Chào Khách quý
|
Hỏi, Giải đáp và Kiến thức về Y học, sức khoẻ...
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
KINH NGHIỆM TIỂU ĐƯỜNG cách đây 12 năm, 9 tháng #34
|
NGUYỄN PHƯƠNG
Là người đề nghị Hoàng Văn Hùng mở thêm chuyên mục “Sức khỏe và đời sống” trên trang Web “maitruongxuath” mà không viết bài nào để chia sẻ thì thật hổ thẹn. Nghĩ vậy, tôi xin trình bày một kinh nghiệm thực tế rút ra từ bản thân để giúp cho những ai mắc chứng tiểu đường sống lạc quan hơn. Tôi bị mắc chứng bệnh này cách đây đã 12 năm. Tôi còn nhớ năm đó có sự cố “Y 2K” cũng là năm tôi có “sự cố tiểu đường”. Lúc bấy giờ tôi chẳng hiểu tí gì về căn bệnh này cả. Tự nhiên thấy sụt cân quá nhanh. Trong vòng có 2 tháng mà tôi sụt đến 9 kg. Tôi lập tức vào bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang xin khám tổng quát (Lúc bấy giờ Hoàng Văn Hùng còn làm việc ở đó). Buổi sáng xét nghiệm tổng quát, ngay chiều hôm đó tôi lấy kết quả đưa cho bác sĩ xem. Hồi đó tôi chưa hiểu ý nghĩa của những thông số trong phiếu xét nghiệm. Bác sĩ xem kết quả xét nghiệm rồi ghi vào sổ khám bệnh của tôi là “Đề nghị cho bệnh nhân nằm viện”. Tôi thấy trong người chỉ hơi mệt mỏi tí thôi, nằm viện thì phiền phức quá, bà xã phải đi nuôi, con trai lúc bấy giờ mới hơn 10 tuổi. Tôi đề nghị bác sĩ cho thuốc uống, khỏi nằm viện, nhưng bác sĩ khuyên tôi là cần phải nằm viện ngay để theo dõi vì đường huyết của tôi quá cao (378mg% trong khi người bình thường tối đa chỉ có 110mg%) nếu không khống chế được có thể bị ngất ngay trong lúc làm việc. Tôi hơi choáng khi nghe bác sĩ nói như vậy, liền về nhà báo với bà xã thu xếp vào nằm viện ngay. Những ngày mới vào viện, bạn bè đồng nghiệp đi thăm rất đông. Nghe họ nói về bệnh tiểu đường, tôi thấy khủng khiếp quá, lại thêm bác sĩ phán một câu: “Còn trẻ quá mà mắc bệnh này rồi!”, tôi thấy cuộc đời như sắp tắt… Trong 10 ngày nằm bệnh viện, tôi nghiên cứu rất nhiều tài liệu liên quan đến bệnh tiểu đường. Trong số những tài liệu đó, tôi tâm đắc nhất một quyển sách dịch của một tác giả nước ngoài (tôi quên mất tên tác giả đó rồi, bởi vì sau đó một vài năm tôi đã tặng cho một người bạn cũng bị bệnh tiểu đường). Lời mở đầu của quyển sách ghi một câu mà tôi nhớ mãi “Nếu bạn đã mắc chứng tiểu đường thì bạn phải nên hiểu rằng căn bệnh này không bao giờ chữa khỏi”. Quyển sách ghi một câu “xanh dờn” như vậy mà khi đọc xong hơn 100 trang giấy tôi lại thấy lạc quan hơn. Các bạn biết không, nhờ quyển sách đó mà đến giờ sức khỏe tôi vẫn tốt, vẫn lai rai với bạn bè được, thậm chí cả chuyện sinh hoạt vợ chồng cũng bình thường. Có điều lạ là những người bị bệnh tiểu đường hay chỉ cho nhau những phương thuốc hết sức độc chiêu mà tôi nghe được mỗi lần đi tái khám lại chính là những người bị biến chứng của tiểu đường và đã lần lượt ra đi. Bệnh tiểu đường không chữa hết được, vì vậy bạn không nên tin vào những phương thuốc “rỉ tai” nhau. Mục đích của điều trị là kiểm soát, khống chế đường huyết ở mức độ bình thường. Cho nên chỉ có khái niệm khống chế đường huyết thành công chứ không có khái niệm trị khỏi bệnh tiểu đường. Hiểu được như vậy thì ta mới có hướng điều trị tốt. Trước khi chia sẻ kinh nghiệm sống chung với tiểu đường suốt 12 năm (và có lẽ còn nhiều năm hơn nữa), tôi xin trình bày nguyên nhân của bệnh tiểu đường, vì đây là yếu tố cốt lõi để ta có hướng điều trị tốt. Bình thường, trong quá trình tiêu hóa, các loại thức ăn có nguồn gốc từ glucid vào dạ dày, ruột được biến đổi thành một loại đường đơn giản gọi là glucose và được hấp thu vào máu. Khi glucose hiện diện trong máu, lượng đường huyết gia tăng; insulin, một chất nội tiết từ tuyến tụy sẽ giúp glucose từ máu thâm nhập vào tế bào, điều này làm cho lượng đường huyết hạ xuống và glucose vào tế bào sẽ tạo năng lượng cho tế bào hoạt động. Các tế bào là những cỗ máy của cơ thể, tế bào hoạt động giúp cơ thể tồn tại. Tế bào sử dụng glucose làm nhiên liệu, nhiêm vụ của insulin là giúp cho tế bào luôn luôn được cung cấp nhiên liệu bất kể ngày hay đêm và lượng đường huyết ổn định trong giới hạn cho phép (từ 70 – 110mg%). Ở người bình thường, với hệ thống điều hoà như vậy giúp kiểm soát được mức đường trong máu. Ở bệnh nhân tiểu đường do một trong hai trường hợp sau đây xảy ra: cơ thể ngưng không sản xuất insulin (týp1, thường gặp ở người trẻ), insulin hoạt động không hiệu quả (týp2, thường gặp ở người trên 40 tuổi). Khi insulin không thực hiện được vai trò của mình thì glucose không vào tế bào được sẽ bị tích tụ trong máu làm cho lượng đường huyết luôn luôn cao và các tế bào bị thiếu nhiên liệu nên hoạt động chậm chạp, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi, suy nhược. Nếu lượng đường huyết cao quá giới hạn thì đường bị thải ra nước tiểu, gọi là tiểu đường. Đói là một triệu chứng báo động, nhưng ăn nhiều cũng không giúp được gì vì glucose không thể thâm nhập vào tế bào mà không có insulin. Thay vào đó glucose sẽ tích tụ trong máu và gây những hậu quả do tăng lượng đường huyết như cao huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh về thận, về mắt, hoại tử đầu chi, nhiễm trùng. . . Như vậy, các bạn cứ hình dung nếu như ở người bình là chiếc đồng hồ tự động tuyệt vời thì ở người bị bệnh tiểu đường là chiếc đồng hồ lên giây thiều (tôi so sánh như vậy có hơi khập khiễng nhưng các bạn sẽ dễ hình dung hơn). Ở chiếc đồng hồ này, nếu ta chịu khó lên giây thiều thường xuyên thì nó vẫn chạy bình thường, còn nếu như ta quên không lên giây thiều thì nó sẽ chết máy. Vậy “lên giây thiều” bằng cách nào ? Tôi xin các bạn bị bệnh tiểu đường nghiêm túc thực hiện 3 việc sau đây: 1) Chế độ ăn thích hợp: Chế độ ăn là yếu tố rất quan trọng để kiểm soát đường huyết. Thường thì các bác sĩ ở bệnh viện hay cho một công thức chung về chế độ ăn uống. Tôi thì khuyên các bạn tùy theo thể trạng mà ta thực hiện chế độ ăn cho phù hợp (Ở người nặng 60 kg mà ăn mỗi bữa chỉ có một chén cơm thì làm sao chịu nổi!). Các bạn nên chọn các loại thức ăn sau đây, còn số lượng tùy thuộc vào trọng lượng cơ thể, hoạt động hàng ngày và giới tính. * Những loại làm tăng đường huyết một cách từ từ nên ăn với lượng vừa phải: Thịt không mỡ hay ít mỡ,cá, thịt gà không da; các loại thực phẩm ít chất béo; trái cây; ngũ cốc (cơm, khoai, bắp, đậu, bánh mì). * Các loại có chất xơ đóng vai trò quan trong trong chế độ ăn của người bệnh tiểu đường, giúp cho thức ăn trải đều khắp chiều dài ruột non. Điều này sẽ giúp ngăn cản đường huyết tăng ồ ạt quá nhanh và giúp làm cho đường huyết được duy trì ở mức độ thấp trong cả ngày. Các chất xơ cũng giúp ngăn cản sự tạo thành những chất mỡ trong máu, gồm: các loại rau, gạo đỏ, các loại củ, ngũ cốc, các loại hạt, trái cây(nhất là phần vỏ), bánh mì lạt, bánh quy lạt. Nên hạn chế chất béo. Những loại thực phẩm cần tránh: đường, mía, mật, chocolat, mứt. . .các loại bánh có đường. Các thức uống: * Những thức uống ít giá trị dinh dưỡng được dùng tự do là: nước soda, cà phê, trà, nước chanh (không có đường), nước suối. . . * Các loại nước trái cây, có chứa đường thiên nhiên chỉ dùng với lượng vừa phải. * Các loại rượu (hay bia): Tùy theo sức khỏe và việc kiểm soát đường huyết có tốt hay không mà quyết định dùng nhiều hay ít. (Nếu bạn nào chưa từng dùng rượu bao giờ thì tốt nhất là không nên uống vì rượu làm tiêu hao Calo nhưng không có tác dụng dinh dưỡng). Lưu ý: Nếu vì lý do gì mà phải ăn uống không tuân thủ chế độ trên thì phải tăng lượng thuốc uống cho phù hợp. Các bạn nên mua quyển “Ẩm thực trị bệnh tiểu đường” của dược sĩ Phan Văn Chiêu để tham khảo thêm. Trong quyển sách này có hướng dẫn làm những món ăn vừa ngon lại vừa có tác dụng hạ đường huyết. 2) Sử dụng thuốc: Đây là một việc mà người bị bệnh tiểu đường phải chấp nhận suốt đời. Đừng bao giờ nghĩ rằng uống thuốc sẽ hết bệnh tiểu đường. Tất cả các loại thuốc dù có hay cách mấy thì cũng chỉ có tác dụng kiểm soát đường huyết ở mức độ an toàn mà thôi. Nếu ta ngưng uống, đường huyết sẽ tăng ngay, lâu ngày biến chứng xuất hiện thì khó mà biết được chuyện gì sẽ xảy ra. Vì vậy, ta nên uống thuốc đều đặn, đúng giờ, theo đúng hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, không phải cái gì ta cũng nhất nhất tuân theo bác sĩ mà quan trọng nhất là ta phải biết lắng nghe cơ thể của mình. Nếu ta hiểu được cơ thể của mình muốn gì, ta sẽ sống lâu. Ví dụ bác sĩ cho ta uống thuốc mỗi ngày 2 viên nhưng hôm nào ta ăn kiêng tốt lại dùng thức ăn có tác dụng hạ đường huyết thì ta giảm liều lượng thuốc lại. Ngoài ra, các bạn cũng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng vì mỗi loại thuốc lại có tác dụng phát huy hiệu quả khác nhau. Có loại uống trước khi ăn, có loại uống trong khi ăn, có loại uống sau khi ăn. Lại có người uống thuốc không có hiệu quả gì, phải chích insulin thì đường huyết mới chịu hạ! Các bạn cũng cần phải kiểm tra định kỳ đường huyết ít nhất 1 lần/tháng. Vấn đề này các bạn cũng cần phải linh hoạt. Ví dụ bác sĩ luôn dặn ta phải nhịn đói trước khi lấy mẫu máu mà nhiều tháng liền ta vẫn giữ đường huyết ở mức độ tốt (< 120mg%) thì ta có thể ăn thật no trước khi thử máu (nhưng nhớ là phải giấu bác sĩ đó nghe, vì nếu bác sĩ biết thì ta sẽ bị “rầy”, có khi không cho thử máu nữa). Làm như vậy để làm gì? Xin thưa, làm như vậy để lắng nghe cơ thể của ta có phản ứng gì không khi ta không tuân thủ nguyên tắc. Nếu khi ăn no mà đường huyết chỉ có <140mg% thì kết quả điều trị của ta quá lý tưởng. Lúc đó cơ thể của chúng ta sẽ nói:OK, và ta có thể lai rai với bạn bè yên tâm. Còn nếu như nó vượt lên >235mg% thì ta phải biết rằng cơ thể của chúng ta muốn cảnh báo: SOS, và ta sẽ thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt, đồng thời tăng lượng thuốc uống để kéo cho đường huyết trở lại mức an toàn. 3) Luyện tập thể dục: Người bị bệnh tiểu đường cần lựa chọn loại hình luyện tập thích hợp nhằm giúp cơ thể hoạt động đều đặn và ổn định lượng đường trong máu, tiêu bớt lượng mỡ thừa. Luyện tập làm cho glucose vào trong tế bào chuyển thành glycogen mà không cần insulin. Chú ý không được quá sức. Những người ở lứa tuổi như gia đình maitruongxuath của chúng ta thì chỉ cần đi bộ mỗi ngày ít nhất một giờ là đủ. Tôi có thói quen đi bộ vào buổi sáng từ 5h à 6h. Tất cả những gì được trình bày ở trên là kinh nghiệm thực tế của bản thân. Tôi muốn chia sẻ để những ai bị bệnh tiểu đường có hiểu biết đúng, có hướng điều trị đúng và sống lạc quan hơn. Mặc dù chúng ta là những “chiếc đồng hồ lên giây thiều” nhưng nếu chúng ta chịu khó lên giây thường xuyên thì nó vẫn chạy tốt không kém bất cứ “chiếc đồng hồ tự động” nào. Các bạn hãy tin như vậy. Trước thềm năm mới, em xin chúc thầy Thanh – cô Hà, chúc tất cả các thầy cô đã từng dạy ở Trường Cấp III Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang cuối những năm 70 đầu năm 80 của thế kỷ trước thật dồi dào sức khỏe, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc. Chúc Tổng biên tập Hoàng Hùng, chúc nhà thơ Tư Thẹo, nhà báo Thị Nang. . . chúc toàn thể gia đình “maitruongxuath” của chúng ta sức khỏe, vui vẻ, trẻ trung và thành công trong cuộc sống. Nguyễn Phương |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.08 giây