Thông tin tiện ích  

   

Tin Nhắn

sondung: Xin lỗi Thầy Cô em đi hoang lâu giờ mới trở về thăm lại trường xưa. Em hứa từ nay sẽ không đi xa nữa.
sondung: Chào Thầy Cô! Em mới gởi bài viết: TRÙNG DƯƠNG HỘI NGỘ vào trang văn, nhờ Thầy Cô giúp em gởi Video và hình ảnh vào trang của bài, em không biết cách gởi hình vào ạ! Cám ơn Thầy Cô!
sondung: Chào Thầy Cô
Thanha: Thầy cô chúc Gia đình Thắng Nhung năm mới nhiều sức khỏe , vui vẻ, hạnh phúc
Thanha: Thầy cô cám ơn quá Giáng Sinh và Năm Mới của gia đình Thắng Nhung gửi vừa kịp lúc cả nhà đông đủ.Vui lắm Nhung ơi!Bánh Tét tuyệt vời! ...ngon quá đi ăn bánh nhớ má
Thanha: Thành thật chia buồn cùng gia đình và tang quyến về sự mất mát này Cụ bà thọ 93 tuổi.Cám ơn em về bài hát "Mợ tôi"
dpham66: Mẹ Minh Đức mới vừa qua đời. Bà thọ 93 tuổi. MĐ mới đăng bài hát về mẹ "Mợ Tôi". Xin mời thầy cô và các bạn vào xem... Tears!
Thanha: Chào Thanh Cẩm, thầy cô rất vui mừng gặp lại em.Chúc em nhiều sức khỏe và niềm vui khi trở về maitruongxuath.org
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em! Lâu nay em biệt tích, thật là có lỗi với mọi người! Giờ viết tin nhắn tính bấm “nhập” để xuống dòng, rồi chữ biến mất nên viết lại, thành ra chào hai ba lần!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô và các anh chị em!
Thanh Cam: Chào cô!
Thanha: TC chao dang cao, em và gia dinh khỏe ? lâu quá mới thấy em ghé thăm trường xưa. Hân hạnh đón tiếp.
dang cao: Chào TC
TÚ VĨNH: Kính chào thầy cô và các bạn. Chúc MTX một năm mới an khang thịnh vượng, vạn sự như ý.
Thanha: Thầy cô cám ơn hai em Thắng Nhung về những chiếc bánh chưng và bánh tét tình nghĩa đã gởi đến thầy cô nhân mùa Giáng Sinh-Năm Mới. Chúc gia đình hai em một mùa Giáng Sinh An bình và năm mới thành đạt.
Thanha: Cầu xin cho tất cả mọi người bình an qua mùa Covid. Năm nay buồn quá hả Thảo?. TC ở nhà suốt không dám đi đâu trừ lúc đi chợ và chạy xe đạp vô rừng.
Thanh Thảo: Em cám ơn TC nhiều ạ . Em cũng đang nghĩ cho cách này . Em sẽ cố gắng . Năm nay 2020 trọn năm bị Covid nên tháng 12 này ko bận làm bánh cho nhà Thờ và hãng TC ơi .
Thanha: TC đã đưa hình lên rồi. Em đừng ngại trong việc đưa hình, cứ viết bài TC sẽ đưa hình giúp. Cám ơn em.
Thanha: Vậy khi nào rảnh em viết bài và lên hình nhé.Thầy cô chúc em thành công.
Thanh Thảo: Nhưng chưa biết cách đưa hình vào như thế nào ? Bắt đầu tùn tới này em bận cho đến cuối tháng 12 về làm bánh . Em cám ơn TC đã sưu tầm được trang up hình này .
Thanh Thảo: Em đã sign in vào Imgur rồi TC ơi !
Thanha: Thầy Cô chỉ các em muốn post hình ảnh cá nhân vào MTX, các em hãy up vào Imgur rồi copy qua như trước đây đối với Flickr hoặc Photobucket. Bởi vì Imgur tiện lợi hơn, không cần có tài khoản và không giới hạn dung lượng.
Thanha: Kinh Thần Nông còn có bài "Trung uy nuôi tôm" tác giả Phương Toàn.
Thanha: Mời các em nghe đọc truyện người thật việc thật, người viết ở kinh Thần nông (kinh 5) .
Thanha: Đã có video buổi họp mặt ngày 8/6 tại trường mới C3 Tân Hiệp, do đài phát thanh truyển hình địa phương Tân Hiệp quay.
Thanha: Cám ơn Minh Châu đã báo cáo quĩ tới ngày 20/3/2019. Còn 3 tuần nữa chúng ta có kỳ họp vào ngày 8/6. Minh Châu kiểm tra tài khoản thường xuyên và báo cáo kịp thời lên quĩ những mạnh thường quân ủng hộ cho kỳ họp mặt này. Cám ơn em.
Thanh Thảo: Dạ Thầy Cô . Sau chuyến du lịch VN lần này , Nancy nói với mẹ : < VN đẹp quá ! Mai mốt đi làm có tiền , con sẽ về một mình ! > . Vậy là vui rồi TC ơi . Một đứa trẻ sanh ra ở Mỹ . Khi theo Mẹ về thăm quê hương mà khen được VN rất đẹp là quá tốt rồi . Chỉ sợ dẫn chúng về , nó chê ko bao giờ trở lại nữa thì nguy .
Thanha: Nancy thích lắm đây, TC không muốn vào bài comment để bài Thanh Thảo cuối cùng các bạn vào xem cho dễ.
Thanha: Chào Thanh Thảo,đọc bài du lịch miền Trung thích lắm, hy vọng tháng 6 nầy về họp mặt sẽ có dịp ra nơi ây.
Trieu Nguyen: Em kính chào thầy cô! Em cảm ơn thầy cô đã luôn chú ý và động viên em.
Thanha: Chào em Trieu Nguyen sau, thời gian vắng bóng trở lại trường xưa với ngòi bút điêu luyện hơn, văn hay chữ tốt hơn đem lại sinh khí mới với luồng gió cũ kỷ đong đầy kỷ niệm một thời khốn khó miền Cái Sắn. Cám ơn sự trở lại của em, trường xưa cảm thấy ấm áp hơn.
caonguyen: Chúc Út Sao và gia đình giáng sinh vui
vẻ
sondung: Dạ! Thưa Thầy Cô . Hôm giờ mấy cháu Vy Ngọc bận việc quá nên chưa làm clip video được , em thì mò hoài mà chưa vô phim được ,em có nhắn tin nhờ Thầy lúc nào rảnh đưa vô dùm vì những đoạn phim đó em giở qua phone của Thầy đó . Kính
Thanha: Chào Sondung, Phim em quay cho TC nhờ bé Vy đưa vào Youtube, sau đó chuyển link vào nội dung MTX như một bài viết,, để minh họa cho hai bài thơ trên. Thơ hay lắm sondung ạ. Cám ơn hai em.
sondung: Dạ chúng em cám ơn Thầy Cô đã tìm giúp , chúng em sẽ xin hoàn thành công việc ạ !

Để gửi tin nhắn xin hãy đăng nhập.
   
   

Trang web hiện có:
475 khách & 0 thành viên trực tuyến

   
Chào Khách quý
Tên đăng nhập: Mật mã: Tự động đăng nhập

Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
  • Trang:
  • 1

NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:

TRỐNG VẮNG cách đây 11 năm, 5 tháng #8029

TRỐNG VẮNG

Truyện ngắn – Nguyễn Phương
Ngân nằm quay mặt vào tường nước mắt dàn dụa ướt đẫm cả gối lẫn tấm dra trải giường còn mới toanh với mùi thơm nhẹ nhàng quen thuộc của nước hoa Enchanteur trong đêm tân hôn. Chồng nàng nằm bên cạnh vắt tay lên trán, đôi mắt hững hờ nhìn trân trân lên trần nhà như nhìn vào cõi hư không. Giữa họ dường như đã có một bức tường vô hình ngăn cách. Chẳng ai muốn nói một lời nào. Không khí nặng nề bao trùm cả gian phòng gần hai mươi mét vuông với khá đầy đủ tiện nghi trong một căn biệt thự sang trọng ở khu Phú Mỹ Hưng mà ba mẹ chồng nàng đã chuẩn bị sẵn cho cậu con trai khi cưới vợ. Đêm khuya im ắng lạ. Im ắng đến nỗi nàng nghe rõ cả tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền mà chồng nàng đã tặng hôm ngỏ lời yêu đương với nàng. Thỉnh thoảng, nàng lại nghe tiếng thở dài thườn thượt của Trung – người đàn ông đang nằm bên cạnh mà nàng đã từng vô cùng ngưỡng mộ, yêu thương lẫn khâm phục. Nhưng giờ đây sao nàng thấy xa lạ quá!
Trung tốt nghiệp Đại học kiến trúc loại xuất sắc và được giữ lại trường làm giảng viên đã gần ba năm nay. Ngân quen Trung tình cờ trong một buổi tiệc sinh nhật của một người bạn. Trung chính là anh trai của Thủy – bạn học cùng khoa Báo chí và Truyền thông của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn với nàng.
Cách đây hai năm, Thủy đố anh mình phá được tảng băng không biết tự hồi nào đã làm lạnh giá trái tim của cô bạn học giỏi, xinh xắn lại hết sức tốt bụng của mình. Thủy quen Ngân từ năm học lớp chín. Thủy còn nhớ rất rõ ngày hôm ấy. Đó là buổi sáng thứ hai của tuần đầu tiên học kỳ hai năm học 2002 – 2003. Hôm đó, trước khi cho học sinh ra sân chào cờ, thầy chủ nhiệm đưa vào lớp một cô bé có gương mặt bầu bỉnh, tóc cắt ngắn được cuốn ốp vào hai bên má theo kiểu tóc của ca sĩ Cẩm Vân trông rất dễ thương, giới thiệu:
- Hôm nay lớp mình có thêm một bạn mới từ dưới Rạch Giá chuyển lên. Bạn tên là Nguyễn Thị Kim Ngân từng học tại một trường rất nổi tiếng ở Rạch Giá và đã có một thành tích học tập rất đáng nể. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên bạn mới chuyển lên đây học. Thầy mong rằng các em sẽ đoàn kết với bạn trong thời gian tới. Đề nghị các em hoan nghênh.
Cả lớp vỗ tay, đập bàn, la hét inh ỏi. Nhất là bọn con trai. Thấy một cô bé tỉnh lẻ mới lên Sài Gòn còn ngơ ngác, chúng bu lại buông lời chọc ghẹo suồng sã. Ngân trừng mắt lên nhìn bọn chúng như muốn thách thức. Mấy đứa con trai thấy cô bé mặt cau có, nghiêm nghị có phần dữ tợn một cách thái quá thì im bặt không dám chọc ghẹo nữa. Thủy liếc nhìn Ngân, nghĩ thầm: con này tài cán tới đâu mà có vẻ kiêu kỳ quá thế. Để xem mày còn kiêu kỳ được bao lâu nữa khi biết rằng mày đang ở trong một tập thể lớp nổi tiếng nhất khối về thành tích học tập cũng như thành tích… quậy phá.
Trong thâm tâm, tự dưng Thủy không hề có chút thiện cảm nào với cô bé học trò mới chuyển đến này. Buổi trưa hôm ấy, lúc tan trường, khi dắt chiếc xe đạp từ nhà xe ra, Thủy bất chợt thấy Ngân từ ngoài bước vào cũng lấy chiếc xe đạp ở gần đó. Thủy cố tình cho xe quẹt vào người Ngân làm bẩn cả chiếc áo trắng tinh mà mẹ vừa mới may cho đúng với đồng phục của trường cho bõ ghét. Ngân chẳng phản ứng gì, chỉ phủi phủi chiếc áo cho bớt những vết bẩn rồi lẳng lặng đi vào trong nhà xe đưa thẻ cho bác bảo vệ rồi dắt chiếc xe của mình ra cổng. Nhìn thấy cảnh hỗn độn trước cổng trường mà Ngân ngao ngán. Các bậc phụ huynh chờ rước con về cho xe đỗ chen chúc bít cả đường đi, lấn hết vỉa hè, tràn cả ra ngoài giữa lộ. Xe cộ qua lại bóp còi inh ỏi. Con đường này bình thường vẫn rộng thênh thang thì giờ đây đã ùn tắc cả một quảng dài. Mãi hơn mười phút Ngân mới dắt được chiếc xe đạp thoát ra khỏi cái không khí ồn ào, ngột ngạt bởi tiếng động cơ cùng với những cụm khói đen ngòm phun ra từ cái bô của những chiếc xe gắn máy. Học sinh ở đây có lẽ đã quen với cái không khí này nên không cảm thấy bực mình như Ngân. Vừa ngồi lên xe chạy được một đoạn, Ngân thấy phía trước có một đám đông bu quanh bên vệ đường. Tò mò, Ngân dừng lại, bước xuống dắt chiếc xe đạp đi về phía đám đông xem có chuyện gì xảy ra thì bất ngờ trông thấy Thủy mặt tái mét, tay chân bị trầy xước nhiều chỗ, quần bị rách ở một đầu gối, máu còn đang rỉ ra ở đó. Bên cạnh là chiếc xe đạp mà cái vành của bánh trước đã bị quăn lại như hình số tám. Một bà cụ trông còn khỏe khoắn đang ngồi cạnh bên thoa dầu nước xanh vào những vết thương cho Thủy.
- Trời ơi! Bạn làm sao vậy nè? Có đau lắm không? Có cần đưa đi bệnh viện không? – Ngân lo lắng chạy tới nắm tay Thủy hỏi liên tục.
Thấy Thủy còn nhăn nhó vì đau đớn chưa trả lời được, bà cụ ngừng thoa dầu, quay đầu về phía Ngân nói:
- Hai đứa là bạn của nhau hả? May quá. Cháu ra ngoài ngã tư kia gọi chú Bảy vào đây vác chiếc xe đạp này ra ngoài ấy cho chú ấy sửa rồi chở bạn về, chiều ra lấy xe cũng được, chẳng mất mát gì đâu. Bạn cháu chỉ bị thương ngoài da thôi, không cần phải vào bệnh viện, bà đã thoa dầu nước xanh rồi, chỉ lát nữa là hết đau thôi mà. Hai cậu thanh niên kia chạy ẩu va quẹt làm bạn cháu ngã rồi bỏ chạy luôn – Bà thở dài, tặc lưỡi mấy cái, lắc đầu rồi nói thêm – Thanh niên bây giờ hư hỏng quá! Chạy ngoài đường phố đông người mà cứ như đi ăn cướp ý. Cũng may mà không việc gì, chứ nó mà đụng ngay thì có mà khổ.
Ngân nghe xong “Dạ” một tiếng rõ to rồi nhanh nhảu chạy ra ngoài ngã tư gọi chú Bảy đến đem chiếc xe đã cong vành của Thủy đi sửa. Chú Bảy lúc đầu mặt hơi cau có, làu bàu, lẩm bẩm điều gì đó Ngân nghe không rõ, chắc là định bảo Ngân đem xe ra tận nơi. Nhưng khi nhìn lại thấy cô bé học trò ốm yếu tội nghiệp, chú đành lủi thủi bước theo Ngân. Chỉ cần một tay, chú Bảy đã nhấc bổng chiếc xe của Thủy lên vừa đi ngược trở ra ngoài ngã tư vừa hỏi:
- Chừng nào tụi bay tới lấy?
Lúc này Thủy đã bình tĩnh trở lại, gương mặt không còn tái mét như hồi nãy nữa:
- Chiều con tới lấy được không chú?
- Được. Nhưng mà nhớ trước năm giờ nghe. Sau năm giờ là tao bán lấy tiền đi nhậu đó!
Chú nói cho vui vậy thôi chứ ai mà không biết chú Bảy tốt bụng vá ép, sửa xe cả mấy chục năm nay ở ngã tư này. Học sinh đi ngang có khi nhờ chú gắn lại sợi dây sên, xiết lại con ốc chú cũng chẳng lấy tiền.
Đám đông hiếu kỳ đứng xem lúc này cũng đã giải tán dần. Bà cụ tốt bụng vặn nút chai dầu nước xanh lại, cẩn thận bỏ vào túi áo bà ba rồi đứng lên:
- Thôi, bà đi đây. Các cháu đi đường cẩn thận nhé.
Thủy cám ơn rối rít, nhìn theo bà cụ tay xách cái giỏ đựng đầy thức ăn, bước thoăn thoắt đi vào trong một con hẻm gần đó. Chắc bà vội về nhà để làm bữa cơm trưa cho cả gia đình. Ngân bước tới đỡ Thủy đứng dậy:
- Nhà bạn ở đâu để mình đưa về?
Thủy một tay nắm lấy tay Ngân, một tay chống đầu gối cố gượng đứng dậy, mặt nhăn nhó, xem ra vẫn còn đau lắm.
- Cảm ơn Ngân. Nhà mình cũng gần đây, cách có hai ngã tư nữa là tới. Mà sao mới học chung có một buổi mà bạn nhận ra mình vậy?
Vừa hỏi câu đó, chợt Thủy hơi sượng sùng vì hành động của mình lúc nãy.
- Mình nhớ chứ. Bạn là tổ trưởng tổ một, ngồi ở đầu bàn thứ hai, dãy bên phải. Mình ngồi ngay ở phía sau bạn đây. Tổ viên phải nhớ tổ trưởng chứ.
Thì ra cô bạn này cũng vui vẻ, hoạt bát, dễ gần chứ đâu đến nỗi kiêu kỳ, khó chịu như mình tưởng. Thủy nhận xét như vậy rồi cảm thấy ân hận về thái độ của mình lúc tan trường:
- Lúc nãy mình làm bẩn áo của Ngân, cho mình xin lỗi nghe.
- Có gì đâu. Sơ ý mà! – Vừa nói, Ngân vừa cúi xuống nhặt lấy cái cặp của Thủy bỏ lên trên cái cặp của mình trong cái giỏ xe ở phía trước ghi-đông rồi dặn Thủy ngồi cẩn thận:
- Thôi, mình đi về nhanh lên kẻo ba mẹ bạn đợi. Trưa quá rồi!
Lúc bấy giờ, Thủy cảm nhận được rằng Ngân quá tốt. Bạn ấy chẳng những không giận mình mà còn lo lắng, tận tình giúp đỡ mình. Hơn thế nữa lại còn nghĩ tới ba mẹ mình nữa.
Từ hôm đó, Ngân và Thủy chơi rất thân với nhau, cùng giúp đỡ nhau học tập và trở thành tấm gương “đôi bạn cùng tiến” điển hình của toàn trường. Cuối năm học ấy, hai đứa quyết định thi vào Trường THPT Võ Thị Sáu quận Bình Thạnh cho gần nhà. Thật ngẫu nhiên, chúng lại được xếp học cùng một lớp suốt ba năm ở trường này. Cả hai đều là học sinh giỏi Văn và có cùng sở thích nên sau khi tốt nghiệp THPT, hai đứa lại rủ nhau nộp đơn thi vào Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, khoa Báo chí và Truyền thông. Năm đó cả hại đều thi đỗ. Thế là họ lại có dịp học chung với nhau thêm bốn năm đại học nữa. Có điều lạ là trong suốt gần tám năm chơi thân với nhau như vậy, bao nhiêu chuyện riêng tư họ đều nhỏ to tâm sự với nhau hết, nhưng chưa bao giờ Thủy thấy Ngân nhắc đến một người bạn trai nào. Đặc biệt, Thủy thấy Ngân tỏ ra rất lạnh lùng khó chịu một cách bất thường khi có một đứa con trai nào xuất hiện trong những buổi đi chơi. Hoặc khi có một anh chàng nào rề rà đến nói chuyện, mặc dù có khi chỉ trao đổi về học tập thôi, Ngân cũng tỏ ra khó chịu và tìm cách tháo lui. Dần dần không còn một anh chàng nào dám bén mảng đến với Ngân nữa. Bạn bè trong khoa đều nghĩ rằng Ngân mắc chứng bệnh lãnh cảm.
Không. Ngân không hề lãnh cảm. Chỉ có Thủy – người bạn rất thân với Ngân – mới nghĩ như vậy. Và Thủy quyết định tìm cách cho anh mình tiếp cận với Ngân. Thủy tin rằng với tài năng và phong độ của một con người rất lịch thiệp đầy bản lĩnh như anh mình sẽ sớm “đốn ngã” được người bạn có một trái tim băng giá này.

Quả thật sau bữa tiệc sinh nhật của Thủy hôm ấy, Trung đã làm cho trái tim của Ngân rung động. Trung để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Ngân không phải vì chàng là một giảng viên của Trường Đại học kiến trúc, cũng không phải vì chàng có một mái tóc quăn quăn trên gương mặt điển trai trông rất lãng tử, lại càng không phải vì chàng là con của một đại gia. Thật bất ngờ, Trung đã mở được tâm hồn của Ngân bằng âm nhạc. Không biết là do cái gu thưởng thức âm nhạc quá tương đồng hay là do lời bài hát mà Trung hát ngày hôm ấy đã tìm đến tận nẻo sâu trong tiềm thức của nàng, thấy được nỗi mặc cảm đè nặng trong lòng nàng, để rồi tháo nó ra, giải tỏa được cái tâm lý u uất đè nặng lên trái tim nàng hàng bao nhiêu năm nay.
Ngân rất yêu âm nhạc nhưng lại chúa ghét cái thứ âm nhạc nửa Tây nửa Ta hoặc các ca khúc gọi là “dân ca hiện đại” mà bây giờ giới trẻ đang ưa thích. Có bài, ca từ thô kệch thiếu trau chuốt; nhạc thì nghe cứ ngang phè chẳng ăn nhập gì với lời cả. Ngân nghe kể thời tiền chiến Tô Vũ viết bài “Em đến thăm anh một chiều mưa” có câu “Em đến thăm anh, người em gái”. Chữ “gái” Tô Vũ đặt cho nó ở nốt si giáng nghe rất lạ tai, rất khó hát. Có người hỏi “Tại sao mà nhạc sĩ lại để cái nốt lạ như vậy?” thì ông cười rất tươi, rồi hài hước: “Tôi viết như vậy vì “người em gái” ở đây không phải là em gái bình thường mà là cái thứ em…gì… gì đó”! Quả thật khi hát đúng được nốt này thì mới thấy bài hát nó hay, để lại ấn tượng cho người nghe. Có những bài hát sống mãi với thời gian là như vậy.
Với những ngón tay điêu luyện trên phím đàn guitar và giọng trầm ấm của Trung, hôm đó, Ngân đã đắm chìm trong ca khúc “Niệm khúc cuối” của Ngô Thụy Miên với điệu boston dặt dìu, lãng mạn:
Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời
Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây
Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy
Có lá buồn gầy, dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em

Cái câu “Dù sao, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em” Trung hát cứ nhìn thẳng vào mặt Ngân làm nàng xúc động quá. Lời bài hát như có một ma lực nào làm tan biến đi cái quá khứ đau buồn như đám mây đen bủa vây tâm hồn nàng bấy lâu nay, khiến nàng mơ hồ cảm nhận được cái ngọt ngào của thứ hương vị mà chỉ có được khi đến với người khác giới.

Vậy mà giờ đây, cái con người lịch lãm mà suốt hai năm nay nàng ngưỡng mộ, yêu thương lẫn khâm phục biết nhường nào lại nỡ xúc phạm nàng bằng một câu tàn nhẫn như vậy.
Chỉ mới đây thôi, một không khí vô cùng vui vẻ, hạnh phúc, ấm cúng và cũng rất hiện đại diễn ra trong tiệc cưới tại tiền sảnh sang trọng của khách sạn 4 sao StarCity Saigon. Mọi người đều có mặt đông đủ để chứng kiến ngày tân hôn của đôi uyên ương trai tài gái sắc. Ngân ngất ngây trong niềm hạnh phúc vô bờ mà nàng ngỡ như trong mơ. Nàng không thể tưởng tượng được rằng mình lại có thể lấy được một người chồng tuyệt vời như vậy. Sau khi kết thúc buổi tiệc, mọi người ra về hết, Trung tự lái chiếc xe đưa cô dâu về căn biệt thự ở Phú Mỹ Hưng, nơi mà họ đã từng hẹn hò nhiều lần nhưng chưa lần nào giữa họ đi quá xa một nụ hôn. Trung rất tôn trọng người yêu, chàng cố giữ cho mối tình đầu thật trong sáng, tinh khôi, nguyên vẹn cho đến ngày cưới. Có hôm, nụ hôn của chàng say đắm quá đã khiến nàng rạo rực trong hơi thở dồn dập, ngây ngất trong niềm đam mê khoái cảm, sẵn sàng chờ đợi giây phút mây mưa thì đột nhiên Trung đưa tay tự tát mình một cái rồi bước nhanh vào phòng tắm mở vòi nước lạnh tưới vào người cho tỉnh táo lại. Ngân nằm tại chỗ tâm trạng hụt hẫng lẫn lo âu một cách mơ hồ.
Rồi hôm nay, trong đêm tân hôn này, cũng sắp đến cái giai đoạn chuẩn bị cho sự khoái cảm tuyệt vời đó thì đột nhiên Trung đưa tay vào trong cái áo gối ở đầu giường lấy ra một cái khăn trắng tinh lót ở phía dưới của nàng. Ngân giật mình. Bao nhiêu cảm xúc khoái lạc ngất ngây chợt tan biến hết nhường chỗ cho sự lo âu rồi đau đớn đến tái tê. Không phải là cái thứ đau đớn trên da thịt đến ghê người ám ảnh nàng suốt mười năm trời mà là cái đau đớn day dứt vì biết rằng hạnh phúc của mình sẽ chấm dứt kể từ hôm nay, ngay sau cái đêm tân hôn này.
Nàng không thể ngờ được một chàng trai trí thức tiến bộ như Trung lại quá quan trọng đến việc còn hay mất của người con gái. Ngân nằm buông xuôi như cái xác không hồn để chồng tiếp tục say đắm ái ân, chờ đợi cái kết cục đau thương. Rồi nàng cũng cảm nhận được sự hụt hẫng của chàng khi những điều chàng nghĩ lại không diễn ra như vốn nó sẽ diễn ra. Chàng lật ngửa ra giường, mắt hững hờ nhìn lên trần, buông một câu tàn nhẫn:
- Em đã ăn nằm với bao nhiêu thằng đàn ông rồi?
Câu hỏi đó làm Ngân chỉ nấc lên một tiếng rồi nước mắt cứ trào ra chứ không nói được một lời nào.
Ngân nhớ hôm về Rạch Giá báo tin vui với mẹ là Trung đã ngỏ lời xin cưới, mẹ nàng mừng rỡ lộ rõ ra mặt:
- Thì cưới nhanh lên, hai đứa đã quen nhau gần hai năm rồi còn gì. Mẹ chỉ mong con có chồng thì mẹ mới yên tâm, con yêu của mẹ ạ.
- Con sức mấy mà ế chồng. Mẹ đừng có lo.
Thấy con tự tin, bà cũng yên tâm phần nào. Bà chỉ mong sao cho con gái được hạnh phúc vì chỉ có bà mới hiểu được nỗi đau quá lớn mà con bà phải chịu đựng trong sự câm lặng hàng bao nhiêu năm trời.
Bà luôn cảm thấy có lỗi với con và mong muốn được bù đắp cho con tất cả những gì bà có thể làm được.

Ba Ngân bất ngờ qua đời vì tai nạn giao thông khi Ngân mới lên năm tuổi. Mẹ Ngân phải một mình bươn chải làm việc vất vả nuôi cho Ngân ăn học. Hết bậc tiểu học, Ngân được tuyển thẳng vào trường THCS Chất lượng cao của Thành Phố Rạch Giá vì thành tích học tập xuất sắc. Ngân càng lớn càng xinh đẹp và học rất giỏi. Điều này làm mẹ rất vui. Nhưng đến đầu năm lớp chín, Ngân thấy mẹ đi về thất thường và chi tiêu cũng rộng rãi hơn trước. Mẹ bảo:
- Dạo này mẹ phải làm thêm giờ, bận lắm. Mẹ không về nấu cơm trưa được, con cứ cầm tiền rồi đi ăn gì cũng được, tùy thích. Buổi chiều, mẹ về nấu cơm hai mẹ con cùng ăn.
Mẹ cho tiền Ngân đi học thêm suốt các ngày trong tuần. Buổi sáng, Ngân học ở trường. Buổi chiều các ngày chẵn: thứ hai, tư , sáu, Ngân học Toán ở nhà thầy Tám; các ngày lẻ: thứ ba, năm, bảy, Ngân học Văn ở nhà cô Lan hai tiết đầu đến ba giờ chiều; rồi lại chạy đi học môn Hóa ở nhà cô Trúc hai tiết sau đến năm giờ về ăn cơm, nghỉ được một lát, tối đến lại phải đi học Anh văn ở nhà thầy Tuấn. Bài tập ở trường thì mỗi lúc mỗi nhiều. Ngân không còn thời gian để mà học bài làm bài nữa. Có hôm, cảm thấy mệt mỏi quá, Ngân đề nghị với mẹ:
- Mẹ ơi, hay là mẹ cho con nghỉ học thêm môn Văn với môn Hóa đi. Hai môn này con học cũng tốt rồi, đi học thêm chỉ mất thời gian thôi. Con làm bài tập trên lớp không kịp, cô chủ nhiệm ghi tên cảnh cáo con trong sổ đầu bài mấy lần rồi đó.
Vừa nói Ngân vừa đưa tay lên quẹt nước mắt nũng nịu, trông cô bé thật tội nghiệp. Thấy vậy, mẹ Ngân dỗ dành:
- Cố gắng lên một chút con ạ. Năm tới con phải thi vào trường Chuyên. Khó lắm. Nghe nói tỷ lệ chọi còn căng hơn cả thi đại học nữa đó. Mỗi môn chuyên, họ lấy có ba mươi lăm đứa mà nộp đơn những mấy trăm.
Thấy Ngân vẫn còn phụng phịu, bà nói thêm:
- Năm tới con mà thi đỗ vào trường Chuyên thì mẹ sẽ thưởng cho con một chiếc xe Honda đời mới.
Ngân chẳng cần xe Honda nhưng thấy mẹ cứ động viên mãi thì cũng nghe lời cố gắng học, không còn than vãn nữa. Nhưng Ngân có vẻ buồn. Ngân buồn không phải vì chuyện học hành. Nói vậy thôi chứ Ngân học vẫn tốt, vẫn được bạn bè nể phục, chỉ đôi lúc làm thiếu vài bài tập thôi. Ngân buồn vì mẹ không còn thường xuyên gần gũi chăm sóc và tâm sự với mình nữa. Ngân không cần mẹ phải lo cơm nước, giặt giũ hay ủi quần áo cho mình. Những việc đó, với một cô bé mười bốn tuổi như Ngân làm được tất. Ngân cần ở mẹ sự đồng cảm sẻ chia. Ngân cần có bàn tay mềm mại của mẹ vuốt ve lên mái tóc mỗi khi áp đầu vào ngực mẹ, cảm nhận được cái mùi thơm lẫn hơi ấm tỏa ra từ làn da của mẹ trong những buổi tối trước khi đưa Ngân vào giấc ngủ êm đềm, hồn nhiên của trẻ thơ như trước đây mẹ vẫn làm. Ngân còn nhớ mới năm ngoái, mẹ Ngân còn âu yếm dỗ dành rồi giải thích rõ khi Ngân đi học về mặt tái nhợt vẻ hoảng sợ vừa khóc vừa nói với mẹ rằng bị bạn bè trêu chọc là có ghẻ ở dưới mông. Rồi mẹ dạy cho Ngân cách vệ sinh khi tới tháng. Mẹ mua áo ngực cho Ngân mặc khi ra đường. Còn bây giờ, Ngân thấy mẹ chẳng thèm quan tâm đến sự phát triển dường như đang từng ngày, từng ngày diễn ra trên thân thể của mình. Cũng mới năm ngoái đây thôi, Ngân chỉ với tay được tới cái song sắt thứ hai của cái cửa sổ ở bên hông nhà. Thế mà bây giờ, Ngân đã nắm được cái song sắt trên cùng và có thể đu lên, thò tay vào cái khuôn bông bên trên cửa sổ, luồn về phía bên phải, nơi đó có máng cái chìa khóa sơ cua dùng để phòng khi đi ra ngoài bấm ổ khóa lại mà quên cái chìa khóa ở trong nhà. Ngân ngắm mình trong gương rồi chợt ngỡ ngàng khi thấy mình lớn và trở nên xinh đẹp quá! Sao mẹ không khen mình nhỉ? Có hôm, Ngân đạt được những ba cái điểm mười chờ mẹ đi làm về để khoe và Ngân cứ đinh ninh rằng mẹ sẽ reo lên mừng rỡ, rồi ôm Ngân vào lòng mà hôn lấy hôn để. Thế nhưng cuối cùng, Ngân chỉ nhận được lời khen chiếu lệ, hững hờ:
- Con giỏi lắm. Đi ngủ sớm đi, ngày mai còn lấy sức mà đi học.
Có hôm tới tháng, Ngân đau bụng quá phải nghỉ học nhưng mẹ cũng chẳng có ở nhà để chăm sóc. Thường thường buổi chiều, mẹ về sớm nấu cơm nhưng có hôm, tám giờ tối Ngân đi học thêm về mà vẫn chưa thấy mẹ về. Còn rất mệt vì phải học cả ngày, Ngân uể oải xuống bếp bắc cái nồi cơm điện, hâm lại thức ăn có sẵn ở trong tủ lạnh, rồi ra ngoài phòng khách bật ti vi lên xem, chờ mẹ đi làm về mà lòng cảm thấy trống vắng vô cùng.
Sự thay đổi của mẹ, Ngân cảm nhận được hết nhưng Ngân cũng chẳng có thì giờ để mà bộc lộ nỗi niềm với mẹ vì suốt ngày phải đi học thêm rồi khi về đến nhà lại phải bù đầu với cái đống bài tập ở trên lớp.
Cho đến một ngày. Có lẽ đó là một ngày định mệnh của cuộc đời Ngân.
Hôm đó là ngày thứ bảy, một ngày học căng thẳng nhất trong tuần. Buổi sáng, Ngân phải học năm tiết ở trên lớp, mãi đến mười một giờ mười lăm phút mới tan trường. Trên đường về, Ngân ghé mua hộp cơm gà ở đường Nguyễn Trung Trực đem về nhà ăn vội vội vàng vàng tranh thủ nghỉ trưa một lát để đến một giờ trưa còn đạp xe đến nhà cô Lan học thêm môn Văn cho kịp. Xong môn này, Ngân lại lật đật chạy sang nhà cô Trúc học thêm môn Hóa. Đến năm giờ chiều, Ngân không về nhà mà ghé ăn cơm phần ở đầu đường Mạc Cửu để đến sáu giờ rưỡi chiều, đi học Anh văn ở nhà thầy Tuấn luôn cho tiện. Chả là nhà thầy Tuấn cũng nằm ngay trên đường Mạc Cửu này mà. Học Anh văn chưa được mười phút thì đột nhiên Ngân thấy đau bụng quá phải xin phép thầy Tuấn về sớm. Đến nhà, Ngân mở cổng rào dắt xe vào sân rồi cài chốt cổng lại cẩn thận. Vừa định tra chìa vào ổ khóa để mở cửa thì Ngân phát hiện có một chiếc xe Honda mới toanh dựng ở ngay bên hông nhà cạnh chiếc xe của mẹ. Ngân dừng lại suy nghĩ một lúc rồi đi vòng ra phía sau, đến bên cạnh cửa sổ, với tay lên cái song sắt rồi đu lên nhìn vào trong phòng khách qua cái khuôn bông trên cửa sổ. Ngân sửng sờ khi thấy mẹ đang nửa ngồi nửa nằm trên cái sa lông mà phía trước là một người đàn ông đang úp mặt vào ngực của mẹ, bàn tay sờ soạng khắp thân thể của mẹ. Thoáng chốc, Ngân suýt tụt tay ra khỏi song sắt cửa sổ rớt xuống hiên nhà nhưng Ngân đã kịp lấy lại được bình tĩnh, nhẹ nhàng tụt xuống bậc thềm rồi khẽ dắt chiếc xe đạp ra đường, cài chốt cổng lại, chạy một mạch mà không biết mình sẽ đi đâu.
Bỗng Ngân trông thấy từ trong quán cà phê Dư Âm trên đường Nguyễn Trung Trực thuộc khu phố 1 phường Vĩnh Lạc, chị Hiếu chạy ra đường vẫy vẫy, gọi rối rít:
- Ngân, Ngân ơi, Ngân ơi. . .
Hiếu chặn lấy đầu xe cho Ngân dừng lại, rồi tỏ vẻ mừng rỡ:
- Đi đâu mà vội dữ vậy nè, ghé vô đây uống cà phê đi em. Sao mà hên quá, hôm nay thứ bảy, chị vừa mới tính gọi điện rủ em đi hát karaoke đây. Ủa, mà sao mà mặt mày xanh mét vậy nè?
Ngân chẳng nói gì, chỉ lắc đầu, định đi tiếp nhưng Hiếu đã giằng lấy chiếc xe đạp từ tay Ngân rồi chẳng cần biết Ngân có đồng ý hay không, dắt xe đi thẳng vào trong quán.
Là con gái nhưng trông Hiếu như con trai. Chân tay đen đúa thô kệch, tóc cắt ngắn kiểu con trai, giọng nói ồm ồm, đã hơn hai mươi tuổi rồi mà đằng trước cũng như đằng sau cứ bằng phẳng không hề có một chút gợn sóng nào cả. Hiếu bỏ học từ rất sớm, theo mẹ vào trường bán cơm trong căn tin. Hầu như Hiếu quen biết tất cả học sinh trong trường. Đặc biệt, Hiếu hay lân la rủ rê mấy đứa học trò lớp chín đi chơi bời lêu lỏng. Có đứa đã từ một học sinh giỏi vì nghe theo lời dụ ngọt của Hiếu đi chơi điện tử, la cà hết quán này, quán nọ mà học hành trở nên sa sút trầm trọng. Hiếu biết Ngân từ năm cô bé mới học lớp sáu vì thường xuyên ăn cơm trong căn tin của trường. Nhưng chỉ thời gian gần đây Hiếu mới tỏ ra thân thiện với Ngân. Cái mối quan hệ thân thích bất thường đến nỗi có đứa đã rỉ tai Ngân:
- Mày coi chừng đó. Tụi nó nói chị Hiếu…“lại đực” nên yêu mày đó.
“Lại đực” hay không? Mặc. Ngân chẳng quan tâm. Ngân chỉ thích chị Hiếu vì chị ấy hay bênh vực mình mỗi khi có xích mích với một đứa nào đó. Nhưng nhiều lúc Ngân cũng cảm thấy hơi sợ vì chị Hiếu hay chửi thề và cách cư xử có vẻ côn đồ. Có lần chính mắt Ngân chứng kiến chị Hiếu đấm cho một thằng chảy cả máu răng ngay giữa đường chỉ vì thằng này dám chọc ghẹo Ngân.
- Sao buồn dữ vậy Ngân? Cứ vào đây ngồi uống nước với chị một tí rồi chị sẽ dẫn em đi hát karaoke. Chỗ này hay lắm.
Mặc dù đi chơi với Hiếu đa số là những đứa học trò hư hỏng, hay cúp cua đi lang thang ngoài đường, chẳng lo học hành gì cả nhưng Ngân vẫn giữ được nền nếp của mình, không bao giờ mải chơi mà lơ là việc học. Nhưng hôm nay, nghĩ tới cảnh tượng hồi nãy ở tại phòng khách ngay trong nhà mình, Ngân không muốn về nữa. Từ từ ngồi xuống, Ngân nói vẻ e ngại:
- Nhưng mà…nhưng mà…bữa nay em không có tiền.
Ngân mới biết cái luật “KAMA” khi đi chơi với nhóm của Hiếu khoảng một tuần nay nên mới nói trước như vậy. Lúc đầu nghe Hiếu nói: “KAMA” Ngân chẳng hiểu gì. Sau mới biết “KAMA” là “Không ai mời ai”. Có nghĩa là đi chơi xả láng nhưng tiền chia đều không ai bao ai cả.
Nghe Ngân trình bày như vậy, Hiếu liền vỗ vai Ngân xuề xòa:
- Em cứ yên tâm. Hôm nay chị sẽ giới thiệu cho em mấy thằng bạn mới của chị. Tụi này có Việt kiều gửi tiền về xài dài dài, chơi xộp lắm. Nó bao hết, mình khỏi phải lo.
Nói rồi Hiếu móc điện thoại gọi liên tục. Chỉ một lát sau, Ngân thấy có hai chiếc xe Honda trờ tới phóng lên vỉa hè, xông thẳng vào quán, rú ga mấy cái, khói bay mù mịt rồi mới tắt máy. Khách ngồi trong quán giật mình, trố mắt lên nhìn ba tên thanh niên ăn mặc dị hợm bước xuống từ hai chiếc xe đó rồi xì xầm vẻ khinh bỉ. Hiếu đứng lên, vừa gọi vừa ra dấu cho ba tên đi lại bàn của mình:
- Phúc, Phúc ở đây nè.
Khi cả ba tên đã ngồi xuống, Hiếu nháy mắt với người thanh niên tên Phúc một cái, nhìn đồng hồ rồi cười vẻ bí hiểm.
- Từ Rạch Sỏi chạy ra mà nhanh dữ ta. Chưa tới mười phút. Giỏi lắm.
Tên này liếc Ngân một cái rồi quay qua Hiếu:
- Nghe nói bữa nay có người đẹp phải tranh thủ tối đa chứ.
Lúc này, khi ngồi đối diện với ba tên thanh niên, Ngân có cảm giác ghê ghê, trông chúng cứ bẩn bẩn thế nào ấy. Một tên đi đứng yểu điệu, tay chân dẻo quẹo, mặc chiếc áo sơ mi sọc ca rô dài tay bó sát vào người nhìn không ra con trai mà cũng chẳng ra con gái, bạn bè của Ngân gọi mấy đứa loại này là “bê đê”; khác với chị Hiếu, tụi nó gọi là “lại đực”. Hai tên còn lại thì để tóc giống hệt nhau: đầu nhuộm vàng, hai bên thái dương hớt thật cao, còn mái tóc thì để dài phủ cả hai mắt. Chắc là ngứa quá cho nên thỉnh thoảng chúng lại đưa tay lên trán gãi gãi rồi hất cái ngọn tóc dài thườn thượt đó qua một bên. Nhìn chúng không giống diễn viên Hàn Quốc mà cũng chẳng giống cầu thủ đá banh. Ngân không biết dùng cái từ gì để nhận xét cho đúng về chúng. Chỉ cảm nhận được rằng chúng thấy ghê ghê và bẩn bẩn thôi. Ngân toan đứng dậy định bỏ về thì Hiếu kéo tay Ngân ngồi xuống vẻ trách móc:
- Sao vậy Ngân. Em không lịch sự tí nào hết. Mới gặp bạn của chị, chị chưa kịp giới thiệu mà em đã bỏ về sao?
- Chị thông cảm. Em đau bụng quá. Chị cho em về trước.
- Tưởng gì chứ đau bụng thì mua thuốc uống là hết liền. Chị biết loại thuốc này uống hay lắm, mẹ chị vẫn thường cho chị uống khi đau bụng. Ngồi đây đi, để chị đi mua thuốc cho.
Tỏ vẻ rất nhiệt tình, Hiếu đứng lên định đi, Ngân ngăn lại:
- Thôi khỏi chị ơi, em đi chơi một chút cũng được. Nhưng mà bữa nay cho em về sớm nghe.
- Được rồi tiểu thư ạ. Không ai bắt tiểu thư đi chơi qua đêm đâu.
Thực ra, từ lúc nhìn thấy mẹ ái ân với một người đàn ông xa lạ, Ngân bàng hoàng đến nỗi không còn có cảm giác đau bụng nữa. Nhưng bây giờ, Ngân cũng chẳng muốn về nhà. Ngân chỉ tìm cách để tránh xa những tên thanh niên có vẻ bất hảo này thôi.
Khi đã thấy Ngân không còn đòi về nữa, Hiếu vui vẻ:
- Để chị giới thiệu với em nghe. Đây là Phi, còn có biệt danh là “Phi nhỏng nhẻo” – Hiếu chỉ tên “bê đê” rồi tiếp – còn đây là Lâm và Phúc. Tất cả đều chơi rất đẹp. Chị tin chắc là em sẽ thích khi đi chơi với những người bạn này.
Nói đoạn, Hiếu một tay khoác vai Ngân một tay chỉ vào ngực Ngân nói với mấy tên kia, vẻ trịnh trọng:
- Còn đây là Ngân, cô tiểu thư học giỏi và đẹp nhất trường đó nghe tụi bay.
Nghe chị Hiếu gọi những tên thanh niên này là “tụi bay”, Ngân hơi ngại vì thấy chúng cỏ vẻ già dặn quá. Nhất là tên Phúc, nhìn như là người đàn ông đã có vợ vậy đó.
Quả đúng như Ngân đoán, Phúc đã có vợ và một con. Tên này vô công rỗi nghề, chỉ sống bám vào những đồng tiền gửi về nhỏ giọt của người chị từ bên Mỹ. Khi nào có tiền thì cờ bạc rượu chè ăn chơi xả láng; khi hết tiền thì tìm cách lừa gạt người này, người kia hoặc chôm đồ nhà đi bán lấy tiền đi ăn chơi tiếp.
Tối hôm đó, chúng không dắt Ngân đi hát karaoke như chị Hiếu đã hứa mà đưa Ngân đến một căn nhà trên đường Mạc Cửu thuộc phường Vĩnh Thanh tổ chức nhậu nhẹt. Căn nhà ba gian trống trơn không có bàn ghế, tủ giường, nền lót gạch tàu màu đỏ xẫm từ trước ra sau. Tên Phúc cho biết đây là căn nhà mà chị của hắn gửi tiền về mua cho hắn để hắn ra ở riêng vì hiện giờ hắn còn đang ở chung với mẹ. Hắn bảo chị hắn cho tiền sửa lại căn nhà đàng hoàng hắn mới chịu về ở nhưng chị hắn không cho. Thế là căn nhà đã bỏ trống từ gần hai tháng nay kể từ khi chủ cũ dọn đi.
Bước vào căn nhà hoang bốc mùa ẩm mốc, chúng vơ vội cái nùi giẻ ở góc nhà, lau sơ một lượt cho bớt bụi ở gian phía sau bếp rồi bày thức ăn ra đó nhậu. Lúc đầu Ngân nói không biết uống rượu chỉ ngồi chơi một tí thì về nhưng Hiếu cứ ép mãi Ngân đành phải uống. Cái chất lỏng cay xè nồng nồng, đăng đắng đó khi mới đưa vào miệng Ngân chỉ muốn sặc. Ngân nhắm mắt nuốt mạnh một hơi như nuốt đi cái buồn tủi ở trong lòng. Ngân không để ý tới cái không khí càng ngày càng rôm rả ở xung quanh do cái ma lực của thần men làm cho người ta hưng phấn. Ngân chỉ thấy hình ảnh của mẹ quằn quại bên người đàn ông xa lạ hiện lên rõ mồn một trước mặt và Ngân muốn uống cho thật nhiều để mong cho hình ảnh ghê tởm đó tan biến đi. Đầu óc Ngân bỗng quay cuồng rồi Ngân không còn biết gì nữa. . .
Đã quá mười hai giờ đêm, mẹ Ngân vẫn đi ra đi vào không sao ngủ được, ruột bà nóng như lửa đốt. Lúc đầu hôm, sau khi vụng trộm với người đàn ông làm cùng cơ quan, bà tắm rửa, sửa soạn chờ sẵn, đợi con về chở con đi sang ngoại chơi như mọi lần vì hôm nay là tối thứ bảy. Mãi tám giờ rưỡi mà vẫn chưa thấy con về, bà tức tốc chạy sang nhà thầy Tuấn dạy Anh văn thì được biết Ngân đã xin phép về từ sớm vì đau bụng. Bà lại lật đật quay về nhà lục tìm các số điện thoại của mấy đứa bạn thân với Ngân gọi thì chẳng có đứa nào biết Ngân ở đâu cả. Quá sốt ruột, bà định đi báo công an nhưng lại nghĩ “Chắc là nó đi đến nhà thầy nào đó hỏi bài, chỉ lát nữa là về thôi mà, mình cứ lo lắng quá. Hôm qua nó mới than có mấy bài tập khó quá giải không được”. Rồi chợt nghĩ ra điều gì, bà toát mồ hôi lo sợ “Hồi nãy thầy Tuấn nói nó đau bụng xin về sớm. Hay là nó về, nó…nó thấy mình…”. Bà vội lắc đầu xua đi cái ý nghĩ chợt thoáng qua đó “Không. Mình đã cài chốt cửa ở bên trong cẩn thận rồi mà. Nếu nó về, nó phải gọi mình chứ.” Bao nhiêu ý nghĩ cứ luẩn quẩn trong đầu khiến bà lo lắng hết đứng lại ngồi. Thỉnh thoảng, bà lại nhìn lên đồng hồ treo tường rồi lại nhìn ra ngoài cổng. Bà đã nghĩ tới rất nhiều tình huống xấu có thể xảy ra. Bao nhiêu lần bà nhấc điện thoại lên định báo công an nhưng lại đặt xuống. Về khuya, đường phố vắng tanh. Chiếc xe bánh mì ở đầu ngã tư cũng đã dọn từ lúc nào. Bà lại xem đồng hồ. Đã gần một giờ sáng. Đến nước này thì phải đành chờ tới sáng thôi. Bà nghĩ vậy rồi đóng cửa, tắt đèn, mệt mỏi vào giường nằm vắt tay lên trán mà không sao ngủ được. Bà hết lo lắng vì sợ Ngân có thể bị tai nạn xe, lại lo lắng vì Ngân đã phát hiện được mình đang vụng trộm mà bỏ đi. Thật là ngổn ngang trăm mối tơ vò.
Nằm mơ màng được một lúc rồi trời cũng sáng, bà thức dậy cảm thấy đầu nặng trĩu, con mắt cay xè. Vội vàng, bà xuống nhà tắm rửa qua cái mặt rồi chẳng cần sửa soạn gì, cứ bộ đồ hồi hôm mà tức tốc xách xe chạy thẳng đến trường. Giữa đường, bà đột nhiên dừng xe lại vì sực nhớ hôm nay là ngày chủ nhật. Bà đang lúng túng không biết đi đâu và chưa biết phải làm gì trong lúc này thì thật may mắn, bà trông thấy cô Hoa, giáo viên chủ nhiệm lớp của Ngân đang trên đường đi chợ. Bà vội chặn lại và thuật hết mọi chuyện cho cô giáo nghe rồi khẩn khoản đề nghị cô tìm con giúp mình.
- Nếu như chị đã liên hệ được hết những đứa bạn thân của cháu rồi mà vẫn không biết cháu ở đâu thì lạ quá.
Nói xong cô giáo suy nghĩ một lúc rồi lẩm bẩm:
- Hay là nó đi chơi với con Hiếu, con chị Tư bán căn tin.
Cô Hoa nghi như vậy vì thứ bảy tuần trước cô mới xử một vụ đánh lộn giữa Hiếu và một đứa ở ngoài nhà trường để công an phải vào làm việc mà nguyên nhân có liên quan tới Ngân. Thế là cô tức tốc đưa mẹ Ngân đến nhà chị Tư tìm thử xem có Ngân ở đó không.
Đến nơi, chị Tư niềm nở:
- Cô giáo đi đâu sớm vậy nè? Vào nhà chơi. Có chuyện gì không cô?
- Em đến tìm Hiếu có chút chuyện chị ạ. Có Hiếu ở nhà không chị?
Đoán là Hiếu lại gây ra rắc rối gì nữa đây, chị Tư chép miệng, than phiền:
- Nó còn đang ngủ. Dạo này nó hư lắm cô ơi. Tối hôm qua nó về thật khuya, người nồng nặc mùi rượu, tôi chửi nó một trận rồi nó bỏ vào giường ngủ, bây giờ chưa thức nữa. Để tôi kêu nó dậy.
Lúc đầu Hiếu chối quanh, bảo rằng không có đi chơi với Ngân. Nhưng cuối cùng cũng không qua mặt được cô giáo chủ nhiệm đã nhiều năm kinh nghiệm, Hiếu đành phải cho biết đỉa chỉ căn nhà mà chúng nhậu đêm qua.
Một cảnh tượng làm cho mẹ Ngân cùng cô giáo chủ nhiệm phải sững sốt sau khi bật tung cửa xông vào căn nhà hoang đó: Bốn đứa nằm lăn ra trên nền gạch tàu ở nhà sau. Một đứa đang ôm chặt Ngân nằm quay mặt ra ngoài, úp mặt Ngân vào lòng. Mẹ Ngân trông thấy những vết máu nhớp nháp trên nền nhà dính cả vào quần áo Ngân đang mặc. Bà hốt hoảng la toáng lên, chạy tới kéo tay thằng khốn nạn kia hất ra ngoài rồi đỡ Ngân đứng dậy. Nhưng người Ngân mềm như bún, đầu tóc bù xù rũ rượi, con mắt lạc thần như một cái xác chết ngã khuỵu xuống nền nhà. Mẹ Ngân hốt hoảng gọi xe cấp cứu, còn cô Hoa thì gọi công an đến bắt tên Phúc, kẻ đã xâm hại Ngân cùng hai tên côn đồ kia đi.
Phiên tòa sơ thẩm được tổ chức sau đó không lâu. Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố đã truy tố Phúc về tội “Giao cấu với trẻ em” theo khoản 1 điều 115 của Bộ luật hình sự: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu với nạn nhân trái với ý muốn của họ…” là phạm tội hiếp dâm. Nhưng bị cáo Phúc lại cho rằng Ngân đồng tình quan hệ với mình vì theo bị cáo, sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã ôm Ngân ngủ đến sáng mà Ngân không có phản ứng gì. Còn lời khai của những người tham gia sòng nhậu hôm đó được triệu tập với tư cách là nhân chứng thì đều bất lợi cho Ngân, bởi vì chúng đều cho rằng Ngân đã “bồ” với Phúc từ lâu và hôm đó, tuy Ngân uống nhiều rượu nhưng vẫn còn tỉnh táo. Chị của tên Phúc đã gửi tiền về thuê luật sư thật giỏi để biện hộ cho em mình. Vì vậy, qua ngày xét xử thứ hai, vị chủ tọa phiên tòa phải cho tạm hoãn tuyên án nhằm làm rõ những mâu thuẫn trong lời khai giữa bị cáo và nạn nhân. Thế nhưng, sau đó, cán bộ điều tra viên lại đến tận nhà Ngân lấy lời khai bổ sung đã dọa sẽ báo cho nhà trường và thầy cô biết toàn bộ sự việc nếu không khai thêm theo ý của họ. Trước tình hình đó, mẹ Ngân phải chuyển trường cho Ngân lên Sài Gòn trọ học để tránh những mặc cảm trong cuộc sống. Vụ án bị “chìm xuồng”. Mẹ Ngân đau khổ trong nỗi ân hận xót xa, quyết tâm từ bỏ mối tình vụng trộm kia mà dồn hết tình cảm, sức lực để lo cho đứa con gái yêu quý, tội nghiệp này.

Sau khi tốt nghiệp đại học, Ngân có việc làm ngay trong một tòa soạn báo tại Sài Gòn, nay lại về thông báo sắp có người hỏi cưới mà lại là con nhà giàu, học giỏi, đẹp trai nữa làm bà mừng khấp khởi. Nhưng không hiểu sao, bà vẫn linh cảm thấy một điều gì đó không may sẽ xảy ra. Đột nhiên, bà vẫy Ngân lại nói nhỏ:
- Hay là để mẹ đưa con đi bác sĩ.
Ngân trố mắt ngạc nhiên:
- Đi bác sĩ để làm gì hả mẹ?
Ngần ngại một lúc, bà mới nói được:
- Bây giờ y học tiến bộ lắm người ta phẩu thuật làm lại như mới, không ai biết đâu. Mẹ tính. . .
Ngân như hiểu ý mẹ, liền cắt ngang:
- Thôi đi mẹ ơi! Mẹ lạc hậu quá. Bây giờ ai mà còn quan trọng cái đó nữa. Nếu anh ấy mà còn có tư tưởng lạc hậu như vậy thì con cũng cóc cần.

Nhưng điều mà Ngân không bao giờ nghĩ tới thì nó đã tới. Ngân không thể ngờ được rằng Trung không những không tin tưởng nàng mà lại còn xúc phạm nàng ghê gớm như vậy. Cái vết thương lòng hàng bao nhiêu năm nay vừa được Trung chữa lành thì cũng chính chàng đã xé toạc nó ra làm trái tim nàng rớm máu. Nàng không giải thích, không thanh minh cũng không năn nỉ quỳ lụy. Sáng sớm hôm sau, nàng xách va li, đúng cái va li tối hôm qua mà nàng đã đem về nhà chồng, lẳng lặng bước ra khỏi căn biệt thự, nơi mà nàng đã từng có những giây phút hạnh phúc tuyệt vời bên người mình yêu.
Còn chàng, cứ đau khổ vì tự cảm thấy mình như bị lừa gạt, bị xúc phạm. Suốt đêm chàng không ngủ, mắt cứ mở trừng trừng nhìn lên trần nhà vì mỗi lần nhắm mắt lại là hình ảnh vợ mình đang ái ân với người đàn ông khác lại hiện ra. Tại sao nàng không trả lời mình nhỉ? À, chắc là đúng tỏng tòng tong rồi cho nên mới không còn cách nào mà thanh minh nữa. Quay lại mà năn nỉ và nói lời xin lỗi đi may mà tôi tha cho. Chàng chờ có giây phút nàng sẽ lại phía chàng thú nhận tất cả và xin được tha thứ. Nhưng tuyệt nhiên không, nàng vẫn thổn thức trong câm lặng. Lúc gần sáng, thấy Ngân thức dậy lục đục thu dọn quần áo chuẩn bị ra đi, chàng cũng chẳng ngăn lại. Thôi, cứ để nàng đi vài ngày cho hai đứa tĩnh tâm lại rồi sẽ có hướng giải quyết sáng suốt hơn.
Thế rồi một tuần. . . hai tuần… rồi ba tuần trôi qua mà bóng nàng vẫn bặt vô âm tín. Mặc dù rất buồn và giận nàng nhưng chàng vẫn thấy nhớ nàng da diết. Trong nỗi nhớ đó có nỗi đau xen lẫn hương vị ngọt ngào của tình yêu. Chàng đã ghen quá nên mới có cách cư xử hồ đồ độc đoán như vậy. Mà sự ghen tuông luôn bắt nguồn từ tình yêu. Chàng quyết định đi tìm nàng vì bây giờ chàng cảm thấy trống vắng vô cùng. Đầu tiên, chàng đến nhà trọ mà nàng đã ở trong suốt những năm đi học xa nhà. Người ta nói rằng nàng đã dọn đi hơn ba tuần nay rồi. Chàng lại chạy sang tòa soạn báo, nơi nàng đang làm việc ở đó, thì họ nói nàng đã chuyển về công tác ở Đài Phát thanh và Truyền hình của một tỉnh thuộc miền Tây. Chàng thất vọng quay về căn biệt thự trong một tâm trạng não nề.

Ba ngày sau, một nhân viên bưu điện đưa cho chàng một cái phong bì lớn không ghi địa chỉ người gửi. Chàng hồi hộp mở ra khi chưa kịp vào nhà: một tờ báo đã vàng ố, bên góc phải có ghi “Kiên Giang – số 1533 – ngày 15-12-2002”. Ngay trên trang đầu, dưới hàng tít nhỏ “Phiên tòa xét xử một vụ án xâm hại một nữ sinh lớp 9” là hàng tít thật to “TẠM HOÃN ĐỂ LÀM RÕ TỘI DANH”. Trung chăm chú đọc không sót một chữ nào trong bài viết ấy. Rồi như người mất hồn, chàng buông tờ báo rơi xuống thảm cỏ, thẫn thờ ngồi phịch xuống cái ghế đá trước sân. Một nỗi ân hận tràn ngập trong tâm hồn chàng. Chàng cảm thấy cuộc đời này không còn ý nghĩa nữa nếu vắng nàng: “Ngân ơi, chưa bao giờ anh cảm thấy yêu em và cần em như lúc này. Ngàn lần xin em tha lỗi cho anh. Em hãy về với anh đi, về với anh đi. Anh sẽ làm tất cả để em được vui và hạnh phúc.”


RG, những ngày mưa tháng sáu năm 2013
Nguyễn Phương
  • Trang:
  • 1
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.10 giây
   
© maitruongxuath.org