Chào Khách quý
|
NỘI DUNG CỦA CHỦ ĐỀ:
└(≣) QUÊ HƯƠNG - KIÊN GIANG cách đây 11 năm, 3 tháng #10013
|
HUYỆN GÒ QUAO - KIÊN GIANG
Huyện Gò Quao là một huyện của tỉnh Kiên Giang. Huyện Gò Quao phía bắc giáp huyện Châu Thành và huyện Giồng Riềng, tây bắc giáp sông Cái Lớn, ngăn cách với huyện An Biên, tây nam giáp huyện Vĩnh Thuận, phía nam giáp tỉnh Bạc Liêu, đông giáp tỉnh Hậu Giang. Diện tích : 439,47 km2 Dân số : 148.555 người. Các đơn vị hành chính : Thị trấn Gò Quao Xã Định An Xã Định Hòa Xã Thới Quản Xã Thủy Liễu Xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc Xã Vĩnh Hòa Hưng Nam Xã Vĩnh Phước A Xã Vĩnh Phước B Xã Vĩnh Thắng Xã Vĩnh Tuy. Huyện có quốc lộ 61 nối liền thành phố Cần Thơ - tỉnh Hậu Giang - tỉnh Kiên Giang; tuyến đê bao Ô Môn - Xà No; đường thủy phía Nam từ thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Cà Mau; sông Cái Lớn nối liền đường thủy phía Nam ra cảng cá Tắc Cậu và đổ ra biển Tây Nam; đường Hồ Chí Minh nối liền quốc lộ 61 về Cà Mau, Năm Căn. Ngày 20-05-1902, Pháp lập quận Gò Quao, thuộc tỉnh Rạch Giá, gồm 2 tổng là: tổng Kiên Định có 5 làng, tổng Thanh Biên có 7 làng. Ngày 24-11-1925, chuyển tổng Thanh Biên sang quận An Biên, quận Gò Quao còn lại tổng Kiên Định. Sau năm 1956, giải thể quận Gò Quao để thành lập quận Kiên Bình. Sau 30-04-1975, Gò Quao trở thành tên huyện của tỉnh Kiên Giang. Gò Quao là huyện vùng sâu của tỉnh Kiên Giang, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp. Từ năm 2000 trở lại đây, tốc độ tăng bình quân trên 10%, cơ cấu từng lĩnh vực kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các chỉ tiêu chủ yếu cơ bản đạt và vượt kế hoạch, tỷ trọng Nông - Lâm - Ngư nghiệp giảm từ 62,47% xuống 55%, Công nghiệp - Xây dựng tăng từ 10,27% lên 14%, Thương mại - Dịch vụ tăng từ 27,26% lên 31%. Gò Quao là địa bàn có nhiều đồng bào Khmer cư trú. Hàng năm lễ hội Ok Om Bok được tổ chức vào tháng 10 âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia đặc biệt là đồng bào Khmer. Rất nhiều lễ hội khác trên địa bàn huyện như lễ hội cúng đình rằm tháng giêng ở đình Vĩnh Tuy, các lễ hội tín ngưỡng dân gian khác...Nhiều hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức trong các ngày lễ này tạo không khí vui tươi, phục vụ đông đảo công chúng. Những năm qua, ngành Văn hoá của huyện Gò Quao đã có nhiều cố gắng trong việc xây dựng và tổ chức tốt đời sống văn hóa cho đồng bào. Hiện nay đã có nhiều đội Văn nghệ quần chúng được thành lập và hoạt động thường xuyên tại cơ sở. Một số đội văn nghệ của đồng bào Khmer được đầu tư các đạo cụ nhạc cụ truyền thống để đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Bên cạnh đó hệ thống các điểm biểu diễn văn hoá xã, các điểm đọc sách báo, hệ thống đài truyền thanh công cộng được xây dựng đã góp phần truyền tải thông tin và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trong huyện. Gò Quao là huyện có nhiều dân tộc cùng cư trú: Kinh (67,56%) Khmer (30,56%), Hoa (1,95%) là 1 trong 3 huyện có đông dân tộc Khmer nhất ở tỉnh Kiên Giang. Ở Gò Quao, ai cũng biết đến sư Trần Nhiếp, thượng tọa chùa Thanh Gia, xã Định Hoà, 40 năm qua, nhà sư liên tục đi khảo sát, vận động, thiết kế xây cầu bê tông và xây nhà tình thương tại các xã nghèo trên khắp huyện. Tới năm 2007 đã có gần trăm cây cầu trị giá hàng tỷ đồng “mọc” lên ở các xã Vĩnh Phước, Định An, Định Hoà, Thủy Liễu...huyện Gò Quao và các xã khác ở huyện Giồng Riềng. Riêng huyện Gò Quao giờ đây đã không còn cây cầu khỉ nào. Gò Quao là huyện có không ít nhiều kỷ niệm của Thầy Cô và các bạn chúng ta đã có một thời gian đi dạy bình dân học vụ. Xóa dốt ở vùng miền sâu này trong đó có Thanh Thảo. TT,25.12.13 |
|
└(≣) QUÊ HƯƠNG - KIÊN GIANG cách đây 11 năm #10796
|
Người dân Hà Tiên mỗi khi xa quê lại nhớ quay quắt một món ăn đơn giản nhưng cũng không kém vẻ cầu kỳ, chính là món gỏi cá trích. Cá trích nơi đâu cũng có, chúng sống gần bờ và người ta có thể đánh bắt quanh năm. Tuy nhiên, do đặc điểm nằm trong vùng vịnh là nơi cửa biển của những con sông từ miền sông Hậu đổ ra mang nguồn thức ăn dồi dào quanh năm, nên cá trích Hà Tiên béo tròn và thơm ngon kỳ lạ. Trước tiên người ta lấy những con cá trích còn tươi rói từ trên ghe lưới vừa cập bến. Những con cá tròn mẩy lớn hơn ngón tay được cắt đầu, đuôi, xẻ dọc hai bên thân để lấy thịt, loại bỏ xương, rồi được đem ướp với gừng, tỏi băm và trộn đều với thính. Coi như đã có một đĩa gỏi cá trích. Tiếp theo một phần cá được ép lấy nước cốt để chế làm nước chấm. Nước ép cá trích được nấu sôi lên, rót vào một ít nước mắm Phú Quốc chính hiệu, thêm vào những trái ớt hiểm hái từ trên núi, trộn thêm một ít đậu phộng rang vàng được giã sơ vào chén nước chấm. Sẽ thật thiếu sót nếu trên mâm gỏi cá trích không có mặt các loại rau rừng được người dân nơi đây hái tận trên núi về: đọt xoài, lá trâm non, lá sung, lá cách… Dĩ nhiên cũng không thể thiếu các loại rau quen thuộc khác như tía tô, xà lách, cải xanh, khế, chuối chát… Màu xanh của cải, màu đỏ của những lát ớt chín, màu vàng của đậu phộng rang lên, màu tím của tía tô và màu trắng của chuối sống được tước vỏ xắt lát… Âm dương, ngũ sắc gom cả vào món ăn gỏi cá trích. Trên mâm gỏi cá có xấp bánh tráng và một đĩa bún. Bạn lấy một miếng bánh tráng, đặt vào trong một nhúm gỏi cá trích kèm vài miếng khế chua, chuối chát, rau và một ít bún, cuốn tất cả lại thành một chiếc gỏi cuốn rồi chấm vào chén nước chấm đặc biệt. Cắn một miếng gỏi, bạn có thể cảm nhận được đồng loạt mùi vị rất đặc biệt của thịt cá trích ngọt dịu, khế chua thanh, ớt hiểm xứ núi cay đến chảy nước mắt, cuối cùng cảm giác chung là… không tả nổi! TT(St) 10.03.14 |
|
└(≣) QUÊ HƯƠNG - KIÊN GIANG cách đây 11 năm #10832
|
Hầu hết các vùng biển của Việt Nam đều có cá Nhồng. Cá thon, vẩy mịn, dọc theo lưng có những chấm đen, con nhỏ độ 700gr – 800gr , con lớn cỡ 8kg – 9kg. Một phụ trách những món ăn đặc sản Phú Quốc tại nhà hàng An Lộc cho biết, cá nhồng ở Phú Quốc được đánh giá ngon hơn những nơi khác do điều kiện môi trường biển tại đây nên cá lớn, thịt ngọt đậm, người lớn, trẻ nhỏ ăn rất tốt. Người địa phương thường dùng cá Nhồng để kho hay nấu mẳn. Nấu mẳn là kiểu chế biến rất đặc thù của dân đảo, cá được ướp với đầu hành lá và tiêu sọ cùng nước mắm nấu lên như nấu ngót. Mùi tanh của cá được tiêu và hành lá khử trở nên thơm, ngọt. Nếu có cá lớn, dư dả thì quết làm chả, cho thêm tiêu sọ, hành lá… Chả cá Nhồng chiên hay hấp đều có nét hấp dẫn riêng. Để lai rai thì chấm muối ớt có thêm tiêu rang giã sơ, cắn trúng hạt tiêu rang bể đôi vừa thơm vừa cay tê lưỡi mới đã. Còn muốn ăn với bánh tráng thì cuốn chả và rau chấm nước mắm chua ngọt. Ở Phú Quốc còn có món gỏi cá Nhồng, đây mới thực sự là độc chiêu của con cá Nhồng. Cá phải thật tươi, lọc lấy phi lê, cắt mỏng, rải hành phi và củ hành tây cắt khoanh lên mặt. Nhưng linh hồn của gỏi cá là ở nước chấm. Nước chấm là một hỗn hợp gồm tỏi, ớt, đậu phộng rang giã nhỏ pha với chanh, nước mắm nhĩ và nêm chút đường cho dịu lại. Sau khi pha, nước chấm phải có màu hổ phách mới đúng mức. Vắt chanh vào cá cho tái mặt rồi cuốn cá với bánh tráng, rau sống. Vị của nước chấm này khác hẳn nước chấm cũng làm bằng đậu phộng xay mịn để chấm gỏi cá của miền Trung như Bình Định, Nha Trang. Cá dai, ngọt ăn với bánh tráng, rau thơm và nước chấm thật tuyệt vời. Vào đến Sài Gòn, món cá nhồng được tái chanh chấm cùng mù tạt xanh (washabi) cay nồng xốc tận mũi – thêm một cách đa dạng hoá món ăn từ cá Nhồng. TT(St) 15.03.14 |
|
└(≣) QUÊ HƯƠNG - KIÊN GIANG cách đây 10 năm, 2 tháng #14720
|
BÚN CÁ KIÊN GIANG Kiên Giang là dải đất tận cùng phía tây nam Tổ quốc. Thiên nhiên đã hào phóng ban cho mảnh đất này có biển, có đảo, có núi rừng và cả một đồng bằng phì nhiêu, sông rạch chằng chịt. Môi trường thiên nhiên rất phong phú đã tạo cho nơi đây hệ động-thực vật nhiều chủng loại, đặc biệt là hải, thủy sản. Vùng đất này tôm cá nhiều vô kể. Hằng năm, Kiên Giang khai thác hơn 120 nghìn tấn hải sản và nguồn cá đồng lên đến hàng vạn tấn/năm. Vì thế món ăn nơi đây được chế biến rất đa dạng nhưng vẫn giữ được sắc thái riêng. Khách đến chơi nhà, chủ nhà thường hỏi ý khách thích ăn cá biển hay cá đồng mà thết đãi. Hỏi như thế, vì họ thực tình hiếu khách và cũng có một chút tự hào về những món ăn phong phú của quê hương mình. Cái tên bún cá Kiên Giang đã có rất lâu. Hỏi các cụ già nay đã bảy, tám mươi tuổi, họ cho biết thời các cụ còn thanh niên cũng đã gọi vậy rồi. Ai đặt tên cho nó? Các cụ bảo không biết, nhưng thấy thiên hạ gọi riết rồi mình cũng gọi theo. Đoán rằng người dân bản xứ không tự đặt cho nó. Bởi thuở ban đầu, họ chỉ xem bún cá là món ăn dân dã, bồi dưỡng con người sau những giờ lao động mệt nhọc, nào có mục đích buôn bán gì đâu mà phải đặt tên cứ gọi “bún cá” là được rồi. Nhưng nếu thêm hai chữ “Kiên Giang” thì có thể đây là cái tên do người phương khác đặt cho nó. Người đó phải là một du khách, đi chu du khắp nơi, biết nhiều món ngon vật lạ. Và, một dịp tình cờ được thưởng thức món bún cá độc đáo nơi đây, liền đặt một cái tên cho thật dễ nhớ, để sau này còn có dịp giới thiệu với bạn bè. Về sau, nó trở thành món ăn được nhiều người ưa thích, người ta mới có ý định lập quán để kinh doanh. Ở Kiên Giang, người ta thích ăn bún cá ở các quán bình dân nơi phố chợ hoặc gánh hàng rong phục vụ “thượng đế”. Ăn với không gian như thế mới cảm thấy hết cái ngon của món ăn dân dã này, bởi nó được hòa quyện với đất trời thiên nhiên và đồng cảm sẻ chia cả những giọt mồ hôi của người dân quê lao động. Giờ đây, bún cá Kiên Giang trở nên thân quen đến độ người ta còn nhờ nó để tỏ tình, tâm sự: Chai rượu, miếng trầu em hầu tía, má Nấu tô bún cá đặng lấy lòng anh. Hoặc là: Ai về Rạch Giá, Kiên Giang Ăn tô bún cá chứa chan tình người. Gọi là món ăn dân dã là theo cách nói khiêm tốn của người dân nơi đây. Nhưng xem họ chế biến, quả thực không kém phần công phu. Trước tiên cá lóc mua về phải còn sống. Chọn cá khoảng 1 kg/con là vừa. Cá được cạo vẩy, rửa sạch, cắt thành ba khúc đầu, mình và đuôi. Đầu cá được cắt khéo léo rời khỏi khúc mình nhưng còn dính nguyên bộ lòng. Dùng mũi dao nhỏ, khẽ rạch bao tử một đường, nhẹ nhàng lấy thức ăn thừa ra, chà muối rửa sạch. Nhớ cẩn thận không để vỡ mật, dập gan thì bộ ruột mất ngon. (ở Nam Bộ, người ta rất quý ruột cá lóc, bởi nó không những được xem là miếng ngon nhất trong con cá, mà còn mang một ý nghĩa văn hóa trong ứng xử giữa con người với nhau. Trong bữa ăn, họ thường nhường bộ lòng cá cho khách quý hoặc người trọng vọng nhất trong bàn). Cá được đem hấp bằng xửng, để nước ngọt trong cá chảy xuống nồi nước lèo bên dưới. Cá chín vớt ra, lột da đem bỏ, bẻ cá ra từng miếng, thịt trắng phau, xếp gọn gàng ra đĩa để riêng một chỗ. Kế đến người ta tìm cho được loại tép to bằng ngón tay, còn tươi rói, mà phải là tép biển chớ không được tép đồng. Tép đem rửa sạch, lột vỏ, bỏ đầu, ướp chút muối, một ít tiêu, tỏi… Sau đó đặt chảo lên bếp, phi tỏi mỡ cho thơm, bỏ tép vào rim, nhỏ lửa để tép săn lại, cuộn tròn vàng ươm, thơm lừng, múc ra tô để nguội. Nồi nước lèo được nêm cho vừa ăn. Muốn ngọt nước mà vẫn giữ được vị mặn mà, ta đem nướng con khô mực bằng bàn tay, rồi xé nhỏ bỏ vào. Không dùng xương heo hoặc bò, gà như nấu phở vì sẽ mất mùi đặc trưng của bún cá. Gặp mùa cá có trứng, người ta đánh trứng tơi ra, cho vào nồi nước, trứng nổi lên vàng tươi trông thật đẹp mắt. Bún cũng được chế tác thật kỹ. Đầu tiên là phải chọn gạo trắng thơm ngon, không lẫn tạp phẩm đem ngâm với nước dừa thơm. Sau đó vo sạch trong nước để gạo trắng tinh. Đem xay rồi cô lại, nhào bột cho thật mịn, cho vào khuôn và ép bột bún vào nồi nước đang sôi. Bún nổi lên là chín, vớt ra rửa lại với nước sạch để sợi bún không dính vào nhau. Công phu như thế, sợi bún mới được thơm ngon, mượt mà óng ánh như tơ. Cho bún vào tô nhúng qua nước lèo để sợi bún nóng lên, khi đó mới cho cá và tép lên trên, múc nước lèo ngập tô. Chớ vội ăn ngay, mà hãy ngắm nhìn những miếng cá trắng tinh nằm lẫn với tép vàng ươm co tròn xinh xắn, điểm trang thêm vài sợi hành lá thái nhỏ thơm thơm, nước lèo thì nóng hổi, bốc hơi nghi ngút. Ta hít một hơi thật dài để cảm nhận vị ngon bằng mũi, sau đó mới húp nhẹ chút nước lèo xem có vừa miệng không. Nếu lạt thì thêm nước mắm, mà phải là nước mắm nguyên chất chính hiệu Phú Quốc – Kiên Giang thì mới đúng hương vị bún cá nơi này. Thích cay thì có sẵn lọ ớt chua, bằm nhuyễn, muốn ăn bao nhiêu tùy thích. Ăn kèm với nó còn có giá sống, rau răm, húng thơm… Ở Kiên Giang, bún cá được bán cả ngày. Những tô bún thơm lừng là món lót dạ buổi sáng mà người dân ở đây ưa thích. Xế tầm, người ta tìm nó như một chút giải khuây, bồi dưỡng sức khỏe sau giờ lao động mệt nhọc. Nhưng có lẽ, ăn bún cá vào buổi đêm là thú vị nhất. Vào một tối nào đó, ta cùng với vài người bạn, chọn một quán ven đường cạnh dòng sông Kiên để được ngắm sao trời lấp lánh trên sông. Đừng quên gọi thêm tô đầu cá và một ít rượu… Trời về khuya, phố thị nằm yên, sương đêm nhẹ rơi và gió biển ngoài khơi nồng nàn thổi vào bờ… Ngà ngà say với bạn bè bên tô bún cá, mà thấy cuộc đời đáng yêu biết bao. TT(St ) 30.01.15 |
|
Copyright© 2012
Thời gian tải trang: 0.15 giây