấy những người lớn trong trại bàn tán với nhau những điều gì đó mà cậu không hiểu nổi. Khi ông trưởng trại cùng người phụ nữ kia đã ra về, chú Lâm đến vỗ vai Cõi: - Mày sướng rồi Cõi ơi! Tụi tao ở đây cả năm trời chưa ai dòm ngó, mày mới đến có hơn hai tuần mà đã có ông Mỹ đến rước mày đi rồi. Đời mày sướng như tiên rồi Cõi ơi! Cõi chẳng hiểu ất giáp gì. Bây giờ cậu chẳng muốn đi đâu nữa. Ở đây cậu cũng đã quen được mấy thằng bé cùng trang lứa. Chúng nó vẫn thường đến rủ Cõi chơi bắn bi vào những buổi trưa khi người lớn đã đi nghỉ hết. Còn người lớn thì ai cũng tỏ ra yêu thương cậu nên cậu cũng đỡ tủi thân: - Con không muốn đi đâu chú Lâm ơi, con chỉ muốn ở đây với chú thôi. - Mày ngu quá. Mình ở đây là chỉ ở tạm thôi, biết chưa? Tất cả rồi sẽ qua Mỹ hết, chỉ có điều người đi trước, người đi sau thôi. - Vậy, chú cũng đi Mỹ luôn hả chú? - Đương nhiên rồi. Không đi thì tao mạo hiểm vượt biển qua đây để làm cái quái gì! Hồ sơ bảo lãnh qua Mỹ của tao chắc cũng sắp tới rồi đó. - Vậy thì con chờ đi chung với chú luôn. Nghe thằng bé ngây thơ nói, Lâm mỉm cười, ôm đầu nó dí vào ngực mình lắc lắc: - Mày cứ đi trước. Để vài bữa nữa tao coi cha mẹ nuôi của mày là ai, rồi xin địa chỉ, khi nào qua bển, tao sẽ tìm mày. Hỏng biết lúc đó mày còn nhớ tao nữa không đây. - Ủa, con có cha mẹ nuôi hồi nào vậy chú? - Cha mẹ nuôi của mày là một cặp vợ chồng thương gia người Mỹ giàu có nhưng không có con. Họ đi du lịch qua đây tình cờ nghe được tin có một thằng bé trôi giữa biển khơi được một tàu buôn Thái Lan vớt lên đem vào bờ. Họ muốn xin làm con nuôi nên đã dò la tin tức suốt hơn hai tuần mới gặp được mày đấy. Họ đang làm một số thủ tục, chắc chỉ vài ngày nữa là họ rước mày đi thôi. Quả thật vậy, chỉ vài ngày sau, Cõi thấy có một chiếc xe ô-tô nhỏ chạy đến trước căn trại. Bước xuống xe chính là người phụ nữ mà hôm trước cùng đi với ông trưởng trại và đã chụp hình Cõi. Khi được biết người phụ nữ này đến để đưa Cõi đi, lúc đầu cậu chống cự ghê gớm lắm. Cậu ôm cứng vào cái cột nhà không cho người ta bắt đi. Nhưng sau, Cõi thấy người phụ nữ ấy rất dịu dàng và có vẻ hiền lành, đặc biệt là cô ấy còn cho cậu rất nhiều bánh ngon và đồ chơi đẹp, Cõi xiêu lòng, chịu thay bộ đồ mới thật đẹp của cô đưa cho rồi lên xe. Cõi không quên chào tạm biệt chú Lâm cùng mấy người ở chung phòng và hẹn ngày gặp lại. Trưa hôm đó, Cõi được đưa đến một khách sạn rất sang trọng. Người phụ nữ dắt Cõi giao cho vợ chồng người Mỹ đang ở đấy. Ấn tượng nhất là lần đầu tiên trong đời Cõi nhìn thấy được một loại người cao to khác thường đến như vậy. Sau khi người phụ nữ nói vài câu gì với vợ chồng người Mỹ ấy, Cõi thấy mặt “ông Mỹ” có vẻ rạng ngời hạnh phúc, rồi như một gả khổng lồ, ông giơ đôi bàn tay toàn lông lá của ông ra xốc nách chú bé tí hon đưa lên cao quay mấy vòng, lại hạ xuống rồi bất ngờ tung Cõi lên cao cho chới với trên không trung rồi chụp lại cười vang tỏ vẻ khoái chí lắm. Cõi hết hồn muốn thét lên nhưng không dám thét. Khi “ông Mỹ” vừa đặt Cõi xuống đất, Cõi vội chạy đến ôm chân người phụ nữ khóc rưng rức. Người phụ nữ xoa đầu Cõi dỗ dành: - Không sao đâu con. Ông ấy nựng con đó. Từ nay hai người này sẽ là ba mẹ của con. Dần dần rồi ông ấy sẽ dạy con biết nói tiếng Mỹ. Từ khi bị bắt xuống tàu đến bây giờ, Cõi nhận ra rằng số phận của mình đã tùy thuộc vào quyết định của người lớn, cậu không thể cưỡng lại được. Và “người lớn”, họ cũng chẳng bao giờ chiều theo ý của cậu. Thôi thì ở đâu cũng xa lạ thì ở với vợ chồng “ông Mỹ” này cũng chẳng sao. Không biết có ma lực nào mà đến lúc này tự dưng Cõi lại mạnh mẽ và có những suy nghĩ “người lớn” đến như vậy. Nghĩ thế, nhưng Cõi vẫn thấy lạc lỏng giữa không gian xa lạ, con người xa lạ và đặc biệt cái mùi rất xa lạ mà Cõi ngửi được từ lúc vừa mới bước vào cái phòng này. Và càng nồng nặc hơn lúc “ông Mỹ” bồng cậu quay tít rồi quẳng lên cao. Cõi chỉ rấm rức khóc vì tủi thân chứ không còn cảm thấy sợ hãi nữa. Người đàn bà người Mỹ bước đến gỡ tay Cõi ra khỏi chân người phụ nữ rồi nhẹ nhàng bồng Cõi lên vỗ vỗ vào lưng cậu như muốn cậu hãy an tâm vì từ nay đã có người nuôi nấng, dạy dỗ, bảo bọc và che chở cho cậu. Khi ngả đầu vào vai người đàn bà xa lạ này, Cõi cũng cảm nhận được sự ấm áp như tình thương của người mẹ truyền sang cho cậu. Cậu cảm thấy yên tâm hơn. Ngày hôm sau, Cõi được vợ chồng người Mỹ đưa ra phố để mua sắm ít đồ trước khi về nước. Lần đầu tiên, Cõi thấy phố xá tấp nập như thế này. Hôm đó Cõi được vợ chồng người Mỹ cho chơi những trò chơi vô cùng cùng thú vị, ăn những món ăn thật ngon và mua sắm thêm rất nhiều quần áo mới. Lúc họ dắt Cõi ra xe để trở về khách sạn, Cõi bỗng nghe thấy tiếng gọi thất thanh ở phía sau: - Cõi ơi! Cõi ơi! Có phải Cõi đó không? Cõi ngạc nhiên quay lại. Thật không tin vào mắt mình nữa! Trời ơi, thím Năm Hưng đây mà! Thím tất tả chạy tới dùng cả đôi bàn tay ép hai gò má của Cõi, giữ cho khuôn mặt quay thẳng về phía mình: - Trời ơi! Đúng là thằng Cõi đây mà! Con còn sống sao? Con của thím nó có đi cùng con. - Dạ. Con không biết. Lúc thằng cướp ném xuống biển con không thấy ai cả. Thím Năm bật khóc. Vợ chồng người Mỹ chẳng hiểu gì, vội cầm tay Cõi dắt đi. Thím Năm cố giữ Cõi lại để hỏi thêm: - Bây giờ con đi đâu? Làm sao con quen hai người này? - Có một chiếc tàu thấy con sắp chết đuối ở ngoài biển, vớt con vào bờ rồi giao con cho hai người này nuôi. Con sắp sửa đi qua Mỹ rồi. - Vậy thì tốt quá. Con đi mạnh giỏi nghe con. Thím Năm muốn nói chuyện nhiều và Cõi cũng muốn hỏi thím Năm nhiều chuyện nữa. Nhưng dường như vợ chồng người Mỹ không muốn có cuộc tiếp xúc bất ngờ này nên vội kéo Cõi đi nhanh ra xe. Thím Năm chỉ kịp nói với theo: - Cõi ơi! Con nhớ con là con của ông Bảy Cứng quê ở Hòn Tre, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang nghe con! Năm đó là năm 1980 Mới đó mà đã hơn ba mươi hai năm trời rồi! Quá khứ hiện ra rõ ràng như một thước phim quay chậm khi tình cờ David Tran xem ti vi trong một chuyên mục của Đài truyền hình Việt Nam thấy thằng Tửng – bạn của anh hồi còn bé – được tuyên dương là một nông dân điển hình sản xuất giỏi, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Ngày xưa, lúc anh mới đặt chân qua Mỹ, anh nghĩ rằng sẽ không còn bao giờ có thể trở về quê hương được nữa và anh càng không thể tưởng tượng được rằng ngồi ở một nơi cách xa Việt Nam nửa vòng trái đất này mà có thể xem được cả chương trình thời sự của Đài truyền hình Việt Nam. Năm 1980, anh đặt chân trên đất Mỹ. Anh được bố mẹ nuôi hết sức yêu thương, chăm sóc, dạy dỗ tận tình. Họ coi anh như con ruột; họ cho anh ăn học đàng hoàng tử tế. Hơn nữa, bố mẹ nuôi còn luôn luôn tôn trọng và nhắc nhở anh về cội nguồn của mình. Cái tên nửa Việt nửa Mỹ: David Tran mà bố nuôi đặt cho anh cũng thể hiện sự tôn trọng đó. Thay vì ông có thể đặt một cái tên trọn vẹn theo dòng họ của ông cho một đứa trẻ không rõ gốc tích (chỉ biết là người Việt Nam và có tên là Trần Văn Cõi) thì ông lại muốn giữ lại cái chữ “Trần” trong cái tên đầy đủ của nó để khi lớn lên, nó còn nhớ về cội nguồn. Nói chung, anh đã gặp được một cặp vợ chồng người Mỹ giàu có, hiểu biết và hết sức tốt bụng nuôi nấng mà nhiều người nói rằng anh đã “có quý nhân phù hộ”. Anh còn biết chơi golf – môn thể thao quý tộc – một cách thành thạo mà chính người bố nuôi đã dạy cho anh từ bé. Cái câu “Cõi ơi! Con nhớ con là con của ông Bảy Cứng quê ở Hòn Tre, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang nghe con!” của thím Năm Hưng đã khắc sâu trong tâm trí David Tran mấy chục năm qua. Và có lẽ suốt cả cuộc đời này anh cũng không bao giờ quên được cái dòng máu Việt Nam luôn tuôn chảy trong anh, mặc dù đã có một thời gian dài anh không nói Tiếng Việt. Điều kiện sinh sống và làm việc đã khiến anh sắp quên hẳn Tiếng Việt thì trời lại tiếp tục cho anh một dịp may. Vào mùa hè năm 1996, David Tran cùng bố tham gia tranh giải cuộc thi đấu golf khá lớn do Hiệp hội golf California tổ chức. Sau bốn ngày thi đấu quyết liệt, David Tran cùng bố đã đoạt giải nhất đồng đội. Trong lúc các tay golf đang thưởng thức những ly bia hảo hạng sau những trận golf đầy hào sảng và những tín đồ bia còn ngây ngất và choáng váng thì bất ngờ một cô gái xinh xắn người nhỏ nhắn trông còn rất trẻ cầm ly bia tiến thẳng đến David Tran: - Chúc mừng anh David Tran. David vô cùng mừng rỡ vì cô gái nói tiếng Việt rất sõi. Anh cố nhớ lại tiếng Việt để chào lại một câu cho thật rõ ràng lịch sự: - Khám ân khô . . . Anh còn định hỏi thêm làm sao cô biết anh là người Việt Nam nhưng chợt nhận ra rằng mình vừa phát âm sai nên tỏ ra rất lúng túng trước một cô gái rất xinh đẹp này. Trời ơi, sao bây giờ tự dưng mình không phát âm được âm ”Cờ” thế này! Lúc này, đến lượt cô gái ngạc nhiên và có vẻ sượng sùng. Cô hơi ngả người ra phía sau một chút, nhìn kỹ lại anh một lần nữa như muốn kiểm tra xem mình có đoán lầm không: - Sorry. I thought he was a Vietnam. - Tôi đúng là người gốc Việt. C.. .c. . .cô cứ dùng tiếng Việt, tôi nghe được. Tôi thích nghe tiếng Việt. Nhưng thành thực xin lỗi vì lâu quá tôi không dùng tiếng Việt nên phát âm không chuẩn. C. . c. . .cô thông c. .. c. .ảm nghe. David cố nói chậm lại những chỗ có âm ”Cờ” để phát âm cho đúng nên cứ lắp bắp mãi. Cô gái tỏ ra an tâm và thân mật hơn: - Chắc anh qua đây lâu rồi hả? Người đàn ông chơi golf với anh là ai vậy? - Ông ấy là bố nuôi tôi đấy. Ông nuôi tôi từ hồi tôi mới tám tuổi. - A, thì ra vậy. Còn em mới qua bốn năm nay thôi. Em đi theo diện đoàn tụ gia đình. Cuộc gặp gỡ tình cờ đó ai ngờ đã gắn bó cuộc đời của David Tran với cô gái người Mỹ gốc Việt dễ thương này. Cô tên là Đào Ngọc Duyên, một giáo viên dạy Tiếng Việt rất giỏi cho cộng đồng người Việt ở Quận Cam California và bây giờ cô cũng dạy tiếng Việt luôn cho David Tran. Anh học rất nhanh, chẳng bao lâu anh đã biết viết thành thạo tiếng Việt và phát âm cũng rất chuẩn. Thỉnh thoảng anh còn làm thơ bằng tiếng Việt để tặng cho Duyên nữa. Duyên nhớ nhất là câu: Đời anh may mắn thêm lần nữa Vì đã có Duyên sưởi ấm lòng. Khi nhận được bài thơ có hai câu này với nét chữ nắn nót cẩn thận của David, nàng hết sức cảm động tâm sự: - Hồi còn ở Việt Nam em tên là Dung, Đào Ngọc Dung. Đến khi bố em bảo lãnh qua Mỹ bố nói cái tên này nhìn chữ viết người Mỹ sẽ nghĩ đến một nghĩa không hay nên quyết định đổi tên em từ Dung thành Duyên. Tên Duyên thế mà nghe hay anh nhỉ? Rồi nàng tủm tỉm cười rất duyên. Đôi môi chúm chím đỏ mọng như trái chín đầu mùa đang khơi gợi một tình yêu nồng cháy. David cuối xuống đặt lên đó một nụ hôn. Nàng say sưa, ngây ngất đón nhận trong niềm hạnh phúc vô bờ. Cuối năm đó anh cưới Duyên. Một lần nữa anh lại gặp may. Nếu như chiếc tàu buôn của Thái Lan năm xưa đem anh về từ cõi chết, bố nuôi anh cho anh một cuộc sống vô cùng sung túc thì Duyên lại thổi cho anh một tâm hồn người dân Việt. Anh đang theo dõi cuộc phỏng vấn của phóng viên Đài truyền hình Việt Nam với anh nông dân sản xuất giỏi Huỳnh Văn Tửng thì bất ngờ thằng Bi cắt ngang: - Ba ơi, sao con thấy chính ba đã giúp đỡ chú Tửng rất nhiều, bây giờ chú ấy mới khắm khá ra, mà hồi nãy con nghe chú ấy trả lời với phóng viên là nhờ ơn đảng và nhà nước chú ấy mới có cuộc sống ngày hôm nay vậy ba? - Thì cũng nhờ chính sách của họ chứ con. Mình cho thì nhằm nhò gì. Tiền có hàng núi mà chỉ ngồi ăn không cũng hết. Cái câu hỏi hồn nhiên, ngây thơ của thằng Bi con anh làm anh nhớ đến câu chuyện của hơn mười năm về trước. Cuối năm 2001, bố mẹ nuôi của anh bất ngờ qua đời vì một tai nạn giao thông. Anh đau khổ và ân hận vô cùng. Đúng ra hôm đó anh là người lái xe đưa bố đi họp theo giấy mời của Hiệp hội golf California tổ chức ở Los Angeles để chuẩn bị cho một giải thi đấu lớn. Nhưng sáng hôm đó thằng Bi đột nhiên bị sốt cao, bố không nỡ để anh đưa đi. Bố nói đầy tự tin cho anh yên tâm: - Con cứ ở nhà chăm sóc cho thằng Bi, vợ con đi dạy chắc tới chiều mới về. Sẵn chuyến này ba chở mẹ con đi chơi luôn. Lâu quá rồi ba chưa đưa mẹ con đi chơi đâu cả. Ba thật có lỗi với mẹ. Thấy bố còn khỏe và nghe bố nói cũng có lý nên anh cũng không ngần ngại để bố tự lái xe đi. Nào ngờ, chiều hôm ấy một tin dữ từ đồn cảnh sát báo về: chiếc xe của ba anh đã gặp tai nạn trên đường trở về nhà, bố và mẹ đều đã được đưa đi cấp cứu. Anh tức tốc vào bệnh viện nơi cảnh sát đã thông báo. Mẹ anh đã qua đời ngay trên đường đi cấp cứu, còn bố anh đang hấp hối. Thấy anh vừa bước vào phòng, ông ra dấu cho anh lấy cái ví trong cái túi áo còn đẫm máu mà bác sĩ vừa mới cởi ra để trên cái tủ ở cuối giường đưa cho ông. Ông móc ở trong cái ví đó ra một tấm hình đã ố vàng đưa cho anh rồi nói bằng một giọng đã lạc hẳn chỉ còn nghe thều thào trong gió: - Đây là tấm hình mà người ta đưa cho bố lúc trước khi bố gặp con vài ngày. Con hãy giữ lấy và nhớ về Việt Nam tìm lại ba mẹ ruột của con. Có tấm hình này họ mới nhận ra được con. . . Ông còn căn dặn anh điều gì nữa nhưng anh nghe không rõ. Giọng ông yếu dần rồi tắt hẳn. Bố anh đã ngừng thở. Anh hoảng hốt cầu cứu bác sĩ nhưng họ nói rằng đã không còn cứu được nữa. Anh thấy bầu trời như sụp đổ. Anh đau đớn vô cùng khi hai con người mà anh yêu thương nhất trên đời này cùng ra đi một lúc. Anh chưa làm gì để báo đáp được công ơn nuôi dưỡng và dạy dỗ như trời biển của họ. Anh thấy cuộc sống dường như không còn có ý nghĩa gì nữa. Sau khi bố mẹ nuôi mất, anh thấy gia đình trống vắng vô cùng, anh buồn bã ủ dột suốt ngày không nói chuyện với ai, kể cả thằng Bi anh cũng chẳng thèm đùa giỡn với nó như mọi khi nữa. Vợ anh khuyên anh nên về Việt Nam một chuyến để tìm lại cha mẹ ruột của mình. Thật ra trước đây, anh đã từng bày tỏ mong muốn này với bố mẹ nuôi và ông bà cũng đã tìm đủ mọi cách để đưa anh về Việt Nam tìm lại cha mẹ ruột, nhưng thủ tục hồi ấy quá khó khăn, anh không về được. Đến khi nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đổi mới, chủ trương ”khép lại quá khứ, hướng tới tương lai” và quan hệ bình thường với Mỹ thì hình ảnh ba mẹ ruột của anh đã mờ xa và anh cũng không còn nói được tiếng Việt rành rọt nữa nên anh mặc cảm mà không muốn trở về. Lời đề nghị của vợ làm anh nhớ tới lời trăn trối cuối cùng của bố nuôi: "Con nhớ về Việt Nam tìm lại ba mẹ ruột của con”. Đúng vậy, bây giờ mình đã nói và viết tiếng Việt được rành rọt rồi, mình phải về Việt Nam một chuyến mới được. Đằng nào thì cũng cho thằng Bi nó biết quê cha đất tổ của nó và nhận ông bà nội ruột của nó nữa chứ. Dòng họ bên ngoại của nó thì tất cả đều định cư ở đây hết rồi, chỉ có bên nội là chẳng có ai thôi. Nghĩ vậy, anh quyết định làm hộ chiếu đưa cả vợ con về Việt Nam thăm quê hương. Năm đó là năm 2002. Cái câu “Cõi ơi! Con nhớ con là con của ông Bảy Cứng quê ở Hòn Tre, huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang nghe con!” của thím Năm Hưng lại vang lên trong tâm trí của anh. Anh giở bản đồ Việt Nam ra, đưa ngón tay trỏ dò dò rồi chỉ cho thằng Bi xem: - Đây. Hòn tre đây nè, nơi ba ở hồi nhỏ đó con. Còn đây là huyện An Biên. Hòn tre thuộc huyện An Biên đó con. Duyên ngồi ở kế bên, thấy anh nói sai liền chỉnh lại: - Thôi đi anh ơi, hồi đó Hòn Tre thuộc huyện An Biên, bây giờ nó là trung tâm của huyện Kiên Hải rồi. Anh về nước mà cứ khăng khăng đòi về An Biên thì người ta cho anh vô hóc bò tó luôn đó. David Tran cười: - Vậy hả? Ai mà biết đâu à. Thôi, có em đi cùng thì lo gì không tìm được. Cám ơn em đã nhắc. Tại sao cái chuyện về Việt Nam hết sức thú vị mà anh lại không nghĩ ra sớm hơn nhỉ? Chưa bao giờ anh cảm thấy nôn nao khi nghĩ đến ngày trở về Việt Nam như lúc này. Xuống sân bay Tân Sơn Nhất rồi đi Taxi đến khách sạn nghỉ tạm một ngày trước khi mở cuộc hành trình tìm lại người thân, anh choáng ngợp bởi một thành phố xe cộ qua lại như mắc cưỡi. Anh chưa từng thấy nơi đâu có một mật độ xe Honda dày đặc trên đường như thế này. Mang tiếng là người Việt Nam nhưng anh chưa một lần được bước ra khỏi cái Hòn Tre bé nhỏ nơi anh sinh sống từ ngày còn thơ ấu. Đêm đó ở khách sạn, anh không sao ngủ được. Một phần vì anh chưa quen với thời gian đi ngược ở Việt Nam, một phần vì tâm trạng nôn nao, hồi hộp khi sắp gặp lại ba mẹ ruột của mình. Anh hình dung lại gương mặt thân thương của ba mẹ anh hồi đó rồi cố tưởng tượng ra sau hai mươi hai năm những gương mặt ấy sẽ như thế nào. Anh lắc đầu: không thể tưởng tượng nổi. Làm sao mình có thể nhận ra được ba mẹ đây? Mà biết ba mẹ có còn ở đó không hay là đã chuyển đi nơi khác? Nếu đi nơi khác, mình cũng sẽ tiếp tục đi tìm, tìm cho bằng được mới thôi. Ba mình tên Bảy Cứng, trước năm 1980 ở ngoài Hòn ai mà không biết. Rồi anh lại nghĩ: chắc bây mình đã có thêm một vài đứa em nữa cũng không chừng. Nghĩ tới đó anh thấy vui vui. Nếu có thêm em nữa thì chắc đông vui lắm. Từ nào giờ, ngoài bố mẹ nuôi ra, anh không còn ai là bà con thân thích. Anh đang khao khát có một tình thương ruột thịt. Anh móc ví lấy ra tấm hình mà bố nuôi đã đưa cho anh lúc ông hấp hối: một thằng bé tám tuổi gầy nhom, gương mặt hốc hác đứng trước cửa trại tị nạn ở Thái Lan. Anh hết nhìn mình trong ảnh rồi lại nhìn thằng Bi đang nằm ngủ say ở trên giường. Anh mỉm cười khi thấy nó có nét hao hao giống anh, nhất là cái miệng hình củ ấu với cặp môi hơi dầy. Anh cứ ngắm nghía tấm hình mãi rồi tự nhận xét: trông mình hồi đó tám tuổi mà còn nhỏ hơn con mình bây giờ mới có năm tuổi nữa. Hồi đó đói ăn quá thì làm sao mà lớn nổi, anh nghĩ như vậy. Rồi anh nhìn qua giường bên cạnh xem vợ còn thức không để cùng chia sẻ tâm trạng nôn nao, hồi hộp khi sắp gặp lại người thân sau hơn hai mươi năm xa cách. Duyên đã ngủ say. Anh biết nàng đã mệt mỏi sau nhiều giờ bay nên cũng không đánh thức dậy làm gì. Nhìn hai mẹ con ngủ sâu với một gương mặt bầu bỉnh, hồn nhiên dễ thương ở giường bên này và một gương mặt đoan trang, phúc hậu, xinh xắn ở giường bên kia, anh thấy lòng mình ấm áp và tràn đầy hạnh phúc. Anh cúi xuống hôn nhẹ lên má thằng Bi một cái, rồi đến đứng trước cái gương lớn, anh ngắm mình trong gương, nghĩ ngợi: hồi đó chắc ba mình cũng cỡ bằng tuổi mình bây giờ. Nhưng sao hình ảnh của ba trong ký ức của mình ngày xưa không giống mình tí nào cả? Làm sao mà giống được! Ba anh ngày xưa là một người làm thuê lam lũ nên trông khắc khổ, quắt queo; còn anh bây giờ là một người giàu có, cao sang nên trông đường bệ, oai phong. Chỉ riêng cái dáng thể thao phong độ và cái đầu ”đinh” của anh thôi thì cũng chẳng ai có thể ngờ rằng anh chính là thằng Trần Văn Cõi, con ông Bảy Cứng ngày xưa. Sau khi ngắm nghía kỹ càng dáng mình trong gương, anh đứng nghiêm chỉnh lại, tưởng tượng ra cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ và xúc động với ba. Mình nên bắt đầu như thế nào nhỉ? Đầu tiên chắc chắn là phải chào rồi. Mà chào như thế nào đây? Anh tưởng tượng người đang đứng trong gương là ba rồi cười thật tươi và hơi cúi đầu xuống ra dáng kính cẩn: - Thưa ba, có phải ba là . . . Không được. Chưa gì hết mà mình gọi là ”ba” thì kỳ lắm, lỡ không phải thì quê chết. Mình gọi là ”bác” đi. Rồi anh lại nhìn vào gương nói rõ ràng, rành mạch: - Thưa bác, bác có phải là bác Bảy Cứng không ạ. Anh bật cười một mình vì câu nói đó. Gọi là ”bác” được không ta? Hình như vẫn chưa ổn. Hay gọi là ”chú” đi. Gọi bằng ”chú” thì có vẻ trẻ hơn. Ôi dào, từ ngữ xưng hô của Việt Nam thật là rối. Không biết ông ấy thích mình gọi là ”bác” hay là ”chú” nữa đây? Anh gãi gãi đầu. Thôi, tùy cơ ứng biến, nếu thấy ông ấy già thì gọi ”bác” còn nếu thấy trẻ thì gọi ”chú”. Hơn nữa, mình còn có Duyên, cô giáo dạy tiếng Việt của mình ở đây, lo gì. Tiếp đến, khi ông ấy đã xác nhận đúng tên là Bảy Cứng rồi thì mình làm gì nữa nhỉ? À, mình sẽ chạy đến ôm chầm ông ấy và reo lên: - Ba ơi, con là thằng Cõi đây! Thằng Cõi của ba năm xưa đây! Vừa nói xong, anh lại lắc đầu. Không được. Giống cải lương quá. Duyên nói ở Việt Nam người ta ít ôm nhau khi chào hỏi lắm. Mình phải đưa tấm hình ra trước cho ba đỡ bất ngờ. Sau đó, mình sẽ từ từ giới thiệu mình rồi lần lượt tới vợ và con mình với ba mẹ mới được. Nghe thấy có tiếng cười khúc khích ở sau lưng, anh giật mình quay lại. Thì ra Duyên đã thức từ hồi nào, đang ngồi khoanh chân trên giường nhìn anh cười tươi rói: - Nghe anh chào ba, em mắc cười quá! David tỏ ra hơi sượng sùng: - Anh chào như vậy được không? Làm sao mà em mắc cười? - Được. Cảm động lắm anh yêu ạ. Em mắc cười vì cái tướng của anh cứ lúng ta lúng túng chứ không như thường ngày. Hôm mới quen em, anh cũng không vụng về đến như vậy. - Anh hồi hộp quá. Không biết gặp ba mẹ rồi sẽ ra sao? À, mà anh có nên ôm ba mẹ khi mới gặp không em? Anh thấy trong phim Việt Nam người ta vẫn ôm nhau đó thôi. - Cái đó chỉ có trong phim thôi. Chứ ở ngoài đời, người Việt Nam bản xứ hầu hết những mối quan hệ như anh – em, vợ - chồng hoặc cha mẹ với con cái hay bạn bè với nhau, thậm chí cả những người đang yêu nhau, người ta cũng ít biểu lộ tình cảm bằng cách ôm nhau lắm, nhất là ở chỗ đông người. Người ta chỉ ôm nhau vào ban đêm ở những chỗ khuất. Và anh nên nhớ rằng chuyện đó chỉ diễn ra đối với những cặp tình nhân thôi đó nghe. - Vậy hả em. Vậy thì bây giờ cũng đang là ban đêm, cũng là chỗ khuất và cũng có một cặp tình nhân đây nè. Mình ôm nhau đi em. - Cái anh này khỉ thật. Muốn kiếm chuyện nữa phải không? - Ừ, anh đang muốn ”kiếm chuyện” đây. Duyên liếc nhìn thằng Bi đang ngủ say, rồi đưa ngón tay trỏ lên môi ra dấu cho anh im lặng. Anh bước đến bên Duyên hôn say đắm, rồi bồng nàng đi vội vào trong phòng tắm. . . Ngày hôm sau, anh thuê hẳn một chiếc xe nhỏ đưa vợ con về Rạch Giá để ra Hòn Tre với hy vọng sẽ tìm lại được ba mẹ trong một tâm trạng khát khao chờ mong hàng mấy chục năm trời. Nhưng mọi sự hoàn toàn không giống như anh đã tưởng tượng. Anh đau đớn vô cùng khi nghe ông Tám Nghị - người chủ rẫy năm xưa mà ba mẹ anh đã từng làm thuê cho ông – nay đã ngoài tám mươi tuổi nhưng trông vẫn còn khỏe mạnh và gân guốc, kể lại. Sau hôm anh mất tích, ba mẹ anh đau khổ vô cùng. Họ đã cùng bà con hàng xóm tìm khắp các ghềnh đá xem anh có té xuống đó không. Có người còn cho tàu chạy quanh hòn để tìm, nhưng chẳng thấy tăm hơi anh đâu cả. Khi đã không còn hy vọng gì nữa, ba anh xuống UBND xã trình bày sự việc thì được biết cả nhà Năm Hưng cùng thầy giáo Nam đã vượt biên cả rồi. Công an xã nắm được lời khai của ba anh cùng với hiện trường là một chiếc xuồng chèo trôi trên biển, trên đó có một đôi dép của anh (ba anh đã xác nhận như vậy) họ khẳng định rằng anh đã bị bắt đi cùng với chuyến tàu đó. Biết được anh vẫn còn sống, ba mẹ anh cũng bớt đau khổ phần nào. Nhưng chờ mãi chẳng thấy tin tức gì của anh cũng như của những người trên chiếc tàu xấu số đó, ba mẹ anh buồn bã sống với những ngày tháng tẻ nhạt mà chẳng thấy sinh thêm được đứa con nào nữa cả. Ba năm sau, kể từ khi anh mất tích, ở đây người ta thành lập huyện mới, dân ở khắp nơi đổ về sinh sống, đất núi lại hết màu mỡ, mãng cầu tàn tạ dần, làm rẫy không có ăn nữa, ba mẹ anh từ giã gia đình ông Tám Nghị ra tận Nam Du cùng người quen đi thẻ mực. Đến năm 1997, cơn bão kinh hoàng đổ vào vùng biển Cà Mau, Kiên Giang cướp đi sinh mạng của hàng mấy nghìn người, trong đó có cả ba mẹ anh nữa. Ông Tám kể rằng sau cơn bão, người ta không còn thấy một người nào trên chiếc ghe đi thẻ mực của ba mẹ anh cả. Người ta vớt được rất nhiều xác chết trôi trên biển nhưng đã biến dạng hết rồi không ai còn nhận diện được nữa. Nghe ông Tám kể, anh ngơ ngác không còn tin vào tai mình nữa. Quả thật, ở đời dường như không ai được hạnh phúc trọn vẹn cả, được cái này thì lại mất cái kia. Ông trời đã cứu anh thoát khỏi cái chết và đã cho anh một cuộc sống vô cùng sung túc bên vợ đẹp con ngoan thì lại cướp đi của anh những người thương yêu nhất. Anh thấy mình quá lẻ loi trên cõi đời này. Anh bần thần ngồi chết trân không nói được gì, không hỏi được gì nữa. Ông Tám kể xong bước vào trong lấy ra một tấm hình đưa cho anh: - Đây là tấm hình ba mẹ mày chụp chung với gia đình ông hồi tết năm 1980, năm đầu tiên mày không có ở nhà. Ông thấy ba mẹ mày không có con cái bên cạnh, buồn thiu tội nghiệp nên mời về đây ăn tết với ông luôn. Anh cầm tấm hình chụp rất đông người tìm ba mẹ. Anh nhận ra ngay hai gương mặt thân thương đã in sâu trong ký ức anh hàng bao nhiêu năm trời. Anh xúc động đến nghẹn ngào khi thấy ba khoác vai mẹ đứng cạnh nhau gương mặt buồn buồn, kế bên vợ chồng bác Hai, con của ông Tám, cười tươi roi rói. Anh lại thấy có một thằng bé đứng cạnh ba anh trông rất quen. Anh giật mình hỏi ông Tám: - Thằng nhỏ này có phải là thằng Tửng, con chú Ba ở cạnh nhà con hồi đó không ông? - Đúng rồi! Mấy chục năm mà mày còn nhận ra hả? - Hồi đó con chỉ có một mình nó là bạn thôi, chẳng biết chơi với ai cả. Nó thường theo con đi hái mãng cầu trên rẫy của ông đó. Bây giờ nó ở đâu hả ông? - Lúc mày mất tích nó qua ở với ba mẹ mày luôn. Nó đeo theo ba mày như sam. Tết năm đó, nó cũng theo ba mẹ mày qua đây ăn tết với ông. Đến khi ba mẹ mày dọn đi Nam Du, nó mới chịu về nhà. Nó lấy vợ cũng cả chục năm nay rồi. Cưới xong, tụi nó kéo nhau về quê vợ ở trong An Biên làm ruộng sinh sống. Nghe đâu có tới bốn năm đứa con gì rồi. Thỉnh thoảng nó cũng ra ngoài này thăm bà con. Mày muốn biết nhà nó ở đâu thì hỏi bác Hai mày đó. Đêm đó anh cùng vợ con nghỉ ở nhà ông Tám Nghị. Bác Hai chuẩn bị món hàu lăn bột chiên giòn và món gỏi cá trích nhậu rượu đế rất ngon. Lúc đầu anh không quen thứ rượu nồng nồng, cay xè này. Nhưng uống vài ly, anh thấy trong người lâng lâng, rồi cảm giác bùi ngùi pha chút xót xa, anh nhớ về quá khứ. Anh muốn kể hết cho bác Hai nghe chuyến vượt biển kinh hoàng đó. Nhưng mỗi lần nghĩ tới, nỗi sợ hãi lại xâm chiếm cả tâm hồn anh khiến anh không thể nào mở lời được nữa. Sáng hôm sau, anh hỏi bác Hai địa chỉ nhà thằng Tửng rồi từ biệt gia đình ông Tám Nghị, đi An Biên tìm người bạn từ ngày còn thơ ấu này. Cuộc gặp gỡ thật là xúc động. David không thể nhận ra Tửng và ngược lại, Tửng cũng không thể nào nhận ra được David nếu như David không đưa ra tấm hình hồi nhỏ của mình chụp ở Thái Lan và tấm hình có Tửng hồi nhỏ chụp chung với gia đình ông Tám Nghị mà anh mới xin hôm qua để làm kỷ niệm. Tửng trông còm cõi già trước tuổi. Cũng phải thôi, ba công ruộng sáu miệng ăn: hai vợ chồng và bốn đứa con, anh làm quần quật suốt ngày cũng không đủ ăn. David nghĩ thầm bây giờ mà cho tiền bao nhiêu rồi chắc nó cũng ăn hết. Tội nghiệp nó quá, vợ con nheo nhóc thế này thì làm sao ngóc đầu lên được. Mình phải cho nó cái ”cần câu” chứ không cho ”con cá”. Nghĩ vậy, bao nhiêu tiền anh đem về chuyến này định cho ba mẹ, anh đầu tư cho Tửng làm ăn hết. Sau khi đã dành một khoản tiền khá lớn giúp cho trẻ em nhiễm chất độc màu da cam ở Việt Nam, anh giúp vốn cho Tửng mua một nhà máy xay lúa. Tửng thấy mình như đang nằm mơ giữa ban ngày. Anh mừng khôn xiết và biết ơn David vô hạn. Khi về Mỹ, David vẫn thường liên lạc với Tửng và anh rất mừng khi Tửng làm ăn có hiệu quả. Anh tiếp tục động viên và gửi quà về Việt Nam cho những đứa con của Tửng để chúng nó có điều kiện ăn học tử tế chứ không như ba nó ngày xưa. Nay Tửng đã khắm khá hơn nhiều, anh tậu thêm ruộng và mua thêm được một cái máy cày; anh đã xây được một ngôi nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi. Và hôm nay, như mọi lần, anh đang theo dõi tin tức Việt Nam trên truyền hình cáp thì tình cờ thấy được Tửng trên ti vi. Nghe được giọng nói và nhìn thấy được hình ảnh của Tửng, anh xúc động vô cùng. Anh rất mừng khi Tửng được tuyên dương là một nông dân điển hình sản xuất giỏi. Vừa mới giải thích cho thằng Bi cái câu hỏi ngớ ngẩn của nó: ” Ba ơi, sao con thấy chính ba đã giúp đỡ chú Tửng rất nhiều mà hồi nãy con nghe chú ấy trả lời với phóng viên là nhờ ơn đảng và nhà nước chú ấy mới có cuộc sống ngày hôm nay vậy ba?” thì anh lại nghe tiếp một nông dân điển hình thứ hai nói một câu y hệt. Cuộc trao đổi giữa phóng viên với anh nông dân đó đại loại như thế này: - Thưa bà con, hồi nãy bà con đã nghe anh Huỳnh Văn Tửng ở Kiên Giang kể chuyện làm giàu. Bây giờ tôi xin giới thiệu anh Danh Xà Rây, người dân tộc khơ me, một nông dân tiêu biểu ở Sóc Trăng đã thoát nghèo nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi heo quy mô lớn. Thưa anh Xà Rây, anh có thể cho bà con biết, anh làm giàu bằng cách nào được không ạ. - Dạ. Cũng nhờ ơn đảng và nhà nước tui mới có ngày hôm nay. Nhà nước cho cán bộ tới tận thôn tụi tui hướng dẫn nông dân nên nuôi con gì, trồng cây gì. . . . David nghĩ thầm: ở Việt Nam người ta luôn luôn biết ơn chính quyền khi họ giàu có, đâu như ở Mỹ này, có người giàu xụ mà vẫn chửi tổng thống dơi dơi. Hay thật! RG,7.12.2012 Nguyễn Phương |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.12 giây