Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
BÀN CHÚT VỀ TIẾNG VIỆT cách đây 12 năm, 10 tháng #552
|
BÀN CHÚT VỀ TIẾNG VIỆT
NGUYỄN PHƯƠNG Đây là một vấn đề rất lớn. Tôi không hề có tham vọng nghiên cứu về Tiếng Việt mà cũng chẳng đủ trình độ để nghiên cứu về vấn đề này. Tôi có tật đi ngoài đường hoặc có khi “ngồi lê đôi mách” chỗ này, chỗ nọ, nghe người ta nói chuyện, thấy ở đâu đó có từ gì hay hay đem ra đây kể chơi cho vui chứ hoàn toàn không có ý gì đâu đó nghe! NGHE * Tự nhiên tôi có hứng thú bàn về vấn đề này là vì mới hôm nọ tôi đi đám giỗ mẹ của Xuân Lộc ở Tân Hiệp, gặp lại khá đông đủ các bạn trong gia đình MTX. Hôm đó, bạn bè gặp nhau ngồi nói chuyện rất rôm rả, nhất là bạn Cam – Thần bếp. Bữa tiệc nào mà có bạn ấy thì không khí sôi nổi lắm, cứ thế mà cười lăn ra cho đến tàn tiệc mới thôi. Bạn Cam – Thần bếp bắt chước giọng miền Bắc rất hay mà dùng nhiều từ bình dân nam Bộ nghe cũng thật tuyệt. Hôm đó, bạn kể rằng có lần bạn mắng một thằng bé: “Đồ mắc dịch”. Thằng bé không hiểu “mắc dịch” có nghĩa là gì bèn về mách với bố. Chuyện sau đó thì như thế nào tôi không rõ. Thực ra, người miền Nam thường dùng từ “mắc dịch” để mắng yêu chứ không có ý chưởi bới gì cả. Nghĩa gốc của từ này là “vướng phải một căn bệnh truyền nhiễm” (Mắc: móc vào, vướng phải; Dịch: bệnh truyền nhiễm). Nhưng trong văn cảnh này nó có nghĩa là “Mày là thằng không bình thường, tránh xa tao ra”. Mắng như vậy thôi chứ thực sự thì thương lắm muốn ôm vào lòng nựng mấy cái mới thôi, phải không Cam – Thần bếp? * Một lần đi trên chuyến xe đến viếng ba của một người bạn vừa mới mất chung với mấy anh làm công tác văn hóa, bạn của Duy Chiêm. Nhìn ra ngoài cửa xe, mấy anh thấy có chỗ ghi NHÀ BÁN, có chỗ lại ghi là BÁN NHÀ. Có lẽ nổi máu nghề nghiệp, tôi thấy mấy anh ngồi ở phía trước bàn tán xôn xao ghi thế này thì đúng, thế kia thì sai. Thực ra mục đích thông báo của chủ sở hữu căn nhà đã đạt được. Ai nhìn vào NHÀ BÁN hay BÁN NHÀ thì cũng đều hiểu được rằng “Người ta muốn bán căn nhà này”. Và người chủ sở hữu chỉ cần như thế là được. Còn nếu xét về mặt ngữ pháp thì tôi thấy như thế này. NHÀ BÁN là một cụm danh từ. Người ta muốn thông báo tắt của câu “Cái nhà này tôi muốn bán”; còn BÁN NHÀ lại là một cụm động từ, người ta thông báo tắt của câu “Tôi muốn bán căn nhà này”. Như vậy, hai câu trên cấu trúc ngữ pháp có khác nhau nhưng ý nghĩa hoàn toàn giống nhau, do vậy họ thông báo như thế nào cũng được. * Các bạn đã từng nghe cụm từ “Chết biết liền” chưa? Chắc là chưa. Ta chỉ thường nghe cụm từ “Biết chết liền” thôi. Ví dụ: A: Bạn biết bài thơ này của ai không? B: Biết chết liền! (Không biết) Hoặc: A: Bạn có hiểu nó nói gì không? B: Hiểu chết liền! (Không hiểu) Cứ thế ta sẽ có cụm từ: [X + chết liền] có nghĩa là: Không X (Đi chết liền = Không đi; Giỏi chết liền = Không giỏi. . . ).Trong ngôn ngữ học có nguyên lý tiết kiệm ngôn ngữ. Nguyên lý này cho phép nếu rút gọn câu chữ mà người nghe vẫn hiểu được đúng ý mình thì người ta sẽ rút gọn. Xét về mặt ngữ pháp học, cụm từ này có tính hàm ngôn trong ngôn ngữ. Tuy nhiên, khi tìm ý nghĩa của cụm từ này, ta thấy người nói không chủ ý rút gọn (ta thử so sánh: không hiểu/hiểu chết liền), cái chính chỉ là làm tăng giá trị biểu cảm, tăng sức thuyết phục, đẩy tình thế lên mức cao nhất (chết liền), và có một chút tếu táo trong đó nữa. Còn cụm từ “Chết biết liền” tôi nghe được từ một câu chuyện có thật. Một ông quan chức nọ có “bồ nhí”, họ sống với nhau đã có con. Bà vợ “đánh hơi” biết được chuyện này liền chất vấn chồng rất gay gắt, nhưng ông chồng nhất quyết không khai. Nhân lúc ông chồng đi công tác xa, bà vợ ở nhà tung tin: “Ổng đã chết vì tai nạn giao thông, xác chuẩn bị đưa về”. Quả đúng như bà vợ dự đoán: một người phụ nữ dắt đứa con tới xin để tang (và có lẽ cũng muốn chia tí gia tài của bậc đại gia nữa). Ông chồng đi công tác về. . . thật là còn ly kỳ hơn cả cảnh Thúc Sinh chứng kiến Hoạn Thư bắt Thúy Kiều về hành hạ. Thật đúng là: “CHẾT BIẾT LIỀN”. * Những người bình dân ta thường thấy họ dùng từ rất thô cộc nhưng đừng tưởng họ dùng từ sai. Ngôn ngữ bình dân nhiều khi hiểu ra ta thấy rất thú vị vì nó vừa có giá trị biểu đạt lại vừa có giá trị biểu cảm. Một lần đi tập thể dục buổi sáng về, trời còn tinh mơ, tôi thấy một bà lão đuổi theo một thằng nhỏ miệng hét to “ Tao cho công an nó còng đầu mày, rồi cho mày tù mọt gông luôn”. Thì ra là bà lão rượt đánh thằng cháu vì cái tội nó đi bụi suốt đêm mới về. Tôi nghĩ thầm “Người ta còng tay bằng còng số tám, chứ đâu có còng đầu được”. Về xem phim “Thủy Hử” của Trung Quốc, tôi thấy quả thật ngày xưa người ta không chỉ còng tay mà còn còng đầu nữa. Cái còng làm bằng gỗ (chắc phải là gỗ tốt lắm), được cấu tạo bằng hai mảnh rời nhau, khi ghép lại nó có hình chữ nhật, ở giữa có ba cái lỗ. Hai lỗ nhỏ hai bên để cho hai tay vào, còn một lỗ to ở giữa để còng đầu, tức là cho cái cổ vào trong đó rồi khóa lại. Còng kiểu này thì có trời mà cứu! Lại còn từ “mọt gông” mới hay nữa chứ. Nếu nói tù chung thân thì người ta nghĩ đến có khi giảm án dần dần rồi thế nào cũng được ra sớm, còn nói tù “mọt gông” thì tới chừng nào mà gông mới bị mọt! Vì gông làm bằng gỗ tốt mà lại thường ở trên đầu người ta thì làm sao mà bị mọt ăn được! Do vậy, ai mà tù “mọt gông” thì coi như chết ở trong tù luôn chứ hy vọng gì ngày về. Bà lão la như vậy cho thằng nhỏ nó sợ khỏi đi “Phố đêm” nữa. BUỒN * Nghe người bình dân nói chuyện, nghĩ đến lứa tuổi học trò bây giờ nói, viết loạn xạ mà thấy buồn. Hôm nọ, tôi đang giảng bài thì có một đứa học trò ném một mảnh giấy cho một đứa bạn. Tôi liền bắt nó đem mảnh giấy lên cho tôi xem, mở ra thì thấy mảnh giấy ghi như thế này: : “ Hem wa tau đi choi zoi nho pạn. Choi zui lam. Nóa dan tau đy an che. Xong rùi đi xem fim. Hum wa mi cóa đi âu hok?”. Tôi thực sự không thể hiểu được chúng nó trao đổi điều gì trong đó, liền gọi em đã viết giấy này đứng lên “dịch” cho cả lớp nghe. Nó “dịch” như sau: “Hôm qua tao đi chơi với nhỏ bạn vui lắm. Nó dẫn tao đi ăn chè. Xong rồi đi xem phim. Hôm qua mày có đi đâu không?”. Cũng chả trách chúng nó được, vì bây giờ trên ti vi, báo, đài, nhất là báo mạng cũng nói, viết lung tung. Tư Thẹo có lần đã không giấu được sự bức xúc khi nghe trên ti vi quảng cáo cài đặt GPRS. Người đọc quảng cáo đọc là “ gờ bê rờ ét” tại sao không đọc là “gờ pờ rờ sờ” hoặc “giê pê e-rờ ét” mà lại đọc nửa nạc nửa mỡ như vậy? Có lúc tôi thấy cả một dòng chữ “Người iu. . . .” trên ti vi mới lạ chứ! Phương tiện thông tin đại chúng mà còn như vậy thì chả trách học trò bây giờ nói, viết loạn xạ hết. * Tiếng Việt bắt buộc phải sử dụng dấu. Không sử dụng dấu thì có khi sẽ dẫn đến sự hiểu lầm dở khóc, dở cười. Khai thác vấn đề này, ta vẫn nghe nhiều chuyện, thật có mà tếu lâm cũng có như:“Vo de”= vỡ đê / vợ đẻ; Em dang o truong = Em đang ở trường / Em đang ở truồng; Anh ve an phan di = Anh về an phận đi /Anh về ăn phân đi (tưởng đâu cô ta chửi mình). . . Mới đây, theo lời mời của mấy đứa bạn, tôi đến quán SÀI GÒN ĐỎ uống vài chai bia. Đến sau, tôi nghe tụi nó cãi nhau chỉ vì hiểu lầm một tin nhắn. Một đứa nhắn tin là: “Toi chua ong noi” (“Tới chưa ông nội”, ý muốn thúc giục bạn tới mau đi). Thằng kia khi đọc tin nhắn lại hiểu là: “Tới Chùa Ông Nồi” (Đường Ngô Quyền, phường Vĩnh Lạc – Rạch Giá có Chùa Ông Nồi.). Vì nó tưởng ở quanh đó có quán nhậu! Đó là dấu của chữ viết, còn dấu câu trong tiếng Việt cũng hết sức quan trọng, vì nếu để ở những vị trí khác nhau nghĩa của chúng sẽ khác hoàn toàn. Tôi có đọc một tờ tường trình về sự việc mâu thuẫn gay gắt giữa cô giáo chủ nhiệm với một đứa học trò dẫn đến hậu quả là cửa kính của một lớp học bị vỡ. Trong bản tường trình đó có câu: “Bực tức, cô giáo chủ nhiệm Lan đập vỡ kính lớp học”. Tôi nghĩ thầm: Cô này sai rồi. Tệ quá, giận học trò mà phá hoại tài sản của nhà trường? Nhưng thực ra là không phải như vậy, người viết bản tường trình này đánh nhầm dấu câu. Câu đó phải là như thế này: “Bực tức cô giáo chủ nhiệm, Lan đập vỡ kính lớp học”. Như vậy thì rõ rồi. Lan (đứa học trò) đập vỡ kính lớp học chứ không phải cô chủ nhiệm. * Hôm nọ, chat với cô Hà ở bên Đức (tôi gõ luôn luôn phải có dấu để tránh hiểu lầm), cô hỏi thăm rất nhiều chuyện về Tú Gân và đề nghị tôi làm cho TG một địa chỉ email để dễ liên lạc. Tôi hứa với cô và đã thực hiện rồi. Trong khi vừa đọc thơ của các bạn vừa chat, tôi đánh nhầm một chữ, vừa nhìn thấy sai, luýnh quýnh thế nào sửa không sửa lại gõ ngay ENTER. Thôi rồi, cô đọc rồi, còn sửa gì nữa! Tôi ngượng chín người vì mình đã sai một lỗi chính tả quá thông thường. Tôi gõ là: “Tú Gân còn ngạy giao tiếp” thay vì “Tú Gân còn ngại giao tiếp”. Các bạn đừng cười tôi và cho tôi là người hay “quan trọng hóa vấn đề” nhé. VUI * Gần đây trên MTX của chúng ta xuất hiện nhiều tác giả, nhiều bài thơ thật là hay. Mặc dù không phải là nhà văn, nhà thơ chuyên nghiệp mà có những tuyệt tác như vậy thì quả là một điều đáng khâm phục. Phải có những tình cảm chân thành bộc lộ tự đáy lòng mới tuôn ra được những vần thơ tuyệt vời như thế. Tôi thực sự rất xúc động khi đọc những bài thơ của thầy cô Thanh Hà (Cử Giáo). Thầy cô đã luôn dõi theo tin tức của từng đứa học trò để rồi chuyển tải được một tình cảm chân thành, sự quan tâm sâu sắc đến từng đứa bằng một giọng thơ trữ tình tràn ngập yêu thương. Cái tuyệt vời của Cử Giáo là lấy cảm hứng của ca từ trong những bài hát quen thuộc làm nền cho cảm xúc. “MAY MÀ CÓ EM”, “ĐỜI CÒN DỄ THƯƠNG”, “MỘT CHÚT GIĂNG SẦU”. . . Đây quả là một sáng tạo trong văn thơ. Chính những ca từ làm nhan đề cho những bài thơ này đã kích thích người đọc tò mò, để rồi đọc bài thơ cho cảm xúc vỡ òa khi thì ngọt ngào, yêu thương; khi thì xúc động, ngậm ngùi. Ta hãy nghe tình cảm của Cử Giáo đối với học trò: “Nếu không có em, đời còn lại Vui buồn biết san sẻ cùng ai Ta cám ơn em cho ý sống Cao bầu trời có ánh Sao Mai” (May mà có em – Cử Giáo) Lòng yêu thương mênh mông như tình bà cháu của cô Hà đối với con gái út Duy Chiêm: “Xí Muội dễ thương nhất của bà Mấy lời bà viết từ phương xa Bố sẽ giúp con đọc thơ nhé Viết rằng "Bà nhớ Xí Muội xa" (Đời còn dễ thương – Cử Giáo) Thật xúc động, xúc động không chỉ ở những lời thơ, mà còn xúc động ngay ở sự nhậy bén của thầy cô khi nghe tin vợ của Vũ Tiến Thịnh mất. Không có sự quan tâm sâu sát, không có sự yêu thương chân thành tận đáy lòng mình thì làm sao có được những vần thơ làm rung động lòng người như thế này: “Hôm nay trời bỗng giăng sầu Tuôn rơi thổn thức lệ đau nhạt nhòa Ngày nào hai đứa không xa Giờ đây em đã đi xa nơi nào” (Trời bỗng giăng sầu – Thanh Hà) Tình cảm của thầy cô cũng thật tràn trề khi nghe tin TRĂNG KHUYẾT có cháu ngoại: “Khiêm nhường"TRĂNG KHUYẾT" chút lung linh Trong em ta thấy cả biển tình Tình cũ, tình sâu tình không cạn Trăng Khuyết còn thêm mảnh Trăng Xinh” (Vầng trăng khuyết – Cử Giáo). Các bạn thấy không, trang web của chúng ta bây giờ không chỉ là một ngôi nhà hiện đại, với đầy đủ tiện nghi mà còn là một trang web tinh hoa bởi những sáng tác gần như chuyên nghiệp làm xúc động lòng người, bởi các tác giả đã sử dụng tiếng Việt một cách điêu luyện góp phần giữ gìn và phát huy sự giàu đẹp của tiếng Việt ta. Chúng ta cùng tự hào khi có được một đôi chim đầu đàn – Thầy cô Thanh-Hà – đầy nhiệt tình, nhiều tài năng dẫn dắt. Chúng ta hãy cùng phát huy làm cho trang web ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn nữa. Rạch Giá, ngày 28 tháng 3 năm 2012 Nguyễn Phương |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.13 giây