Chào Khách quý
|
Văn xuôi, chuyển kể, hồi ký...
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIẾC ÁO CỦA BĂNG SƠN cách đây 12 năm, 7 tháng #900
|
CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIẾC ÁO CỦA BĂNG SƠN NGUYỄN PHƯƠNG Từ ngày Băng Sơn xuất hiện trên thi đàn “Maitruongxua.de” đã làm tôi hết ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng khác. Băng Sơn luôn cẩn trọng khi cầm bút. Đầu tiên là anh đọc hết những bài viết trên trang web này để “thăm dò”, tìm cảm hứng để chia sẻ với bạn bè. Khi đã đủ chín, anh mới bắt đầu viết. Mà trước khi viết, anh cũng chuẩn bị một “Tiếng còi xung trận” hẳn hoi. Sau khi đọc bài “Thăm Ngôi Nhà Mới” của Tư Thẹo, Băng Sơn thật sự nổi máu anh hùng. Bài thơ này của Tư Thẹo dường như đã “chọc ngứa” Băng Sơn. Thế là anh liền viết bài “Hịch” mà tôi xem đây là “Tiếng còi xung trận” thật hoành tráng. Xin được trích lại nguyên văn bài “Hịch “ này: “CHA CHẢ... Ta đây.. kẻ sĩ, ba mươi năm rồi ẩn dật!! Bẻ bút nghiên.. (nhưng vẫn gác ở..bàn thờ..) Hữu ý..ghé qua, THAN ÔI... nơi đây giờ cỏ mọc.. Giận những thi sĩ một thời, tung hoành trên sân cỏ, mà giờ đây để cỏ mọc ..um tùm. CHAO ÔI Gốc phượng già ủ rũ Mưa cứ phảng phất bay Hồn anh linh ngày cũ Đang..chết tiệt đâu rồi?? Ứ ừ.. Có những kẻ..quá giang hồ nên..nhiều THẸO.!! Có những người xịt thuốc rầy, vấp ngã bị..rút GÂN!! Có những anh, ngòi bây giờ...bị tịt nên âm thầm thôi "NỔ", sợ vu vơ.... CẦM BÚT LÊN HỠI ANH LINH NGÀY CŨ KHẮC THÊM TÊN LÊN BIA ĐÁ TRƯỚC SÂN TRƯỜNG!!!” Tôi bắt đầu có ấn tượng với Băng Sơn từ bài này. Rồi liền sau đó là hàng loạt những bài thơ làm xúc động bao trái tim người đọc. Trong đó, đáng chú ý nhất là 3 bài: GỞI CHO MỘT NGƯỜI!, CHUYỆN NGƯỜI ĐƯA ĐÒ và CHIẾC ÁO. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi xin được trình bày cảm nhận về bài CHIẾC ÁO của Băng Sơn. Sáng sớm, bật máy lên, thấy trên trang web có bài mới với nhan đề CHIẾC ÁO, tôi click vào đó xem thử. Bài thơ có mười bốn dòng gọn gàng, xinh xắn. Tôi say sưa đọc đi đọc lại mười bốn dòng thơ ấy mà cảm giác như được ăn một món điểm tâm thật ngon miệng: Có một bà già.. vô ra lầm lũi... Tám ba tuổi rồi, chân cẳng khó đi... A!! Nắng lên rồi ...lấy áo ỔNG ra phơi. .... Có một bà già ...ngồi canh chiếc áo. À!! Sắp mưa rồi, tao lấy áo đem vô... Có một bà già...vô ra lầm lũi.. .... Má ơi má! Sao phơi hoài không giặt?! Cười!!! Giặt chi mầy, mất hơi hướm ỔNG đi! .... Có một bà già...đăm chiêu nhìn chiếc áo... Mai tao chết rồi, chôn áo ỔNG theo tao! .... Có một bà già...vô ra lầm lũi... Chắc lẫn rồi...nên làm chuyện không đâu... .... Má tui đó! “Ăn” xong “món điểm tâm” tuyệt vời này, tôi liền ghi nhận một câu dưới bài thơ: “Thơ Băng Sơn luôn có Tứ. Thật cảm phục!!!!” Nhân đây tôi xin được nói sơ qua về cái tứ trong thơ. Ngôn từ, lời, chữ, vần rất là quan trọng trong thơ. Tuy nhiên, cái quan trọng hơn, làm rường cột cho tất cả là cái tứ thơ, nó chủ đạo cả bài. Làm thơ, khó nhất là tìm tứ. Trong tứ có ý, nhưng ý chưa là tứ. Trong tứ có hình tượng, nhưng hình tượng cũng chưa là tứ. Không phải lúc nào văn nghệ sĩ cũng tìm được cái tứ khi sáng tác. Tôi rất yêu âm nhạc, cũng thích một vài bài hát của nhạc sĩ Cách mạng Xuân Hồng, nhưng không hiểu sao lại “dị ứng” với đoạn ca từ sau đây trong bài “Mùa xuân bên cử sổ” của ông: Cao cao bên cửa sổ, có hai người hôn nhau Đường phố ơi hãy yên lặng, để hai người... hôn nhau...! Chẳng lẽ cả đường phố phải dừng lại, “yên lặng” để ngắm nhìn đôi trẻ hôn nhau? Trơ trẻn quá! Nếu vậy thì đi xem đoạn phim cảnh đôi tình nhân ôm ghì lấy nhau đắm đuối thì thích hơn. Thơ, nhạc là phải “ý tại ngôn ngoại” thì nó mới hay. Điều này giải thích được tại sao nhạc Trịnh Công Sơn khó hiểu mà nhiều người lại yêu thích đến thế. Tôi cho rằng đoạn ca từ trên có ý mà không có tứ. Để diễn tả chuyện “hôn nhau”, xem ra Trăng Sao của ta còn tuyệt hơn cả Xuân Hồng: “Khe khẻ chàng ơi! Tình đang nở Vai run đón nhận bờ môi ai” Bác Xuân Hồng có sống lại mà chửi vào mặt cái thằng giáo viên quèn dạy Văn này là đồ hỗn xược thì tôi cũng cứ nói như thế. Bài thơ CHIẾC ÁO của Băng Sơn có cái tứ cả trong ý và trong hình tượng thơ. Trước hết là cái tứ trong ý thơ. Băng Sơn đã lấy cái ý từ câu ca dao: “Chim quyên ăn trái nhãn lồng Lia thia quen chậu vợ chồng quen hơi.” mà làm rường cột, làm chủ đạo cho cả bài thơ. Thật vậy, cái mà tác giả gọi là « hơi hướm » ấy luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta, nó theo ta suốt cả cuộc đời. Nhà văn Nguyên Hồng đã kể trong hồi ký “Những ngày thơ ấu” của ông rằng bao nhiêu năm trời ông vẫn không quên được cái mùi từ khuôn miệng xinh xắn nhai trầu phả ra của người mẹ thơm tho đến lạ thường. Băng Sơn đã bắt được cái tứ này mà cho ra bài “Chiếc Áo” thật là tuyệt vời. « Hữu xạ tự nhiên hương ». Mỗi người có cái « hơi hướm » riêng , không người nào giống người nào, do vậy mà không ai có thể thay thế cho nhau được. Cái áo của ông cụ đã cũ, bà cụ đem phơi đi, phơi lại cho khỏi mốc chứ nhất định không chịu giặt bởi vì sợ « mất hơi hướm ỔNG đi! ». Chỉ có những ai đã từng ôm chiếc áo người thân của mình mới ngủ được thì mới thấy được tình cảm của bà cụ đối với ông cụ sâu sắc biết nhường nào ! « Mai tao chết rồi, chôn áo ỔNG theo tao! ». Bài thơ đã thể hiện được tấm lòng gắn bó thủy chung đến hết cuộc đời của người vợ đối với chồng. Đây cũng là một trong những phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt Nam. Thứ hai là cái tứ trong hình tượng thơ. Hình tượng xuyên suốt trong bài thơ này là một bà cụ cứ « vô ra lầm lũi ». Công việc của bà chỉ chăm chút cho chiếc áo của ông nhà. Bà reo lên « A !! » khi có nắng để « lấy áo ỔNG ra phơi” ; bà giật mình« À !! » khi trời sắp mưa để « lấy áo đem vô » ; bà « Cười !! » “thẹn” khi nghe con hỏi « Sao phơi hoài không giặt? » ; bà « đăm chiêu » khi quyết định « Mai tao chết rồi, chôn áo ỔNG theo tao! ». Hình tượng bà cụ hiện lên thật sống động, khi vui, khi buồn, khi đăm chiêu, khi lo lắng. Gần cuối bài, Băng Sơn viết hai câu thơ rất đắt. Cái « thần » của bài thơ chính là ở hai câu này: « Có một bà già...vô ra lầm lũi... Chắc lẫn rồi...nên làm chuyện không đâu... » Cái « chuyện không đâu » của bà cụ lại là một chuyện mà người đời cần phải kính cẩn nghiêng mình ngưỡng mộ. Cái “chuyện không đâu » bà cụ làm lúc « Chắc lẫn rồi » ấy mà bao nhiêu người còn tỉnh táo, sáng suốt đây chưa chắc đã làm được! Ý thơ quả thật đã vượt ra ngoài lời. Cuối cùng, Băng Sơn hạ một câu gọn lỏn « Má tui đó! ». Không phải đâu Băng Sơn ơi, là má của Nguyễn Phương đó. Mà có lẽ còn là má của rất nhiều người trong chúng ta nữa. Băng Sơn đã không đi theo lối mòn của các nhà văn, nhà thơ là từ hình tượng một nhân vật cụ thể mà khái quát lên thành hình tượng chung. Anh đi ngược lại. Bắt đầu từ hình tượng một người mẹ rất chung « Có một bà già” mang phẩm cách tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam - yêu thương chồng con rất mực, rồi sau đó anh mới giới thiệu đó là một con người rất cụ thể: « Má tui đó! ». Đây quả là một sáng tạo thật đáng trân trọng của Băng Sơn. Nói đến đây mà không đề cập đến thành công về mặt nghệ thuật của bài thơ này thì quả là một sự thiếu sót lớn. Trừ dòng cuối cùng Băng Sơn giới thiệu « Má tui đó ! » thì bài thơ có năm khổ, số dòng ở mỗi khổ không đều nhau, từ ba dòng (khổ một và hai) đến hai dòng rưỡi ( ?) (khổ ba), rồi hai dòng (khổ bốn và năm), mỗi khổ đều cách mhau bằng một dấu chấm lửng diễn tả thời gian cứ trôi qua, trôi qua và bà cụ cứ cái công việc chăm chút chiếc áo mà làm. Vì bà cụ ngày càng già yếu nên việc đi ra, đi vào càng ít đi, do vậy mà số chữ, số dòng cũng ít đi. Ý và lời thật khớp với nhau. Điệp ngữ « Có một bà già » được lặp lại tới năm lần trong một bài thơ nhỏ nhắn nhằm khắc sâu ấn tượng một bà cụ về cuối đời vẫn cần mẫn, chăm chút, nâng niu, chắt chiu chút sức tàn còn lại để mà trút hết tình cảm của mình cho người thương yêu nhất. Những từ ngữ «vô ra», «chân cẳng » ; cách gọi « ỔNG », « Má ơi má! » « Má tui đó! » ; ngôn ngữ thoại « Giặt chi mầy, mất hơi hướm ỔNG đi! ». . . làm nổi bật hình ảnh một bà cụ bình dân Nam bộ thẳng thắn, chân chất chứa chan bao tình cảm mến thương. Lại nói thêm nhân vật người con trong bài thơ. Mặc dù xuất hiện rất ít nhưng nhân vật này lại mang một dấu ấn rất lớn về sự quan tâm chăm sóc cho mẹ già « Má ơi má! Sao phơi hoài không giặt?!”. Và khi hiểu ra được lý do người mẹ già không chịu giặt áo thì đứa con lại tự hào giới thiệu với bạn bè “Má tui đó!”. Đứa con thương mẹ mà qua đó thấu hiểu và thông cảm với mẹ. Tựu chung, bài thơ đã thể hiện được một tình cảm gia đình đằm thắm, thiêng liêng, cái vốn quý mà mỗi người chúng ta cần phải chắt chiu, giữ gìn để mãi mãi có được một gia đình hạnh phúc. Chúng ta lại cùng tự hào khi có thêm MỘT HIỆN TƯỢNG VĂN HỌC trên « Maitruongxua.de » nữa. Gần đây tôi rất vui và hào sảng vì MTX của ta đang nở hoa. Không phải là « Những bông hoa nhỏ » mà là « Những bông hoa lớn » như Thầy Cô Thanh-Hà, Trăng Sao, Trăng Thanh, Nguyễn Thị Lan, Thanh Thảo, Huyền Thoại, Minh Châu, Thanh Quý, Bùi Văn Hiến và những người bạn chí cốt như Hoàng Hùng, Trăng khuyết, Thị Nang, Su Hào,Tú Gân, Tư Thẹo, Duy Chiêm. . . « Những bông hoa lớn » này đã đang và sẽ tô đẹp cho Ngôi nhà của chúng ta ngày càng thêm rực rỡ và đầy hương sắc. Các bạn có nghĩ như tôi không ? Rạch Giá, ngày 26 tháng 4 năm 2012 Nguyễn Phương |
|
└(≣) CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIẾC ÁO CỦA BĂNG SƠN cách đây 12 năm, 7 tháng #913
|
Chào nhà phê bình văn học Nguyễn Phương!
Thật không hổ danh với tên gọi, Nguyễn Phương(NP) phân tích thơ văn thật tuyệt vời! nghe đến đâu thấy mát đến đó! Trăng Sao(TS) còn cần phải học hỏi nhiều nơi anh. Nguyễn Phương: một thầy giáo điềm đạm, khiêm tốn, thơ hay,văn giỏi.Anh phân tích văn thơ của người khác hay đến thế ! Quả là một Sư Phụ.Tiếc thay trong chúng em không ai đủ bản lãnh phân tích và ca ngợi văn thơ của anh. Thôi thì một góc nhỏ nói về anh, vì có liên quan đến“ nụ hôn“ của TS. Thơ tình của NP thật mượt mà, đắm đuối. NP đã“ tung“ lên ,TS hứng thôi. Không có NP, TS cũng không có“nụ hôn“cho NP đẹp như thế! Cứ để ta gọi nàng là Nữ Sĩ Bởi vì nàng là nữ sĩ của lòng ta Nguyễn Phương BĂNG SƠN: một nhà thơ lớn có cái TÂM trong Maitruongxua.de TS cũng muốn xin một góc nhỏ để nói về anh. Cách viết thơ đối đáp với bạn cùng chơi rất cẩn thận và có cái TÂM, tung ra những điều bất ngờ và thú vị, bởi thế thơ của anh có sức lôi cuốn trong từng hoàn cảnh. TS trích dẫn bài“ Bắt Đên,Ướm cưới,Thách cưới,Đoạn cuối“. Anh BSƠN biết tung và rất may TS cũng hiểu ý anh mà hứng được,cứ như thế đến phân đoạn cuối . TS rất tâm đắc bài thơ”Đoạn Cuối”: Con trẻ cúi đầu đến hai MẸ Kỉnh cẩn lòng thành ,xin xả tang!! ---------------------------------------------- Cũng có thể Đại-Tang,nên duyên tình trắc trở, Vì phân-ưu không Song-hỉ bao giờ!! Hay quá ác ,làm ngơ như không thấy, Để hai người,không thể lấy được nhau!! Cũng có thể tình yêu quá..nhiệm màu, Nên cứ để...hai người ...thương nhau mãi... Ừ đúng đó!!! Tình yêu quá nhiệm-màu.... Nên cứ để...hai người...yêu nhau mãi!!! Cứ để chàng trai miệt mài,trên bản-thượng, Vắt Tim mình yêu cô gái miền xuôi!! Nơi xa kia có cô gái...ngậm-ngùi, Nhìn chiếc thuyền câu-một mình hoá đá- ....... Cứ để con sông không xuôi về...biển cả, Quanh co đời mình với nỗi nhớ niềm thương!!! Cứ để cho tình-thi quá đổi đoạn-trường... Treo lơ-lững,không có hồi...kết thúc!!! Vậy đi em!!!! Đừng giận Anh chi,bởi nhiều khi...hạnh-phúc... Là được yêu,được nhớ...được chờ Được đau khổ,vật-vờ... Chết lặng!!! Để cảm ra được gừng cay,muối mặn... ...Đi hay về,cũng một nghĩa như nhau... ......... Giờ bức màn Nhung đã khép lại rồi!!! Ta cảm ơn em,những vần Thơ thật đẹp!!! Có tình yêu,và có lửa trong Tim!!!! Cũng có khi ai-oán,yếu mềm!!!! Nhưng như thế mới là Thơ viết thật!!!! ...... Thôi! Xin trả em về...mái trường xưa!!! Để còn..."lúng-liếng để đong đưa"!!! Để còn gởi chút hương...cho gió, Để ngóng tình Thơ...mỗi chuyến đò!!! ....... Chàng trai từ chối tình cảm của người con gái rất nhẹ nhàng tình cảm , không ai có thể giận được. Thật ra mà nói TS nghe B SƠN thách cưới, cũng muốn cho chuyện tinh đẹp mãi , vẫn kéo dài chứ không thể kết thúc bằng một “Đám Cưới”, định viết bài “từ chối”, nhưng anh B SƠN đã đi trước một bước bằng bài “Đoạn Cuối”. Trên thi đàn có chút kịch tính vì có thêm đối đáp, cũng may BS và TS rất hiểu nhau, kẻ tung người hứng kịp thời . Hai câu thơ trong bài “Đoạn Cuối” : Cứ để chàng trai miệt mài trên bản Thượng Vắt tim mình yêu cô gái miền xuôi đã là nguồn cảm hứng cho TS viết đươc bài “CHUYỆN TÌNH”,qua bài nầy Thầy cũng tâm đắc và trang điểm thêm bản nhạc bất hủ LOVE STORY, TS rất xúc động. Qua đây TS cảm ơn Thầy Cô lúc nào cũng âm thầm đứng phía sau thêm hình minh họa có ý nghĩa và hợp với bài thơ, để giúp cho bài thơ thêm có hồn. Cảm ơn” chàng thơ” BSƠN là nguồn cảm hứng để TS viết được bài CHUYỆN TÌNH ,sắp tới sẽ có CHUYỆN TÌNH 2. Cách trả lời của chàng trai cũng hết sức bất ngờ, thay vì ca tụng tiếp chuyện tình đẹp mà dang dở này, thì anh lại viết như sau: Hôm nay mẹ bệnh Anh lên rừng hái thuốc Mai mẹ đỡ rồi Anh gởi thuốc cho em Vừa đọc xong câu đó, TS ngay lập tức bị lúng túng ,chưa biết trả lời thế nào. May quá lát sau TS hiểu, thì ra anh muốn viết lời đối đáp trên cánh diều của chàng trai và cô gái, TS đã đáp lại câu của anh . Vừa viết vừa thú vị và hồi hộp, vì giống như trên một sân khấu hai người diễn không có kịch bản , một người tung , người kia hiểu và hứng : Thuốc anh đưa lần trước Em còn, chưa uống! Tâm bệnh này!!! thuốc không chữa được đâu Những dòng cuối TS muốn nói là cảm ơn Nguyễn Phương đã nói thay TS những suy nghĩ về người tri kỷ này .Có thể nói NP và BSƠN là nguồn cảm hứng sáng tác thơ tình của TS , vì TS có thể hiểu và hứng được những cái tung của hai anh. TRĂNG SAO TORONTO 27.4.12 , |
|
└(≣) CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIẾC ÁO CỦA BĂNG SƠN cách đây 12 năm, 7 tháng #915
|
Cảm ơn Trăng Sao đã nói được những điều mà anh chưa nói hết về thơ Băng Sơn. Anh cũng rất nể Trăng Sao ở phương diện bình thơ này.
RG, 27..4.2012 Nguyễn Phương |
|
└(≣) CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIẾC ÁO CỦA BĂNG SƠN cách đây 12 năm, 7 tháng #917
|
cảm nhận
chào NP và TS, mình thấy bài viết của hai bạn rất hay, NP phân tích rất sâu sắc, chính xác và rất chuyên nghiệp và, mình cũng không phủ nhận tài làm thơ của BS ,bạn ấy đến đã thổi một làn gió mới cho MTX làm cho không khí mát mẻ hẳn lên. Nhưng, có nên không, khi đưa một bài phân tích như thế này lên MTX, vì theo mình nghĩ đây chỉ là một sân chơi, mà đã là một sân chơi thì phải có người hay kẻ dỡ với lại đó là một vấn đề rất tế nhị, chính với bản thân mình, khi đọc xong bài phân tích của bạn, lại cảm thấy rất e dè, khi đọc lại những bài thơ của chính mình và mình tin chắc cũng rất nhiều bạn có cảm nghĩ giống mình!Với lại, theo mình nghĩ ở đây không cần sự chuyên nghiệp, quan trọng nhất là tấm lòng và sự hài hòa giữa bạn bè với nhau, vì nó đã mang tính cộng đồng rồi...còn về bài hát của nhạc sỹ XH hẹn vài hôm nữa khi gặp nhau mình sẽ"tranh luận" tiếp ,vì mình lại có cảm nhận khác với NP về bài hát này.Chào thân ái |
|
└(≣) CẢM NHẬN VỀ BÀI THƠ CHIẾC ÁO CỦA BĂNG SƠN cách đây 12 năm, 7 tháng #919
|
Tiếc quá, mình không có được cái Nhìn sâu sắc trong thơ văn của bạn bè như bạn NP, bạn TS ... Phải công nhận là MTX ta có nhiều Nhà thơ, Nhà văn xuất chúng. Chỉ tội mình chỉ mới Cảm nhận được một phần là bài đó thật hay, thật dễ thương, thật tình cảm ... Ước gì Mình có được Khả năng nhận định, phân tích siêu phàm như bạn NP thì thích quá.
HH |
|
└(≣) CẢM NHẬN ...ĐỒNG CẢM cách đây 12 năm, 7 tháng #922
|
Chào chị Trăng khuyết !
Hiến cũng nghĩ như Chị . Rất cảm động vì có người đồng cảm ! Thế nên : Đọc tin nhắn ngoài kia có người kêu " mất lửa " Còn ai - còn ai nữa ! Hay cả Mái trường xưa ?! Cảm ơn chị Trăng khuyết Thay mọi người , bày tỏ Thử nghĩ : nếu cả nhà "mất lửa " - thật đáng lo ! Nhưng Chị ơi ! Dù gió có thổi to tôi cho mượn Zippo Quẹt này không sợ gió Yên tâm nhé ! đừng lo ! ... Cháy lên đi lửa thơ Đừng chập chờn trước gió Thơ dù hay hoặc dở Vẫn vỗ tay thật to. Chào ! BVH , Saigon 27/04/2012 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.10 giây