Chào Khách quý
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) CỔ HỌC TINH HOA cách đây 1 năm, 8 tháng #23174
|
CÂU NÓI CỦA NGƯỜI ĐÁNH CÁ
Vua Văn Công(1) nước Tấn(2) đi săn ham đuổi một con thú mải theo quá chân, thành lạc vào trong cái chầm(3) lớn không biết lối ra. Vua gặp một người đánh cá, bèn bảo rằng: - Ta là vua đây. Ta lạc đường, nhà ngươi chỉ lối cho ta, rồi ta hậu thưởng. Người đánh cá nói: “Bầy tôi muốn dâng nhà vua một câu”. Vua bảo: “Cứ đưa ra khỏi chầm đã, rồi muốn nói gì hãy nói”. Khi người đánh cá đưa vua ra khỏi chầm, vua phán rằng: - Nào câu gì nhà ngươi muốn nói với quả nhân(3) lúc nãy thì nói nghe đi. Người đánh cá thưa: “Chim hồng(5), chim hộc(6) ở bờ sông, bờ bể, chắn sông bể mà vào đầm thời tất mắc phải dò bẫy. Thuồng luồng, ba ba ở đáy vực sâu, chán vực sâu mà ra chỗ bãi nóng, thời tất bị phải chài lưới. Nay nhà vua đi săn, sao quá chân vào đến tận đây như thế?”. Vua Văn Công bảo: “Ngươi nói phải lắm”. Đoạn, ngoảnh lại truyền quan hầu ghi tên người đánh cá để sau ban thưởng. Người đánh cá nói: - Nhà vua bảo ghi tên bầy tôi làm gì. Xin nhà vua cứ tôn kính thiên địa, xã tắc(7), phòng giữ biên thuỳ, thương yêu muôn dân, đánh nhẹ thuế má, tự khắc là bầy tôi được dự hưởng ơn huệ của nhà vua rồi. Nếu nhà vua chẳng tôn kính thiên địa, xã tắc chẳng phòng giữ biên thuỳ, chẳng chăm công việc, bên ngoài không khéo xử với các nước, bên trong mất cả lòng muôn dân, để đến nước mất dân khổ, thì dù bầy tôi có được hậu thưởng, cũng không thể giữ mà hưởng một mình được. Người đánh cá cố từ, xong rồi lại nói: - Xin vua mau mau về nước, tôi đây cũng về chỗ kiếm cá của tôi. Lời bàn: Người đánh cá đây là người hiền có ý khuyên vua Văn Công hai điều là: không nên say mê chơi bời săn bắn quá độ mà có khi hại đến tính mình; hết đạo làm vua cho dân được nhờ và nước khỏi mất. Còn người đánh cá từ chối không nhận thưởng nói cái nhẽ như thế cũng là lo xa nghĩ sâu và phải lắm vậy. Quả thế, khi tổ chim đã đổ thì không còn có cái trứng nào lành; nước đã bị phá tan hay xâm chiếm thì nhà toàn vẹn sao được để mình còn hòng riêng hưởng cuộc yên vui; đời được thái bình thì quí bằng bao nhiêu ân thưởng, tâm không phiền luỵ thì sung sướng bằng bao nhiêu công danh. (1) Văn Công: Vua giỏi nước Tấn về đời Xuân Thu (2) Tấn: Nước to đời Xuân Thu ở tỉnh Sơn Tây ngày nay. (3) chầm: một làn nước rộng xung quanh có nhiều cây cỏ (4) quả nhân: người ít đức, tiếng vua dùng để tự xưng mình một cách khiêm tốn (5) hồng: loài chim ở bờ song, bãi bể, lưng xám, cánh đen, bụi trắng, tính hùng dũng và nhanh nhẹn (6) hộc: loài ngỗng trời, toàn thể sắc vàng, bay cao, tiếng kêu to (7) xã tắc: xã: nền đất để tế Hậu Thổ (thần Đất), tắc: nơi tế thần Lúa. Xã tắc dùng có nghĩa như quốc gia. TC 21.3.23 |
|
└(≣) CỔ HỌC TINH HOA cách đây 1 năm, 6 tháng #23200
|
LÁ DÓ
Bài này nói sự khôn khéo chỉ làm trò chơi được một lúc, không đáng chuộng bằng sự thực dụng làm lợi cho mọi người được lâu dài. Nước Tống có người lấy ngọc, tỉa làm một cái lá dó ba năm mới xong. Cái lá làm rất khéo, sống, cuống, cạnh sắc, lông tơ, màu mỡ giống như hệt, đem trộn với những lá dó thật, không ai phân biệt được nữa. Người ấy đem cái lá dâng vua Tống. Vua khen là khéo, cấp lương bổng cho. Tử Liệt nghe thấy chuyện nói rằng: - Giá như những cây cối trong khoảng trời đất ba năm mới mọc được một cái lá, thời dễ không có mấy cây có lá nữa! Liệt Tử Lời bàn: Bài này nói sự khôn khéo chỉ làm trò chơi được một lúc, không đáng chuộng bằng sự thực dụng làm lợi cho mọi người được lâu dài. Song tay người làm ra mà giống được như tạo hoá thì thật là khôn khéo. Mỹ thuật xưa nay thường lấy sự bắt chước hệt được như hoá công làm mục đích. Liệt Tử vốn là một nhà Lão học, thì lại cho cái cảnh tự nhiên là đẹp hơn cả, chỉ một cái cảnh ấy cũng làm cho con người được hưởng thụ vui sướng. TC 29.4.23 |
|
└(≣) CỔ HỌC TINH HOA cách đây 1 năm, 2 tháng #23270
|
Trước khi đánh người phải biết giữ mình Phàm cái gì mình thích, tất người ta cũng thích. Nếu cứ theo lòng dục mà vơ năm gấp mười không phòng bị thì có khi xôi hỏng bỏng không... Văn Công(1) nước Tấn đem quân sang đánh nước Vệ(2). Giữa đường gặp một ông lão đang bừa ruộng, cứ ngẩng mặt lên trời cười khanh khách mãi. Văn Công cho đòi lại hỏi: “Ngươi cười cái gì thế?”. Ông lão thưa rằng: “Tôi cười người láng giềng nhà tôi. Anh ta đưa vợ đi chơi nhà bà con. Giữa đường gặp người con gái hái dâu, anh ta thích quá, lén vợ rẽ xuống ruộng dâu nói chuyện với người con gái. Một chốc ngoảnh lên xem vợ đi đến đâu thì thấy một chàng đang vẫy vợ anh ta đi. Ấy câu chuyện chỉ có thế, tôi nghĩ mà tôi không nhịn cười được”. Văn Công nghe nói, tỉnh ngộ kéo quân về. Về chưa đến nơi, thì đã thấy báo có giặc ngoài vào xâm phạm trên mạn bắc trong nước. Liệt Tử Lời bàn: Phàm cái gì mình thích, tất người ta cũng thích. Nếu cứ theo lòng dục mà vơ năm gấp mười không phòng bị thì có khi xôi hỏng bỏng không, chẳng những không lấy được gì của người ta, mà mình có gì cũng mất vào tay người ta nữa. Việc nước cũng thế, đi đánh nước ngoài mà không nghĩ giữ nước nhà, thế là bỏ nước mình cho giặc vậy. TC (st) 2.9.23 |
|
└(≣) CỔ HỌC TINH HOA cách đây 1 năm, 1 tháng #23296
|
Mạnh Thường Quân và nước Tần Mạnh Thường Quân(1) là một nhà nghĩa hiệp nước Tề, muốn sang nước Tần(2) để du thuyết(3). Có hàng nghìn người can ngăn mà không được. Sau Tô Tần đến can, Mạnh Thường Quân bảo rằng: - Việc người thì ta đây không còn sót gì nữa, chỉ có việc quỷ thần là ta chưa được rõ mà thôi. Tô Tần(4) đáp: - Ấy chính tôi lại đây không phải là nói việc người, tôi cốt định đem việc quỷ thần(5) nói để ông nghe. Mạnh Thường Quân nói: - Ừ, thế nói ta nghe. Tô Tần nói: -Vừa rồi tôi lại đây, đi qua con sông, tôi thấy một pho tượng đất nói chuyện với một pho tượng gỗ. Tượng gỗ bảo tượng đất: Ngươi là đất nặn thành hình, đến mùa mưa nước sông lên, ngập lụt cả thì ngươi bở tan ra mất. Tượng đất nói: Ta có tan ra nữa, ta vốn là đất, thì đất lại hoàn đất mà thôi. Chớ như ngươi là gỗ tạc thành hình, nước tràn ngập lên thì chưa biết ngươi trôi dạt vào đâu, mà rồi ra thế nào... Nay nước Tần là nước hiểm trở, vua Tần là vua bạo ngược, nếu ông vào đấy thì chưa biết có ra thoát được không. Mạnh thường Quân nghe nói bèn thôi không sang nước Tần nữa. Lời bàn: Mạnh Thường Quân cậy là tài giỏi, trước đã không chịu nghe ai, mà sau lại nghe Tô Tần, là vì lời Tô Tần đây thực là một bài học cho những kẻ có tính mạo hiểm mà không biết liệu sức mình. Mạo hiểm là một tính hay, nhưng phải biết mình, biết người thì mới thành được việc mà không đến nỗi thất bại. (1) Mạnh Thường Quân: con vua nước Tề thời Chiến Quốc, họ Điền tên Văn làm tướng nước Tề có tiếng là người nghĩa hiệp, trong nhà lúc nào cũng tiếp đãi đến vài nghìn người khách (2) Tần: tên nước đời Xuân Thu (tức là tỉnh Thiểm Tây bây giờ) đến đời Tần chiếm được cả sáu nước mà nhất hống thiên hạ (3) Du thuyết: nhà ngôn luận giỏi đời Chiến Quốc thường dùng lưòi biện bácmà làm cho người ta xiêu lòng phải nghe. (4) Tô Tần: người thời Chiến Quốc, là một nhà du thuyết giỏi, có công đi liên hợp được sáu nước để chống lại nước Tần (5) Quỷ thần: quỷ: bậc thiêng liêng ở trên trời. Mạnh Thường Quân thấy Tô Tần đến, đột ngột đem chuyện quỷ thần hỏi có ý làm cho khó khăn. Tô Tần không nói ra làm sao được nữa. Không ngờ Tô Tần ứng biến nhanh, lấy ngay chuyện quỷ thần làm ví dụ mà nói đến mình. TC 2-10.23 |
|
└(≣) CỔ HỌC TINH HOA cách đây 1 năm #23309
|
Bỏ quên con sinh Họ Công Sách(1) sắp tế. Trong các lễ vật bỏ quên không đặt con sinh(2), Khổng Tử nghe thấy chuyện, nói rằng: - Trong hai năm nữa, họ Công Sách thế nào cũng mất quan. Năm sau, họ Công Sách quả nhiên mất quan thật. Môn nhân(3) hỏi rằng: - Trước họ Công Sách sắp tế bỏ quên con sinh mà thầy nói trong hai năm nữa thì mất quan, nay sự quả nhiên. Dám hỏi vì nhẽ gì mà thầy biết trước như vậy?. Khổng Tử nói: ''Việc tế là việc người con có hiếu tỏ hết lòng thương nhớ cha mẹ, mà lúc sắp tế, bỏ quên con sinh, thì các công việc khác bỏ quên, bỏ sót chắc nhiều lắm. Như thế mà không mất quan thì không có lý'' Gia Ngữ Lời bàn: Việc tế lễ là việc rất thận trọng, tức là việc giao tế thần minh. Chỉ có người tận tâm và tận thành thì mới cảm cách được, con sinh là lễ vật rất thiết yếu, mà đến lúc tế, lại quên cả con sinh thì sự sơ suất không phải là nhỏ. Người như thế không thành tâm, công việc như thế là công việc không chu đáo. Xét một sự mà suy ra muôn sự. Khổng Tử suy xét mà biết, há có phải là tiên tri đâu. Nhưng suy xét chắc chắn mà phán đoán trúng việc thì có khác gì tiên tri. --------------- (1) Công Sách: học trò một ông quan đời Xuân Thu (2) Sinh: con muông dùng làm việc tế lễ như lợn, dê, trâu, bò. (3) Môn nhân: học trò của một ông thầy. TC 2.11.23 |
|
└(≣) CỔ HỌC TINH HOA cách đây 11 tháng, 3 tuần #23333
|
Dung người được báo
Vua Trang Vương nước Sở cho các quan uống rượu. Trời đã tối, đang lúc rượu say, đèn nến bỗng bị gió tắt cả. Trong lúc ấy, có một viên quan thừa cơ kéo áo cung nữ. người cung nữ nắm lấy, giật đứt giải mũ, rồi tâu với vua rằng: - Có kẻ kéo áo ghẹo thiếp. Thiếp giật được giải mũ. Xin cho thắp đèn ngay để khám xem ai đứt giải mũ thì chính là kẻ ghẹo thiếp... Vua gạt đi nói: - Thôi! Không làm gì! Cho người ta uống rượu, để người ta say, quên cả lễ phép, lại nỡ nào vì câu chuyện đàn bà mà làm sỉ nhục người ta!. Rồi lập tức ra lệnh rằng: - Ai uống rượu với quả nhân(1) hôm nay mà không say đến dứt đứt giải mũ là chưa được vui. Các quan theo lệnh, đều dứt giải rmũ cả. Nên suốt tiệc hôm ấy được vui vầy ổn thoả. Hai năm sau, nước Sở đánh nhau với nước Tấn. Đánh luôn năm trận mà trận nào cũng thấy một viên quan võ liều sống, liều chết xông ra trước mà đánh rất hăng, làm cho quân Tấn phải lùi. Vì thế mà quân Sở được. Trang Vương lấy làm lạ cho đòi viên quan ấy hỏi: - Quả nhân đãi nhà ngươi cũng như mọi người khác, cớ sao nhà ngươi lại hết lòng giúp quả nhân khác người như vậy? Viên quan thưa rằng: - Thần rắp tâm muốn đem tính mệnh để hiến nhà vua đã lâu. Mãi đến bây giờ mới gặp dịp báo đền nghĩa xưa, thực là may cho thần lắm... Thần là Tưởng Hùng, chính là người trước bị dứt giải mũ mà nhà vua không nỡ làm tội đấy... Đào Ngột (Sở Sử) Lời bàn: Ông vua không làm tội người công thần ghẹo cung nữ thực là có độ lượng, bao dung được lỗi của người. Người ghẹo cung nữ không quên cái ơn đã chịu, tìm cách để báo đáp, thực là có nghĩa, tỏ được cái bụng trung thành với người gia ơn. Có vua ấy tất có tôi ấy, vua tôi như thế thì nước đời nào mất được. Ông quan thanh bạch Làm quan như ông Dương Chấn đối với người đã đề bạt không cần ơn, đối với dân mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên, bạch nhật, chẳng cũng là một ông quan thanh liêm đáng làm gương cho bọn quan tham, lại nhũng muôn đời ư! Dương Chấn được bổ đi làm Thái thú quận Đông Lai. Lúc đi nhậm chức qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm khuya lại đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: “Trước tôi biết ông là người khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng đến cho tôi ư?”. Vương Mật cố nài, thưa rằng: “Xin ngài cứ nhận cho. Bây giờ đêm khuya không ai biết”. Dương Chấn nói: “Trời biết, đất biết, ông biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết?”. Vương Mật nghe nói xấu hổ lui ra. Dương Chấn thật là một ông quan thanh liêm, chỉ chăm việc dân việc nước, không tham nhũng, không làm giàu cho mình. Ông thường nói: “Làm quan mà để được cái tiếng thanh bạch cho con cháu, chẳng quý hơn là để tiền của, ruộng nương lại cho chúng ư?”. Hậu Hán Thư Lời bàn: Làm quan như ông Dương Chấn đối với người đã đề bạt không cần ơn, đối với dân mình cai trị không ăn lễ, lúc đêm khuya, tấm lòng cũng rõ rệt như lúc thanh thiên, bạch nhật, chẳng cũng là một ông quan thanh liêm đáng làm gương cho bọn quan tham, lại nhũng muôn đời ư! Làm quan mà vơ vét cho nhiều, chính mình chắc đâu đã giữ được, huống chi còn mong để lại cho con cháu. Như thế để lại cho chúng cái tiếng thanh bạch thơm tho cho muôn thuở chả hơn là cái của phi nghĩa chỉ tổ làm cho chúng kiêu sa dâm dật rồi đi đến bại vong ư! |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.17 giây