Chào Khách quý
|
Những bài học về cuộc sống để làm giàu thêm giá trị tinh thần của mỗi người.
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
Hy sinh của cha mẹ cách đây 7 năm, 7 tháng #20035
|
4 câu chuyện rung động tâm can về sự hy sinh của cha mẹ Khi nhắc tới tình mẫu tử, phụ tử, hẳn nhiều người chúng ta sẽ xúc động, bồi hồi và nhớ về cha mẹ của mình. Quả thực trong cuộc đời, dù chúng ta đi tới đâu, ở trong hoàn cảnh nào, ở đỉnh cao của vinh quang hay vực sâu tuyệt vọng, ta đều có cha mẹ ở bên, động viên, chở che và làm điểm tựa vững chắc. Cha mẹ sẽ mãi mãi là một phần không thể thiếu trong hành trình đi tìm hạnh phúc trọn vẹn của chúng ta. Chúng ta hãy một lần mở rộng trái tim và tấm lòng mình, đọc và cảm nhận công cha nghĩa mẹ trong 4 câu chuyện sâu sắc dưới đây nhé! 1. Câu chuyện cha lấy thân làm “bao cát” để kiếm tiền cứu con Vào tháng 11 năm 2014, rất nhiều người đã tập trung quanh một người đàn ông ở khu vực tàu điện ngầm ở Bắc Kinh. Mọi người, dù là người đang vội vã hay người đang thong dong, đều từ tò mò rồi chuyển sang xúc động rơi nước mắt khi biết câu chuyện của anh. Người đàn ông đứng giữa đám đông mặc trên mình một chiếc áo trắng với những dòng chữ “Bao cát thịt người, 1 cú đấm giá 10 tệ” viết cả ở trước ngực và sau lưng. Bên cạnh anh là một thùng giấy có dán những giấy chứng nhận của bệnh viện về bệnh tình của con trai. Qua lời chia sẻ của người đàn ông, mọi người biết được anh tên là Hạ Quân và anh làm việc này để cứu con trai anh đang mắc bệnh máu trắng hiểm nghèo. Chi phí chữa trị cho con trai anh lên tới 700.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 2,5 tỉ đồng) và đây quả thực là một con số khổng lồ đối với gia cảnh khó khăn của anh. Người đàn ông với đôi má hóp lại và đôi mắt nhiều quầng thâm sau biết bao dằn vặt vì không biết làm thế nào để cứu con, cuối cùng đã quyết định lấy thân làm bao cát để mong có được sự giúp đỡ của mọi người. Anh nói: “Tôi đã bán hết tất cả mọi thứ mình có, và đi vay mượn thêm 400.000 nhân dân tệ (hơn 1 tỉ đồng), nhưng số tiền đó vẫn là quá ít ỏi so với viện phí. Biết bao đêm trái tim tôi day dứt khi nhìn con trai bé bỏng không ngủ được vì đau và khi thấy con ngày một yếu dần, héo mòn đi. Thời gian của con không còn nhiều, nhưng tiền thì vẫn không thể kiếm được. Cuối cùng tôi đã nghĩ ra cách này. Tôi có thể chịu việc bị đánh, bị đấm mỗi ngày, thậm chí có thể chịu đựng những cái nhìn thương hại hoặc nhạo báng hay khinh thường của người khác, chỉ cần kiếm được tiền để chữa bệnh cho con, chỉ cần con có thể sống”. Lúc trước, anh thường bị bảo vệ đuổi đi, có lúc còn bị đánh đập, nhưng trong hoàn cảnh nào anh cũng không từ bỏ. Anh luôn nghĩ rằng chỉ cần anh cố gắng thêm chút nữa, kiên trì thêm chút nữa, mỗi nỗ lực nhỏ của anh sẽ mang lại sự sống và cuộc đời cho con trai anh. Và ông Trời có mắt cũng phải động lòng thương cảm, rất nhiều người chứng kiến cảnh tượng đáng thương này đều đã tới giúp đỡ cha con anh Hạ Quân. Họ thấy cảm động và khâm phục người cha không tiếc thân mình để giữ lại cho con sự sống. 2. Người mẹ lấy thân mình làm lá chắn để cứu con trong trận động đất Trận động đất xảy ra vào năm 2008 ở Tứ Xuyên là một thảm họa kinh hoàng cướp đi tính mạng của biết bao nhiêu người. Trong cái khắc nghiệt và tang thương của trận động đấy ấy đã xuất hiện rất nhiều câu chuyện cảm động về tình người vào những giờ phút cận kề cái chết. Xúc động nhất có lẽ là câu chuyện về một người mẹ dùng thân mình làm lá chắn cho con, mà một thời gian rất lâu sau đó, người ta vẫn không khỏi xót xa, nghẹn ngào. Sau khi trận động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu công tác tìm kiếm cứu nạn. Trong đống đổ nát, họ thấy thi thể một người phụ nữ trẻ, nhưng cô đang ở trong tư thế rất kỳ lạ. Cô dường như đang quỳ xuống, cơ thể nghiêng về phía trước và hai tay cô vòng sang hai bên để đỡ một vật gì đó ở trong lòng. Ngôi nhà đã đổ sập lên lưng và đầu cô, và đội trưởng đội cứu hộ phải cố gắng luồn tay qua khe hẹp trên bức tường để với tới thân thể cô. Anh hy vọng người phụ nữ vẫn còn sống, thế nhưng, cơ thể cô đã lạnh ngắt và cứng đờ. Họ đau lòng nhìn nhau rồi rời đi, tiếp tục tìm kiếm ở những ngôi nhà đổ sập bên cạnh. Mặc dù họ đã quá quen với những hình ảnh như thế, nhưng trong lòng đội trưởng có một cảm giác rất lạ, có điều gì đó đã níu giữ anh lại, anh biết rằng anh đã bỏ qua chi tiết nào đó. Anh quỳ xuống, luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm khoảng không nhỏ bên dưới thi thể người phụ nữ. Rồi trong sự bất ngờ và sung sướng, anh hét lên: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”. Cả đội ngay lập tức cùng nhau giải cứu em, họ cẩn thận dỡ bỏ những chiếc cọc để vào được bên trong. Khi tận mắt chứng kiến hình ảnh của người mẹ, họ đã không thể cầm được nước mắt. Cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Cô ấy đã khom mình trong tư thế ấy để chắn đỡ cho con lúc ngôi nhà sập xuống. Cậu bé vẫn ngủ một cách bình yên khi đội cứu hộ nhấc em lên. Khi họ mở tấm chắn ra, họ tìm thấy một chiếc điện thoại di động, và trên màn hình có một tin nhắn. Đội trưởng đã bật khóc khi đọc tin nhắn ấy cho mọi người nghe: “Nếu con còn sống, hãy nhớ rằng, mẹ rất yêu con”. Trong hoàn cảnh vô cùng nguy nan ấy, khi biết mình không có cơ hội sống sót, người mẹ đã cố gắng tìm mọi cách để bảo vệ con. Giống như gà mẹ vươn đôi cánh ra để ôm lũ gà con vào lòng khi diều hâu xuất hiện, người phụ nữ ấy đã dùng chính thân thể của mình để tránh cho con sự đau đớn, và để giữ lại mạng sống cho con. Cô không muốn con trai bé nhỏ của cô chỉ vừa mới chào đời được 3 tháng đã phải rời xa thế giới. Tình thương con đã tiếp thêm cho cô sức mạnh, tuy cô không thể chắc chắn con trai cô có thể sống hay không, nhưng tất cả những gì cô suy nghĩ lúc đó là chỉ cần cô đang sống, cô sẽ tiếp tục bảo vệ con của mình. Quả thực, nếu có ai đó sẵn sàng hi sinh cả tính mạng cho chúng ta, thì đó chính là cha mẹ. 3. Đóng giả làm đàn ông suốt 45 năm để dễ kiếm việc làm nuôi con khôn lớn Mất chồng khi mới 25 tuổi, bà Sisa Abu Daooh ở thành phố Luxor, Ai Cập đã phải một mình trải qua những tháng ngày vất vả khi mang thai và sinh đứa con đầu lòng, cũng là đứa con gái duy nhất của vợ chồng họ. Nỗi cơ cực và cả sự cô đơn của một người phụ nữ mất chồng qua tháng năm đã in sâu vào những nếp nhăn và gương mặt không có được một nét thanh thản của bà. Trong bao nhiêu năm, để có tiền nuôi con và cho con học hành tới nơi tới chốn, bà Sisa đã không ngại làm bất cứ công việc gì, nhưng cơ hội không có nhiều cho một người phụ nữ đi xin việc làm ở Luxor. Vì thế bà đã quyết định cạo đầu, ăn mặc như nam giới để dễ kiếm việc. Bỏ qua những lời trách mắng của gia đình, sự dị nghị và dè bỉu của những người xung quanh, bà đi làm thợ xây để kiếm tiền. Những ánh mắt coi thường, những lời nói khó nghe chẳng làm bà động tâm, bởi vì bà Sisa hiểu, lòng tự cao tự đại và sỹ diện cá nhân không thể giúp con bà đủ no, cũng không thể cho con gái của bà có cơ hội đến trường. Sau một thời gian làm thợ xây, do sức khỏe không còn được như trước và tuổi đã cao nên bà quay sang làm công việc đánh giày. Bà chưa nghỉ ngơi ngày nào, xoay sở đủ mọi cách để hai mẹ con có thể sống và con gái được đi học. Bà Sisa nói: “Tôi không biết đọc, không biết viết vì không được đi học nên làm những công việc này là cách duy nhất để tôi có thể kiếm được tiền nuôi con”. Nhưng dường như số phận người phụ nữ ấy thật quá nghiệt ngã, dường như bà sinh ra đã gắn với hai từ “làm việc”. Khi cô con gái trưởng thành rồi kết hôn, những tưởng cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn, bà đã đến lúc được nghỉ ngơi thì không may, người con rể lại bị bệnh nặng và không thể lao động. Bà lại phải tiếp tục hành trình “giả nam” của mình để làm việc, nuôi con nuôi cháu. Bà Sisa đã dành cả cuộc đời để làm việc, vắt kiệt sức lực của mình để nuôi con. Đáng thương hơn, bà phải sống trong thân phận của một người đàn ông. Một người phụ nữ không được sống với thân phận của mình, một người phụ nữ luôn trong bộ quần áo thùng thình làm những công việc nặng nhọc, chỉ dành cho nam giới, một người phụ nữ không một giây phút thảnh thơi để sống cho những cảm xúc và tâm tình riêng của mình, bà Sisa đã phải hi sinh nhiều đến thế nào. Những từ đơn giản bà thường nói là “làm việc, kiếm tiền để nuôi con”. Chính tình yêu thương con vô bờ bến và trách nhiệm của một người mẹ với cuộc đời và tương lai của con đã cho bà sức mạnh, cho bà sự kiên trì và lòng quyết tâm để vượt qua mọi định kiến trong xã hội, để làm những việc bình thường với một trái tim vĩ đại phi thường. Sau khi biết được câu chuyện này, chính quyền thành phố Luxor đã quyết định trao tặng bằng khen cho sự hy sinh cao cả của bà Abu Daooh. Tuần trước, bà Abu Daooh còn vinh dự được gặp Tổng thống Ai Cập, ông Abdel Fattah al-Sisi để nhận bằng khen. 4. Người mẹ làm đôi chân cõng con đi học mỗi ngày Sinh con với bao dự định, ấp ủ, dù phải nuôi con một mình và kinh tế gia đình rất khó khăn, tuy nhiên chị Trương luôn nỗ lực dành cho con những gì tốt đẹp nhất có thể. Nhưng bất hạnh đã đè nặng lên cuộc đời hai mẹ con chị khi cậu con trai của chị vừa ra đời đã được chẩn đoán mắc bệnh loạn dưỡng cơ, nên dù đã 13 tuổi nhưng em vẫn không thể đi lại như 1 người bình thường. Chị Trương đã bỏ ra rất nhiều tiền bạc, của cải trong nhà gần như đã bán hết để chữa trị cho con nhưng không thành công. Mỗi lần nhìn con, chị đều không kìm được nước mắt. Thằng bé khao khát được chạy nhảy như những người khác, đi khắp nơi để khám phá cái miền quê rộng lớn và mà còn nguyên sơ của em. Thằng bé cũng muốn cùng các bạn trèo lên những ngọn đồi rồi thi thoảng cùng nhau đào những củ khoai, củ sắn. Và hơn hết thảy, thằng bé tha thiết được tới trường, được học tập. Thương con và thương cho cuộc đời bất hạnh, đau khổ của con, chị Trương đã quyết định cõng con đến trường mỗi ngày dù đoạn đường rất nhiều đèo, núi, xa xôi và hiểm trở. Chị nói: “Tôi không biết sẽ cõng con được bao lâu, cũng không biết nó sẽ ở với tôi tới khi nào… nhưng chỉ cần cháu thích đến trường, tôi sẵn sàng dành cả đời để cõng cháu đi”. Đoạn đường dường như dài bất tận đối với đôi chân gầy guộc của chị, nhưng chị Trương chưa một ngày bỏ lỡ việc học của con. Chị đã thuộc từng con suối, ngọn đèo nơi đây, mùa đông chị ủ ấm cho con thật kĩ, mùa hè nóng nực, chị thi thoảng dừng lại bên những mỏm đá để lau mồ hôi hay quạt mát cho con. Người mẹ ấy không quan tâm tới gương mặt mình đã ngày càng khắc khổ, đôi chân phồng rộp và đôi khi lại bị đau khớp. Chị chỉ biết rằng chị chính là con đường tới trường của con, là con đường đi tới tương lai và hạnh phúc của con. Bất kể việc gì có thể vì con, chị sẵn sàng đánh đổi tất cả. Người ta vẫn cho rằng cha mẹ và con cái đến với nhau trong cuộc đời này chính là nhờ duyên phận. Sợi dây duyên phận ấy đã gắn kết họ với nhau để dù trong hoàn cảnh nào, gian khổ ra sao, họ vẫn không thể bỏ rơi, không thể xa rời nhau. Người mẹ trong trận động đất sẽ mãi mãi không thể ở bên con trai của cô nữa, nhưng sự kết nối giữa hai mẹ con họ không bao giờ mất đi. Dòng tin nhắn cuối cùng cô để lại đã nói lên tất cả tình yêu thương mà cô dành cho con mình, và đó cũng là lời của tất cả những người mẹ trên thế gian này. Chắc chắn khi người con lớn lên, em sẽ hiểu rằng sự sống của em, cuộc đời của em đáng trân trọng, đáng quý đến nhường nào vì nó được đánh đổi bằng cả mạng sống của người thân sinh ra em. Cuộc đời này dù lắm đau thương, bất hạnh nhưng tình mẫu tử, phụ tử vẫn mãi là ngọn nến lung linh, ấm áp thắp sáng bóng đêm, xua tan giá lạnh. Cha mẹ mãi mãi là những người làm vườn tận tụy và cần mẫn, năm này tháng khác, bằng sự hi sinh vô tận, kiên trì gieo lên mảnh đất tâm hồn ta những hạt mầm của tình thương sâu thẳm và rộng lớn. Bởi vậy, chúng ta hãy trân trọng cha mẹ, đối với cha mẹ không chỉ bằng lòng biết ơn công sinh thành dưỡng dục mà còn cả bằng lòng bao dung, từ bi, nhân ái mà con người dành cho nhau. Cha mẹ luôn xứng đáng được nhận những trái ngọt lành sau những vụ mùa cần mẫn gieo trồng, vất vả vun đắp. Nđc 14/04/2017 |
|
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.09 giây